GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 26/4/2005

 

1)  Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiết lộ: Ngài đã cầu Chúa đừng để ngài làm giáo hoàng
2) ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành về tinh thần và sứ vụ truyền giáo

3) Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một con người yêu thích thiên nhiên và thể thao

4) Vị chủ tịch Liên Hiệp Thế Giới Lutherô hào hứng nơi tân giáo triều của Giáo Hoàng Biển Đức XVI

5) Giáo Chủ Anh Giáo về vấn đề đại kết của ĐTC Biển Đức XVI

 

 



Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiết lộ: Ngài đã cầu Chúa đừng để ngài làm giáo hoàng

Theo CNN hôm Thứ Hai 25/4/2005, thì chính vào ngày này, trong cuộc gặp gỡ phái đoàn hành hương Đức quốc cả 100.000 người (trong số 500.000 người) đến tham dự lễ đăng quang của ngài hôm qua, vị tân Giáo Hoàng đã tiết lộ cho họ là thành phần bản xứ rất hãnh diện vì có được một 1 giáo hoàng từ cả một thiên kỷ đến nay (vị đầu tiên là Đức Victor II – 1055-1057), biết là trong cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng vừa rồi, khi thấy mình càng lúc càng được nhiều phiếu, có 1 vị hồng y đã chuyền cho ngài mấy chữ nhắc lại những gì ngài đã giảng về Chúa Kitô kêu gọi Thánh Phêrô theo Người cho dù thánh nhân đã tỏ ra lưỡng lự.

Vị tân giáo hoàng cho biết: “Có lúc tôi đã cầu cùng Chúa rằng ‘xin đừng làm điều này cho con nghe’. Rõ ràng là lần này Ngài đã không nhận lời tôi”.

Ngài đã được tuyển bầu sau 4 lần bỏ phiếu trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một trong những cuộc bỏ phiếu nhanh nhất thế kỷ. Ngài nhiều lần bị ngắt lời bởi những lần vỗ tay. Ngài nhoẻn cười nhiều lần khi thấy được đồng hương ủng hộ. Họ đã hát lên bằng tiếng bản quốc rằng “Benedict Gott Geschickt – Biển Đức là người được Chúa sai đến”.

Cuộc gặp gỡ đồng hương này đã diễn ra sau khi ĐTC gặp gỡ phái đoàn Liên Tôn và Đại Kết vào giữa trưa.
 


TOP

 


ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành về tinh thần và sứ vụ truyền giáo

Trọng Kính Quí Hồng Y,
Chư Huynh Đáng Kính trong Hàng Giáo Phẩm và trong Hàng Giáo Sĩ,
Anh Chị Em thân mến:

Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì vào lúc mở màn cho thừa tác vụ Thừa Kế Thánh Phêrô Ngài đã ban cho tôi được dịp dừng lại nguyện cầu trước tượng của Thánh Phaolô. Đối với tôi, đây là một chuyến hành hương tôi mong đợi đã lâu, một cử chỉ đức tin tôi thực hiện nhân danh bản thân mình cũng như Giáo Hội hoàn vũ đã được trao phó cho tôi chăn dắt. Một cuộc hành hương thực sự đi vào tận căn gốc của sứ vụ truyền giáo, của sứ vụ truyền giáo được Chúa Kitô phục sinh trao phó cho Thánh Phêrô, cho các Tông Đồ, và đặc biệt cho cả Thánh Phaolô nữa, khi khiến ngài loan truyền Phúc Âm cho các Dân Ngoại, cho đến khi ngài tiến đến thành phố này là nơi, sau khi đã rao giảng về Vương Quốc của Thiên Chúa một thời gian dài (Acts 28:31), ngài đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa của ngài là Đấng đã ‘biến ngài làm của mình’ (Phil 3:12) để sai ngài đi.

Trước khi Đấng Quan Phòng đưa ngài đến Rôma thì Vị Tông Đồ này đã viết cho các Kitô hữu ở thành phố này, thủ đô của Đế Quốc Rôma, bức thư quan trọng nhất của ngài về khía cạnh tín lý. Đoạn mở đầu của bức thư này vừa được công bố, một lời dẫn nhập được Vị Tông Đồ sử dụng để chào cộng đoàn Rôma, giới thiệu mình là ‘người tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, được gọi để trở thành một người Tông Đồ’ (Rm 1:10). Sau đó ngài nói thêm: ‘Nhờ (Chúa Giêsu Kitô) chúng ta đã được ơn làm tông đồ để vì danh của Người mang đức tin tuân phục đến cho tất cả mọi dân nước” (Rm 1:5).

Các Bạn thân mến, với tư cách là vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi đến đây để lấy đức tin làm sống lại “ơn được làm tông đồ” này, như Thiên Chúa, theo kiểu diễn tả khác của Vị Tông Đồ Dân Ngoại, đã ủy thác cho tôi “nỗi lo âu đến tất cả mọi giáo hội” (2Cor 11:28). Trước mắt chúng ta là gương mẫu của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II thân yêu khả kính của tôi, một vị Giáo Hoàng truyền giáo, có những hoạt động, theo tinh thần ấy, được tỏ ra nơi hơn 100 chuyến tông du ngoài biên giới Ý quốc, là những gì thực sự khó có thể theo nổi. Cái gì đã thúc đẩy ngài đi đến chỗ năng động như thế, nếu không phải là chính tình yêu của Chúa Kitô đã biến đổi đời sống của Thánh Phaolô (x 2Cor 5:14) hay sao? Chớ gì Chúa Kitô cũng thấm nhập tình yêu ấy cả nơi tôi nữa, để tôi không lặng thinh trước những khẩn trương cần phải loan báo Phúc Âm cho thế giới hôm nay. Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo; công việc chính yếu của Giáo Hội là truyền bá phúc âm hóa. Công Đồng Chung Vaticanô II đã giành riêng cho hoạt động truyền giáo một sắc lệnh được thực sự gọi là ‘Cho Muôn Dân – Ad Gentes’, trong đó, chúng ta được nhắc nhở rằng “chính các vị Tông Đồ, thánh phần là nền tảng của Giáo Hội, theo bước chân của Chúa Kitô, ‘đã rao giảng lời chân lý và sinh ra các giáo hội’. Đó là nhiệm vụ của những ai kế vị các ngài để làm cho công việc này kéo dài ‘hầu lời Chúa được lan truyền và sáng tỏ (2Thes 3:1), và vương quốc của Thiên Chúa được loan báo và thiết lập khắp thế giới”.

Vào lúc mở màn cho đệ tam thiên niên kỷ đây, Giáo Hội lại cảm thấy một cách mãnh liệt là lệnh truyền giáo của Chúa Kitô hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết. Đại Năm Thánh 2000 đã dẫn Giáo Hội đến chỗ ‘bắt đầu lại từ Chúa Kitô’, Đấng được chiêm ngắm bằng việc nguyện cầu, để ánh sáng chân lý của Người được tỏa chiếu cho tất cả mọi người, nhất là qua chứng từ thánh đức. Tôi xin nhắc lại câu tâm niệm được Thánh Biển Đức nêu lên trong Luật Dòng của ngài, khi ngài huấn dụ thành phần đan sĩ của ngài là ‘đừng coi gì hơn tình yêu Chúa Kitô’ (Đoạn 4). Thật vậy, tiếng gọi trên đường đi Damascus đã thực sự khiến cho Thánh Phaolô đi đến chộ là lấy cho Chúa Kitô làm tâm điểm của cuộc sống mình, bỏ hết mọi sự để nhận biết Người hơn và cho thừa tác vụ yêu thương của Người, rồi dấn thân loan báo Người cho tất cả mọi người, nhất là cho dân ngoại ‘để danh Người được cả sáng’ (Rm 1:5). Lòng say mê Chúa Kitô đã khiến ngài rao giảng Phúc Âm chẳng những bằng lời nói, mà còn bằng cả sự sống của ngài nữa, một sự sống đã giống với sự sống của Chúa Kitô hơn bao giờ hết. Cuối cùng Thánh Phaolô đã loan báo Chúa Kitô bằng cuộc tử đạo, và bằng máu của mình, cùng với máu của Thánh Phêrô cũng như của những chứng nhân Phúc Âm, đã tưới lên mảnh đất này và làm cho sinh hoa kết trái Giáo Hội Rôma, một giáo hội chủ trì bằng mối hiệp thông đức ái (x. Thánh Ignatiô Antiôkia, ‘Thư gửi Tín Hữu Rôma’, 1:1).

Thế kỷ 20 là một thời điểm tử đạo. Đức Gioan Phaolô II đã rõ ràng nêu lên sự kiện này, khi xin Giáo Hội ‘hãy thực hiện Tử Đạo Thư’ và đã phong thánh và chân phước cho nhiều vị tử đạo thuộc lịch sử cận đại. Bởi thế, máu tử đạo là hạt giống cho thành phần Kitô hữu mới, nhất là ở những nơi chịu nhiều đau khổ nhất vì đức tin và để làm chứng cho Phúc Âm.

Chúng ta hãy ký thác ước muốn này cho việc chuyển cầu của Thánh Phaolô. Chớ gì ngài xin cho Giáo Hội Rôma, cách riêng cho vị Giám Mục của giáo hội này, được hân hoan loan báo và làm chứng cho tất cả mọi người Tin Mừng của Chúa Kitô Cứu Thế.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/4/2005


 

TOP


Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một con người yêu thích thiên nhiên và thể thao

ĐTGM đã từng làm việc với ĐHY Joseph Ratzinger nhiều năm trong Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin là Tarcisio Bertone, nay làm hồng y TGM Genoa, đã cho biết ĐHY Tổng Trưởng của ngài bấy giờ là “một con người dừng lại trên đường đi để lắng nghe và trả lời dân chúng. Những thứ kiểu người được vẽ vời bởi một số truyền thông hoàn toàn sai lầm”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “One-O-Five Live” của Đài Phát Thanh Vatican, vị giáo chủ Genoa này đã chia sẻ cảm nghiệm sống của mình với đức tân Giáo Hoàng người Đức ấy.

“Ngài là một người nhậy cảm với nhạc và nhậy cảm với thiên nhiên, một con người trong cuộc đi bộ đến Borgo Pio và Khu Vườn Vatican thậm chí nói chuyện cả với những con mèo. Tôi đã cố gắng để hiểu được ngôn từ ngài nói với các con mèo thường vui thú khi gặp ngài.

“Vị Giáo Hoàng này thích đồi núi, thích cảnh thiên nhiên um tùm cây cỏ. Ngài đã sống những ngày nghỉ của mình ở đồi núi Bavaria và ở Ý gần Bressanone. Ngài hằng ngày đi bộ đến Borgo Pio và Khu Vườn Vatican vào khoảng độ 3 giờ 30 chiều.

“Thế nhưng vị Giáo Hoàng này cũng là một con người yêu thích thể thao nữa. Chúng ta đừng quên rằng ngài là người ham mộ cầu thủ Bayern của đội tuyển Monaco, khi huấn luyện viên của Bayern vào cuối thập niên 1990 là Giovanni Trapattoni, một huấn luyện viên Juventus nổi tiếng. Tôi thường nói chuyện với ngài về thể thao, tôi là một tay mê túc cầu, và vị Giáo Hoàng này đã viết những cuốn sách bằng tiếng Đức về Trapottoni.

“Trapattoni đọc các cuốn sách của ĐHY Ratzinger bằng Đức ngữ. Đó là một liên hệ tốt đẹp, với một đại huấn luyện viên đích thân ngài biết đến và nói chuyện với. Đức Biển Đức XVI cảm phục Giovanni Trapattoni và ngài có một liên hệ tốt đẹp với thể thao.

“Ngài là một con người biết nói những lời dí dỏm, người biết cách làm bạn và vun trồng những mối thân tình bền bỉ. Ngài là một con người của thiết nghĩa….

“Chúng tôi biết rằng ngài luôn có một liên hệ tốt đẹp với các phong trào (mới trong giáo hội). Ngài cảm nhận những phong trào ấy, nhìn nhận nơi những phong trào này tặng ân của Thần Linh trong mùa xuân sau Công Đồng Chung Vaticanô II.

“Thách đố trước hết của Đức Biển Đức XVI đó là việc loan báo Phúc Âm, là việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa. Đức Giáo Hoàng đã xin hồng y chúng tôi đặc biệt giúp ngài trong công việc lớn lao này, trong việc cho con người của thời đại chúng ta biết lý do chúng ta tin tưởng. ĐHY Ratzinger đã làm cho chúng ta làm quen với, dạy cho chúng ta biết cống hiến những lý do chúng ta tin tưởng; một căn tính Kitô giáo rõ ràng để đối thoại với hết mọi người. Cần bắt đầu từ kiến thức và chứng từ căn tính đức tin riêng củamình, tỏ ra tôn trọng tất cả mọi người, bằng việc trình bày chứ không áp đặt, như ngài đã luôn làm trong việc ngài đối thoại với thành phần bất đồng.

“Cái thách đố thứ hai đó là áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II, tiếp tục trung thành với truyền thống 2000 năm của Giáo Hội.

Được hỏi có tái diễn việc tranh luận về những căn gốc DoThái và Kitô Giáo của Âu Châu hay chăng, vị hồng y này trả lời rằng:

“Tôi tin rằng chúng ta không được bỏ cuộc và Đức Biển Đức XVI sẽ dẫn chúng ta trong công cuộc tái thiết lịch sử của chúng ta, đời sống xã hội của chúng ta, của các quốc gia chúng ta, về những căn gốc Do Thái và Kitô Giáo, và bởi thế, chúng ta cũng sẽ có thể thấy được một mùa hoa chứng từ, tức là một mùa phát triển những ai cho thấy sống theo căn gốc Kitô là điều khả dĩ. Có nhiều người muốn điều này. Rất nhiều người theo Đức Giáo Hoàng”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/4/2005


 

TOP


Vị chủ tịch Liên Hiệp Thế Giới Lutherô hào hứng nơi tân giáo triều của Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Vị chủ tịch của tổ chức Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới là Mục Sư Mark Hanson, lập gia đình và có 6 người con, đồng thời cũng là vị giám mục chủ tịch ở Chicago của Evangelical Lutheran Church tại Hoa Kỳ, đã khen kiến thức sâu rộng của Vị Giáo Hoàng về Martin Luther và mong muốn củng cố vấn đề hiểu biết nhau hơn giữa người Công Giáo và Luthêrô.

Vấn: Giáo Hoàng Biển Đức XVI xuất thân từ Đức, quê hương của Luthêrô. Mục sư có nghĩ rằng điều này có thể giúp vào việc hiểu biết về tổ chức Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới hay chăng?

Đáp: Từ việc phục vụ của ngài với vai trò là linh mục, giáo sư và giám mục ở quê hương Đức quốc của ngài, chúng tôi biết rằng Giáo Hoàng Biển Đức XVI rất quen thuộc với những người Luthêrô.

Chúng tôi có đủ lý do để hy vọng thấy được những phát triển đại kết tốt đẹp và việc hiểu biết nhau hơn nơi những người Luthêrô và những người Công giáo Rôma trong giáo triều của vị Giáo Hoàng này.

Trong vai trò lãnh đạo Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ĐHY Ratzinger đã mang lại cho vai trò lãnh đạo đại kết quan trọng, bao gồm cả việc ủng hộ việc chính thức chấp nhận một văn kiện rất lịch sử, đó là Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Điều Công Chính Hóa. Bản văn kiện này được ký ở Augsburg, Đức quốc, quê hương xứ sở của Đưc Giáo Hoàng, vào ngày 31/10/1999. Đó là ngày theo truyền thống những người Luthêrô cử hành Cuộc Cải cách.


Vấn: Vị tân Giáo Hoàng coi việc đại kết là một ưu tiên cần đến những cử chỉ chứ không phảo chỉ bằng lời nói. Mục sư cho rằng ngài nói gì đây.

Đáp: Trong Thánh Lễ đầu tiên sau khi được bầu làm giáo hoàng, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cho thấy rằng ngài sẽ theo đuổi thực hiện mối hiệp nhất Kitô giáo, tiếp tục vấn đề canh tân của Công Đồng Chung Vaticanô II, và nỗ lực đối thoại liên tôn như là những vấn đề quan trong của vai trò làm giáo hoàng của ngài.

Tôi có lý hy vọng điều này vì danh hiệu được Hồng Y Joseph Ratzinger chọn là Biển Đức XVI. Việc chọn lựa danh hiệu giáo hoàng này nhắc đến hoạt động của Giáo Hoàng Biển Đức XV, vị đã phục vụ trong thời điểm Thế Chiến Thứ I và được tiếng là một người bắc cầu liên kết và là hòa giải viên.

Danh hiệu giáo hoàng này hướng về Thánh Biển Đức, vị sáng lập nên phong trào đan viện tu Kitô giáo, vị được ghi công về việc đã bảo trì và tìm cách canh tân Kitô giáo ở Tây Âu.

Tất cả những điều này là các ấu hiệu thực sự cho thấy rằng Giáo Hoàng Biển Đức XVI coi việc đại kết là vấn đề tối ưu tiên, và những gì ngài nói sau khi được bầu làm giáo hoàng đã xác nhận như thế.

Vấn: Giáo Hội Công Giáo có một vị tân Giáo Hoàng là một thần học gia hàng đầu. Mục sư có thấy được rằng sẽ có một cuộc đối thoại đại kết về thần học tốt đẹp hơn hay chăng?

Đáp: Chúng tôi đã có được một cuộc đối thoại hào hứng và mật thiết với Tòa Thánh Vatican.

Thật sự Giáo Hoàng Biển Đức XVI rât ư là giỏi về thần học. Qua nhiều năm, ngài là vị cố vấn thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II, và với vai trò lành đạo Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ngài đã thực hiện vai trò lãnh đạo quan trọng về đại kết.

Trong mấy ngày đầu của mình làm Giáo Hoàng, ngài tỏ ra muốn tiếp tục những cuộc đối thoại quan trọng về thần học này.

Vấn: Mục sư đã tiếp nhận lời kêu gọi của ngài trong vấn đề cổ võ những liên hệ và hiểu biết với một số giáo hội và hệ giáo phái?”

Đáp: Tôi tiếp nhận lời kêu gọi của ngài một cách hết sức hy vọng. Trong Thánh Lễ đầu tiên của ngài sau khi được chọn bầu làm giáo hoàng, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói rằng công việc “hoạt động để tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ Chúa Kitô” là một công việc quan trọng.

Về phần mình, ngài đã cho biết là “Vị tân Giáo Hoàng này biết rằng công việc của ngài đó là mang ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi trước con người nam nữ của thế giới này; không phải là ánh sáng của mình mà là của Chúa Kitô”.

Đó là một nhắc nhở quan trọng cho tất cả chúng ta là thành phần được kêu gọi để đóng vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội vậy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/4/2005

 

TOP

 


Giáo Chủ Anh Giáo về vấn đề đại kết của ĐTC Biển Đức XVI


Trong buổi triều kiến chung của thành phần Đại Kết và Liên Tôn trưa Thứ Hai 25/4, có cả sự hiện diện của ĐHY Walter Kasper và Cha Don Bolen thuộc Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, vị Giáo Chủ Anh Giáo là Rowan Williams, TGM Canterbury, đã được nói chuyện một chút với ĐTC Biển Đức XVI và đã cho biết nhận định của mình như sau trong một cuộc họp báo ở Đại Học Anh Quốc ở Rôma, với sự hiện diện của cả ĐTGM Westminster là hồng y Cormac Murphy-O’Connor, về vấn đề đại kết nơi vị tân giáo hoàng này, kể cả việc vị này ngỏ mời ngài sang thăm Anh Quốc.


“Những gì đã làm cho chúng tôi cảm thấy phấn khởi trong cuộc viếng thăm này đó là hai điều. Dĩ nhiên một điều là Giáo Hoàng Biển Đức đã tỏ ra nhấn mạnh đến việc lấy làm ưu tiên hoạt động đại kết. Ngài đã nói về việc làm tôi tớ cho mối hiệp nhất, và chúng ta đã cảm thấy thấm thía khi chúng tôi nghe thấy thế.


“Còn vấn đề thứ hai mà tôi nghĩ là rất rõ ràng qua bài giảng tuyệt vời ngài đã nói trong Lễ đăng quang đó là vấn đề chứng từ Kitô giáo hiệp nhất, một chứng từ cho sự kiện là, như ngài đã nói trong bài giảng, ‘Phúc Âm không đòi chúng ta trở nên kém nhân bản hơn mà là càng nhân bản hơn’”.


Về cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết với Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị giáo chủ Anh Giáo cho biết:


“Đây là một cuộc gặp gỡ có nhiều nhân vật đại biểu đại kết hiện diện, bởi thế ngài không thể nói dài được. Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng và tôi đã nói chuyện với nhau mấy lời, và hứa cầu nguyện lẫn cho nhau như ngài đề nghị, khi chúng tôi dấn thân thi hành thừa tác vụ của mình.


“Tôi rất hân hạnh đã có thể ngỏ lời mời vị tân Giáo Hoàng này đến Anh Quốc để biết đến Giáo Hội Anh Quốc bao nhiêu có thể, mặc dù tất cả chúng ta đều biết rằng lời mời này không phải là lời mời duy nhất ngài nhận được trong 24 tiếng đồ hồ như thế”.


Vị giáo chủ Anh Giáo này còn nhận định về cuộc đời của vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI như sau:


“Tôi thấy rằng có ba giai đoạn trong cuộc đời của con người giờ đây là Giáo Hoàng Biển Đức. Là một thần học gia, bắt đầu ở Đức quốc, ngài đã viết một số điều hết sức tốt đẹp và vẫn còn hiệu quả về bản chất của Giáo Hội cũng như về bản chất của đức tin Kitô giáo. Một số bản văn khá phổ thông ngài đã viết đặc biệt trong thập niên 1970 tôi vẫn còn thấy đặc biệt sinh hoa kết trái.


“Giai đoạn thứ hai đó là giai đoạn ngài đặc trách chuyên môn trong công việc của mình ở Vatican về vấn đề nắm vững tín lý. Và ngài đã liên lỉ tranh đấu, bằng những cách thức dĩ nhiên làm cho người ta cảm thấy có những lúc trở ngại, về vấn đề làm sáng tỏ ý nghĩa vấn đề.


“Giờ đây ngài đã lãnh nhận một công việc thứ ba. Ngài sẽ thi hành công việc này ra sao chúng ta không biết, thế nhưng ngài đã tỏ dấu thật sự muốn phát triển mối thân hữu với những người khác theo tinh thần của vị cố Giáo Hoàng của ‘Ut Unum Sint – Xin cho họ được hiệp nhất nên một’, bằng cách lôi kéo người khác tham gia vào cuộc đối thoại về thừa tác vụ Thánh Phêrô cần phải được hành sự.


“Đối với tôi dường như trong mấy tuần qua, cái chết và lễ an táng của Đức Gioan Phaolô II cũng như những biến cố chung quanh lễ đăng quang của cuối tuần lễ này, đã cho thấy một thứ tiên hưởng của một mối thân hiệp toàn cầu của dân chúng qui tụ lại tôn thờ một cách nào đó đã vượt ra ngoài những khó khăn về những thứ ý nghĩa liên quan đến tín lý. Chúng ta như thế thoáng nhìn thấy những lãnh vực khác của mối hiệp nhất mà riêng tôi cảm thấy rằng đó là lãnh vực chúng ta đang tìm cách thực hiện. Đó thực sự là niềm nguyện cầu của tôi vậy”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/4/2005

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ