GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 30/5/2005 |
2) Các Nữ Tu Dòng Kín Thánh Clara ở Hòa Lan cầu cho ĐHY Ratzinger được làm Giáo Hoàng
3) Sắc chỉ về việc cần thu thập các Chứng Từ Thánh Đức của ĐTC GPII cần cho hồ sơ tôn phong
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng
Thánh Lễ Bế Mạc Hội Nghị Thánh Thể Ý Quốc XXIV, ở Bari, Chúa Nhật 29/5/2005,
trước 200 ngàn người, về “Bí Tích Hiệp Nhất”
“Hỡi Giêrusalem, hãy tôn vinh Chúa, Hỡi Sion hãy chúc tụng Thiên Chúa của ngươi”
(câu đáp ca). Lời mời gọi này của Thánh Vịnh gia, một lời mời gọi cũng có cả ở
trong bài ca tiếp liên, đã diễn tả rất rõ về ý nghĩa của việc cử hành Thánh Thể
này: Đó là việc chúng ta qui tụ lại để ngợi khen và chúc tụng Chúa. Đó là lý do
tại sao đã khiến cho Giáo Hội Ý quốc hội họp ở Baria đây vào dịp Hội Nghị Thánh
Thể Toàn Quốc này.
Tôi cũng muốn liên kết với tất cả mọi anh chị em hôm nay đây để hết sức đặc biệt
cử hành lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, để tôn kính Chúa Kitô trong bí tích
yêu thương của Người, đồng thời củng cố những mối liên hệ hiệp thông nối kết tôi
với Giáo Hội ở Ý quốc và với các vị mục tử của Giáo Hội này. Vị tiền nhiệm đáng
kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã muốn hiện diện ở biến cố
quan trọng này của Giáo Hội. Chúng ta cảm thấy ngài gần gũi với chúng ta, và
cùng với chúng ta, ngài tôn vinh Chúa Kitô là vị mục tử nhân lành, Đấng mà giờ
đây ngài đang được trực diện chiêm ngưỡng.
Với lòng cảm mến, tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em đang tham dự việc
phụng vụ long trọng này: ĐHY Camillo Ruini cùng các hồng y khác hiện diện nơi
đây, ĐTGM Francesco Cacucci giáo phận Bari-Bitonto, giám mục giáo phận Apulia và
nhiều vị giám mục đến từ khắp Ý quốc; các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân,
nhất là những ai cộng tác vào việc tổ chức hội nghị này. Tôi cũng xin gửi chào
tới những vị thẩm quyền dân sự hiện diện, vì sự hiện diện của các vị đã cho thấy
rằng những hội nghị Thánh Thể là một phần lịch sử và văn hóa của nhân dân Ý quốc.
Hội nghị Thánh Thể này, một hội nghị được bế mạc hôm nay đây, có mục đích cho
thấy một lần nữa rằng Chúa Nhật là “Ngày Phục Sinh hằng tuần”, một lời diễn tả
về căn tính của cộng đồng Kitô giáo và là tâm điểm của đời sống cùng sứ vụ của
cộng đồng này. Đề tài được chọn là “Chúng Ta Không Thể Sống Nếu Không Có Chúa
Nhật” là đề tài đưa chúng ta về lại năm 304, khi mà hoàng đế Diocletian cấm cách
Kitô hữu, với hình phạt tử hình, không cho họ có được những cuốn Thánh Kinh,
không được hội họp vào Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể và không được xây cất các
cơ sở cho các cuộc qui tụ của họ. Ở Abitene, một khu làng nhỏ là nơi ngày nay
gọi là Tunis, có 49 Kitô hữu, gặp nhau trong căn nhà của Octavius Felix, đã bất
ngờ bị bắt vào một ngày Chúa Nhật khi họ đang cử hành Thánh Thể, khinh thường
các cấm lệnh của hoàng đế. Bị giam nhốt, họ được mang đến Carthage cho quan toàn
quyền Anulinus chất vấn.
Đặc biệt nhất là lời của Emeritus đối đáp với vị quan toàn quyền này, sau khi
ông được hỏi tại sao ông đã vi phạm đến lệnh cấm của hoàng đế. Ông nói: “Sine
dominico non possumus”, chúng tôi không thể sống nếu thiếu việc hội họp Chúa
Nhật để cử hành Thánh Thể. Chúng tôi sẽ không có sức mạnh để đương đầu với các
khó khăn hằng ngày mà không bị thua bại. Sau khi bị hành hình tàn bạo, 49 vị tử
đạo ở Abitene đã bị sát hại. Như thế, các vị đã khẳng định đức tin của các vị
bằng việc đổ máu. Các vị đã chết nhưng các vị là thành phần chiến thắng; giờ đây
chúng ta nhớ đến các vị đang ở trong vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh.
Chúng ta, thành phần Kitô hữu của thế kỷ 21 này, cũng phải phản ảnh cảm nghiệm
của những vị tử đạo ở Abitene. Đối với chúng ta thì việc sống như là người Kitô
hữu cũng không phải là điều dễ dàng gì. Theo quan điểm thiêng liêng, thì thế
giới chúng ta đang sống đây, một thế giới thường mang đặc tính hào hứng hưởng
thụ, tính cách lạnh lùng dửng dưng về đạo nghĩa, chủ nghĩa trần thế khép kín
trước siêu việt thể, dường như là một vùng hoang địa cằn cỗi như miền hoang địa
“mênh mông và kinh hoàng” được bài đọc thứ nhất trích từ Sách Nhị Luật cho chúng
ta thấy.
Thiên Chúa đã ra tay cứu giúp dân Do Thái trong cơn khốn khó của họ bằng việc
ban manna cho họ để họ hiểu rằng “người ta không sống nguyên bởi bánh mà còn
sống bởi những gì từ miệng Thiên Chúa phán dạy” (Deut 8:3). Trong bài Phúc Âm
hôm nay, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa cho chúng ta biết thứ bánh nào đã được Thiên
Chúa muốn dọn ra cho dân tân ước như tặng ân manna. Khi nói một cách ám chỉ về
Thánh Thể, Người phán rằng: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải thứ bánh cha
ông của quí vị đã ăn và đã chết; ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời” (Jn 6:58).
Người Con Thiên Chúa này, khi hóa thành nhục thể, đã trở nên bánh, nhờ đó, nên
dưỡng thực của dân Người trong cuộc hành trình tiến về đất hứa thiên cung.
Chúng ta cần thứ bánh này để đương đầu với tình trạng vất vả khó nhọc và kiệt
sức trên đường đi. Chúa Nhật, ngày của Chúa, là một cơ hội thuận lợi để kín múc
lấy sức mạnh từ nơi Người, Đấng là Chúa sự sống. Bởi thế mà luật giữ ngày Chúa
Nhật không chỉ là một nhiệm vụ đơn thuần bị áp đặt từ bên ngoài. Việc tham dự
vào việc cử hành Chúa Nhật và việc được dưỡng nuôi bởi bánh Thánh Thể là nhu cầu
của người Kitô hữu, thành phần nhờ đó có thể tìm thấy nghị lực cần thiết cho
cuộc hành trình cần phải thực hiện. Ngoài ra, cuộc hành trình không phải là
những gì tùy nghi; đường đi nước bước được Thiên Chúa ấn định qua lề luật của
Ngài là những gì được in ấn ngay nơi yếu tính của con người. Việc đi theo con
đường này có nghĩa là con người được nên trọn vẹn, bằng nếu con người lạc mất nó
là họ đánh mất chính bản thân mình vậy.
Chúa Kitô không để chúng ta cô đơn lẻ loi một mình tiến bước trên cuộc hành
trình này. Người ở với chúng ta; chưa hết, Người còn muốn chia sẻ với thân mệnh
của chúng ta bằng việc thu hút lấy chúng ta. Trong cuộc đối thoại được Phục Âm
vừa trình thuật, Người nói rằng: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi
và Tôi ở trong họ” (Jn 6:56). Làm sao chúng ta lại không hân hoan vui mừng về
một lời hứa hẹn như thế chứ? Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe thấy rằng, trước lời
công bố tiên khởi ấy, thay vì vui mừng thì dân chúng lại bắt đầu tranh cãi và
chất vấn rằng: “Làm thế nào mà người này lại có thể ban thịt của mình cho chúng
ta ăn chứ?” (Jn 6:52).
Việc nói lên sự thật, một thái độ đã từng được lập lại nhiều lần trong giòng
lịch sử. Nói cho cùng thì hình như con người ta không muốn Thiên Chúa quá gần
gũi họ, quá thuận lợi, quá hiện hữu nơi các việc làm của họ. Người ta muốn Ngài
phải là Đấng cao cả, nói cách khác, muốn cách xa thì hơn. Thế rồi họ tự đặt
thành vấn đề cho rằng việc gần gũi ấy thực sự là những gì không thể nào thực hữu.
Tuy nhiên, những lời Chúa Kitô công bố đặc biệt trong trường hợp này vẫn hoàn
toàn là những gì sáng tỏ: “Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị biết, nếu quí
vị không ăn thịt Con Người và uống máu Người thì quí vị không có sự sống nơi quí
vị” (Jn 6:53). Trước những lời xì xèo chống đối, Chúa Giêsu có thể đã hạ giọng
rút lời lại mà rằng. “Này quí bạn, Người có thể nói, quí bạn đừng lo! Tôi đã nói
về thịt, nhưng đó chỉ là một biểu hiệu thôi. Những gì tôi muốn nói chỉ là một
cuộc hiệp thông sâu xa về tình cảm đó mà”.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không sử dụng lối ve vuốt mua chuộc như thế. Người vẫn
giữ nguyên những gì Người đã mạnh mẽ khẳng định, ngay cả khi phải đối diện với
việc đào ngũ nơi thành phần tông đồ của Người, và Người đã không thay đổi một tí
nào tính chất cụ thể của bài nói của mình: “Các con cũng sẽ bỏ đi hay chăng?” (Jn
6:67), Người hỏi. Tạ ơn Chúa, Thánh Phêrô đã thưa Người một câu trả lời mà hôm
nay đây chúng ta cần phải lập lại với tất cả ý thức rằng: “Lạy Chúa, chúng con
còn biết theo ai? Chúa có những lời hằng sống” (Jn 6:68).
Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô thực sự hiện diện giữa chúng ta. Việc hiện diện của
Người không phải là một cái gì bất động. Đó là một hiện diện năng động, một hiện
diện làm chúng ta thành của Người, đồng hóa chúng ta với Người. Thánh Âu Quốc
Tinh đã hiểu điều này rất rõ ràng. Được đào luyện theo triết lý Platô, ngài khó
lòng mà chấp nhận được chiều kích “nhập thể” của Kitô giáo. Đặc biệt là ngài tỏ
thái độ bất đồng về quan điểm “bữa tiệc Thánh Thể” là những gì đối với ngài bất
xứng với Thiên Chúa. Nhờ những bữa ăn thông thường tự nhiên mà con người được
mạnh khỏe hơn, khi họ đồng hóa thực phẩm, biến nó thành một yếu tố của thực tại
thể lý riêng mình. Chỉ sau đó Thánh Âu Quốc Tinh mới hiểu được rằng nơi Thánh
Thể đã xẩy ra những gì hoàn toàn khác hẳn, ở chỗ, tâm điểm là Chúa Kitô, Đấng
thu hút chúng ta đến với Người; Người làm cho chúng ta thoát ra khỏi bản thân
của chúng ta để làm cho chúng ta nên một với Người (x Tự Thú, VII, 10, 16). Nhờ
đó, Người mang chúng ta vào cộng đồng huynh đệ.
Đến đây chúng ta đối diện với một chiều kích sâu xa hơn nữa của Thánh Thể là
chiều kích tôi muốn bàn đến trước khi kết thúc bài giảng. Chúa Kitô là Đấng
chúng ta gặp gỡ trong bí tích này cũng chỉ là một ở Bari đây, như ở Rôma, ở Âu
Châu, Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu, Đại Dương Châu. Người là Chúa Kitô duy nhất
hiện diện nơi bánh Thánh Thể ở khắp mọi nơi trên trái đất này. Điều này có nghĩa
là chúng ta chỉ có thể hội ngộ với Người cùng với tất cả những người khác. Chúng
ta chỉ có thể nhận lấy Người trong hiệp nhất mà thôi.
Đó không phải là những gì đã được Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta trong
bài đọc chúng ta vừa nghe hay sao? Khi viết cho Kitô hữu Côrintô, ngài đã khẳng
định rằng: “Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất mà chúng ta tuy nhiều chỉ là một
thân thể duy nhất, vì tất cả chúng ta đều tham dự vào một tấm bánh duy nhất”
(1Cor 10:17). Kết quả rõ ràng là: Chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Kitô
nếu chúng ta không hiệp thông với chính chúng ta. Nếu chúng ta muốn ra trước
nhan Người, chúng ta cần phải tiến đến chỗ gặp gỡ nhau. Để làm được điều này cần
phải biết hết sức thứ tha. Chúng ta không được để cho những con ấu trùng sát hại
của tâm trạng bất mãn cầm buộc tinh thần của chúng ta, nhưng hãy mở lòng mình ra
một cách rộng lượng, để lắng nghe người khác, để cảm thông, để có thể chấp nhận
những lời xin lỗi của nhau, để quảng đại ban phát những gì của chúng ta.
Chúng ta hãy lập lại Thánh Thể là bí tích của hiệp nhất. Thế nhưng, tiếc thay,
Kitô hữu lại chia rẽ nhau chính vì bí tích hiệp nhất này. Bởi thế, đó lại càng
là lý do, được Thánh Thể nâng đỡ, chúng ta cần phải cảm thấy được phấn khích hết
sức hường đến mối hiệp nhất trọn vẹn như Chúa Kitô thiết tha mong muốn ở nhà
tiệc ly. Chính ở Baria này đây, thành phố đang giữ những xương cốt của Thánh
Nicholas, mảnh đất của gặp gỡ và đối thoại với những người anh em Kitô hữu Đông
phương mà tôi xin khẳng định ý muốn của tôi trong vấn đề thực hiện hết sức mình,
như là một cuộc dấn thân chính yếu, trong việc tái thiết mối hiệp nhất tất cả
mọi thành phần môn đệ Chúa Kitô một cách trọn vẹn và hữu hình.
Tôi biết rằng, để làm như thế, những việc bày tỏ thiện cảm vẫn chưa đủ. Cần phải
có những cử chỉ cụ thể là những gì thẩm thấu tâm linh và khuấy động lương tri,
mời gọi từng người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều kiện tiên quyết cho tất
cả mọi sự tiến bộ trên con đường đại kết (cf. Benedict XVI's Address to
Representatives of Christian Churches and Communities and of Other Non-Christian
Religions, April 25, 2005). Tôi xin tất cả anh chị em hãy cương quyết thực hiện
con đường đại kết thiêng liêng này, con đường bằng việc nguyện cầu mở cửa cho
Thánh Linh là Đấng duy nhất có thể kiến tạo hiệp nhất mà thôi.
Quí bạn thân mến, những người đã đến Bari từ các phần đất khác nhau ở Ý quốc để
cử hành hội nghị Thánh Thể này: Chúng ta cần phải tái nhận thức được niềm vui
của Ngày Chúa Nhật Kitô giáo. Chúng ta cần phải hãnh diện tái nhận thức được đặc
ân có thể tham phần Thánh Thể là bí tích của một thế giới được canh tân. Việc
phục sinh của Chúa Kitô được xẩy ra vài ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà đối
với người Do Thái là ngày tạo dựng nên thế giới. Chính vì lý do ấy mà Chúa Nhật
được cộng đồng Kitô hữu thời sơ khai coi như là ngày mở màn cho một tân thế giới,
ngày mà Chúa Kitô chiến thắng sự chết mở màn cho một tân thế giới. Cùng nhau tập
trung quanh bàn ti65c Thánh Thể, cộng đồng này đang hình thành một tân dân Chúa.
Thánh Ignatiô Antiôkia đã gọi thành phần Kitô hữu là “những người đã chiếm được
niềm hy vọng mới”, và ngài coi họ như những con người “sống theo Chúa Nhật” (“iuxta
dominicam viventes”). Từ quan điểm này, vị giám mục Antiôkia đã ngẫm nghĩ rằng:
“Chúng ta làm thế nào có thể sống nếu thiếu Đấng được các vị tiên tri mong đợi
được chứ?” ("Epistula ad Magnesios," 9, 1-2).
“Làm sao chúng ta có thể sống mà không có Người?” Chúng ta nghe thấy âm vang từ
lời khẳng định của các vị tử đạo ở Abitene, nơi những lời này của Thánh Ignatiô:
“Sine dominico non possumus”. Từ lời âm vang này chúng ta hãy dâng lên lời
nguyện cầu: chớ gì Kitô hữu ngày nay tái ý thức được tầm quan trọng quyết liệt
của việc cử hành Chúa Nhật, nhờ đó chúng ta có thể rút ra được từ việc tham dự
Thánh Thể này động lực cần thiết cho việc dấn thân mới để loan báo Chúa Kitô là
“hòa bình của chúng ta” cho thế giới (Eph 2:14). Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo bản dịch của Zenit ngày 29/5/2005
Các Nữ Tu Dòng Kín Thánh Clara
ở Hòa Lan cầu cho ĐHY Ratzinger được làm Giáo Hoàng
Một tờ nội san số tháng 4/2005 của các nữ tu kín Dòng Thánh Clara ở Eindhoven
Hòa Lan đã viết như sau:
“Đêm vọng ở Quảng Trường Thánh Phêrô được chấm dứt vào lúc 8 giờ 37 phút ngày
2/4/2005 đã được tiếp tục cho tới khuya ở nơi đây, nơi chẳng có truyền thanh hay
truyền hình gì cả để có thể nói cho chúng tôi biết về vị cha của chúng ta đã
thực sự bước qua ngưỡng cửa hy vọng”.
Những vị nữ tu kín này, thành phần chỉ biết tin tức bên ngoài nhờ mạng điện toán
Zenit và bạn bè, chỉ biết được tin ĐTC GPII qua đời nhờ chuông đổ ở nhà thờ gần
đó.
Khi đến tiếng chuông nhà thờ này đổ vào giữa đêm hôm như thế đến hồi thứ 15, các
nữ tu cho rằng: “chỉ có một lý do duy nhất khiến chuông đổ vào nửa đêm như vậy”.
Và trong khi cả thế giới đang xem lễ an táng của Đức Gioan Phaolô II thì các nữ
tu này giành cả ngày cầu nguyện thiết tha cho ngài.
“Việc làm này ít là đã làm cho một nam nhân lấy làm bàng hoàng”. Số là có một
phóng viên của tờ nhật báo địa phương Eindhoven muốn chụp một tấm ảnh về việc
các nữ tu này đang xem lễ an táng của ĐTC GPII, các nữ tu cho ông ta biết rằng
các sơ không có truyền hình. “Bấy giờ ông ta bật ngửa người ra: Các sơ không có
lấy được một cái truyền hình à? Không có truyền hình hay sao? Không có truyền
hình hả? Không có thực à?”
Các nữ tu này nói rằng các sơ cầu nguyện thiết tha cho ĐHY Ratzinger được làm
giáo hoàng, và các sơ muốn biết ngay vị nào là tân giáo hoàng. Các sơ đã liên
lạc với hai người bạn trong cộng đồng được trao cho số điện thoại riêng của mẹ
bề trên, và họ phải gọi các sơ khi thấy khói trắng bay lên từ ống khói của
nguyện đường Sistine.
Điện thoại đã reo vào chiều ngày 19/4 và báo tin rằng khói đen lại bốc lên,
nhưng mẹ bề trên không tin lời trình báo này vì nó cho rằng quá sớm để kết thúc
việc bầu phiếu.
Các sơ đã vào tìm trong mạng điện toán toàn cầu, và mẹ bề trên liền gọi các sơ
đến ngay văn phòng của mẹ.
Theo dõi các biến cố trên màn ảnh nhỏ của máy điện toán trên bàn của mẹ bề trên,
các sơ, tất cả chen chúc trong một văn phòng nhỏ, bật lên cảm xúc khi nghe thấy
tên “Ratzinger”: “Chúng tôi đã hô lên, nhẩy lên, chúng tôi đã ôm lấy nhau…”
Sắc chỉ về việc cần thu thập
các Chứng Từ Thánh Đức của ĐTC GPII cần cho hồ sơ tôn phong
Sau khi được ĐTC Biển Đức XVI, vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005, châm chước thời hạn 5
năm theo giáo luật cho việc bắt đầu tiến trình tôn phong của ĐTC GPII, vị tổng
đại diện Giáo Phận Rôma là ĐHY Camillo Ruini đã phổ biến trên trang chính của tờ
L’Osservatore Romano hôm Chúa Nhật 29/4/2005 sắc chỉ về việc cần thu thập các
chứng từ thánh đức của vị cố giáo hoàng cần thiết cho tiến trình mở hồ sơ tôn
phong ngài, kể cả nhật ký hay thư tư của ngài. Sắc chỉ này sẽ được niêm yết trên
các cửa của Tòa Tổng Đại Diện Rôma cũng như tại tòa TGM Krakow Balan.
Sau khi loan báo về việc chính thức mở hồ sơ
phong chân phước và phong hiển thánh, bản sắc chỉ này kêu gọi “tất cả mọi tín
hữu hãy trực tiếp liên lạc với chúng tôi hay gửi cho Hội Đồng Thẩm Phán Giáo
Phận của Tòa Đại Diện Rôma (Piazza San Giovanni in Laterano, 6 -- 00184, Rome)
tất cả mọi chi tiết thuận lợi hay bất thuận lợi” về “tiếng tăm thánh đức của Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”.
“Theo những điều kiện về pháp lý, vì tất cả mọi bút tích thuộc về ngài đều phải
được thu thập, mà qua sắc chỉ đây, chúng tôi truyền tất cả những ai đang giữ
những bút tích ấy hãy thận trọng gửi đến cho hội đồng thẩm phán này bất cứ bất
cứ bút tích nào do người tôi tớ Thiên Chúa đây viết, trừ khi bút tích ấy đã được
nộp cho văn phòng cáo thỉnh vụ.
“Chúng tôi xin nhắc nhở tín hữu là về vấn đề bút tích của ngài, chúng tôi không
chỉ có ý nói đến những tác phẩm được in ấn là những gì đã được thu thập, mà còn
là những bản thảo, những thứ hồi ký, những thư tín và bất cứ bút tích tư riêng
nào của người tôi tớ Chúa đây. Những ai muốn giữ bản chính cũng có thể gửi một
sao bản được thị thực đàng hoàng”.