GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 12/6/2005, CN XI QUANH NĂM |
1) ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa" - Bàn tiệc Thánh Thể; Bữa tiệc Phục Sinh và quây quần huynh đệ
2) ĐTC Biển Đức XVI về “Gia Đình và Cộng Đồng Kitô Hữu: Việc Huấn Luyện Con Người và Việc Truyền Đạt Đức Tin”
3) Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo Hoàng xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa
ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa" - Bàn tiệc Thánh Thể; Bữa tiệc Phục Sinh và quây quần huynh đệ
Bàn tiệc Thánh Thể
42. Bàn tiệc Lời Chúa tất nhiên dẫn đến bàn tiệc Bánh Thánh Thể và sửa soạn cho cộng đồng sống những khía cạnh của Lời Chúa, những khía cạnh có một tính cách đặc biệt quan trọng trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật. Khi toàn thể cộng đồng qui tụ lại để cử hành “Ngày của Chúa” thì Thánh Thể cho thấy, rõ ràng hơn những ngày khác, như một lời “tạ ơn” cả thể do Giáo Hội đầy Thần Linh dâng về Cha, khi trở nên một với Chúa Kitô và nhân danh toàn thể nhân loại. Nhịp sống của một tuần lễ thúc đẩy chúng ta qui tụ lại để tưởng nhớ biết ơn về những biến cố các ngày vừa qua đi, để kiểm điểm chúng trước ánh sáng của Chúa cũng như để tạ ơn Ngài về vô vàn tặng ân, tôn vinh Ngài “nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần”. Cộng đồng Kitô hữu bởi thế tiến đến chỗ tái nhận thức được sự kiện là tất cả mọi sự được dựng nên nhờ Chúa Kitô (x Col 1:16; Jn 1:3), và trong Chúa Kitô, Đấng đã đến trong thân phận của một tôi tớ để mặc lấy và cứu chuộc thân phận loài người của chúng ta, tất cả mọi sự được phục hồi (x Eph 1:10), nhờ đó chúng được trả về cho Thiên Chúa Cha là Đấng tất cả mọi sự được hiện hữu và có sự sống. Thế rồi, khi đồng thanh thưa tiếng “Amen” theo bài ngợi ca Thánh Thể, Dân Chúa, bằng đức tin và đức cậy, hướng tới cùng đích cánh chung là lúc Chúa Kitô “sẽ trao phó vương quốc cho Thiên Chúa là Cha… để Thiên Chúa là mọi sự cho mọi người” (1Cor 15:24,28).
43. Tác động “hướng lên” này là những gì có sẵn ở nơi mọi việc cử hành Thánh Thể và làm cho tác động ấy thành một biến cố vui mừng, tràn đầy lòng tri ân và niềm hy vọng. Thế nhưng, tác động này đặc biệt thể hiện ở Thánh Lễ Chúa Nhật là vì mối liên hệ riêng của nó với việc tưởng niệm Biến Cố Phục Sinh. Trái lại, việc hân hoan “Thánh Thể” “nâng tâm hồn của chúng ta lên” này là hoa trái của tác động “hạ xuống” của Thiên Chúa với chúng ta, một tác động vĩnh viễn gắn liền với yếu tố hy hiến thiết yếu của Thánh Thể, một diễn đạt cao cả và là việc cử hành mầu nhiệm kenosis (hủy mình ra như không), một tác động hạ xuống ở chỗ Chúa Kitô “tự hạ và vâng lời cho đến chết, dù chết trên Thập Giá” (Phil 2:8).
Thánh Lễ thật sự quả làm hiện thực hy tế Thập Giá. Dưới hình bánh và rượu, những hình dạng được kêu cầu tuôn xuống Thần Linh là Đấng tác động một cách hoàn toàn đặc thù nơi những lời truyền phép, Chúa Kitô hiến mình cho Cha bằng cùng một tác động hy hiến được Người hiến mình trên Thập Tự Giá. “Chúa Kitô, Đấng đã dâng mình một lần là vĩnh viễn một cách đẫm máu trên bàn thờ Thập Giá, được gói ghém và hiến dâng một cách không đổ máu nơi hy tế thần linh được thể hiện trong Thánh Lễ” (70). Chúa Kitô liên kết hy tế của Giáo Hội với hy tế của mình: “Nơi Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể thuộc Thân Thể của Người. Đời sống của tín hữu, việc họ chúc tụng, những khổ đau của họ, lời cầu nguyện và hoạt động của họ, đều được liên kết với những điều ấy của Chúa Kitô cũng như với tất cả việc hiến dâng của Người, nhờ đó chúng có được một giá trị mới” (71). Sự thật về việc toàn thể cộng đồng được thông phần vào hy tế của Chúa Kitô đặc biệt hiển nhiên nơi việc qui tụ ngày Chúa Nhật, một việc qui tụ để có thể mang đến bàn thờ tuần lễ đã qua với tất cả mọi nhọc nhằn của con người trong tuần ấy.
Bữa tiệc Phục Sinh và quây quần huynh đệ
44. Tính chất hiệp thông của Thánh Thể đặc biệt cho thấy khi tính chất này được thấy như là một bữa tiệc Phục Sinh, một bữa tiệc mà chính Chúa Kitô trở thành dưỡng chất của chúng ta. Thật vậy, “vì mục đích này, Chúa Kitô đã ký thác cho Giáo Hội hy tế ấy: nhờ đó, tín hữu được thông phần với hy tế ấy, một cách thiêng liêng, trong đức tin và đức mến, và một cách bí tích, nơi bữa tiệc Hiệp Lễ. Việc chia sẻ với Bữa Tối của Chúa bao giờ cũng là việc hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho chúng ta nơi hy tế hiến dâng lên Cha” (72). Đó là lý do tại sao Giáo Hội khuyên rằng tín hữu hãy rước lễ khi tham dự Thánh Thể, miễn là họ hội đủ điều kiện xứng hợp, và nếu nhận thấy mình có tội trọng, thì hãy xin Chúa thứ tha qua Bí Tích Hòa Giải (73), theo tinh thần của những gì được Thánh Phaolô viết cho cộng đồng Côrintô (x 1Cor 11:27-32). Hiển nhiên là việc mời gọi hiệp thông Thánh Thể lại càng thiết tha hơn khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng.
Cần phải luôn nhớ rằng việc hiệp thông với Chúa Kitô là việc được gắn liền sâu xa với anh chị em của chúng ta. Việc qui tụ Thánh Thể Chúa Nhật là một việc thể hiện tình huynh đệ, một tình huynh đệ cần phải thể hiện một cách rõ ràng nơi việc cử hành này, trong khi vẫn luôn tôn trọng bản chất của tác động phụng vụ. Tất cả những điều này được bày tỏ bằng những cử chỉ đón nhận cũng như bằng giọng nguyện cầu, để ý tới những nhu cầu của tất cả mọi người trong cộng đồng. Dấu hiệu chúc bình an – theo Lễ Nghi Rôma được đặt một cách ý nghĩa trước hiệp lễ – là một cử chỉ diễn tả một cách đặc biệt kêu gọi tín hữu hãy biểu lộ việc Dân Chúa chấp nhận tất cả những gì đã được hoàn tất nơi việc cử hành này (74), cũng như việc dấn thân yêu thương nhau được thể hiện nơi việc thông phần cùng một tấm bánh duy nhất, ý thức những lời Chúa Kitô đòi hỏi: “Nếu các con hiến dâng của lễ trên bàn thờ mà bấy giờ nhớ lại rằng an hem của các con có điều gì phạm đến các con, thì hãy để của lễ trước bàn thờ và hãy đi làm hòa cùng an hem của các con trước đã rồi hãy đến mà dâng lễ vật” (Mt 5:23-24).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
ĐTC Biển Đức XVI về “Gia Đình và Cộng Đồng Kitô Hữu: Việc Huấn Luyện Con Người và Việc Truyền Đạt Đức Tin”
Hôn Nhân và Gia Đình trong Lịch Sử Cứu Độ
Sự thật về hôn nhân và gia đình, một cơ cấu bắt nguồn sâu xa nơi sự thật về con người, đã có những ứng dụng trong lịch sử cứu độ, một lịch sử có cốt lõi là lời này: “Thiên Chúa yêu thương dân của Ngài”.
Thật vậy, mạc khải thánh kinh trước hết là một diễn tả về một tình sử, một tình sử giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Đó là lý do Thiên Chúa đã có thể mặc cho tình sử và hôn sử của con người nam nữ theo hôn ước như là biểu hiệu cho lịch sử cứu độ. Giao ước bất khả xóa bỏ ấy, mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương con người ấy, mặc lấy hình thức ngôn ngữ học của mình từ ngữ vựng hôn nhân và gia đình, vừa tích cực lẫn tiêu cực, ở chỗ: việc Thiên Chúa đến với dân của Ngài được trình bày bằng ngôn ngữ yêu thương phối ngẫu, trong khi đó, việc bất trung của dân Do Thái, việc tôn thờ ngẫu tượng của họ, được diễn tả như việc ngoại tình và mại dâm.
Trong Tân Ước, Thiên Chúa làm cho tình yêu của Ngài sâu thẳm đến nỗi chính Ngài, qua Con của mình, hóa thành nhục thể bởi nhục thể của chúng ta, nên một con người thực sự. Như thế, việc Thiên Chúa hiệp nhất với con người đã mặc lấy hình thức tối hậu, bất khả đảo lộn và vĩnh viễn. Nhờ thế, hình thức vĩnh viễn này của tình yêu nhân loại cũng mới được diễn đạt, để tiếng “vâng” với nhau là những gì không thể vãn hồi. Hình thức vĩnh viễn này không gây tâm bệnh cho con người song giải thoát họ khỏi những tâm bệnh của lịch sử để đưa họ về với sự thật của việc tạo thành. Bởi thế, tính chất bí tích được hôn nhân mặc lấy trong Đức Kitô có nghĩa là tặng ân của việc tạo dựng đã được nâng lên mức độ ân sủng cứu chuộc. Ân sủng của Chúa Kitô không phải là những gì bị siêu áp đặt từ bên ngoài bản tính của con người, ân sủng của Người không phạm đến bản tính của họ, nhưng giải thoát và phục hồi nó, bằng việc nâng nó lên trên cả giới hạn của nó nữa. Như việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa cho thấy ý nghĩa đích thực của nó nơi thập giá thế nào thì tình yêu chân chính của loài người cũng việc trao tặng bản thân mình như thế; nó không thể hiện hữu nếu con người muốn tránh né thập giá ấy.
Anh Chị Em thân mến, mối liên kết sâu xa này giữa Thiên Chúa và con người, giữa tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của con người, cũng được xác nhận bởi cả một số những khuynh hướng và diễn tiến tiêu cực nữa, những gì gây gây tác dụng làm cho tất cả chúng ta đều nghiệm thấy. Việc hạ giá tình yêu của nhân loại, việc khuynh đảo khả năng yêu thương chân chính thực sự trong thời đại của chúng ta đây đã cho thấy như là một thứ vũ khí sắc bén và công hiệu trong việc chà đạp Thiên Chúa, trong việc loại trừ Thiên Chúa khỏi ánh mắt và tâm can của con người. Tuy nhiên, ước muốn “giải phóng” thiên nhiên tạo vật của Thiên Chúa làm cho con người không còn nhìn thấy được chính thực tại của thiên nhiên tạo vật nữa, kể cả bản tính tự nhiên của con người, khi biến nó thành một thứ công cụ cho các phần hành được con người tùy tiện thực hiện theo sở thích, để xây dựng một thế giới được cho là tốt đẹp hơn và một nhân loại hạnh phúc hơn. Thế nhưng, trái lại, dự án của Đấng Hóa Công lại bị hủy diệt như sự thật về bản tính tự nhiên của chúng ta bị hủy diệt vậy.
Con Cái
Trong
cả việc sinh sản con cái, hôn nhân cũng phản ảnh mô phạm thần linh của mình,
phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nơi con người nam và nữ, nơi
tình phụ tử và mẫu tử, như xẩy ra với cả thân thể lẫn tình yêu, đừng để cho
chúng bị hạn hẹp vào thể lý: sự sống hoàn toàn được ban tặng chỉ khi nào, qua
việc sinh sản, tình yêu cùng với ý nghĩa làm cho tình yêu có thể chấp nhận sự
sống ấy được thể hiện. Chính vì thế mới thấy rõ được ngược nghịch đến mức nào
với tình yêu của nhân loại, với ơn gọi sâu xa của một người nam và một người nữ,
khi cuộc hiệp hôn không muốn trao tặng sự sống, hoặc tệ hơn nữa, muốn tiêu diệt
hay mạo dụng sự sống đang được cưu mang.
Tuy nhiên, không một con người nam hay nữ nào, theo quyền lực của mình và bởi quyền lực của mình, có thể trao ban yêu thương và ý nghĩa của đời sống một cách xứng hợp cho con cái của mình cả. Để có thể nói với một ai đó rằng: “cuộc sống của anh chị tốt đẹp, cho dù tôi không biết tương lai của anh chị ra sao cả”, cần phải có một thẩm quyền cao cấp cũng như uy tín là những gì cá nhân con người không thể tự mình cống hiến nổi. Thành phần Kitô hữu biết rằng thẩm quyền được ban cho gia đình lớn hơn được Thiên Chúa, qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và tặng ân Thánh Linh, đã tác tạo trong lịch sử loài người, đó là cho Giáo Hội. Thẩm quyền đó nhìn nhận tác động của tình yêu vĩnh hằng và bất diệt này là những gì bảo đảm ý nghĩa vĩnh viễn cho đời sống của mỗi người chúng ta, cho dù chúng ta không biết được tương lai.
Đó là lý do việc xây dựng mỗi một gia đình Kitô hữu có liên hệ với đại gia đình Giáo Hội, một đại gia đình bảo trì nó và ấp ủ nó, cùng bảo đảm ý nghĩa cho nó, và trong tương lai sẽ được Đấng Hóa Công ‘chấp nhận’. Và, ngược lại, Giáo Hội được xây dựng bởi các gia đình, “những Giáo Hội tại gia”, như Công Đồng Chung Vaticanô II gọi như thế (“Lumen Gentium”, 11; “Apostolicam Actuasitatem”, 11), khi lập lại lời diễn tả của vị giáo phụ ngày xưa (Thánh John Chrysostom, “In Genesim serm, “VI,2; VII,1). Theo ý nghĩa này, tông huấn “Familiaris Consortio” khẳng định rằng “Hôn nhân Kitô giáo… là những gì tạo nên một chỗ tự nhiên cho việc con người được tháp nhập vào đại gia đình của Giáo Hội” (số 15).
(xin xem tiếp ngày mai)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit 9-10/6/2005
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo Hoàng xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa
Chính sự kiện Đức Gioan Phaolô II đã sống và chết cho Lòng Thương Xót Chúa đã là những gì chứng tỏ cho thấy ngài thực sự xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa.
Thật vậy, vào ngay trước Thế Chiến Thứ Hai, khi ngài còn là một thanh thiếu niên, Chúa Giêsu đã nói với chị Thánh Faustina về ngài, và đã được chị Thánh viết ra trong cuốn Nhật Ký của mình ở đoạn 1732, đoạn cũng đã được chính ĐTC GPII trích lại ở bài giảng của mình ngày Thứ Bảy 17/8/2002 trong Thánh Lễ Cung Hiến Đền Thờ Chúa Tình Thương ở Balan: “Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming)”.
Đúng thế, vào ngày Thứ Hai 16/10/1978, “tia sáng phát ra từ Balan” này đã bất ngờ xuất hiện tại lan can Đền Thờ Thánh Phêrô trước con mắt đầy ngỡ ngàng và sửng sốt của toàn thế giới, với tư cách là một vị tân giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm, vị giáo hoàng đến ‘từ một xứ sở xa xôi’, đến từ một nước cộng sản. Chính ngài đã thú nhận ngài đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, hay nói cách khác, trước khi làm giáo hoàng, ngài đã chịu ảnh hưởng bởi sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa gửi cho thế giới qua chị Thánh Faustina.
Thật vậy, trong tác phẩm cuối cùng của mình, cuốn “Hoài Niệm và Căn Tính”, xuất bản 1 tháng trước khi ngài qua đời, ở đầu chương 2 với tựa đề “những ý hệ sự dữ”, ngài đã đề cập đến 3 Thông Điệp về Ba Ngôi Thiên Chúa, Thông Điệp Thứ Nhất về Chúa Con là Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis, ban hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay ngày 4/3/1979; Thông Điệp Thứ Hai về Chúa Cha là Thông Điệp Giầu Lòng Xót Thương - Dives in Misericordia, ban hành ngày 30/11/1980, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng; và Thông Điệp Thứ Ba về Chúa Thánh Thần là Thông Điệp Là Chúa và Là Đấng Ban Sự Sống – Dominum et Vivificantem, ban hành ngày 18/5/1986, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Riêng Thông Điệp về Chúa Cha với tựa đề “Giầu Lòng Thương Xót”, ngài đã cho biết là ngài chịu ảnh hưởng của sứ điệp Chúa Tình Thương gửi chị Thánh Faustina như sau:
“Tất cả những gì tôi viết trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, tôi đã mang theo tôi từ Balan. Cũng thế, những chia sẻ trong Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia là hoa trái kinh nghiệm mục vụ của tôi ở Balan, nhất là ở Krakow. Đó là nơi Thánh Faustina Kowalska được chôn cất, vị đã được Chúa Giêsu chọn để làm người chuyển đạt đặc biệt khôn ngoan cho sự thật về Lòng Thương Xót Chúa. Đối với nữ tu Faustina, sự thật này đã dẫn chị đến một đời sống thần bí hết sức sâu xa. Chị là một con người chất phác, thất học, nhưng ai đọc Nhật Ký viết về những khải thị của chị đều lấy làm bàng hoàng trước cảm nghiệm thần bí sâu xa của chị.
"Tôi đề cập đến Nữ Tu Faustina là bởi vì những khải thị của chị, những khải thị được tập trung vào mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa, đã xẩy ra vào giai đoạn trước Thế Chiến Thứ Hai. Đó chính là thời điểm đang hình thành những ý hệ sự dữ là chủ nghĩa Nazi Đức Quốc Xã và chủ nghĩa cộng sản. Nữ Tư Faustina đã trở thành vị loan báo một sứ điệp có khả năng dập tắt sự dữ của những thứ ý hệ ấy, ở chỗ, Thiên Chúa là Tình Thương – sư thật về một Chúa Kitô nhân hậu. Chính vì lý do ấy mà khi tôi được kêu gọi đến Tòa Thánh Phêrô, tôi cảm thấy bị thúc bách truyền đạt những cảm nghiệm của một con người đồng hương Balan, những cảm nghiệm đáng có một vị thế nơi kho tàng của Giáo Hội hoàn vũ” (ấn bản Anh ngữ, 2005, trang 5-6).
Chưa hết, ở chương 10 với tựa đề “Mầu Nhiệm Tình Thương”, ngài còn nhắc đến chị Faustina một lần nữa. Sau khi nói đến việc Vua Đavít phạm cả tội ngoại tình lẫn sát nhân chồng của người vua ngoại tình, cũng như sau khi đề cập tới bài Thánh Vịnh Xin Thương Xót của vị vua thống hối này, ngài đã đặt vấn đề “Tình thương vô cùng của Chúa Cha từ đâu mà ra?”, và đã dẫn giải bài Thánh Vịnh Xin Thương Xót của vị vua này theo ý nghĩa Tân Ước, khi đặt bài này vào môi miệng Chúa Kitô là Người Con đã bị Cha biến thành tội lỗi vì chúng ta. Tuy nhiên, sau đó, ngài đã chuyển ý nghĩa của Lòng Thương Xót Chúa từ Tử Giá sang Phục Sinh theo chiều hướng sứ điệp được chị Faustina như sau:
“Vấn đề quan trọng ở đây là Nữ Tu Faustina đã thấy Người Con này như Vị Thiên Chúa nhân hậu, tuy nhiên, chị đã chiêm ngưỡng Người không ở trên Thập Tự Giá cho bằng trạng thái phục sinh vinh hiển sau đó của Người. Như thế, chị đã liên kết cảm quan thần nhiệm của mình với mầu nhiệm Phục Sinh, một mầu nhiệm Chúa Kitô đã tỏ ra chiến thắng tội lỗi và sự chết (x Jn 20:19-23).
"Ở đây tôi muốn nói về Nữ Tu Faustina cũng như về việc tôn sùng Chúa Kitô nhân hậu được chị phát động, là bởi vì chị cũng thuộc về thời đại của chúng ta đây. Chị đã sống ở các thập niên đầu thế kỷ 20 và đã chết trước Thế Chiến Thứ Hai. Chính trong giai đoạn này mà mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa đã được mạc khải cho chị, và những gì chị nghiệm cảm thấy chị đều ghi lại trong cuốn Nhật Ký của chị. Đối với những ai sống sót sau Thế Chiến Thứ Hai thì Nhật Ký của Thánh Faustina giống như một cuốn Phúc Âm đặc biệt về Lòng Thương Xót Chúa, một cuốn phúc âm được viết theo quan điểm của thế kỷ 20. Dân chúng ở vào thời điểm này đã hiểu được sứ điệp của chị. Họ hiểu được sứ điệp ấy theo ánh sáng của việc gia tăng sự dữ thảm khốc trong Thế Chiến Thứ Hai và tính cách tàn bạo của những chế độ độc tài… Bài học này được rút tỉa từ tất cả những điều ấy là những gì quan trọng chẳng những đối với người Balan mà còn ở hết mọi phần đất trên thế giới có sự hiện diện của Giáo Hội. Điều này được sáng tỏ trong cuộc phong chân phước và hiển thánh cho Nữ Tư Faustina. Chúa Kitô như thể muốn nói qua chị rằng ‘Sự dữ không phải là phán quyết cuối cùng!’ Mầu Nhiệm Vượt Qua khẳng định sự thiện là những gì chiến thắng tối hậu, sự sống chiến thắng sự chết và tình yêu chiến thắng hận thù”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL