GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 27/4/2005

 

1)  Tôi muốn chia sẻ về danh hiệu tôi đã chọn khi trở thành vị giám mục Rôma và vị chủ chiên của Giáo Hội hoàn vũ” - ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần lần đầu tiên (Thứ Tư 27/4/2005)
2) Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Một Tân Âu Châu

3) ĐTC Biển Đức XVI: Biến Cố 911 trước cái nhìn của Hồng Y Ratzinger

 

 

Tôi muốn chia sẻ về danh hiệu tôi đã chọn khi trở thành vị giám mục Rôma và vị chủ chiên của Giáo Hội hoàn vũ” - ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần lần đầu tiên (Thứ Tư 27/4/2005)

 

Anh Chị Em thân mến!


Tôi vui mừng đón mừng anh chọ em và thân ái chào tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, cũng như những ai đang theo dõi chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Như tôi đã bày tỏ trong lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với các Vị Hồng Y, cũng chính vào Thứ Tư tuần trước ở Nguyện Đường Sistine, tôi trải qua những cảm giác đối chọi trong tâm thần của tôi vào những ngày bắt đầu thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô của tôi này: cảm giác kinh sợ
và tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã làm cho tôi ngỡ ngàng hơn ai hết khi gọi tôi thừa kế Thánh Phêrô, và có một lo âu trong lòng trước công việc lớn lao cùng với những trách nhiệm được trao phó cho tôi. Tuy nhiên, tôi đã an tâm và vui mừng vì tin tưởng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa, sự hỗ trợ của Trinh Nữ Maria Mẹ rất Thánh của Người, cũng như sự hỗ trợ của các thánh quan thày. Tôi cũng cảm thấy được nâng đỡ bởi việc gắn bó thiêng liêng của tất cả dân Chúa là thành phần, như tôi đã lập lại hôm Chúa Nhật vừa rồi, là tôi tiếp tục xin hộ giúp tôi bằng lời nguyện cầu liên lỉ.


Sau cái chết thánh đức của vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của mình, những buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần theo truyền thống được bắt đầu lại hôm nay. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, trước hết, tôi muốn chia sẻ về danh hiệu tôi đã chọn khi trở thành vị giám mục Rôma và vị chủ chiên của Giáo Hội hoàn vũ. Tôi đã chọn cho mình danh hiệu giáo hoàng Biển Đức XVI thực sự là có liên hệ tới vị Giáo Hoàng đáng kính Biển Đức XV, vị đã hướng dẫn Giáo Hội qua thời biến loạn của Thế Chiến Thứ Nhất. Ngài thực sự là một vị ngôn sứ can trường của hòa bình đã đấu tranh một cách hăng hái và can trường, trước hết là để tránh thảm kịch chiến tranh, sau đó là để hạn chế những hậu quả kinh khiếp của nó. Tôi thực hiện thừa tác vụ của tôi theo bước chân của ngài, trong việc phục vụ cho vấn đề hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc, hết sức tin tưởng rằng sự thiện cao cả hòa bình trước hết là tặng ân Chúa ban, một tặng ân mong manh nhưng quí hóa cần phải được kêu nài, bảo toàn và kiến tạo hằng ngày bằng việc đóng góp của hết mọi người.

 

Danh hiệu Biển Đức ngoài ra còn gợi lên cho thấy một hình ảnh nổi bật về vị đại ‘tổ phụ của đan viện tu tây phương’, đó là Thánh Biển Đức ở Nursia, vị đồng quan thày Âu Châu với thánh Cyrilô và Methôđiô. Việc mau chóng phát triển Dòng Biển Đức được ngài sáng lập đã gây tác dụng lớn lao cho việc truyền bá Kitô giáo khắp lục địa Âu Châu. Đó là lý do Thánh Biển Đức đã được tôn kính rất nhiều ở Đức quốc, nhất là ở Bavaria, miền đất nguyên quán của tôi; ngài thiết lập một cứ điểm nồng cốt cho việc hiệp nhất Âu Châu và một lời kêu gọi mãnh liệt trở về với những cội nguồn Kitô giáo của văn hóa và văn minh Âu Châu.

 

Chúng ta biết lời huấn dụ được Vị Tổ Phụ của đan viện tu Tây Phương này để lại cho thành phần đan sĩ của mình đó là “Tuyêt đối không coi gì hơn Chúa Kitô” (Luật Dòng 72:11; 4:21). Vào lúc mở đầu cho việc tôi phục vụ như vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi xin Thánh Biển Đức hãy giúp chúng ta biết cương quyết lấy Chúa Kitô làm tâm điểm của đời sống chúng ta. Chớ gì Người bao giờ cũng là những gì trên hết trong tâm tưởng cũng như trong tất cả mọi hoạt động của chúng ta!

 

Tôi cảm mến nghĩ lại vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, vị chúng ta đã mắc nợ một di sản thiêng liêng đặc biệt. Ngài đã viết trong tông thứ “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Thiên Niên Kỷ” rằng “Các cộng đồng Kitô hữu chúng ta cần phải trở thành một ‘học đường’ cầu nguyện, nơi cuộc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện chẳng những ở chỗ nài xin ơn giúp đỡ mà còn ở chỗ tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ, cho đến khi tâm hồn thực sự ‘say yêu’” (số 33).

 

Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi triều kiến chung 26/1/2005.

 

Các bạn thân mến, một lần nữa cám ơn các bạn đã đến viếng thăm; cám ơn các bạn về lòng cảm mến các bạn giành cho tôi. Chúng là những thứ cảm mến tôi xin thân ái đáp trả các bằng phép lành đặc biệt tôi ban cho anh chị em có mặt nơi đây, cho gia đình của anh chị em cũng như cho tất cả mọi người thân yêu của anh chị em.

 

(ĐTC đã tóm tắt bài diễn từ của ngài như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Thật là hết sức vui mừng được đón tiếp anh chị em và cũng chào những ai theo dõi buổi triều kiến này qua truyền thanh và truyền hình. Sau cái chết thánh đức của vị tiền nhiệm thân yêu là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi đến với anh chị em hôm nay cho buổi triều kiến chung lần đầu tiên của tôi.

 

Đầy cảm giác kinh sợ và tạ ơn, tôi muốn nói về lý do tại sao tôi đã chọn danh hiệu Biển Đức. Trước hết, tôi muốn nhớ đến Giáo Hoàng Biển Đức XV, vị ngôn sứ hòa bình can trường, vị đã dẫn dắt Giáo Hội qua những thời chiên tranh tao loạn. Theo chân ngài, tôi muốn thực hiện thừa tác vụ của mình để đem lại hòa giải và hòa thuận giữa các dân tộc.

 

Ngoài ra, tôi nhắc lại Thánh Biển Đức thành Nursia, vị đồng quan thày Âu Châu, vị có đời sống khơi dậy những cội nguồn Kitô giáo của Âu Châu. Tôi xin ngài giúp đỡ tất cả chúng ta biết cương quyết lấy Chúa Kitô làm tâm điểm cho đời sống Kitô hữu của chúng ta: Chớ gì Chúa Kitô luôn chiếm chỗ nhất trong tâm tưởng và hành động của chúng ta!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 27/4/2005

 

 

TOP

 

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Một Tân Âu Châu

 

(Tiếp bài "Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Đại Kết Kitô Giáo" Thứ Sáu 22/4)

 

Trong một bài được viết vào chính ngày Thứ hai 18/4, ngày mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng bắt đầu, cũng là bài được phổ biến trên mạng điện toán toàn cầu thoidiemmaria.net ngày 19/4/2005, và được cả mạng điện toán toàn cầu dongcong.net lấy phổ biến cùng ngày, tức trước khi có tân giáo hoàng mấy tiếng đồng hồ, tôi đã đặt tựa đề cho bài viết là “Vị Tân Giáo Hoàng 265 có thể là một hồng y người Pháp gốc Ba Lan Do Thái hay một hồng y thuộc dòng Phanxicô...”.

 

Tuy những chi tiết ở đầu đề cho bài viết hoàn toàn sai bét. Thế nhưng, nếu ai đã đọc bài này trước khi có tân giáo hoàng, sẽ thấy có những chi tiết rất thích hợp với vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI hiện nay. Trong bài viết này, tôi đã lập luận để đưa đến 3 kết luận sau đây: Thứ nhất, vị tân giáo hoàng vẫn còn là người Âu Châu; thứ hai, bởi vì Âu Châu, sau khi Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, cần phải tiến đến chỗ hiệp nhất về tôn giáo mới có thể đứng vững trước nạn Hồi giáo và truyền giáo; và thứ ba, muốn thế, vị tân giáo hoàng chẳng những là người Âu châu mà còn cần phải có chiều hướng nội tâm.

 

Trước hết, về vị tân giáo hoàng vẫn còn là người Âu Châu, và bởi vì Âu Châu, sau khi Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, cần phải tiến đến chỗ hiệp nhất về tôn giáo mới có thể đứng vững trước nạn Hồi giáo và truyền giáo, tôi đã viết như sau:

 

“Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng xuất phát từ một nước Cộng Sản đã hiển nhiên được Chúa dùng để làm sụp đổ Cộng Sản ở Âu Châu, và đang cố gắng hết sức để giúp cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo căn gốc Kitô giáo của mình. Thế nhưng, cho tới khi ngài qua đời, Khối Hiệp Nhất Âu Châu này… vẫn muốn phủ nhận căn gốc Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu và căn tính Âu Châu của mình, và cũng chính vì không ‘trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa’ (x Mt 22:21), bằng việc nhìn nhận căn tính Kitô giáo của mình như thế, châu lục này đã sống như không có Thiên Chúa, và đang bị khủng hoảng đức tin rất ư là trầm trọng, nơi đã cả hơn ngàn năm làm cho hạt giống Kitô giáo phát triển và truyền bá đi khắp nơi trên thế giới, nhưng đồng thời lại là nơi có những phân rẽ trong nội bộ Kitô giáo từ thế kỷ 16, với hai cuộc ly giáo liền vào tiền bán thế kỷ này là Thệ Phản (1519) và Anh Giáo (1535)....

 

“Nếu cứ đà này, Kitô giáo ở Âu Châu càng ngày càng xuống dốc, trong khi Hồi giáo càng ngày càng thịnh, mà Hồi giáo, theo lịch sử cho thấy, bao giờ cũng kị Kitô giáo, và đã từng triệt hạ Kitô giáo trước đây, thậm chí cho tới nay vẫn còn xẩy ra ở các quốc gia Hồi giáo của họ, thì Giáo Hội Công giáo là tâm điểm của Âu Châu về quyền lực tôn giáo này cần phải đứng vững hơn bao giờ hết, không phải chỉ vì sợ Hồi giáo lấn át, cho bằng tái phúc âm hóa Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo tinh thần Kitô giáo.

 

“Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thực sự trở về với căn gốc Kitô giáo của mình, cho đến độ tiến đến chỗ Đại Kết Kitô giáo, Kitô giáo mới có thể là chứng nhân truyền bá phúc âm hóa phần thế giới chưa nhận biết Chúa Kitô, nhất là ở Á Châu, và mới có thể tái phúc âm hóa cho cả thế giới Kitô giáo ở toàn Mỹ Châu, nhất là Bắc Mỹ, nơi cũng đang quằn quại trong nền văn hóa sự chết... Với vai trò và vị thế quan trọng như thế của Âu Châu đối với vận mệnh và sứ mệnh của Giáo Hội Công giáo trước mắt như thế, những gì đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cố thực hiện mà chưa hoàn thành, thì vị giáo hoàng 265 cần phải là vị giáo hoàng vẫn thuộc về Âu Châu…”

 

Thật vậy, về điểm thứ nhất, vị giáo hoàng vẫn ở Âu Châu, đó là vị tân giáo hoàng người Đức, nguyên hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Về điểm thứ hai, sở dĩ vị tân giáo hoàng vẫn còn là người Âu Châu vì vị tân giáo hoàng có liên hệ tới vận mệnh Âu Châu, điểm này đã được tỏ hiện ngay nơi danh hiệu giáo hoàng của ngài, một danh hiệu đã làm cho mọi người ngỡ ngàng, một danh hiệu quả thực có liên hệ đến Âu Châu, như được chính ngài minh định trong buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 27/4/2005 cách đây hai hôm như sau. Ngài nói:

 

“Danh hiệu Biển Đức ngoài ra còn gợi lên cho thấy một hình ảnh nổi bật về vị đại ‘tổ phụ đan viện tu tây phương’, đó là Thánh Biển Đức ở Nursia, vị đồng quan thày Âu Châu với thánh Cyrilô và Methôđiô. Việc mau chóng phát triển Dòng Biển Đức được ngài sáng lập đã gây tác dụng lớn lao cho việc truyền bá Kitô giáo khắp lục địa Âu Châu. Đó là lý do Thánh Biển Đức đã được tôn kính rất nhiều ở Đức quốc, nhất là ở Bavaria, miền đất nguyên quán của tôi; ngài thiết lập một cứ điểm nồng cốt cho việc hiệp nhất Âu Châu và mãnh liệt kêu gọi trở về với những cội nguồn Kitô giáo của văn hóa và văn minh Âu Châu”.

 

Về điểm thứ ba trong bài viết được đề cập đến trên đây, tôi còn nói vị tân giáo hoàng thiên về đời sống nội tâm và nhấn mạnh đến việc sống nội tâm, nguyên văn những lời tôi viết như sau:

 

“Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy đoán như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là ‘thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum’, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt”.

 

Những lời này cũng đã được tôi phổ biến trong buổi phát thanh Tin Mừng Sự Sống 240 Thứ Sáu 15/4/2005.

 

Đúng thế, danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI của vị tân giáo hoàng 265 của Giáo Hội đã cho thấy ngài hướng về vị thánh tổ phụ của đan viện khổ tu, và kêu gọi sống nội tâm, như chính ngài đã kêu gọi cũng trong bài huấn dụ cho buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư trên đây. Ngài nói:

 

“Chúng ta biết lời huấn dụ được Vị Tổ Phụ của đan viện tu Tây Phương này để lại cho thành phần đan sĩ của mình đó là ‘Tuyêt đối không coi gì hơn Chúa Kitô’ (Luật Dòng 72:11; 4:21). Vào lúc mở đầu cho việc tôi phục vụ như vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi xin Thánh Biển Đức hãy giúp chúng ta biết cương quyết lấy Chúa Kitô làm tâm điểm của đời sống chúng ta. Chớ gì Người bao giờ cũng là những gì trên hết trong tâm tưởng cũng như trong tất cả mọi hoạt động của chúng ta!”

 

Ngoài ra, cũng theo chiều hướng nội tâm này, vị tân giáo hoàng đã minh định là ngài sẽ tiếp tục đường lối 'duc in altum' (thả lưới ở chỗ nước sâu) của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, như ngài đã nói trong cùng bài huấn từ cho buổi triều kiến chung trên đây thế này:

 

"Tôi cảm mến nghĩ lại vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, vị chúng ta đã mắc nợ một di sản thiêng liêng đặc biệt. Ngài đã viết trong tông thứ 'Vào Lúc Mở Màn Cho Một Thiên Niên Kỷ' rằng 'Các cộng đồng Kitô hữu chúng ta cần phải trở thành một học đường cầu nguyện, nơi cuộc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện chẳng những ở chỗ nài xin ơn giúp đỡ mà còn ở chỗ tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ, cho đến khi tâm hồn thực sự say yêu’ (số 33).

 

"Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x 'Insegnamenti di Giovanni Paolo II', I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi triều kiến chung 26/1/2005".

 

Đối với tôi, sau khi thấy được 3 ba điểm suy đoán này đã xẩy ra đúng với vị tân giáo hoàng, tôi thấy ngài quả thực là một “dấu chỉ thời đại”, với những sự kiện sau đây liên quan đến nước Đức của ngài nói riêng và đến biến cố sắp đến của Giáo Hội diễn ra tại quê hương của ngài nói chung.

 

Trước hết, về phương diện tôn giáo, nước Đức của ngài, theo lịch sử, là một nước phát xuất ra phong trào Thệ Phản Tin Lành từ tiền bán thế kỷ 16, với linh mục dòng Âu Quốc Tinh tên là Martin Luthêrô năm 1519. Bởi thế, phải chăng vị giáo hoàng 265 người Đức của Giáo Hội Công Giáo này là một “dấu chỉ thời đại”, vì ngài quả thực đã minh nhiên chủ trương đặt ưu tiên hàng đầu cho giáo triều của ngài là Hiệp Nhất Kitô giáo?

 

Sau nữa, về phương diện chính trị, nước Đức của ngài, cũng theo lịch sử, là một nước gây ra hai Thế Chiến I và II trong tiền bán thế kỷ 20, và Bức Tường Bá Linh sau Thế Chiến Thứ Hai ở nước của ngài là biểu tượng cho tinh thần chia rẽ Âu Châu. Như thế, phải chăng vị tân giáo hoàng thay thế Đức Gioan Phaolô II là “một dấu chỉ thời đại”, vì ngài quả thực lấy danh hiệu giáo hoàng hết sức lạ lùng là Biển Đức, vị thánh quan thày của Âu Châu và là vị thánh liên quan đến văn hóa chung của Âu Châu?

 

Sau hết, về biến cố của Giáo Hội liên quan đến chính quốc gia của vị tân giáo hoàng người Đức này là Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XX tại Cologne vào trung tuần tháng 8/2005. Phải chăng Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Đức quốc này cũng là một “dấu chỉ thời đại”? Bởi vì, tại sao Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần XX này không ở một nước nào khác, như ở Á Căn Đình năm 1987, ở Tây Ban Nha năm 1989, ở Balan năm 1991, ở Mỹ năm 1993, ở Phi Luật Tân năm 1995, ở Pháp năm 1997, ở Rôma năm 2000, ở Gia Nã Đại năm 2003, mà cho tới năm 2005 là năm có vị tân giáo hoàng người Đức mới diễn ra, mà diễn ra với chính sự hiện diện của vị giáo hoàng bản quốc này, vì ngài đã hứa sẽ đến với ngày này.

 

Theo tôi, nếu chuyến về Balan đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 6/1979, như lịch sử chứng thực, là một biến cố quyết liệt đã đưa đến Biến Cố Đông Âu sụp đổ đúng 10 năm sau đó, thì biết đâu chuyến về quê hương lần đầu tiên vào tháng 8/2005 này của vị giáo hoàng người Đức cũng có một tác dụng làm cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất như vậy. Nếu Công Đoàn Liên Đới ở Balan là một lực lượng bất bạo động đã làm sụp đổ cả Khối Đông Âu thế nào, thì chỉ cần Khối Liên Hiệp Thế Giới Lutherô ở Đức Quốc, một tổ chức đã chính thức ký kết với Giáo Hội Công Giáo Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa ngày 31/10/1999, công khai trở về với Giáo Hội Công Giáo, các cộng đoàn giáo hội Kitô giáo Tây phương khác cũng theo nhau trở về với Giáo Hội Công Giáo.

 

“Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8). Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và cho riêng vị tân giáo hoàng của chúng ta, để chờ đợi thấy được những gì Vị Chủ Tể Lịch Sử làm việc qua người tôi tớ được Ngài tuyển chọn với danh hiệu Biển Đức XVI. Amen.

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Biến Cố 911 trước cái nhìn của Hồng Y Ratzinger

 

Sau đây là bài phỏng vấn của Antonella Palermo của Đài Phát Thanh Vatican với Hồng Y Joseph Ratzinger sau khi xẩy ra biến cố 911. Đài Phát Thanh Vatican đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu cho phát thanh lại buổi phỏng vấn này sau khi vị hồng y đây trở thành giáo hoàng. Vào thời điểm của cuộc phỏng vấn này, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ lkãnh đạo chống khủng bố ở A Phú Hãn đã tiến sang tháng thứ hai.

 

Vấn:     Cuốn sách của ĐHY (“Thiên Chúa và Thế Giới”) mới ra lò ở Ý cách đây hai hôm, sau cuộc khủng bố tấn công ở Hiệp Chủng Quốc. Nếu cuốn sách này ra đời muộn hơn một chút thì ĐHY có thêm thắt những nhận thức gì nữa hay chăng?

 

Đáp:    Có lẽ tôi nói rằng việc lạm dụng danh Thiên Chúa là một vấn đề, vì cuộc tấn công này nhân danh Thiên Chúa mà làm. Ở đây tôn giáo bị lạm dụng cho những mục tiêu khác; danh của Ngài đã bị chính trị hóa và bị biến thành một yếu tố của quyền lực.

 

Đàng khác, có lẽ tôi đã nói thêm thêm về nhu cầu cần phải nhận biết dung nhan nhân loại của Thiên Chúa. Nếu chúng ta thấy dung nhan của Chúa Kitô, Chúa chúng ta, Đấng chịu khổ vì chúng ta và tỏ ra Người đã yêu thương chúng ta là chừng nào khi chết vì chúng ta, chúng ta sẽ có một quan niệm về Thiên Chúa loại trừ tất cả mọi hình thức bạo lực.

 

Bởi thế, đối với tôi, chính dung nhan Chúa Kitô là câu trả lời hay nhất cho việc lạm dụng một vị Thiên Chúa đã bị biến thành dụng cụ cho quyền lực của chúng ta.

 

Vấn:     “Tôi dám nói rằng không ai có thể giết người khác mà không biết rằng đó là việc xấu” – ĐHY đã nói điều này trong cuốn sách ấy để trả lời cho câu hỏi “Có ai không có lương tri hay chăng?” Vậy thì câu này áp dụng ra sao với bất cứ loại bảo thủ nhân danh sự thiện, nhân danh Thiên Chúa?

 

Đáp:    Phải, bình thường có nhiều loại bảo thủ khác nhau.

 

Chẳng hạn, tôi nói rằng trong số những người tin lành ở Hiệp Chủng Quốc, có một số hoàn toàn sống theo những lời của Thánh Kinh – mà nếu họ hoàn toàn trung thành với Thánh Kinh, họ sẽ không bị rơi vào cạm bẫy của nạn cuồng tín và vào một thứ tôn gaío trở thành bạo lực.

 

Thế nhưng, chính chúng ta cần phải hiểu rằng tôn giáo là một tặng ân Chúa ban và phải sống trong khuôn khổ của Giáo Hội. Chúng ta không thể mạo dụng tôn giáo – tôn giáo hoàn toàn gắn liền với lời Chúa.

 

Tôi nghĩ là anh có thể nói chúng ta có được mức quân bình này giữa một cái gì đó không thể bị mạo dụng, đó là lời Chúa, và một thứ tự do giúp chúng ta có thể sống Lời này và làm chứng cho Lời ấy qua đời sống của chúng ta.


Vấn:     Có một “thứ chiến tranh chính đáng” hay chăng?

 

Đáp:    Đó là vấn đề chính yếu được quan tâm đến. Trong việc biên soạn cho Cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã xẩy ra hai vấn đề: vấn đề án tử hình và vấn đề về thuyết chiến tranh chính đáng là những gì được tranh luận nhiều nhất. Cuộc tranh luận đã diễn ra liên quan tới tính cách khẩn trương trước phản ứng của những người Hoa Kỳ. Hay, chẳng hạn một thí dụ khác đó là Balan là nước tự vệ chống lại Hitler.

 

Tôi có thể nói rằng chúng ta không thể nào coi thường, theo truyền thống Kitô giáo cũng như trong một thế giới bị mang dấu vết tội lỗi, bất cứ một cuộc tấn công xấu xa nào đe dọa hủy diệt chẳng những nhiều thứ giá trị, nhiều người, mà còn chính hình ảnh nhân loại nữa.

 

Trong trường hợp này, trường hợp tự vệ mình và người khác, là một nhiệm vụ. Chẳng hạn, chúng ta nói rằng một người cha thấy gia đình mình bị tấn công thì có nhiệm vụ buộc phải bênh vực gia đình bao nhiêu có thể, cho dù có phải sử dụng đến bạo lực tương xứng.

 

Vậy, vấn đề chiến tranh chính đáng được xác định theo những giới hạn sau đây:

 

1)         Cần phải cứu xét mọi sự theo lương tri, và phải tìm hết mọi cách khác nhau nếu chỉ có một cách duy nhất có thể cứu lấy sự sống con người và những giá trị;

 

2)         Chỉ được sử dụng phương tiện cần thiết nhất để tự vệ và bao giờ cũng phải tôn trọng nhân quyền; trong một cuộc chiến tranh như thế cần phải tôn trọng kẻ thù như một con người và cần phải tôn trọng tất cả mọi quyền lợi căn bản.

 

Tôi nghĩ rằng truyền thống Kitô giáo về điểm này đã cống hiến những câu trả lời cần phải được cập nhật hóa căn cứ vào những phương pháp hủy diệt mới cũng như những thứ nguy hiểm mới. Chẳng hạn, dân chúng không có cách nào để tự vệ khỏi bom nguyên tử. Bởi thế mà những câu trả lời ấy cần phải cập nhất hóa lại.

 

Thế nhưng, tôi xin nói rằng chúng ta không thể hoàn toàn loại trừ nhu cầu, nhu cầu về luân lý, cần phải có để bênh vực một cách xứng hợp con người và những giá trị đối với thành phần tấn công bất chính…


Vấn:     Là một Kitô hữu trong ngàn năm mới, ĐHY có bao giờ sợ Thiên Chúa hay chăng?

 

Đáp:    Tôi không sợ Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Bình thường tôi nhìn nhận những điều yếu hèn của tôi, tội lỗi của tôi và biết rằng những điều ấy làm tổn thương Chúa là Đấng hết sức chăm sóc cho chúng ta.

 

Tôi cho rằng, theo ý nghĩa này, tôi sợ về cách thức những hành động của tôi gây ra cho Chúa – một điều hoàn toàn khác với sự hiểu biết theo truyền thống về sợ hãi. Theo chiều hướng ấy thì tôi không sợ Thiên Chúa; tôi tôn kính Chúa và vì thế tôi không muốn làm bất cứ điều gì tác hại Người.


Vấn:     Có một câu nói đáng buồn được sử dụng ngày nay là “Chúa thì được nhưng Giáo Hội thì không”. Trong cuốn sách này, ĐHY đáp lại với câu nói ấy bằng một ghi chú. ĐHY có thể làm sáng tỏ ghi chú này  chăng?

 

Đáp:    Đúng thế, vì khi nói “Thiên Chúa thì được, hay thậm chí Chúa Kitô thì được, Giáo Hội thì không”, tôi đã tạo nên một vị Thiên Chúa, theo những gì tôi muốn ngài là, theo ý nghĩ riêng và ước muốn riêng của mình.

 

Vị Thiên Chúa chân thực, vị quan án thực sự của hữu thể tôi và là ánh sáng thực sự cho cuộc đời tôi, là Đấng sống trong tôi. Thiên Chúa là Đấng bất khả đổi thay theo ý nghĩ hay ước muốn của tôi. Nếu tôi có thể thay đổi được vị Thiên Chúa này theo những nhu cầu và ước muốn của mình thì có nghĩa là tôi coi trọng Người và tôi đi tìm cái nhân tạo này.


Vấn:     ĐHY cũng nói trong cuốn sách ấy về khuynh hướng hợp với lời “Thiên Chúa thì được, tôn giáo thì không”.

 

Đáp:    Đó là một khía cạnh khác của vấn đề ngày nay, ở chỗ, chúng ta tìm kiếm một cái gì đó tôn giáo, một cái gì đó tôn giáo cống hiến cho chúng ta thoải mái ở một mức độ nào đó. Nhân loại muốn hiểu Đấng vô cùng, muốn có những câu giải đáp về thứ chiều kích khác ấy, về thứ “mặt khác” tiết ra cái dịu ngọt và niềm hy vọng không thể nào có nơi những thứ vật chất ấy.

 

Tôi thực sự nghĩ rằng đây là một thứ xu hướng lớn ngày nay: đó là tách mình khỏi nhu cầu sống đức tin, khỏi thưa “vâng’ một cách thực sự với Thiên Chúa là cầu đáp đầy ý nghĩa.

 

Người ta đang tìm kiếm được thoải mái cấp thời hơn mà không cần phải thực sự dấn thân. Trong khi nó có thể là rất đẹp khi đi vào thứ chiều kích huyền diệu này – không cần phải có một dấn thân nào – anh chỉ đi đến chỗ thuần túy thỏa mãn các nhu cầu tức thời và anh bị giam cầm trong cảm quan của anh về bản thân mình”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 27/4/2005


 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ