GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚANHẬT22/5/2005 CHÚA BA NGÔI |
1) Tòa Thánh Vatican tại Hội Đồng Âu Châu về một Tân Âu Châu “Tự Do và Bình Đẳng”
2) Một Vị TGM can thiệp vào vụ 40 Kitô hữu Pakistan bị bắt giữ trong 1 Thánh Lễ ở Saudi Arabia
3) Việt Nam ân xá cho những tù nhân Kitô giáo để Tưởng Niệm Kết Thúc Chiến Tranh với Hoa Kỳ
Tòa Thánh Vatican tại Hội Đồng Âu Châu về một Tân Âu Châu “Tự Do và Bình Đẳng”
Sau đây là nguyên văn bài nói bằng Anh ngữ của ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của Tòa Thánh đặc trách liên hệ với các quốc gia, ở hội nghị thượng đỉnh thứ ba của các quốc gia và chính quyền thuộc Hội Đồng Âu Châu, một hội nghị được tổ chức ở Warsaw Balan, trong thời khoảng 16-17/5/2005.
I. Mối Hiệp Nhất Âu Châu và Các Giá Trị của Âu Châu
1. Tôi hân hạnh chuyển đến tất cả những ai hiện diện nơi đây lời chào thân ái của vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị mà trong việc chọn danh hiệu của mình đã có ý nhắc nhở đến một trong những đại kiến trúc sư xây dựng nền văn minh Âu Châu. Ở một số những bài nói và sách vở trước đó của mình ngài đã nêu lên một số những nhận định, vừa có tính cách lịch sử lẫn tín lý, về vần đề hiệp nhất và các giá trị của Âu Châu là những gì vẫn còn thịch hợp và đáng chú ý.
2. Đề tài đang được cuộc họp này nhắm tới đây là những gì đặc biệt quan trọng đối với Tòa Thánh. Đức Piô XII trong sứ điệp Giáng Sinh năm 1944 đã đề ra cho Âu Châu “một nền dân chủ thực sự được đặt trên quyền tự do và bình đẳng” ("Acta Apostolicae Sedis," 37 [1945]14), và vào ngày 9/5/1945 ngài đã nói về “một tân Âu Châu… được đặt trên việc tôn trọng phẩm giá con người, theo nguyên tắc linh thánh về quyền bình đẳng quyền lợi đối với tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia, lớn cũng như nhỏ, yếu kém cũng như mạnh mẽ” (ibid, 129-130). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chú trọng hơn nữa đối với vấn đề này. Và tất cả chúng ta đều biết đến việc dấn thân liên lỉ, nhiệt thành và chủ động của Đức Gioan Phaolô II cho một Âu Châu tương hợp với căn tính về địa dư nhất là về lịch sử của nó. Ở nơi đây là quê hương xứ sở của ngài, tôi muốn đặc biệt nhắc lại con người cao cả và đáng yêu của ngài.
3. Âu
Châu sẽ được công dân của mình mến yêu và sẽ phục vụ như là một tác nhân hòa
bình và văn minh trên thế giới chỉ khi nào nó được tác động bởi một số giá trị
căn bản sau đây:
a. Cổ
võ nhân phẩm cùng các thứ nhân quyền nống cốt, trong đó trước tiên là quyền tự
do theo lương tâm và tôn giáo.
b. Theo đuổi công ích theo tinh thần đoàn kết.
c. Tôn trọng căn tính quốc gia và văn hóa.
Mọi người đều phải áp dụng các giá trị này , tuy nhiên, nếu chúng được minh nhiên công nhận chứ không phải chỉ là những gì chung chung vậy thôi, thì chúng cần phải qui về lịch sử riêng của Âu Châu, vì đó là những gì kiến tạo nên Âu Châu theo căn tính thiêng liêng của nó. Vì lý do này Hội Thánh lấy làm hài lòng khi thấy trong Lời Mở Đầu của Bản Tuyên Ngôn, khoản số 6, nói đến việc quyết tâm “cho các giá trị và nguyên tắc phổ quát là những gì được baăt nguồn từ gia sản văn hóa, tôn giáo và nhân bản Âu Châu”. Vai trò nổi bật của Kitô giáo trong việc hình thành và phát triển gia sản văn hóa, tôn giáo và nhân bản này đều là những gì hiển nhiên trước mắt mọi người, không thể chối cãi.
II. Những Thách Đố Các Xã Hội Âu Châu Gặp Phải
Âu Châu
đang phải đối diện với những thách đố phát xuất từ sinh hoạt nội tại của mình
cũng như những thách đố nó gặp phải trước những vấn đề trên thế giới. Nó không
thể giải quyết một loạt những thách đố khó khăn một cách hiệu quả nếu không đáp
ứng một cách thích đáng với một loạt những thách đố khác.
1. Trước
hết, Hội Đồng Âu Châu, với tư cách là bảo đảm viên cho nền an ninh dân chủ được
căn cứ vào việc tôn trọng nhân quyền và qui luật, đang phải đương đầu với hai
đòi hỏi sau đây:
a. Cần
phải giữ nguyên tắc bình đẳng cho khỏi bị dung hòa với việc bảo vệ tính cách đa
diện hợp lý: công lý thực sự đòi hỏi phải áp dụng một cách bình đẳng với những
liên hệ bình đẳng và áp dụng một cách khác biệt với những liên hệ đa diện;
b. Cần phải
giữ nguyên tắc tự do cá nhân cho khỏi bị loại trừ việc nó tự nhiên bao hàm trong
mọi thứ liên hệ về xã hội, nhờ đó nó cũng không bị loại trừ khỏi nguyên tắc về
trách nhiệm xã hội là những gì thực sự tạo nên yếu tố thiết yếu theo giá trị
tích cực của nó.
Hậu quả của cuộc
đối chọi này ở lãnh vực liên hệ quốc tế cũng như ở lãnh vực xã hội, gia đình và
cá nhân là những gì đã rõ ràng.
2. Mặt khác, nhiều thách đố cụ thể xuất phát từ những vấn đề lớn trên khắp thế giới được truyền lại từ thế kỷ 20 như: vấn đề đe dọa nguyên tử, một mối đe dọa giờ đây đang có nguy cơ thoát khỏi trách nhiệm về lịch sử mà nguyên các đại quyền lực phải chịu, việc xuất hiện những hình thức bảo thủ về chính trị và tôn giáo, việc di dân đông đảo của các dân tộc cùng với một số những tình trạng bất ổn định nguy hiểm ở lãnh vực quốc gia, thậm chí ngay cả ở hiện trường Âu Châu. Ở đây tôi đang muốn đặc biệt nói đến tình hình ở vùng Bosnia-Herzegovina và Kosovo là những vùng cần có một giải pháp đáng tin cậy, một giải pháp không thể thực hiện nếu không có vấn đề bảo đảm một cách hiệu lực cho các thành phần thiểu số.
3. Trong tinh thần phục vụ, Tòa Thánh cống hiến việc ủng hộ của mình cũng như của toàn thể Giáo Hội Công giáo để đáp ứng một cách thích đáng trước những thách đố khó khăn này. Giáo Hội thâm tín rằng sứ điệp về tình huynh đệ, hợp với Phúc Âm, hoạt động bác ái rộng lớn của các tổ chức Công Giáo, việc dấn thân thực hiện việc đối thoại đại kết và liên tôn là những gì tự bản chất có thể đi liền với cuộc đối thoại về chính trị, liên tôn và liên văn hóa, như được bản tuyên ngôn tổng kết của hội nghị này đề cập tới và được Tòa Thánh sẵn sàng ủng hộ.
III. Việc
Kiến Tạo Âu Châu
Tôi xin
nói một đôi lời về việc kiến tạo Âu Châu. Đại biểu của Tòa Thánh không nêu lên
những giải pháp về kỹ thuật mà chỉ muốn cống hiến một vài điều suy nghĩ đơn
thành để góp phần vào việc suy tư chung của chúng ta đây.
1. Vấn đề điều hợp tốt đẹp hơn đối với các cơ cấu Âu Châu chẳng những là những gì cần phải thực hiện cho mối gắn bó về chính trị và tư tưởng hay về những vấn đề tài chính, mà còn cần phải thực hiện bởi tinh thần sáng tạo ban đầu của dự án Âu Châu nữa. Việc thành công của dự án này thật ra không phải chỉ cần phải làm sao để sinh hoạt điều hòa ở mỗi một cơ cấu chính, mà còn làm sao để việc hợp tác cân bằng chung của các cơ cấu chính này giúp cho những người công dân ở Âu Châu có thể thấy được Âu Châu như là “nhà chung” của họ trong việc phục vụ con người và xã hội.
2. Vì khả năng của mình được nhìn nhận một cách rộng rãi, có được một thẩm quyền về pháp lý, mà kinh nghiệm của Hội Đồng Âu Châu là những gì đặc biệt quan trọng, bởi nó phác họa ra những hoạch định về cái có thể trở thành bản sơ đồ cho xã hội Âu Châu. Trên 150 công ước của Hội Đồng Âu Châu, bàn giải về vấn đề giáo dục, văn hóa, thiểu số, tị nạn, di dân, môi sinh, truyền thông v.v. bao gồm một phần đáng kể của những lãnh vực liên quan tới chiều kích xã hội.
Ngoài ra, tình trạng nới rộng về lãnh thổ do Hội Đồng Âu Châu đạt được kéo hội đồng này lại gần với Tổ Chức Đặc Trách An Ninh và Hợp Tác Ở Âu Châu (OCSE: Organization for Security and Cooperation in Europe). Tuy nhiên, OCSE cũng có đặc tính của chiều kích xuyên đại tây dương của mình, một vấn đề bất khả châm chước cho việc bảo trì hòa bình trong một thế giới được toàn cầu hóa cũng như trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình đối với các cuộc xung đột. Từ ba đường lối của việc kiến tạo Âu Châu được liệt kê trong ba lãnh vực của OSCE – liên quan tới các chính sách an ninh hiện hành, tới việc hợp tác về kinh tế và môi sinh, và tới chiều kích nhân loại – người ta thấy rõ ràng là yếu tố cuối cùng này cống hiến một lãnh vực rộng lớn nhất của việc hợp tác giữa Hội Đồng Âu Châu và OSCE.
3. Đối với Khối Hiệp Nhất Âu Châu, nó thuộc về lãnh vực pháp lý liên quan tới các thứ nhân quyền người ta có thể thấy được những cơ hội cụ thể hơn nữa trong việc hợp tác gắn bó hơn về cơ cấu. Việc dấn thân chung để làm vững chắc các thứ nhân quyền cùng việc bảo vệ về pháp lý cho các công dân Âu Châu – những gì đã được tái Khối Hiệp Nhất Âu Châu tỏ ra tái xác nhận trong việc gắn bó với Công Ước Âu Châu về vấn đề bảo vệ các thứ nhân quyền cùng với những quyền tự do căn bản – là những gì cần phải thể hiện một cách thích đáng qua những phác họa được trình bày bởi Nhóm Điều Hợp mới thiết lập vào tháng 12/2004.
4. Tôi xin kết luận bằng việc nói lên một cách rõ ràng là trong vấn đề kiến tạo cho một đại dự án Âu Châu, Tòa Thánh sẽ không ngừng tiếp tục cộng tác.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 17/5/2005
Một Vị TGM can
thiệp vào vụ 40 Kitô hữu Pakistan bị bắt giữ trong 1 Thánh Lễ ở
Saudi Arabia
Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu được mạng điện toán Zenit phổ biến ngày 18/5/2005 thì ĐTGM Lawrence Saldanha ở Lahore, được kêu gọi lấy thẩm quyền của mình để can thiệp “lập tức” trong việc cứu những ai bị giam giữ ở Riyadh bởi nhóm muttawa, nhóm cảnh sát tôn giáo của Saudi Arabia.
Vị TGM này nói: “Chính quyền không được tỏ ra kỳ thị tôn giáo trong việc đối xử với trường hợp này, và phải hành động thay cho thành phần công dân sống ở hải ngoại của mình”.
40 Kitô hữu Pakistan bị bắt giữ hôm 23/4/2005 khi họ cử hành Thánh Lễ tại một tư gia thuộc thành phố Riyadh. Nhân viên cảnh sát đã ập vô ngôi nhà đang được cử hành Thánh Thể ấy để tìm kiếm các thứ sách vở và các thứ băng âm thanh và băng hình ảnh của Kitô hữu.
Ở Saudi Arabia vấn đề hành đạo bất cứ một tôn giáo nào ngoài Hồi giáo đều là việc bất hợp pháp.
Chính quyền Pakistan vẫn giữ thái độ thinh lặng, trong khi chính quyền Saudi cũng chưa ban bố một án lệnh nào về biến cố này.
ĐTGM Saldanha, vị chủ tịch đương kim Ủy Ban Toàn Quốc Đặc Trách Công Lý Và Hòa Bình đã gọi việc tống giam này là “một thí dụ trầm trọng cho thấy việc kỳ thị tôn giáo và vi phạm nhân quyền”, và kêu gọi chính quyền Saudi “hãy tôn trọng quyền tự do tôn giáo”.
Nhiều nhóm người Pakistan và quốc tế đã yêu cầu chính quyền Pakistan làm sao để giải thoát 40 Kitô hữu Pakistan. Ủy Ban Nhân Quyền Pakistan đã gửi cho ông bộ trưởng ngoại giao Pakistan một bức thư được ký bởi vị tổng thư ký Syed Iqbal Haider, với lời lẽ như:
“Việc ông chứng tỏ dấn thân bênh vực nhân quyền đã khiến chúng tôi xin ông hãy đặt vấn đề này với chính quyền Saudi và tìm cách thả ngay những người bất hạnh ấy đồng thời hỗ trợ và nâng đỡ họ như họ cần”.
Việt Nam ân xá cho những tù nhân Kitô giáo để Tưởng Niệm Kết Thúc Chiến Tranh với Hoa Kỳ
Theo cơ quan ân xá quốc tế thì tổng thống Việt Nam Trần Đức Lương của chính phủ Việt Nam đã thả 7.750 tù nhân, trong đó có 2 tù nhân Kitô giáo nhân dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, đó là linh mục Phạm Ngọc Liên, và giáo viên Thánh Kinh Lê Thị Hồng Liên (21 tuổi, thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite, bị bắt 6/2004, vì tội “chống lại một người thi hành nhiệm vụ chính thức của họ”), cả hai đều rất yếu sức.
Linh mục Phạm Ngọc Liên 63 tuổi là tu sĩ Dòng Đồng Công, người đã bị án 20 năm tù và đã bị giam nhốt 18 năm, (nay đã trở thành, theo anh em dòng ngài cho biết, một con người hoàn toàn ngớ ngẩn), là một trong 23 tu sĩ và linh mục thuộc dòng này bị giam nhốt vào Tháng 5/1987 sau cuộc tra lùng của chính phủ vào khu vực của nhà dòng ở Thủ Đức. Hậu quả chụp mũ đương nhiên sau đó, (với quả tang bắt được các thứ vũ khí gài trước trong khu vực nhà dòng), từ vị linh mục sáng lập dòng này là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ cho đến anh em dòng của ngài bị tố cáo là “thực hiện việc tuyên truyền chống lại chế độ xã hội và làm nguy hại tới chính sách đoàn kết”. Tất cả đều đã được thả, ngoại trừ Thày Nguyễn Thiên Phụng vẫn còn ở nhà tù Z30A ở tỉnh Đồng Nai.
Theo bài “Lênh Đênh Hải Ngoại: Vượt Thoát Hay Lên Đường” được người viết phổ biến trên thoidiemmaria cũng là bài được dongcong.net lấy phổ biến cùng ngày kỷ niệm 30 năm quốc biến 30/4/2005, thì riêng “vị sáng lập hội dòng Việt Nam đầu tiên là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, đầu tiên đã bị kết án tù chung thân trong một phiên xử lịch sử, đến nỗi chính phủ phải vận dụng cả lực lượng an ninh và phát hình ra cả bên ngoài pháp đình để dân chúng theo dõi, một phiên tòa mà vị linh mục lãnh đạo bị can này không hề lên tiếng biện hộ cho mình tí nào, bởi biết rằng việc xử án của chính quyền cũng chỉ là một hình thức che mắt nhân dân mà thôi. Sau đó, bị áp lực từ hải ngoại, chính phủ đã giảm án của ngài xuống còn 20 năm.
“Trong thời gian bị tù 20 năm ấy, ngài đã được vị linh mục đại diện TGP Sài Gòn đến thăm và khuyên ‘cha xin chính phủ ân xá’. Cha Thủ đã từ tốn nhưng thẳng thắn và khẳng khái đáp lại rằng ngài không có tội xin không xin ân xá. Nếu nhà nước muốn tự động ân xá cho ngài, thì trước hết phải thả hết anh em của ngài ra vì cũng giống như ngài không ai trong anh em của ngài có tội, sau nữa phải hoàn trả hết những gì nhà nước đã tịch thu của nhà dòng, và sau hết phải cho ngài được hoạt động lại bình thường. Dĩ nhiên là trước thái độ chẳng những không có tội nhất định không xin ân xá, mà còn đặt điều kiện nếu muốn ân xá cho mình như thế, đời nào nhà nước lại chịu thả ngài về, bằng không hóa ra họ đã mặc nhiên công nhận là họ đã xử oan cho ngài, đã làm một điều sai trái. Thế mà, để lấy điểm với thế giới, để thả con tép bắt con tôm, họ đã không cho ngài ‘được’ ở tù nữa. Để thực hiện điều này, họ không ngầm nói chuyện với ngài như trước nữa, trái lại, họ đột nhiên ‘bắt’ ngài phải về, và anh em dòng của ngài đã hết sức ngỡ ngàng khi thấy ngài bất ngờ trở về với họ ngoài lòng mong ước”.