GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 16/5/2005

 

1) ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật Hiện Xuống về Chúa Thánh Thần và Việc Truyền Chức Linh Mục

2) Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Giải Giới Nguyên Tử

3) Những diễn tiến về cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng 265

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật Hiện Xuống về Chúa Thánh Thần và Việc Truyền Chức Linh Mục

Trước khi Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đình với 50 ngàn người tại Quảng Trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 15/5/2005, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và trước khi ban huấn từ, ĐTC Biển Đức đã xin lỗi vì đã chậm trễ bởi Thánh Lễ Truyền Chức kéo dài.

Thật vậy, sáng này, trong Đền Thờ Thánh Phêrô, ngài đã truyền chức cho 21 tân linh mục, tuổi từ 26 đến 55, thuộc 9 quốc gia khác nhau Ý (11), Bolivia (2), Uruguay, Costa Rica, Peru, Ireland, Rumania, Kenya, Angola, Nigeria, những phó tế đã theo học ở 4 chủng viện khác nhau là Giáo Hoàng Đại Chủng Viện Rôma (6), Mẹ Đấng Cứu Chuộc (9), Huynh Đệ Linh Mục Con Cái Thánh Giá (1) và Con Cái Thánh Anne (2).

Trong bài giảng của mình, ĐTC đã kêu gọi các tân linh mục hãy biến đổi thế giới bằng các Bí Tích Thánh Thể và thống hối do các vị là thừa tác viên sau khi thụ phong.

Ngài nói nhân danh Chúa Giêsu, “anh em có thể nói: ‘Này là mình Thày’, ‘Này là máu Thày’. Lúc nào anh em cũng quyến luyến với Thánh Thể bằng việc hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Anh em hãy đặt trọng tâm mỗi ngày sống của mình là việc cử hành Thánh Lễ một cách xứng đáng. Anh em cũng hãy dẫn con người đến với mầu nhiệm này. Hãy giúp họ bắt đầu từ mầu nhiệm ấy, mang bình an của Chúa Kitô đến cho thế giới”.

“Bí tích thống hối là một trong những kho tàng của Giáo Hội, vì chỉ ở nơi việc tha thứ tội lỗi mới thực sự làm cho thế giới được canh tân. Không gì có thể cải cách thế giới, nếu không thắng vượt được sự dữ. Và sự dữ chiỉcó thể bị khắc phục bởi sự thứ tha. Dĩ nhiên, cần phải là một sự thứ tha có hiệu năng. Thế nhưng sự thứ tha này chỉ có thể được Chúa ban cho chúng ta mà thôi, một sự tha thứ không loại trừ sự dữ bằng lời nói suông mà là một sự thứ tha thực sự biến đổi nó”.

Sau đây là huấn từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của ngài cho Chúa Nhật t tuần này sau Lễ truyền chức:

Anh Chị Em thân mến!

Việc cử hành thánh thể vừa đưoơc kết thúc trong Đền Thờ Thánh Phêrô, một việc cử hành tôi đã hân hoan truyền chức cho 21 tân linh mục, là một biến cố đánh dấu giây phút quan trọng của việc tăng trưởng cộng đồng của chúng ta. Từ những vị thừa tác viên được thụ phong, cộng đồng lãnh nhận sự sống, nhất là qua việc phục vụ Lời Chúa và các bí tích. Bởi thế, nó là một ngày vui mừng cho Giáo Hội ở Rôma. Đối với các tân linh mục nó đặc biệt là Ngày Lễ Hiện Xuống của họ. Tôi xin lập lại lời chào tới họ và tôi nguyện cầu để Thánh Thần luôn giúp họ thực hiện thừa tác vụ của họ. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân những vị tân linh mục này, và chúng ta hãy cầu nguyện để ở Rôma, cũng như trên toàn thế giới, có nhiều ơn gọi linh mục thánh đức triển nở và chín mùi.

Việc trùng hợp phúc hạnh này giữa Lễ Hiện Xuống và việc truyền chức linh mục cho tôi được dịp nhấn mạnh đến cái liên kết bất khả phân ly nơi Giáo Hội giữa Thần Linh và cơ cấu này. Tôi đã đề cập đến điều này Thứ Bảy tuần vừa rồi, khi nhậm ngự ngai tòa Giám Mục Rôma ở Đền Thờ Thánh Gioan Laterano. Ngai tòa này và Thần Linh là những thực tại hết sức liên kết với nhau, như đặc sủng và thừa tác vụ thánh chức.

Không có Thánh Thần, Giáo Hội sẽ biến thành một tổ chức nhân loại thuần túy, với tầm quan trọng của chính cơ cấu Giáo Hội. Ngoài ra, về phần mình, theo dự án của Thiên Chúa, Thần Linh thường sử dụng việc loài người làm môi giới để hoạt động trong lịch sử. Chính vì lý do này, Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng các Tông Đồ hiệp nhất với Thánh Phêrô, đã làm phong phú cho Giáo Hội bằng tặng ân Thần Linh, nhờ đó Ngài an ủi Giáo Hội (x Jn 14:16), và hướng dẫn Giáo Hội đến toàn chân (x Jn 16:13). Chớ gì cộng đồng Giáo Hội luôn cởi mở và dễ dạy với tác động của Thánh Linh, để trở thành một dấu hiệu khả tín và thành một dụng cụ hiệu nghiệm cho tác động của Chúa nơi loài người.

Chúng ta hãy phó dâng niềm hy vọng này cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, vị chúng ta hôm nay chiêm ngưỡng nơi mầu nhiệm Hiện Xuống hiển vinh. Chúa Thánh Thần, Đấng hiện xuống trên Mẹ ở Nazarét để làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể (x Lk 1:35), đã hiện xuống hôm nay đây trên Giáo Hội mới sinh tập trung quanh Mẹ ở nhà tiệc ly (x Acts 1:14). Với lòng tin tưởng, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ Maria Rất Thánh để Mẹ xin cho chúng ta một sự tuôn trào Thần Linh mới trên Giáo Hội trong những ngày của chúng ta đây.


 

TOP

 

 


Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Giải Giới Nguyên Tử

Hôm Thứ Tư 4/5/2005, ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công giáo về vấn đề giải giới nguyên tử ở Hội Nghị Kiểm Thảo lần Thứ 7 của Các Thành Viên Quốc Gia về Hiệp Ước Ngưng Leo Thang Các Vũ Khí Nguyên Tử NPT (Non-Proliferation of Nuclear Weapons), nguyên văn như sau:

Thưa Ông Chủ Tịch,

Tòa Thánh đã hết sức đồng ý với Bản Hiệp Ước về Việc Ngưng Leo Thang Các Thứ Vũ Khí Nguyên Tử được ký kết ngày 25/2/1971, vì tin tưởng rằng đó là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập một đường lối giải giới tổng quan và toàn vẹn dưới sự kiểm soát hiệu nghiệm của quốc tế, một điều chỉ có thể khả thi nếu hoàn toàn được tuân giữ cả về chi tiết lẫn toàn bộ của hiệp ước này.

Sau 35 năm, bản hiệp ước này đã trở thành nền tảng cho môi trường an ninh toàn cầu, vì dầu sao nó cũng đã giúp vào việc làm chậm lại cuộc thi đua võ trang. Sự kiện hiệp ước này đã nhận được con số rất cao chấp thuận với 188 quốc gia cho thấy tầm quan trọng của nó trước cộng đồng quốc tế. Điều này có được là nhờ ở 3 trụ cột, đó là việc ngăn cản vấn đề phổ biến và leo thang vũ khí nguyên tử, việc cổ võ việc cộng tác trong việc sử dụng về hòa bình của nguyên tử lực, và việc theo đuổi mục tiêu giải giới nguyên tử với dụng ý dẫn đến chỗ hoàn toàn tổng giải giới. Thật vậy, bản hiệp ước NPT này đã hứa hẹn một thế giới loại trừ vũ khí nguyên tử và việc truyền bá vấn đề hợp tác về kỹ thuật để phát triển.

Bởi thế Hội Nghị Kiểm Điểm hiệp ước NPT là thời gian xem xét tiến bộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề đạt được các mục đích của bản hiệp ước này. Khi bản NPT dứt khoát được nới rộng vào năm 1995 thì các quốc gia có vũ khí nguyên tử đã hợp với tất cả mọi quốc gia khác để thực hiện 3 hứa quyết này nơi bản hiệp ước: sẽ thực hiện, cùng lắm vào năm 1996, một bản hiệp ước cấm thử toàn diện vũ khí nguyên tử; những cuộc thương thảo về một bản hiệp ước cấm sản xuất chất liệu phóng xạ cho các thứ vũ khí nguyên tử sẽ được “kết thúc sớm”; và sẽ thực hiện “những nỗ lực có cơ cấu và tiến bộ toàn cầu” để loại bỏ các thứ vũ khí nguyên tử. Trong năm 2000, tất cả mọi quốc gia phần tử đã “thực hiện một cách dứt khoát” việc loại trừ các thứ vũ khí nguyên tử bằng một chương trình 13 Việc Làm Cụ Thể. Tuy nhiên, tiêu bản sửa soạn cho Hội Nghị Kiểm Điểm này đã không đạt được sự đồng thuận về các bản văn kiện giờ đây cần phải được chấp thuận, làm cho người ta quan tâm tới thành quả của cuộc hội nghị này.

Trong thập niên 1970, khi bản hiệp ước NPT bắt đầu có hiệu lực thì đồng thời cũng xẩy ra những đổi thay sâu xa về xã hội và địa dư chính trị. Người ta bắt đầu ý thức được sự tương liên và liên thuộc chặt chẽ giữa nền an ninh quốc gia và quốc tế, khi xẩy ra những thách đố mới, như nạn khủng bố xuyên quốc gia và nạn làn tràn bất hợp pháp các thứ chất liệu chế tạo các thứ vũ khí đại công phá. Đó là hai hiện tượng, trong số những hiện tượng khác, trực tiếp đặt vấn đề về khả năng của hiệp ước NPT trong việc đáp ứng những thách đố quốc tế mới. Về vấn đề này, Tòa Thánh coi việc Tổng Hội Đồng chấp thuận Bản Hiệp Ước Quốc Tế về Việc Diệt Trừ Những Hoạt Động Khủng Bố Nguyên Tử là một bước tiến quan trọng. Đã đến lúc cần phải chú trọng tới tầm quan trọng của việc tuân giữ NPT về cả chi tiết cũng như tổng quan của vấn đề này.

Vì bản hiệp ước này chỉ là phương tiện về pháp lý đa phương duy nhất có trong tay, có mục đích mang lại một thế giới phi vũ khí nguyên tử, bản hiệp ước này không được phép suy yếu đi. Nhân loại cần đến việc tất cả mọi quốc gia trọn vẹn hợp tác về vấn đề quan trọng này. Tòa Thánh kêu gọi là những vấn đề khó khăn và phức tạp của Hội Nghị Kiểm Điểm cần phải được giải quyết một cách công bằng. Những biện pháp được thực hiện ở Cuộc Hội Nghị Kiểm Điểm này, mặc dù chỉ là một bước tiến nhỏ bé, cũng cần phải theo chiều hướng chung của các mục tiêu của bản hiệp ước. Hội Nghị Kiểm Điểm này không được thụt hậu bằng cách quên đi những quyết tâm trong quá khứ; nó cần phải làm tiến triển tính cách hiệu năng của bản NPT.

Thế giới có lý quan tâm đến vấn đề leo thang các thứ vũ khí nguyên tử cùng với những nỗ lực lèo lái các thứ kỹ thuật về nguyên tử cùng các thứ nhiên liệu để được sử dụng vào mục tiêu chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử thay vì mục tiêu hòa bình. Cần phải củng cố phương diện cấm leo thang của NPT bằng việc gia tăng quyền lực của Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA (International Atomic Energy Agency) trong việc khám xét bất cứ việc sử dụng sai lầm nào của những loại nhiên liệu nguyên tử. Cũng cần phải củng cố cả những biện pháp tuân hợp bản hiệp ước này nữa.

Thế nhưng, việc chỉ tập trung vào những biện pháp không leo thang mà thôi là những gì làm méo mó ý nghĩa của bản hiệp ước này. Việc tuân hợp với các khoản giải giới nguyên tử của bản hiệp ước này cũng đòi hỏi là vấn đề không leo thang và giải giới nguyên tử là những vấn đề liên thuộc và củng cố lẫn nhau. Bởi thế, Tòa Thánh kêu gọi các quốc gia có vũ khí nguyên tử hãy đóng vai trò lãnh đạo can trường và trách nhiệm chính trị trong việc bảo toàn chính tính chất nguyên vẹn của bản NPT, cũng như trong việc kiếm tạo nên một bầu khí tin tưởng, minh bạch và thực sự hợp tác, nhắm đến chỗ hiện thực cụ thể một thứ văn hóa sự sống và hòa bình là những gì sẽ phát động việc phát triển toàn vẹn các dân tộc trên thế giới. Như thế, trong nỗ lực đặt ưu tiên và thứ tự của các giá trị vào trúng chỗ của chúng, cần phải thực hiện nhiều nỗ lực chung hơn nữa trong vấn đề vận dụng các phương tiện hướng đến việc phát triển về luân lý, văn hóa và kinh tế, nhờ đó nhân loại có thể loại trừ việc thi đua võ trang.

Đã qua đi rồi thời gian tìm cách để “cân bằng tình trạng khiếp sợ”; đã đến thời gian tái xét toàn bộ sách lược về việc ngặn chặn nguyên tử. Khi Tòa Thánh bày tỏ việc chấp nhận hạn chế của mình về vấn đề ngăn chặn nguyên tử trong thời Chiến Tranh Lạnh, Tòa Thánh đặt điều kiện rõ ràng là việc ngăn chặn này chỉ là đường lối duy nhất để tiến đến chỗ tiến hành việc giải giới nguyên tử. Tòa Thánh không bao giờ khuyến khích việc ngăn chặn nguyên tử như là một biện pháp vĩnh viễn, kể cả ngày nay đi nữa, khi mà chứng cớ cho thấy việc ngăn chặn nguyên tử lại thúc đẩy việc phát triển các thứ vũ khí nguyên tử mới hơn bao giờ hết, do đó đã làm ngăn cản việc giải giới nguyên tử thực sự.

Tòa Thánh, một lần nữa, nhấn mạnh rằng hòa bình chúng ta đang tìm kiếm trong thể kỷ 21 này không thể đạt được bằng việc cậy dựa vào các thứ vũ khí nguyên tử. Thế kỷ này đã mở ra bằng một cuộc bùng nổ khủng bố toàn cầu, thế nhưng, mối đe dọa này không được trở thành những gì làm suy yếu đi những qui phép của lề luật nhân đạo quốc tế là những gì được xây dựng trên những nguyên tắc chính về vấn đề hạn chế và đối xứng. Chúng ta bao giờ cũng cần phải nhớ rằng việc sử dụng các thứ vũ khí không được làm phát sinh ra những thứ sự dữ và những khủng hoảng trầm trọng hơn là sự dữ cần phải bị loại trừ. Các thứ vũ khí nguyên tử, cho dù là những thứ vũ khí được gọi là ít hại cũng gây nguy hiểm cho tiến trình sự sống và có thể dẫn đến cuộc cung đột nguyên tử rộng lớn.

Các thứ vũ khí nguyên tử tấn công sự sống trên trái đất này, chúng tấn công chính trái đất này, và khi làm như thế là chúng tấn công tiến trình phát triển liên tục của trái đất. Việc bảo trì Hiệp Ước Thôi Leo Thang đòi hỏi một quyết tâm dứt khoát thực hiện việc thực sự giải giới nguyên tử.


Bởi vậy, Tòa Thánh mong đợi tất cả mọi quốc gia phần tử ký kết vào bản hiệp ước NPT này hãy tôn trọng tính cách nguyên vẹn của bản hiệp ước này. Tất cả mọi Phần Tử cần phải góp phần vào việc thành đạt của Hội Nghị Kiểm Điểm này, bằng cách bảo trì và củng cố tính cách uy tín của bản hiệp ước, nhờ đó, nó có thể gây tác dụng và vững bền. Có thế, nền văn hóa hòa bình mới có thể tiến triển và thứ văn hóa chiến tranh mới bị suy giảm, cho lợi ích lâu dài của toàn thể nhân loại.

Xin cám ơn ông Chủ Tịch.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 5/5/2005

 

TOP

 

Những diễn tiến về cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng 265

Vị TGM hồi hưu ở Barcelona Tây Ban Nha đã chia sẻ về cảm nghiệm của mình trong cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng 265 của Giáo Hội Công Giáo, 18-19/4/2005 vừa rồi, trong một bữa ăn tối được tổ chức bởi nhóm e-chirstians.

Vẫn giữ lời thề của mình, vì hồng y 78 tuổi Ricard María Carles đã nói với tổ chức này về tất cả những gì từ những cuộc họp tiền mật nghị bầu giáo hoàng cho tới khi tuyển được vị tân giáo hoàng.

Ngày thứ nhất của cuộc tổng nghị hồng y được giành để các vị hồng y quen thân với nhau và đề cập đến những vấn đề tổ chức, như việc sắp xếp chỗ ngồi cùng các cửa được sử dụng, ngay cả tên của các cửa ấy. ĐHY Ratzinger bấy giờ pha trò rằng: ‘Thật là buồn cười, sau 20 năm ở đây mà giờ đây tôi còn phải tìm tên cửa ra vào nữa’. Mỗi vị hồng y được 7 phút để ngỏ lời cùng hội nghị, bày tỏ “các quan điểm của chúng tôi về thế giới và về Giáo Hội”. Có những vị hồng y “thuộc các chủng tộc, văn hóa, cho biết các vấn đề cùng những điều tích cực nơi xứ sở và Giáo Hội của các vị”.

“Trong những ngày ấy chúng tôi không muốn nói về những gì liên quan tới vị tân giáo hoàng (nào đó sẽ được bầu lên). Chúng tôi nói về Giáo Hội. Cảm nghiệm được điều này là một ơn Chúa ban. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lúc tôi sống cảm nghiệm này từ một cuộc mật nghị hồng y. Các vị hồng y chúng tôi ý thức được rằng 115 người theo Thánh Thần cần phải chọn lấy một vị cai quản 1.1 tỉ người Công giáo”.

Vị hồng y này cho biết cảm nghiệm của mình về việc tuyên thệ như sau: “Không phải chỉ có ngày thứ nhất, khi tiến vào phòng mật nghị là nơi được thấy trên truyền hình. Mỗi buổi sáng và chiều, với phiếu trong tay, tiến lên bàn thờ, và thấy Chúa Kitô của Ngày Chung Thẩm chung quanh Nguyện Đường Sistine… chúng tôi đọc công thức: ‘Tôi thề trước Chúa Kitô là Đấng sẽ phân xử tôi đây!”

“Một khi ở đó thì không còn chỗ để vận động, hay chỗ cho các nhóm áp đảo, hay những gì giống như thế, hoặc bất cứ điều gì như vậy!. Những gì quí vị thấy khi 115 người thuộc các nòi giống và văn hóa khác nhau đồng ý vào lần bỏ phiếu thứ 4, đó là những gì Thánh Thần tác động. Người ta không bầu cho người mình thích, hay cùng văn hóa với mình; đó là chính Thần Linh”.

Vị hồng y này nói rằng vào đúng 5 giờ 30 chiều ngày 19/4 khi 2/3 phiếu đã đạt được: “Tôi để trên bàn chính cái đồng hồ tôi đang đeo đây và nhìn thì đúng 5 giờ 30 chiều. Lập tức một tràng vỗ tay vang lên khi số phiếu đếm được 2/3. Việc kiểm phiếu lại chưa xong thì các kiểm tra viên yêu cầu thinh lặng, nhẫn nại cho đến khi cuộc kiểm phiếu hoàn tất”.

Thay vì chính vị trưởng hồng y đoàn hỏi vị tân giáo hoàng có chấp nhận làm giáo hoàng hay chăng, nhưng lần này vì tân giáo hoàng lại là chính vị trưởng hồng y đoàn, do đó, ĐHY thứ trưởng hồng y đoàn là Angelo Sodano đã làm việc này với hồng y Ratzinger, và vị tân giáo hoàng đã đáp: “Mặc dù bất xứng, tôi xin tuân phục chấp nhận”.

“Sau đó, khi ngài chọn danh hiệu giáo hoàng của ngài, vị tân giáo hoàng đã nói bộc phát bằng tiếng Latinh, cho biết lý do tại sao ngài chọn danh hiệu Biển Đức XVI, đó là vì ngài cảm phục Đức Biển Đức XV, vị ngài coi như một bậc thày”.

Sau đó, ĐHY Carles đã nói về phản ứng của ĐHY Meisner ở Cologne Đức quốc là “một con người rất ư là nghiêm nghị”, “kêu lên như một đưa nhỏ, rồi hỉ mũi như một con trẻ, bàng hoàng” khi thấy Giáo Hoàng Biển Đức XVI lần đầu tiên trong bộ áo trắng giáo hoàng. “Rõ ràng là ngài yêu mến người bạn của ngài”.

Phần ĐHY Meisner, trong cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm Thứ Tư trên tờ nhật báo Tây Ban Nha La Razon, đã cho biết:

“Tôi đã từng biết vị Giáo Hoàng này 35 năm trời (ngài có một bộ óc thông minh của 12 vị giáo sư và đạo đức như một con trẻ vào ngày Rước Lễ Lần Đầu) và chúng tôi là bạn với nhau. Khi tôi thấy ở vào tuổi 78, một tuổi người khác về hưu thì ngài lại phải lãnh trách nhiệm cho một sự vụ nặng nề như thế mà ngài đã chấp nhận với lòng hân hoan và khôn ngoan như thế, khiến lòng tôi bồi hồi đến chảy nước mắt. Tôi là một con người chứ không phải là một cái máy. Và là một con người có một con tim có thể khóc lóc”.

Khi mọi người đang nhốn nháo chúc mừng vị tân giáo hoàng bấy giờ, vị hồng y ở Cologne này đã cố gắng mời ngài đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới 20 được tổ chức tại giáo phận của mình, những vì quá xúc động nên không làm được việc mời mọc này bấy giờ, như chính hồng y đương sự cho biết:

“Tôi là vị hồng y Đức đầu tiên hứa trung thành với Giáo Hoàng. Tôi muốn nói với ngài rằng: ‘Tâu Đức Thánh Cha, xin mời ĐTC đến Cologne’, nhưng tôi không thể nói được gì hết vì quá xúc động. Bấy giờ ĐTC nói với tôi rằng: ‘Tôi sẽ đến Cologne và tôi vui mừng đến Cologne’. Tôi đã không cần mời ngài. Ngài đã mời chính mình, mà thật sự là thế, vì đó là Ngày Giới Trẻ Thế Giới của ngài chứ không phải là của tôi”.

Theo hồng y Meisner thì vào lúc loan báo vị tân Giáo Hoàng cho thế giới, “ĐHY Jorge Arturo Medina Estévez ngưới Chí Lợi có dáng vể rất nghiêm trang nhưng lại rất tốt bụng đã cho chúng tôi biết sau đó là ngài đã tự ý ngưng lại một hồi khi công bố lời ‘Habemus Papam’, cũng thế, ngài đã lập lại hai lần lời ‘the most Eminent’. Đó thực sự là những gì ngài muốn làm”.

“Khi chúng tôi trở về trú viện Thánh Matta sau cuộc bầu cử, các nữ tu và nhân viên phục vụ vỗ tay mừng chúng tôi như thể chúng tôi đã thắng được điều gì vậy. ĐTC Biển Đức XVI đã chào hết mọi người, các nữ tu và nhân viên nữ giới hôn tay ngài, và được ngài hôn vào má. Có những tấm hình chụp về vị Giáo Hoàng hôn thương này! Đó là vị giáo hoàng bị người ta gọi là ‘vị đại thẩm phán’”


TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ