GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 28/5/2005

NGÀY THÁNH MẪU

 

1)  ĐTC Biển Đức XVI với vị tân lãnh sự Macedonia về Một Âu Châu đại kết.

2) Hiện Tình Kitô Hữu tại Thánh Địa có Nguy Cơ Bị Triệt Tiêu

3) Theo gương Đức Gioan Phaolô II và các Thánh tôi cũng cố gắng mến yêu Mẹ tôi


 

ĐTC Biển Đức XVI với vị tân lãnh sự Macedonia về Một Âu Châu đại kết.

 

Hôm 19/5/2005, Thứ Năm, ĐTC Biển Đức đã gặp vị tân lãnh sự Bartolomej Kajtazi của Nguyên Cộng Hòa Yogosla xứ Macedonia dịp ông trình ủy nhiệm thư, và ngài đã nói với ông về vấn đề chính yếu là Âu Châu cần đến các quốc gia vùng Balkins và các quốc gia này cần đến Âu Châu.

 

Thưa Ông Lãnh Sự,

 

Tôi hân hoan đón mừng ông hôm nay đây và chấp nhận ủy nhiệm thư bổ nhiệm ông làm vị lãnh sự của Nguyên Cộng Hòa Yugoslav xứ Macedonia tại Tòa Thánh. Tôi xin cám ơn những lời chào hỏi nồng hậu được ông chuyển cho tôi từ Tổng Thống Crvenkovski. Tôi vui mừng đáp lại những lời ấy và hứa cùng chính quyền cũng như công dân thuộc quốc gia của ông rằng tôi sẽ cầu nguyện cho hòa bình và phúc hạnh ở xứ sở này.

 

Lễ Thánh Cyrilô và Mêthôđiô, các vị cùng với các Thánh Biển Đức, Brigita Thụy Điển, Catarina Siena và Têrêsa Benedicta Thánh Giá, là những vị đại thánh sư của Âu Châu, được đánh dấu bằng cuộc viếng thăm Rôma thường niên của một phát đoàn đại biểu thuộc xứ sở của ngài. Biến cố đầy biểu hiệu này nhắc nhở mối quan tâm thiết tha của các Đức Giáo Hoàng Nicholas I, Hadrian II và Gioan VIII đối với những vị tông đồ của sắc dân Slavs này, bằng việc phấn khích các vị hoàn thành hoạt động truyền giáo của các vị cách trung thành và sáng tạo. Như Thánh Cyrilô và Methôđiô đã nhận thấy nhu cầu thật sự trong việc chuyển đạt một cách chính xác những ý tưởng Thánh Kinh cùng những quan niệm thần học Hy Lạp sang một môi trường hoàn toàn khác biệt về tư tưởng cũng như về kinh nghiệm lịch sử thế nào, thì ngày nay công việc chính yếu Kitô hữu Âu Châu đang gặp phải đó là việc chiếu tỏa ánh sáng rạng ngời của Mạc Khải trên tất cả những gì là thiện hảo, chân thực và diễm lệ. Nhờ đó, tất cả mọi dân tộc và mọi quốc gia được lôi kéo tới nền hòa bình và tự do theo dự án của Thiên Chúa Hóa Công đồi với hết mọi người.

 

Với lòng biết ơn tôi nhận thấy rằng quốc gia của ông đã tái khẳng định việc dấn thân của mình trong vấn đề hình thành một đường lối hòa bình và hòa giải. Làm như thế là quốc gia của ông trở thành một mẫu gương cho các nước khác thuộc vùng Balkan. Thảm thương thay, những khác biệt về văn hóa thường là nguyên cớ gây ra hiểu lầm giữa các dân tộc, thậm chí còn gây ra những cuộc xung đột và chiến tranh vô nghĩa nữa. Thật vậy, cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa là một nền tảng xây đắp bất khả thiếu cho nền văn minh yêu thương phổ quát là những gì hết mọi con người nam nữ đều trông mong. Bởi thế, tôi xin ông cùng nhân dân của ông hãy nắm vững các giá trị nền tảng chúng của tất cả mọi nền văn hóa; chung là bởi vì những giá trị ấy bắt nguồn từ chính bản tính của con người. Có như thế việc tìm cầu hòa bình mới được củng cố giúp cho ông có thể giành hết mọi nguồn nhân bản và thiêng liêng cho vấn đề tiến bộ về vật chất và luân lý của nhân dân ông, bằng một tinh thần hợp tác tốt đẹp với các quốc gia lân bang.

 

Thưa ông Lãnh Sự, ông đã ghi nhận rằng mục đích của hội nhập xã hội được chính phủ của ông hăng say theo đuổi thực hiện một cách hợp lý là những gì làm ông gần gũi hơn với các quốc gia Âu Châu khác. Thật vậy, truyền thống của ông và văn hóa của ông là những gì phản ảnh từ đó và là những gì thuộc về cái tinh thần đã làm thấm đẫm châu lục này. Như vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi đã nói một số lần là: Âu Châu cần đến các quốc gia vùng Balkan, và các quốc gia này cần đến Âu Châu! Việc gia nhập Cộng Đồng Âu Châu, tuy nhiên, không được hiểu thuần túy như là một thứ phương thuốc cứu chữa để thắng vượt đối thủ về kinh tế. Trong tiến trình nới rộng Khối Hiệp Nhất Âu Châu “rất cần phải” nhớ rằng việc nới rộng này “sẽ thiếu bản chất nếu nó bị biến thành những chiều kích thuần túy về địa dư và kinh tế”. Trái lại, việc hiệp nhất cần phải “bao gồm trước hết là một hợp đồng về các thứ giá trị… được thể hiện nơi luật lệ và sinh hoạt của việc hiệp nhất này” (Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu, 110). Vấn đề này có lý để đòi hỏi mỗi một quốc gia phải có một tổ chức xã hội biết tự động lấy lại hồn sống của Âu Châu, một hồn sống có được nhờ sự góp phần quyết liệt của Kitô giáo, trong việc xác nhận phẩm giá siêu việt của con người cùng với những giá trị sự thật, tự do, dân chủ và hiến định (cf. ibid., 109).

 

Nhân dân của đất nước ông đã thành đạt nhiều ở công việc khó khăn nhưng an ủi nơi vấn đề làm sao để bảo đảm được mối liên kết và ổn định xã hội. Vấn đề phát triển chân thực đòi phải có một dự án tiến bộ được điều hợp toàn quốc, một vấn đề phát triển tôn trọng những khát vọng hợp lý của tất cả mọi lãnh vực trong xã hội, và là một phát triển mà thành phần lãnh đạo chính trị và dân sự cần phải có trách nhiệm. Lịch sử loài người vẫn dạy cho chúng ta là nếu những thứ chương trình ấy muốn có một tác dụng gây ra một đổi thay tích cực bền vững thì chúng cần phải có tính cách bảo vệ các thứ nhân quyền bao gồm cả những quyền lợi của thành phần thiểu số về sắc tộc và về tôn giáo, việc cai trị hữu trách và minh bạch, và việc bảo trì luật lệ và trật tự bằng một hệ thống pháp lý vô tư và một lực lượng cảnh sát đáng kính nể. Không có những nền tảng này thì niềm hy vọng mong thấy được tình trạng thực sự tiến bộ vẫn là những gì mơ hồ.

 

Thưa ông Lãnh Sự, việc chính phủ của ông dấn thân cải tiến tình trạng tịnh vượng về xã hội và kinh tế của nhân dân là những gì cống hiến cho thế hệ trẻ một nhãn quan tin tưởng và lạc quan. Trọng tâm của việc hứa hẹn này đó là việc tạo ra những cơ hội giáo dục. Nơi đâu các học đường hành sử một cách chuyên nghiệp và được điều hành bởi con người liêm chính thì tất cả mọi người, nhất là giới trẻ cảm thấy được niềm hy vọng. Trong việc huấn luyện này có cả việc hướng dẫn về đạo giáo. Việc này giúp cho giới trẻ khám phá ra ý nghĩa trọn vẹn của đời sống con người, nhất là mối liên hệ quan trọng hết sức giữa tự do và sự thật (x Thông Điệp “Đức Tin và Lý Trí”, 90). Thật vậy, kiến thức được đức tin soi động, thay vì chia rẽ cộng đồng lại liên kết các dân tộc lại với nhau để cùng tìm kiếm sự thật, một cuộc tìm kiếm giúp cho mọi người như một kẻ sống bởi niềm tin (cf. ibid. 31). Bởi thế, tôi hết sức khuyến khích chính phủ của ông hãy theo đuổi ý hướng của họ trong việc cho phép giảng dạy về tôn giáo ở các trường sơ cấp.

 

Giáo Hội Công Giáo nơi quốc gia của ông, mặc dù là một con số nhỏ, cũng muốn cùng hợp tác với các cộng đồng tôn giáo khác thực hiện việc vươn mình ra với tất cả mọi phần tử thuộc xã hội Macedonia không phân biệt. Sứ vụ bác ái của Giáo Hội, đặc biệt đối với thành phần nghèo nàn và khổ đau, là một phần thuộc về việc “Giáo Hội dấn thân yêu thương một cách thực tế và cụ thể đối với mọi người” (Tông Thư “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ”, 49), và là những gì được xứ sở của ông cảm nhận rất nhiều. Tôi tin tưởng rằng Giáo Hội sẵn sàng đóng góp thậm chí dồi dào hơn nữa vào những chương trình phát triển nhân bản của xứ sở này, bằng cách cổ võ những giá trị hòa bình, công lý, đoàn kết và tự do.

 

Thưa ông, sứ vụ ngoại giao được ông bắt đầu hôm nay đây sẽ làm củng cố hơn nữa những mối liên hệ về việc cảm thông và hợp tác đang có giữa xứ sở của ông và Hội Thánh. Tôi muốn ông nhớ rằng những văn phòng khác nhau của Giáo Triều Rôma sẵn sàng hỗ trợ ông trong việc hoàn thành nhiệm vụ của ông. Với những lời nguyện chúc tốt đẹp, tôi xin Thiên Chúa ban cho ông, gia đình ông và toàn thể nhân dân của đất nước ông muôn vàn ân phúc.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 19/5/2005 

 

 

TOP


 

Hiện Tình Kitô Hữu tại Thánh Địa có Nguy Cơ Bị Triệt Tiêu

 

Hội bác ái toàn cầu đặt tại Đức cảnh báo: cảnh chung lộn vừa nghèo nàn, vừa kỳ thị lại bạo động là những gì đang làm cho tương lai của Kitô hữu ở Thánh Địạ "bị treo lơ lửng như sợi chỉ".

 

Cuộc khủng hoảng của Kitô hữu tại Israel “thật là trầm trọng" đến độ  theo một tổ chức có tên ACN viết tắt từ "Aid to the Church in Need" đã thăm viếng xứ sở này để  thấy tận mắt những gì họ có thể cung ứng. Nhóm này đã cho nêu lên một vài đề nghị trong một bản trình thuật gởi cho ZENIT, với nhan đề "Tại Isael: Người Công Giáo ở trong tình trạng khủng hoảng - Tín Hữu gặp áp lực từ mọi phíạ". "Việc hiện diện của Kitô hữu trong xã hội Isael đang ở trên bờ vực biến dạng vào bóng tối và có lẽ gặp cơ nguy hoàn toàn biến mất", tờ báo cáo nói bằng những từ ngữ giật gân như thế.

 

Bản trình thuật nhận định rằng: "Số người bị giảm xuống còn khoảng 150.000, thành phần Kitô hữu đang phải đối diện với tình trạng bị áp bức và kỳ thị tại trường học, nơi sở làm và ngoài cộng đồng, vì vấn đề tôn giáo, giai cấp, hoặc nguồn gốc chủng tộc." Ngoài ra, tờ trình thuật này còn nhận định thế này "hầu hết họ là người Ả Rập Palestinẹ" Hơn thế nữa, "vật giá leo thang, nhất là những vùng Palestine, cùng với nạn thất nghiệp lan tràn." Báo cáo tiếp: "Tệ hơn nữa, những cơ hội để Kitô hữu có thể lên tiếng đều bị nhận chìm trong thời khoảng 40 năm trời, tỉ lệ tín hữu ở xứ sở này đã  bị sút giảm từ 20% xuống dưới 2%." Bản trình thuật cho biết tiếp: "Xã hội đã thay đổi ngoài sức tưởng tượng – tình trạng tràn ngập của người Hồi giáo cùng với việc di dân ào ào của thành phần Kitô hữu - 400,000 tín hữu ở Isael giờ đây đang sống ở hải ngoại"

 

Về phần mình, "những người Kitô hữu quyết định ở lại quê hương càng ngày càng thất vọng trong việc tìm kiếm một niềm hy vọng mới, khi họ phải đối chọi với những vấn đề xã hội và kinh tế để tìm kiếm một tương lai lâu bên nơi quê hương cổ kính của mình." ACN đã trích lại lời của Bảo Quản Viên của Dòng Thánh Phanxicô là Cha Pierbattista Pioãaballa, vị nói rằng: "Người Tây Phương dường như không để ý đến việc nhiều Kitô hữu vẫn còn sống nơi đây và đang cần được chúng ta giúp đỡ." Bản trình thuật ACN tiên đoán rằng "nếu không có gì thay đổi nơi số phận của họï và nếu tỷ lệ di cư không giảm xuống thì người công giáo ở Thánh Địa có thể sẽ biến mất."

 

Có khoảng 18 ngàn người cư trú tại tỉnh Mughar – cách Biển Hồ Galilêa15 cây số và cách Nâarét 40 cây số – mà một nửa là người Druze, một cộng đồng theo niềm tin tưởng xuất phát từ Mohammed, một cộng đồng đã tách khỏi Hồi giáo vào khoảng thế kỷ thứ 10. Có khoảng độ 35% dân số tại Mughar là người Hồi giáo, còn lại là Kitô hữu, hầu hết là người Công giáo thuộc lễ nghi Melkite.

 

Vào ngày 11 và 12 tháng 2 vừa qua, tỉnh này đã trở thành nạn nhận của cuộc bạo động bùng lên bởi những tay bảo thủ Druze muốn chống lại cộng đồng Kitô giáo.

 

ACN đã đến thăm tỉnh lỵ này vào đầu tháng 5. Theo ghi nhận thì vào khoảng nửa đêm ngày 10 tháng 2, có khoảng 200 người đã tham dự cuộc phá phách chống lại Kitô hữu.  "Vào lúc bình minh, số kẻ tấn công đã gia tặng đến 4 ngàn ngườị. Khoảng một nửa số dân Kitô hữu trong tỉnh đã bỏ chạy để giữ lấy mạng," bản trình thuật ghi nhận như thế. "Mặc dù vẫn còn tiếp tục xẩy ra lác đác những cuộc tấn công bằng bom, Cha chánh xứ Maher Aboud đã thuyết phục được hầu hết các gia đình Kitô hữu trở về nhà họ để gầy dựng lại cuộc sống." Vị linh mục này "giảng cho họ nghe sứ điệp về lòng thứ tha và can trường bất khuất để có thể đối đầu với nhóm Druzẹ". ACN ghi nhận: "Ít là có 40 gia đình vẫn chưa trở lại, một là vì lo sợ hay là vì nhà của họ đã bị thiệt hại nặng nề theo họ không thể ở được nữa”. Vị linh mục này, người đã phục vụ tại Mughar 28 năm, đã nói những lời được trích dẫn như sau: "Chúng tôi đã từng tìm kiếm và đang tìm kiếm xem những gì chúng tôi có thể đã gây ra để đáng phải chịu cảnh như thế này mà chúng tôi vẫn không tìm thấy gì cả".

 

ACN viết: "Số mạng hẩm hiu khác loại nhau đang làm tàn rụi sinh mạng của Kitô hữu ở Bethlehem…  một thành phố đang biến nhanh đằng sau bức tường cao 8 mét do thẩm quyền người Isael dựng lên". Bức tường tách lãnh thổ Palastine khỏi Israel. Bản trình thuật giải thích rằng: "Đối với cộng đồng 60 ngàn người Kitô hữu ở vùng này, thì bức tường ấy tìm cách dập tắt đi những mầm mống mới nhú lên của việc tái phát triển về ngành thương vụ quan trọng cho cuộc sinh sống của họ – đó là ngành thương vụ về hành hương và du lịch”. Quãng đường xe chạy từ Jerusalem đến Bethlehem trước đây khoảng không hơn 5 phút lái xe. Giờ đây, với những trạm kiểm soát và thủ tục kiểm soát an ninh, thời gian đã phải mất đến 3 tiếng đồng hồ. Bản trình thuật giải thích rằng du khách thường thích nhất thực hiện những chuyến viếng thăm ngắn ngày tới Bêlem, những chuyến viếng thăm ai oán hơn nhiều đối với những ngày mà họ muốn ở lại đó mấy đêm liền. Bản trình thuật ACN nhấn mạnh rằng: “Đối với những Kitô hữu ở Bêlem thì muốn đi ra khỏi thành phố của mình này đã từng là cả một vấn đề khó khăn trong nhiều năm rồi, nay bức tường này được dựng nên lại càng gây thêm phiền phức. Nó thật sự như là hồi chuông báo tử cho những ai di chuyển từ Bethlehem và Giêrusalem."

 

Bản trình thuật này viết thêm: “Thành phần Kitô hữu ở vùng này cũng không thể lên tiếng để bênh vực lấy mình, vì họ bị chìm ngập dưới mức gia tăng số người Hồi giáo. Tình trạng này xẩy ra, cùng với tình trạng số người Kitô hữu di tản, đã đi đến chỗ trong vòng 25 năm, tỷ số Kitô hữu ở Bêlem đã bị thất thoát mất tới 50% - hiện nay, Kitô hữu chỉ ở vào khoảng 1 trong 10 ngườị" Theo thống kê cho biết thì 75% giới trẻ nói rằng, nếu được chọn, họ sẽ rời khỏi đấy trong vòng 24 tiếng đồng hồ”. Tổ chức bác ái Công giáo cảnh báo rằng: "Sự trì trệ của các ngành kinh doanh đang chất thành một gánh nặng lớn trên những gia đình Kitô hữu, và nhiều người cảm thấy rằng bức tường này sẽ là những gì thực sự giam cầm họ ngay tại tỉnh lỵ và thôn xóm của mình".

 

ACN quan sát thấy rằng, tại thành phố Ramallah, phía bắc thành Giêrusalem, tình trạng gia tăng máu tranh đấu nơi những người Hồi giáo đã gây ra một cuộc di tản khỏi một tỉnh mà cho tới năm 1948, thời điểm quốc gia Isael được thành lập, hoàn toàn là người Kitô hữu. Linh mục quản nhiệm giáo xứ Ramallah trong một thời gian dài, Cha Nâaih, vị linh mục lâu đời ở Ramallah đã giải thích rằng: "Tất cả những người Hồi Giáo đều thích tới tỉnh nàỵ. Từ từ những người Kitô hữu bỏ đi vì họ không thể sống với người Hồi Giáo. Có một số người cuồng tín không chấp nhận sự kiện chúng ta hiện hữu". Vi linh mục cũng đề cập đến nỗi cay đắng vẫn tồn tại một vài năm sau khi những người Hồi Giáo cuồng tín lấy đất của người Kitô hữu kế bên nhà thờ để xây đền thờ Hồi Giáo. Cha nói: "Họ đã đến với những xe kéo và đã tàn phá thành bình địa. Họ kéo sập các tường nhà xuống. Chúng tôi không biết được những chuyện gì đã xảy ra. Họ lấy đi tất cả. Ngay cả vị thống đốc cũng chẳng làm gì được". Cha nói thêm, từ cả hằng ngàn gia đình sinh sống ở Ramallah vào năm 1948, giờ đây chỉ còn lại vài trăm gia đình. Ngài nói thêm là có đến 40 ngàn Kitô hữu đã sang Hoa Kỳ.

 

ACN nói rằng, bất chấp tất cả mọi vấn đề gây ra cho các cộng đồng Kitô hữu như thế, vẫn còn có những dấu hiệu hy vọng thật sự. Trong khi Kitô hữu vẫn tiếp tục di tản, thì vấn đề kết hôn và sinh nở lại gia tăng, khiến cho một số người cảm thấy lạc quan về tương lai lâu dài của cộng đồng Kitô hữu này. Bản trình thuật viết: "Niềm hy vọng cải tiến các nhu cầu huấn luyện trọng yếu cũng đang được phát triển ở một số nơi".

 

“Trước cuộc chống đối liên tục một cách mãnh liệt của thẩm quyền Israel, vị linh mục Công giáo Hy Lạp, Cha Elias Chacour, hiện đang điều hành một trường học và đại học mở rộng cho 4 ngàn học sinh tại Ibillin, trong miền Galilea phía bắc Isael". Bản trình thuật thêm: được gọi là Mar Elias Educational Institutions, việc thành lập những Viện Giáo Dục Mar Elias này "là tia hy vọng cho mối giao hảo giữa Kitô hữu và Hồi hữu và để cung ứng một vài số cơ hội huấn nghệ thật tốt trong vùng này". Và “những tổ chức như Hội Đồng Jerusalem Đặc Trách Liên Hệ Do Thái - Kitô Giáo đang tìm cách đập vỡ những chướng ngại giữa những người Do Thái và Kitô hữu. Trong một ghi chú hôm  Thứ Sáu tuần trước, sau chuyến đi Đất Thánh, Marie Ange Siebrecht, vị làm đầu khu vực Trung Đông của ACN nói rằng: "Làm sao Kitô hữu có thể ở lại quê hương của mình mà lại không việc làm và tương lai. Những nơi Thánh của Kitô giáo còn có nghĩa gì nữa nếu không có Kitô hữu hiện diện ở đấy. Đây là phận vụ của chúng ta trong việc  nhân danh những người Kitô hữu này lên tiếng nói cho thế giới biết ". Siebrecht đã mời gọi quý ân nhân của ACN hãy "cầu cho Đất Thánh và hãy đi đến đó", thế nhưng nếu có đến đó, "họ phải đi với các tổ chức Kitô giáo”.

 

Trần Đại (dịch từ Zenit ngày 26/5/2005)

 

TOP

 

 

Theo gương Đức Gioan Phaolô II và các Thánh tôi cũng c1ô gắng mến yêu Mẹ tôi

 

Mỗi khi quì trước tượng ảnh Mẹ, hay để lòng chìm  vào suy nguyện, tôi vẫn tự hỏi mình: “Tôi yêu Đức Mẹ hay Đức Mẹ yêu tôi?” Có thể là cả hai, nhưng chắc chắn một điều là Đức Mẹ yêu và thương tôi nhiều hơn tôi yêu và mến Mẹ.

 

Tôi nhớ lại một câu truyện đã được đọc thời còn niên thiếu là có một vị thánh nào đó, trong lúc cảm hứng lên cao, đã thưa với Đức Mẹ rằng: “Mẹ có biết là con yêu Mẹ hơn Mẹ yêu và thương con không?” Lập tức thánh nhân đó được nghe rõ tiếng nói trong lòng rằng, đó chỉ là một cảm hứng nông cạn và thiếu hiểu biết. Nếu không vì lòng sốt sắng và chân thành, thì tư tưởng và lời nói ấy là một điều xúc phạm đến tình thương của Đức Mẹ.

 

Đúng thế, ngay trong lãnh vực tự nhiên, có bao giờ người con lại có thể yêu và thương mẹ mình hơn mẹ mình thương và yêu mình bao giờ. Nhiều lắm thì cũng bằng là quí lắm rồi. Ca dao Việt Nam có câu: “Mẹ thương con bằng trời bằng bể. Con thương mẹ con kể từng ngày”. Thực tế đã nói thay cho tấm lòng người mẹ. Nhưng nếu nhìn về thế giới siêu hình, thì sự khác biệt giữa tình Mẹ trên trời và lòng mến của con cái loài người đối với Mẹ sẽ còn khác xa biết bao nhiêu. Và điều này có nghĩa là Mẹ Maria thương và yêu con cái loài người còn gấp trăm, gấp ngàn lần chúng ta yêu mến Mẹ.

 

Kinh nghiệm đã từ từ cho tôi hiểu và thâm tín điều này, là sở dĩ tôi sống và còn hiện hữu là do tình thương yêu, và săn sóc của Mẹ. Và hẳn là Mẹ đã có một chương trình cho tôi, vì cứ mỗi lần ôn hoặc nhìn lại quá khứ qua từng biến cố đời mình, tôi thâm tín rất rõ ràng rằng tôi sống được và còn tồn tại đến hôm nay là do tình thương và sự can thiệp của Mẹ. Vào những buổi chiều khi màn đêm dần buông xuống, tôi một mình lại cảm thấy nao nao khi nhìn lại một ngày đã qua và nghĩ về một đêm đang tới. Những giây phút ấy làm tôi thật sự cảm thấy cần có Mẹ, như một trẻ thơ sà vào lòng mẹ khi thấy bóng tối bao phủ quanh mình.

 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao người ta không yêu mến Đức Mẹ. Tại sao nhiều Kitô hữu coi việc sùng kính và yêu mến Đức Mẹ là một hành động ấu trĩ, và trẻ con. Tại sao nhiều linh mục lơ là với lòng sùng mộ này. Nhiều linh mục đã không bao giờ nói về Đức Mẹ, và cũng chẳng bao giờ coi trọng những lễ kính của Mẹ. Những linh mục và những Kitô hữu này có bao giờ nhận ra được tình thương và sự săn sóc đặc biệt mà Mẹ dành cho họ không. Có bao giờ họ nghĩ rằng trên hành trình đức tin, và trong cuộc đời sự hiện diện của Đức Mẹ là một niềm an ủi, nâng đỡ và cần thiết không.

 

Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp được vài linh mục và giáo dân mà lòng sùng mộ và  yêu mến Đức Mẹ khiến tôi hết sức khâm phục. Tôi nhớ lại là một vị linh mục mà tôi may mắn được quen biết, một linh mục có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách hết sức đặc biệt. Một linh mục mà trên tay luôn thấy có cỗ tràng hạt. Khi tôi hỏi ngài về bí quyết để được sống lâu, sống vui vẻ và bình an, ngài chỉ nói với tôi một câu rất đơn sơ: “Có Mẹ mọi nhẽ đều xuôi”.

 

“Có Mẹ mọi nhẽ đều xuôi”. Người con một khi có mẹ ở bên là được mọi cái. Không sợ đói. Không sợ khát. Không sợ lạnh lẽo, nóng bức. Không sợ bị ai bắt nạt. Người mẹ có thể đói. Người mẹ có thể khát. Người mẹ có thể bị rét mướt và nóng bức. Người mẹ có thể bị người khác bắt nạt. Nhưng người con ở bên mẹ thì không, nhất là khi người con ấy còn thơ trẻ, và hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ mình.

 

Trong đời sống tâm linh, sự hiện diện của Mẹ còn cần thiết và quan trọng hơn thế nữa. Một khi có Mẹ ở bên, linh hồn chắc chắn sẽ không còn phải lo sợ gì. Sẽ không sợ bỏ rơi, đói, khát, lạnh lẽo, nóng bức, và nhất là không sợ gặp rủi ro, hoặc rơi vào cạm bẫy của ma quỉ, thế gian, xác thịt trên đường về Thiên Quốc. Vì Mẹ là tất cả của linh hồn đã tín thác và yêu mến Mẹ.

 

Tôi cũng tìm được mẫu gương rất sáng nơi vị Giáo Hoàng mà thế giới gọi là cao cả, Đức Gioan Phaolô II, một lòng sùng mộ Đức Maria. Khẩu hiệu Giáo Hoàng của Ngài là “Tutus Tuus” – Tất cả là của Mẹ. Một khẩu hiệu Giáo Hoàng ít thấy trong suốt lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội. Nhưng cũng chính vì hoàn toàn tín thác nơi Mẹ, mà vị Giáo Hoàng của chúng ta đã làm được những việc phi thường cho nhân loại và cho Giáo Hội. Cũng vì hoàn toàn tín thác nơi Mẹ, mà Mẹ đã bênh đỡ vị Giáo Hoàng của mình. Dấu vết cuộc ám sát tại công trường Thánh Phêrô năm nào vẫn còn đó. Viên đạn được gắn trên mũ triều thiên của Mẹ tại Fatima – viên đạn đã xuyên thủng con người vị Giáo Hoàng mà không lấy đi được mạng sống của Ngài – còn đó như một chứng tích của sự chở che và săn sóc của Mẹ.

 

Tuy không cao cả như Gioan Phaolô II. Tuy không thánh đức, siêu phàm như Anphongsô, như Lui Monfort, hoặc như Bênađô, là những thánh thân thời đại mà lòng sùng mộ Mẹ Maria của các ngài đã đi vào lịch sử. Nhưng tôi cũng cảm thấy rằng mình cần nói lên một điều gì để ca tụng người Mẹ rất đáng mến của mình: Đức Trinh Nữ Maria.

 

Maria. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ toàn thể nhân loại. Và là Mẹ riêng mỗi người chúng ta. Tuy chưa một lần nhìn thấy Mẹ, nghe tiếng Mẹ, nhưng một điều mà tôi cảm nhận một cách rất sâu xa và rõ ràng là Mẹ luôn luôn ở bên tôi và đồng hành với tôi. Tôi muốn chia sẻ cảm nhận này với những ai đang muốn tìm hiểu và yêu mến Mẹ, với những ai đang phân vân, đang lo lắng, và đang gặp những khó khăn của cuộc đời. Ngay cả những ai tự cho mình là tội lỗi. Tất cả hãy đến với Mẹ. Thánh Bênađô đã nói: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”. Còn Thánh Anphongsô thì quả quết: “Ai thành tâm yêu mến Mẹ thì không sợ hư mất đời đời”. Vì theo thánh Lui Monfort: “Mẹ là đường ngắn nhất, an toàn nhất đưa ta đến cùng Thiên Chúa”. Ôi Maria! con mến Mẹ. Ước gì Mẹ cũng được nhiều người nhận biết và yêu mến.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ