GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 22/6/2005 |
1) Tác Phẩm mới nhất về Âu Châu của Hồng Y Ratzinger, Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI
2) Đức Thánh Cha Biển Đức XVI "Vị Giáo Hoàng cho Một Tân Âu Châu"
3) ĐTC Gioan Phaolô II: Vị Giáo Hoàng Đẩy Mạnh Chiến Dịch Hủy Bỏ Án Tử Hình (tiếp)
Tác Phẩm mới nhất về Âu Châu của Hồng Y Ratzinger, Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Hôm Thứ Ba 21/6/2005, tại Dinh Wedekind, đã diễn ra một cuộc ra mắt tác phẩm "L'Europa de Benedetto nella Crisi delle Culture" (Âu Châu của Thánh Biển Đức đang Bị Khủng Hoảng về Văn Hóa) của tác giả mang tên Hồng Y Joseph Ratzinger. Trong số tham dự viên có hai vị rất đặc biệt đó là ĐHY Camillo Ruini, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý Quốc, và Marcello Pera, chủ tịch Thượng Viện Ý Quốc.
Theo tác phẩm này thì “Âu Châu đã phát triển một thứ văn hóa mà, bằng một cách vô hình chung trước mắt nhân loại cho tới nay, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lương tâm của quần chúng”.
Tác phẩm này dầy 143 trang, được xuất bản bởi Vatican Publishing House và Italian Cantagalli Publishers, nội dung bao gồm 3 bài diễn văn của tác giả, một bài vào năm 1992, ở Bassano del Grappa, Ý quốc, khi ngài nhận giải thưởng Học Đường và Văn Hóa Công Giáo, một bài vào năm 1997 khi ngài ngỏ lời cùng Phong Trào Phò Sự Sống ở Ý, và một bài vào ngày 1/4/2005, ngay trước hôm ĐTC GPII qua đời, khi ngài nói tại nữ đan viện Biển Đức Thánh Scholastica ở Subiaco trong dịp lãnh nhận giải Thánh Biển Đức cho Âu Châu do Hội Sự Sống và Gia Đình ở Subiaco trao tặng.
Nội dung của tác phẩm với 3 bài diễn văn này có cùng một đại ý chung, đó là về cuộc khủng hoảng văn hóa và nhân vật Thánh Biển Đức ở Nursia, vị quan thày của Âu Châu và là đấng sáng lập một dòng đã ảnh hưởng đến văn hóa Kitô giáo ở Âu Châu.
ĐHY Ruini cho biết nhận định của mình về tác phẩm cũng như về những chia sẻ được tác giả bày tỏ trong tác phẩm này, như sau:
“Theo quan điểm lịch sử thì ở Âu Châu, Kitô giáo đã được thể hiện một cách văn hóa và tri thức nhất”, thế nhưng, giờ đây, mối liên hệ này “đã bị xét lại và có nguy cơ bị phân ly bởi cái lập luận nội tại của lý lẽ dường như đang làm chủ ở Âu Châu: một thứ lý lẽ về khoa học và kỹ thuật”.
Vị giáo chủ Công giáo Ý quốc này thêm, bởi thế, “Thiên Chúa đã không con hiện hữu, hay ít là không thể chứng thực, do đó, tất cả mọi qui chiếu về Thiên Chúa đều bị loại trừ ra khỏi đời sống của quần chúng. Đồng thời, lương tâm về luân lý vốn là những gì tự mình vững chắc đang bị suy yếu đi, ở chỗ, cho dù luân lý có là những gì bất khả châm chước để sống, nó cũng không còn được coi như là những gì cần phải được căn cứ để biết đâu là lành đâu là dữ nữa, mà chỉ được coi như là những gì được sử dụng để thẩm định các thành quả lợi hay hại nơi các hành vi cử chỉ của chúng ta thôi”.
ĐHY Ruini tiếp tục cho biết “Thứ lý lẽ này đang trở thành phổ quát, tức là trở thành những gì có giá trị đối với tất cả mọi sự và tự nó là đúng, bởi thế mà Kitô giáo không còn là yếu tố quyết liệt trong việc xây dựng Âu Châu ngày nay nữa”.
Riêng về vị chủ tịch thượng viện Ý quốc Marcello Pera.
Hôm Thứ Hai 13/12/2004, trong một cuộc bàn luận chung về các căn gốc Kitô Giáo của Âu Châu, được tổ chức ở Đại Học Viện Lateran, vị hồng y chủ tịch này đã kêu gọi thực hiện việc tái nhận thức “một quan niệm chung về một thứ lý trí làm cho chúng ta hợp lực với nhau”.
Vị chủ tịch Thượng Viện Ý là Marcello Pera, một thần học gia kiêm chính trị triết gia, đã bàn đến những vấn đề hai vị này bàn đến trong một tác phẩm cả hai là tác giả, đó là cuốn "Senza Radici. Europa, Relativismo, Cristianesimo, Islam" (Thiếu Gốc Rễ: Âu Châu, Tương Đối Chủ Nghĩa, Kitô Giáo và Hồi Giáo), do Mondadori xuất bản.
Vị hồng y chủ trương là việc tái nhận thức lề luật tự nhiên là căn bản cho một nền luân thường đạo lý chung: “Chúng ta cần phải học hỏi lại lề luật tự nhiên, có lẽ cần được gọi bằng một danh xưng khác. Thế nhưng, cần phải thấy được những nền tảng ấy để cá nhân hóa những trách nhiệm chung giữa thành phần Công Giáo và thành phần duy thế tục, đặt nền móng cho một hành động chẳng những đáp ứng hành động mà còn đáp ứng cả nhiệm vụ và luân lý nữa”.
Vị hồng y này nhắc nhở cử tọa là lề luật tự nhiên biệt lập với đức tin. “Đức tin có thể giúp người ta thấy nó, thế nhưng nó không lệ thuộc đức tin. Những thập niên vừa qua, quyền lực của con người đã phát triển một cách ngoài sức tưởng tượng và khả năng hủy hoại của họ thì đặc biệt. Tuy nhiên, những khả năng về luân lý của chúng ta lại không tăng tiến. Có một sự bất cân bằng giữa quyền lực thực hiện và quyền lực hủy hoại các khả năng về luân lý. Cái thách đố lớn là ở chỗ tìm cách để chúng ta có thể giúp thắng vượt được cái mất cân bằng này”.
“Giáo Hội xuất phát như một cộng đồng các vị tử đạo chứ không phải như một quốc giáo. Không có một khí cụ nào khác để hướng dẫn dân chúng ngoài quyền lực của niềm xác tín: chính Thiên Chúa là lý trí và là tình yêu, vì tin vào ‘Lời’ Chúa là tin vào một Vị Thiên Chúa đã tạo dựng nên lý trí và đồng thời vì yêu mà tạo dựng nên”.
“Phải chăng Công Giáo cũng là một lực lượng của thời hiện tại. Câu giải đáp của tôi cũng như câu giải đáp của vị chủ tịch thượng viện đây”, ĐHY cho biết khi trích lại từ tác phẩm cả hai cùng viết, đó là “cây cối cần phải có những gốc rễ”.
“Vấn đề chính yếu ở đây là văn hóa trần thế, khi tách biệt khỏi gốc rễ của mình, thì trở thành độc đoán và mất đi quyền năng về luân lý của nó. Lý trí trở thành những gì có tính cách tác hành và kỹ thuật, mất đi những năng lực về luân lý của nó”, và “không có năng lực về luân lý thì tự do tự bản chất của mình trở thành một bức hí họa”.
“Ngày nay người ta nghĩ rằng nếu cái gì ‘có thể’ làm thì ‘nó cần phải làm’. Như thế thì tự do trở thành tuyệt đối và không còn qui tắc gì về luân lý nữa. Nếu ‘cái có thể làm’ trở thành ‘cái làm’ thì nhân loại đang tự hủy hoại chính mình và mất đi phẩm giá của nó”.
Theo vị hồng y chủ tịch này thì cuộc khủng hoảng hiện nay ở Âu Châu rất khác với cuộc khủng hoảng gây ra bởi cuộc cách mạng năm 1968 hay cuộc sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu cuối năm 1989.
“Sau cuộc sụp đổ của mình liền xuất hiện cái trống rỗng, và giờ đây mọi sự cần phải thực hiện, cần phải dựng xây. Lý trí về luân lý đã bị tắt lịm. Huấn quyền của Giáo Hội hết sức nhấn mạnh đến lý trí của con người, một thứ lý trí có khả năng về luân lý để phản tỉnh trước những mơ màng. Trong quá khứ thật sự là có một thứ lý trí chung. Kitô giáo cần phải xác tín bằng những quyền lực về luân lý của mình, và dĩ nhiên cũng cần phải tôn trọng con người không có cùng một tặng ân đức tin như mình”.
Về phần mình, vị chủ tịch thượng viện Ý tự xưng mình là người vô tín ngưỡng và là nguyên giáo sư triết lý về khoa học ở Đại Học Pisa, đã căn cứ việc phân tích nhận định của mình trên một cái hình chụp quang tuyến X về một lục địa Âu Châu đang cảm thấy nôn nao khó chịu ngày nay như sau:
“Ở Âu Châu đang xẩy ra một thứ nôn nao khó chịu về chính trị bị phân chia về những mối liên hệ với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, với Do Thái, liên quan tới thái độ cần phải có dính dáng tới nạn khủng bố và tình trạng bừng l6n của Hồi Giáo”.
“Tình trạng nôn nao khó chịu này cũng là tình trạng về xã hội nữa: như vấn đề di dân; vấn đề an ninh, vấn đề đa văn hóa được hiểu như là một thứ thu nạp những đơn tử”.
“Tình trạng nôn nao khó chịu về tri thức, như chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa chủ trương tất cả mọi thứ văn hóa và văn minh đều tương đương với nhau và không thể được phân loại theo tầm mức quan trọng của chúng; như ngôn từ đúng đắn về chính trị, một thứ ngôn từ mà chữ ‘khá hơn’ bị cấm sử dụng và chỉ được áp dụng cho những thứ tương đương với nhau, cho những món tráng miệng chứ không cho các nền văn hóa, v.v.”
“Cũng xẩy ra cả tình trạng nôn nao khó chịu về tâm linh nữa, với cuộc khủng hoảng về căn tính xuất phát trước cả chiến tranh và nạn khủng bố. Âu Châu không biết bảo vệ căn tính của mình, nó không biết tự vệ chính mình. Vấn đề khoan nhượng trở thành dửng dưng coi thường; Âu Châu muốn đối thoại nhưng không biết làm thế nào để phát âm chữ ‘tôi’, cho mình là khôn ngoan và già giặn nhưng lại không còn nhận thức được những nền tảng khôn ngoan cần có của mình”.
“Tôi đề nghị một thứ đạo nghĩa dân sự Kitô giáo là những gì tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy bản thân chúng ta nơi những giá trị chung”.
Ông chủ trương rằng: “Phôi bào là một con người từ khi được thụ thai” và đã lên giọng khi đặt vấn đề về khởi điểm của sự sống nơi phôi bào bằng cách hỏi rằng ai là người quyết định lúc nào sự sống bắt đầu có nơi phôi bào: “Bác sĩ sản phụ khoa ư? Hãng chế dược phẩm ư? Quốc hội ư?”
“Cái nguy hiểm ngày nay đó là chỉ vì có thể làm được việc này việc kia về kỹ thuật và khoa học mà người ta quyết định làm việc ấy. Có lẽ chỉ vì một cái ý nghĩ chợt nẩy lên trong đầu mà người ta quyết định rằng ước muốn của họ là đúng, thậm chí nó còn trở thành một nguyên tắc tối hậu nữa. Điều này dẫn con người đi đến chỗ làm nhiều điều hết sức vô trách nhiệm”.
Nói với những ai không tin tưởng vào bất cứ một tôn giáo nào, vị chủ tịch này khuyên họ rằng “đừng vội vàng biến những ước muốn thành quyền lợi, và biến những quyền lợi thành những nguyên tắc bất khả xâm phạm”.
ĐHY Ratzinger, nhận định về những lời vị chủ tịch thượng viện Ý nói, đã giải thích thêm rằng: “đối với chúng tôi thì con người không phải là một sự vật. Con người theo phẩm vị của mình là trên hết”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, đa số tín liệu được tổng hợp theo Zenit ngày 21/6/2005 và 13/12/2004
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI "Vị Giáo Hoàng cho Một Tân Âu Châu"
Trong bài viết mang tựa đề “Vị Tân Giáo Hoàng 265 có thể là một hồng y người Pháp gốc Ba Lan Do Thái hay một hồng y thuộc dòng Phanxicô...”, được phổ biến trên mạng điện toán toàn cầu thoidiemmaria.net ngày 19/4/2005, và là bài cũng đã được mạng điện toán toàn cầu dongcong.net lấy phổ biến vào cùng ngày, ngay trước khi có tân giáo hoàng mấy tiếng đồng hồ. Tuy những chi tiết ở đầu đề cho bài viết hoàn toàn sai bét. Thế nhưng, nếu ai đã đọc bài này trước khi có tân giáo hoàng, và đem áp dụng những chi tiết khác trong bài này, sẽ thấy dường như thích hợp với tân giáo hoàng này, như những điều đã nói ngài “sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo)”. Nguyên văn của bài viết trên đây như sau:
“Hôm nay, Thứ Hai, 18/4/2005, 115 vị hồng y bắt đầu cuộc bầu tân giáo hoàng 265 cho Giáo Hội Công giáo. Tại Tòa Thánh Rôma, cả 6 ngàn phóng viên báo chí đang chực chờ để biết tin tức về diễn tiến của cuộc mật bầu và kết quả của cuộc mật bầu là vị tân giáo hoàng này. Kể cả trong thời gian Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhập bệnh viện vào đầu tháng 2/2005, truyền thông đã bắt đầu nói đến việc ngài về hưu, từ đó, bàn đến cả vị kế thừa ngài. Cho đến nay, dư luận vẫn đang hồi hộp chờ đợi con người được Thiên Chúa chọn, như Ngài đã bất ngờ chọn Đức Gioan Phaolô II.
“Chính vì vị giáo hoàng 264 vừa quá cố này không phải là người Ý trong vòng 455 năm đã được chọn như thế mà lần này, dư luận cũng hướng về những vị hồng y nổi tiếng ở các châu lục khác ngoài Âu Châu, chẳng hạn như Phi Châu với hồng y Francis Arinze nước Nigeria, và Châu Mỹ Latinh với hồng y Claudio Hummes người Ba Tây. Tuy nhiên, báo chí, hầu hết ở Âu Châu, vẫn quanh quẩn với những vị nổi tiếng ở Âu Châu, cách riêng ở Ý. Chẳng hạn như vị hồng y Dionigi Tettamanzi, ở TGP Milan, nơi đã có mấy đời giáo hoàng. Họ cũng đề cập đến 1 vị ngoài nước Ý là vị hồng y người Pháp Jean-Marie Lustiger, và vị hồng y người Đức hết sức nổi tiếng đang giữ vai trò trưởng hồng y đoàn kiêm tổng trưởng tín lý đức tin là Joseph Ratzinger.
“Riêng tôi, để có thể suy đoán về vị tân giáo hoàng, cần căn cứ vào diễn tiến lịch sử của Giáo Hội. Chẳng hạn như trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã được Thiên Chúa chọn để đóng vai trò áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II, và đó là lý do ngài đã lấy danh hiệu giáo hoàng là Gioan Phaolô II, vì: Đức Gioan XIII là vị giáo hoàng dẫn dắt Giáo Hội vỏn vẹn có 5 năm trời, vị giáo hoàng 78 tuổi nhưng vẫn được Thiên Chúa chọn để khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II với tinh thần cởi mở và đối thoại, và Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng của Giáo Hội (với thông điệp đầu tiên về “Giáo Hội của Người” ban hành ngày 6/8/1964) tiếp tục và kết thúc Công Đồng Chung cho một Giáo Hội trong thế giới tân tiến.
“Bởi vậy, theo chiều hướng này, chúng ta cần phải lưu ý tới những gì Đức Gioan Phaolô II đã làm, kể cả và nhất là những gì chưa hoàn tất, để phỏng đoán. Nếu Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng xuất phát từ một nước Cộng Sản đã hiển nhiên được Chúa dùng để làm sụp đổ Cộng Sản ở Âu Châu, và đang cố gắng hết sức để giúp cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo căn gốc Kitô giáo của mình.
“Thế nhưng, cho tới khi ngài qua đời, Khối Hiệp Nhất Âu Châu này, chủ chốt là Pháp, nơi Giáo Hội vẫn được gọi là trưởng nữ của Giáo Hội, vẫn muốn phủ nhận căn gốc Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu và căn tính Âu Châu của mình, và cũng chính vì không ‘trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa’ (x Mt 22:21), bằng việc nhìn nhận căn tính Kitô giáo của mình như thế, châu lục này đã sống như không có Thiên Chúa, và đang bị khủng hoảng đức tin rất ư là trầm trọng, nơi đã cả hơn ngàn năm làm cho hạt giống Kitô giáo phát triển và truyền bá đi khắp nơi trên thế giới, nhưng đồng thời lại là nơi có những phân rẽ trong nội bộ Kitô giáo từ thế kỷ 16, với hai cuộc ly giáo liền vào tiền bán thế kỷ này là Thệ Phản (1519) và Anh Giáo (1535).
“Trong khi đó, theo chiều hướng tự do tôn giáo ở Âu Châu, làn sóng di dân của những người Hồi giáo Ả Rập, trước tình hình càng ngày càng khủng hoảng ở Trung Đông là vùng đất của họ, đã tràn vào Âu Châu và đã phát triển càng ngày càng mạnh, nhất là ở Pháp. Nếu cứ đà này, Kitô giáo ở Âu Châu càng ngày càng xuống dốc, trong khi Hồi giáo càng ngày càng thịnh, mà Hồi giáo, theo lịch sử cho thấy, bao giờ cũng kị Kitô giáo, và đã từng triệt hạ Kitô giáo trước đây, thậm chí cho tới nay ở các quốc gia Hồi giáo của họ, thì Giáo Hội Công giáo là tâm điểm của Âu Châu về quyền lực tôn giáo này cần phải đứng vững hơn bao giờ hết, không phải chỉ vì sợ Hồi giáo lấn át, cho bằng tái phúc âm hóa Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo tinh thần Kitô giáo (chứ không phải chỉ bằng và nhờ nguyên kinh tế và chính trị như khối này đang chủ trương).
“Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thực sự trở về với căn gốc Kitô giáo của mình, cho đến độ tiến đến chỗ Đại Kết Kitô giáo, Kitô giáo mới có thể là chứng nhân truyền bá phúc âm hóa phần thế giới chưa nhận biết Chúa Kitô, nhất là ở Á Châu, mới có thể tái phúc âm hóa cho cả thế giới Kitô giáo ở toàn Mỹ Châu, nhất là Bắc Mỹ, nơi cũng đang quằn quại trong nền văn hóa sự chết, và mới có thể làm cho cả Do Thái giáo đang càng ngày càng gần hơn với Kitô giáo qua Giáo Hội Công giáo từ thời Đức Gioan Phaolô II, qua chứng từ hiệp nhất Kitô giáo như thế, nhận biết Đấng Thiên Sai của họ chính là Đức Giêsu Kitô, giáo tổ Kitô giáo.
“Với vai trò và vị thế quan trọng như thế của Âu Châu đối với vận mệnh và sứ
mệnh của Giáo Hội Công giáo trước mắt như thế, những gì đức cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II đã cố thực hiện mà chưa hoàn thành, thì vị giáo hoàng 265 cần phải là
vị giáo hoàng vẫn thuộc về Âu Châu. Vị giáo hoàng đó có thể là vị hồng y người
Pháp có gốc vừa Balan vừa Do Thái, vị hồng y 79 tuổi đã làm cho hàng giáo phẩm
Pháp phải bỡ ngỡ trước sự bổ nhiệm của Đức Gioan Phaolô II để ngài làm TGM Paris
ngày 2/2/1981, khi ngài mới làm Giám Mục giáo phận Orléans ngày 10/11/1979 chưa
được bao lâu. Đó là ĐHY Jean-Marie Lustiger.
“Cho dù ngài đã 79 tuổi, và cũng chính vì còn 1 tuổi nữa (ngay trước khi không
còn hợp lệ để bầu giáo hoàng), đã cho thấy dấu hiệu ngài còn kịp làm giáo hoàng,
như trường hợp của Đức Gioan XXIII. Và cho dù thời gian làm giáo hoàng của ngài
có ngắn ngủi đi chăng nữa, (như Đức Gioan XXIII chỉ có 5 năm song đã làm được
một việc chuyển tiếp quan trọng đó là triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II),
chỉ cần ngài hoàn tất sứ vụ của mình, như làm cho nước Pháp, cái then chốt về cả
chính trị lẫn tôn giáo ở Âu Châu, bừng lên tinh thần Kitô giáo, là sẽ làm cho cả
Khối Hiệp Nhất Âu Châu tái sinh, như đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm
cho quê hương Balan của ngài ngay vào lần về nước lần đầu tiên năm 1979, để rồi
10 năm sau vị giáo hoàng vừa quá cố này thấy được thành quả rực rỡ của nó ở cả
Đông Âu.
“Ngoài ra, với dòng máu gốc Do Thái, vị hồng y này còn có thể được Thiên Chúa sử
dụng, như Ngài đã sử dụng mối quen biết và thân tình của Đức Gioan Phaolô II với
người Do Thái tại quê hương Balan của vị giáo hoàng này, để làm cho Giáo Hội
Công giáo với Do Thái giáo càng gắn bó với nhau hơn. Để rồi, sau khi vị giáo
hoàng có dòng máu gốc Do Thái này qua đi, vị giáo hoàng sau ngài, có thể là một
vị hồng y đến từ Đông phương ngoài Âu Châu, từ Á Châu chẳng hạn, xuất hiện, với
danh xưng Phêrô, (vị giáo hoàng cuối cùng theo sấm truyền của tiên tri
Nostradamus), được Thiên Chúa chọn để hoàn tất sứ vụ làm cho dân Do Thái trở lại,
đúng như những gì đã được Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô khẳng định: ‘Dân Do
Thái bị mù tối cho đến khi đủ số Dân Ngoại, rồi tất cả mọi người Do Thái sẽ được
cứu độ’ (Rm 11:25-26).
“Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy
đoán như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là ‘thả lưới ở chỗ
nước sâu - duc in altum’, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời
điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn
Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại
Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn
hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt.
“Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới). Vị tân giáo hoàng có thể là vị hồng y trong mật nghị hồng y ngày 21/10/2003, một mật nghị chọn tuyển các tân hồng y sau khi ngài trả lời một vị giám mục Á Căn Đình ngày 12/2/2002 rằng người kế vị ngài chưa làm hồng y.
“Chính vì vị tân giáo hoàng có thể là vị giáo hoàng nội tâm, vị giáo hoàng hiệp
nhất, vị giáo hoàng khổ đau, mà Sứ Điệp Lễ Chúa Tình Thương ngày 3/4/2005, sứ
điệp cuối cùng của giáo triều dài 9664 ngay này chính là di chúc hay ước nguyện
cuối cùng ĐTC GPII thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại,
‘một nhân loại’, như ngài nói trong sứ điệp, ‘có những lúc dường như bị lạc mất
và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi’, đó là, như ngài cũng
cảm nhận trong sứ điệp, ‘thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng
Thương Xót Chúa biết bao!’ Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể ‘chấp
nhận Lòng Thương Xót Chúa’, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng,
phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ ‘việc’ được ngài khẳng định
là ‘chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm
Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria’.
“Nếu thực sự vị tân giáo hoàng là vị giáo hoàng của nội tâm, của hiệp nhất và
khổ đau, thì vị ấy có thể là một vị hồng y thuộc một dòng tu, như dòng Phanxicô,
con cái của Thánh Phanxicô khó khăn, vị thánh nội tâm sâu xa, vị thánh của hòa
bình và hiệp nhất, vị thánh đã được đức cố Gioan Phaolô II hết sức ngưỡng mộ,
đến nỗi vừa lên đăng quang giáo hoàng (22/10/1978) ngài đã đến thăm Assisi
(5/11/1978) và tổ chức những Cuộc Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giời ở
đây vào những ngày 27/10/1986, 9-10/1/1993, và 24/1/2004.
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng và cầu nguyện cho vị được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để thay Người dẫn dắt đàn chiên của Người cho đến khi Người lại đến”.
Ở đây, nếu phân tích kỹ, chúng ta thấy có 3 điểm chính yếu được nhấn mạnh là,
thứ nhất, vị tân giáo hoàng vẫn còn ở Âu Châu, thứ hai, Âu Châu cần phải thực sự
trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu về tôn giáo, và vị tân giáo hoàng sẽ là vị
đi sâu vào chiều hướng ‘duc in altum’ nội tâm của một dòng khổ tu.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
ĐTC Gioan Phaolô II: Vị Giáo Hoàng Đẩy Mạnh Chiến Dịch Hủy Bỏ Án Tử Hình
(TIẾP HÔM QUA
Thứ Ba 21)
“Có những dấu hiệu cho thấy việc công chúng càng ngày càng tỏ ra chống lại án tử hình, cho dù án tử hình ấy được coi như là một thứ ‘tự vệ hợp lý’ về phía xã hội. Xã hội tân tiến thực sự có cách để chế ngự tội ác một cách hiệu nghiệm, bằng việc trừng phạt thành phần phạm tội ác một cách vô hại khi không vĩnh viễn từ khước họ cơ hội để hoán cải” (khoản số 27).
“Không được lấy làm lạ lùng ở đây là việc sát hại một con người phản ảnh Thiên Chúa là một tội hết sức trầm trọng. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm chủ sự sống mà thôi! Tuy nhiên, từ ban đầu, đương đầu với nhiều trường hợp thường thê thảm xẩy ra trong đời sống cá nhân và xã hội, Kitô giáo đã suy nghĩ để hiểu biết trọn vẹn hơn và sâu xa hơn về những gì bị cấm đoán hay qui định bởi lệnh truyền của Thiên Chúa (x Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo hay GLGHCG, các khoản 327-332). Thực sự là có những trường hợp các giá trị được luật Chúa nêu lên dường như có gì hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như trong trường hợp được phép tự vệ, một trường hợp mà quyền của kẻ bảo vệ mạng sống của mình và nhiệm vụ không được hại đến sự sống của người khác trên thực tế là những gì khó có thể dung hòa với nhau được. Chắc chắn một điều là giá trị nội tại của sự sống và nhiệm vụ yêu thương bản thân mình không kém người khác là những gì căn bản cho một thứ quyền tự vệ chân chính. Lệnh truyền buộc phải yêu thương tha nhân, một lệnh truyền được đề ra trong Cựu Ước và được xác nhận bởi Chúa Giêsu, tự nó là những gì bao hàm cả tình yêu thương bản thân mình như là nền tảng của việc so sánh: ‘Các người hãy yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Mk 12:31). Như thế, không ai có thể chối bỏ được quyền được tự vệ vì thiếu lòng quí chuộng sự sống hay bản thân. Điều này chỉ có thể thực hiện vì tình yêu thương anh hùng, một tình yêu sâu xa và biến đổi tình yêu bản thân thành một thứ tự hiến thực sự theo tinh thần các mối Phúc Đức của Phúc Âm (x Mt 5:38-40). Gương mẫu cao cả cho việc tự hiến mình là chính Chúa Giêsu.
“Ngoài ra, ‘việc tự vệ hợp lý có thể chẳng những là một quyền lợi mà còn là một nhiệm vụ nặng nề đối với những ai có trách nhiệm đối với mạng sống của kẻ khác nữa, đối với công ích của gia đình hay của Quốc gia” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khoản số 2265). Tiếc thay, vấn đề xẩy ra là nhu cầu cần phải làm cho kẻ tấn công không còn khả năng tác hại nữa đôi khi lại đi đến chỗ làm cho họ mất cả mạng sống. Trong trường hợp ấy, hậu quả không thể tránh được qui cho kẻ tấn công có hành động gây ra hậu quả ấy, cho dù về luân lý họ có thể không phải chịu trách nhiệm vì việc thiếu sử dụng lý trí ( Cf. Saint Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 64, a. 7; Saint Alphonsus De' Liguori, Theologia Moralis, l. III, tr. 4, c. 1, dub.3.)” (khoản số 55).
“Đó là bối cảnh cần phải đặt ra vấn đề án tử hình. Về vấn đề này đang có một khuynh hướng gia tăng, trong cả Giáo Hội lẫn ngoài xã hội dân sự, yêu cầu là cần phải áp dụng một cách rất hạn chế, thậm chí tới chỗ hoàn toàn hủy bỏ nó đi. Vấn đề này cần phải được quan niệm trong mối tương quan của một hệ thống công lý trừng phạt càng ngày càng phải hợp với phẩm giá con người hơn, tức là với dự án của Thiên Chúa đối với con người và xã hội. Mục đích chính yếu của việc trừng phạt được xã hội thực hiện là ‘để sửa lại những gì lệch lạc gây ra bởi việc vi phạm’ (GLGHCG, 2266). Công quyền cần phải sửa lại việc vi phạm đến các quyền lợi của cá nhân và xã hội, bằng việc áp đặt trên thành phần vi phạm một hình phạt xứng đáng về tội ác gây ra, như điều kiện cho kẻ vi phạm sửa sai việc hành sử tự do của mình. Nhờ đó, thành phần thẩm quyền cũng làm trọn được mục đích bênh vực trật tự chung và bảo đảm được tình trạng an toàn của dân chúng, đồng thời cũng hiến cho kẻ vi phạm một thứ phấn khích và hỗ trợ giúp họ đổi thay hành vị cử chỉ của họ mà được phục hồi (cùng nguồn vừa dẫn).
“Vẫn biết là để đạt được những mục đích ấy, thì bản chất và mức độ của hình phạt cần phải được cẩn thận thẩm lượng và quyết định, và không được đi đến chỗ cực đoan trong việc hành quyết phạm nhân, trừ trường hợp tuyệt đối cần thiết: nói cách khác, đó là khi không còn thể dùng cách nào khác để bênh vực xã hội được nữa. Tuy nhiên, ngày nay, với thành quả của những tiến triển liên tục nơi tổ chức về đường lối trừng phạt, những trường hợp như thế rất ư là hiếm có, nếu không muốn nói là không có.
“Dầu sao thì nguyên tắc được nêu lên trong Cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo mới vẫn đúng: ‘Nếu phương tiện không đổ máu là những gì đủ để bênh vực sự sống con người chống lại thành phần tấn công và bảo vệ được trật tự xã hội cùng tình trạng an toàn của dân chúng, thì công quyền phải hạn chế mình vào những phương tiện ấy, vì họ đáp ứng tốt đẹp với với những điều kiện cụ thể của công ích và hợp với phẩm vị của con người hơn” (số 2267).
Ngoài việc chống lại án tử hay bênh vực sự sống của cả thành phần tội nhân đáng xử tử trước pháp luật loài người như được đề cập đến trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống của mình trên đây, Đức Gioan Phaolô II còn lợi dụng những khi có thể để lập lại chủ trương của ngài nữa được ngài nêu lên trong Thông Điệp này. Chẳng hạn với các vị Giám Mục Hoa Kỳ thuộc các giáo tỉnh Boston và Hartford ngày 24/10/1998, ở đoạn 4 trong bài huấn từ của ngài gửi các vị dịp các vị viếng thăm ngũ niên Tòa Thánh. Hay với vị lãnh sự Cộng Hòa Phi Luật Tân là bà Lionida L. Vera ngày Thứ Hai 19/4/2004. Chưa hết, vào cuối buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần ngày 13/9/2000, ngài đã đích thân lên tiếng xin ân xá án tử cho phạm nhân Derek Rocco Barnabei ở Virginia Hoa Kỳ, với những lời lẽ như sau:
“Trong tinh thần xót thương là đặc tính của Năm Thánh này, một lần nữa tôi xin góp tiếng nói của mình vào tiếng nói của tất cả những ai đang xin tha mạng cho người trẻ Derek Rocco Barnabei. Tôi cũng hy vọng rằng, hơn thế nữa, chúng ta sẽ tiến tới chỗ bỏ đi đường lối tử hình, vì ngày nay Quốc Gia đã có những phương thức khác để chế ngự tội ác một cách hiệu nhiệm mà không cần phải vĩnh viễn tước mất cơ hội tự cứu lấy bản thân mình của kẻ vi phạm”.
Theo chiều hướng cổ võ văn hóa sự sống và chống án tử này của vị lãnh đạo tối cao Công giáo ấy, Tòa Thánh Rôma đã dứt khoát bày tỏ chủ trương tranh đấu chống án tử trên thế giới thứ tự thời gian như sau.
Vào ngày 2/11/1999, ĐTGM Renato R. Martino (đã được phong hồng y từ ngày 21/10/2003 với vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình), Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, trong Khóa Họp thứ 54 của Tổng Hội Đồng LHQ về Vấn Đề 11A là “Việc Hủy Bỏ Án Tử Hình”, căn cứ vào GLGHCG khoản 2267 và Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống của ĐTC GPII khoản 56 trên đây, như sau:
“Hơn hai thập niên, cộng đồng quốc tế đã theo đuổi vấn đề hạn chế hay hủy bỏ án tử hình… Người ta quá rõ là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đích thân can thiệp vào nhiều trường hợp để xin thương tha chết cho nhiều phần tử. Ngài đã yêu cầu bãi bỏ đường lối tử hình, ít là vào Năm Thánh tới đây. Hôm 27/1 năm nay, tại Saint Luois, ngài đã nói:
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL