GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 19/6/2005,

CN XII QUANH NĂM

 

1) THÁNH THỂ – BÌNH AN SAU BẠO LỰC

2) Bí Tích Thánh Thể trong Giáo Triều ĐTC Biển Đức XVI

3) NGUỒN GỐC NHÂN CHỦNG HỌC CỦA GIA ĐÌNH

  

  

THÁNH THỂ – BÌNH AN SAU BẠO LỰC

 

Khi trực diện với Thánh Thể, ta chợt cảm thấy được một sự bình an và trầm tĩnh, được thoát khỏi những thứ xáo trộn, nhọc nhằn, và náo loạn của một thế giới bận rộn với biết bao nhiêu là vấn đề.  Nơi đây chúng ta tìm thấy được niềm an bình và nghỉ ngơi cho một tâm hồn rã rượi.  Ngọn đèn chầu hiu quạnh lung linh mời gọi chúng ta hướng tâm trí mình về sự hiện diện thực sống động của Thiên Chúa và cũng là Đấng Cứu Độ, Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta - Người chính là một con người tù nhân cô đơn trong Nhà Tạm.

 

Ở nơi đây không có dấu vết gì là của bạo động, đớn đau hay khổ sầu; của cảnh thịt da nát tan, bầm dập, đẫm máu hay chết chóc.  Bầu không khí nơi đây hoàn toàn trầm tĩnh, bình an, và thinh lặng.  Ở nơi đây có một Cuộc Sống đã không hề thay đổi và không thể nào thay đổi;  cũng ở tại nơi đây có cả trạng thái bình yên sau cuộc chiến thắng chết chóc.  Thế nhưng, sự yên tĩnh này chỉ đến sau cơn bão tố, khi những gì bạo động của chiến tranh đã qua đi và tình trạng hỗn loạn được dịu lắng xuống.  Trước khi sự hiện diện sống động của Bí Tích Thánh Thể làm phát sinh ra thứ bình an này, đã xẩy ra cảnh thịt da tan nát, bầm dập, đẫm máu và chết chóc.  Chúng ta đã quá dễ quên đi rằng Bí Tích này cũng là một tưởng niệm cho biết bao nhiêu là khổ đau và hy sinh đó.

 

Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ là Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô, lại càng không phải chỉ là dạng thức của bánh hay rượu; nhưng đây chính là mối kết hợp của cả hai.  Sự kết hợp giữa bản chất vô hình của Mình và Máu Chúa Kitô với những bức màn bí tích hữu hình bề ngoài, hay với ‘những tùy thể’ bánh và rượu cũng thế, là sự kết hợp làm cho Bí Tích thần linh nhất trong tất cả mọi Bí Tích này mới được ban cho chúng ta bằng cả yếu tố hữu hình lẫn vô hình của bí tích ấy, qua cửa ngõ chết chóc và bạo lực.

 

‘Amen, amen, Ta bảo thật cho các con, nếu một hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi; nó sẽ vẫn còn nguyên như vậy.  Nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ đem lại nhiều bông hạt’ (Jn XII, 25).  Trước khi tấm bánh miến trắng tinh được làm ra, hạt lúa mì đã phải rơi xuống đất và chết đi ở đó, để những hạt giống khác được trổ bông.  Chỉ khi hạt giống chịu hy sinh và mục nát đi nó mới có thể sinh ra dồi dào những hạt lúa mì khác để được dùng làm bánh hiến tế.  Xin nhớ rằng, những hạt lúa mì được phát sinh này, những hạt lúa đã được trổ bông do bởi sự tiêu hủy của hạt giống trồng ra nó, cần phải bị nghiền tán ra, bị dập nát đi, và bị xay ra thành bột dưới sức nặng của cối đá xay, chúng mới có thể trở thành tấm bánh không men, trắng và tinh tuyền, sẵn sàng cho tác động hiến dâng.

 

Để cất rượu cũng cần phải có những chùm nho chín mọng, bị nghiền ra trong vạc ép nho, bị tan nát, dẹp dúm và tiêu rụi đi dưới những bàn chân dẫm lên, cho đến khi nước của nó – như là máu duy trì sự sống của giống nho - được chảy ra để trở thành rượu.  Những trái nho này đã phải đổ máu của nó ra và chết đi để nó có thể trở thành rượu cho việc hiến tế.

 

Chúa Giêsu cũng đã phải như bị nghiền ra nơi vạc ép nho trong cơn hấp hối của Người ở vườn Giệt-sê-ma-ni; linh hồn hoàn toàn vô tội của Người bị đè nén dưới sức nặng kinh khủng của tội cho đến khi trong cơn thống khổ cay đắng Người đã đổ mồ hôi máu; Người đã chịu đau khổ như những trái nho ở vào lúc chảy nước ra, để chuẩn bị chính mình cho cái chết.  Sau đó, thân thể Người còn phải bị xé rách bươm ra, bầm dập và tan nát do những trận roi đòn, để một lần nữa Máu quý giá của Người được tuôn ra rơi xuống trên mặt đất.  Trong hành động dã man Người được một vương miện bằng gai nhọn hoắt ấn lên đầu, trước cảnh đùa giỡn, chế giễu, và miệt khinh quyền làm vua chính đáng của Người trên nhân loại.  Bị đè xuống dưới cây thập tự nặng nề, cây thập tự mà cũng chính là lễ đài hiến tế của Người, Chúa đã bị xua dẫn đi để rưới Máu mình lên con đường đến đồi Canvê; đến ngọn đồi Người bị đóng đinh vào thập tự và bị bỏ thí cho chết tức tưởi trên cây giá ô nhục ấy.  Từng giọt một, Người đổ máu quí giá mình ra trong cơn thống khổ buồn sầu cho đến lúc trút linh hồn mà chết đi, sau khi đã ban cho chúng ta ơn cứu độ đến giọt máu cuối cùng.  Chúa chính là nạn nhân của tình yêu bất tận cho loài người tội lỗi; con Chiên bị sát tế để xóa đi mọi tội lỗi của thế giới, tự cam chịu  trừng phạt vì tội lỗi của kẻ khác để cho nhân loại được sống.

 

Tất cả ơn ích này đã đến với chúng ta sau một cơn bạo cuồng, máu đổ và chết chóc, dưới tấm màn che của lễ dâng hữu hình và trong tính chất ẩn kín là Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.  Món quà quý báu này đã được ban cho chúng ta trong một bối cảnh rất lạ lùng.  Các tông đồ thì nhút nhát và sợ hãi, biết rằng một người trong nhóm họ sẽ phản Thầy mình; lúc đó họ lại thêm bị ảnh hưởng bởi tư thái là lạ của Thầy là Đức Giêsu - Người đang buồn sầu đến chết đi được nhưng lại yêu thương mãnh liệt những con người vụng về, ương bướng mà chính Người đã chọn như làm của riêng mình.  Chúa đã ban cho các môn đệ này một điều răn mới là ‘các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con’.  Người cảnh cáo họ trước về những nguy hiểm họ sẽ gặp phải và cũng cầu nguyện cho họ;  bầu không khí lúc ấy đầy những điềm báo nguy cơ sắp đến và nỗi bồn chồn, cùng với những mối lo sợ vu vơ và đau khổ.  Chính trong giây phút hoang mang và lo lắng ấy, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh trong đôi tay thánh của Người mà đọc lời chúc tụng, ngước mắt lên trời, làm phép bánh và bẻ ra mà phán ‘các con hãy cầm lấy mà ăn vì ĐÂY LÀ MÌNH THẦY.’  Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén rượu mà phán ‘các con hãy cầm lấy mà uống vì ĐÂY CHÍNH LÀ CHÉN MÁU THẦY SẼ ĐƯỢC ĐỔ RA CHO CÁC CON’. ‘Các con hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy.

 

Lúc đó Chúa Giêsu như muốn nói rằng: ‘Biến cố này sẽ mãi mãi là một việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Cha, của Máu Cha đã tuôn đổ, của cơn bạo cuồng Cha đã trải qua, và của cái chết tức tưởi Cha đã phải chịu; đây là di chúc và là chứng cớ cuối cùng của Cha, món quà cuối cùng và quý giá nhất Cha ban tặng cho loài người, là biểu hiệu cho tình yêu vô tận chịu tử giá vì tội lỗi của thế giới.  Bí Tích Thánh Thể thực sự đã được ban cho chúng ta qua cơn bạo cuồng và bằng một cái chết; tuy nhiên, giờ đây Đức Kitô đang sống trong bình an và yên tĩnh, trong thinh lặng trầm lắng trên cung thánh, bởi vì niềm vui của Người là được ở cùng con cái loài người cho đến ngày tận thế; Người muốn là niềm an ủi trong cơn bối rối của họ, là sức mạnh nâng đỡ bản tính yếu đuối hư hại của con người.

 

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thoát khỏi cảnh bạo cuồng, đau khổ và cái chết không?  Phần chúng ta không cần có hy sinh gì đáp lại hay sao? ‘Nếu ai muốn theo Thầy, người ấy hãy tự bỏ mình đi, vác lấy thập giá mình mà theo Thày’.  Không, chúng ta không được trốn tránh!  Nhờ sức mạnh lấy được từ của ăn đàng này, chúng ta phải mạnh mẽ thực hiện việc tự ý bỏ mình, vác lấy thập giá mình, gắng gỏi lê bước đi theo Chúa, và cố gắng noi gương bắt chước Chúa.  Tự ý từ bỏ con người của mình, theo một ý nghĩa nào đó, là tự bạo hành với bản thân mình, là tự hy sinh.  Cũng như hạt lúa mì cần phải chết đi, chúng ta cũng phải chết đi đối với con người của mình hầu làm nẩy sinh nhiều hoa trái.  ‘Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, và ai hy sinh mạng sống mình vì Thầy sẽ lại giữ được nó’ (Matt. X, 39).

 

Chúng ta phải chết đi cho chính mình để có thể sống cho Chúa.  Chỉ khi nào chúng ta biết từ bỏ ý riêng mình chúng ta mới có thể tăng sức cho linh hồn, mới có thể chống chọi lại với khuynh hướng bẩm sinh xấu xa tai hại của con người.  Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng của mình qua việc vâng lời những bậc có thẩm quyền chính đáng; ưu ái và bác ái coi người khác hơn mình; tuân phục Thiên Chúa như con trẻ đối với cha mình.  Chúng ta phải tự vác lấy thập giá của mình hằng ngày.  Ngày nào cũng có những phiền phức của ngày đó, cùng với những khó khăn nhỏ nhoi, và nhiều thứ khác đi ngược lại với ý muốn riêng của mỗi người.  Những thử thách hằng ngày chúng ta phải gánh vác một cách nhẫn nại chính là thập giá mình; không thể trốn tránh được.  Tuy nhiên, có nhiều lúc chúng ta không nhận ra được thánh giá mà lại để rơi xuống đất, khi chúng ta trở nên phẫn uất bực bội, cáu kỉnh và than van, thiếu kiên nhẫn.  Tưởng rằng mình sẵn sàng vác thánh giá khổng lồ vì yêu mến Chúa, mà lại không chịu đựng được những thử thách nhỏ nhoi thực sự là thánh giá của mình.  Cái bé không khiêng được, làm sao gánh vác cái lớn?  Chúng ta tự lừa dối mình khi nghĩ rằng mình mạnh mẽ, trong khi thật sự chúng ta rất yếu đuối và thểu não trước khó khăn của những thử thách rất nhỏ nhoi đối với đức nhẫn nại của mình.

 

Chúng ta phải bước theo chân Chúa bằng cách bắt chước gương của Người.  Một đức tính cao cả của cuộc đời Chúa Giêsu đó là lòng nhân hậu và bác ái của Người đối với tất cả mọi người.  Chúa đòi hỏi là nếu chúng ta muốn cho mình là những kẻ theo Người, ta phải yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương chúng ta. ‘Cứ theo dấu này mà mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau.’  Chúng ta thường thiếu sót trong việc thể hiện tình huynh đệ đối với nhau. Có câu nói là những người sùng đạo thì thường khắc nghiệt và hay chỉ trích qua lối hành xử của họ, còn những người xem ra tội lỗi thì lại tỏ ra bác ái và độ lượng hơn.  Điều này thường rất đúng.  Tuy rước lễ thường xuyên, những người mộ đạo thường rất mau mắn đổ thừa, phê bình chỉ trích, bắt lỗi, và hạn hẹp trong cách phán đoán người khác, tự biểu lộ đức tính kiêu hãnh như người Pharisiêu, khi cho rằng mình tốt lành; tuy những người này có thể không ý thức được điều ấy, nhưng đó chính là nguyên do thái độ phê bình chỉ trích người khác của họ.  ‘Tạ ơn Chúa tôi không phải như những kẻ khác.’  Chúng ta phải cố gắng tập luyện dẹp bỏ đi tính kiêu hãnh để tự chết đi cho mình, hầu tập tành nhân đức hy sinh.

 

Đừng đoán xét để khỏi bị xét đoán.  Con đường Thiên Chúa đã đi qua là một con đường của tình xót thương đối với tội nhân, của lòng nhân hậu cho những ai đang thiếu thốn, của sự cảm thông cho mọi hoàn cảnh khốn khổ của con người; Chúa đã luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai đang khốn khổ, chữa lành kẻ ốm đau, chữa trị kẻ tật nguyền, và giải thoát con người khỏi mọi khổ đau và chứng bệnh nan y.  Chúa đã hứa rằng dù là một cử chỉ cho ai uống một ly nước lã vì danh Người cũng sẽ được thưởng.  ‘Amen, Ta bảo thật các con, nếu các con làm việc ấy cho một người anh em hèn mọn nhất, các con đã làm cho chính Ta’.  Chúa coi mình đồng nhất với mọi người, nên chúng ta cũng phải bắt chước Người, trên hết là đức bác ái.  Chúa đã vì chúng ta tự hiến mình một cách đắng cay và bằng việc chết đi; chúng ta cũng phải tự chết đi cho mình vì anh em đồng loại, và cho Chúa nữa, hầu chúng ta thực sự được sống.

 

Bí Tích Thánh Thể là một biểu lộ về cái chết của chính Thiên Chúa cho đến khi Người đến một lần nữa.  Đối với chúng ta, điều này phải là những gì luôn nhắc nhở cho chúng ta nhớ đến sự hy sinh của Người, của máu Người đã đổ ra, và của cái chết tàn khốc và tức tưởi của Người trên Thánh Giá vì yêu thương chúng ta.  Điều này cũng phải giúp cho chúng ta biết tự hy sinh mình, chết đi cho mình qua việc từ bỏ ý riêng, phục vụ người khác trong đức bác ái, và hoàn toàn tự phó thác mình cho Thánh Ý Chúa.  Đó chính là sự hy sinh thật sự và duy nhất mà chúng ta có thể làm, là hoàn toàn và trọn vẹn phó thác cho Thánh Ý Chúa.  Chỉ có như vậy chúng ta mới thật sự được sống và sống một cách viên mãn, ở chỗ tự chết đi cho mình và sống trọn vẹn cho Chúa.

 

Chính từ Thánh Thể chúng ta mới có thể rút được tất cả nghị lực để làm việc này, và còn hơn nữa.  ‘Tôi sẽ làm được mọi việc trong Chúa, Đấng tăng sức cho tôi.’

 

‘Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Cha.’

 

                                                           

Thanh Gương

 

10 tháng 6, 2005

                                                                                   

* chuyển dịch từ The Everyday Catholic – a Guide to Steady Growth in Holiness: ‘The Blessed Sacrament – Peace after Violence.’; Martin Harrisson, O.P. – Roman Catholic Books

 

TOP

 

 

Bí Tích Thánh Thể trong Giáo Triều ĐTC Biển Đức XVI

 

Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, giáo sư thần học và Thánh Kinh ở Đại Học Phanxicô Steubenville, Scott Hahn, vị kiêm giám đốc Trung Tâm Thánh Phaolô da985c trách Thần Học Thánh Kinh và là tác giả cuốn “Bữa Tiệc Ly của Con Chiên: Thánh Lễ như Trời trên Mặt Đất” (Doubleday), cho biết là các giáo huấn của ĐTC BĐXVI sẽ tăng bổ kiến thức và cảm nghiệm của tín hữu về Thánh Thể.

 

Vấn:     Điều gì chuyên biệt về việc ĐHY Ratzinger trước đây đối với Thánh Thể?

 

Đáp:    Tôi không nghĩ là có bất cứ một thần học gia nào từ Matthias Scheeben ở thế kỷ 19 đã cho chúng ta thấy được một mối tương quan sâu xa về tất cả mọi mầu nhiệm Kitô hữu. Tín lý về Thánh Thể, đối với ĐHY Ratzinger, không thể nào nghiên cứu hay diễn tả cho thích hợp mà lại tách lìa khỏi tín lý về Chúa Ba Ngôi, tín lý về nhập thể và tín lý về Giáo Hội.

 

Chính Thánh Thể là một mầu nhiệm Ba Ngôi; chúng ta không thể nhận lãnh Con mà không lãnh nhận Cha là Đấng đã sai Con đến trong xác thịt cũng như lãnh nhận Thần Linh là Đấng hiện thực việc nhập thể của Người. Ba Ngôi đến với chúng ta nơi Thánh Thể. Và vì Ba Ngôi đến với chúng ta mà chúng ta đã được nâng lên tham hưởng sự hiện diện của vinh quang thần linh.

 

Mầu nhiệm này liên hệ với Nhập Thể vì mầu nhiệm ấy không phải chỉ là một biến cố lịch sử thuộc về quá khứ, mà là một thực tại liên tục – một mầu nhiệm siêu nhiên – ở giữa chúng ta. Tất cả đều liên hệ với nhau.

 

Khoa giáo hội học của ĐHY Ratzinger, tức thần học về Giáo Hội của ngài, là thần học về Thánh Thể, nhập thể và Ba Ngôi. Thần học về Thánh Thể của ngài cũng thế là thần học về giáo hội, nhập thể và Ba Ngôi.

 

Vấn:     ĐHY Ratzinger thường diễn tả Thánh Thể như là “tâm điểm của cuộc sống”. Ngài có ý nói gì qua lời diễn đạt này?

 

Đáp:    Thánh Thể là việc chúng ta gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Đó là tâm điểm của cuộc sống. Đó là nguồn mạch của cuộc đời. Đó là tộït đỉnh của đời sống. Hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi là chính ý nghĩa của thiên đàng, không còn một ý nghĩa nào hơn thế nữa. Điều lạ lùng là chúng có thiên đàng ở nơi mọi Thánh Lễ.

 

Đó là đề tài được Hồng Y Ratzinder trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ngài. Việc Chúa Giêsu Kitô tới – việc được Tân Ước Hy Lạp gọi là “parousia”, không phải chỉ là một biến cố xa xôi nào đó. Chính Người hiện diện nơi Thánh Thể.

 

Thành phần bảo thủ biến ý nghĩa “parousia” thành việc Chúa Kitô đến vào ngày cùng tháng tận; thế nhưng, đối với những người nói tiếng Hy Lạp ở thế kỷ đầu tiên thì chữ này có nghĩa là “hiện diện”. Thần học Công giáo đã chủ trương ý nghĩa từ ban đầu này.

 

Trong tác phẩm “Cánh Chung” của mình, ĐHY Ratzinger đã viết: “Parousia là cường độ cao nhất và là sự hoàn trọn của phụng vụ. Vậy phụng vụ là parousia… Mỗi một Thánh Lễ đều là parousia, là việc Chúa đến, tuy nhiên Thánh Thể thậm chí còn thực sự là khát vọng thiết tha mong thấy Người tỏ hiện Vinh Hiển ẩn khuất của Người ra.  

Vấn:     Ông nghĩ những giáo huấn của ĐGH BĐXVI sẽ làm tăng bổ kiến thức và cảm nghiệm của tín hữu về Thánh Thể ra sao trong thời gian còn lại của Năm Thánh Thể?

           

Đáp:    Rất nhiều người trong ngành truyền thông đã cho rằng ngài là một phục hồi viên, rất muốn thực hiện một cuộc trở về với những hình thức thờ phượng trước Công Đồng Chung Vaticanô II. Thế nhưng, họ đã hụt mất ý hướng của ngài. Vấn đề không phải là việc phục hồi phụng vụ cho bằng biệc tái xứng hợp với, tái hợp xứng với mầu nhiệm Thánh Thể vừa có tính cách thần linh vừa có tính cách nhân loại.

 

Sau Công Đồng Chung Vaticanô II, một số thần học gia đã cố gắng dân chủ hóa Giáo Hội và trần tục hóa phụng vụ bằng cách biến mầu nhiệm này thành một cuộc tranh luận giữa thành phần được gọi là bảo thủ và thành phần cấp tiến.

 

ĐHY Ratzinger thích trở về với các nguồn cổ kính là Thánh Kinh – cả Cựu lẫn Tân Ước – và Thánh Truyền, cũng như những thần học gia nổi tiếng nhất. Chỉ nhờ có “việc tái về nguồn” như thế aggiornamento (việc canh tân thích nghi) mới thực sự được thể hiện mà thôi.

 

Tôi nghĩ rằng ĐGH BĐXVI sẽ hóa giải vấn đề chính trị Thánh Thể. Ngài sẽ hướng chú ý của chúng ta xa rời những vấn đề sôi bỏng nhưng thật ra chỉ là những vấn đề nông nổi, chẳng hạn như những vấn đề về ngôn từ và trang hoàng phụng vụ.

 

Như thế không có nghĩa là ngài chẳng có nghĩ gì về các vấn đề ấy. Ngài quả thực là có, và ngài đã diễn tả chúng ra bằng nhiều cách thức sắc bén. Thế nhưng, ngài bao giờ cũng rút tỉa những ý nghĩ của mình từ việc nghiên cứu sâu xa về thần học và lịch sử, cũng như từ việc cầu riêng riêng tư của ngài.

 

Tôi tin rằng ngài sẽ xin chúng ta hãy vào sâu hơn nữa những nguồn mạch này, nhất là thành phần Công giáo nói, dạy, viết và hướng dẫn những người khác trong lãnh vực thần học, phụng vụ v.v. Từ các nguồn mạch sâu xa nghiên cứu và nguyện cầu này, ngài sẽ hướng dẫn chúng ta đến việc tái linh thánh hóa thực sự phụng vụ.


Vấn:     Nếu những vấn đề ấy là những vấn đề nông nổi thì đâu là vấn đề cốt lõi?

           

Đáp:    Thánh Thể kiến tạo nên một mối liên hệ thịt máu – mối liên hệ gia đình – giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đây là một đề tài khác được nhắc đi nhắc lại trong các sách vở của ngài. Nó là một triều sóng  trong tác phẩm “Nhiều Tôn Giáo – Một Giao Ước” và “Ý Nghĩa của Tình Huynh Đệ Kitô Hữu”.

 

Chúa Kitô đã mặc lấy xác thịt của con người để ban xác thịt ấy vì chúng ta cũng như để ban xác thịt ấy cho chúng ta. Phụng vụ Thánh Thể là một bữa giao ước hiến tế. Thánh Thể tái lập giáo ước và mọi giao ước đều niêm ấn mối liên hệ gia đình. Như Con Thiên Chúa trở thành con người thế nào, chúng ta cũng được trở thành thần linh như thế – “thành những người con trong Người Con”, một thành ngữ nổi tiếng của các Vị Giáo Phụ.


Vấn:     Vậy thì ai là phần tử của gia đình này?

 

Đáp:    Tôi tin rằng đó sẽ là một quan tâm chính yếu của giáo triều Biển Đức XVI. Ngài đã biểu l65 việc ngài thiết tha muốn đối thoại đại kết. Nếu ngài không làm gì hơn ngoài việc tiếp tục công việc ngài đã bắt đầu như một vị hồng y thì ngài sẽ nói về tín lý Thánh Thể bằng những từ ngữ Thánh Kinh mạnh mẽ, những từ ngữ sẽ có sức thuyết phục thành phần Thệ Phản Tin Lành.

 

Phụng vụ thiên quốc là then chốt để hiểu được các sách thánh kinh của người Do Thái và Khải Huyền. Và cảm nghiệm về phụng vụ là then chốt để hiểu biết nhiều về Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

 

Những gì Sách LêVi bà Nhị Luật đối với Cựu Ước thế nào thì Thư Do Thái và Sách Khải Huyền ở Tân Ước cũng thế. Không có kiến thức và cảm nghiệm về phụng vụ thì nhiều điều chất chứa trong các cuốn sách ấy không thể nào hiểu được đối với chúng ta.

 

ĐGH Biển Đức là một thần học gia sâu xa thánh kinh, thấu triệt các vị Giáo Phụ và Tiến Sĩ – nhất là Thánh Âu Quốc Tinh và Bonaventura – cũng như các truyền thống Do Thái và tôn sư. Tôi không nghĩ rằng có một vị giáo hoàng nào từ Thánh Phêrô đã nghiên cứu sâu xa như thế về những vị tôn sư Do Thái cổ thời.

 

Tôi cho rằng ngài sẽ làm cho việc hiểu biết về Thánh Thể là những gì thiết yếu cho dự phóng đại kết, và ngài sẽ hướng dẫn cuộc đối thoại này theo chiều hướng giao ước. Việc này là những gì khả đạt chẳng những với những người Thệ Phản Tin Lành mà còn với cả người Do Thái là thành phần có chung căn gốc giao ước của tôn giáo Abraham nữa.


Vấn:     Trong bài giảng đầu tiên của mình, ĐGH BĐXVI đã nói rằng: “Thánh Thể, con tim của đời sống và là nguồn mạch của sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội chính là tâm điểm mãi mãi và là nguồn của thừa tác vụ Thánh Phêrô đã được ủy thác cho tôi”. Tính chất chủ yếu của Thánh Thể thể hiện ra sao nơi vai trò giáo hoàng và thừa tác vụ của ngài?

 

Đáp:    Thánh Thể là nơi Giáo Hội là chính bản thân mình hoàn toàn nhất. Giáo Hội là Vương Quốc của Thiên Chúa trên trần gian này, và Vương Quốc này ở đâu thì Vua của vương quốc ấy ở đó. Sự hiện diện bền bỉ của Chúa Giêsu với chúng ta là ở nơi Thánh Thể. Là Vị Đại Diện Chúa Kitô, Đức Biển Đức XVI là thủ tướng cho Đức Vua trên hết Các Vua, phụng sự Người trước hết nơi Thánh Thể.

 

Giáo Hội nắm giữ nhiều kho tàng chung, như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền và các thánh nhân. Thế nhưng, chính nơi phụng vụ Giáo Hội mới là mình hoàn toàn nhất.

 

Một khi chúng ta hiểu được phụng vụ là phụng vụ thiên đình, như ĐGH BĐ hiểu, thì chúng ta trở thành những công dân trọn vẹn, ý thức và chủ động của Vương Quốc ấy. Phụng vụ thiên đình trở thành qui chuẩn cho các qui chuẩn khác. Phụng vụ là tiểu chuẩn của chúng ta, là nền tảng của chúng ta, là chất bổ dưỡng của chúng ta, là ánh sáng của chúng ta – như tôi đã nói trước đây, là nguồn mạch và là tột đỉnh của chúng ta.

 

Chúng ta sẽ sớm thấy được điều này thể hiện nơi giáo triều của ngài. Thượng hội giám mục thế giới vào Tháng 10/2005 sẽ kết thúc Năm Thánh Thể với việc Giáo Hội suy niệm về Thánh Thể. Hãy để ý tới những đề tài tôi đã đề cập, đó là phụng vụ thiên quốc, hóa giải phụng vụ khỏi chính trị, và tái linh thánh hóa phụng vụ.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo điện thư VIS của Tòa Thánh ngày 12/6/2005


 

TOP

 

NGUỒN GỐC NHÂN CHỦNG HỌC CỦA GIA ĐÌNH

 

(Tóm lược và diễn ý bài huấn từ của Đức Bênêđíctô XVI nói trong Đại Hội Giáo Phận Rôma)

 

Đúng vậy, gia đình không những là nền tảng xã hội, mà còn là tương lai của Giáo Hội nữa. Vì gia đình là cái nôi, là vườn ươm sự thánh thiện cho Giáo Hội. Gương sáng của cha mẹ, anh chị em. Đời sống chia sẻ, thương yêu của gia đình là những bài học về đời sống thánh thiện của người Kitô hữu sau này, và cũng là một trường đào luyện những nhân đức xã hội. Trong ý nghĩa giáo dục, gia đình là một học đường tốt nhất, và cha mẹ là những thầy dậy có tác dụng và ảnh hưởng nhất. Ở đây, câu nói của thánh Anphongxô, sáng lập dòng Chúa Cứu Thế vẫn còn có ý nghĩa: “Tất cả những gì tôi có được hôm nay đều do mẹ tôi ban cho”.

 

Nhưng rất tiếc, gia đình hiện nay và ơn gọi hôn nhân hiện nay đang bị trào lưu hưởng thụ, lối sống buông thả hủ hóa. Chính vì thế, Giáo Hội, đặc biệt là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng cổ võ, và đề cao đời sống và ơn gọi hôn nhân gia đình. Đức Bênêđíctô XVI, đấng kế vị Đức Gioan Phaolô II cũng không đi ngoài con đường này. Ngài cổ võ và đề cao ơn gọi hôn nhân gia đình.

 

Ngày 9 và 10 tháng 6 vừa qua, màn điện toán toàn cầu Zenit đã phổ biến bài huấn từ của Đức Bênêđíctô XVI nói trong Đại Hội Giáo Phận Rôma với tư cách là Giám mục Rôma, cũng như Giám Mục toàn thế giới. Trong vai trò thừa kế Thánh Phêrô, ngài đã huấn dụ mọi người với đề tài “Nguồn Gốc Nhân Chủng Học của Gia Đình”. Bằng với những suy tư thần học, triết học, xã hội học và giáo dục, Đức Thánh Cha đã làm nổi bật vai trò và ơn gọi hôn nhân gia đình, đặc biệt, gia đình Kitô giáo trong bối cảnh sống của con người hiện nay. Một bối cảnh mà gia đình và ơn gọi hôn nhân của Kitô giáo đang gặp rất nhiều thử thách, trong đó Ngài đề cập đến một lối sống theo thời, lối sống bất cần đời, mà ngài gọi là chủ thuyết nửa vời.

 

Lối sống và triết lý sống nửa vời ấy, phản ảnh những suy tư con người thời nay, khi cố tình loại bỏ những gì là thiện hảo, là đạo đức, là lành mạnh ra khỏi tầm nhìn và trái tim con người. Bằng lối sống như hiện nay, con người đang cố tình tạo cho mình một mẫu sống khác, một hôn nhân theo kiểu đồng tính luyến ái. Một hôn nhân mà cha mẹ không màng đến việc sinh sản, và giáo dục con cái. Coi con cái như một gánh nặng, hoặc thờ ơ để mặc cho xã hội và bạn bè xấu ảnh hưởng. Lối sống này, theo Đức Thánh Cha, là một lối sống cố tình loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống gia đình. Mà hậu quả là con người ngày nay đang gặp phải những khủng hoảng lớn lao.

 

Ngay trong cái nhìn về nhân chủng học, đời sống và hình thức gia đình như hiện nay đã không giải thích và nói lên được những giá trị thật của nó. Ngược lại, còn làm cho méo mó, và lỏng lẻo mọi liên hệ tốt của một con người với con người, và một con người trong đời sống và lời thệ hôn của họ. Đánh mất đi những giá trị và sự cao cả của hôn nhân như tự nó đã có, con người sẽ không tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình. Họ không biết mình ở đâu mà ra, và cũng không biết họ sẽ đi về đâu và làm gì? Liệu con người có thể sao bản chính mình? Làm sao những cặp đồng tính có thể có con? Và nếu không có con thì lấy ai đẻ con để họ nhận làm con nuôi? Hoặc ai là những cha mẹ tử tế lại dám để cho những cặp vợ chồng đồng tính ấy nuôi dưỡng và giáo dục con mình? Con người ngày nay, qua lối sống ấy, thật sự đang làm mất đi cái cội nguồn, và ý niệm về chính mình.

 

Với lối sống hưởng thụ hiện nay, những giá trị của đời sống hôn nhân gia đình như việc sinh sản, giáo dục con cái cũng được hiểu theo một chiều hướng mới, có tiềm ẩn những nhu cầu hưởng thụ và ích kỷ. Cha mẹ sợ không có con. Và khi cần thiết, chỉ giới hạn trong một số ít con cái. Họ coi con cái không phải là quà tặng của Thiên Chúa, là kết quả của tình yêu mà họ dành cho nhau, nhưng là một sở hữu và một cái gì mà họ thích thú, hoặc đem lại cho họ niềm vui. Với nhiều lý do biện minh, nhưng có thể nói, cái ích kỷ hẹp hòi được ngụy trang trong những lý do này khác là một điều đang làm ung nhọt đời sống gia đình và ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều cặp vợ chồng. Hậu quả của nó là ngừa thai. Và nếu không ngừa được thì phá thai. Mỗi năm, theo thống kê, chúng ta thấy có hằng mấy chục triệu thai nhi bị giết chết trong lòng mẹ mình vì cái ích kỷ và lối sống hưởng thụ ấy.

 

Tóm lại, những tư tưởng được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trình bày bao gồm những nhận định về nguồn gốc nhân chủng của gia đình, tiếp đến là hôn nhân và gia đình trong lịch sử cứu độ, việc sinh sản con cái, gia đình và Giáo Hội, những đe dọa của lý thuyết nửa vời, và sau cùng là linh mục và đời sống tận hiến.

 

Chương trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống trên làn sóng (106.3 FM Nam California. Phát thanh vào mỗi tối thứ Sáu từ 9 giờ đến 9:30, sẽ lần lượt trình bày sâu hơn về huấn từ này vào những buối phát thanh kế tiếp. Tài liệu này đã được nhóm Vào Đời chuyển ngữ và hiện có trên màn điện toán của Chương Trình: WWW. Thoidiemmaria.net hoặc Tinmungsusong.org. Độc gỉa ở xa có thể nghe chương trình này qua màn điện toán.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

TOP
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ