GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚANHẬT15/5/2005 LỄ HIỆN XUỐNG |
1) ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ hàng giáo sĩ Rôma
2) ĐTC với lãnh sự đoàn về hòa bình và nhân quyền
3) Giáo Hoàng Biển Đức Nhậm Ngự Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của ngài và giảng về Ý Nghĩa và Vai Trò của Ngai Tòa Phêrô (tiếp Thứ Bảy)
ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ hàng
giáo sĩ Rôma.
Sáng Thứ Sáu 13/5/2005, ĐTC đã được chở đến Tòa Tổng Đại Diện Giáo Phận Rôma, và
tại Sảnh Đường Hòa Giải, ngài đã được nhân viên làm việc tại đây chào đón. Sau
đó, ngài đã sang Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để gặp gỡ hàng giáo sĩ của giáo
phận này. Sau khi được vị tổng đại diện của giáo phận này là ĐHY Camillo Runini
ngắn gọn ngỏ lời chào mừng, ngài đã ban huấn từ cho họ với những điểm chính yếu
tiêu biểu như sau.
|
“Cảm nghiệm đặc biệt về đức tin chúng ta đã
trải qua trước cái chết của Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất yêu dấu của chúng
ta, đã chứng tỏ cho thấy một Giáo Hội Rôma hết sức hiệp nhất, đầy sinh lực và
đầy nhiệt tình; tất cả những điều này là hoa trái của việc nguyện cầu và tông đồ
của anh em”.
Sau khi nhấn mạnh đến nhu cầu “luôn phải trở về với căn gốc ơn gọi linh mục của
chúng ta”, tức là trở về với “Đức Giêsu Kitô là Chúa”, là linh mục, “chúng ta
không buộc phải nói nhiều lời, mà là làm âm vang và trở nên thành phần ôm ấp một
‘Lời’ suy nhất, đó là Lời Chúa, Lời đã trở thành nhục thể vì phần rỗi của chúng
ta… Chúng ta phải trở thành những người bạn thật sự của Người, chia sẻ những cảm
thức của Người, muốn những gì Người muốn và không muốn những gì Người không muốn”.
Vị giáo hoàng này đã mời gọi các vị linh mục hãy ấp ủ những lời của Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II sau đây: “Thánh Lễ, nói một cách tuyệt đối, là tâm điểm
của đời tôi cũng như của mỗi một ngày sống của tôi”.
Về vấn đề đức tuân phục đối với Chúa Kitô, ngài đã nhắc nhở rằng “vấn đề này cần
phải được thể hiện cụ thể qua việc tuân phục giáo hội, một đức tuân phục, đối
với một vị linh mục, qua việc thực hành hằng ngày, trước hết, là vâng phục vị
giám mục của mình”.
Về vấn đề sống nội tâm, ngài nhắc lại những gì ngài đã nói trong bài giảng trước
mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng liên quan đến “niềm khắc khoải thánh thiện;
một niềm khắc khoải muốn mang đến cho mọi người tặng ân đức tin”. Sau khi nhấn
mạnh rằng Chúa Kitô “kêu gọi chúng ta làm nhân chứng của Người”, ngài đề cập tới
nhu cầu cần phải “sống với Chúa”, cần phải tìm cách “sống hiệp thông thân mật
với Chúa Kitô” để “chẳng những không lui bước trước mệt mỏi, mà còn đứng vững,
thậm chí còn phát triển như là một con người và là linh mục. Thời gian ở trước
nhan Chúa thật sự là một thứ ưu tiên về mục vụ, thật sự là một thứ ưu tiên quan
trọng nhất. Đức Gioan Phaolô II đã chứng tỏ cho tất cả chúng ta thấy điều này
bằng những cách thức cụ thể nhất và sáng ngời nhất trong mọi hoàn cảnh đời sống
và thừa tác vụ của ngài”.
“Việc bản thân chúng ta đáp lại ơn gọi thánh thiện là những gì nồng cốt và quyết
liệt. Đó là một điều kiện thiết yếu, chẳng những cho việc tông đồ riêng của
chúng ta được sinh hoa kết trái, mà còn, một cách bao rộng hơn, cho dung nhan
của Giáo Hội phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô.
“Thừa tác vụ của tôi làm giám mục Rôma đi theo bước chân của các vị tiền nhiệm
của tôi, nhất là tiếp tục gia sản quí báu được Đức Gioan Phaolô II lưu lại. Chư
linh mục và phó tế thân mến, chúng ta hãy cùng nhau bình tâm và tin tưởng tiến
bước trên con đường này”.
Sau khi ban huấn từ, ĐTC nghe những vấn nạn và chia sẻ của tham dự viên, rồi cám
ơn họ, đoạn trở về Vatican.
Trong bài huấn từ hôm nay, ngài cũng loan báo việc ngài chuẩn chước cho thời
gian 5 năm mới được tiến hành thủ tục phong thánh cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II. Như thế, nếu việc châm chước này là một đặc ân từ trời thì chắc chắn
ĐTC GPII sẽ thực hiện một phép lạ sớm, để rồi, như Mẹ Têrêsa Calcutta, vừa hết
thời hạn chờ đợi 5 năm, đã làm phép lạ và tới năm thứ 6 sau ngày Mẹ qua đời
(9/1997-10/2003) Mẹ đã được phong chân phước thế nào, Đức Gioan Phaolô II cũng
có thể sẽ được phong chân phước vào ngày giỗ đầy năm qua đời của ngài, có thể
vào Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương năm 2006, vì ngài là Tông Đồ của Lòng Thương
Xót Chúa và đã được Chúa gọi về vào Ngày Thứ Bảy 2/4/2005, Đêm Vọng Lễ Kính Lòng
Thương Xót.
ĐTC với lãnh sự đoàn về hòa
bình và nhân quyền
Hôm Thứ Tư 12/5/2005, ĐTC đã gặp gỡ các vị lãnh sự thuộc 174 quốc gia có liên hệ
ngoại giao trọn vẹn với Tòa Thánh. Trong bài diễn từ của mình, ngài đã xác nhận
những quyết tâm ngài đã nêu lên trong sứ điệp đầu tiên gửi cho thế giới, một sứ
điệp được đọc tại Nguyện đường Sistine hôm Thứ Tư 20/4/2005, ngay sau ngày ngài
được chọn làm tôn giáo hoàng.
Ngài cho biết kinh nghiệm của ngài về vấn đề hòa bình và nhân quyền, khi còn là
một con người trẻ ở Đức, nơi ngài là nạn nhân bị Nazi áp bức và chứng kiến thấy
việc chia rẽ gây ra bởi cộng sản.
“Phần tôi, một người xuất thân từ một xứ sở mà hòa bình và tình huynh đệ chiếm
được một địa vị lớn lao trong tâm khảm của cứ dân, nhất là cù những ai, như tôi,
nếm mùi chiến tranh và phân rẽ an hem thuộc cùng một quốc gia”.
Nguồn gốc của những thảm kịch này là “những ý hệ tàn hại và phi nhân, những ý hệ
được vẽ vời bằng những mộng tưởng và ảo tưởng hão huyền, đã áp đặt lên nhân loại
ách nặng của việc đàn ép”.
Nói bằng tiếng Pháp, ĐTC bày tỏ: “Đó là lý do quí vị mới hiểu được rằng tôi đặc
biệt nhạy cảm với cuộc đối thoại giữa loài người với nhau, hầu thắng vượt tất cả
mọi hình thức xung khắc và căng thẳng, mà làm cho thế giới của chúng ta thành
một thế giới của hòa bình và huynh đệ”.
Ngài kêu gọi “các cộng động Kitô hữu, các nhà lãnh đạo quốc gia, những vị lãnh
sự, cũng như tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm” hãy liên kết nỗ lực “để hiện
thực hóa một xã hội an bình” và “để thắng vượt khuynh hướng đối nghịch giữa các
nền văn hóa, giữa các nhóm sắc tộc và giữa các thế giới khác nhau”.
(Theo người dịch hiểu từ ngữ “các thế giới khác nhau” ở đây ĐTC có ý nói tới thế
giới tư bản và cộng sản, thế giới bắc phương giầu có và nam phương nghèo khó,
thế giới thứ ba đang phát triển v.v., theo ý nghĩa “thế giới” được ĐTC GPII đề
cập tới trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” của ngài ở chương 21).
Để đạt được mục tiêu này, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô đã kêu gọi “hết mọi quốc gia
cần phải lấy ra từ gia sản thiêng liêng và văn hóa của mình những giá trị tốt
nhất mà họ có để mạnh bạo gắp gỡ những thứ giá trị khác, sẵn sàng chia sẻ những
kho tàng về tinh thần và vật chất của mình cho thiện ích của tất cả mọi người”.
Vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo bảo đảm với thành phần đại diện hầu hết các quốc
gia trên thế giới này là Giáo Hội sẽ “không thôi loan báo và bảo vệ các quyền
lợi căn bản của con người vẫn còn bất hạnh bị vi phạm trên các phần đất khác
nhau trên thế giới”.
Ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội sẽ hoạt động “để quyền lợi của hết mọi người được
nhìn nhận về sự sống, về thực phẩm, về việc làm, về sức khỏe, về việc bảo vệ gia
đình, về việc cổ võ phát triển xã hội, và về việc tôn trọng phẩm giá của con
người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh thiên Chúa”.
“Quí vị hãy tin rằng Giáo Hội sẽ tiếp tục đóng góp việc hợp tác của mình vào
việc bảo trì phẩm giá của hết mọi người cũng như vào việc phục vụ công ích trong
hoàn cảnh và phương tiện xứng hợp với Giáo Hội”.
Để hoàn thành sứ vụ của mình, ngài nói, Giáo Hội không xin “được đặc ân cho bản
thân mình, mà chỉ cần những điều kiện hợp lý về quyền tự do và hoạt động trong
việc hoàn thành sứ vụ của mình mà thôi”.
Trong cuộc gặp gỡ lãnh sự đoàn này, ĐTC cũng ngỏ lời cám ơn những quốc gia không
có đại diện tham dự ở Thánh Lễ an táng của đức cố GH GPII hay lễ đăng quang của
ngài song đã gửi điện văn phân ưu và chúc mừng, chẳng hạn như Trung Cộng, Việt
Nam và Saudi Arabia, rồi ngài bày tỏ lòng mong ước được thấy họ có đại diện ở
Tòa Thánh như 174 hiện nay.
“Tôi cảm tạ những cử chỉ ấy và hôm nay tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi và
gửi lời chào các vị thẩm quyền dân sự của các quốc gia ấy, cùng bày tỏ lòng tôi
ước mong thấy họ có đại diện ở Tòa Thánh sớm bao nhiêu có thể. Tôi cũng nghĩ đến
các xứ sở Tòa Thánh chưa có liên hệ ngoại giao”.
ĐTC không liệt kê các nước Tòa Thánh chưa có ngoại giao với, nhưng theo các
chuyên viên Vatican thì ngài có ý nói tới Trung Cộng và Việt Nam.
Theo ĐHY Pio Laghi, một nhà ngoại giao hồi hưu, trên đài Telepace, một đài
truyền hình Công Giáo có móc nối với Vatican, thì mặc dù còn sớm để nói tới
chuyến tông du của ĐTC tới Trung Cộng, song vị hồng y này tin rằng “Vatican đang
hoạt động để tạo điều kiện cho chuyến tông du này. Vị Giáo Hoàng này có thể
quyết định tiếp tục thực hiện các chuyến tông du, như vị tiền nhiệm của ngài đã
làm, hay tập trung hoạt động ngoại giao của mình vào một số quốc gia chính là
những nơi Đức Gioan Phaolô chưa tới được”, như Nga, Tầu và Việt. Vị hồng y này
còn nói ĐTC cũng “có ý định sang thăm Thánh Địa”.
Trong khi chờ đợi, vào dịp đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XX tại Cologne
Đức Quốc vào Tháng 8/2005 tới đây, theo vị lãnh sự Do Thái tại tòa thánh Vatican
cho biết trong 1 cuộc họp báo hôm Thứ Sáu 13/5/2005, ĐTC sẽ ghé thăm hội đường
Do Thái tại đây, vì ngài đã nói như thế với vị lãnh sự này trong cuộc triều kiến
với lãnh sự đoàn hôm Thứ Tư 12/5. Vị lãnh sự Do Thái cho biết đó là “một biến cố
rất quan trọng và chúng tôi hết sức vui mừng”. Cộng đồng Do Thái ở Cologne là
một cộng đồng cổ nhất tại Đức Quốc, bắt đầu từ thế kỷ thứ 4.
Giáo Hoàng Biển Đức Nhậm Ngự Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của ngài và giảng về Ý Nghĩa và Vai Trò của Ngai Tòa Phêrô (tiếp Thứ Bảy 14/5/2005)
“Như thế, Thánh Thần là quyền lực nhờ đó Chúa Kitô làm cho chúng ta cảm nghiệm được việc Người gần gũi chúng ta. Thế nhưng, bài đọc thứ nhất cũng đã để lại cho chúng ta một sứ điệp thứ hai, đó là sứ điệp các con sẽ là những chứng nhân của Thày. Chúa Kitô phục sinh cần những chứng nhân là thành phần đã được gặp gỡ Người, thành phần đã biết Người cách thân tình nhờ quyền năng của Thánh Linh, những con người có thể nói đã chạm đến Người bằng tay của họ để chứng thực về Người. Chính nhờ thế mà Giáo Hội, gia đình của Chúa Kitô, đã phát triển từ “Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất”, như bài đọc này nói. Giáo Hội được xây dựng bởi thành phần chứng nhân, bắt đầu với Thánh Phêrô và Phaolô, với 12 vị, với tất cả mọi con người nam nữ tràn đầy Chúa Kitô trong giòng thời gian của các thế kỷ đã từng nhóm lên và sẽ làm bùng lên một cách mới mẻ hơn bao giờ hết ngọn lửa đức tin. Hết mọi Kitô hữu, qua lối sống của mình, có thể và phải trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô phục sinh. Khi chúng ta đọc tên tuổi của các thánh nhân, chúng ta có thể thấy biết bao nhiều lần các vị đã từng là, trước hết, và tiếp tục là, những con người đơn sơ chân chất, những con người đã làm phát xuất ra và đang làm xuất phát ra một ánh sáng rạng ngời có thể dẫn đến với Chúa Kitô.
“Thế nhưng, cuộc hòa tấu chứng từ này đã được ủy thác, qua một cấu trúc được ấn định một cách rõ ràng, cho thành phần thừa kế các Thánh Tông Đồ, tức là các giám mục, trách nhiệm công khai trong việc làm sao để bảo đảm rằng đường lối chứng từ này tiếp tục kéo dài qua giòng thời gian. Nơi bí tích tấn phong giám mục, các vị đã nhận được thẩm quyền và ân sủng cần thiết để thi hành việc phục vụ này. Và trong đường lối chứng từ này Vị Thừa Kế Thánh Phêrô có một nhiệm vụ đặc biệt. Thánh Phêrô đã là người đầu tiên, thay cho các vị tông đồ, tuyên xưng niềm tin: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Đó là công việc của tất cả mọi Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, đó là công việc làm người hướng dẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống.
“Ngài tòa Rôma, trước hết, là ngai tòa của niềm tin kính ấy. Từ tính chất cao cả của ngai tòa này, Vị Giám Mục Rôma buộc phải liên lỉ lập lại rằng: ‘Chúa Giêsu là Chúa – Dominus Jesus’. ‘Chúa Giêsu là Chúa’, như Thánh Phaolô đã viết trong những Bức Thư gửi cho giáo hữu Rôma (10:9) cũng như cho giáo hữu Côrintô (1Cor. 12:3). Với các tín hữu Côrinot6, ngài nói một cách đặc biệt là: ‘Vì mặc dù có nhiều vị được gọi là thần linh trên trời dưới đất… nhưng đối với chúng ta chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha… và một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà tất cả mọi sự có và bởi Người chúng ta hiện hữu’ (1Cor 8:5). Ngai tòa Thánh Phêrô buộc những ai giữ vai trò thừa hành của mình phải nói như Thánh Phêrô đã làm ở vào lúc khủng hoảng của các môn đệ, khi có nhiều người muốn bỏ đi: ‘Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có những lời sự sống đời đời; và chúng con đã tin cùng nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa’ (Jn 6:68 và các câu sau đó).
“Ai ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô đều phải nhớ những lời Chúa Kitô nói với Simon Phêrô trong Bữa Tiệc Ly: ‘Khi nào con được phục hồi con cũng hãy củng cố cho anh em của con’ (Lk 22:32). Vị năm giữa vai trò thừa tác vụ Phêrô cần phải biết rằng mình là một con người yếu đuối mỏng dòn, với sức riêng ngài vốn mỏng dòn và yếu đuối, liên lỉ cần thanh tẩy và hoán cải. Tuy nhiên, ngài cũng biết rằng ngài nhận được sức mạnh từ Chúa để củng cố anh chị em mình trong đức tin, và giúp họ liên kết với nhau tuyên xưng Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh. Trong Bức Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, chúng ta có được trình thuật cổ nhất về biến cố Phục Sinh. Thánh Phaolô đã trung thành thuật lại từ những vị chứng nhân. Trình thuật này trước hết nói về việc Chúa Kitô chết vì tội lỗi của chúng ta, về việc Người chịu mai táng, về việc Người phục sinh xẩy ra vào ngày thứ ba, rồi sau đó Thánh Nhân nói: ‘Người đã hiện ra với Cephas, đoạn với 12 vị’ (1Cor 15:5). Như thế, một lần nữa, ý nghĩa của sứ mệnh được ủy thác cho Thánh Phêrô cho đến tận cùng trái đất được tóm lại là làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh.
“Vị giám mục Rôma ngự ở ngai tòa của ngài là để làm chứng cho Chúa Kitô. Bởi thế, ngai tòa này là biểu hiệu của quyền bính giảng dạy ‘potestas docendi’ là yếu tố thiết yếu thuộc sứ mệnh tháo cởi được Chúa Kitô ban cho Thánh Phêrô và sau ngài ban cho 12 Vị. Trong Giáo Hội, Thánh Kinh, những gì được Thánh Thần giúp cho ngày cáng thêm hiểu biết, với thừa tác vụ dẫn giải Thánh Kinh đã thực sự được Chúa Kitô ban cho các tông đồ, là những gì thuộc về nhau một cách hỗ tương bất khả phân ly.
“Bất cứ lúc nào Thánh Kinh tách lìa khỏi tiếng nói sống động của Giáo Hội thì rơi vào cạm bẫy tranh luận của các chuyên gia. Chắc chắn tất cả những gì là tiếng nói sống động của Giáo Hội có thể nói với chúng ta đều quan trọng và quí hóa; công việc của thành phần học thức là những gì đáng kế trong việc giúp chúng ta hiểu được tiến trình Thánh Kinh phát triển nhờ đó hiểu được tính cách phong phú về lịch sử của Thánh Kinh. Thế nhưng, khoa học tự mình không thể cống hiến cho chúng ta một dẫn giải tối hậu và buộc theo; nó không thể cống hiến cho chúng ta, nơi việc dẫn giải, cái chắc chắn chúng ta có thể sống và cũng là những gì chúng ta có thể hy sinh mạng sống mình. Đó là lý do tiếng nói sống động của Giáo Hội mới là những gì cần thiết, tiếng nói của một Giáo Hội đã được trao phó cho Tông Đồ Phêrô cùng với tông đồ đoàn cho đến tận cùng thời gian.
“Quyền bính giảng dạy này làm cho nhiều người cảm thấy run sợ, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Họ tự hỏi mình rằng quyền bính ấy liệu có đe dọa đến việc tự do tin tưởng hay chăng, liệu có trở thành một căn cớ phạm đến quyền tự do tư tưởng hay chăng. Không phải vậy. Quyền bính này được Chúa Kitô ban cho Thánh Phêrô và thành phần Thừa Kế ngài, theo nghĩa tuyệt đối, là một sứ mệnh phục vụ. Quyền giảng dạy trong Giáo Hội bao gồm việc dấn thân phục vụ cho vấn đề tuân phục đức tin. Vị Giáo Hoàng không phải là một vương chủ tuyệt đối mà tư tưởng và ý muốn của ngài là luật phép. Hoàn toàn trái lại, thừa tác vụ của Giáo Hoàng là một bảo đảm cho việc tuân phục Chúa Kitô cùng Lời của Người. Ngài không được loan truyền những ý nghĩ riêng tư của mình, nhưng phải liên lỉ buộc mình và Giáo Hội tuân phục Lời Chúa, khi cần phải vận dụng tất cả mọi nỗ lực để thích ứng Lời ấy hay để thực hành Lời ấy, cũng như khi phải đương đầu với tất cả mọi hình thức thuộc chủ nghĩa cơ hội.
“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm như thế, khi mà, bằng tất cả nỗ lực của mình, những nỗ lực tỏ ra nhân ái, trước những giải thích sai lạc về tự do, ngài đã nhấn mạnh một cách dứt khoát tính cách bất khả vi phạm đến con người, tính cách bất khả vi phạm đến sự sống của con người từ khi thụ thai tới khi tự nhiên qua đi. Tự do sát hại không phải là tự do đích thực, mà là một thứ chuyên chế bạo tàn biến con người thành nô lệ. Trong những quyết định quan trọng của mình, vị Giáo Hoàng này ý thức được tính cách liên hệ với đại cộng đồng đức tin thuộc tất cả mọi thời đại, với những dẫn giải gắn bó được phát triển qua cuộc hành trình trần thế của Giáo Hội. Bởi thế, quyền hành của ngài không phải là những gì trên hết mà là để phục vụ Lời Chúa, và ngài phải mang trách nhiệm phải làm sao bảo đảm rằng Lời này tiếp tục hiện hữu một cách cao cả và vang động với tính chất nguyên tuyền của Lời ấy, nhờ đó, Lời này không bị tiêu tán theo những đổi thay liên lỉ của thời trang.
“Chúng ta hãy lập lại một lần nữa rằng ngai tòa này là biểu hiệu cho thẩm quyền giảng dạy, một thẩm quyền giảng dạy là thẩm quyền của đức tuân phục và phục vụ, nhờ đó Lời Chúa – chân lý của Người! – được chiếu tỏa nơi chúng ta, cho chúng ta thấy đường đi nước bước. Tuy nhiên, khi nói đến ngai tòa của vị Giám Mục Rôma, làm sao người ta không nhớ lại những lời của Thánh Ignatiô Antiôkia đã viết cho tín hữu Rôma? Thánh Phêrô, từ Antiôkia là ngai tòa đầu tiên của ngài đến Rôma là ngai tòa cuối cùng của ngài; một ngai tòa đã trở thành tối hậu với cuộc tử đạo vĩnh viễn liên kết việc thừa kế của ngài với Rôma như là “ngai tòa chủ sự trong yêu thương”, một diễn đạt hết sức quan trọng.
“Chúng ta không biết chắc chắn những gì Thánh Ignatiô thực sự muốn nói khi sử dụng những lời lẽ ấy. Thế nhưng, đối với Giáo Hội sơ khai thì lời yêu thương, ‘agape’ có liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể. Nơi mầu nhiệm này, tình yêu của Chúa Kitô bao giờ cũng được hiện tỏ giữa chúng ta. Nơi đây, Người lúc nào cũng ban mình một lần nữa. Nơi đây, Người lúc nào cũng để cho trái tim Người bị xuyên đâm một lần nữa. Nơi đây Người đã giữ những gì Người hứa hẹn, lời hứa là từ trên Thập Giá Người sẽ thu hút tất cả mọi người đến cùng Người. Nơi Thánh Thể, chính chúng ta biết được tình yêu của Chúa Kitô.
“Nhờ trung tâm và tâm điểm này, tức nhờ Thánh Thể, các vị thánh đã sống, mang tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới bằng những hình thức và đường lối mới mẻ hơn bao giờ hết. Nhờ Thánh Thể, Giáo Hội luôn được tái sinh. Giáo Hội chính là cơ cấu ấy – là cộng đồng Thánh Thể! – một cộng đồng mà tất cả chúng ta, bằng việc lãnh nhận cùng một Chúa, trở thành một thân thể duy nhất và bao gồm toàn thể thế giới. Tóm lại, việc chủ sự trong tín lý và trong yêu thương cần phải trở nên một điều duy nhất: vì tất cả mọi tín lý của Giáo Hội cuối cùng cũng dẫn đến yêu thương. Và Thánh Thể, như tình yêu hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, là tiêu chuẩn của tất cả mọi tín lý. Tất cả mọi lề luật và lời tiên tri đều lệ thuộc vào yêu thương như lời Chúa phán (Mt 22:40). Yêu thương là làm trọn lề luật, Thánh Phaolô đã viết như thế cho tín hữu Rôma (13:10).
“Nhân dân Rôma thân mến, giờ đây tôi là giám mục của anh chị em. Xin cám ơn lòng quảng đại của anh chị em, xin cám ơn lòng cảm mến của anh chị em, xin cám ơn sự nhẫn nại của anh chị em! Là người Công giáo, ở một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là người Rôma. Bằng những lời của Thánh Vịnh 87, một bài thánh ca chúc tụng Sion, Mẹ của tất cả mọi dân nước, Do Thái đã hát và Giáo Hội đang hát: ‘Thế nhưng cần phải nói về Sion thế này: tất cả họ đều được sinh ra ở đây’ (Ps 87:5). Cũng thế, chúng ta có thể nói rằng, là người Công Giáo, ở một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều được sinh ra ở Rôma. Bởi thế, tôi hết sức cố gắng để làm giám mục của anh chị em, làm Giám Mục Rôma. Và tất cả chúng ta đều muốn cố gắng để trở thành những người Công giáo hơn bao giờ hết, trở thành anh chị em của đại gia đình Thiên Chúa hơn bao giờ hết, một gia đình không có ai là xa lạ cả.
“Sau hết, tôi xn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đối với vị tổng quản giáo phận Rôma là ĐHY Camillo Ruini, cũng như các vị giám mục phụ tá cùng toàn thể nhân viên cộng sự của các vị. Tôi cũng thành thật cám ơn các vị linh mục coi xứ, hàng giáo sĩ Rôma, và tất cả những ai, với tư cách là tín hữu, góp phần vào việc xây dựng nơi đây ngôi nhà sống động cho Thiên Chúa. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 9-10/5/2005