GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 25/6/2005,

NGÀY THÁNH MẪU

 

1) Kinh Mân Côi và Thánh Thể với Việc Truyền Giáo

2) ĐTC Biển Đức XVI với buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 22/6/2005, về Thánh Vịnh 123 (124): Chúa canh chừng và cứu người công chính

3) ĐTC BĐXVI đến thăm Tổng Thống Ý để đáp lễ

 

   

Kinh Mân Côi và Thánh Thể với Việc Truyền Giáo

 

 

N

gày Chúa Nhật Truyền Giáo bao giờ cũng rơi vào Tháng Mười hằng năm. Năm 2003, Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn để kết thúc Năm Mân Côi, một năm kéo dài từ 16/10/2002, ngày kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng của ĐTCGPII. Trong Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10/2003 cũng là ngày Bế Mạc Năm Mân Côi ấy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi một sứ điệp về Ngày Giáo Hội Truyền Giáo liên quan đến Kinh Mân Côi. Năm 2004, Ngày Giáo Hội Truyền Giáo là ngày 24/10, xẩy ra một tuần sau ngày bế mạc Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 48 ở Mễ Tây Cơ, Chúa Nhật 17/10/2004, dịp Đức Thánh Cha đã chính thức khai mạc Năm Thánh Thể, một năm sẽ kéo dài tới khi kết thúc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ 29/10/2005. Về Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 24/10/2004 vừa bước vào Năm Thánh Thể này, Đức Thánh Cha cũng đã gửi cho Giáo Hội một sứ điệp, chủ đề “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”.

 

Đó là lý do chúng ta hãy cũng nhau ôn lại những điểm chính yếu của những gì được Vị Chủ Chăn Tối Cao của chúng ta huấn dụ sống đạo qua hai sứ điệp cho Ngày Giáo Hội Truyền Giáo, một liên quan tới Kinh Mân Côi kết Năm Mân Côi (10/2002-2003) và một liên quan đến Thánh Thể khai mở Năm Thánh Thể (10/2004-2005)

 

 

Kinh Mân Côi với Việc Truyền Giáo

 

Để thấy được ý hướng của Đức Thánh Cha ra sao nơi mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi và Việc Truyền Giáo, chúng ta hãy đọc lại đoạn sứ điệp cho Ngày Truyền Giáo 2003 của Ngài sau đây sẽ thấy:

 

“Nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu được kêu gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ Lumen Gentium, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh là ơn gọi phổ quát nên thánh là ở chỗ tất cả mọi người được kêu gọi sống đức ái trọn hảo. Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa. Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, Tôi đã nhắc nhở rằng: ‘Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo” (số 90). Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20). (4)

 

Qua đoạn sứ điệp cốt lõi này, trước hết, Ngài nhấn mạnh đến khía cạnh bất khả phân ly giữa việc nên thánh và truyền giáo. Sau đó, Ngài xác định tầm quan trọng của cầu Kinh Mân Côi với việc truyền giáo.

 

Ngài nhấn mạnh đến khía cạnh bất khả phân ly giữa việc nên thánh và truyền giáo như thế này:

 

·         Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa”;

 

·         Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ”;

 

·         Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo”.

 

Sau khi đã mạnh mẽ khẳng định tính cách bất khả phân ly của việc nên thánh và truyền giáo, Ngài xác định tầm quan trọng của cầu Kinh Mân Côi với việc truyền giáo. Hay nói cách khác, Ngài muốn nói rằng Kinh Mân Côi cần cho việc truyền giáo. Tại sao? Ngài đã nhận định là

 

·         Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: ‘Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’

 

Vâng, ở đây Đức Thánh Cha đã động đến cốt lõi của việc truyền giáo, đó là việc loan báo hay rao giảng Chúa Kitô, là việc làm chứng nhân cho Người, tức làm cho Người được nhận biết và yêu mến. Thế nhưng, làm sao Kitô hữu có thể làm chứng nhân cho Người nếu chúng ta không biết về Người, nếu chúng ta không được Người chiếm đoạt và sống trong chúng ta để sinh hoa trái nơi chúng ta là cành nho phát xuất từ Người là thân nho. Theo Đức Thánh Cha thì Kinh Mân Côi có thể giúp Kitô hữu đạt đến mức độ thần hiệp, đến độ Chúa Kitô sống trong họ, vì, như Đức Thánh Cha xác tín:

 

·         “Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’”

 

Nếu Kinh Mân Côi theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có thể giúp đào tạo Kitô hữu trở thành những thánh nhân và chứng nhân như thế, thì những ai vốn lần hạt Mân Côi hãy kiểm điểm lại xem Kinh mân Côi quả thực đã “thúc đẩy (mình) theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người” hay chưa? Nếu rồi thì cùng Mẹ “ngợi khen” Chúa; nếu chưa thì tại sao? 

 

 

Thánh Thể với Việc Truyền Giáo

 

 

Như cách thức để phân tích trên đây về mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi và Việc Truyền Giáo, áp dụng vào mối liên hệ giữa Thánh Thể và Việc Truyền Giáo, chúng ta cũng cần trích lại một câu sứ điệp tiêu biểu của Đức Thánh Cha cho Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 2004 để chẳng những tìm hiểu mà còn áp dụng vào đời sống đạo.

 

·         Mục đích của Thánh Thể chính là ‘hiệp thông loài người với Chúa Kitô và trong Người với Chúa Cha và Thánh Thần’ (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia đoạn 22). Khi chúng ta tham dự vào Hy Tế Thánh Thể chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, nhờ đó, hiểu được tính cách khẩn trương của sứ vụ Giáo Hội thực hiện chương trình hoạt động của mình ‘lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người chúng ta được sống sự sống Chúa Ba Ngôi và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi nó được nên trọn nơi Giêrusalem thiên đình’ (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia đoạn 60)… Ở cuối mọi Thánh Lễ, khi vị chủ tế từ biệt cộng đồng dân Chúa bằng lời ‘Ite, Missa est’, thì tất cả mọi người đều cảm thấy rằng họ được sai đi như ‘những vị thừa sai Thánh Thể’ để mang đến cho mọi hoàn cảnh tặng ân cao cả họ đã lãnh nhận. Thật thế, bất cứ ai được hội ngộ với Chúa Kitô nơi Thánh Thể đều không thể nào không loan báo bằng đời sống của mình tình yêu nhân hậu của Đấng Cứu Thế” (2).

 

Qua đoạn văn chính yếu cho Sứ Điệp “Thánh Thể Với Việc Truyền Giáo” này, chúng ta thấy Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến mấy điểm sau đây: thứ nhất, đến mục đích của Thánh Thể; thứ hai, đến nội dung của Thánh Thể; và thứ ba tính chất của Thánh Thể. 

 

Về mục đích của Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã xác định rõ ràng đến khía cạnh hướng nội của Thánh Thể như sau:

 

·         Mục đích của Thánh Thể chính là ‘hiệp thông loài người với Chúa Kitô và trong Người với Chúa Cha và Thánh Thần’”

 

Về nội dung của Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã cho thấy Hy Tế Thánh Thể chất chứa ơn cứu độ phổ quát là những gì Giáo Hội có sứ vụ cần phải ban phát và làm sinh hoa kết trái trong giòng lịch sử.

 

·         Khi chúng ta tham dự vào Hy Tế Thánh Thể chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, nhờ đó, hiểu được tính cách khẩn trương của sứ vụ Giáo Hội thực hiện chương trình hoạt động của mình ‘lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người chúng ta được sống sự sống Chúa Ba Ngôi và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi nó được nên trọn nơi Giêrusalem thiên đình’”.

 

Về tính chất của Thánh Thể, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh trao ban, khía cạnh vươn mình ra của Thánh Thể như sau: 

 

·         Ở cuối mọi Thánh Lễ, khi vị chủ tế từ biệt cộng đồng dân Chúa bằng lời ‘Ite, Missa est’, thì tất cả mọi người đều cảm thấy rằng họ được sai đi như ‘những vị thừa sai Thánh Thể’ để mang đến cho mọi hoàn cảnh tặng ân cao cả họ đã lãnh nhận. Thật thế, bất cứ ai được hội ngộ với Chúa Kitô nơi Thánh Thể đều không thể nào không loan báo bằng đời sống của mình tình yêu nhân hậu của Đấng Cứu Thế

 

Với ba ý tưởng chính của đoạn sứ điệp về “Thánh Thể Với Việc Truyền Giáo” trên đây của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, liên quan đến mục đích của Thánh Thể, nội dung của Thánh Thể và tính chất của Thánh Thể, chúng ta thấy Thánh Thể quả thực là như một thân nho, Kitô hữu là cành nho được tháp nhập với thân nho này qua phép rửa nhưng phải được nuôi dưỡng một cách đặc biệt bởi thân nho qua Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó, thân nho Thánh Thể mới sinh muôn vàn hoa trái các linh hồn nơi các cành nho Kitô hữu chi thể của mình, những cành nho dính liền với thân nho bằng việc thiết tha cử hành Thánh Thể và lãnh nhận Thánh Thể ban sự sống của Người.

 

Đó là lý do, ở đoạn 3 trong cùng sứ điệp “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”, Đức Thánh Cha còn khẳng định như sau:

 

·         Làm sao Giáo Hội có thể hoàn thành ơn gọi của mình mà lại không vun trồng một mối liên hệ liên lỉ với Thánh Thể, mà lại không nuôi dưỡng mình bằng thứ lương thực thánh hóa này, mà lại không đặt nền tảng hoạt động truyền giáo của mình trên sự nâng đỡ bất khả thiếu này được? Để truyền bá phúc âm hóa thế giới cần phải có những vị tông đồ ‘chuyên nghiệp’ trong việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngưỡng Thánh Thể”.

 

Chính vì cả Kinh Mân Côi lẫn Thánh Thể đều liên quan mật thiết đến Việc Truyền Giáo mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tóm gọn ý tưởng của mình về mối liên hệ tam diện này như sau, trong sứ điệp “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”, ở ngay đoạn thứ 1 của sứ điệp này: 

 

·         Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Thánh Thể bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, Giáo Hội hiến dâng Chúa Kitô, Bánh Cứu Độ, cho tất cả mọi dân nước để họ nhận biết Người và chấp nhận Người như Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại”.

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 22/6/2005, về Thánh Vịnh 123 (124): Chúa canh chừng và cứu người công chính

 

1-         Chúng ta đang có trước mắt chúng ta bài Thánh Vịnh 123 (124), một ca vịnh tạ ơn được toàn thể cộng đồng cầu nguyện xướng lên, một cộng đồng dâng lời chúc tụng Thiên Chúa về tặng ân giải thoát. Mở đầu, bài Thánh Vịnh này lên tiếng kêu mời: “Hãy nói hỡi Yến Duyên” (câu 1), phấn khích tất cả mọi người hãy dâng lời tạ ơn sống động và chân thành lên Thiên Chúa Đấng Cứu Độ. Nếu Chúa không ở với thành phần nạn nhân thì họ, với quyền lực hạn hẹp của mình, sẽ bất lực không thể giải thoát bản thân mình, và đối phương của họ, như những con quái vật, xâu xé họ ra thành từng mảnh.

 

Mặc dù người ta liên tưởng tới một biến cố lịch sử đặc biệt, như biến cố chấm dứt cuộc lưu đầy ở Babylon, nhưng có lẽ bài thánh vịnh này là một bài thánh ca thiết tha tạ ơn Chúa về việc chế ngự những hiểm nguy và về việc nài xin Ngài giải thoát khỏi tất cả mọi sự dữ.

 

2.         Sau khi đề cập đến trước hết về một số “người” tấn công tín hữu và có thể “nuốt sống tín hữu” (câu 2-3), bài ca này được chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất là những giòng nước cuồng loạn dâng lên, theo Thánh Kinh là biểu hiệu cho những xáo động tàn hại của sự dữ và sự chết: “Những giòng nước cuốn lấy chúng tôi, giòng thủy triều phủ lấp chúng tôi; những giòng nước xoáy nhận chìm chúng tôi” (câu 4-5). Thánh Vịnh gia bấy giờ cảm thấy  như đang ở trên một cái vịnh, được cứu một cách lạ lùng khỏi cơn cuồng phong của biển cả.

 

Đời sống của con người bị vây phủ bởi những cuộc phục kích của thành phần gian ác là thành phần chẳng những tấn công sự sống của họ mà còn muốn hủy diệt đi tất cả mọi giá trị nhân bản nữa. Tuy nhiên, Chúa là Đấng can thiệp và trông chừng cùng cứu vớt người công chính, như được Thánh Vịnh 17(18) xướng lên: “Ngài từ cao cúi mình xuống giữ chặt lấy tôi; kéo tôi ra khỏi những giòng nước sâu mạnh. Ngài đã giải cứu tôi khỏi kẻ thù dũng mãnh và những địch thủ quá mãnh liệt đối với tôi… Chúa đến để đỡ nâng tôi. Ngài đã giải phóng tôi; đã cứu tôi vì Ngài thương yêu tôi” (câu 17-20).

 

3.         Ở phần thứ hai nơi bài ca tạ ơn của chúng ta đây, chúng ta tiến từ hình ảnh biển khơi sang hình ảnh của một cảnh săn bắt, một cảnh thường thấy nơi nhiều bài Thánh Vịnh khẩn cầu (x Ps 123[124]: 6-8). Nó cho thấy một con mãnh thú đang ngậm mồi, hay một cạm bẫy của những kẻ bắt chim. Thế nhưng ân phúc được bài Thánh Vịnh diễn tả dẫn chúng ta đến chỗ hiểu rằng số phận của tín hữu, một số phận chết chóc, đã được thay đổi một cách sâu xa nhờ việc can thiệp cứu độ: “Chúc tụng Chúa, Đấng không để chúng tôi bị xâu xé bởi những chiếc răng nanh của chúng. Đời sống của chúng tôi thoát nạn như chim thoát lưới dò của người đánh bẫy; cái bẫy bị hư và chúng tôi thoát nạn” (câu 6-7).

 

Tới đây, lời cầu nguyện trở thành một cái thở phào nhẹ nhõm thoát ra từ đáy lòng của tâm hồn, ở chỗ, cho dù ngay cả khi tất cả mọi niềm hy vọng của con người bị hủy hoại, thì quyền năng giải thoát của Chúa vẫn có thể xuất hiện. Bài thánh vịnh này được kết thúc bằng việc tuyên xưng đức tin, một việc mà từ nhiều thế kỷ trước đây đã xuất hiện nơi phụng vụ Kitô Giáo như là một bản tóm tuyệt vời cho tất cả mọi lời cầu nguyện: “Adiutorium nostrum in nominee Domini, qui fecit caelum et terram – Sự nâng đỡ của chúng tôi ở nơi danh Chúa là Đấng tạo thành trời đất” (câu 8). Đấng Toàn Năng đã đặc biệt đứng về phía thành phần nạn nhân và thành phần bị bách hại, “những người ngày đêm kêu lên cùng Ngài”, và Ngài “sẽ minh oan cho họ cách mau chóng” (x Lk 18:7-8).

 

4.         Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định khít khao về bài thánh vịnh này. Trước hết, ngài nhận định là bài thánh vịnh này được xướng lên một cách xứng hợp bởi “những phần tử của Chúa Kitô, Đấng đã đạt tới cõi phúc”. Đặc biệt là “nó được hát lên bởi những vị tử đạo, những vị sau khi rời bỏ trần gian này đang được hưởng phúc với Chúa Kitô, sẵn sàng nhận lại một cách bất hoại cùng thân xác trước kia bị hư hoại. Trong cuộc sống, các vị đã chịu cực hình nơi thân xác, thế nhưng trong chốn trường sinh những cực hình này sẽ được biến đổi thành những tô điểm cho đức công chính”.

 

Tuy nhiên, vị giám mục Hippo này cũng nói với chúng ta rằng chúng ta có thể hát bài thánh vịnh ấy bằng một niềm hy vọng. Ngài nói là cả chúng ta nữa, được sinh động bởi một niềm hy vọng vững chắc, sẽ hân hoan mừng hát. Những người hát lên bài thánh vịnh này không phải là những người xa lạ đối với chúng ta. Bởi thế, tất cả chúng ta hãy đồng lòng cất tiếng hát: cả chư vị thánh nhân là thành phần chiếm được triều thiên vinh hiển cũng như chúng ta là những người thiết tha liên kết bản thân với vinh quang của các vị. Chúng ta cùng nhau muốn rằng sự sống chúng ta đang có dưới thế này đây nhưng cũng là sự sống chúng ta sẽ không bao giờ có thể có nếu chúng ta trước hết không muốn có nó”.  

 

Thế rồi thánh Âu Quốc Tinh trở về với quan điểm đầu tiên và giải thích rằng: “Các thánh nhân nhớ lại những đau khổ các ngài đã phải chịu, để rồi từ nơi diễm phúc và yên hàn các ngài nhìn lại con đường các ngài đã đi qua; rồi vì cảm thấy rằng mình khó có thể được giải thoát nều Đấng Cứu Thoát không nhúng tay vào cứu giúp họ, mà đầy hân hoan, các ngài kêu lên rằng: ‘nấu Chúa không ở với chúng tôi’. Bài ca của các ngài được bắt đầu như thế. Các ngài thậm chí không nói về những gì đã giải cứu các ngài bởi niềm vui của việc các ngài hân hoan hớn hở” ("Esposizione sul Salmo 123" [Commentary to Psalm 123], 3: "Nuova Biblioteca Agostiniana," XXVIII, Rome, 1977, p. 65).

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,

 

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài Thánh Vịnh 123, một bài ca hân hoan và tạ ơn, vì Thiên Chúa đã cứu dân Ngài khỏi mọi sự dữ. Dù họ có bị đe dọa bởi các kẻ thù chống đối họ, bởi những giòng cuồng lưu hầu như nhận chìm họ hay bởi những con mãnh thú săn mồi, Chúa vẫn ở bên của họ. Ngài đã đến hỗ trợ họ và giải cứu họ khỏi hiểm nguy.

 

Chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đến cứu chúng ta, thậm chí vào lúc chẳng còn hy vọng nào hết. Bởi thế mà bài thánh vịnh kết thúc bằng lời tuyên xưng đức tin, “ơn phù trợ của chúng tôi ở nơi danh Chúa là Đấng tạo thành trời đất”.

 

Thánh Âu Quốc Tinh đã cống hiến hai lời dẫn giải cho bài thánh vịnh này. Bài thánh vịnh này có thể được nghĩ như là một bài ca của các vị tử đạo ở trên trời, hân hoan vì Thiên Chúa đã giải cứu các vị khỏi những khổ đau và tặng thưởng cho các vị triều thiên vinh hiển. Và bài thánh vịnh này có thể được nghĩ là bài hát của chúng ta, bài hát của Giáo Hội trên trần thế, bài hát diễn tả niềm hy vọng tin tưởng rằng bất cứ những khó khăn nào xẩy đến cho chúng ta thì Chúa đều ở bên chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 22/6/2005

 

 

TOP

 

 

ĐTC BĐXVI đến thăm Tổng Thống Ý để đáp lễ

 

Hôm 3/5/2005, Tổng Thống Ý Carlo Azeglio Campi đã đến thăm ĐTC BĐXVI, và hôm 24/6/2005, Lễ Sinh Nhật Thánh Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, ngài đã đến thăm đáp lễ, tại Dinh Quirinale.

 

ĐTC đã rời Vatican vào lúc 10 giờ 30 sáng trên một chiếc xe mui trần. Vừa ra khỏi Thành Vatican, ngài đã được chào đón bởi phái đoàn đại biểu chính phủ Ý do ngoại trưởng Gianfranco Fini dẫn đầu, ở Quảng Trường Đức Piô XII. Đoàn xe gắn máy của ĐTC đã ngừng lại lần thứ hai tại Piaoãa Venezia, gần Tòa Thị Sảnh Rôma, nơi ngài được Thị Trưởng Thành Phố Rôma là Walter Veltroni chào mừng. Ngài đã tới Dinh Tổng Thống Ý vầ lúc 11 giờ sáng, Tổng Thống Ciampi đã chào mừng ngài, và bên trong dinh này, ngài được tiếp đón bởi cả hai vị nguyên tổng thống Ý nữa là Francesco Cossiga và Oscar Luigi Scalfaro, những vị chủ tịch của Hạ Viện và Thượng Viện, cũng như Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi. Đi theo ĐTC có ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano. 

 

Cuộc viếng thăm dinh tổng thống Ý lần này của ĐGH là lần thứ 8. Lần 1 là của Đức Piô XII năm 1939. Đức Gioan Phaolô II đã đến đây 3 lần, vào những năm 1984, 1986 và 1998.

 

Sau lời chào mừng của Tổng Thống Ý Ciampi, ĐTC đã đọc bài diễn từ của mình, trong đó, ngài bảo đảm với nhân dân Rôma và Ý quốc về việc ngài “hết sức dấn thân hoạt động cho phúc hạnh về tôn giáo và dân sự của những ai Chúa đã ủy thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi”.

 

ĐTC đã nhắc lại những liên hệ giữa Giáo Hội và Nước Ý “được dựa vào nguyên tắc như Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả là ‘Giáo Hội và cộng đồng chính trị tự lập và độc lập theo lãnh vực của mình. Tuy nhiên, cả hai, dưới những danh hiệu khác nhau, đều dấn thân phục vụ cho ơn gọi về con người và xã hội của cùng dân chúng’”.

 

Vì lý do này, ĐTC tiếp, “tính cách lành mạnh của Quốc Gia” là những gì hợp lệ, “nhờ đó, những tình trạng trần thể được quản trị theo những qui tắc riêng của chúng, nhưng vẫn không loại bỏ những qui chiếu về luân thường đạo lý có những nền tảng tối hậu của chúng nơi tôn giáo. Tính cách tự lập của lãnh vực trần thế không loại trừ việc hòa hợp hữu lý với những nhu cầu phức tạp hơn xuất phát từ quan điểm nguyên vẹn về con người cũng như về định mệnh vĩnh cửu của họ”.

 

 

ĐTC diễn tả niềm hy vọng rằng nhân dân Ý quốc “chẳng những không chối bỏ gia sản Kitô giáo là những gì làm nên lịch sử của mình mà còn bảo vệ nó một cách thiết tha và một lần nữa làm cho nó sinh hoa hết trái xứng với quá khứ của nó. Tôi tin tưởng rằng Ý quốc, dưới sự hướng dẫn khôn ngoan và gương mẫu của những ai được kêu gọi quản trị nó, sẽ tiếp tục thực hiện sứ vị văn minh hóa trên một thế giới mà Ý quốc đã nổi bật qua nhiều thế kỷ. Với lịch sử và văn hóa của mình, Ý quốc có thể góp phần một cách sáng giá nhất là cho Âu Châu, giúp cho châu lục này tái nhận thức được những căn gốc của mình để giúp cho châu lục này có thể trở thành cao cả như quá khứ, cũng như để ngày nay châu lục ấy có thể tiến đến chỗ hiệp nhất sâu xa”.

 

ĐTC đã nói rằng có nhiều mối quan tâm mở màn cho giáo triều của ngài, những quan tâm “không là gì khác cũng là những quan tâm của thành phần lãnh đạo quần chúng”, bao gồm “vấn đề bảo toàn gia đình được đặt trên nền tảng hôn nhân, như Hiến Pháp Ý quốc nhìn nhận, vấn đề bảo vệ sự sống con người… và vấn đề giáo dục”.

 

Ngài nhấn mạnh là Giáo Hội “thấy nơi gia đình một giá trị rất quan trọng cần phải được bênh vực khỏi tất cả mọi cuộc tấn công nhắm đến chỗ làm suy yếu tính cách liên kết của nó và đặt lại vấn đề hiện hữu của nó. Ngoài ra, nơi sự sống con người, Giáo Hội nhìn nhận một sự thiện căn bản chính yếu là nền tảng cho tất cả mọi sự thiện khác”.

 

Về vấn đề học đường, ĐTC nhấn mạnh đến vai trò cú nó như là một “sự vươn rộng tự nhiên” nơi vai trò chính yếu của gia đình. “Vẫn hoàn toàn tôn trọng thẩm quyền của Quốc Gia trong việc ban bố các chỉ thị chung về vấn đề giáo dục, tôi cũng không thể không bày tỏ niềm hy vọng là quyền lợi của cha mẹ trong việc tự do quyết định việc giáo dục con cái là những gì cần phải được tôn trọng, mà không có sự nâng đỡ gánh nặng cho họ. Tôi tin tưởng rằng các vị lập pháp Ý quốc, theo sự khôn ngoan của mình, biết cách tìm kiếm ‘những giải pháp nhân bản’ cho những vấn đề này, tức là những giải pháp tôn trọng các giá trị bất khả vi phạm được hàm chứa ở đó”.


 

Tâm Phương, theo Zenit ngày 23/6/2005

 TOP
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ