GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 29/4/2005 |
1) Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một Đại Thần Học Gia Thời Hiện Đại
2) Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI về tình hình văn hóa Âu Châu qua nhận định của HY Joseph Ratzinger
Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một Đại Thần Học Gia Thời Hiện Đại
Ông Brumley, vị giám đốc nhà xuất bản Ignatius Press, một nhà xuấn bản chính của thế giới Anh ngữ về các tác phẩm của ĐHY Joseph Ratzinger, trong một cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, và được Zenit phổ biến ngày 26/4/2005, đã cho biết nhận định hân hoan của mình về tặng ân tân Giáo Hoàng là một đại thần học gia đệ nhất thời hiện đại như sau:
Vấn: Đâu là một số những đóng góp quan trọng nhất được ĐHY Ratzinger vào khoa thần học trong giai đoạn 20 năm làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin?
Đáp: Cần phải phân biệt giữa công việc của Hồng Y Ratzinger với tư cách là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin CDF (Congregation for the Doctrine of Faith) với công việc làm với tư cách là một thần học gia.
Những đóng góp của ngài với tư cách là tổng trưởng CDF thì khác nhau theo thứ loại được ngài đóng góp với tư cách là một thần học gia, cho dù chúng hiển nhiên đều qui về giáo huấn Công Giáo.
Với tư cách là tổng trưởng CDF, ngài đã ban hành các văn kiện thuộc về loại giáo huấn được Thần Linh soi dẫn của Giáo Hội. Những người Công giáo cần phải đón nhận và chấp nhận giáo huấn này như là giáo huấn Công Giáo chuyên chính. Những văn kiện này còn quan trọng hơn là việc đóng góp của một thần học gia thuần túy cho khoa thần học.
Vì các thần học gia đồng thời cũng không đến được với Mạc Khải thần linh qua những gì mạc khải này được thể hiện nơi Thánh Kinh được linh ứng cũng như nơi Thánh Truyền được Thần Linh tác động như được huấn quyền dẫn giải, mà văn kiện liên tục của huấn quyền tự bản chất là những gì “góp phần vào khoa thần học”.
Các thần học gia hữu trách đều sử dụng giáo huấn của giáo hội để luận suy một cách hợp lý và theo hệ thống về những gì được Thiên Chúa mạc khải. Bởi thế văn kiện của vị tổng trưởng CDF thực sự là những gì “đóng góp cho khoa thần học”.
ĐHY Ratzinger đã tiếp tục phát hành các tác phẩm thần học ngoài việc ngài thi hành thẩm quyền thuộc vai trò CDF của mình. Một số tác phẩm có liên hệ chặt chẽ với một vài văn kiện và liên quan tới CDF.
Chẳng hạn, trong số các tác phẩm khác có tác phẩm ngài viết về “Bản Chất và Sứ Vụ của Khoa Thần Học” là tác phẩm liên quan tới văn kiện CDF “Ơn Gọi Giáo Hội của Thần Học Gia”. Tác phẩm “Được Kêu Gọi Hiệp Thông” chất chứa những cuộc bàn luận thần học về bản chất của Giáo Hội, về vai trò giáo hoàng cũng như về vấn đề thần học đang được tranh cãi sôi nổi nơi vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ.
Cũng thế, cuốn “Chân Lý và Dung Nhượng”, một tác phẩm bàn đến Kitô giáo và các tôn giáo không phải Kitô giáo, đã cho thấy những ý nghĩ của thần học gia Ratzinger về giáo huấn của Giáo Hội trong văn kiện “Chúa Giêsu” được tổng trưởng CDF Ratzinger ban hành.
Về tính cách xứng hợp đối với tác phẩm của một thần học
gia thì cuốn “Chân Lý và Dung Nhượng” là tác phẩm làm khuyếch đại và đào sâu hơn
những gì được chứa đựng nơi văn kiện “Chúa Giêsu”, một văn kiện chỉ lập lại giáo
huấn của Giáo Hội buộc những người Công giáo phải tuân tín.
Vấn:
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ mang lại cho giáo triều của ngài những gì từ
chính bản thân ngài cùng với các thứ hay ho về thần học của ngài?
Đáp: Mặc dù vị tổng trưởng Ratzinger nổi bật hơn thần học gia Ratzinger, chúng ta đều có phúc có được, nơi Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một thần học gia và là một vị mục tử đã từng suy tư và nguyện cầu lâu dài tha thiết về Chúa Giêsu Kitô, về Giáo Hội cũng như về sứ vụ của Giáo Hội đối với thế giới.
Tôi tin rằng ngài sẽ tiếp tục công việc lưỡng diện của Công Đồng Chung Vaticanô II, đó là việc canh tân đời sống nội tâm của Giáo Hội và việc đẩy mạnh sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội trên thế giới này. Ngài đang quyết tâm cải tiến những nghiên cứu về thánh kinh cũng như canh cải việc người Công giáo cảm nhận sâu xa cùng tham dự vào phụng vụ thánh.
Ngài đang mạnh mẽ công bố về ơn gọi phổ quát nên thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngài hiểu được tầm quan trọng của vấn đề đối thoại nơi Kitô hữu cũng như của việc đối thoại với các tôn giáo cùng các người tìm kiếm chân lý trên thế giới, trong khi đó ngài vẫn chủ trương tính cách thuần khiết của đức tin Công giáo và nhấn mạnh đến động lực tái truyền giáo để lan truyền phúc âm Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.
Và ngài biết rằng nơi những lãnh vực về luân lý cũng như về vấn đề công bằng xã hội, sứ điệp Kitô giáo vẫn chưa được thử nghiệm và chưa thấy cần thiết, như G.K. Chesterton ghi nhận, nhưng đã từng gặp phải khó khăn mà vẫn chưa được thử nghiệm. Ngoài ra, ngài còn thấy cả mối đe dọa của tương đối thuyết cực đoan và nhiều thứ “chủ nghĩa” khác nữa.
Vấn:
Ông nghĩ gì về những văn phẩm của Hồng Y Ratzinger trong những năm qua?
Đáp: Việc tôi đọc những tác phẩm của ngài khiến tôi nghĩ rằng ngài là một trong những đại thần học gia đệ nhất của thời đại chúng ta đây. Những tác phẩm của ngài cho thấy việc ngài trung thành với truyền thống Công giáo, một kiến thức về đức tin không già mà luôn mới.
Thật là tuyệt vời khi chúng ta có một vị Giáo Hoàng đã từng viết rất nhiều trước khi trở thành Giáo Hoàng. Cũng tuyệt vời nữa ở sự kiện là trong khi ngài giữ một vai trò cao cấp trong giáo hội thì đồng thời ngài lại dấn thân vào hoạt động trí thức khôn ngoan của một thần học gia.
Những tác phẩm của ngài bao gồm một lãnh vực rộng lớn, về thần học có những cuốn như “Những Nguyên Tắc Thần Học Công Giáo” và “Chân Lý và Dung Nhượng”, về những suy tư mục vụ ở cuốn “Đồng Cán Sự Viên Chân Lý”, và về những phân tách sâu xa liên quan đến các thứ ý hệ tân tiến khác nhau và cuộc nói chuyện thẳng với các ký giả về đời sống lẫn đức tin của mình và tình trạng Giáo Hội trong cuốn “Muối Đất”, “Thiên Chúa và Thế Giới” và “Tường Trình Ratzinger”.
Những ai yên trí ngài là một tư tưởng gia cứng cỏi thụt lùi là thành phần không hề đọc những gì ngài viết hay đọc vừa phải thôi. Cuốn mới đây của ngài về Thánh Thể là cuốn “Thiên Chúa Gần Gũi Chúng Ta” là một đóng góp tuyệt vời cho Năm Thánh Thể của Đức Gioan Phaolô II, và cuốn “Nhập Môn Kitô Giáo” là một tác phẩm thuộc loại kinh điển. Bộ hồi niệm đầu tiên của ngài, được biết đến như là “Những Đoạn Đường Đời”, đã cho thấy đức tin sâu xa và kiến thức của con người cao cả này.
Vấn:
Ông nghĩ thế nào về di sản về thần học của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II?
Đáp: Thật là khó lòng mà tóm tắt di sản về thần học của ngài một cách ngắn gọn. Việc áp dụng mục vụ liên tục của Công Đồng Chung Vaticanô II đối với những vấn đề thách đố Giáo Hội và thế giới có lẽ là di sản chính yếu của ngài. Vấn đề thăng tiến đức tin cá nhân và ơn gọi nên thánh phổ quát là hai đề tài quan trọng về khía cạnh này.
Việc Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến khoa giáo hội học hiệp thông của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng là những gì quan trọng nữa. Ngài đã thấy mối hiệp thông này như là một dự phần trần thế vào mối hiệp thông thần linh của Chúa Ba Ngôi được Chúa Kitô hiện thực và được Giáo Hội phổ biến trên thế giới. Biểu hiện trực tiếp của sứ vụ này đó là việc kêu gọi thực hiện một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa.
Về khía cạnh luân lý thần học của ngài thì chính yếu là khoa nhân bản Kitô giáo của ngài và “thần học về thân thể” của ngài. Tình đoàn kết và sự hỗ trợ là những gì được nhấn mạnh đến trong giáo huấn về xã hội của ngài, một giáo huấn bắt nguồn từ việc nhấn mạnh đến phẩm vị của con người và những trách nhiệm hỗ tương loài người phải có đối với nhau bởi họ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi sống cùng một định mệnh trong Chúa Giêsu Kitô.
Sau hết, giáo huấn về Thánh Mẫu của ngài đề cao vai trò chính yếu của Chúa Giêsu Kitô – chúng ta nói rằng tất cả những gì chúng ta làm liên quan đến Đức Trinh Nữ đều bởi vì Mẹ có liên hệ với Chúa Kitô và với Giáo Hội của Người. Mẹ Maria là mô phạm sống đức tin, một đức tin nhờ ơn Chúa ‘xin vâng’ phó mình cho Thiên Chúa nhờ đó đạt được ơn hiệp thông thần linh.
Vấn:
Ông nghĩ Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ xâu đắp cho di sản của Đức Gioan Phaolô
ra sao?
Đáp: Là cánh tay phải của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nói theo thần học, ngài đã đóng góp cho việc phát triển cái di sản ấy từ đầu. Vả lại, cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Biển Đức XVI đều chịu ảnh hưởng của Công Đồng Chung Vaticanô II và có những quan điểm về sứ vụ của Giáo Hội ngày nay được khuôn đúc bởi công đồng này.
Tôi nghĩ rằng Đức Biển Đức XVI sẽ tiếp tục ý hướng của Đức Gioan Phaolô kêu gọi thực hiện một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa – việc chọn danh hiệu Biển Đức của Hồng Y Ratzinger cho thấy điều này rất rõ.
Tôi cho rằng Đức Gioan Phaolô II đã bắt đầu chuyển cầu cho vị kế vị của mình rồi đó vậy.
Tân Giáo Hoàng tình hình văn hóa Âu Châu qua nhận định của HY Joseph Ratzinger
Trong bài diễn từ được bày tỏ vào một cuộc cử hành ở Rôma do vị chủ tịch của Thượng Viện Ý quốc là ông Marcello Pera thực hiện trong Tháng 5/2004, sau biến cố gia nhập của 10 quốc gia mới vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, ĐHY Joseph Ratzinger đã cảnh giác là cuộc khủng hoảng của gia đình đang tác hại đến căn tính của địa lục Âu Châu.
“Chính vào giờ phút thành công nhất này của mình, Âu Châu lại dường như trở nên rỗng ruột, bị liệt bại ở một nghĩa nào đó bởi một cuộc khủng hoảng nơi guồng máy tuần hoàn của nó”, một cuộc khủng hoảng gây nguy hại đến cho “căn tính của nó”.
“Cùng với tình trạng bị suy yếu nội tại nơi những năng lực thiêng liêng còn xẩy ra vấn đề là về phương diện luân thường đạo lý Âu Châu dường như cũng đang trải qua một cuộc phân ly.
“Có một cái thiếu hứng khởi lạ lùng về tương lai. Trẻ em, thành phần là tương lai của xã hội, lại bị coi là mối đe dọa cho hiện tại; chúng bị coi là lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của chúng ta”.
Tình trạng này, theo ngài, đánh dấu “tình trạng xuống dốc của Đế Quốc Rôma”. Ngài nhắc lại là trước đây, cả hai miền Đông lẫn Tây, đã đồng ý với nhau, căn cứ vào tinh thần đức tin kinh thánh, về ý hướng của vấn đề hôn nhân là việc của con người nam nữ. Bởi thế, “Âu Châu không còn là Âu Châu nữa nếu tế bào căn bản xây dựng lâu đài xã hội này bị biến mất hay bị đổi thay những gì là nồng cốt.
“Bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi Căn Bản (của Khối Hiệp Nhất Âu Châu) nói đến quyền hôn nhân, nhưng không đến một thứ bảo vệ đặc biệt nào về pháp lý cũng như về luân lý, thậm chí không xác định nó một cách xác đáng hơn nữa.
Tất cả chúng ta đều biết hôn nhân và gia đình đang bị đe dọa, một đàng vì đã làm mất đi hoàn toán tính cách bất khả phân ly của nó bằng những hình thức ly dị dễ dàng hơn bao giờ hết; đàng khác vì một thứ hành vi mới đang lan tràn mạnh mẽ đó là việc con người nam nữ sống với nhau không cần phải có một hình thức pháp lý hôn nhân nào cả”.
Về vấn đề hôn nhân đồng tính, vị hồng ý này cho biết: “Theo chiều hướng này thì chúng ta đang đi ra ngoài toàn bộ lịch sử về luân lý của con người.
“Đây không phải là vấn đề kỳ thị mà là vấn đề một con người nam nữ phải như thế nào. Chúng ta đang đương đầu với một thứ giải thể hình ảnh về con người là những gì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng trầm trọng”.
Về vấn đề tôn giáo, ngài nhấn mạnh rằng “trong xã hội của chúng ta hiện nay, tạ ơn Chúa, nhưnõng ai bất kính đức tin của dân Do Thái, đến hình ảnh Thiên Chúa của dân này, đến các đại nhân vật của họ đều bị trừng phạt. Ai phạm đến Kinh Koran và những niềm tin sâu xa của Hồi Giáo cũng đều bị trừng phạt”.
Tuy nhiên, vị hồng y này nhận định thêm liên quan đến trường hợp của Kitô giáo: “Khi nó là một vấn đề về Chúa Kitô và về những gì linh thánh đối với Kitô hữu thì quyền tự do phát biểu ý kiến lại xuất hiện như là một cái gì thiện hảo tối hậu, mà nếu giới hạn quyền này lại thì nó giống như là một thứ đe dọa hay thậm chí một thứ hủy diệt việc dung chấp và tự do nói chung vậy.
“Thế nhưng, quyền tự do phát biểu ý kiến không thể được sử
dụng để hủy diệt danh dự và phẩm vị của người khác; nó không có nghĩa là được
quyền tự do dối trá hay hủy diệt quyền lợi làm người.
“Âu Châu cần phải nhìn nhận lại bản thân mình một cách thực sự tự giác và khiêm
tốn, nếu nó thực sự muốn tồn tại”.
ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, hôm Thứ Hai 25/10/2004, trong cuộc tranh luận với giáo sư Ernesto Galli della Loggia chuyên khoa lịch sử về các giáo điều chính trị và là cây viết của tờ nhật báo Corriere della Sera, đã chủ trương là việc tạo sinh sao bản con người còn nguy hiểm hơn cả các thứ vũ khí đại công phá.
“Con người có khả năng sản xuất ra một con người khác trong phòng thí nghiệm, một con người bởi thế không còn là một tặng ân của Thiên Chúa hay của thiên nhiên nữa. Họ có thể được chế tạo, và giống như họ có thể được chế tạo, họ cũng có thể bị hủy hoại…”.
Theo ngài, nếu đó là quyền lực của con người thì họ trở nên một mối đe dọa nguy hiểm còn hơn là các thứ vũ khí đại công phá nữa”.
Vị hồng y này bộc lộ những phán đoán rất nghiêm khắc đối với trào lưu tục hóa của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang diễn tiến, khi nói thêm rằng “chủ nghĩa thực chứng (positivism) về nhân quyền có lẽ đủ cho một Bản Hiến Pháp nhưng lại không đủ cho cuộc tranh luận về văn hóa của chúng ta đây”.
Ngài tấn công trào lưu tục hóa như là một thứ chủ nghĩa thực chứng dẫn đến tương đối thuyết. Và nếu tương đối thuyết “trở thành tuyệt đối, nó trở thành tự mâu thuẫn và hủy hoại hành động của con người”.
“Vấn đề được đề cập đến là Bản Hiến Pháp Âu Châu không thể đề cập đến các căn gốc Do Thái Kitô Giáo vị là những gì phạm đến Hồi Giáo. Thế nhưng, những gì phạm đến Hồi Giáo chính là tỏ ra khinh thường Thiên Chúa, là cái ngạo main của lý trí đưa đến chủ nghĩa cực thủ”.
Âu Châu là một đại lục ánh sáng, đại lục của sức mạnh lý trí, “nên nó là một tặng ân cần phải được bênh vực. Thế nhưng, thành phần tục hóa chủ nghĩa cũng cần phải làm sao để có thể chấp nhận cái xương sống nơi xác thịt của họ nữa”.
Vị hồng y này đã phân biệt giữa trào lưu tục hóa và lý trí như thế này: “Trào lưu tục hóa là một ý hệ thiên lệch không thể đáp ứng những thách đố quyết liệt của con người. Chỉ cần nghĩ đến những thiệt hại gây ra bởi chủ nghĩa Cộng Sản, hay bởi việc nhổ tận gốc rễ tầm vóc luân lý của tổ tiên nơi các quốc gia Phi Châu, nạn nhân của chiến tranh và hội chứng liệt kháng”.
“Lý trí không phải là kẻ thù của đức tin, mà trái lại. Vấn đề chỉ xẩy ra khi nó khinh thường Thiên Chúa cũng như những gì là linh thánh”.
Đối với vấn đề tự do, vị hồng y tổng trưởng này cho biết ngày nay nó được hiểu theo ý nghĩa cá nhân chủ thuyết, trong khi “con người được tạo dựng nên để đồng chung sống với nhau. Cần phải có một thứ tự do chung dự để có thể bảo toàn được một thứ tự do cho tất cả mọi người chống lại cái tuyết đối hóa của nó”.
Vị giáo sư tranh luận với đức hồng y cũng đồng ý là Âu Châu thiếu chú trọng đến căn gốc Kitô Giáo của mình, vì thái độ tỏ ra “thù hằn đối với thế giới Công Giáo”.
Về vấn đề tự do chung dự, ông nhấn mạnh rằng “không thể là một thứ tự do được phân định chỉ ở chỗ ‘neminem laedere’ (không hại đến người khác); trái lại, trong cuộc công luận, cái cần đó là chú trọng tới chân lý, một cuộc tranh luận về những sự vật, về những gì chân thực và chính đáng mà không nhất thiết phải chấp nhận ý kiến được bàn luận của người khác như một thứ luật lệ”.
Cuộc gặp gỡ tranh luận này được sắp xếp bởi Trung Tâm Hướng Dẫn Chính Trị, được thành lập năm 1999 theo sáng kiến của Gaetano Rebecchini, vị cố vấn cho Quốc Đô Vatican. Trung tâm này có mục đích phấn khích suy tư và suy nghĩ về vă7n hóa liên quan đến các đề tài hiện đại, như luân thường đạo lý với chế độ dân chủ, việc truyền thông và toàn cầu hóa, văn hóa đa dạng và căn tính Kitô Giáo, chế độ dân chủ và thị trường, tiến trình thống nhất Âu Châu và những liên hệ với Hiệp Chủng Quốc.