GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚANHẬT29/5/2005

MÌNH MÁU CHÚA

 

1) ĐTC Thực Hiện Chuyến Tông Du đầu tiên đến Bari để Bế Mạc Hội Nghị Thánh Thể Ý Quốc XXIV

2) ĐTC Biển Đức XVI cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Thứ Năm 26/5/2005

3) ĐTC Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Bữa Tiệc Ly với ý nghĩa Lễ Mình Máu Thánh Chúa

4) ĐTC Biển Đức XVI mừng Kỷ Niệm 28 Năm Làm Giám Mục

ĐTC Thực Hiện Chuyến Tông Du đầu tiên đến Bari để Bế Mạc Hội Nghị Thánh Thể Ý Quốc XXIV

ĐTC dự tính sẽ đi thăm vùng phía nam vào Chúa Nhật để cử hành Thánh Lễ vào lúc 10 giờ sáng ở khu vực duyên hải Marisabella để bế mạc hộị nghị Thánh Thể.

Trong bức thư gởi Đức Hồng Y Camillo Ruini, vị đại diện đặc biệt của ngài tại đại hội này, ĐTC viết: "Trong bánh và rượu, được biến đổi trong Thánh Lễ thành mình và máu Chúa Kitô, người Kitô hữu tìm thấy của nuôi dưỡng và sự đỡ nâng để thực hiện con đường nên thánh, ơn gọi phổ quát của tất cả mọi người đã chịu phép rửạ" Bức thư này đã được phổ biến hôm 16 tháng 5.

Đại hội Thánh Thể, một đại hội đã qui tụ nhiều vị đại biểu thuộc tất cả mọi cơ quan trong giáo hội Ý quốc, đã được bắt đầu hôm Thứ Bảy tuần vừa rồi với chủ dề: "Chúng ta không thể sống mà không có ngày Chúa Nhật."

Chủ đề này được lấy từ những lời bày tỏ của 49 vị tử đạo ở Abitene, một thành phố thuộc quản hạt thống trị Phi Châu của người Rôma, ngày nay là nước Tunis, vào năm 303, trong thời bách hại của hoàng đế Diocletian.
 
ĐTC sẽ đi đến Bari bằng trực thăng, rời sân bay Vatican lúc 7:45 sáng Chúa Nhật. Ngài sẽ đám xuống Trung Tâm Nghiệp Đoàn Thể Thao Bari.

ĐTC Biển Đức 16 sẽ đến Marisabella bằng chiếc tông xa của ngài. Thế rồi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ, sau đó ngài sẽ chào hỏi các vị đại diện tiểu ban tổ chức đại hội này, trước khi đi xe đến Vận Động Trường Victoria vào khoảng 12:30 trưa, nơi mà Ngài sẽ tạm biệt Bari. Ngài sẽ trở về Vatican bằng trực thăng tới nơi khoảng 2:30 chiều.

Trần Đại (dịch từ Zenit ngày 27/5/2005)

  

TOP


 

ĐTC Biển Đức XVI cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Thứ Năm 26/5/2005

 

Vào lúc 7 giờ tối ngày Thứ Năm 26/5/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ tế Thánh Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa ở Quảng Trường Đền Thờ Gioan Latêranô và chủ sự Cuộc Rước Thánh Thể từ Đền Thờ của Vị Giám Mục Rôma này sang Đền Thờ Đức Bà Cả gần đó.

 

Trong bài giảng của mình, ĐGH đã xác nhận là trong ngày lễ này “Giáo Hội sống lại mầu nhiệm của Ngày Thứ Năm Phục Sinh theo chiều hướng Phục Sinh. Ngày Thứ Năm Phục Sinh cũng có cuộc Kiệu Thánh Thể riêng được Giáo Hội lập lại việc Chúa Giêsu đi từ Nhà Tiệc Ly đến Núi Cây Dầu…. Chúa Giêsu thực sự đã trao ban Mình Máu của Người. Vượt qua ngưỡng cửa sự chết, Người đã trở nên Bánh hằng sống là manna thật, là dưỡng chất vô tận cho tất cả mọi thời đại. Thịt của Người đã trở nên bánh sự sống.

 

“Trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta lập lại việc kiệu Thánh Thể (Thứ Năm Tuần Thánh), thế nhưng là cuộc kiệu trong niềm vui Phục Sinh. Chúa Kitô đã sống lại và Người đi trước chúng ta… Chúa Giêsu đi trước chúng ta về cùng Chúa Cha. Người đã lên đến tuyệt đỉnh Thiên Chúa và kêu mời chúng ta hãy theo Người…. Mục đích thực sự của việc chúng ta hành trình là được hiệp thông với Thiên Chúa.

 

ĐTC nhận định là trong Bí Tích Thánh Thể “Chúa Kitô luôn tiến đến với thế giới. Khía cạnh phổ quát này của việc hiện diện Thánh Thể được hiện lộ nơi cuộc kiệu Thánh Thể của thánh lễ chúng ta cử hành hôm nay đây. Chúng ta đem Chúa Kitô hiện diện nơi hình bánh đi qua đường xá của thành phố chúng ta ở. Chúng ta xin ký thác cho lòng nhân lành của Người những con đường này, những ngôi nhà ấy, và cuộc sống thường nhật của chúng ta. Chớ gì những con đường của chúng ta đây là những con đường của Chúa Giêsu! Chớ gì những ngôi nhà của chúng ta đây là những căn nhà giành cho Người và ở với Người! Chớ gì cuộc sống thường nhật của chúng ta được thấm đậm sự hiện diện của Người. Bằng cử chỉ này, chúng ta đặt dưới ánh mắt của Người nỗi khổ đau của thành phần bệnh nhân, tâm trạng cô đơn của giới trẻ và giới già, những chước cám dỗ và các nỗi lo âu sợ hãi, và tất cả cuộc đời của chúng ta. Cuộc kiệu Thánh Thể này muốn trở thành một đại ân phúc chung cho thành phố của chúng ta. Chính bản thân Chúa Kitô là ân phúc Thiên Chúa ban cho thế giới vậy – chớ gì những tia sáng phúc ân của Người chiếu tỏa trên tất cả chúng ta”.

 

Về việc Chúa Kitô kêu gọi “hãy cầm lấy mà ăn… hãy nhận lấy mà uống, hỡi tất cả các con”, ĐTC nhấn mạnh là “người ta không thể ‘ăn’ Đấng Phục Sinh hiện diện dưới hình bánh như ăn một miếng bánh bình thường. Việc ăn bánh này là việc hiệp thông, là việc tiến đến chỗ hiệp thông với ngôi vị của Vị Chúa hằng sống. Việc hiệp thông này, tác động ‘ăn’ này là những gì thực sự tiêu biểu cho việc hội ngộ giữa hai con người, nó cho bản thân tôi có thể được thấu nhập bởi sự sống của Đấng là Chúa, Đấng là Hóa Công của tôi và là Vị Cứu Chuộc của tôi. Mục đích của việc hiệp thông này đó là việc đồng hóa sự sống của tôi với sự sống của Người, là việc tôi được biến đổi và nên giống Đấng là Tình Yêu hằng sống. Bởi thế, việc hiệp thông này bao gồm cả việc tôn thờ, bao gồm ý muốn theo Chúa Kitô, theo Đấng đã đi trước chúng ta. Việc tôn thờ và kiệu Thánh Thể như thế làm nên một cử chỉ duy nhất của mối hiệp thông, một đáp ứng đối với lời Người kêu gọi ‘hãy nhận lấy mà ăn’”.

 

ĐTC đã kết thúc bài giảng của mình bằng việc nhấn mạnh đến sự kiện là “việc Kiệu Thánh Thể của chúng ta được chấm dứt trước Đền Thờ Đức Bà Cả, để gặp gỡ Đức Trinh Nữ là Vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu gọi là ‘Người Nữ Thánh Thể’. Maria, Mẹ Thiên Chúa, thực sự dạy chúng ta những gì đưa chúng ta tới việc hiệp thông với Chúa Kitô…. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta cởi mở bản thân chúng ta hơn nữa trước sự hiện diện của Chúa Kitô, để Mẹ có thể giúp chúng ta trung thành theo Người hằng ngày suốt hành trình cuộc sống của chúng ta. Amen”.

 

Sau Thánh Lễ, ĐTC đã chủ sự cuộc Kiệu Thánh Thể theo con đường Via Merulana ở Rôma tới đền thờ Đức Bà Cả. Dọc theo con đường này, hằng ngàn tín hữu nguyện cầu và hát kính Thánh Thể. Thánh Thể được chở bằng chiếc xe kín có ĐTC nguyện cầu trước mặt nhật.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (theo VIS ngày 26/5/2005)


 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Bữa Tiệc Ly với ý nghĩa Lễ Mình Máu Thánh Chúa 

 

Đúng như đã dự đoán trên chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống ngày Thứ Sáu 15/4/2005 về vị tân giáo hoàng, khi mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng vào ngày Thứ Hai 18/4/2005 chưa xẩy ra, đó là vị tân giáo hoàng sẽ là vị giáo hoàng của bữa tiệc ly.

 

Thật vậy, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là Vị Giáo Hoàng của Bữa Tiệc Ly với những lý do sau đây:

 

Thứ nhất, là vì giáo triều của ngài mở màn vào ngay giữa Năm Thánh Thể, như chính ngài đã minh nhiên khẳng định trong sứ điệp gửi hồng y đoàn vào cuối thánh lễ tại nguyện đường Sistine hôm Thứ Tư 20/4, tức sau ngày được bầu làm vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo Hội. Ngài nói:

 

“Giáo triều của tôi, một cách hết sức ý nghĩa, được mở màn vào lúc Giáo Hội đang sống một năm đặc biệt giành cho Thánh Thể. Làm sao tôi lại không thấy được cái trùng hợp được quan phòng này một yếu tố cần phải đánh dấu thừa tác vụ tôi đã được kêu gọi thi hành đây? Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô hữu và là nguồn mạch của sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, chắc chắn bao giờ cũng phải là tâm điểm và là nguồn mạch cho sứ vụ thừa kế Thánh Phêrô đã được trao phó cho tôi”.

 

Thứ hai, là vì ngài chủ trương ưu tiên đệ nhất của giáo triều ngài là vấn đề hiệp nhất Kitô giáo, vấn đề được Chúa Giêsu nguyện ước ở cuối Bữa Tiệc Lý, cũng là vấn đề được chính ngài đã minh định trong cùng một sứ điệp trên đây. Ngài nói:

 

“Bởi vậy, bằng tất cả ý thức và vào lúc mở đầu cho thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tắm máu, vị Thừa Kế này lãnh nhận, như là quyết tâm chính yếu của mình, quyết tâm không ngừng hoạt động hướng đến việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Đó là tham vọng của ngài, đó là nhiệm vụ bó buộc của ngài. Ngài biết rằng, để làm điều này, những bày tỏ về cảm tình thiện cảm mà thôi chưa đủ. Cần phải có những cử chỉ cụ thể để thấm nhập các tâm hồn và đánh động lương tâm, phấn khích mọi người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều căn bản cho tất cả mọi thứ tiến bộ trên con đường đại kết”.

 

Thứ ba, là vì, trong khi Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng “vui mừng và hy vọng” của Giáo Hội trong thế  giới tân tiến thực hiện chuyến tông du đầu tiên ngoài Rôma trong Nước Ý là Đền Thánh Phanxicô ở Assisi ngày 5/11/1978, thì chuyến tông du đầu tiên ngoài thành Rôma trong Ý quốc của vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI của chúng ta đây là chuyến đi Bari để bế mạc Hội Nghị Thánh Thể ở Ý vào Chúa Nhật 29/5/2005, như ngài đã đề cập tới trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi 22/5/2005 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Ngài nói:

 

“Với niềm hy vọng sẽ đích thân đến Bari vào Chúa Nhật tới đây để cử hành Thánh Thể, giờ đây tôi xin liên kết bản thân mình một cách thiêng liêng với biến cố quan trọng này của giáo hội”.

 

Thứ bốn, là vì, trong những ngày đầu tiên của giáo triều mình, ngài đã thúc giục hết mọi người, nhất là giáo sĩ hãy sốt sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.

 

Trước hết, đối với hết mọi người, trong sứ điệp ngỏ cùng hồng y đoàn ngày 20/4/2005, ngài đã kêu gọi:

 

“Bởi thế, trong năm nay, Lễ Trọng Kính Mình Thánh Chúa Kitô cần phải được cử hành một cách hết sức đặc biệt. Thánh Thể sẽ là trọng tâm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne vào Tháng Tám, và của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ vào Tháng Mười, một thượng nghị sẽ bàn đến đề tài ‘Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tuyệt Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội’. Tôi xin hết mọi người hãy gia tăng vào những tháng tới đây lòng yêu mến và việc sùng kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và thể hiện một cách can đảm tỏ tường sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, trước hết, qua những việc cử hành một cách long trọng và đúng đắn”.

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 22/5/2005, ngài cũng đã kêu gọi mọi người rằng:

 

“Chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa bằng việc long trọng tham dự Thánh Thể chí thánh, bí tích Mình Máu Chúa Kitô là hiện thực hiến tế cứu chuộc của Người. Bởi thế, hôm nay, lễ Ba Ngôi Chí Thánh, tôi hân hoan gửi lời chào đến thành phần tham dự viên hội nghị Thánh Thể của Giáo Hội Ý được khai mạc từ hôm qua ở Bari. Ở tâm điểm của năm giành kính Thánh Thể này, dân Kitô giáo qui tụ lại quanh Chúa Kitô hiện diện nơi Bí Tích Cực Thánh là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của mình. Đặc biệt là mỗi giáo xứ được kêu gọi để tái khám phá ra cái vẻ đẹp của Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô lập lại nơi Thánh Thể mối hiệp thông với Đấng ban ý nghĩa cho niềm vui và sự kiệt lực của họ mỗi ngày. ‘Chúng ta không thể sống nếu không có Chúa Nhật’, các Kitô hữu tiên khởi đã tuyên bố như thế, cho dù họ có bị thiệt mạng sống, và đây là những gì ngày nay chúng ta được kêu gọi để lập lại”.

 

Sau nữa, đối với riêng giáo sĩ, ngài đã kêu gọi các vị khi gặp gỡ hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 tại Đền Thờ Latêranô

 

“Tôi đặc biệt xin các vị linh mục thực hiện điều ấy, những vị giờ đây tôi đang hết lòng quí mến nghĩ đến vào lúc này đây. Thừa tác vụ linh mục được phát sinh từ Nhà Tiệc Ly, cùng với Thánh Thể, như vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đến. ‘Đời sống linh mục cần phải đặc biệt có một ‘dạng thức Thánh Thể’, ngài đã viết như thế trong Bức Thư cuối cùng của ngài cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc sốt sắng cử hành hằng ngày Thánh Lễ, tâm điểm của đời sống và sứ vụ của hết mọi vị linh mục, là những gì góp phần vào việc đạt được mục đích ấy”.

 

Thế rồi, trong huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 tại Đền Thờ Latêranô, ngài đã khuyên giục các vị theo gương sống Thánh Thể của Đức Gioan Phaolô II như sau:

 

“Do đó, tôi muốn lập lại cùng quí huynh trong hàng giáo sĩ thân mến những lời không thể quên được của Đức Gioan Phaolô II: ‘Thánh Lễ là tâm điểm trên hết của đời sống tôi và của mỗi ngày tôi sống’ (Address at a Symposium in honor of the 30th anniversary of the Decree "Presbyterorum Ordinis," Oct. 27, 1995, n. 4; L'Osservatore Romano English edition, Nov. 15, 1995, p. 7). Mỗi một người trong chúng ta làm sao để có thể nói những lời ấy như là những lời của mình: Thánh Lễ là tâm điểm trên hết của đời sống tôi và của mỗi ngày tôi sống…

 

“Như thế, vấn đề bỏ giờ ra sống trước nhan Chúa bằng việc nguyện cầu là một ưu tiên mục vụ thực sự; nó không phải là một thứ thêm thắt vào hoạt động mục vụ: ở trước nhan Chúa là một ưu tiên mục vụ và phải nói là một ưu tiên quan trọng nhất. Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy điều này một cách cụ thể và rạng ngời nhất qua tất cả mọi hoàn cảnh sống và thi hành thừa tác vụ của ngài”.

 

Riêng về Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa đầu giáo triều của mình Thứ Năm 26/5/2005 tại Vatican cũng như vào Chúa Nhật 29/5/2005 tại Hội Nghị Thánh Thể Bari, chắc chắn ngài sẽ chia sẻ với chúng ta nhiều cảm nghiệm Thánh Thể của ngài.

 

Trong khi chờ đợi để được nghe thấy cảm nghiệm của vị chủ chiên tối cao này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại một số tư tưởng rất đặc biệt của ngài về Lễ Mình Máu Thánh Chúa đã được ngài chia sẻ qua cuốn “Thiên Chúa gần gũi chúng ta”, một tác phẩm được ngài xuất bản vào năm 2003, cùng năm với Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành vào Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, bấy giờ còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ở chương có nhan đề “Đứng Trước Nhan Chúa, Bước Đi Với Chúa, Quì Trước Nhan Chúa”. Theo ngài, 3 tác động đứng, đi và quì này là tất cả ý nghĩa của Lễ Mình Máu Thánh Chúa được Giáo Hội cử hành hằng năm. Ngài đã viết ở đoạn mở đầu của chương này như sau:

 

“Nếu chúng ta muốn hiểu được ý nghĩa của Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, điều hay nhất cần phải làm đó là chỉ cần nhìn vào hình thức phụng vụ được Giáo Hội cử hành và dẫn giải tầm quan trọng của lễ này. Vượt trên những yếu tố chung đối với tất cả mọi lễ khác của Kitô giáo, có 3 yếu tố đặc biệt làm nên hình dạng chuyên biệt nơi cách thức chúng ta cử hành lễ này.

 

“Trước hết là những gì chúng ta đang làm bây giờ, đó là việc chúng ta đang gặp gỡ nhau chung quanh Chúa, việc chúng ta đứng trước nhan Chúa, đứng ở bên Chúa, nhờ đó, chúng ta cũng cùng đứng bên nhau. Tiếp theo là việc chúng ta bước đi với Chúa, đó là việc rước kiệu Thánh Thể. Và sau hết là tâm điểm và là tột đỉnh của việc bước đi với Chúa ấy đó là việc chúng ta quì trước nhan Chúa. Đứng trước nhan Chúa, bước đi với Chúa, và quí trước nhan Chúa, bởi thế, là ba yếu tố cấu tạo nên ngày lễ này, và giờ đây chúng ta suy nghĩ về chúng một chút.

 

Về yếu tố thứ nhất của Lễ Mình Máu Thánh Chúa là “đứng trước nhan Chúa”, tức là yếu tố hiệp nhất trong Chúa. Ngài đã nói đến diễn tiến lịch sử của việc cử hành Thánh Thể vào thời Giáo Hội còn sơ khai, như ở vùng Địa Trung Hải, nơi qui tụ mọi giai cấp trong xã hội lại với nhau trước bàn thờ Chúa, hay ở chính Rôma, nơi vị Giám Mục Rôma là Đức Giáo Hoàng, đặc biệt trong Mùa Chay, đi từ nhà thờ này đến nhà thờ khác để cử hành Thánh Thể, làm cho Kitô hữu thuộc các nhà thờ khác nhau có thể gặp gỡ nhau. Cuối cùng ngài đã đúc kết như sau:

 

“Chúng ta càng đứng ở bên Chúa và trước nhan Chúa thì chúng ta càng đứng với nhau, và khả năng hiểu biết nhau càng lớn lên, khả năng nhận biết nhau là con người, là anh chị em với nhau, như thế, khi ở với nhau là xây dựng nền tảng và tạo cơ hội cho nhân loại và cho sự sống”.

 

Về yếu tố thứ hai của Lễ Mình Máu Thánh Chúa là “bước đi với Chúa”, ngài trước hết đã liên kết với yếu tố “đứng trước nhan Chúa” rồi sau đó suy diễn như sau:

 

“Việc cùng nhau đứng trước nhan Chúa và với Chúa đây đã đưa tới chỗ thực sự là những gì thuộc về tâm điểm của việc đứng từ đầu này, đó là việc bước đi tới Chúa. Vì chúng ta không tự nhiên có thể đứng bên nhau được. Đó là lý do tại sao việc đứng tại chỗ (station) có thể xẩy ra chỉ khi nào con người ta trước đó đã qui tụ lại và đi đến với nhau từng đoàn lũ (procession). Đây là lời kêu gọi thứ hai của Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta chỉ có thể đứng bên nhau chỉ khi nào, trước hết, theo sự hướng dẫn của Chúa, chúng ta đi đến với nhau. Chúng ta có thể đến với Chúa chỉ bằng việc tiến hành (procedure) này mà thôi, bằng việc vươn mình ra và vươn mình tới ấy, bằng việc vượt lên trên những thành kiến riêng tư của chúng ta, trên những giới hạn của chúng ta và trên những ngãng trở của chúng ta mà thôi, để đi đến với Người, và tiến đến điểm chúng ta có thể gặp gỡ nhau”.

 

Căn cứ vào ý nghĩa thứ hai của Lễ Mình Máu Thánh Chúa là “bước đi với Chúa” để có thể tiến đến với nhau như thế, ngài đã nói đến ý nghĩa của việc Rước Kiệu Thánh Thể như sau:

 

“Việc rước kiệu này, việc rước kiệu mà từ giai đoạn đầu đã là một phần của việc thờ phượng tại chỗ ở Rôma, chắc chắn đã có một chiều kích mới, một ý nghĩa mới, nơi Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Vì việc rước kiệu Thánh Thể không còn chỉ là việc bước đi tới Chúa, tới việc cử hành Thánh Thể nữa; mà là bước đi với Chúa; tự mình nó là yếu tố của việc cử hành Thánh Thể, một chiều kích của biến cố Thánh Thể…

 

“Chỉ bước đi với Chúa chúng ta mới có thể tồn tại với cuộc hành trình lịch sử của chúng ta mà thôi. Như thế, Lễ Mình máu Thánh Chúa Kitô cho thấy ý nghĩa của cả đời sống chúng ta, của toàn thể lịch sử thế giới: đó là việc chúng ta tiến về đất hứa, một cuộc tiến bước có thể tiếp tục theo đúng hướng chỉ khi nào chúng ta bước đi với Người là Đấng đã đến giữa chúng ta như bánh và là Lời Chúa”.

 

Về yếu tố thứ ba của Lễ Mình Máu Thánh Chúa là “quì trước nhan Chúa” có ý nghĩa là “tôn thờ”, ngài đã nói đến tác động rất quan trọng này liên quan tới con người cao ngạo của thời đại văn minh như sau:

 

“Nếu Chúa ban mình cho chúng ta thì việc lãnh nhận Người có nghĩa là cúi mình trước nhan Người, là tôn vinh Người, là thờ lạy Người. Ngay cả ngày nay việc này cũng không phản lại với phẩm giá, tự do và thân phận của con người trong việc họ quì gối xuống, trong việc vâng phục Người, trong việc thờ phượng Người và trong việc tôn vinh Người….

 

“Đấng chúng ta tôn thờ không phải là một quyền lực cách biệt nào đó. Chính Người đã quì xuống trước chúng ta để rửa chân cho chúng ta. Việc ấy đã cống hiến cho việc tôn thờ của chúng ta tính chất của một việc tôn thờ không bị bó buộc, một việc tôn thờ trong hân hoan và niềm hy vọng, vì chúng ta đang cuí mình trước Đấng đã đích thân cúi mình xuống, vì chúng ta cuí mình xuống để được tham dự vào một tình yêu không biến chúng ta thành những kẻ nô lệ mà biến đổi chúng ta”. 

 

Sau bài giáo lý cho buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 25/5/2005, ĐTC Biển Đức XVI đã ngỏ lời mời tất cả mọi người hãy đến tham dự Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa do ngài chủ tế như sau:

 

“Ngày mai là Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi sẽ chủ tế Thánh Lễ vào lúc 7 giờ tối ở quảng trường Đền Thờ Gioan Latêranô. Sau đó là cuộc Kiệu Thánh Thể theo truyền thống đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Tôi thân ái mời tất cả anh chị em hãy tham dự vào cuộc cử hành này để cùng nhau chúng ta làm chứng cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Bài Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống www.tinmungsusong.org 246 ngày 27/5/2005

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI mừng Kỷ Niệm 28 Năm Làm Giám Mục

 

Cha Joseph Ratzinger, thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế được ĐTC Phaolô Đệ Lục bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Munich và Freising vào ngày 24 tháng 3 năm 1977, và đã được tấn phong giám mục bởi Đức Giám Mục Josef Stangl giáo phận Wuerzburg ngày 28 tháng 5 sau đó.

Cha Ratzingher, vị vừa mừng 50 năm sinh nhật, đã trở thành vị linh mục triều đầu tiên trong vòng 80 năm đóng vai trò quản trị mục vụ tổng giáo phận Bavarian rộng lớn.  Đức Phaolô Đệ Lục đã thăng tước hồng y cho ngài chỉ trong vòng một tháng sau đó, vào ngày 27 tháng 6.

Trong cuốn tự truyện của Ngài "Các Dấu Mốc Lịch Sử: Những Hồi Niệm 1927-1977" (Ignatius Press xuất bản năm 1999), Đức Hồng Y Ratzinger đã nhắc lại ngày Ngài được thánh hiến lên hàng giáo phẩm như là "một ngày tuyệt vời đặc biệt”, “một ngày tươi sáng vào đầu mùa hè, ngày vọng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1977".

Ngài viết: "Tôi đã cảm nghiệm được cái thực tại của bí tích này: điều gì đó thực sự xảy ra nơi bí tích ấy. Sau đó, tôi cầu nguyện trước tháp Đức Trinh Nữ Maria – Mariensaule - ngay tại trung tâm của thủ đô Bavarian, và gặp gỡ rất nhiều người đón mừng con người mới tới này, một con người họ không hề quen biết, nhưng đón mừng một cách nồng hậu và hân hoan, không phải vì bản thân của tôi cho bằng bởi những gì cũng được bộc lộ từ bí tích ấy.

 

"Họ đã chào mừng vị Giám Mục này, người mang trong mình mầu nhiệm Đức Kitô, mặc dù có lẽ đa số những người có mặt bấy giờ không nhận ra được điều đó. Nhưng niềm vui mừng ngày hôm đó thực sự là một cái gì đó khác với việc tiếp nhận một con người, một con người vẫn cần phải chứng tỏ khả năng riêng của mình”.

Với tư cách là Tổng Giám Mục Ratzinger, ngài đã chọn những lời từ Bức Thư Thứ 3 của thánh Gioan là "cộng sự viên trong chân lý" làm tâm niệm linh đạo giáo phẩm của ngàị

Vào ngày 25 tháng 11 năm 1981, ĐTC Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ratzinger vào chức vị Tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và làm chủ tịch Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Với những sự bổ nhiệm này, ngài đã từ chức quản nhiệm mục vụ ở Tổng Giáo Phận Munich và Freising vào ngày 15 tháng 2 năm 1982 để sang Roma.

 

Trần Đại (dịch từ Zenit ngày 27/5/2005)

 

 

 TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ