GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 13/5/2005

LỄ MẸ FATIMA

 

1)  Hai Thông Báo hết sức quan trọng đầy bất ngờ của Tòa Thánh về...:

2) Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc nhân dịp Kỷ Niệm 60 Năm Chấm Dứt Thế Chiến Thứ Hai

3) Tân Giáo Hoàng Biển Đức: Vị Giáo Hoàng của Hiệp Nhất Kitô Giáo: "Những cử chỉ cụ thể"

 
Lễ Mẹ Fatima 13/5
 

Hai Thông Báo hết sức quan trọng đầy bất ngờ của Tòa Thánh về...:

Hôm Nay, Lễ Đức Mẹ Fatima, 13/5/2005, điện thư từ VIS của Tòa Thánh Vatican đã phổ biến 3 thông báo quan trọng sau đây:

Thứ Nhất, ĐTC Biển Đức XVI đã chuẩn chước tiến trình phải đợi 5 năm sau mới được tiến hành tiến trình phong thánh cho riêng trường hợp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chính Đức Thánh Cha đương kim đã loan báo như thế trong cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ Rôma ở đền thờ Thánh Gioan Latêranô hôm Thứ Sáu, 13/5/2005. Sắc lệnh công bố việc này được đề ngày 9/5/2005 và được ký ban hành bởi ĐHY Jose Saraiva Martins cùng ĐTGM Edward Nowak, đương kim tổng trưởng và tổng thư ký của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích.

Thứ Hai, ĐTC đã bổ nhiệm vị tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thay thế vai trò trước đây của ngài, đó là ĐTGM William Joseph Levada ở San Francisco, California. Vị tân tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin này là người California đời thứ tư, sinh ra tại Long Beach ngày 15/6/1936. Ngài đã theo học hầu hết tại Nam California, từ tiều học đến trung học tại Long Beach và học làm linh mục tại chủng viện thuộc TGP Los Angeles. Năm 1958, ngài được gửi đi học ở Rôma tại Đại Học Bắc Mỹ, và ra trường thần học ở Giáo Hoàng Học Viện Gregorian, với bằng tiến sĩ thần học tối ưu magna cum laude. Chịu chức linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 20/12/1961, và làm việc mục vụ ở TGP/LA, kể cả làm giáo sư thần học tại Đại Chủng Viện Thánh Gioan của TGP/LA. Năm 1976 ngài được bổ nhiệm là một viên chức trong Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Trong 6 năm phục vụ tại thánh bộ này, ngài dạy bán thời thần học tại Giáo Hoàng Học Viện mà ngài đã ra trường Gregorian… (xin xem tiếp ngày mai)
 

 

TOP


 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc nhân dịp Kỷ Niệm 60 Năm Chấm Dứt Thế Chiến Thứ Hai

 

Tổng Hội Đồng LHQ đã giành hai ngày 8-9/5/2005 như là ngày tưởng niệm và hòa giải 60 năm chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai. ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở LHQ tại Nữu Ước đã trình bày quan điểm của Tòa Thánh trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong dịp này nguyên văn như sau:

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Tòa Thánh lấy làm biết ơn những người bảo trợ cho Quyết Nghị 59/26 về dịp chính thức kỷ niệm 60 năm kết thúc Thế Chiến II. Chắc chắn nó là một cuộc xung đột kinh hoàng, và cần phải vừa chào mừng vừa buồn thương nhắc lại rằng nó là trong những tai họa toàn cầu bất thiết do con người gây ra tệ hại nhất làm cho thế kỷ 20 trở thành một nỗi xót xa nhất loài người đã phải trải qua.

 

Đại biểu tôi xin đón mừng việc LHQ tuyên bố giành ngày 8-9/5 là ngày tưởng nhớ và hòa giải. Nhiều tiếng nói đã có lý để khuyên chúng ta đừng quên ngày này, nhưng lại là những tiếng nói không đặt vấn đề lỗi lầm trước mắt các thế hệ của ngày hôm nay; chúng đòi hỏi trách nhiệm, một trách nhiệm được chứng tỏ bằng việc nhận biết lầm lỗi quá khứ, cũng như trách nhiệm, căn cứ vào những tai họa trước ấy, đòi phải có những quan tâm nào đó.

 

Quan tâm thứ nhất đó là, trong số những căn nguyên của Thế Chiến Thứ Hai đó là việc tôn thăng quốc gia và nòi giống, và niềm tự mãn kiêu mạn của con người về việc mạo dụng khoa học, kỹ thuật và quyền lực. Qui luật không còn là một phương tiện để áp dụng công lý nữa, khi dạy chúng ta rằng, khi con người không còn khát vọng siêu việt thì họ mau chóng biến mình cùng người khác thành một thứ đồ vật, một con số, thậm chí một thứ sản phẩm thuần túy.

 

Quan tâm đó là, cho dù chúng ta có chấp nhận rằng, ở một số trường hợp nào đó, việc sử dụng võ lực một cách giới hạn và nghiêm ngặt không thể tránh để chu toàn trách nhiệm bảo vệ mọi quốc gia và cộng đồng thế giới, chúng ta cũng được kêu gọi hãy thực tế mà nhìn nhận rằng những giải pháp ôn hòa vẫn là những gì khả dĩ và không được bỏ qua một nỗ lực nào để thực hiện những giải pháp ấy.

 

Loài người đã từng cân nhắc về thứ luân lý chiến tranh và tư cách đạo lý của thành phần chiến đấu. Bản tường trình “Về Quyền Tự Do Bao Rộng Hơn” của vị tổng thư ký đã thôi thúc Hội Đồng Bảo An chấp thuận quyết nghị về tính cách hợp lý và tính cách pháp lý của việc sử dụng võ lực. Việc nhìn nhận bản chất thê thảm và tàn hại của chiến tranh, cũng như trách nhiệm chung về những cuộc xung đột trong quá khứ và hiện tại, buộc chúng ta phải đặt vấn đề chẳng những liên quan tới việc chiến tranh có thể hợp pháp và hợp lý, mà đặc biệt vấn đề chiến tranh là những gì có thể tránh được. Đó là lý do những chương khác nhau trong bản tường trình của vị tổng thư ký cần phải được coi như toàn bộ. Sẽ chỉ đạt được hòa bình và an ninh toàn cầu nếu cộng đồng quốc tế tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, và dấn thân hoạt động cho việc phát triển xã hội và kinh tế cho hết mọi quốc gia, cho hết mọi người nam nữ và trẻ em.

 

Quan tâm thứ ba đó là, Thế Chiến Thứ Hai, cũng như tất cả mọi cuộc chiến tranh của thế kỷ 20, cho thấy những chính sách dứt điểm và việc hoạch định hoạt động hậu chiến là những gì thiết yếu nhắm đến mục đích phục hồi công lý và hòa bình cũng như việc bảo vệ. Trong quá khứ người ta đã chú trọng nhiều đến vấn đề ‘ius ad bellum’, tức là đến những điều kiện cần thiết để biện minh cho việc sử dụng võ lực, cũng như đến vấn đề ‘ius in bello’, những giới hạn về pháp lý của hành động đạo lý trong cuộc chiến. Căn cứ vào những sự tàn phá về luân lý của Thế Chiến Thứ II và bản chất của chiến tranh từ đó, thì giờ đây đã đến lúc chú trọng đến và khai triển một chiều kích thứ ba của luật chiến tranh, tức là ‘ius post bellum’, hay làm cách nào để đạt được một cách nhanh chóng và hiệu nghiệm việc thiết lập một nền hòa bình chân chính và bền bỉ, một nền hòa bình là một mục tiêu duy nhất có thể chấp nhận cho việc sử dụng võ lực.

 

Như thế, những phương tiện về pháp lý quốc tế hiện nay bao gồm tư cách và những hoạt động sau cuộc chiến là những gì cần phải được củng cố và nới rộng liên quan tới thời điểm đổi thay nhanh chóng của chúng ta đây, trong khi đó cũng cần phải để ý tới những giới hạn về đạo lý được lương tâm và cảm quan tân tiến khai triển, như việc hòa giải, để giúp cho mọi bên dính dáng tới những mối liên hệ chặt chẽ về tình thân hữu và tính cách lân bang; tới việc bảo đảm an ninh và ổn định hóa các quốc gia ra khỏi vòng chiến; tới tình liên đới quốc tế trong tiến trình tái thiết về kinh tế xã hội nơi cơ cấu của các xã hội ấy; tới việc phục hồi môi sinh sau khi cuộc chiến đã chấm dứt; và tới nền công lý ở mọi cấp trật, vì, nếu quyền lực được sử dụng vì công lý thì công lý chắc chắn cần phải chi phối hết mọi khía cạnh của tiến trình xây dựng hòa bình.

 

Quan tâm thứ bốn đó là, gần đây, vai trò của LHQ như là một nhà xây dựng hòa bình đã được tái nhấn mạnh đến. Tòa Thánh chia sẻ mối quan tâm của vị tổng thư ký là guồng máy LHQ là guồng máy hoàn toàn giải quyết cái khó khăn trong việc giúp các quốc gia chuyển mình từ chiến tranh sang hòa bình bền vững, và một lần nữa Tòa Thánh muốn bày tỏ việc hoàn toàn ủng hộ vấn đề thiết lập một ủy ban xây dựng hòa bình liên chính quyền.

 

Bởi thế, việc tưởng niệm này là một nhắc nhở đáng kể về chính “lý do hiện hữu” của LHQ. Mặc dù ngày nay nó hành sử các trách vụ của mình ở những lãnh vực rộng rãi khác nhau, những hoạt động ấy cũng không được tách chúng ta khỏi cái “sine qua non” của việc tổ chức này hiện hữu, tức là nền hòa bình nơi các quốc gia.

 

Xin cám ơn ông Chủ Tịch.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 10/5/2005

 

 

TOP

 

 

Tân Giáo Hoàng Biển Đức: Vị Giáo Hoàng của Hiệp Nhất Kitô Giáo: "Những cử chỉ cụ thể"

Như chúng ta đã biết, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, ngay sau ngày được bầu làm giáo hoàng, tức vào cuối Thánh Lễ Thứ Tư 20/4/2005, trong sứ điệp ngỏ cùng hồng y đoàn bấy giờ, ngài đã chính thức công khai tuyên bố vấn đề đại kết Kitô giáo là mối quan tâm đệ nhất của ngài. Ngài nói:

• “Bởi vậy, bằng tất cả ý thức và vào lúc mở đầu cho thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tắm máu, vị Thừa Kế này, lấy làm quyết tâm chính yếu của mình, cương quyết không ngừng hoạt động để hướng đến việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Đó là tham vọng của ngài, đó là nhiệm vụ bó buộc của ngài. Ngài biết rằng, để làm điều này, những bày tỏ về cảm tình thiện cảm mà thôi chưa đủ. Cần phải có những cử chỉ cụ thể để thấm nhập các tâm hồn và đánh động lương tâm, phấn khích mọi người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều căn bản cho tất cả mọi thứ tiến bộ trên con đường đại kết”.

Vậy, từ sau khi ngài tuyên bố những lời làm nên sứ vụ giáo triều của ngài này, ngài đã thực hiện “những cử chỉ cụ thể” này ra sao, và thành phần có liên quan đến hoạt động đại kết Kitô giáo đã nhận định về ngài như thế nào?

Trước hết, về “những cử chỉ cụ thể để thấm nhập các tâm hồn và đánh động lương tâm, phấn khích mọi người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều căn bản cho tất cả mọi thứ tiến bộ trên con đường đại kết”, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức của chúng ta quả thực đã bắt đầu thực hiện.

Thật vậy, ĐTGM Claude Feidt of Aix en Provende, đại diện Giáo Hội Công Giáo có mặt tại hội nghị Giáo Hội Cải Cách Pháp Quốc ở thành phố này đã đọc bản văn được văn phòng quốc vụ khanh của Tòa Thánh thay cho Đức Thánh Cha gửi đến hội nghị được chấm dứt hôm Chúa Nhật 8/5/2005 này.

Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi lời chào “thân ái đến tất cả mọi tham dự viên, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho họ”, vị chủ tịch của hội nghị này là Marcel Manoel đã cho biết như thế. Ông nói tiếp: “Đây là lần đầu tiên hội nghị của chúng tôi đã nhận được một sứ điệp như vậy. Chúng tôi nhận được sứ điệp này như là một cử chỉ của sự quan tâm”.

Giáo Hội Cải Cách Pháp Quốc có tất cả 350 phần tử. Chủ đề cho hội nghị lần này là “Tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô trong một Xã Hội Trần Thế”. Giáo Hội Cải Cách Pháp Quốc là giáo hội chính trong Liên Hiệp Thệ Phản Pháp Quốc, một tổ chức có chừng 900 ngàn người.

Chúng ta cũng nên biết là, trong thời gian còn giữ vai trò Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ngài đã thực hiện “những cử chỉ cụ thể” đối với vấn đề đại kết Kitô giáo này rồi. Chắc chúng ta còn nhớ bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo với Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ở Đức ngày 30/10/1999 tại Augsburg, một thành quả tốt đẹp sau hơn 30 năm đối thoại đại kết. Thế nhưng, thành quả đại kết đầu tiên này không thể có nếu không thiếu “những cử chỉ cụ thể” do đích thân vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger thực hiện.


Thật vậy, trong cuộc tranh luận về thông điệp “Đức Tin và Lý Trí” của ĐTC Gioan Phaolô II xẩy ra tại Rôma vào Tháng 10/1998, vị hồng y nay làm giáo hoàng Biển Đức XVI của chúng ta đây đã cho biết rằng trước khi ngài lên đại học, ngài đã đọc tất cả các tác phẩm của Luthêrô được viết trước thời Cải Cách, tức là ngài đã hiểu được những suy nghĩ của một nhân vật Luthêrô khi còn là linh mục Công giáo.


ĐHY Ratzinger bấy giờ đã kêu gọi những ai hiện diện hãy đọc lại những bản văn đó, vì chúng cho thấy cuộc chiến đấu cả thể Luthêrô đã trải qua khi phải đương đầu với bản thân mình để sống và chấp nhận những giáo huấn của Vị Thiên Chúa công minh và thiện hảo. Cuộc tranh luận về thông điệp “Đức Tin và Lý Trí” naà đã kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Vị nguyên Giám Mục Tin Lành Luthêrô Wolfgang Huber ở Bálinh (bấy giờ, nay làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc) lấy làm cảm phục trước sự ứng đáp của vị tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và khen Đức Ratzinger là một trong ít người thực sự hiểu được Luthêrô. Và chính kiến thức của ĐHY Joseph Ratzinger về ông tổ Thệ Phản Luthêrô đã giúp phần làm hiện thực việc ký kết lịch sử Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa.


Tuy nhiên, có một số điểm trong bản dự thảo của bản tuyên ngôn này được trình bày trong năm 1998 đã bị cả Tòa Thánh lẫn hiệp hội loại bỏ. Khi tình hình cho thấy dự án có thể bị hỏng cuộc, thì những khó khăn ấy đã được thắng vượt bởi Giám Mục Johannes Hanselmann, nguyên chỉ tịch Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, và ĐHY Ratzinger, nhờ tình thân hữu lâu đời của hai vị này, mối thân hữu đã đưa đến việc thực hiện một cuộc họp riêng giữa hai người với nhau vào Tháng 11/1998.


Sau khi vị Giám Mục Tiến Sĩ Hanselmann này chết vào ngày 2/10/1999, ĐHY Ratzinger đã tiết lộ trong một bài diễn thuyết là: “Chúng tôi đã thực hiện một cuộc gặp gỡ ở nhà của người anh em của tôi, tại Đức quốc, khi mà dường như việc thỏa thuận về Tín Lý Công Chính Hóa đã bất thành. Nhờ đó, trong diễn trình của một cuộc tranh luận kéo dài cả một ngày trời, chúng tôi đã tìm thấy được những công thức làm sáng tỏ những điểm vẫn còn gặp trục trặc… Với công thức được dẫn giải vào những ngày ấy, theo cả Liên Hiệp Luthêrô lẫn giáo huấn của Công Giáo, họ đã có thể công nhận rằng họ đi đến việc thỏa thuận về một số điển nồng cốt của Tín Lý Công Chính Hóa. Nó không phải là một việc thỏa thuận có tính cách toàn cầu, thế nhưng, với công thức này mới có thể tiến đến chỗ ký vào một văn bản thỏa thuận ở những gì căn bản”.


Sau nữa, thành phần có liên quan đến hoạt động đại kết Kitô giáo đã nhận định về ngài như thế nào? Trước quyết tâm cương quyết đi cho đến cùng con đường hiệp nhất Kitô giáo này của vị tân Giáo Hoàng 265 của Giáo Hội Công Giáo như thế, các nhân vật cao cấp thuộc Phong Trào Thệ Phản Tây Phương là phong trào được bắt đầu từ linh mục dòng Âu Quốc Tinh Martin Lutherô vào tiền bán thế kỷ 16 đã nhận định về ngài như thế này.

Đối với Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội (the World Council of Churches), một tổ chức bao gồm 347 giáo hệ phái và cộng đồng giáo hội trên 100 quốc gia và lãnh thổ, với hơn 400 triệu Kitô hữu, mục sư Samuel Kobia, tổng thư ký của tổ chức này và là mục sư của Giáo Hội Methodist ở Kenya, trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit (được phổ biến ngày Thứ Sáu 22/4/2005), đã nhận định về ý hướng quyết tâm đẩy mạnh cuộc đối thoại hiệp nhất Kitô giáo của vị tân Giáo Hoàng.

“Quả thực tôi rất sung sướng thấy rằng Vị Biển Đức XVI đã coi rất trọng hoạch định này trong các ưu tiên của ngài ‘mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của Kitô hữu’, là mục tiêu tối hậu của phong trào đại kết và là lý do hiện hữu của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội. Nếu Vị Biển Đức XVI muốn tiến sâu vào những mối liên hệ và hợp tác với các Giáo Hội Kitô Giáo khác, và mạo hiểm đi vào các con đường mới để có thể mang chúng ta lại gần nhau hơn với mối hiệp thông trọn vẹn hơn bao giờ hết thì ngài sẽ thấy nơi Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội này một đồng bạn sẵn sàng đi với ngài tới đâu ngài muốn”.

Trong buổi triều kiến chung của thành phần Đại Kết và Liên Tôn trưa Thứ Hai 25/4, vị Giáo Chủ Anh Giáo là Rowan Williams, TGM Canterbury, đã được nói chuyện một chút với ĐTC Biển Đức XVI, sau đó, trong một cuộc họp báo ở Đại Học Anh Quốc ở Rôma, với sự hiện diện của cả ĐTGM Westminster là hồng y Cormac Murphy-O’Connor, đã cho biết nhận định của mình về vấn đề đại kết nơi vị tân giáo hoàng này như sau:

“Những gì đã làm cho chúng tôi cảm thấy phấn khởi trong cuộc viếng thăm này đó là hai điều. Dĩ nhiên một điều là Giáo Hoàng Biển Đức đã nhấn mạnh đến việc lấy làm ưu tiên hoạt động đại kết. Ngài đã nói về việc làm tôi tớ cho mối hiệp nhất, và chúng tôi đã cảm thấy thấm thía khi chúng tôi nghe thấy thế”.

Vị chủ tịch hiện nay của tổ chức Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới là Mục Sư Mark Hanson, lập gia đình và có 6 người con, đồng thời cũng là vị giám mục chủ tịch ở Chicago của Evangelical Lutheran Church tại Hoa Kỳ, đã khen kiến thức sâu rộng của Vị Giáo Hoàng về Martin Luther và mong muốn củng cố vấn đề hiểu biết nhau hơn giữa người Công Giáo và Luthêrô. Mạng điện toán toàn cầu Zenit hôm 25/4/2005 đã phổ biến cuộc phỏng vấn giữa họ với vị mục sư chủ tịch này, một người đã nhận định về vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI với vấn đề đại kết Kitô giáo như sau:

“Chúng tôi có đủ lý do để hy vọng thấy được những phát triển đại kết tốt đẹp và việc hiểu biết nhau hơn nơi những người Luthêrô và những người Công giáo Rôma trong giáo triều của vị Giáo Hoàng này. Trong vai trò lãnh đạo Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ĐHY Ratzinger đã mang lại cho vai trò lãnh đạo đại kết quan trọng, bao gồm cả việc ủng hộ việc chính thức chấp nhận một văn kiện rất lịch sử, đó là Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Điều Công Chính Hóa. Bản văn kiện này được ký ở Augsburg, Đức quốc, quê hương xứ sở của Đưc Giáo Hoàng, vào ngày 31/10/1999. Đó là ngày theo truyền thống những người Luthêrô cử hành Cuộc Cải Cách”.

Riêng tôi, trong bài chia sẻ “Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Một Tân Âu Châu” trong buổi phát thanh Tin Mừng Sự Sống 242 ngày 1/5/2005 (www.tinmungsuong.org) , một bài cũng được phổ biến trên mạng điện toán toàn cầu www.thoidiemmaria.net và www.dongcong.net cùng ngày phát thanh, đã cảm thấy dường như Thiên Chúa đã dọn đường trước cho vị giáo hoàng người Đức xuất thân từ một quốc gia xuất phát Phong Trào Thệ Phản này, để giúp ngài có thể hoàn tất sứ vụ hiệp nhất Kitô giáo của ngài, khi Thiên Chúa đã cho hoàn tất Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa giữa Giáo Hội Công Giáo với Liên Hiệp Lutherô Thế Giới gần 6 năm trước đây, để rồi, qua tổ chức Liên Hiệp Thế Giới Luthêrô này, như qua Công Đoàn Liên Đới ở Balan đã được Thiên Chúa sử dụng nhờ ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II trong biến cố làm sụp đổ Khối Cộng Sản Đông Âu vào cuối năm 1989 thế nào, tổ chức Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới cũng có thể được Vị Chủ Tể Lịch Sử loại người sử dụng, nhờ ảnh hưởng của vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, với “những cử chỉ cụ thể” đại kết Kitô giáo của ngài, để làm cho Âu Châu là châu lục Kitô giáo được thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất, để chẳng những Kitô giáo có thể đứng vững trước cuộc tấn công của tân ý hệ duy nhân bản hiện nay của thế giới, mà còn trở thành một thần lực truyền bá phúc âm hóa trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo nữa.

 

Bài phát thanh Tin Mừng Sự Sống ngày Thứ Sáu 13/5/2005 www.tinmungsusong.org 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ