GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo”.
__________________
NGÀY 7 THỨ NĂM |
Tổng Nghị Hồng Y lần 4 về việc tuyển bầu tân giáo hoàng, lễ an táng cho ĐTC GPII, lời trăn trối của ngài
Chiều Thứ Tư 6/4, vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh Joaquín Navarro-Valls đã tường trình về Tổng Nghị Hồng Y lần 4 như sau:
“Tổng Nghị Hồng Y lần thứ 4 đã diễn ra vào sáng hôm nay tại Sảnh Đường New Synod ở Vatican, bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng.
“Có 116 vị hồng y hiện diện, trong số này có 31 vị mới tới và là những vị thực hiện lời tuyên thệ được qui định. Số hồng y có mặt tại Rôma vào lúc này là 122 vị.
“Trong cuộc tổng nghị hồng y hôm nay các vị được thông báo về cả các phái đoàn đại biểu chính thức đến từ khắp thế giới để tham dự lễ an táng của ĐTC vào sáng Thứ Sáu, cũng như các phái đoàn đại biểu thuộc những giáo phái Kitô giáo khác nhau và các tôn giáo khác.
“Các vị hồng y cũng cứu xét đến một số vấn đề đặc biệt liên quan tới Lễ an táng cho ĐTC và những cuộc cử hành ‘novendiali’ (chín ngày chính thức tang chế có Lễ hằng ngày cho ĐTC) đặc biệt cho ‘cappelle papali’ vào Thứ Bảy 9/4, Thứ Ba 12/4 và Thứ Bảy 16/4.
“Cũng được cứu xét nữa là vấn đề được nhiều thành phần yêu cầu mang di hài của ĐTC, vào ngày Thứ Sáu 8/4, sau Thánh Lễ an táng nhưng trước khi chôn, đến Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô cho tín hữu Rôma kính viếng cũng như cho những người khác không thể vào Đền Thớ Thánh Phêrô. Sau khi đã kỹ lưỡng nghiên cứu vấn đề cuối cùng được quyết định rằng đề nghị này về kỹ thuật không thể thực hiện được. Bởi thế, như đã được loan báo trước đây, việc chôn táng dưới Hầm Mộ Vatican sẽ xẩy ra liền ngay sau Lễ an táng.
“Lời Trăn Trối của ĐTC đã được đọc và đã được quyết định rằng tất cả lời trăn trối này sẽ được phổ biến vào ngày mai bằng nguyên ngữ Balan và bản dịch Ý ngữ.
“Ngày bắt đầu mật nghị đã được ấn định vào Thứ Hai 18/4. Ban sáng sẽ có một Thánh Lễ tạ ơn ‘pro eligendo papa’ ở Đền Thờ Vatican. Bắt đầu buổi chiều các vị hồng y sẽ vào mật nghị ở Nguyện Đường Sistine.
“Tôi có thể xác nhận là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trước khi chết, không cho biết tên của vị hồng y được ‘giữ kín’ trong lần ngài phong tước hồng y vào tháng 10/2003. Bởi thế, đây không còn là vấn đề cần phải được đặt ra nữa”.
Để đáp lại điều yêu cầu của thành phần ký giả yêu cầu được thấy Nguyện Đường Sistine trước khi bắt đầu mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng, vị giám đốc này cho biết không thể được bởi có tới 3.500 ký giả có ủy nhiệm thư làm việc với tòa thánh. Tuy nhiên, họ sẽ được xem một cuốn băng hình cho thấy tất cả mọi vị trí ở Vatican liên quan tới mật nghị này.
Trong khi đó, ở bên ngoài, dân chúng vẫn tiếp tục kéo tới xếp hàng thật là dài để được ghé kính viếng xác ĐTC GPII, để được diễm phúc nhìn thấy vị giáo hoàng hiển vinh nhất lịch sử Giáo Hội chưa từng thấy này, một vị giáo hoàng đã làm biến đổi thế giới ngày nay, như được các vị lãnh đạo trên thế giới nhận định. Theo thông báo được phổ biến hôm Thứ Tư 6/4 của Phân Bộ Bảo Vệ Dân Sự Ý quốc cũng như thẩm quyền địa phương và cảnh sát thành phố Rôma thì từ tối Thứ Hai 4/4 đến tối Thứ Ba 5/4, đã có 1 triệu người vào Đền Thờ Thánh Phêrô để kính viếng thi hài của ĐTC GPII. Hôm nay Thứ Tư, 6/4, có thể thêm 600 ngàn người nữa. Mỗi tiếng đồng hồ có khoảng từ 15 đến 18 ngàn tín hữu đi ngang qua thi thể của vị giáo hoàng này.
Chiều Thứ Ba 5/4, một thông báo đã được phổ biến là Bảo Tàng Viện Vatican sẽ đóng cửa vào ngày Thứ Sáu 8/4, ngày Lễ an táng cho ĐTC GPII. Và từ Thứ Năm 7/4, sau tổng nghị hồng y, Nguyện Đường Sistine cũng sẽ đóng cửa không cho dân chúng vào thăm. Ngoài ra, tất cả mọi chuyến tuần hành viếng thăm các Khu Vườn Vatican cũng được tạm ngưng.
Các Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ cảm nhận về cố giáo hoàng Gioan Phaolô II
Nguyên đệ nhất phu nhân Reagan: “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II… đã chạm tới tâm can của già trẻ, làm rơi lệ cho những ai cảm thấy cảm kích trước sự hiện diện của ngài. Ngài đã thực hiện một vai trò lãnh đạo bất khả sánh cho giáo hội của ngài và mang lại hy vọng cho những ai vô vọng”.
Nguyên Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter: “Rosalynn và tôi cảm thấy đau buồn trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Một con người được cảm nghiệm thấy những gì xẩy ra trong thời Nazi chiếm đóng thời Thế Chiến Thứ Hai, ngài đã hiến đời mình và ơn gọi của mình để trở thành khí cụ cho hòa bình trên khắp thế giới… Chúng ta sẽ nhớ đến ngài bằng tấm lòng quí mến và tri ân về việc ngài trung thành phục vụ hòa bình và nhân quyền”.
Nguyên Tổng Thống Hoa Kỳ Clinton: “Hillary và tôi hết sức đau buồn trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong việc lên tiếng một cách mãnh liệt và hùng hồn kêu gọi xót thương và hòa giải cho con người bị chia rẽ bởi những thứ hận thù ghen ghét cũ cũng như bị bách hại bởi việc lạm dụng quyền lực, Đức Thánh Cha này đã là ngọn hải đăng chẳng những cho người Công giáo mà còn cho tất cả mọi người… Giờ đây ngài đã về với Thiên Chúa là Đấng ngài đã trung thành phụng sự trọn cả một đời”.
Tay Ám Sát ĐTC GPII xin được tham dự lễ an táng của ngài nhưng không được
Đức giáo hoàng đã tha cho tay sát nhân hụt này của ngài hai năm sau vụ hắn bắn ngài, một biến cố đánh dấu tình trạng bắt đầu suy yếu về sức khỏe của ngài.
Luật sư của Agca là Mustafa Demirdag đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Đơn của chúng tôi đã bị bác. Dường như đây là việc do chính phủ tác động. Chúng tôi không đủ thời gian để khiếu nại trước lễ an táng. Mehmet Ali sẽ cảm thấy rất buồn khi anh ta nghe được tin này”.
Agca, 47 tuổi, đang ở trong nhà tù tại Istanbul được canh phòng cẩn mật tối đa, vì tội sát nhân và cướp bóc sau khi bị tù ở Ý 19 năm bởi tội cố sát giáo hoàng. Thẩm quyền Ý đã ân xá cho anh ta theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng vào năm 2000.
Hôm Thứ Ba 5/4/2005, Agca đã đệ đơn xin tạm ân dung một thời gian ngắn là những gì vốn được luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một số phạm nhân thường để cho họ dự lễ án táng của thân nhân trong gia đình.
Agca đã viết “một bức thư ngỏ gửi cho thế giới”, trong đó, anh lập lại rằng anh ta là “vị thiên sai thứ hai”. Anh ta viết về cái chết của ĐTC GPII như sau: “Tôi đã mất đi một người anh tinh thần. Tôi chia sẻ nỗi thương tiếc với thành phần Kitô hữu Công giáo của tôi”.
Luật sư của anh ta cho biết thêm rằng gia đình của anh ta vẫn có thể tham dự lễ an táng này hôm Thứ Sáu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp người anh và bà mẹ của anh ta ở Vatican nhiều năm trước đây.
Agca đã bắn vị giáo hoàng này vào bụng trong buổi triều kiến chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô vào ngày kỷ niệm hiện ra của mẹ Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, ở gần Fatima Bồ Đào Nha.
Vị giáo hoàng này nói rằng ngài tin là Đức Trinh Nữ đã nhúng tay vào cứu mạng của ngài. Qua nhiều năm tháng, Agca đã nhấn mạnh rằng điều này đã biến anh ta thành một công cụ của dự án thần linh, điều đã bị tòa thánh Vatican phủ nhận.
Trong bức thư ngỏ cùng thế giới, anh ta còn viết: “Dự án thần linh đã đạt được mục đích của mình. Bởi thế chúng ta đang ở vào ngày cùng tận của thế giới”. Anh ta còn cho biết anh ta đang viết lại Thánh Kinh và sẽ sớm tiết lộ “Bí mật Fatima”.
Qua nhiều năm tháng, Agca đã đưa ra những lý do xung khắc nhau về việc anh ta cố sát Đức Gioan Phaolô II, bao gồm cả những điều tố giác về một cuộc âm mưu với mật vụ cộng sản nước Bulgaria và tình báo KGB Nga.
Agca thuộc về đảng chiến quân thiên hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thập niên 1970 và đã bị tù về tội sát hại một viên chủ bút nhật báo cấp tiến năm 1979.
Trước năm sang Rôma, anh ta đã thoát ngục nhờ sự giúp đỡ của những tay an ninh Thổ Nhĩ Kỳ có cảm tình với đảng phái của anh ta. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn phủ nhận có bất cứ liên hệ nào với Agca và phủ nhận việc hắn bị bệnh loạn trí.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo CNN, “Attacker barred from funeral”, ngày 5/4/2005.
Gorbachev cảm nhận về vị giáo hoàng đã biến đổi lịch sử cộng sản Đông Âu: "He told me he ... was very, very critical of communism”.
Gorbachev, người từng nói rằng việc sụp đổ Bức Tường Sắt không thể nào xẩy ra được nếu không có Đức Gioan Phaolô II, đã cho biết vị giáo hoàng này lên án cộng sản ngay vào lần đầu tiên hai người gặp nhau năm 1989, ngay sau bức tường Ba Linh sụp đổ.
Vị giáo hoàng này, vị bắt đầu vai trò giáo hoàng của mình vào năm 1978 khi Sô Viết Nga đô hộ quê hương Balan của ngài và Đông Âu, đã chỉ trích gắt gao chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ những ai chiến đấu đổi thay tình thế ấy từ bên trong.
“Chúng tôi đã có được một cuộc đàm đạo thực sự là hào hứng mặc dù có thể là quá cảm xúc. Ngài đã nói với tôi rằng ngài… rất, rất kỵ chủ nghĩa cộng sản”.
Gorbachev cho biết vị giáo hoàng đã nêu lên Bức Tường Bá Linh trong cuộc gặp gỡ của hai người: “Ngài muốn biết ý của tôi về viễn ảnh của một Âu Châu hiệp nhất. Bức Tường Bá Linh dĩ nhiên là một phần của viễn ảnh này, thế nhưng ngài thực sự đã muốn nói đến việc chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Lạnh”.
Những việc cải cách về kinh tế của Gorbachev, được gọi là perestroika, đã góp phần vào việc giải phóng xã hội Sô Viết Nga trong thập niên 1980.
Vị nguyên lãnh đạo Sô Viết Nga này, vị bị ép buộc phải từ nhiệm khi quốc gia của ông bùng nổ vào năm 1991, đã nói rằng vị giáo hoàng cũng phê bình cả chủ nghĩa tư bản nữa trong cuộc gặp gỡ năm 1989.
“Ngài nói ‘tôi không phục vụ bất cứ một đảng phái chính trị nào hết, tôi phụng sự Thiên Chúa. Bởi thế tôi ủng hộ cũng những điều ông đang cố gắng chiếm đạt bằng chính sách cải tổ kinh tế perestroika của ông’”
Gorbachev cho biết rằng ông đã nói với đức giáo hoàng là “ông bị phê bình rất nhiều nữa”.
Sau cuộc gặp gỡ này, Gorbachev nói, ông đã bay đến Malta để gặp tổng thống George H.W. Bush. Sau đó cả hai tuyên bố rằng Hiệp Củng Quốc và Liên Bang Sô Viết không còn là kẻ thù của nhau nữa: “Bởi vậy, thấy không, tất cả đều liên hệ với nhau”.
“Tôi không bao giờ quên được những lời vị giáo hoàng này nói về Âu Châu. Ngài nói rằng ‘Âu Châu cần phải thở bằng hai buồng phổi’”. Gorbachev nói với đức giáo hoàng rằng: “Chúng tôi đang cầu nguyện cho ngài”.
“Tôi thương tiếc về việc mất mát ngài. Chúng ta đã biết là sẽ xẩy ra điều này. Điều tôi có thể nói rằng việc mất mát ấy chắc chắn phải là ý muốn của Thiên Chúa. Ngài đã hành động thực sự là can trường”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo CNN, “Gorbachev: Pope was 'example to all of us'”, ngày 3/4/2005, CNN's Ryan Chilcote contributed to this report.
Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush nhận định về vị giáo hoàng vừa quá cố như là 'A hero for the ages'”
Tổng Thống Bush đã 3 lần gặp vị giáo hoàng này trong cuộc đời của ông. Vào tháng 6/2001, khi đến viếng thăm Vatican, Tổng Thống Bush đã kính tặng vị giáo hoàng Huy Chương Tự Do của Tổng Thống, vinh dự cao cả nhất của Hoa Kỳ ban tặng cho dân sự.
Sau đây là bản văn của tổng thống phát biểu vào buổi chiều Thứ Bảy 2/4:
“Giáo Hội Công giáo đã mất đi vị chủ chăn của mình. Thế giới đã mất đi một con người chiến đấu cho tự do của con người, và một người tôi tớ nhân lành và tín trung của Thiên Chúa đã được gọi về.
“Đức Gioan Phaolô II đã rời bỏ ngai tòa Phêrô cũng cùng một cách như ngài đã đăng quang, với tư cách là một chứng nhân cho phẩm giá của sự sống con người. Ở quê hương Balan của mình, vị chứng nhân này đã tung ra một cuộc cách mạng dân chủ làm rung chuyển cả Đông Âu và thay đổi giòng lịch sử.
“Ở khắp Tây Phương, chứng từ Đức Gioan Phaolô nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống, một nền văn hóa mà kẻ mạnh phải bảo vệ kẻ yếu.
“Và trong những năm cuối đời của vị Giáo Hoàng này, chứng từ của ngài thậm chí còn mãnh liệt hơn nữa bằng việc can đảm hằng ngày đương đầu với bệnh nạn và nhiều khổ đau.
“Tất cả mọi vị giáo hoàng đều thuộc về thế giới, thế nhưng những người Hoa Kỳ có lý do đặc biệt để yêu mến con người từ Krakow này. Trong những cuộc ngài viếng thăm quê hương của chúng ta, vị giáo hoàng này đã nói về Bản Hiến Pháp thiên định của chúng ta, đến các sự thật hiển nhiên về phẩm vị con người nơi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của chúng ta, và nói đến những phúc hạnh tự do xuất phát từ những sự thật này.
“Ngài nói, chính những sự thật này, những sự thật khiến tất cả mọi người trên thế giới hướng về Hoa Kỳ với niềm hy vọng và trọng kính. Bản thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một nguồn cảm hứng cho hằng triệu người Hoa Kỳ cũng như cho nhiều người nữa trên khắp thế giới.
“Chúng ta sẽ luôn nhớ đến vị linh mục khiêm tốn, khôn ngoan và can đảm này, vị đã trở thành một trong những vị đại lãnh đạo về luân lý trong lịch sử. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về việc gửi đến một con người như thế, một người con của Balan trở thành vị giám mục Rôma và là anh hùng của các thời đại”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo CNN, “Bush: 'A hero for the ages'”, ngày 2/4/2005
Mặc bộ trang phục mầu đen, thay vì bộ đồng phục mầu xanh olive thường lệ, Tổng Thống Castro tỏ vể xúc động khi đọc lên sứ điệp của mình như sau: “Hỡi người bạn thân thương, việc bạn ra đi làm cho chúng tôi cảm thấy đớn đau. Chúng tôi tha thiết muốn rằng gương mẫu của bạn sẽ mãi tồn tại”.
Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên đã đến thăm Cuba, và nhiều quan sát viên đã nghĩ rằng cuộc viếng thăm của ngài sẽ giúp vào việc phấn khởi đổi thay về chính trị ở hải đảo này, như đã xẩy ra ở Balan quê hương của ngài.
Tổng Thống Castro đã viết: “Các nỗ lực của những kẻ nào muốn sử dụng thế giá của bạn và thẩm quyền thiêng liêng lớn lao của bạn ngược lại với lý tưởng chân chính của nhân dân chúng tôi trong cuộc chống chọi với đế quốc khổng lồ (Hiệp Chủng Quốc) đều là những gì luống công vô ích”.
Sau khi nghe thấy các chuông vang lên từ các nhà thờ ở Cuba loan báo cái chết của vị giáo hoàng, vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Felipe Perez Roque đã bày tỏ “nuỗi đau buồn sâu xa của nhân dân và chính quyền Cuba”. Cuba “sẽ luôn nhớ đến những lời của ngài phản đối nạn cấm vận kinh tế của Hiệp Chủng Quốc làm cho nhân dân chúng tôi phải khổ cực”.
Tổng Thống Castro, người đã học ở trường các Cha Dòng Tên từ nhỏ, đã không cho cử hành Lễ Giáng Sinh như là một lễ chung vĩnh viễn cho tới khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm hải đảo Cuba năm 1998. Cuba chính thức là một quốc gia vô thần cho đến năm 1992. Hiện nay Cuba tạo nhiều cơ hội hơn cho việc hành đạo hơn quá khứ, tuy vẫn còn những hạn chế.
Sau khi ký vào cuốn tập phân ưu với vị giáo hoàng vừa quá cố, vị lãnh đạo cộng sản 78 tuổi này đã có ý định tham dự Lễ an táng đặc biệt ở vương cung thánh đường Havana được cử hành bởi vị lãnh đạo Công Giáo Cuba là ĐHY Jaime Ortega.
Từ chiều Chúa Nhật, cả hằng trăm người Cuba, từ những người vợ của các tù nhân chính trị đến các viên chức cao cấp trong chính phủ, đã đến tòa lãnh sự để ký vào tập sách phân ưu.
Chính phủ Cuba đã tuyên bố 3 ngày tang chế cho toàn quốc và hủy bỏ tất cả mọi cuộc hội lễ, kể cả cuộc mừng kỷ niệm Giới Trẻ Cộng Sản và màn chung kết của trận đấu banh quật toàn quốc của Cuba.
Đức ông Luigi Bonazzi, vị khâm sứ tòa thánh ở Havana đã nói: “Điều này chứng tỏ tình thân hữu và cảm tình được đức giáo hoàng bày tỏ cho Cuba thấy đã ghi lại dấu tích”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo CNN, “Castro signs pope's condolence book”, ngày 4/4/2005, From Lucia Newman CNN Havana Bureau Chief