GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 3/5/2005 |
1) ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Nữ Vương Thiên Thần Chúa Nhật 1/5/2005 và nhân dân Togo
2) Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ngăn Ngừa Tội Ác và Xử Lý Tội Ác
3) Khoa Giáo Hội Học Hiệp Thông: Thao Thức Thần Học của HY Thần Học Gia Joseph Ratzinger
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Nữ Vương Thiên Thần Chúa Nhật 1/5/2005 và nhân dân Togo
Kể từ ngày được bầu làm giáo hoàng 19/4/2005 và kể cả vào ngày Đăng Quang 24/4/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn ở tạm tại Trú Viện Thánh Matta Gia là nơi ngài ở trong giai đoạn mật nghị hồng y bầu giáo hoàng, cho mãi đến Thứ Bảy 30/4/2005 ngài mới chính thức dọn về tông phòng của ngài để xuất hiện tại cửa sổ mỗi trưa Chúa Nhật cho huấn từ Truyền Tin quanh năm hay Nữ Vương Thiên Đàng (trong Mùa Phục Sinh) như Chúa Nhật VI Phục Sinh 1/5/2005.
Trong huấn từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng này, ngài đã đề cập đến 4 vấn đề, Lệ Nguyện Kinh Thánh Mẫu mỗi trức Chúa Nhật của Đức Gioan Phaolô II, Lễ Phục Sinh của Giáo Hội Chính Thống, Ngày Lễ Lao Động, và Tháng Hoa Đức Mẹ.
Về Lệ Nguyện Kinh Thánh Mẫu mỗi trưa Chúa Nhật của Đức Gioan Phaolô II, ngài nói: “Tôi ngỏ cùng anh chị em lần đầu tiên từ cửa sổ này, từ nơi mà hình ảnh của vị tiền nhiệm của tôi đã trở thành quen thuộc với muôn vàn người khắp thế giới. Vào mỗi Chúa Nhật hằng tuần, Đức Gioan Phaolô II, trung thành với cuộc hẹn hò đã trở thành một thói lệ dễ thương, trên một phần tư thế kỷ đã sát cánh với lịch sử của Giáo Hội và của thế giới, nên chúng ta vẫn tiếp tục cảm thấy ngài gần gũi chúng ta hơn bao giờ hết”.
Về Lễ Phục Sinh của Giáo Hội Chính Thống, “với lòng đặc biệt quí mến gửi lời chào đến các Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương hôm nay cử hành Lễ Chúa Kitô Phục Sinh. Tôi xin gửi đến những người anh chị em thân yêu này của chúng ta lời loan báo hân hoan quen thuộc là ‘Christos anesti! Chúa Kitô đã phục sinh!’”. Ngài hy vọng rằng Lễ Phục Sinh đối với các giáo hội này trở thành “một cuộc hợp nguyện tin tưởng và chúc tụng dâng lên Đấng là Chúa chung của chúng ta, và là Đấng kêu gọi chúng ta hãy quyết tâm tiến bước trên con đường trọn vẹn hiệp thông”.
Về Ngày Lễ Lao Động, ngài nói: “Hôm nay chúng ta bắt đầu thánh Năm bằng một lễ nhớ Phụng Vụ rất quen thuộc với Kitô hữu, Lễ Thánh Giuse Thợ. Anh chị em biết rằng tên của tôi cũng là Giuse!” Dân chúng vỗ tay khi nghe thấy ngài nói như vậy. Nhận định rằng lễ Thánh Giuse Thợ được Đức Piô XII thiết lập cách đây 50 năm, ĐTC Biển Đức XVI nói đến ý nghĩa và lý do Đức Piô XII thiết lập lễ này là “để đề cao tầm quan trọng của việc làm cùng với sự hiện diện của Chúa Kitô và của Giáo Hội nơi thế giới hoạt động”. Ngài hy vọng rằng hết mọi người, nhất là giới trẻ, sẽ làm việc “và những tình trạng làm việc xứng hợp hơn bao giờ hết phẩm vị của con người”. Ngài ngỏ mấy lời riêng với một số nhóm đặc biệt hiện diện ở Quảng Trường Phêrô bấy giờ, trong đó có ACLI là nhóm Hiệp Hội Lao Nhân Ý Quốc Kitô Hữu là nhóm tổ chức mừng 60 năm thành lập.
Về Tháng Hoa Đức Mẹ, ngài lại nhắc đến vị tiền nhiệm của mình như sau: “Bằng lời nói, nhất là bằng gương sáng, Đức Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta hãy chiêm ngưỡng Chúa Kitô bằng ánh mắt của Mẹ Maria”.
Sau Kinh Nữ Vương, ngài còn tâm sự trong những ngày gần đây ngài luôn nghĩ đến “tất cả những ai đang phải chịu khổ đau vì chiến tranh, bệnh hoạn và nghèo khổ. Đặc biệt, hôm nay đây tôi cảm thấy gần gũi với nhân dân Togo đang bị khủng hoảng bởi những cuộc nội chiến đau thương. Tôi nguyện cầu ơn thuận hòa cho tất cả mọi dân nước ấy.
Hôm Thứ Hai 2/5/2005, kỷ niệm giỗ 30 ngày qua đời của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ĐTC Biển Đức đã dâng Thánh Lễ cầu cho ngài vào lúc 7 giờ 30 sáng và cũng đã xuống hầm mộ Vatican để tưởng viếng ngài vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.
Nhân dân Togo đã ngỏ lời cám ơn ĐTC đã chia
sẻ nỗi khổ đau với họ trong huấn từ Nữ Vương Thiên Đình hôm qua. Thật vậy, nước
này ở về phía Tây lục địa Phi Châu, một nước có 27% Công Giáo trong số 5.6 triệu
dân, sau cuộc tuyển cử ngày 24/4, một cuộc tuyển cử đã bị nhóm chống đối cho là
bất hợp lệ với số phiếu thắng về cho ông Faure Nasingbe 60%. Những cuộc xuống
đường đã bùng nổ vào hôm 26/4, khiến 100 người chết, như bên chống đối cho biết.
ĐTGM Nguyễn Văn Tốt, vị khâm sứ Tòa Thánh ở xứ sở này đã nói trên Đài Phát Thanh
Vatican rằng có 3 đài truyền hình Togo đã chiếu lại lời huấn từ chia sẻ của ĐTC:
“Dân chúng đã hết sức biết ơn đón nhận sứ điệp này. Đó là dấu hiệu Giáo Hội tỏ
ra giúp đỡ thánh phần dân chúng khổ đau”.
Vị khâm sứ này cho biết “tình hình lắng đọng hơn. Các quốc gia lân bang đang cố
gắng giúp cho cả đôi bên trong cuộc tranh đấu để hiệp nhất trong việc thành lập
một chính quyền thống nhất quốc gia. Nếu thực hiện được giải quyết này thì tôi
nghĩ rằng dân chúng sẽ được dễ thở hơn”.
Vị khâm sứ còn cho biết trong những ngày này có 8 ngàn người Togo đã đi lánh nạn
bạo động ở nước láng giềng Benin: “Ngày mai tôi sẽ cùng với vị thư ký của tòa
khâm sứ và những người khác đến viếng thăm những người tị nạn này. Nói chung, họ
đầu tiên đến một giáo xứ ở vùng biên giới, một giáo xứ Công Giáo, nơi họ được
chăm sóc đàng hoàng, sau khi đợi chờ một thời gian họ được chuyển tới một trại
tị nạn cách đó 50 cây số”.
Vị khâm sứ kết luận rằng: “Tổ chức Caritas quốc gia Benin đã động viên với sự hỗ
trợ của hội Caritas Hiệp Chủng Quốc. Qua tòa khâm sứ, chúng tôi cũng nhận được
viện trợ từ cả tín hữu nữa. Ngày mai chúng tôi sẽ mang những đóng góp bằng tiền
mặt cùng những đồ cung cấp đến để an ủi họ phần nào, nhất là để tỏ tình đoàn kết
của chúng tôi đối với họ”.
Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ngăn Ngừa Tội Ác và Xử Lý Tội Ác
Hôm 25/4/2005, ĐTGM Salvatore Pennacchio, vị khâm sứ tòa thánh ở Thái Lan đã đại diện tòa thánh bày tỏ nhận định và lập trường của Giáo Hội Công Giáo trong Hội Nghị XI của LHQ về vấn đề Ngăn Ngừa Tội Ác và Xử Lý Tội Ác, một bài diễn văn được VIS, và qua Zenit, phổ biến hôm 28/4/2005 nguyên văn như sau:
Thưa Ông Chủ Tịch,
Tôi xin có lời chúc mừng ông về vai trò chủ tọa khóa họp này cũng như muốn bày tỏ cùng chính phủ Thái Lan về lòng tri ân của tôi đối với việc chính phủ này điều hành Hội Nghị XI này của LHQ về vấn đề Ngăn Ngừa Tội Ác và Xử Lý Tội Ác. Ngoài ra, với tư cách lãnh đão phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh, xin cho tôi được gửi lời tri ân sâu xa đến vị tổng thư ký cùng tham dự viên hội nghị đã ưu ái giành một phút thinh lặng để kính nhớ đến cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào lúc khai mạc hội nghị này.
Thưa Ông Chủ Tịch,
Phái đoàn đại biểu Tòa Thánh chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Liên Hiệp Quốc trong việc tổ chức hội nghị này về vấn đề khẩn trương nhất liên quan tới việc ngăn ngừa tội ác và xử lý tội ác. Tội ác không phải chỉ là mối đe dọa cho hòa bình và trật tự, còn cho cả nhân phẩm con người nữa. Thật vậy, khi xẩy ra một tội ác thì nhân phẩm của cả nạn nhân lẫn phạm nhân đều bị ảnh hưởng và vi phạm. Vì những điều kiện thuận lợi tối tân tiến của vấn đề truyền thông mà việc ngăn ngừa tội phạm không còn là vấn đề được giải quyết có tính cách địa phương nữa; trái lại, nó được bàn luận đến ở những cuộc diễn đàn quốc tế, và đại biểu tôi đây xin có lời ca ngợi văn phòng thư ký về những nỗ lực của mình theo chiều hướng này cũng như về phẩm chất của văn kiện được soạn dọn cho hội nghị này, nhất là bản Hướng Dẫn Bàn Luận cùng với đường lối đa khía cạnh của nó.
Thưa Ông Chủ Tịch,
Tòa Thánh xin nói lên một số vấn đề được chất chứa trong Bản Tuyên Ngôn Vienna, nhất là qua Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh. Ngoài ra, có những cơ quan khác của Giáo Hội Công Giáo, như Ủy Ban Công Giáo về Việc Chăm Sóc Mục Vụ cho Các Trung Tâm Cải Huấn, cũng là những cơ quan hết sức dấn thân phục vụ trong lãnh vực này. Trong bối cảnh đó, tôi muốn trình bày một số vấn đề được Tòa Thánh đặc biệt quan tâm và là những gì liên quan tới vấn đề ngăn ngừa tội ác và xử lý tội ác.
1. Trước hết là vấn đề buôn chuyển con người. Cái tai họa này thường chịu trách nhiệm về việc cướp mất niềm hy vọng hướng đến một tương lai xứng đáng của thành phần dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nữ giới và trẻ em. Tội ác này một phần có liên quan tới vấn đề tình trạng suy giảm cơ hội được di dân bình thường là những gì đi song song với tính cách khẩn trương của một thị trường dịch vụ di dân ngoại lệ. Để đương đầu với hiện tượng càng ngày càng phát triển này, các hệ thống công lý tội ác của quốc gia và quốc tế rất cần phải tìm ra chẳng những thành phần phạm tội ác mà còn cả thành phần nạn nhân của việc buôn chuyển này nữa.
2. Điểm thứ hai, một điểm đã từng là mối quan tâm nghiêm trọng của Tòa Thánh, mối quan tâm trong lãnh vực sử lý tội ác và ngăn ngừa tội ác, đó là việc bán và chiếm hữu những thứ vũ khí. Vấn đề này có liên hệ chặt chẽ tới việc xây dựng hòa bình và là một yếu tố chính cho tình trạng phát triển thực sự khả đạt về kinh tế và xã hội. Hiển nhiên là có một mối liên hệ giữa tội ác với việc buôn chuyển vũ khí là những gì châm mồi cho nạn khủng bố ở cả lãnh vực quốc gia lẫn quốc tế. Tình trạng giảm thiểu nơi vấn đề thuận lợi của các thứ vũ khí sẽ làm cho dễ dàng hóa việc thiết lập hòa bình và an ninh. Nó cũng góp phần vào vấn đề chuyển tiền bạc cho việc buôn chuyển vũ khí vào các chương trình phát triển.
3. Điểm thứ ba cần phải quan tâm liên quan tới vấn đề băng hoại. Tình trạng băng hoại là những gì tấn công những giá trị căn bản của xã hội, tấn công qui luật và công lý. Nó làm suy yếu những mục tiêu của các quốc gia yêu chuộng dân chủ và hòa bình. Nơi lãnh vực công cộng, tình trạng băng hoại là những gì thách đố việc quản trị giỏi. Nó cần phải được quan niệm theo một chiều kích quản trị bao rộng hơn, bao gồm cả thành phần công dân trong việc kiềm chế tình trạng băng hoại. Bởi thế, cần phải cộng tác với những phần vụ chính yếu của lãnh vực chính trị và pháp luật, với xã hội dân sự và truyền thông, trong việc chiến đấu chống nạn băng hoại.
Trong thế giới thương vụ, tình trạng băng hoại là những gì làm méo mó tính cách tranh thủ và thị trường, trong khi đó lại gia tăng đau khổ cho người nghèo. Nơi nào được dịp lan truyền, tình trạng băng hoại gây ra một mối đe dọa trầm trọng cho tính cách bền vững và an toàn của những cơ cấu nội tại, để rồi dần dần, làm suy yếu nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng là một hiện tượng quốc tế nữa, và thường phản ảnh cho thấy một thứ môi trường xã hội bất ổn làm ngăn trở cho việc phát triển khả thủ.
4. Các thứ tội ác, trong những trường hợp hậu xung khắc, là những điều thứ tư cần phải quan tâm. Những thứ tội ác này có một quyền lực rất ư là tai hại cho đến khi phục hồi hệ thống pháp luật, cho đến khi có những vị quan tòa có khả năng và nhân viên cảnh sát sẵn sàng, cho đến khi các hệ thống tòa án và nhà tù hoạt động cách trọn vẹn và những nhu cầu căn bản của dân chúng được đáp ứng. Các thứ tội ác ở những trường hợp hậu xung khắc làm lung lạc và biến đổi niềm hy vọng và tin tưởng của dân chúng thành ngờ vực, thất vọng và ảo vọng. Một hiện tượng đang lo ngại, đôi khi được thấy nơi những xã hội hậu xung khắc, đó là cơn lốc xuống dốc. Thay vì ổn định và củng cố kinh tế thì nó lại dung dưỡng tình trạng băng hoại hơn nữa và có những liên hệ chặt chẽ giữa tổ chức tội ác và chính trị. Lòng tin tưởng của quần chúng nơi các cơ cấu tổ chức, nơi các đảng phái chính trị và thậm chí nơi các vị lãnh đạo bị yếu kém đi một cách mau chóng. Tình trạng phát triển tội ác gây ra vấn đề khủng hoảng về công ăn việc làm, làm yếu kém đi hệ thống an ninh của xã hội vốn đã bấp bênh, cùng với những cơ cấu về sức khỏe và giáo dục. Tình trạng này đưa đến vấn đề gia tăng nghèo khổ và làm suy yếu vấn đề xây dựng nền dân chủ hóa về cơ cấu.
5. Một khía cạnh khác được chúng tôi quan tâm liên quan đến vấn đề ngăn ngừa tội ác và xử lý tội ác đó là việc hiệu nghiệm áp dụng các qui tắc được LHQ ấn định liên quan tới vấn đề đối xử một cách chính đáng với thành phần tù nhân và vị thành niên. Về vấn đề này, cũng cần phải lưu ý đến những dự thảo đã được tung ra một số lần về việc soạn thảo tỉ mỉ một Bản Hiến Chương về Các Thứ Quyền Lợi Căn Bản của Thành Phần Tù Nhân. Trong văn kiện này, cần phải chú trọng đặc biệt tới vấn đề đối xử với thành phần tù nhân, vấn đề đối xứ với tù nhân cần phải đặc biệt chú trọng, ở chỗ hoàn toàn tôn trọng phẩm giá con người cũng như việc tái hội nhập vào xã hội.
Tòa Thánh tha thiết hy vọng rằng Hội Nghị Băng Cốc sẽ giúp giải quyết những thách đố được đề cập đến trên đây, giúp nâng cao nhận thức và phát động những chính sách cùng những việc làm tốt nhất trong việc ngăn ngừa tội ác, trong khi tăng bổ việc cải tiến vấn đề xử lý tội ác, làm cho nó càng ngày càng trở nên hữu hiệu hơn trong việc bảo toàn trật tự và tình trạng bền vững ở cả lãnh vực quốc gia lẫn quốc tế.
Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.
Khoa Giáo Hội Học Hiệp Thông: Thao Thức Thần Học của HY Thần Học Gia Joseph Ratzinger
Theo người dịch bài phỏng vấn này thì nếu Đức Gioan Phaolô II là một triết gia về nhân bản Kitô giáo, với một học thuyết “thần học về thân thể”, thì Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một thần học gia về khoa giáo hội học hiệp thông. Phải chăng, chính vì thế, vì khả năng riêng của mình, một khả năng như mầm mống ơn gọi nơi bản thân mình, mỗi vị đã được Thiên Chúa kêu gọi đến để thực hiện sứ vụ hợp với khả năng của từng vị: Nếu Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng “vui mừng và hy vọng” của “Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại, thì Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI là vị giáo hoàng của một Hiệp Nhất Kitô Giáo và cho một Tân Âu Châu.
Thật vậy, ông David Schindler, chủ nhiệm tạp chí thần học Hiệp Thông và là khoa trưởng hàn lâm Viện Gioan Phaolô II, đã nhận định về vị hồng y nay làm Giáo Hoàng Biển Đích XVI. Ông này đã chia sẻ với mạng điện toán toàn cầu Zenit (được phổ biến hôm Chúa Nhật 1/5/2005) trong một cuộc phỏng vấn về khoa giáo hội vốn là tâm điểm của những thao thức thần học nơi vị thần học gia kiêm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin này từ khi còn là một linh mục trẻ ở Công Đồng Chung Vaticanô II, một cuộc phỏng vấn đã được Zenit phổ biến ngày 1/5/2005.
Vấn: Mối liên hệ của ĐHY Ratzinger với tập san Hiệp Thông này ra sao? Ông đã có cảm nghiệm như thế nào khi hoạt động với ngài về tờ tập san này?
Đáp: Hiệp Thông là tờ tam cá nguyệt san Điểm Báo Thần Học Quốc Tế được thành lập từ năm 1972 bởi các thần học gia Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và Joseph Ratzinger. Từ khi thực hiện ấn bản bằng Đức ngữ, có thêm 13 ấn bản khác nữa, trong đó có cả ấn bản Balan do Hồng Y Karol Wojtyla thực hiện.
Ngài Ratzinger vẫn là một tay tổ chức chủ động của tờ tập san này, viết và duyệt bài vở cho tới khi ngài được bổ nhiệm làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin 1981. Mặc dù vào lúc ấy, trách nhiệm của ngài cho không phép ngài chính thức tham gia vào tờ Hiệp Thông nữa, ngài vẫn thiết tha quan tâm tới hoạt động của tờ tập san này.
Vào năm 1992, ngài đã đọc bài diễn văn chính nhân dịp kỷ niệm 20 năm tờ Hiệp Thông ở Rôma. Bài diễn văn này đã được phổ biến trong ấn bản Hoa Kỳ của tập san và nhiều bài của vị hồng y này tiếp tục được phổ biến trên Hiệp Thông.
Đầu tiên tôi được nhà thần học Balthasar giới thiệu với ĐHY Ratzinger ở Rôma vào Tháng 9/1985 trong dịp mừng kỷ niệm 80 tuổi của nhà thần học này do ĐHY Ratzinger tổ chức. Từ đó và trong những cuộc gặp gỡ với vị hồng y này vào những năm sau đó, tôi đã thấy ngài là một con người thật khiêm nhượng và hết sức thông minh, những tặng ân được ngài hết lòng đem ra phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội.
Như hết mọi người biết ngài đều cảm thấy ngài có một thái độ nhún nhường và hiền lành, và người ta cảm thấy ngỡ ngàng trước tính cách đơn thành trẻ thơ nơi ngài, về việc hết sức chăm chú nơi vấn đề đang được quan tâm. Ngài là một người hoàn toàn không màng gì tới những lớp vỏ quyền lực, thật vậy, chính nhờ khiêm nhượng mà ngài mới có được một đức can trường như thế để bênh vực sự thật.
Những chủ trương của ngài, mặc dù rõ ràng và sắc bén, cũng không phải là những gì được thực hiện vì ngài cho bằng bao giờ cũng để phục vụ cho một cái gì đó lớn lao hơn cả bản thân ngài, đó là cái nguyên vẹn của những gì ngài muốn bảo toàn.
Vấn: Ý tưởng về “Hiệp thông” hiển nhiên là ý tưởng chính yếu cho
tờ tập san của ông. Thế nhưng, ý nghĩa về thần học của từ ngữ này nghĩa là gì?
Và theo nhãn quan của Giáo Hoàng Biển Đức XVI thì nó mang ý nghĩa ra sao?
Đáp: Chữ “hiệp thông”, theo ý nghĩa căn bản của mình, tìm cách tái ý thức bản chất của Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông con người. Mối hiệp thông yêu thương này bao gồm cơ cấu giáo phẩm Thánh Phêrô là cơ cấu bảo toàn cho tính cách khách quan của Giáo Hội.
Đã có nhiều cuộc bàn luận theo sau Công Đồng Chung Vaticanô II về ý niệm “Dân Chúa” như là ý nghĩa nổi nhất về Giáo Hội.
“Hiệp thông” không nghịch với ý niệm này khi nó biến đổi ý niệm ấy, bằng cách nhấn mạnh đến việc khởi xướng của Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập và gìn giữ việc hiệp nhất của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô với việc hợp tác của Đức Maria Mẹ Người, vị đã thưa tiếng ‘xin vâng’ để làm cho bản thân Mẹ trở thành ngôi nhà đầu tiên của Thiên Chúa trên thế gian – bởi thế Mẹ là ‘hình ảnh’ căn bản của Giáo Hội.
Ý niệm về Giáo Hội như ‘mối hiệp thông’ (communio), như thế, tương phản với ý niệm về Giáo Hội như là ‘cộng đồng’ (congregatio). Vì ‘communio’ nhấn mạnh đến bản chất của Giáo Hội như là tặng ân Chúa ban, những gì được thiết định “từ thượng giới”, trong khi đó ‘congregatio’ nói đến một cộng đồng xuất thân ‘từ hạ giới’ theo quyết định của con người muốn có một cộng đồng theo cách thức của một cơ cấu dân chủ.
Nhận thức qui thần này về Giáo Hội như là bí tích của tình yêu Chúa Kitô đã từng là đặc tính được ấp ủ nơi đời sống của Hồng Y Ratzinger. Tôi nghĩ rằng người ta có lý để nói được rằng khoa giáo hội học luôn là tâm điểm nơi những thao thức thần học của ngài, và đã được cho thấy nơi hoạt động quan trọng của ngài ở chính Công Đồng Chung Vaticanô II, mặc dù bấy giờ ngài chỉ mới ở vào lứa tuổi giữa tam thập.
Vấn: Làm thế để “hiệp thông” trở thành cốt lõi cần được thể hiện
nơi đời sống của Giáo Hội, như Hồng Y Ratzinger đã nói?
Đáp: Mối hiệp thông con người làm nên Giáo Hội là hình ảnh của mối hiệp thông Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi thần linh. Đời sống của Giáo Hội tự bản chất được phát xuất từ từ sự sống của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô cũng như theo lời Người hứa ở cùng Giáo Hội, một hiện diện sống động nơi Giáo Hội.
Giáo Hội xuất phát từ cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự sống của tình yêu thần linh, một tình yêu được mạc khải nơi Chúa Kitô và qua Chúa Kitô nhờ đức tuân phục kính mến của lời Mẹ Maria xin vâng.
Vấn: Mối hiệp thông này có liên hệ ra sao với Công Đồng Chung
Vaticanô II?
Đáp: Mối hiệp thông được thiết lập là để giúp vào việc canh tân giáo hội và văn hóa được Công Đồng này kêu gọi. Chủ ý không phải chỉ để nói lên và khai triển ý nghĩa đích thực của Công Đồng này, mà còn để giúp vào việc truyền bá ‘văn minh yêu thương’ được Công Đồng này mong ước nữa.
Mục đích căn bản của tờ tập san này, theo chiều hướng ấy, là để chứng tỏ cho thấy những kho tàng về thần học và linh đạo nơi truyền thống giáo huấn của Giáo Hội có thể giúp chúng ta đương đầu thẳng với những vấn đề trầm trọng của nền văn hóa đương đại, cũng như để duy trì niềm hy vọng khi phải đối diện với những vấn đề ấy.