GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 4/5/2005 |
2) KHOA GIÁO HỘI HỌC HIỆP THÔNG CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II
3) Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng của "vui mừng và hy vọng" khởi xướng chiến dịch bãi nợ quốc tế.
Nhân dịp Hội Nghị về chủ đề “Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ở Viện Đại Học Công Giáo Thánh Antôn ở Murcia Tây Ban Nha hôm Thứ Bảy 30/11/2002, các phóng viên báo chí, trong đó có cả của Zenit, đã phỏng vấn ngài về một số vấn đề liên quan đến tình trạng Giáo Hội Hiện Thế ở nhiều phương diện khác nhau như sau:
Vấn Một số người cho rằng việc loan báo Chúa
Kitô là những gì làm tuyệt giao với các tôn giáo khác. Vậy thì làm sao người ta
vừa loan báo Chúa Kitô vừa đối thoại liên tôn cùng một lúc?
Đáp: Tôi có thể nói
rằng ngày nay tương đối thuyết đang làm chủ tình thế. Dường như ai không phải là
thành phần tương đối thì đều là kẻ cố chấp. Việc nghĩ rằng người ta có thể hiểu
được sự thật thiết yếu thì đã bị coi là một điều cố chấp rồi.
Tuy nhiên, thực sự thì việc loại trừ sự thật ấy là một thứ cố chấp rất trầm
trọng và là những gì biến những sự chính yếu của đời sống con người thành chủ
quan tính. Theo đó, chúng ta không còn có cùng một quan điểm về những điều chính
yếu nữa. Mỗi một người có thể và được quyền quyết định tùy ý. Thế nên chúng ta
đã làm mất đi những nền tảng đạo lý cho cuộc sống chung của chúng ta.
Chúa Kitô hoàn toàn khác với tất cả mọi vị sáng lập các tôn giáo khác, và Người
không thể bị biến thành một Đức Phật Thích Ca, một Socrates hay một Khổng Tử.
Người thực sự là một giao điểm giữa trời và đất, một ánh sáng chân lý đã xuất
hiện cho chúng ta.
Tặng ân nhận biết Chúa Giêsu không có nghĩa là không còn những mảnh quan trọng
nào khác nữa của sự thật nơi các tôn giáo khác. Theo ánh sáng của Chúa Kitô,
chúng ta có thể thực hiện một cuộc đối thoại tốt đẹp, căn cứ vào một cứ điểm là
những gì làm cho chúng ta thấy được tất cả những mảnh sự thật ấy có thể góp phần
vào việc đào sâu hơn đức tin của chúng ta cũng như góp phần vào cộng đồng thiêng
liêng đích thực của nhân loại.
Vấn Đức Hồng Y sẽ nói những gì với một nhà thần học trẻ? Đức Hồng
Y sẽ khuyên họ nghiên cứu về những khía cạnh nào của khoa Kitô học?
Đáp Trước hết, điều quan trọng là phải biết Sách Thánh, biết chứng từ
sống động các Phúc Âm, cả các Phúc Âm Nhất Lãm lẫn Phúc Âm Thánh Gioan, để có
thể nghe thấy tiếng nói chân thực.
Sau nữa, phải biết tới các công đồng lớn, nhất là Công Đồng Chalcedon cũng như các công đồng sau đó, những công đồng làm sáng tỏ ý nghĩa của đại công thức về Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật. Điều mới mẻ về việc Người thực sự là Con Thiên Chúa đồng thời cũng thực sự là con người này không phải là một thứ hình thức; trái lại, nó kết hiệp Thiên Chúa với con người.
Sau hết, tôi để nghị học hỏi hơn nữa về mầu nhiệm vượt qua để hiểu được mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh này của Chúa, nhờ đó, cũng biết được ý nghĩa của ơn cứu chuộc là gì; hiểu được cái mới mẻ là Thiên Chúa, nơi con người Giêsu, đã chịu khổ đau, đã mang lấy những khổ đau của chúng ta, đã chia sẻ đời sống của chúng ta, nhờ đó đã mở đường dẫn đến sự sống đích thực nơi việc phục sinh.
Sự kiện này liên quan tới tất cả vấn để giải thoát của nhân loại, một vấn đề ngày nay chỉ hiểu được nơi mầu nhiệm vượt qua; một đàng nó liên hệ tới đời sống thực tế của thời đại chúng ta, đàng khác, nó được tái biểu hiện nơi phụng vụ. Tôi nghĩ mối liên kết giữa phụng vụ và đời sống này, cả hai đều được bắt nguồn nơi mầu nhiệm vượt qua.
Vấn Có những điều gì Hồng Y Ratzinger thấy rằng nhà thần học
Ratzinger đã không biết?
Đáp Bản chất đức tin của tôi nơi Chúa Kitô bao giờ cũng như vậy, ở
chỗ nhận biết con người là Thiên Chúa biết tôi ấy, Đấng như Thánh Phaolô nói đã
tự ban mình cho tôi. Người hiện hữu để giúp đỡ và dẫn dắt tôi. Bản chất đức tin
này liên tục như thế không bao giờ thay đổi.
Trong cuộc đời của mình, tôi vẫn đọc Các Giáo Phụ của Giáo Hội, những đại thần học gia, cũng như thần học hiện đại. Hồi tôi còn trẻ thì có thần học của Bultmann là nổi nang ở Đức, đó là khoa thần học hiện hữu. Rồi sau đó nổi hơn nữa có thần học của Moltmann, một thứ thần học có thể nói bị ảnh hưởng của thuyết Cộng Sản.
Tôi có thể nói rằng hiện nay vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác là điều quan trọng nhất, để một đàng hiểu được Chúa Kitô chuyên nhất như thế nào, đàng khác, Người đáp lại tất cả mọi vị khác ra sao, những người tiền hô của Chúa Kitô và là những người đối thoại trao đổi với Chúa Kitô.
Vấn Một đại học viện Công Giáo, nơi chất chứa sự thật về Chúa Kitô,
phải làm gì để hiện thực sứ mạng truyền bá phúc âm hóa của Kitô Giáo?
Đáp Vấn đề quan trọng là ở đại học viện Công Giáo người ta không chỉ
học những gì để sửa soạn cho một thứ nghề nghiệp. Đại học đường là một cái gì đó
còn hơn là một trường dạy nghề, nơi tôi học vật lý, xã hội, hóa học. Điều hết
sức quan trọng đó là cần phải làm sao thực hiện được việc đào luyện chuyên nghệp
tốt đẹp, nhưng nếu nó chỉ có thế thì nó cũng chẳng khác gì một ngôi trường như
các trường dạy nghề khác thôi.
Một đại học đường phải đặt nền tảng ở việc kiến tạo nên một thứ giải thích vững chắc về việc con người hiện hữu. Theo ý nghĩa của nguyên tắc này, chúng ta có thể thấy vị trí thuộc về mỗi một ngành khoa học, cũng như thấy được đức tin Kitô Giáo của chúng ta, một đức tin cần phải hiện diện ở cấp tri thức cao.
Vì lý do này, một học đường Công Giáo phải thực hiện việc đào luyện căn bản về những vấn đề đức tin, nhất là về vấn đề đối thoại đa khoa giữa các vị giáo sư và sinh viên, để họ cùng nhau có thể hiểu được sứ vụ của một nhà trí thức Công Giáo trong thế giới của chúng ta.
Vấn Trong trường hợp tìm cầu thiêng liêng hiện nay, nhiều người sử
dụng đến việc suy niệm siêu việt. Giữa việc suy niệm siêu việt và suy niệm Kitô
Giáo khác nhau như thế nào?
Đáp Tóm tắt tôi có thể nói rằng điều chính yếu của việc suy niệm siêu
việt đó là con người bung mình ra khỏi “cái tôi”; họ hiệp nhất với yếu tính đại
đồng của thế giới; bởi thế, họ ở trong tình trạng hơi bị tha ngã.
Ngược lại, nơi việc suy của Kitô Giáo, tôi không đánh mất bản vị của mình; tôi đi vào một mối liên hệ riêng tư với con người của Chúa Kitô. Tôi đi vào mối liên hệ với “cái anh” của Chúa Kitô, nhờ thế “cái tôi” này không bị mất đi; nó vẫn giữ được căn tính và trách nhiệm của nó.
Đồng thời nó mở ra, nó đi vào một cuộc hiệp nhất sâu xa hơn nữa, đó là cuộc hiệp nhất của tình yêu không tiêu diệt. Bởi thế, tôi xin tóm lại một cách hơi đơn giản là việc suy niệm siêu việt là việc suy niệm phi bản vị, do đó dẫn đến tình trạng “tha ngã”. Còn việc suy niệm của Kitô Giáo là việc suy niệm “bản vị” và là việc suy niệm hướng tới một cuộc sâu xa hiệp nhất được phát xuất từ yêu thương chứ không phải từ cuộc giải thể “cái tôi”.
Còn tiếp
(Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Màn Điện Toán Zenit phổ biến những ngày
Thứ Ba 3/12/2002 và Thứ Tư 4/12/2002, sau khi hồng y Ratzinger trở thành Giáo
Hoàng ngày 19/4/2005, Zenit lại cho phổ biến bài phỏng vấn trên vào ngày Thứ Sáu
22/4/2005)
KHOA GIÁO
HỘI HỌC HIỆP THÔNG CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II
ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng
Thánh Bộ Đức Tin
Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001
Ngay sau Thế Chiến I, Romano Guardini đã tạo ra một lời phát biểu chẳng mấy chốc
trở thành khẩu hiệu cho những người Công Giáo Đức, đó là câu: “Một biến cố hết
sức quan trọng đang xẩy ra: Giáo Hội đang tỉnh giấc trong các tâm hồn”. Kết quả
của việc tỉnh giấc này cuối cùng là Công Đồng Chung Vaticanô II. Qua những văn
kiện khác nhau của mình, Công Đồng này đã bày tỏ và làm nên một phần gia sản cho
toàn thể Giáo Hội những gì, trong 4 thập niên (1920-1960) dậy men và hy vọng, đã
chín mùi kiến thức có được bởi đức tin. Để hiểu được Công Đồng Chung Vaticanô II
người ta cần phải nhìn lại giai đoạn này và tìm cách thấy được, ít là tổng quát,
những trào lưu và chiều hướng cùng hội tụ lại nơi Công Đồng này. Tôi sẽ trình
bày cho thấy những tư tưởng đã đi tiên phong trong giai đoạn này, sau đó sẽ diễn
tả những yếu tố chính yếu nơi giáo huấn của Công Đồng về Giáo Hội.
I.- Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô
1) Hình Ảnh Nhiệm Thể
“Giáo Hội đang tỉnh giấc trong các tâm hồn”. Lời diễn tả này của Guardini đã
được khéo léo công thức hóa, vì tận kỳ cùng thì nó được công nhận và nghiệm thấy
Giáo Hội như là một cái gì đó ở trong chúng ta, chứ không phải là một cơ cấu ở
ngoài chúng ta mà là một cái gì đó sống trong chúng ta.
Nếu cho tới khi ấy chúng ta vốn nghĩ rằng Giáo Hội căn bản là một cơ cấu hay một
tổ chức, thì bấy giờ, chúng ta cuối cùng cũng đã ý thức được rằng chính chúng ta
là Giáo Hội nữa. Giáo Hội còn hơn là một tổ chức: Giáo Hội là một cơ chế của
Thánh Linh, một cái gì đó sống động, chi phối thâm tâm của chúng ta. Ý thức này
đã được diễn tả bằng ngôn từ diễn tả quan niệm “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, một cụm từ
nói lên cho thấy một thứ cảm nghiệm mới mẻ và thanh thoát về Giáo Hội. Vào cuối
cuộc đời của mình, trong cùng năm Công Đồng ban hành Hiến Chế về Giáo Hội,
Gardini đã viết thế này: Giáo Hội “không phải là một cơ cấu do con người phát
minh và thiết dựng… mà là một thực tại sống động… Giáo Hội vẫn sống qua giòng
thời gian. Như tất cả mọi thực tại sống động, Giáo Hội cũng phát triển, cũng đổi
thay… song tự bản chất sâu xa của mình, Giáo Hội vẫn không thay đổi; trọng tâm
của Giáo Hội là Chúa Kitô… Nếu chúng ta thấy Giáo Hội như là một tổ chức… như là
một hiệp hội…. chúng ta chưa tiến đến chỗ thật sự hiểu được Giáo Hội. Giáo Hội
thật ra là một thực tại sống động và mối liên hệ giữa chúng ta với Giáo Hội phải
là sự sống” (La Chiesa del Signore [Giáo Hội của Chúa]; Morcelliana, Brescia
1967, p. 160).
Ngày nay, khó lòng nói lên được cái hào hứng và niềm vui mừng phát xuất từ sự
nhận thức này vào lúc bấy giờ. Trong kỷ nguyên của chủ nghĩa giải phóng trước
Thế Chiến Thứ Nhất, Giáo Hội Công Giáo được quan niệm như là một thứ tổ chức hóa
thạch, ngang bướng chống lại tất cả mọi thứ thành đạt tân thời. Thần học đã quá
chú trọng tới vấn đề thượng quyền để làm cho Giáo Hội hiện lên thật sự như là
một tổ chức tập trung, đến nỗi người ta dường như trung thành bênh vực chỉ những
gì liên hệ đến bề ngoài mà thôi. Một lần nữa, vấn đề đã trở nên rõ ràng là Giáo
Hội còn hơn thế nữa – Giáo Hội là một cái gì đó được tất cả chúng ta làm thăng
tiến trong đức tin bằng một đường lối sống động, cũng như Giáo Hội làm cho chúng
ta thăng tiến vậy. Thật ra Giáo Hội đã nghiệm thấy được việc phát triển về cơ
cấu qua nhiều thế kỷ, và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay. Qua Giáo Hội, mầu
nhiệm Nhập Thể vẫn còn tồn tại tới ngày nay: Chúa Kitô vẫn tiếp tục chuyển động
qua giòng thời gian. Nếu chúng ta tự đặt vấn đề yếu tố nào hiện diện ngay từ ban
đầu vẫn còn được thấy nơi Công Đồng Chung Vaticanô II, lời giải đáp cho chúng ta
đó là câu Giáo Hội định nghĩa về Kitô Học. J.A. Mohler, một nhà lãnh đạo việc
phục hưng thần học Công Giáo bị tàn phá bởi Thời Minh Tri, có lần đã nói rằng:
một thứ thần học sai lạc có thể bị bêu diễu bằng câu ngắn ngủi này: “Từ ban đầu
Chúa Kitô đã thiết lập phẩm trật và bởi đó đã trọn vẹn chăm sóc cho Giáo Hội đến
ngày cùng tháng tận rồi”. Ngược lại với quan niệm này là sự kiện Giáo Hội là một
Nhiệm Thể; Chúa Kitô và việc Người thiết lập Giáo Hội không bao giờ cùng song
luôn mới mẻ. Trong Giáo Hội, Chúa Kitô không bao giờ chỉ thuộc về quá khứ mà
thôi, Người bao giờ cũng là và trên hết là hiện tại và tương lai. Giáo Hội là sự
hiện diện của Chúa Kitô: Người đồng thời với chúng ta và chúng ta là những người
đương thời của Người. Giáo Hội sống là ở chỗ này, ở chỗ Chúa Kitô hiện diện
trong tâm hồn của chúng ta và chính nơi đó Người hình thành Giáo Hội của Người.
Đó là lý do tại sao nguyên khởi của Giáo Hội là Chúa Kitô chứ không phải chính
Giáo Hội. Giáo Hội lành mạnh ở chỗ Giáo Hội dồn mọi chú tâm vào Người. Công Đồng
Chung Vaticanô II đã khéo đặt quan niệm này ở chỗ móc nối cho những cân nhắc của
mình; bản văn nền tảng về Giáo Hội này được mở đầu bằng những lời lẽ Lumen
gentium cum sit Christus: “vì Chúa Kitô là Ánh Sáng Thế Gian… Giáo Hội là gương
soi vinh quang của Người; Giáo Hội phản ánh rạng ngời của Người”. Nếu chúng ta
muốn hiểu được Công Đồng Chung Vaticanô II một cách đúng đắn, chúng ta luôn phải
trở về với lời phát biểu mở đầu này…
Tiếp đến, từ khởi điểm ấy, chúng ta cần phải nắm được cả tính
chất nội tại của Giáo Hội lẫn bản chất thông đạt của Giáo Hội nữa. Giáo Hội phát
triển từ bên trong và hường ngoại chứ không ngược lại. Trước hết, Người là dấu
hiệu của mối hiệp thông mật thiết nhất với Chúa Kitô.. Giáo Hội được hình thành
chính yếu là ở đời sống nguyện cầu, ở các bí tích cũng như ở những thái độ tin,
cậy, mến sâu xa. Bởi thế nếu có ai hỏi tôi cần phải làm những gì để trở nên Giáo
Hội và để phát triển như Giáo Hội thì câu trả lời phải như thế này: quí vị phải
trở nên một con người sống đức tin, cậy và mến. Cái xây dựng Giáo Hội là việc
cầu nguyện và mối hiệp thông của các bí tích; nơi các bí tích lời cầu nguyện của
Giáo Hội gặp gỡ chúng ta. Kỳ hè vừa rồi tôi đã gặp một linh mục giáo xứ nói với
tôi rằng giáo xứ của ngài chưa hề có được một ơn gọi linh mục nào từ nhiều năm
qua. Vị linh mục ấy cần phải làm gì? Chúng ta không thể sản xuất ra các ơn gọi,
Chúa mới là Đấng tạo nên các ơn gọi. Như thế chẳng lẽ chúng ta cứ chực chờ một
cách vô dụng hay sao? Vị linh mục này đã quyết định hằng năm thực hiện một cuộc
hành hương, một cuộc hành hương xa xôi và khó nhọc đến Đền Thánh Mẫu Altotting
để cầu xin cho các ơn gọi, đồng thời cũng kêu mời những ai có cùng chí nguyện
với ngài cùng ngài hành hương và chung lời cầu nguyện. Từ năm này qua năm khác,
con số tham dự vào cuộc hành hương gia tăng cho đến cuối cùng, năm nay, cả làng
hết sức vui mừng cử hành Thánh Lễ đầu tiên được vị linh mục phát xuất từ giáo xứ
này dâng…
Giáo Hội phát triển từ bên trong: đó là ý nghĩa của lời diễn tả “Thân Mình Chúa
Kitô”. Cụm từ này còn hàm ý hơn thế nữa, ở chỗ Chúa Kitô đã hình thành cho Người
một thân mình. Nếu tôi muốn tìm Người và biến Người thành của tôi, tôi liền được
kêu gọi trở thành một phần thể bé nhỏ, hoàn toàn và trọn vẹn của Thân Mình Người,
và việc trở thành một trong những phần thể của Người, trở thành một bộ phận của
Thân Mình Người trên thế gian này, tôi sẽ đời đời là như thế. Tư tưởng của thần
học giải phóng cho rằng trong khi Chúa Giêsu tự mình thoải mái thì Giáo Hội lại
là một thực tại khốn khổ, là tư tưởng hoàn toàn trái nghịch với ý thức ấy. Chúa
Kitô chỉ ban phát Mình trong thân thể của Người mà thôi, chứ không bao giờ lại
là một thứ thuần lý tưởng. Nghĩa là Người trao ban Bản Thân Người cùng với những
thứ khác, nơi một mối hiệp thông bất gián đoạn kéo dài qua năm tháng và là chính
Thân Mình của Người. Điều này có nghĩa rằng Giáo Hội không phải là một tư tưởng,
Giáo Hội là một Thân Thể. Cái vấp phạm trước việc trở thành nhục thể nơi biến cố
nhập thể của Chúa Giêsu vốn xẩy ra nơi rất nhiều người đương thời của Người đã
được tái diễn nơi “đặc tính gây vấp phạm” của Giáo Hội. Trong trường hợp này,
lời của Chúa Giêsu vẫn có giá trị: “Phúc cho kẻ nào không vì Ta mà vấp phạm”.
Bản chất thông đạt của Giáo Hội cần phải bao gồm cả đặc tính “chúng ta” của Giáo
Hội. Giáo Hội không phải là một cái gì ở đâu đó tách khỏi chúng ta, chính chúng
ta là thành phần làm nên Giáo Hội. Không một người nào có thể nói “tôi là Giáo
Hội”, nhưng mỗi người trong chúng ta có thể và phải nói “chúng tôi là Giáo Hội”.
Cái “chúng ta” không tiêu biểu cho một nhóm biệt lập mà là một nhóm hiện hữu
trong toàn thể cộng đồng của tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, còn sống cũng như
đã qua đời. Đó là lý do một nhóm có thể thực sự nói: “chúng tôi là Giáo Hội”.
Giáo Hội là ở chỗ này, ở chỗ “chúng tôi” phổ quát xóa bỏ đi những biên giới xã
hội và chính trị, cả biên giới giữa trời và đất nữa. Chúng ta là Giáo Hội. Điều
này làm phát sinh một thứ đồng trách nhiệm cũng như khả năng hợp tác theo cá thể.
Ý thức này đã làm nẩy sinh quyền được bình phẩm nhưng việc bình phẩm của chúng
ta trước hết phải là tự bình phẩm bản thân mình. Chúng ta cần lập lại là Giáo
Hội không “ở một nơi nào đó”; hay Giáo Hội là một “người nào đó”. Chính chúng ta
xây dựng Giáo Hội. Những tư tưởng này đã chín mùi và đã dẫn thẳng tới Công Đồng
Chung Vaticanô II. Hết mọi điều được nói về trách nhiệm chung của giáo dân, cùng
với những hình thức pháp lý được thiết định để làm dễ dàng cho việc thi hành
trách nhiệm chung này một cách rõ ràng, đều là thành quả của luồng tư tưởng ấy.
Sau hết, quan niệm về việc phát triển và vì thế về cả năng động lịch sử của Giáo
Hội đều có liên hệ với vấn đề này. Một thân thể tự nó vẫn còn nguyên theo giòng
đời bởi sự kiện là nó luôn canh tân mình theo tiến trình của sự sống. Đối với vị
đại Hồng Ý Người Anh Newman thì tư tưởng về việc phát triển là một chiếc cầu
thực sự và xứng hợp dẫn đến biến cố trở lại Công Giáo của ngài. Tôi tin rằng tư
tưởng về việc phát triển thuộc về nhiều quan niệm nền tảng của Công Giáo chưa
hoàn toàn được khai triển. Một lần nữa, chúng ta phải biết ơn Công Đồng Chung
Vaticanô II vì công đồng này cũng đã long trọng thiết lập công thức về tư tưởng
này trong một văn kiện chính thức của Huấn Quyền. Ai chỉ muốn thắt kết mình với
những dẫn giải theo nghĩa đen về Thánh Kinh hay với những thể thức về Giáo Hội
của các Giáo Phụ là bắt Chúa Kitô giam giữ vào “ngày hôm qua”. Hậu quả xẩy ra,
một là đức tin hoàn toàn tàn héo không có gì để nói với thời đại của chúng ta
đây, hai là cao ngạo cho rằng mình có quyền qua mặt 2 ngàn năm lịch sử, gán ghép
cho những tháng năm lịch sử ấy như một thùng rác chất đầy những lỗi lầm, và cố
gắng xem làm cách náo để Kitô giáo xứng hợp với Thánh Kinh hay với Chúa Giêsu.
Thành quả duy nhất khả đạt sẽ là một thứ sáng chế nhân tạo do chính chúng ta
thực hiện, làm trống rỗng tất cả những gì là nhất trí. Căn tính đích thực được
bắt đầu từ Chúa Kitô chỉ khả hữu chỉ khi nào có đươc một sự liên tục sống động
làm phát triển cái ban đầu ấy và thực sự bảo trì được cái ban đầu này bằng việc
phát triển ấy.
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002,
trang 5-7
(còn tiếp nhiều kỳ)
Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng của "vui mừng và hy vọng"
Vị khởi xướng chiến dịch bãi nợ quốc tế.
V |
ấn đề hòa bình liên quan đến vấn đề nghèo khổ trên thế giới, vấn đề chênh lệch giữa các cường quốc và nhược quốc. Nếu các cường quốc chẳng những thực sự “viện trợ nhân đạo”, không phải thứ viện trợ từ những thứ đồ dư thừa trong nước và là thứ viện trợ để đô hộ nền kinh tế của nhược quốc và khai thác nguồn lợi của nước này, mà còn sử dụng các ngân khoản khổng lồ hằng năm chi phí cho việc chế tạo các thứ vũ khí giết người để nâng đỡ các nước nghèo khổ, thì bộ mặt thế giới này đã không quá tang thương như hiện nay, mà Dafur ở Sudan Phi Châu hiện nay là hiện thân. Các cường quốc vẫn hô hào bảo vệ tự do dân chủ trên thế giới dường như chỉ thấy xuất hiện và “hy sinh bỏ mình” ở vùng có dầu hỏa mà thôi, còn ở Darfur Sudan thì… “bay chết mặc bay”.
Trong Sứ Điệp cuối đời của mình cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” đã nêu lên một trong những yếu tố liên quan đến hòa bình, đó là vấn đề “sự thiện hòa bình và việc sử dụng những sản vật trên thế gian”. Ngài đã nhận định và kêu gọi như sau:
“Vì sự thiện hòa bình liên hệ chặt chẽ với việc phát triển của tất cả mọi dân tộc mà những đòi hỏi về luân thường đạo lý đối với việc sử dụng các thứ sản vật của trái đất này cần phải được luôn luôn chú trọng. Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý để nhắc nhở rằng ‘Thiên Chúa đã muốn trái đất này cùng tất cả những gì chất chứa nơi nó là để cho hết mọi người và tất cả mọi dân tộc sử dụng; nên những gì tốt lành của thiên nhiên tạo vật cần phải được cung ứng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, theo công lý hướng dẫn và đức bác ái điều khiển’ (Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 69)” (khoản 6).
“Nguyên tắc về mục đích đại đồng của các sản vật cũng có thể làm khả dĩ một đường lối hiệu nghiệm hơn trong việc giải quyết vấn đề thách đố về nghèo khổ, nhất là khi chúng ta để ý tới tình trạng cực bần cùng mà hằng triệu triệu con người đang sống. Cộng đồng quốc tế, vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ đây, đã đặt ưu tiên việc làm sao để giảm phân nửa số thành phần nghèo này vào năm 2015. Giáo Hội ủng hộ và khuyến khích quyết tâm này và kêu gọi tất cả mọi người tin tưởng vào Chúa Kitô hãy chứng tỏ, một cách cụ thể và ở mọi lãnh vực, tình yêu thương ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ (Cf. John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 [1988], 572).
“Thảm trạng nghèo khổ vẫn còn liên hệ chặt chẽ với vấn đề nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể ở lãnh vực này, vấn đề ấy vẫn chưa được giải quyết cách đầy đủ. Mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo là những gì có ‘liên hệ chặt chẽ tới một chuỗi những vấn đề khác, như việc đầu tư hải ngoại, việc thi hành xứng hợp của những tổ chức quốc tế chính, giá cả của các thứ vật liệu nguyên sơ v.v.’ (Address to Participants in the Study Week of the Pontifical Academy of Sciences (27 October 1989), 6: Insegnamenti XII/2 (1989), 1050.). Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển”. (khoản số 8).
“Vào lúc kết thúc Đại Năm Thánh 2000, trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, tôi đã nói đến nhu cầu khẩn trương của một thứ sáng tạo mới của đức bác ái, để truyền bá Phúc Âm hy vọng trên thế giới. Chúng ta rõ ràng thấy được nhu cầu này khi chúng ta quan tâm tới nhiều vấn đề khó khăn đang chặn đường phát triển ở Phi Châu: như nhiều cuộc xung đột võ trang, những thứ bệnh nạn truyền nhiễm càng tăng bội gây ra bởi tình trạng cực bần cùng, và tình hình bất ổn về chính trị càng gây bất an hơn nữa. Đó là những tình trạng thê thảm cần phải có một chiều hướng thực sự mới cho Phi Châu: cần phải tạo ra những hình thức mới của tình đoàn kết, ở cả lãnh vực song phương và đa phương, bằng việc mọi người phải cương quyết dấn thân hơn nữa, với niềm xác tín trọn vẹn là tình trạng phúc hạnh của các dân tộc ở Phi Châu là một điều kiện bất khả châm chước để đạt tới công ích đại đồng.
“Nhiều dân tộc ở Phi Châu đã trở thành những vai chủ yếu trong việc nắm lấy tương lai của mình cũng như trong việc phát triển về văn hóa, dân sự, xã hội và kinh tế của mình! Chớ gì Phi Châu không còn chỉ là một lãnh nhận viên viện trợ nữa, mà trở thành một tác nhân hữu trách trong vấn đề chia sẻ một cách ý thức và sinh lợi! Việc đạt được mục tiêu này đòi phải có một nền văn hóa chính trị, nhất là nơi lãnh vực hợp tác quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng việc không tôn trọng những hứa quyết được lập lại trong chương trình Cứu Trợ Công Cộng Cho Việc Phát Triển, những vấn đề chưa được giải quyết về vấn đề nặng nợ ngoại quốc của các quốc gia Phi Châu và việc không đặc biệt lưu tâm tới các quốc gia ấy trong mối liên hệ thương vụ quốc tế, là những gì làm ngăn trở trầm trọng cho hòa bình cần phải được lên tiếng và giải quyết. Ngày nay, hơn bao giờ hết, điều kiện quyết liệt để mang lại hòa bình cho thế giới đó là việc công nhận mối liên thuộc giữa các xứ sở giầu thịnh và nghèo khốn, để nhờ đó, ‘việc phát triển một là trở thành việc tham dự chung ở hết mọi phần đất trên thế giới, hay là phải trải qua một tiến trình suy thoái, thậm chí ở ngay cả những vùng được cho là liên tục tiến bộ’ (John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 17:AAS 80 (1988) 532)” (số 10).
Thật vậy, như đã đề cập đến ở khoản số 8 của Sứ Điệp cho Ngaỳ Thế Giới Hòa Bình 2005 trên đây, “mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến ban hành ngày 10/11/1994, ở khoản số 51 như sau:
“Theo quan điểm này, nếu chúng ta nhớ lại rằng Chúa Giêsu đến ‘để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó’ (Mt.11:5; Lk.7:22), thì làm sao chúng ta lại có thể bỏ qua không nhấn mạnh hơn về việc Giáo Hội quan tâm đặc biệt đến kẻ nghèo nàn và kẻ vô loài? Thật vậy, cần phải nói rằng, cuộc dấn thân cho công lý và hòa bình trong một thế giới như của chúng ta đây, một thế giới bị ghi dấu bởi quá nhiều giằng co, với những tình trạng thiếu quân bình về xã hội cũng như về kinh tế không thể nào chấp nhận được, là một điều kiện cần thiết cho việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm này. Bởi thế, theo tinh thần của Sách Lêvi (25:8-12), Kitô hữu cần phải lên tiếng thay cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới, lấy cuộc mừng kỷ niệm này như một thời điểm thích thuận, để đưa ra ý tưởng, cùng với các điều khác, về việc giảm bớt thật nhiều, nếu không hoàn toàn hủy bỏ, số nợ quốc tế là cái hằng đe dọa tương lai của nhiều quốc gia một cách trầm trọng. Cuộc kỷ niệm mừng này cũng có thể là một dịp để suy nghĩ về những thách đố khác trong thời điểm của chúng ta, như những khó khăn trong việc đối thoại giữa các thứ văn hóa khác nhau, và những vấn nạn liên hệ đến việc tôn trọng các quyền của người phụ nữ, cũng như đến việc đề cao gia đình và hôn nhân”.
ĐTGM Celestino
Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước,
hôm Thứ Ba 19/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công
Giáo với Khóa Họp thứ 59 của Đại Hội Đồng LHQ bàn đến vấn đề Vai Trò Tân Đồng
Chí Cho Việc Phát Triển Phi Châu (NEPAD: New Partnership for Africa's
Development), trong đó, ngài có đề cập đến hiện tình hay phát triển trong vấn đề
nợ nần quốc tế như sau:
“… Việc thực hiện những qui chế về kinh tế xứng hợp cho Phi Châu, cho tình trạng phúc hạnh của những gia đình ở ngoại ô và làng quê như nhau cũng như cho việc bảo trì những giá trị của người Phi Châu, thực sự là một trách nhiệm khẩn trương của quốc tế. Bởi thế mới đáng tiếc là những Hội Đồng Quản Trị IMF và Ngân Hàng Thế Giới, cũng như cuộc họp của các Tác Viên Tài Chính ở Thượng Nghị G-7 trước đó, đã không đồng ý về việc hoàn toàn bãi nợ cho 27 quốc gia nghèo…”.
Thứ Ba ngày 29/6/2004, vị đại diện của Tòa Thánh là bà Mary Ann Glendon, tân chủ tịch Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Học Xã Hội, đã lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh tham dự hội nghị 2004 High Level Segment of Least Developed Countries (LDC) của Hội Đồng Về Kinh Tế Và Xã Hội Của Liên Hiệp Quốc. Đề tài vị tân chủ tịch này muốn phát biểu đó là “Việc Sử Dụng Nguồn Liệu và Môi Trường Khả Dĩ Để Nhổ Tận Gốc Rễ Tình Trạng Bần Cùng Theo Chiều Hướng Áp Dụng Chương Trình Hoạt Động Cho Các Quốc Gia Kém Phát Triển Nhất Trong Thập Niên 2002-2010”, trong đó bà có nhấn mạnh đến vấn đề giảm nợ nần quốc tế như sau:
“Phái đoàn đại biểu chúng tôi chú ý thấy rằng, căn cứ vào sự tiến bộ cho tới nay, hầu hết những quốc gia chậm phát triển nhất không thể đạt được, chẳng hạn, những mục tiêu của Chương Trình Hành Động Brussels (Brussels Program of Action [BPOA]). Mức độ phát triển về kinh tế của các quốc gia chậm phát triển ở sâu dưới mức cần để bắt đầu tiến vào con đường giảm nghèo thì những cuộc đầu tư không gia tăng mấy, những Việc Hỗ Trợ Phát Triển Chính Thức (ODA: Official Development Assistance) và Việc Trực Tiếp Đầu Tư Nước Ngoài (FDI: Foreign Direct Investment) không đầy đủ. Ngoài ra, nhiều quốc gia chậm phát triển nhất thấy mình rơi vào tình trạng hậu xung khắc, lên tới con số 80% trong 20 các quốc gia chậm phát triển nhất đã thoát khỏi tình trạng nội chiến trong vòng 15 năm qua.
“Thế nhưng, những khó khăn và thách đố ấy không được coi như là những thứ chữa mình, mà là những gì thôi thúc những đồng bạn phát triển cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh là ‘thành phần nghèo khổ không thể đợi chờ’. Không ai có thể phủ nhận được rằng cái thách đố để bảo tồn những gì thường cho thấy như là một cái vòng lẩn quẩn nghèo khổ tự kéo dài, nhất là ở các quốc gia chậm phát triển nhất, là những gì ghê gớm.
“Đôi khi trong số những trở ngại cho việc tiến bộ không được chú trọng lắm đó là sự kiện vấn đề toàn cầu hóa đã tăng bội tình trạng lũng đoạn hết mọi lối sống. Khi mà những mẫu mực cổ xưa về vấn đề làm việc và đời sống gia đình đã bị phân tán thì cảm quan về sự bất lực lại gia tăng. Khi mà những hình thức mới về nghèo khổ xuất hiện thì những bộ mặt của thành phần nghèo khổ là những bộ mặt nữ giới và trẻ em gia tăng. Tóm lại, thế giới hiện nay đang trải qua một giai đoạn chao đảo, đầy những nguy hiểm lẫn hứa hẹn. Thành phần bị nguy hiểm nhất giữa cơn náo động về kinh tế và xã hội này thường là thành phần bị lãng quên nhất.
“Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã phác họa ra một đường lối hợp tác có tổ chức để các quốc gia chậm phát triển nhất có thể phát triển nền kinh tế của mình và để nhập cuộc sản xuất và trao đổi. Những yếu tố của đường lối này đã được đa số đồng ý: đó là vấn đề giảm nợ, là những việc mậu dịch công bằng, là qui tắc luập pháp, là việc đầu tư giáo dục, là việc chăm sóc sức khỏe căn bản, là vấn đề dinh dưỡng và phương tiện vệ sinh.
“Về vấn đề này, Tòa Thánh nhận thấy rằng Chương Trình Hành Động Brussels, một chương trình hoạng động nhắm đến việc nhổ tận gốc rễ vấn đề nghèo khổ và đói ăn ở 50 quốc gia chậm phát triển nhất trên thế giới, nơi có 7 trăm triệu người nghèo trên thế giới đang sống. Những cuộc dấn thân đặc biệt được phác họa ra nơi Chương Trình Hành Động này có thể đẩy mạnh việc gia tăng vấn đề viện trợ phát triển, vấn đề cổ võ việc đầu tư nước ngoài, vấn đề giảm gánh nặng nợ nần, và vấn đề mở thị trường ở các nước kỹ nghệ cho việc xuất cảng của các quốc gia chậm phát triển nhất”.
Trong Sứ Điệp
cho Ngày Thế Giới Hòa Bình 2005, Đức Thánh Cha đã nhận thấy có sự tiến bộ trong
việc đáp ứng lời đề nghị của ngài trong Tông Thư “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba”,
nhưng vẫn chưa đủ, cần phải nỗ lực hơn nữa, bằng không, không thể nào có hòa
bình trên thế giới giữa cảnh quá chênh lệch giầu nghèo như thế.
”Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển”.
Bởi vì, chính ngài đã chủ trương ở Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/1987 rằng: “Phát Triển và Đoàn Kết là Hai Chìa Khóa mở Cửa Hòa Bình”, hay ở Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/1993: “Nếu anh chị em muốn hòa bình thì hãy tiến đến với người nghèo”.
Hôm Thứ Bảy 16/4/2005, Thượng Nghị G-7, thượng nghị 7 cường quốc trên thế giới là Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc, Gia Nã Đại, Nhật, Đức, Pháp và Ý đã diễn ra ở Washington DC Hoa Kỳ. Hai vấn đề được họ nhấn mạnh là tình trạng khủng hoảng về giá dầu hỏa (đã lên quá cao trong thời gian hơn một năm, hiện nay tại California là 2.50 Mỹ kim cho 1 gallon xăng unleaded), và vấn đề nợ nần quốc tế. Văn kiện G-7 đã chấp thuận mục đích hoàn toàn hủy bỏ nợ nần cho những quốc gia nặng nợ. Thế nhưng, các viên chức vẫn chưa giải quyết những điểm khác nhau giữa các dự án cạnh tranh của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc (Great Britian of United Kingdoms). Bởi thế, vấn đề nợ nần quốc tế vẫn còn bị bế tắc.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL