GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 20/5/2005

 

1) Hy Vọng đã vươn lên ở chân trời đại kết Kitô giáo: Hội Nghị toàn bộ ba bên Tin Lành, Công Giáo và Chính Thống

2) Một Tân Chân Phước Gioan Phaolô II vào Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2006?

3) Giáo Hội: 4 Dấu Chỉ Thời Đại Cánh Chung - 3) Lời tiên báo của Bí Mật Fatima phần thứ ba: “Vị giám mục mặc áo trắng”

 
 

Hy Vọng đã vươn lên ở chân trời đại kết Kitô giáo: Hội Nghị toàn bộ ba bên Tin Lành, Công Giáo và Chính Thống

 

Vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị giáo hoàng chủ trương đệ nhất ưu tiên của giáo triều ngài là đại kết Kitô giáo, đã thực hiện “những cử chỉ cụ thể” trong việc đại kết Kitô giáo đối với anh em Kitô hữu Tin Lành, kể cả trước và sau khi làm giáo hoàng. Trước khi làm giáo hoàng, sau khi thấy Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được bàn luận hơn 30 năm sắp bị thất bại, ngài đã họp riêng cả một ngày với vị lãnh đạo của Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới tại Đức để tìm cách cứu vãn tình thế, và cuối cùng Bản Tuyên Ngôn này đã được đôi bên ký hận vào ngày 31/10/1999. Sau khi làm giáo hoàng, ngài đã gửi lời chào chúc đến hội nghị của Giáo Hội Cải Cách Pháp Quốc có 900 ngàn phần tử, một hội nghị được kết thúc vào Chúa Nhật 8/5/2005.

 

Theo đà tích cực này, mới đây, chúng ta còn thấy hiện lên những dấu hiệu hết sức phấn khởi nữa về lãnh vực đại kết Kitô giáo. Chẳng hạn như bản văn kiện chung giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo về Thánh Mẫu mang tựa đề “Đức Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô”, được công bố ngày 16/5/2005, kết quả của 6 năm bàn luận của 18 thần học gia của đôi bên.

 

Một dấu hiệu phấn khởi nữa về nỗ lực đại kết Kitô giáo đó là Hội Nghị lần Thứ 13, từ ngày 9-16/5/2005, về chủ đề Truyền Giáo Thế Giới, do Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới của anh em Tin Lành tổ chức, đã được Tòa Thánh Vatican lần đầu tiên gửi phái đoàn đại biểu 26 vị tham dự, và hội nghị này lần đầu tiên được tổ chức tại Nhã Điển là lãnh địa của Chính Thống giáo.

 

Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, một cuộc phỏng vấn được Zenit phổ biến ngày 16/5/2005, ĐGM Brian Farrell, thư ký của Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã nhận định về tiến trình đã đạt được và những thách đố khó khăn vẫn còn trong tiến trình hiệp nhất này.

 

Vấn:        Giáo Hội Công giáo không phải là phần tử của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới. Thế nhưng tại sao Giáo Hội Công Giáo lại gửi một phái đoàn đại biểu chính thức đến tham dự hội nghị này?

 

Đáp:        Đúng thế, Giáo Hội Công giáo không phải là phần tử của hội đồng này, thế nhưng, từ thời Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hội Công giáo đã có những liên hệ vững chắc với tổ chức này rồi.

 

Trước hết, Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo có những đại diện viên của mình ở Geneva, cũng như trong Phân Bộ Sứ Vụ và Truyền Bá Phúc Âm Hóa của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới là cơ cấu tổ chức cuộc hội nghị này.

 

Ngoài ra, còn có cả 12 thần học gia Công giáo, được Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo bổ nhiệm vào Ủy Ban Đức Tin và Cấp Trật.

 

Sau hết, còn có một nhóm làm việc hỗn hợp giữa Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội với Giáo Hội Công Giáo là nhóm giúp cho mối liên hệ này được tiếp tục kéo dài.

 

Vấn:        Thái độ của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới đối với Giáo Hội Công Giáo ra sao?

 

Đáp:        Trong những năm vừa rồi đã có sự chú trọng đáng kể của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới đối với Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, họ không chỉ chú trọng đến Giáo Hội Công Giáo như được tỏ ra nơi cuộc hội nghị này. Hội đồng này đang cố gắng kêu gọi thêm nhiều Giáo Hội khác nữa vào những hoạt động của mình, bao gồm cả những giáo hội bắt nguồn từ phong trào Thánh Linh và Đặc Sủng.


Vấn:        Mục tiêu của cuộc hội nghị này là gì, cuộc hội nghị 8 ngày ở Nhã Điển qui tụ 650 Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới.

 

Đáp:        Đây không phải là một họp để ban hành những văn kiện chính thức. Mục đích là để tổ chức một cuộc gặp gỡ huynh đệ, ở tầm cấp thế giới, trong số các Giáo Hội khác nhau. Bởi thế, hội nghị này là một biến cố quan trọng, vì nó cổ võ việc hiểu biết nhau và trao đổi với nhau, lặng lẽ suy tư và đối thoại.


Vấn:        Mục tiêu này có đạt được ở Nhã Điển hay chăng?

 

Đáp:        Có chứ. Hội nghị này đã cống hiến cho hết mọi người cơ hội để gặp gỡ đại diện viên thuộc các giáo hội khác. Đặc biệt là nơi chốn được chọn cho cuộc hội nghị này đã khả dĩ cho cả việc tham dự của Chính Thống nữa.


Vấn:        Điều này có làm cho cuộc đối thoại với Chính Thống giáo dễ dàng hơn chăng?

 

Đáp:        Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp đã dấn thân lâu dài trong việc để làm sao có thể bảo đảm cho việc diễn tiến tốt đẹp của hội nghị này. Sự kiện lần đầu tiên cuộc hội nghị này được tổ chức ở một xứ sở đa số là Chính Thống giáo không phải chỉ là một sự kiện thuần về địa dư; nó có một giá trị biểu hiệu, đầy những phát triển khả dĩ. Ngoài ra, cuộc hội nghị này đang xẩy ra trong một thời điểm thuận lợi, ngay sau bản tường trình đúc kết của ủy ban đặc biệt này về sự tham dự của Chính Thống giáo với Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội, hội đồng đã có một số vấn đề tranh cãi. 


Vấn:        ĐGM có những cuộc họp bán chính thức nào với các đại biểu khác hay chăng?

 

Đáp:        Dĩ nhiên là có. Chúng tôi đã có nhiều liên lạc với nhau cả trong lẫn ngoài những công việc về hội nghị này, với cả Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cũng như với Các Giáo Hội cùng những tổ chức khác là các thành phần Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo cần giao tiếp để nghiên cứu và hợp tác. Ngoài ra, tất cả mọi giây phút khác trong ngày đã là những lúc để các vị đại biểu thuộc các giáo hội khác nhau có thể gặp gỡ và trao đổi với nhau nữa.


Vấn:        Các buổi họp bàn đã được thực hiện theo phương pháp nào?

 

Đáp:        So sánh với quá khứ thì có một số điều mới mẻ. Đề tài “Xin Thánh Thần hãy đến Chữa Lành và Hòa Giải!” đã không được chia sẻ sâu xa bằng những bài thuyết trình theo lý thuyết. Vấn đề được chú trọng để chia sẻ ở đây là khía cạnh cảm nghiệm. Những bài thuyết trình cho mỗi ngày trong các buổi họp chung không phải là những bài giảng. Nhiều lần có những đóng góp theo hình thức đối thoại, nhắm tới những quan điểm cởi mở hơn là đạt tới những đúc kết chung. Ngoài ra, việc được gọi là “sinaxeis” cũng được chú trọng nữa, tức là có nhiều buổi hội thảo ban chiều để bàn luận về những vấn đề chuyên biệt. Cung cách thiêng liêng của những cuộc trao đổi và suy tư này là việc cầu nguyện, nhất là lắng nghe Lời Chúa ở những nhóm nhỏ theo phương pháp “Lectio Divina”.


Vấn:        Đức giám mục có thể đưa ra một nhận định tổng kết hay chăng?

 

Đáp:        Cuộc hội nghị này cống hiến niềm hy vọng là những vấn đề quan trọng về sứ vụ có thể là một tụ điểm gặp gỡ. Trong một thế giới như chúng ta đây, một thế giới biến đổi mau chóng, Kitô hữu buộc phải tìm kiếm những giải đáp chung chứ không phải là 100 giải đáp khác nhau, ngược nghịch nhau. Dĩ nhiên là trong một cuộc hội nghị có nhiều người tham dự khác nhau như thế người ta thấy được tính cách phức tạp của tiến trình đại kết. Thế nhưng, Thần Linh là Đấng chữa lành và hòa giải vẫn có thể tìm thấy cách thức để làm gia tăng mối hiệp nhất giữa các giáo hội.

 TOP

Một Tân Chân Phước Gioan Phaolô II vào Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2006?

 

Hôm Thứ Tư 18/5/2005 là ngày kỷ niệm mừng sinh nhật của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nếu còn sống, ngài thọ 85 tuổi. Tuy đã qua đi, đã nằm xuống, nhưng thân xác đầy bệnh nạn của ngài kể từ khi bị ám sát vào ngày 13/5/1981, vẫn có một mãnh lực phi thường lôi kéo đông đảo con người từ khắp nơi trên thế giới đến cùng ngài, điển hình nhất là trong một thánh lễ an táng có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Chưa hết, cuộc đời của ngài, cả trước lẫn sau khi làm giáo hoàng, đã được trình chiếu trên truyền hình Ý quốc vào hai ngày 18-19/4/2005 mới đây, cuốn phim đã được chính vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI xem vào hôm Thứ Năm 19/5.

 

Ngoài ra, một phái đoàn Nga gồm 40 người, dưới sự lãnh đạo của vị giáo chủ Công giáo Nga là ĐTGM Tadeusz, đã sang viếng thăm mộ của ngài ở Rôma vào chính ngày sinh nhật 85 tuổi của ngài, và cũng kể từ ngày sinh nhật 18/5/2005 này của ngài, tất cả các giáo phận Công Giáo ở Nga cử hành một Năm Kính Nhớ Đức Gioan Phaolô II.

 

Thế nhưng, đặc biệt nhất phải kể đến việc ngài được vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI, vào chính ngày kỷ niệm ngài bị ám sát 24 năm trước, tức vào Thứ Sáu 13/5/2005 tuần vừa rồi, trong cuộc gặp gỡ hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Rôma tại Đền Thờ Latêranô, đã miễn chước cho ngài thời gian 5 năm chờ đợi phong thánh. Nếu Mẹ Têrêsa Calcutta, ngay sau thời gian 5 năm đã có phép lạ và đã được phong chân phước vào ngày 19/10/2003, sau khi chết 6 năm, thì chúng ta cũng có thể hy vọng có một tân chân phước Gioan Phaolô II vào dịp giỗ đầy năm của ngài, vào chính Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2006, như tôi đã phỏng đoán trên Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống (www.tinmungsusong.org) vào chính ngày Đức Giáo Hoàng Biển Đức tuyên bố, Thứ Sáu 15/5/2005.

 

Thật vậy, căn cứ vào sử liệu thì cuộc đời của vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo, vị giáo hoàng có motä giáo triều dài 26 năm rưỡi, dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội này, phải nói là đã gắn liền với Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, đã hoạt động cho Lòng Thương Xót Chúa và đã chết vào ngày của Lòng Thương Xót Chúa.

 

Thứ nhất, về sự kiện ngài chết vào ngày của Lòng Thương Xót Chúa là những gì quá hiển nhiên, đó là ngài chết vào lúc 9 giờ 37 phút Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 2/4/2005, thời điểm Vọng Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm sau, Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh 3/4/2005. Và trước khi ngài qua đời 1 tiếng rưỡi, Thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa đã được cử hành tại phòng của ngài.

 

Chính vì ý thức được tầm quan trọng và khẩn thiết của Lòng Thương Xót Chúa trong thời đại của mình,  vị giáo hoàng đã nằm xuống vào Lễ Vọng Chúa Tình Thương đã kêu gọi trong Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương ngày Chúa Nhật 18/8/2002 như sau:

 

“Hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này… Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương”.

 

Thứ hai, về việc hoạt động cho Lòng Thương Xót Chúa cũng là những gì đã rõ ràng, ở chỗ, ngài đã kêu gọi loài người vào ngày Lễ Đăng Quang của mình Chúa Nhật 22/10/1978 rằng: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Thế rồi, sau đó 6 tháng, vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, 4/3/1979, ngài đã ban bố bức Thông Điệp đầu tiên với tựa đề “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, để kêu gọi con người đang văn minh nhưng lại nơm nớp lo sợ bị hủy diệt bởi những gì mình làm ra hãy tin tưởng vào Đấng đến không phải để luận phạt song là để cứu chuộc nhân trần. Rồi đã đã thực hiện 104 chuyến tông du khắp thế giới để gõ cửa và mang Lòng Thương Xót Chúa đến cho thế giới, vì, như ngài đã lập lại lời của Chúa Giêsu nói với chị Thánh Faustina trong Thánh Lễ Kính Chúa Tình Thương lần đầu tiên năm 2001: ‘Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa’ (Thánh Faustina, Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ””. Và sứ điệp cuối cùng của vị giáo hoàng của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần  này là sứ điệp về Lòng Thương Xót Chúa cho Chúa Nhật Lễ Kính Chúa Tình Thương 3/4/2005, một sứ điệp ngài thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!

 

Thứ ba, chính sự kiện Đức Gioan Phaolô II đã sống và chết cho Lòng Thương Xót Chúa như thế cũng đã là những gì chứng tỏ cho thấy ngài thực sự đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa. Thật vậy, vào ngay trước Thế Chiến Thứ Hai, khi ngài còn là một thanh thiếu niên, Chúa Giêsu đã nói với chị Thánh Faustina về ngài, và đã được chị Thánh viết ra trong cuốn Nhật Ký của mình ở đoạn  1732, đoạn cũng đã được chính ĐTC GPII trích lại ở bài giảng của mình ngày Thứ Bảy 17/8/2002 trong Thánh Lễ Cung Hiến Đền Thờ Chúa Tình Thương ở Balan: “Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming)”.

 

Đúng thế, vào ngày Thứ Hai 16/10/1978, “tia sáng phát ra từ Balan” này đã bất ngờ xuất hiện tại lan can Đền Thờ Thánh Phêrô trước con mắt đầy ngỡ ngàng và sửng sốt của toàn thế giới, với tư cách là một vị tân giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm, vị giáo hoàng đến ‘từ một xứ sở xa xôi’, đến từ một nước cộng sản. Chính ngài đã thú nhận ngài đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, hay nói cách khác, trước khi làm giáo hoàng, ngài đã chịu ảnh hưởng bởi sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa gửi cho thế giới qua chị Thánh Faustina.

 

Thật vậy, trong tác phẩm cuối cùng của mình, cuốn “Hoài Niệm và Căn Tính”, xuất bản 1 tháng trước khi ngài qua đời, ở đầu chương 2 với tựa đề “những ý hệ sự dữ”, ngài đã đề cập đến 3 Thông Điệp về Ba Ngôi Thiên Chúa, Thông Điệp Thứ Nhất về Chúa Con là Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis, ban hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay ngày 4/3/1979; Thông Điệp Thứ Hai về Chúa Cha là Thông Điệp Giầu Lòng Xót Thương - Dives in Misericordia, ban hành ngày 30/11/1980, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng; và Thông Điệp Thứ Ba về Chúa Thánh Thần là Thông Điệp Là Chúa và Là Đấng Ban Sự Sống – Dominum et Vivificantem, ban hành ngày 18/5/1986, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Riêng Thông Điệp về Chúa Cha với tựa đề “Giầu Lòng Thương Xót”, ngài đã cho biết là ngài chịu ảnh hưởng của sứ điệp Chúa Tình Thương gửi chị Thánh Faustina như sau:

 

“Tất cả những gì tôi viết trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, tôi đã mang theo tôi từ Balan. Cũng thế, những chia sẻ trong Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia là hoa trái kinh nghiệm mục vụ của tôi ở Balan, nhất là ở Krakow. Đó là nơi Thánh Faustina Kowalska được chôn cất, vị đã được Chúa Giêsu chọn để làm người chuyển đạt đặc biệt khôn ngoan cho sự thật về Lòng Thương Xót Chúa. Đối với nữ tu Faustina, sự thật này đã dẫn chị đến một đời sống thần bí hết sức sâu xa. Chị là một con người chất phác, thất học, nhưng ai đọc Nhật Ký viết về những khải thị của chị đều lấy làm bàng hoàng trước cảm nghiệm thần bí sâu xa của chị.

 

"Tôi đề cập đến Nữ Tu Faustina là bởi vì những khải thị của chị, những khải thị được tập trung vào mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa, đã xẩy ra vào giai đoạn trước Thế Chiến Thứ Hai. Đó chính là thời điểm đang hình thành những ý hệ sự dữ là chủ nghĩa Nazi Đức Quốc Xã và chủ nghĩa cộng sản. Nữ Tư Faustina đã trở thành vị loan báo một sứ điệp có khả năng dập tắt sự dữ của những thứ ý hệ ấy, ở chỗ, Thiên Chúa là Tình Thương – sư thật về một Chúa Kitô nhân hậu. Chính vì lý do ấy mà khi tôi được kêu gọi đến Tòa Thánh Phêrô, tôi cảm thấy bị thúc bách truyền đạt những cảm nghiệm của một con người đồng hương Balan, những cảm nghiệm đáng có một vị thế nơi kho tàng của Giáo Hội hoàn vũ” (ấn bản Anh ngữ, 2005, trang 5-6).

 

Chưa hết, ở chương 10 với tựa đề “Mầu Nhiệm Tình Thương”, ngài còn nhắc đến chị Faustina một lần nữa. Sau khi nói đến việc Vua Đavít phạm cả tội ngoại tình lẫn sát nhân chồng của người vua ngoại tình, cũng như sau khi đề cập tới bài Thánh Vịnh Xin Thương Xót của vị vua thống hối này, ngài đã đặt vấn đề “Tình thương vô cùng của Chúa Cha từ đâu mà ra?”, và đã dẫn giải bài Thánh Vịnh Xin Thương Xót của vị vua này theo ý nghĩa Tân Ước, khi đặt bài này vào môi miệng Chúa Kitô là Người Con đã bị Cha biến  thành tội lỗi vì chúng ta. Tuy nhiên, sau đó, ngài đã chuyển ý nghĩa của Lòng Thương Xót Chúa từ Tử Giá sang Phục Sinh theo chiều hướng sứ điệp được chị Faustina như sau:

 

“Vấn đề quan trọng ở đây là Nữ Tu Faustina đã thấy Người Con này như Vị Thiên Chúa nhân hậu, tuy nhiên, chị đã chiêm ngưỡng Người không ở trên Thập Tự Giá cho bằng trạng thái phục sinh vinh hiển sau đó của Người. Như thế, chị đã liên kết cảm quan thần nhiệm của mình với mầu nhiệm Phục Sinh, một mầu nhiệm Chúa Kitô đã tỏ ra chiến thắng tội lỗi và sự chết (x Jn 20:19-23).

 

"Ở đây tôi muốn nói về Nữ Tu Faustina cũng như về việc tôn sùng Chúa Kitô nhân hậu được chị phát động, là bởi vì chị cũng thuộc về thời đại của chúng ta đây. Chị đã sống ở các thập niên đầu thế kỷ 20 và đã chết trước Thế Chiến Thứ Hai. Chính trong giai đoạn này mà mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa đã được mạc khải cho chị, và những gì chị nghiệm cảm thấy chị đều ghi lại trong cuốn Nhật Ký của chị. Đối với những ai sống sót sau Thế Chiến Thứ Hai thì Nhật Ký của Thánh Faustina giống như một cuốn Phúc Âm đặc biệt về Lòng Thương Xót Chúa, một cuốn phúc âm được viết theo quan điểm của thế kỷ 20. Dân chúng ở vào thời điểm này đã hiểu được sứ điệp của chị. Họ hiểu được sứ điệp ấy theo ánh sáng của việc gia tăng sự dữ thảm khốc trong Thế Chiến Thứ Hai và tính cách tàn bạo của những chế độ độc tài… Bài học này được rút tỉa từ tất cả những điều ấy là những gì quan trọng chẳng những đối với người Balan mà còn ở hết mọi phần đất trên thế giới có sự hiện diện của Giáo Hội. Điều này được sáng tỏ trong cuộc phong chân phước và hiển thánh cho Nữ Tư Faustina. Chúa Kitô như thể muốn nói qua chị rằng ‘Sự dữ không phải là phán quyết cuối cùng!’ Mầu Nhiệm Vượt Qua khẳng định sự thiện là những gì chiến thắng tối hậu, sự sống chiến thắng sự chết và tình yêu chiến thắng hận thù”.

 

Nếu thực sự vì giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, đã hoạt động cho Lòng Thương Xót Chúa và đã chết vào lúc Vọng Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa thì cũng sẽ được Phong Chân Phước vào chính ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2006.    

 

Bài phát thanh Tin Mừng Sự Sống 245  (www.tinmungsusong.org)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

 

Giáo Hội: 4 Dấu Chỉ Thời Đại Cánh Chung - 3) Lời tiên báo của Bí Mật Fatima phần thứ ba: “Vị giám mục mặc áo trắng”

 

Cho dù ĐTC Gioan Phaolô II đã hợp cùng với hàng giáo phẩm Công giáo trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, sau khi ngài bị ám sát vào chính ngày có liên hệ đến Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, vì ngài thấy dường như ứng nghiệm những gì ba Thiếu Nhi Fatima được thị kiến thấy trong phần thứ ba của Bí Mật Fatimạ

 

Thật vậy, phần thứ ba của Bí Mật Fatima này được chị Lucia viết ra vào ngày 3/1/1944. Thế nhưng, để viết phần bí mật này, một trong ba phần bí mật quan trọng nhất đã được Mẹ Maria căn dặn chung là “không được nói với ai”, song chính vì hai phần kia đã được tiết lộ mà ai cũng muốn biết thêm về phần bí mật còn lại này, kể cả giáo quyền địa phương bấy giờ, đến nỗi đã ngỏ ý muốn chị viết ra, nên để giải tỏa bối rối cho Lucia, Mẹ Maria đã phải hiện ra với chị ngày 2/1/1944, bảo chị biết rằng đã đến lúc chị nên viết ra phần bí mật còn lại này để trình lên giáo quyền.

 

Đức giám mục sở tại nhận được phần bí mật thành văn này ngày 17/6 cùng năm 1944, song mãi tới năm 1957 Tòa Thánh mới để ý tới nó và lưu giữ nó từ ngày 4/4 năm 1957. Như chị Lucia cho biết, thì phần bí mật này chỉ có một mình Đức Thánh Cha mới được phép tiết lộ, nhưng hoàn toàn tùy ý ngàị Các Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Phaolô VI cũng đã đọc phần bí mật này song không công bố gì cả. Theo ý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh tòa thánh là Angelo Sodano đã công bố phần bí mật này vào lúc kết thúc Thánh Lễ Phong Á Thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta tại Đền Thánh Mẫu Fatima nmgày 13/5/2000. Sau đây là nguyên văn những lời của đức hồng y trực tiếp liên quan đến phần bí mật còn lại:

 

·         Bản văn này chất chứa một thị kiến tiên tri tương tự như những thị kiến trong Thánh Kinh, những thị kiến ấy không diễn tả những chi tiết về các biến cố tương lai bằng hình ảnh rõ ràng, mà là tổng hợp và tóm gọn các biến cố có cùng một bối cảnh, những biến cố trải rộng qua một thời gian liên tục và kéo dài không được xác định. Bởi thế, bản văn ấy cần phải được giải thích bằng một mấu chốt biểu tượng. Thị kiến Fatima này trước hết liên quan đến cuộc chiến gây ra bởi chế độ vô thần chống lại Giáo Hội cũng như thành phần Kitô hữu, thị kiến cũng diễn tả cho thấy cuộc khổ đau khôn xiết của các chứng nhân đức tin trong thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ haị Đó là một Con Đường Thập Giá gian nan khốn khó mà các Vị Giáo Hoàng của thế kỷ 20 phải trải quạ Theo ‘các mục đồng nhỏ’ giải thích, mới đây cũng đã được Nữ Tu Lucia xác nhận, thì vị ‘giám mục mặc áo trắng’, vị đang cầu nguyện cho tất cả mọi tín hữu là Đức Giáo Hoàng. Khi ngài đang tìm hết cách tiến đến Cây Thập Giá ở giữa các thi thể của những vị tử đạo (là các vị giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân), thì ngài cũng bị ngã xuống đất chết trước một phát súng nổ”.

 

Sau đây là nguyên văn chính của phần Bí Mật Fatima thứ ba, được Tòa Thánh cho biết ngày 26/6/2000

 

·         “Sau hai phần con đã diễn tả, thì ở bên trái của Đức Mẹ và cao hơn một chút, chúng con thấy có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm cháy lửa nơi tay trái; thanh gươm chớp chớp phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã bị tắt mất trước ánh quang sáng ngời từ bàn tay phải của Đức Mẹ phát ra chiếu về phía vị Thiên Thần, bởi thế, lấy bàn tay phải của mình mà chỉ xuống trái đất, vị Thiên Thần đã kêu lớn tiếng rằng: ‘Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội!’. Rồi chúng con thấy một vị Giám Mục mặc Áo Trắng, ‘mà chúng con có cảm nhận đó là Đức Thánh Chá, trong một vùng sáng mênh mông là Thiên Chúa, ‘giống như người ta thấy mình đi ngang qua trước một tấm gương soí. Các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn, được làm bằng những thân cây nứt nẻ như loại thân cây điên điển còn vỏ; trước khi tiến lên tới đỉnh núi, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, một nửa đã bị tàn rụi, còn một nửa kia thì đang run rẩy loạng quạng lê bước với đầy những đớn đau và buồn khổ, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi thể Ngài gặp thấy trên quãng đường đi; tiến tới đỉnh núi rồi thì khi đang quì ở dưới chân cây Thập Giá lớn, Ngài đã bị ám sát bởi một nhóm lính bắn tới bằng các viên đạn và mũi tên, cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhaụ Dưới hai cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình nước thánh bằng pha lê để chứa đựng máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy vẩy trên những linh hồn đang tìm đường đến cùng Thiên Chúa”.

 

Phần Bí mật Fatima thứ ba này, riêng câu: “Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, một nửa đã bị tàn rụi, còn một nửa kia thì đang run rẩy loạng quạng lê bước với đầy những đớn đau và buồn khổ, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi thể Ngài gặp thấy trên quãng đường đi”, chúng ta thấy thích hợp với những gì đã được suy đoán ở phần lời tiên tri của Thánh Long Mộng Phố trên đâỵ

 

Trước hết, nếu câu “Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi thể Ngài gặp thấy trên quãng đường đi” thuộc “một nửa đã bị tàn rụi” đây có thể được hiểu là ĐTC đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thì theo tôi, “thành phố lớn” đây là thế giới tân tiến, thế giới được Công Đồng Chung Vaticanô II cảm nhận về vai trò của Giáo Hội là một “Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến” (nội dung của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Vui Mừng và Hy Vọng Gaudium et Spes, ban hành ngày 7/12/1965, ngày áp bế mạc công đồng lịch sử này).

 

Chắc có thể vì ý nghĩa này, ý nghĩa của “thành phố lớn” là thế giới tân tiến như thế theo Công Đồng Chung Vaticanô II, một công đồng được nhóm họp vào tiến bán thập niên 1960, mà Bí Mật Fatima có thể được tiết lộ cho thế giới biết từ “sau năm 1960”, thời điểm chị Lucia đã viết ở ngoài phong thư đựng phần bí mật cuối cùng trước khi gửi đến giáo quyền hồi ấy, thời điểm được chị, trong cuộc trao đổi với hai vị đại diện do Đức Thánh Cha gửi đến gặp chị tại đan viện của chị ở Coimbra ngày Thứ Năm 27/4/2000, thú nhận rằng: “Con linh cảm thấy người ta sẽ không hiểu được phần bí mật này trước năm 1960 mà chỉ sau đó thôi”.

 

Thật vậy, thời điểm “sau năm 1960” là thời điểm Cuba, quốc gia cuối cùng theo chế độ Cộng Sản vào năm 1959 và chính thức bang giao với Liên Bang Sô Viết vào tháng 2 năm 1960, nghĩa là một thế giới “một nửa đã bị tàn rụi” dưới chế độ Cộng Sản, “còn một nửa kia thì đang run rẩy loạng quạng lê bước với đầy những đớn đau và buồn khổ”, nghĩa là một nửa thế giới tư bản còn lại cũng đang bị phá sản tâm linh và đi đến chỗ tự diệt vong trong nấm mộ “văn hóa sự chết” của mình, ở chỗ “không biết từ bỏ con đường tội lỗi, hận thù, báo oán, bất công, những vi phạm đến nhân quyền, những việc vô luân và bạo lực v.v.” (trích Thư chị gửi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 12/5/1982 về việc tìm hiểu ý nghĩa Bí Mật Fatima phần thứ ba).

 

Một thành phố lớn, một nửa đã bị tàn rụi, còn một nửa kia thì đang run rẩy loạng quạng lê bước với đầy những đớn đau và buồn khổ” như thế đáng lẽ đã bị trừng phạt hay tự hủy diệt rồi, như hình ảnh mở đầu thị kiến phần bí mật thứ ba cho thấy: “có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm cháy lửa nơi tay trái; thanh gươm chớp chớp phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới”, một hình ảnh đã được Giáo Hội, qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin giải thích là “biểu hiệu cho phán quyết đe dọa giáng xuống trên thế giớị Ngày nay vấn đề thế giới có thể trở thành tro bụi bởi một biển lửa dường như không còn chỉ là một tưởng tượng nữa, ở chỗ, chính con người từng cố ý đúc cho mình thanh kiếm cháy lửa này”. Thế mà, cho tới nay nó vẫn còn tồn tại, là vì, “những ngọn lửa ấy đã bị tắt mất trước ánh quang sáng ngời từ bàn tay phải của Đức Mẹ phát ra chiếu về phía vị Thiên Thần, bởi thế, lấy bàn tay phải của mình mà chỉ xuống trái đất, vị Thiên Thần đã kêu lớn tiếng  ‘Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội!’”.

 

Tuy nhiên, để trả giá, tức “để cứu họ”, cho một thế giới chẳng những không chịu “ăn năn đền tội, ăn năn đền tội, ăn năn đền tội!”, như lời Mẹ Maria đã từng kêu gọi như thế ở Lộ Đức từ ngày 24/3/1858, một ngày trước khi Mẹ công nhận “Ta là Đấng đầu thai vô nhiễm tội”, trái lại, còn “cố ý đúc cho mình thanh kiếm cháy lửa này”, thì một số Kitô hữu chứng nhân, thuộc đủ mọi thành phần, từ Giáo Hoàng trở xuống, đã phải kiên trì sống đức tin đến cùng, một thái độ được thị kiến diễn tả như “đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn”, đến độ trở thành những tế vật hy sinh cứu độ, đúng như phần giữa của thị kiến rõ ràng đã cho thấy: “trước khi tiến lên tới đỉnh núi, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, ...; tiến tới đỉnh núi rồi thì khi đang quì ở dưới chân cây Thập Giá lớn, Ngài đã bị sát hại bởi một nhóm lính bắn tới bằng các viên đạn và mũi tên, cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhau”.

 

Tế vật hy sinh cứu độ điển hình nhất của thị kiến bí mật được tỏ ra từ ngày 13/7/1917 là biến cố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II “đã bị sát hại” bằng súng tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981. Và chính vì và chính nhờ ở tế vật tử đạo Kitô giáo nói chung và ĐTC nói riêng như thế, loài người nói chung và thế giới tư bản nói riêng mới được cứu độ, như phần kết thúc toàn bộ Bí Mật Fatima cho thấy: “Dưới hai cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình nước thánh bằng pha lê để chứa đựng máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy vẩy trên những linh hồn đang tìm đường đến cùng Thiên Chúa”.

 

Chúng ta nên lưu ý ở đây là, “vị giám mục mặc áo trắng” là Đức Thánh Cha đây bị ám sát chết chứ không phải còn sống như trường hợp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 13/5/1981. Nếu quả đúng như thế thì Biến Cố Thánh Mẫu Fatima nói chung, Sứ Điệp Fatima nói riêng và đặc biệt là Bí Mật Fatima vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, tức sẽ kéo dài cho tới tận thế, cho tới khi vị giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo bị tử nạn, như Chúa Giêsu bị tử nạn mới cứu độ được thế gian. Đó là viễn ảnh có thể xẩy ra trong thời của “nạn Hồi Giáo” được đề cập đến trên đây, viễn ảnh về thời Kitô giáo bị bắt bớ và sát hại khắp nơi, thậm chí Giáo Đô Vatican, biểu hiệu của một Giêrusalem xưa, cũng bị xâm chiếm và tán phá, đến nỗi, vị lãnh đạo của Quốc Đô Vatican bị sát hại, đúng như những gì Mẹ Maria đã tiên báo ở Bí Mật La Salette từ năm 1846:

 

"Vị Đại Diện Con Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ, vì Giáo Hội sẽ chịu đựng bắt bớ lớn lao một thời, thời tối tăm, và Giáo Hội sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng rùng rợn… Rôma sẽ mất đức tin và sẽ trở nên ngai tòa của Phản Kitô”.

 

(còn tiếp: Dấu Chỉ 4) Lời tiên báo của tiên tri Malachy: “Về Một Cuộc Nhật Thực)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ