GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 28/6/2005

 

1) Đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006: “Hòa Bình trong Chân Lý”

2) Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui

3) Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với ĐTC GPII

 

 

Đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006: “Hòa Bình trong Chân Lý”

 

Theo mạng điện toán toàn cầu VIS ngày 25/6/2005 thì đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006: “Hòa Bình trong Chân Lý”, như thông báo của văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết.

 

Bản thông báo này loan báo đề tài này nhắc lại Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” khẳng định rằng nhân loại “không thể hoàn thành việc xây dựng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi một thế giới thực sự nhân bản hơn, trừ khi mỗi người dấn thân mình vì hòa bình bằng một nghị lực mới”.

 

Bản thông báo tiếp tục cho biết: “Hòa bình là những gì thực sự vì nó đáp lại ước vọng Tạo Hóa đã ghi khắc trong lòng tất cả mọi người…. Các thứ nhân quyền cần phải được bênh vực…. Khi sinh hoạt của con người không tôn trọng cấp trật của các sự vật (một thứ ‘văn phạm’ tự nhiên được Đức Gioan Phaolô II nói với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995), khi nó giới hạn sự sống con người và ngăn trở việc phát triển sự sống, khi nó áp đặt những thứ hy sinh bất khả chấp trên con người, thì hòa bình không thể nào hiện hữu, vì không có vấn đề tôn trọng chân lý của các sự vật”.

 

Bản thông báo cũng nhấn mạnh là “hòa bình là ‘tranquillitas ordinis’, nói cách khác, là tình trạng triển nở trọn vẹn sự thật về con người. Nỗi khao khát sự thật của con người như là mức độ trọn vẹn của con người được chuyển thành ước vọng hòa bình, ước vọng không bị lệch lạc, ước vọng hòa bình đích thực hay ước vọng sự thật hòa bình.

 

“Sự thật thật sự cũng là những gì hòa bình. Nó hòa giải, chấm dứt việc cô lập xa cách. Sự thật thì soi sáng, khiến có thể nhận thức được đường lối liên hệ nhân bản đích thực, giúp cho việc sửa chữa lỗi lầm, mang lại sự hòa giải với bản thân và tha nhân, tính cách liêm khiết nơi việc hành xử và tin tưởng những lời hứa quyết”.

 

Tâm Phương

 TOP

 

Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui

 

Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thì ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Trung Cộng đang tăng tiến, bất chấp việc tuyền truyền chủ nghĩa cộng sản vô thần và tình hình mất tự do tôn giáo.

 

Một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Các Khoa Xã Hội Học ở Bắc Kinh cho thấy trên 60% sinh viên ở Bắc Kinh và Thượng Hải tỏ ra thiên về Kitô giáo.

 

Ở vào một thời điểm Đảng Cộng Sản ở Trung Hoa đang trải qua cơn khủng hoảng về căn tính của nó thì chỉ còn một ít người tin tưởng vào những lý tưởng của Mao Trạch Đông mà thôi, chứ nhiều người thuộc đảng này đang âm thầm tỏ ra chú trọng tới tôn giáo và đức tin Kitô giáo.

 

Sau đây là một câu truyện có thật về một đảng viên cộng sản năng nổ, một sinh viên thuộc miền bắc xứ sở này, đã trở thành một vị linh mục Công giáo (vì mục đích an ninh nên các địa danh và tên tuổi xin được giữ kín).

 

(Nhân dịp Thủ Tướng Phan Văn Khải của nhà nước Việt Nam vừa chấm dứt chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tuần thứ bốn của Tháng Sáu 2005 vừa rồi theo lời mời của Tổng Thống Bush, câu truyện đây được phổ biến vào lúc này thật là thích hợp, để cho thấy rằng hạnh phúc đích thực của con người nói riêng và của xã hội loài người nói chung không phải chỉ nguyên bởi bánh kinh tế và chính trị mà chính là bởi niềm tin, bởi Đấng Tối Cao, bởi Đấng làm chủ lịch sử loài người, Đấng được ĐTC GPII gọi là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”).

 

Tên tôi là Bao Yuanjin và là một linh mục ở miền bắc Trung Hoa. Tôi làm linh mục mấy năm trước đây. Tôi được rửa tội 11 năm trước. Trước đó, tôi là một người vô thần, và thực sự là một tay năng nổ của Đảng Cộng Sản Trung Hoa.

 

Ở đại học, tôi đã lãnh đạo các thành viên Cộng Sản trẻ thuộc phân khoa của tôi. Lòng tôi có nhiều dự án và tư tưởng cho tương lai, thế nhưng không có một sự nào trong những thứ ấy liên quan tới Thiên Chúa hết, bởi vì, đối với tôi, Ngài thậm chí không hiện hữu.

 

Gia đình tôi chỉ có bà của tôi theo Tin Lành mà thôi. Khi tôi còn là một đứa nhỏ, tôi đã có lần nghe bà nói về Giêsu: Bà nói rằng Giêsu là con Thiên Chúa. Thế nhưng tôi chẳng có chú ý gì tới tôn giáo. Vấn đề giáo dục theo vô thần là những gì bắt buộc ở Trung Hoa, từ tiểu học lên đến đại học.

Tâm trí của tôi đầy những lý thuyết về vô thần và tôi nghĩ rằng vấn đề tin tưởng vào Thiên Chúa là một cái gì đó trẻ con, thậm chí là một cái gì đó hơi ngu ngốc nữa.

 

Vào năm thứ tư đại học của mình, tôi đã gia nhập đảng Cộng Sản. Dân chúng ở Trung Hoag hi danh nhập đảng này theo niềm xác tín chẳng có bao nhiêu, hầu hết để “làm bạn” hầu một ngày kia có thể giúp họ tìm việc làm hay giúp họ khi họ gặp rắc rối.

 

Đời sống của tôi trong tổ Cộng Sản chẳng tốt cũng không xấu. Nhóm sinh viên chúng tôi tỏ ra tử tế với mọi người, chăm chỉ chuyên cần và khéo léo tổ chức tất cả mọi loại sinh hoạt.

 

Thế nhưng, tôi đã bị dội lại bởi sự kiện là, ở Đảng Cộng Sản này, tất cả những vấn đề ấy, cho dù là tốt đẹp đi nữa, vẫn thực hiện không phải cho người khác mà là cho chính mình mà thôi, cho việc thăng tiến nghề nghiệp của mình mà thôi. Rồi vấn đề dối trá nữa: đặc tính chính yếu của chúng tôi là dối trá, ở chỗ, hết mọi người đều nói dối và hết mọi người đều biết đến những thứ dối trá ấy, song tất cả chúng tôi vẫn cứ dối trá như nhau.

 

Chẳng hạn, ở hết mọi cuộc họp tổ đều có giây phút để thú nhận và tự kiểm (được gọi chính xác là “phê bình kẻ khác và phê bình bản thân”). Thực ra chẳng có vấn đề tự kiểm gì cả và cũng chẳng có ai thực sự là phê bình kẻ khác nữa.

 

Có một loại trao đổi chính thức đã được ấn định, một thứ trao đổi thậm chí có thể trở thành hình thức tâng bốc xua nịnh. Chẳng hạn, người ta có thể nói với người trưởng tổ rằng: ‘Thưa tổ trưởng, tôi cần phải phê bình một điều tổ trưởng không làm đúng. Tổ trưởng đã làm quá nhiều cho chúng tôi. Đúng thế, làm việclà điều quan trọng, nhưng sức khỏe của tổ trưởng cũng quan trọng nữa. Tổ trưởng cần phải để ý đến sức khỏe để còn làm việc hơn nữa cho cộng đồng”.

 

Vào những lúc như thế, từ lòng tôi vang lên tiếng nói: “Thật là điêu ngoa, đúng là dối trá!”. Thế nhưng, tôi cũng phải làm như vậy thôi.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 26/6/2005

TOP

Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với ĐTC GPII

 

Chưa bao giờ Lời Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV tuần này ứng nghiệm một cách chí lý và xác thực cho bằng lúc này. Thành phần “hiền triết và khôn ngoan” được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm, thành phần nói chung được gọi là trí thức đây không hiểu gì về những điều Thiên Chúa tỏ ra cho loài người biết qua Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Phải chăng đó là lý do, thành phần trí thức này, mang danh là các khoa học gia, hay những nhà lập pháp ở các quốc hội, hoặc các vị thẩm phán thuộc ngành tư pháp v.v., đã có những thí nghiệm phi nhân bản, như tạo sinh ống nghiệm và tạo sinh sao bản, đã ban bố những đạo luật phi đạo lý, như cho phép phá thai và đồng tính hôn nhân, đã thực hiện những án quyết phản công lý, như cho đốt cờ quốc gia, cho ly dị đơn phương, hay cho triệt sinh bức tử con người, như vụ Terry Schiavo ở Florida cuối tháng 3/2005 vừa rồi. Tại sao con người thời đại càng văn minh lại càng bị phá sản về luân lý như thế, chẳng khác gì như một anh hề “đóng khố đi giầy tây” trên khấu trường lịch sử như thế? Chúng ta chỉ tìm thấy câu trả lời đích đáng cho hiện tượng khủng hoảng về tâm linh và đạo lý của con người ngày nay nơi tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” của ĐTC GPII, tác phẩm cuối cùng ngài để lại cho nhân loại trước khi ngài vĩnh viễn ra đi 2 tháng, với những nhận định của ngài về lịch sử con người và phương thể để lấy lại căn tính con người. 

 

Qua những nhận định của Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên đây, kể cả trong Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” ngày 4/3/1979, lẫn trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” vào thời điểm tháng 3/2005, thì thế giới đã sống trong “một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức… của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý”. Cũng chính vì “những tàn phá vĩ đại trên hết là về mặt luân lý” như thế mà thế giới hiện nay (hơn bao giờ hết) đã tiến đến một cuộc “diệt chủng về pháp lý”, được thực hiện bởi một thứ chủ nghĩa độc tài chuyên chế được che đậy một cách tinh khéo dưới những dạng thức dân chủ”.

 

Tại sao lại xẩy ra một hiện tượng ngược đời như thế, ở chỗ, chính lúc con người văn minh không còn ăn lông ở lỗ, lại là lúc con người sống theo luật rừng “jungle law” mạnh được yếu thua hơn bao giờ hết: nhân danh tự do để phạm đến nhân quyền và luân lý (như phá thai và hôn nhân đồng tính), nhân danh tiến bộ khoa học hay nhân đạo để tàn sát sự sống (như tạo sinh sao bản phôi bào con người và triệt sinh an tử), thậm chí nhân danh Thiên Chúa để khủng bố tấn công tiệu diệt đồng loại v.v.?

 

Lịch sử đã hiển nhiên cho thấy, cuộc khủng hoảng này cùng với những ý hệ sự dữ của nó đều xuất phát từ chung Tây Phương (kể cả Bắc Mỹ) và riêng Âu Châu (cách riêng Tây Âu), một châu lục chẳng những mở màn cho ý thức triết học (từ Hy Lạp trước Công Nguyên) mà còn cho cả văn minh vật chất (khoa học và kỹ thuật) lẫn văn minh nhân bản (nhân phẩm và nhân quyền), một châu lục có thể gọi là thế giới Kitô giáo và theo văn minh Kitô giáo, một châu lục chẳng những đã truyền bá văn minh vật chất và nhân bản khắp thế giới mà cả Kitô giáo nữa. Thế mà, trong thế kỷ 20 cũng là thế kỷ kết thúc hai ngàn năm Kitô giáo của họ, hai Thế Chiến chính yếu đã xẩy ra ở châu lục này, và hai chủ nghĩa độc tài sắt máu Nazi và Cộng sản cũng bắt nguồn từ châu lục này, để rồi, cho đến nay, châu lục này, trong nội bộ, đang bị phá sản văn hóa và đức tin hơn bao giờ hết, và đang cần phải được cấp thời tái truyền bá phúc âm hóa.

 

Tại sao thế? Phải chăng vì Kitô giáo là căn gốc chung của châu lục này không có khả năng cứu độ, không có tác dụng gì vào thời điểm con người văn minh? Hay vì châu lục văn mình này đã hoàn toàn chối bỏ căn tính Kitô giáo của mình, (như bản dự thảo của Khối Hiệp Nhất Âu Châu cho thấy), mà nó đã chẳng những đi đến chỗ mất gốc mà còn đang bị bật gốc nữa? (xin xem cùng một tác giả, “Giới Trẻ Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, Cao-Bùi 1996, trang 10-11; “Ý Thức Kitô Giáo”, Cao-Bùi 1998, trang 3-5; “Ánh Sáng Thế Gian”, Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam Tại Hoa Kỳ, 2000, trang 7-8):

 

·        “Như thế, hiện tượng thụt lùi của đạo (về luân thường tín lý) trước đà lấn át của đời (về tiện nghi vật chất) không phải là một bằng cớ phủ nhận chính đáng và hiển nhiên nhất bản chất chân thật và thiện hảo đích thực của Kitô Giáo sao??

 

“Ngược lại, cũng có thể đặt vấn đề như thế này, sở dĩ lịch sử, ở vào thế kỷ 20 nói chung và hậu bán thế kỷ này nói riêng, đang thoi thóp như hấp hối chết trong mùa đông ‘văn hóa tử vong’ (‘culture of death’ - thành ngữ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) như thế, chính là vì con người đã lìa bỏ văn hóa Kitô Giáo, một văn hóa đã làm nên ‘văn minh yêu thương’ (‘civilization of love’ - thành ngữ của Đức Thánh Cha Phaolô VI) cho cả 20 thế kỷ qua”.

 

Theo Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sở dĩ Âu Châu (và từ Âu Châu lan đến toàn thế giới) đã đi đến thảm trạng này là vì châu lục này đã phủ nhận căn tính Kitô giáo của mình, phủ nhận Ơn Cứu Chuộc, bằng việc chấp nhận và sống theo ý hệ duy nhân bản sai lầm về con người, một ý hệ phát xuất từ Thời Minh Tri hay Chủ Nghĩa Minh Tri (Enlightenment) chủ trương duy lý, một thời đã bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng triết học trước đó của một triết gia người Pháp là Descartes.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ