GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 13/6/2005

 

1) ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XI QN 12/5/2005 về Tầm Quan Trọng của Việc Tham Dự Thánh Lễ Chúa Nhật

2) ĐTC BĐXVI sẽ gặp gỡ các viên chức của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới

3) Một Cuốn Sách Nhặc Lại Việc Thánh Nữ Edith Chống Lại Chủ Nghĩa Đức Quốc Nazi

4) ĐTC BĐXVI với các Vị Giám Mục Phi Châu về việc chống Hội Chứng Liệt Kháng bằng Đức Thanh Tịnh

5) Vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí kiêm Phát Ngôn Viên của Tòa Thánh Joaquín Navarro Valls được Tổng Thống Ý tặng Giải Ký Giả Vincent

  

 

  

ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XI QN 12/5/2005 về Tầm Quan Trọng của Việc Tham Dự Thánh Lễ Chúa Nhật

 

Cho 40 ngàn người hiện diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô hôm nay, ĐTC BĐXVI đã ban huấn từ trước khi Nguyện Kinh Truyền Tin theo thường lệ vào mỗi ngày Chúa Nhật nguyên văn về việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật như sau:

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Năm Thánh Thể do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yếu của chúng ta khai mở tiếp tục tái khơi động lên hơn bao giờ hết trong lương tâm của tín hữu việc chiêm ngắm đối với đại Bí Tích này. Trong thời điểm Thánh Thể đặc biệt này, một trong những đề tài được lập đi lập lại đó là Chúa Nhật, Ngày của Chúa, một đề tài cũng là tâm điểm của Hội Nghị Thánh Thể Ý quốc mới đây ở Bari. Trong việc cử hành kết thúc, tôi cũng đã nhấn mạnh đến việc người Công giáo phải làm sao tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật không phải như là một điều gì bị áp đặt hay là một gánh nặng, mà là một nhu cầu và là một niềm vui. Việc gặp gỡ anh chị em, việc nghe Lời Chúa và việc được Chúa Kitô hiến tế vì chúng ta nuôi dưỡng, là một cảm nghiệm làm cho đời sống có ý nghĩa, một cảm nghiệm làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy bình an. Không có Chúa Nhật người Công giáo chúng ta không thể nào sống được.

 

Đó là lý do những người làm cha làm mẹ được kêu gọi để giúp cho con cái của mình nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của việc đáp ứng lời mời gọi của Chúa Kitô, Đấng kêu gọi toàn thể gia đình Kitô hữu đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Trong nỗ lực giáo dục này, giai đoạn quan trọng đặc biệt là giai đoạn rước lễ lần đầu, một cử hành thực sự cho cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng tiếp nhận lần đầu tiên những em nhỏ nhất đến Bàn Tiệc Chúa.

 

Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biến cố này đối với gia đình cũng như đối với giáo xứ, vào ngày 15/10 tới đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ có một cuộc họp đặc biệt tại Vatican về giáo lý cho trẻ em, nhất là các em ở Rôma và Latium, những em trong năm nay đã rước lễ lần đầu. Cuộc gặp gỡ vui tươi này sẽ diễn ra hầu như vào cuối Năm Thánh Thể, trong thời gian Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ đang diễn tiến về mầu nhiệm Thánh Thể. Cuộc gặp gỡ này sẽ là một cơ hội thuận lợi và tốt đẹp để nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của bí tích Thánh Thể trong việc đào luyện và tăng trưởng thiêng liêng của trẻ em.

 

Từ nay trở đi, tôi xin dâng cuộc gặp gỡ này cho Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ dạy cho chúng ta biết yêu mến Chúa Giêsu hơn bao giờ hết, liên lỉ suy niệm Lời của Người và tôn thờ Người hiện diện trong Thánh Thể, và giúp chúng ta làm cho các thế hệ trẻ khám phá ra “việc châu ngọc” Thánh Thể là những gì làm cho cuộc sống có nghĩa lý thật sự và trọn vẹn.

 

 

TOP

 

 

ĐTC BĐXVI sẽ gặp gỡ các viên chức của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới

 

Hội Đồng Tòa Thánh về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo cho biết là vào ngày Thứ Năm 16/6/2005, ĐTC BĐXVI sẽ gặp các vị đại diện Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới.

 

Mục sư Samuel Kobia, tổng thjư ký của tổ chức này cùng với phái đoàn đại biểu đã đến Rôma hôm Chúa Nhật 12/6/2005 và đã được sắp xếp để gặp gỡ những vị đại diện của Giáo Hội Công Giáo.

 

Bản thông báo của Tòa Thánh trên đây đã chi biết rằng: “Cuộc viếng thăm này, một cuộc viếng thăm đã được sắp xếp từ mấy tháng trước đây, là một phần của thói lệ liên hệ với tổ chức Geneva này cũng như với những cuộc viếng thăm Rôma chính thức trước đây của vị tổng thư ký thuộc tổ chức này”.

 

Vị tổng thư ký sẽ gặp ĐTC trong một cuộc triều kiến riêng vào ngày Thứ Năm, và ĐTC sau đó cũng sẽ gặp chung phái đoàn đại biểu của tổ chức này. Việc vị tổng thư ký Kobia đến thăm Rôma sẽ được đi kèm theo bởi vị chủ tịch của tổ chức ấy là Giám Mục Eberhardt Renz thuộc Giáo Hội Tin Lành ở Đức, và phần tử tiểu ban trung ương là ĐTGM Makarios ở Kenya và Irinoupolis thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp Alexandria và Toàn Phi Châu.

 

 

 TOP

 

 

Một Cuốn Sách Nhặc Lại Việc Thánh Nữ Edith Chống Lại Chủ Nghĩa Đức Quốc Nazi

 

Thật vậy, theo cuốn “Edith Stein e il Nazismo” (Edith Stein và Chủ Nghĩa Đức Quốc Nazi) do Città Nuova xuất bản. Cuốn sách này được hai vị giáo sư của Đại Học Lateran ở Rôma là Philippe Chenaux và Angela Ales Bello soạn dọn. Hai vị đã phân tích bức thư, nội dung của nó và những ảnh hưởng của nó. Bức thư này được công bố vào năm 2003 là năm Mật Khố Vatican công khai mở ra.

 

Trong bức thư đệ trình ĐTC Piô XII này của mình, người nữ triết gia ở Đức gốc Do Thái trở lại Công giáo và trở thành nữ tu dòng Carmêlô này (1891-1942) này, vị đã bị chính Đức Quốc Xã Nazi sát hại, đã xưng mình “là nữ tử của nhân dân Do Thái, nhờ ơn Chúa, đã trở nên nữ tử của Giáo Hội Công Giáo 11 năm rồi”.

 

Vị thánh nữ này cũng nói rằng người Do Thái không phải là nạn nhân duy nhất của Chủ Nghĩa Đức Quốc Nazi: “Cuộc chiến chống lại thế giới Công Giáo này đang diễn tiến cách lén lút và được tổ chức ít tàn bạo hơn là cuộc chiến cống Do Thái giáo, thế nhưng nó cũng được tổ chức đàng hoàng”.

 

Bức thư viết tiếp: “Tất cả chúng ta, những người chứng kiến thấy tình hình Đức quốc hiện nay như là những người con trung thành của Giáo Hội, sợ cái xấu nhất nơi hình ảnh hoàn vũ về chính Giáo Hội, nếu sự thinh lặng kéo dài lâu hơn”. Câu này cuốn sách bao gồm cả nguyên ngữ Đức quốc và lời dịch Ý ngữ.

 

Giáo sư Bello cho mạng điện toán toàn cầu Zenit biết nhận định của ông là bức thư của vị thánh đệ trình ĐGH này không phải chỉ là tác động chống đối chủ nghĩa Nazi mà thôi, mà còn là một lời “yêu cầu ĐGH hãy can thiệp theo thẩm quyền của mình. Những gì vị thánh gốc Do Thái và là nữ quan thày của Âu Châu này thực sự mong muốn đó là một bức thông điệp”. Thật thế, 4 năm sau, ĐGH đã viết thông điệp “Mit Brennender Sorge” (1937).

 

Vị thánh nữ này là một triết gia và đã viết những tác phẩm về triết lý, nhân loại học và giáo dục, như cuốn “Khoa Thập Giá Học” và cuốn “Hữu Thể Hữu Hạn, Hữu Thể Vĩnh Hằng”. Chị đã nhập dòng Carmêlô nằm 1934, với tên dòng là Benedicta of The Cross, và chết ở Trại Auschwitz ngày 9/8/1942. Chị được ĐTC GPII phong hiển thánh ngày 11/10/1998, và được cùng vị GH tuyên bố làm đồng quan thày Âu Châu (cùng với Thánh Nữ Catarina Sienna và Brigita Thụy Điển) năm 1999.

 

 

TOP
 

 

ĐTC BĐXVI với các Vị Giám Mục Phi Châu về việc chống Hội Chứng Liệt Kháng bằng Đức Thanh Tịnh

 

Hôm Thứ Sáu 10/6/2005, ĐTC BĐXVI đã tiếp các vị giám mục Phi Châu đến thăm Tòa Thánh ngũ niên của các ngài, những vị thuộc Nam Phi, Notswana, Swaziland, Namibia và Lesotho. Ngoài vấn đề ơn gọi linh mục, ngài đã nhận định về “cuộc tàn phá gây ra bởi hội chứng liệt kháng cùng các chứng bệnh liên hệ”.

 

Trong bài chia sẻ của mình bằng Anh ngữ, ĐTC nói rằng ngài thông cảm với các vị giám mục này “mối quan tâm sâu xa” về tình trạng ấy: “Tôi đặc biệt nguyện cầu cho những người góa bụa, mồ côi, những người mẹ trẻ và tất cả những ai có cuộc sống bị phân tán bởi nạn dịch rùng rợn này”.

 

Đồng thời ngài cũng khuyến khích các vị hãy cố gắng “chiến đấu với loại vi khuẩn này, loại vi khuẩn chẳng những sát hại mà còn trầm trọng đe dọa đến tình trạng ổn định về kinh tế và xã hội của châu lục này nữa”.

 

Ngài nhận định là “Giáo Hội Công Giáo bao giờ cũng đi tiên phong trong việc ngăn ngừa và chữa trị thứ bệnh ấy”. Giáo Hội Công giáo chiếm 25% các cơ quan chữa trị thành phần nạn nhân của hội chứng liệt kháng trên thế giới.

 

Giáo Hội Công giáo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vấn đề chăm sóc cho bệnh nhân bị hội chứng liệt kháng ở nam Phi Châu, cho dù ở đó người Công giáo chỉ là thiểu số: với 7% ở Nam Phi, 5.1% ở Botswana, 5.4% ở Swaziland, 20.1% ở Namibia và 41.3% ở Lesotho.

 

Về vấn đề ngăn ngừa hội chứng liệt kháng này, ĐTC bảo đảm với các vị giám mục rằng “giáo huấn truyền thống của Giáo Hội đã chứng tỏ cho thấy là đường lối duy nhất an toàn để ngăn ngừa việc lan truyền Hội Chứng Liệt Kháng hay Vi Khuẩn Liệt Kháng. Đó là lý do, cuộc tâm giao, nỗi hân hoan, niềm hạnh phúc và sự bình an do đời sống hôn nhân và lòng thủy chung Kitô giáo, cũng như việc bảo toàn bởi đức thanh tịnh, là những gì cần phải được tiếp tục trình bày cho tín hữu, nhất là cho thành phần giới trẻ”.

 

ĐTC cũng tỏ ra “hết sức lo ngại là cơ cấu của đời sống Phi Châu, nguồn mạch hy vọng và ổn định của nó, bị đe dọa bởi ly dị, phá thai, mại dâm, buôn người và một tâm thức ngừa thai, tất cả những gì góp phần vào tình trạng đổ vỡ nơi luân lý về tính dục”.

 

 

TOP

 

 

Vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí kiêm Phát Ngôn Viên của Tòa Thánh Joaquín Navarro Valls được Tổng Thống Ý tặng Giải Ký Giả Vincent

 

Thật vậy, hôm Thứ Năm 9/6/2005, Tổng Thống Ý Carlo Azeglio Ciampi đã trao tặng vị phát ngôn viên giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh Joaquín Giải Ký Giả Vincent. Ông TT Ý diễn tả về vị này như là một người “qua nhiều năm ở bên cạnh một con người phi thường đã đánh dấu lịch sử thế giới hiện đại của chúng ta, đó là Đức Gioan Phaolô II”.

 

“Niềm nhớ thương về cái chết của ngài vẫn không lịm tắt nơi tất cả chúng ta”, vị TT này nói những lời này với những giọt lệ trên khóe mắt.

 

Vị TT Ý quốc đã nhắc lại rằng ĐGH Gioan Phaolô II đã cống hiến cho thế giới “một mẫu gương phi thường về việc truyền thông tân tiến, mở đường đối thoại với giới trẻ, thắng vượt những khó khăn của thế hệ, của tục lệ, của chủng tộc và của tôn giáo”.

 

Phần thưởng ký giả này, một trong những giải có giá nhất ở Âu Châu, được ban tặng miền tự trị Val d’Aosta với sự bảo trợ của tổng thống cộng hóa Ý quốc, với sự tán thành của Liên Hiệp Quốc Gia Báo Chí Ý Quốc và Ký Giả Đoàn.

 

Vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh Navarro Valls đã nói với tờ nhật báo II Secolo d’Itaalia là ông sẽ tiếp tục chức vụ của mình dưới giáo triều của ĐTC Biển Đức XVI, một chức vụ ông đã được ĐTC GPII mời làm từ năm 1984. Ông phát biểu cảm tưởng là: “Không dễ gì mà nói ‘không’ với một vị Giáo Hoàng”.

 

 

TOP

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ