GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo”.
__________________
NGÀY 8 THỨ SÁU, LỄ AN TÁNG ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II |
Thánh Lễ An Táng Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sáng Thứ Sáu 8/4/2005
Hai triệu người đã tham dự Thánh Lễ An Táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong một buổi sáng lộng gió ở Rôma kéo dài đúng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, một lễ an táng lớn nhất và hùng vĩ nhất lịch sử hiện đại, với sự hiện diện của 4 quốc vương, 5 nữ hoàng, và ít là 70 tổng thống cùng thủ tướng và trên 14 vị lãnh đạo các tôn giáo khác.
Thành phố Rôma với 3 triệu dân này đã đặt các màn truyền hình vĩ đại ở các địa điểm khác nhau cho những ai không thể đến Vatican theo dõi Thánh Lễ này. Các viên chức của thành phố này ước lượng có tới 5 triệu người đến Vatican trong tuần lễ này.
Cha Thomas Reese, chủ bút tờ nguyệt san Công giáo “Hoa Kỳ” đã nói: “Chúng tôi chưa hề thấy một lễ an táng nào như thế này, với cả hằng triệu triệu người tuốn đến Rôma… để ở đây cử hành sự sống của Đức Gioan Phaolô II. Đây là một điều quá sức tưởng tượng… Ngài đã đến thăm các xứ sở của họ. Giờ đây họ đến Rôma để bái biệt ngài”.
Khi quan tài của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được 12 người mặc bộ vét đen khênh từ trong Đền Thờ Thánh Phêrô ra ngoài thì tự nhiên vang lên một tràng pháo tay, một sự kiện vui mừng chưa từng xẩy ra ở bất cứ một đám tang hay tang lễ nào. Những tràng pháo tay này cũng vang lên cả chục lần trong suốt bài giảng dài khoảng 20 phút của Đức Hồng Y chủ tế Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin kiêm Trưởng Hồng Y Đoàn.
Ngài đã dẫn giải và áp dụng bài Phúc Âm Chúa Giêsu với tông đồ Phêrô trên bờ hồ Tibêria về sự vụ chăn dắt đàn chiên được ngài ủy thác cho, vị hồng y này đã nhận định là Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dấn thân thực hiện sứ vụ chăn dắt của mình cho đến cùng, đã nhờ Mẹ Maria theo Chúa Kitô cho đến cùng: “Đối với tất cả chúng ta, ngài là người không thể nào quên được”.
Chủ tế đoàn (hồng y) mặc áo lễ đỏ ám chỉ trước hết tính cách phục sinh và sau nữa là sứ vụ tông đồ của thành phần mục tử, nhất là vai trò của giáo hoàng, kế vị Thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Trên quan tài của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, quan tài được đặt trước bàn thờ, bên trên quan tài là cuốn Sách Thánh Kinh, cuốn sách lúc đầu mở ra, song bị gió thổi đã tự động gấp lại và nằm lệnh sang bên trái của quan tài (từ trên bàn thờ nhìn xuống cộng đồng phụng vụ), như dấu hiệu con người nằm xuống đã hoàn tất sứ vụ rao giảng "Phúc Âm Sự Sống - Evangelium Vitae" của mình.
Trước khi lãnh nhận phép lành cuối lễ, trong vòng 5 phút, cộng đoàn đã vừa vỗ tay vừa hô tên của cố giáo hoàng "Gioan Phaolô". Sau phép lành cuối lễ là Kinh Cầu Các Thánh ĐHY Ruini Camillo, tổng đại diện giáo phận Rôma đọc lời nguyện trước quan tài. Tiếp theo là các vị Thượng Phụ thuộc các Giáo Hội Đông Phương thuộc đủ mọi lễ nghi thay nhau xông hương quanh quan tài, trong khi đó, những bài hát Giáo Hội Công giáo Đông Phương vang lên, kéo dài 15 phút, và được kết thúc bằng tràng pháo tay của cộng đồng.
Cuối cùng, ĐHY chủ tế đã vẩy nước thánh, xông hương quan tài và đọc lời nguyện kết thúc. Khi quan tài được khênh trở vào Đền Thờ Vatican để đưa xuống hầm mộ, thì cộng đoàn dân Chúa đã vỗ tay rất dài cùng với chuông đổ và lệ rơi, dưới nền trời vang tiếng trực thăng kiểm soát an ninh. (Hình bên là dân Công giáo ở Việt Nam đang theo dõi Lễ An Táng của đức cố giáo hoàng ở Vatican).
Nội dung về Tổng Nghị Hồng Y thứ 5
Vào cuối cuộc Tổng Nghị Hồng Y lần thứ năm hôm Thứ Năm 7/4/2005, vị văn phòng báo chí tòa thánh Joaquin Navarro Valls đã phổ biến tin tức cho các ký giả như sau:
“Sau kinh khai mạc, các vị hồng y mới tới Rôma hôm qua tuyện thệ.
“Có 140 vị hồng y hiện diện.
“Hồng Y Đoàn đã ủy cho ĐHY Edmund Szoka quyền đúc đồng bạc và in tem cho giai đoạn trống ngôi giáo hoàng này.
“Chương trình cho ngày Thứ Hai 18/4, ngày bắt đầu mật nghị hồng y bầu giáo hoàng, được ấn định như sau:
- Vào lúc 10 giờ sáng. Thánh Lễ “pro eligendo Summo Pontifice” ở Đền Thờ Thánh Phêrô.
- Vào lúc 4 giờ 30 chiều. Tập trung tại Sảnh Đường Chư Phúc trong Tông Điện Vatican để bắt đầu diễn hành tới Nguyện Đường Sistine là nơi mật nghị bầu giáo hoàng bắt đầu.
“Các vị hồng y cũng cứu xét 1 số vấn đề liên quan tới việc cử hành Lễ an táng và nghi thức an táng ĐTC ở hầm mộ Vatican.
“Các vị còn cứu xét một số vấn đề liên quan tới việc bắt đầu cuộc mật nghị và vì thế theo tông hiến Universi Dominici Gregis đã chọn 2 vị giảng thuyết huấn dụ.
“Cha Raniero Cantalamessa sẽ chia sẻ vào Thứ Năm 14/4 trong Tổng Nghị Hồng Y buổi sáng.
“ĐHY Thomas Spidlik, SJ, sẽ ngỏ lời cùng các vị hồng y ở Nguyện Đường Sistine hôm Thứ Hai 18/4.
“Các vị hồng y sẽ nhận lời phân ưu của phái đoàn ngoại giao với tòa thánh vào Thứ Tư 13/4 lúc 10 giờ sáng ở Sảnh Đường Phaolô VI”.
Chương Trình Tuần Chín cầu hồn cho cố giáo hoàng Gioan Phaolô II
ĐTGM Piero Marini, trưởng ban nghi lễ giáo hoàng, đã phổ biến một thông báo về tuần 9 ngày (novendiali) chính thức để tang cho Đức Giáo Hoàng, giải thích về nguồn gốc và nói về ngày, giờ và các vị cử hành chính cho mỗi một thánh lễ.
Bản thông báo nói rằng: “Theo tập tục cổ truyền, trong 9 ngày liền, có các cuộc cử hành Thánh Thể đặc biệt để cầu cho linh hồn đức cố giáo hoàng được an nghỉ, bắt đầu là lễ an táng được ấn định bởi Tổng Nghị Hồng Y (x Universi Dominici Gregis, số 13 và 27).
“Mỗi ngày việc cử hành giành cho hết mọi người. Tuy nhiên mỗi ngày được giành cho 1 nhóm khác nhau có liên hệ với ĐTC. Tính cách khác nhau của các các cộng đoàn ấy cho thất được cả mối liên hệ với vị Chủ Chăn Tối Cao cũng như với Giáo Hội Rôma hoàn vũ (Ordo Exseqiarum Romani Pontifici, số 133)”.
Thánh lễ an táng cho ĐGH GPII sẽ được diễn tiến vào ngày 8/4 lúc 10 giờ sáng tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trong khi đó, việc cử hành tuần 9 sẽ ở đền thờ Vatican vào buổi chiều lúc 5 giờ chiều mỗi ngày, từ ngày 9 đến 16/4/2005, để cầu cho linh hồn cố giáo hoàng được an nghỉ, như sau:
Ngày 1: Lễ an táng
Ngày 2: Thứ Bảy 9/4 cho tín hữu Thành Vatican – chủ tế ĐHY Francesco Marchisano
Ngày 3: Chúa Nhật 10/4 cho Giáo Hội Rôma – chủ tế ĐHY Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma
Ngày 4: Thứ Hai 11/4 cho Chapters of the Patriarchal Basilicas – chủ tế ĐHY Bernard Francis Law, TGM Boston hồi hưu
Ngày 5: Thứ Ba 12/4 Cappella Papale – chủ tế ĐHY Eugenio de Araujo Sales, TGM hưu trí ở Sao Sebastiao do Rio de Janeiro
Ngày 6: Thứ Tư 13/4 cho Tòa Thánh Rôma – chủ tế ĐTGM Leonardo Sandri, phó Tổng Vụ văn phòng Quốc Vụ Khanh
Ngày 7: Thứ Năm 14/4 cho các Giáo Hội Đông Phương – chủ sự bởi Đức Pierre Nasrallah Sfeir, thượng phụ Antioch lễ nghi Maronites Giờ Kinh Phụng Vụ theo Lễ Nghi Đông Phương.
Ngày 8: Thứ Sáu, 15/4 cho các phần tử Tu Trì sống Đời Tận Hiến và các Hội Sống Tông Đồ – chủ tế ĐTGM Piergiorgio Silvano Nesti, bí thư Thánh Bộ Dòng Tu và Hội Tông Đồ.
Ngày 9: Thứ Bảy 16/4 Cappella Papale – chủ tế bởi ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez, tổng trưởng hồi hưu Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích
Tất cả mọi hồng y được mời đồng tế Cappelle Papali vào những ngày 8, 12 và 16 tháng tư”.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Những gì
đã hoàn tất và những gì còn dang dở… cho vị tân giáo hoàng
Những gì đã hoàn tất:
1. Ban hành Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần
Redemptor Hominis ngày 4/3/1979, một thông điệp gồm tóm đường hướng của giáo
triều của ngài;
2. Tông du Balan lần nhất 2-10/6/1979, chuyến
tông du quyết liệt cho Khối Công Đoàn Liên Đới quyết liệt tranh đấu bất bạo
động cho tới biến cố sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu 10 năm sau;
3. Truyền bá Thần Học Thân Thể (theology of
body) qua loạt bài giáo lý đầu tiên trong giáo triều của ngài, về tình yêu và
trách nhiệm liên quan đến hôn nhân Kitô giáo, loạt bài kéo dài 5 năm trời, từ
ngày 5/9/1979 đến 21/11/1984;
4. Ban hành Bộ Tân Giáo Luật ngày 25/1/1983;
5. Mừng Năm Thánh Cứu Chuộc từ ngày
25/3/1983-25/3/1984;
6. Hiến Dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm
Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày kết thúc Năm Cứu Chuộc 25/3/1984, một biến
cố đã làm cho Nước Nga trở lại ngày 25/12/1991;
7. Lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào Chúa Nhật Lễ
Lá năm 1985;
8. Thành lập Tổ Chức Phát Triển Các Dân Tộc
Populorum Progressio Foundation đặc trách Các Dân Bản Xứ ở Mỹ Châu Latinh vào
Tháng 2/ 1992;
9. Ban hành Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ngày
11/10/1992;
10. Lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân vào Lễ Mẹ Lộ
Đức 11/2 hằng năm từ năm 1993;
11. Lập Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Xã Hội Học
1/1/1994;
12. Lập Giáo Hoàng Học Viện đặc trách Sự Sống
11/2/1994;
13. Ban hành Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis
ngày 22/5/1994 dứt khoát không có vấn đề linh mục nữ;
14. Vận động thành công trong việc ngăn chặn trào
lưu văn hóa sự chết tại Hội Nghị Dân Số Cairô 1994;
15. Ban hành Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống ngày
25/3/1995 để chống lại văn hóa sự chết và chính thức lấy quyền tối cao của
mình để lên án vấn đề phá thai và triệt sinh an tử;
16. Mừng Đại Năm Thánh 2000 từ Lễ Giáng Sinh
25/12/1999 đến Lễ Hiển Linh 1/6/2001;
17. Lập Lễ Kính Chúa Tình Thương ngày
30/4/2000, dịp phong thánh cho nữ tu Faustina;
18. Cử Hành Ngày Xin Lỗi “Day of Pardon”, Chúa
Nhật I Mùa Chay 12/3/2000, chính thức thay mặt Giáo Hội lên tiếng xin lỗi
những lỗi lầm của con cái Giáo Hội;
19. Tổ chức Ngày Liên Tôn Cầu Cho Hòa Bình Thế
Giới ở Assisi ngày 24/1/2002;
20. Mở Năm Mân Côi từ ngày 16/10/2002 đến
19/10/2003, với Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, ban hành vào đúng ngày
ngài được bầu làm giáo hoàng 24 năm trước, trong đó ngài thêm 5 mầu nhiệm ánh
sáng cho Kinh Mân Côi trọn vẹn là tóm lược Phúc Âm;
21. Tái ấn định một số vấn đề cần phải tuân giữ hay
tránh lánh liên quan đến Bí Tích Cực Linh, qua Bản Hướng Dẫn của Thánh Bộ
Phượng Tự và Bí Tích soạn dọn ban hành ngày 23/4/2004;
22. Mở Năm Thánh Thể từ ngày 10/10/2004 đến
29/10/2005, để đem Giáo Hội, nhờ Mẹ Maria qua Năm Mân Côi, trở về với Nguồn
Sống Thần Linh của mình là Thánh Thể, theo chiều hướng “duc in altum”.
Những gì còn dở dang:
1. Viếng Thăm Iraq, vùng Đất Thánh của Cựu Ước liên
quan đến tổ phụ Abraham, nơi Ngài đã hụt đến trong Năm Thánh 2000;
2. Viếng Thăm Nga Sô, theo lời mời của Tổng Thống
Putin hai lần;
3. Viếng thăm các giáo xứ Rôma, nơi ngài làm
giám mục, ngài mới thăm 301 trong 325 giáo xứ;
4. Năm Thánh Thể, mới được một nửa năm;
5. Ngày Giới Trẻ Thế Giới 20 tại Cologne Đức Quốc
vào Tháng 8/2005, với chủ đề “Chúng tôi đến triều bái Người”;
6. Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI
2-29/10/2005;
7. Giáo Lý cầu nguyện bằng Thánh Vịnh bắt đầu từ
ngày 28/3/2001, mới tới bài 131 cho Giờ Kinh Tối Thứ Sáu, tuần thứ hai trong 4
tuần Phụng Vụ Giờ Kinh, còn phải mất cả một năm nữa mới xong;
8. Đại kết Kitô giáo, nhất là với Chính Thống Giáo.
Tân Giáo Hoàng kế vị:
Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là “thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum”, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt.
Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II
là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như
Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị
giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc), vị giáo
hoàng của Vườn Nhiệt và của Khổ Nạn. Vị tân giáo hoàng có thể là vị hồng y
trong mật nghị hồng y ngày 21/10/2003, một mật nghị chọn tuyển các tân hồng y
sau khi ngài trả lời một vị giám mục Á Căn Đình ngày 12/2/2002 rằng người kế
vị ngài chưa làm hồng y.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Đức Gioan Phaolô II, một Vị Tông Đồ của Tình Thương
Đức Gioan Phaolô II đã qua đời vào cuối Thánh Lễ vọng Chúa Nhật Chúa Tình Thương, một lễ chính ngài đã thiết lập 5 năm trước đây cho Giáo Hội hoàn vũ.
ĐGM Renato Boccardo, mới đây được bổ nhiệm làm tổng thư ký cho Quốc Đô Vatican, đã hướng dẫn tín hữu cầu nguyện ở Quảng Trường Thánh Phêrô sau lời loan báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng. Vị giám mục này đã gọi Đức Gioan Phaolô II là “vị tông đồ của tình thương”.
Thật thế, vị giám mục này sẽ tập trung vào đề tài này khi ngài trình bày cho một cuộc tĩnh tâm chưa từng có cho các vị linh mục từ khắp thế giới, được dự trù thực hiện vào ngày 20-24/6 ở Krakow Balan.
Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, vị giám mục này dẫn giải tính cách siêu việt của sứ điệp được Chúa Kitô ban bố qua Nữ Tu Faustina Kowalska (1905-1938), một nữ tu người Balan và là một nhà thần bí liên quan tới lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa.
Vấn: Ở cuộc tĩnh tâm cho các linh mục trên thế giới, đức cha đã được mời để nói về Đức Giáo Hoàng này như là một vị tông đồ của tình thương. Vị Giáo Hoàng này là một tông đồ tình thương ở chỗ nào?
Đáp: Tôi nghĩ rằng trong gần 27 năm trời của giáo triều mình, vị Giáo Hoàng này đã là một vị tông đồ tình thương ở hai lãnh vực.
Trước hết là qua giáo huấn của mình được ban bố qua những văn kiện khác nhau, nhất là qua thông điệp “Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia” của ngài. Thế nhưng, đồng thời cũng qua cả chiều kích thứ hai nơi các hành vi cử chỉ của ngài nữa. Chính hành vi cử chỉ của ngài mới là những gì tồn tại nơi ký ức và lương tâm của Giáo Hội hơn cả lời ngài nói nữa.
Tôi nghĩ tới việc ngài tha thứ cho kẻ ám sát ngài rồi đến viếng thăm anh ta trong tù. Tôi nghĩ đến việc ngài gắn bó nhiều lần được tỏ ra với tất cả những ai đặc biệt cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Tức là thành phần bị hội chứng liệt kháng, thành phần già lão bị bỏ rơi, thành phần bệnh nhân nói chung.
Tôi nghĩ tới ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tiếp nhận những người hành hương nơi bí tích cáo giải, một dụng cụ cao cả nhất của tình thương Thiên Chúa.
Đối với tôi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên kết lời nói và việc làm xót thương lại với nhau. Một tình thương được tỏ hiện ngay ở cử chỉ chăm sóc, lắng nghe, qua cách ngài chăm chú nhìn vào những ai khổ đau.
Tôi nghĩ đến mẫu gương tình thương, một mẫu gương cống hiến cơ hội thứ tha trong Đại Năm Thánh 2000. Bởi thế, qua con người của mình cũng như qua giáo huấn của mình, Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở Giáo Hội chiều kích sâu xa này của đời sống Kitô giáo.
Vấn: Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tình Thương là hy vọng duy nhất cho thế giới này”. Tại sao ngài lại quá quan trọng Lòng Thương Xót Chúa đối với tương lai của thế giới này như thế?
Đáp: Thế giới hậu tân tiến và tân tiến của chúng ta đây dường như đã hết sức cảm thấy được việc cố gắng cải tiến đời sống của mình nhờ tiến bộ khoa học và kỹ thuật, song vẫn tiếp tục trải qua một tình trạng bần cùng khổng lồ. Chúng ta hãy nhớ lại những lời Phúc Âm: Có lợi ích gì cho con người trong việc chiếm được cả thế gian mà lại mất chính linh hồn mình?
Mà thế giới tân tiến của chúng ta đây, rất phong phú về những khám phá khoa học và kỹ thuật, lại thấy mình bị bí tắc trong việc tìm kiếm ý nghĩa cho việc hiện hữu của chính mình. Nó cảm thấy bản thân mình bị phân rẽ nội tâm, bị chi phối bởi hận thù, chiến tranh và chết chóc, và chiến đấu để tìm được sức mạnh cùng với lý do để sống và hy vọng.
Và Kitô hữu chúng ta tin rằng lý do của chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta cho việc hiện hữu được tìm thấy nơi trái tim của Thiên Chúa mà thôi. Bởi thế mà thế giới hậu tân tiến của chúng ta, một thế giới bị chìm đắm trong cảnh bần cùng của mình, cần phải nghe hơn bao giờ hết việc loan báo ân sủng và tình thương từ trời cao.
Vấn: Lễ Chúa Tình Thương đã tác dụng ra sao, nếu có, trên đời sống của Giáo Hội?
Đáp: Trước hết, tôi tin rằng lễ Chúa Tình Thương là một tặng vật Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cống hiến cho Giáo Hội, khi ngài thiết lập lễ này vào Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, một tặng vật có lẽ để đáp ứng với nhu cầu của thế giới hơn bao giờ hết đang cảm thấy cần đến lòng xót thương và tình nhân ái.
Và chúng ta biết rằng nguồn mạch, suối nguồn tình thương và lòng nhân ái ở nơi con tim của Thiên Chúa. Vấn đề cần là, như vị Giáo Hoàng này đã nói đến một số lần, Giáo Hội càng ngày càng phải trở thành thừa tác viên cho tình thương và lòng lành này của Thiên Chúa.
Bởi giờ, giờ đây, bằng việc công bố một ngày đặc biệt giành cho việc cử hành và loan báo tình thương của Thiên Chúa, Đấng qua hy tế của Chúa Kitô đã vươn tới tất cả loài người, ngày này trở thành một hoạt động truyền bá phúc âm hóa.
Vấn: Tại sao Đức Thánh Cha đã đặt lễ Chúa Tình Thương quá sát với Lễ Phục Sinh như vậy?
Đáp: Việc cử hành Tình Thương Chúa vào Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, tôi có thể nói, là việc tái xác nhận tính cách cao cả của mầu nhiệm Phục Sinh. Thiên Chúa Cha muốn cứu độ nhân loại đã sai Con Ngài đến. Và Con của Ngài đã hiến mạng sống mình vì nhân loại. Bởi thế, điều ấy có nghĩa là gì nếu không phải là tình thương của Thiên Chúa?
Dĩ nhiên, Chúa Nhật Chúa Tình Thương không thể nào còn là một việc tôn sùng tư riêng. Đây là một lễ lập lại và bao gồm toàn thể đời sống của Giáo Hội. Lễ này liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm Phục Sinh. Mầu nhiệm Phục Sinh này cho thấy tình thương của Thiên Chúa và lòng lành của Ngài đối với nhân loại.
Vấn: Tại sao hai vị hồng y và hai vị giám mục đã quyết định tổ chức cưộc tĩnh tâm này cho các linh mục?
Đáp: Tôi chỉ cần phải nói rằng tôi đã ở với Đức Giáo Hoàng trong cuộc cử hành việc thánh hiến đền thánh ở Lagiewniki. Và tôi đã thực sự bàng hoàng trước những gì Đức Giáo Hoàng đã nói trong cuộc cử hành này: “Ai có thể nghĩ được rằng một con người trẻ đi đôi guốc đi làm về vào mỗi buổi tối dừng lại nơi Nguyện Đường Chúa Tình Thương này để cầu nguyện, một ngày kia đã trở về với tư cách là Giáo Hoàng để thánh hiến đền thờ này hay chăng”.
Như thế có nghĩa là Đấng Quan Phòng Thần Linh viết câu truyện nhiệm mầu nơi đời sống của con người, những giây phút đầy những xúc động mãnh liệt.
Bởi vậy, chúng ta cũng biết rằng từ địa điểm này, từ đền thánh đó lòng tôn sùng Tình Thương Chúa tỏa rạng khắp thế giới. Chắc chắn là đầy những ân sủng và phước lành. Do đó, tôi hy vọng và nghĩ rằng cuộc tĩnh tâm quốc tế này sẽ là một cuộc tuôn trào ân sủng, một phúc ân cho những ai tham dự và qua họ cho Giáo Hội.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit, “John Paul II as an Apostle of Mercy - Interview With Bishop Renato Boccardo”, ngày 3/4/2005.