GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 2/6/2005 |
Như chúng tôi đã liên tiếp trong những buổi phát thanh www.tinmungsusong.org gần đây nêu lên vấn đề hiệp nhất trong Giáo Hội, đặc biệt, hiệp nhất với Chính Thống Giáo, Anh Giáo, và Tin Lành. Và chúng tôi cũng đã phân tích một số dấu chỉ thời đại để từ đó đi tới kết luận rằng giáo triều của Đức Bênêđíctô XVI là một giáo triều của hiệp nhất. Ngài là vị Giáo Hoàng của hiệp nhất. Sứ mạng của Ngài là tạo nên sự hợp nhất giữa các quốc gia Âu Châu có cùng căn tính Kitô Giáo của mình. Một căn tính đã làm nên bộ mặt và di sản văn hóa tinh thần cho Âu Châu. Trong mục Giáo Hội Hiện Thế tuần này, chúng tôi xin mời quí thính gỉa theo dõi những lời phát biểu của một giám mục Tin Lành Luthêrô về vấn đề hiệp nhất trong Đại Hội Thánh Thể tại Ý tuần qua.
Như chúng ta vẫn thường nhắc đến tư tưởng này, đặc biệt xuyên qua những tài liệu mà chúng ta có được liên quan đến con người, đường lối, và chiều hướng của Đức Bênêđíctô XVIvị Giáo Hoàng mà chúng ta thầm đoán là sẽ có trách nhiệm hàn gắn Âu Châu, và đem đại lục này về với truyền thống văn hóa Kitô Giáo, và căn tính Kitô Giáo của nó. Vì nói đến Âu Châu là nói đến ảnh hưởng Kitô Giáo, nói đến những vị thánh lẫy lừng, và nói đến một thời vàng son đã đào tạo và giử đi hằng ngàn, vạn các nhà truyền giáo ra đi đem Tin Mừng và ánh sáng Phúc Âm đến với mọi dân tộc trên khắp thế giới, nhưng giờ này thì Âu Châu đang trở thành một đại lục mà ơn gọi tu trì sút giảm, lòng mộ đạo của giáo dân sa sút, nhiều thánh đường phải bỏ ngỏ, hoặc bán đi. Nhất là trào lưu phá thai, đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính, cũng như tư tưởng chối bỏ cội nguồn Kitô Giáo của mình như bản dự thảo chung Hiến Pháp Âu Châu đang được bàn cãi hiện nay, đã biến Âu Châu thành một đại lục truyền giáo theo một ý nghĩa nào đóù.
Nếu Gioan Phaolô II là một giáo hoàng xuất thân từ Ba Lan, một quốc gia Cộng Sản đã hành động tích cực để giải thể chế độ Cộng Sản. Một cách tương tự, Bênêđíctô XVI, vị giáo hoàng xuất thân từ Đức, một quốc gia với thành tích trực tiếp tham dự vào 2 đại thế chiến. Nơi xuất phát của giáo phái Tin Lành Luthêrô. Vị giáo hoàng đã đọc, đã hiểu, và rất am tường chủ thuyết Luthêrô, cũng sẽ hy vọng đem Âu Châu trở lại với ý nghĩa xây dựng, hòa bình, và hiệp nhất. Và một khi Âu Châu đã hiệp nhất, Tin Lành Luthêrô đã hiệp nhất, thì Anh Giáo, và Chính Thống Giáo cũng sẽ từ từ được thực hiện. Và như vậy, trong một tương lai gần, điều mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha xưa “Xin cho chúng nên một” sẽ trở thành hiện thực. Như vậy, thì gọi triều đại giáo hoàng Bênêđíctô XVI là triều đại hiệp nhất, và giáo hoàng Bênêđíctô XVI, là giáo hoàng hiệp nhất là một điều xứng hợp.
Trở lại tin tức Giáo Hội liên quan đến hành động hiệp nhất này, ngày 26 tháng 5 vừa qua, tại đại hội Thánh Thể được diễn ra ở Bari, nước Ý, một đại hội được tổ chức với chủ đích hiệp nhất và đối thoại liên tôn, và đã được Đức Bênêđíctô chủ sự thánh lễ bế mạc. Đại diện của giáo phái Tin Lành Luthêrô của Phần Lan là Giám Mục Eero Huovinen đã nói trong đại hội rằng: “Những người Luthêrô Phần Lan mong muốn được trở thành một phần tử trong Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô.” Lời phát biểu này được vị giám mục đưa ra sau khi đã giải thích rằng Martin Luthêrô đã không muốn lập nên một giáo hội mới, nhưng đơn thuần chỉ là muốn cải cách và đổi mới giáo hội.
Giám Mục Eero cũng thêm rằng năm nay, năm 2005 là dịp kỷ niệm 850 năm của giáo hội Phần Lan, nơi mà 84% trong tổng số 5.2 triệu người là Tin Lành Luthêrô. Rồi ngài nhấn mạnh: “Cùng với anh chị em Công Giáo và các Kitô hữu khác, chúng ta hãy cầu nguyện để có thể trở thành nên một trong Chúa Kitô”.
Khi nói về Phép Thánh Thể liên quan đến thánh lễ Chúa Nhật, vị này thêm: “Người ta không thể sống mà không có Phép Thánh Thể Cực Trọng, mà không có Chúa Kitô, mà không có Thiên Chúa”. Và :”Chúa Nhật là ngày Chúa Kitô phục sinh, và Thánh Thể là bí tích của sự hiện diện hữu hình của Chúa Kitô.”
Ngoài ra khi đề cập đến việc hiệp nhất, Giám mục Eero đã phát biểu như sau: “Hiệp nhất không thể có ảnh hưởng nếu thiếu sự thật, và chỉ duy có một con đường sự thật và bác ái. Từ đáy tâm hồn tôi, tôi khao khát tham dự một ngày trong đó những người Luthêrô và Công Giáo được hiệp nhất với nhau trong một cách thức hữu hình”.
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cùng với vị giám mục này, để ý nghĩa hiệp nhất và hành động hiệp nhất sớm được thực hiện, và như vậy lời cầu năm xưa “xin cho chúng nên một” của Chúa Giêsu sẽ trở thành hiện thực ngay trong triều đại của Đức Bênêđíctô XVI, vị Giáo hoàng của hiệp nhất Kitô Giáo.
(Phát thanh Tin Mừng Sự Sống 247, ngày 5 tháng 6 năm 2005)
Trần Mỹ Duyệt
“’Việc Hủy Thân’ ngược đời của Lời Thần Linh”
(Ca Vịnh Phil. 2:6-11 - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)
Thứ Tư 1/6/2005, trước 25 ngàn người ở
Quảng Trường Thánh Phêrô, như thường lệ cho buổi triều kiến chung hằng tuần, ĐTC
Biển Đức XVI lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Giờ Kinh Phụng Vụ Tối. Bài giáo lý
lần này là bài thứ 136 về Ca Vịnh Philiphê 2:6-11, cho Giờ Kinh Tối Thứ Bảy,
Tuần Lễ Thứ Hai (trong 4 tuần Phụng Vụ Kinh Thần Vụ).
1. Mỗi ngày Chúa Nhật, khi cử hành giờ kinh tối, phụng vụ phác ra cho chúng ta một bài thánh ca ngắn nhưng sâu xa Kitô học từ Bức Thư gửi cho Tín Hữu Philiphê (x 2:6-11). Chính bài thánh ca chúng ta vừa nghe này, bài thánh ca chúng ta đang suy ngắm ở phần thứ nhất (câu 6-8), phần diễn tả ‘cái hủy thân’ ngược đời của Lời thần linh, Đấng không màng đến vinh hiển của Người và mặc lấy thân phận con người.
Chúa Kitô, Đấng đã nhập thể và hạ mình chấp nhận cái chết ô nhục nhất, một cái chết tử giá, được đề cao như một mô phạm quan trọng cho Kitô hữu. Kitô hữu, như được đoạn thư này kêu gọi, phải có “cùng một thái độ như của Chúa Giêsu Kitô” (câu 5), những cảm thức khiêm tốn và vô vị kỷ, những cảm thức thoát ly và quảng đại.
2. Chắc chắn là Người có bản tính thần linh với tất cả quyền uy của mình. Thế nhưng Người không nghĩ và sống thực tại siêu việt này như là một dấu hiệu của quyền năng, của uy nghi và của thống trị. Chúa Kitô không lợi dụng việc ngang hàng với Thiên Chúa của mình, phẩm vị vinh hiển của mình và quyền năng như là một thứ công cụ chiến thắng, một dấu hiệu của cách biệt, một biểu lộ cái tối thượng khinh mạt (x câu 6). Trái lại, Người ‘đã tự hủy’ mình đi, hoàn toàn dìm mình vào thân phận loài người khốn nạn yếu hèn. ‘Dáng vẻ’ (‘morphe’) thần linh này được ẩn khuất nơi Chúa Giêsu dưới ‘dáng vẻ’ (‘morphe’) loài người, tức là, dưới thực tại của chúng ta với đầy những khổ đau, nghèo nàn, giới hạn và chết chóc (x câu 7).
Bởi thế, đây không phải là vấn đề của một thứ thuần túy ăn mặc, của một dáng vẻ khả hoán, như người ta vẫn tin là xẩy ra nơi các vị thần linh của nền văn hóa La Hy: Đó là thực tại thần linh của Chúa Kitô nơi kinh nghiệm thực sự nhân loại. Thiên Chúa không xuất hiện chỉ như là một con người, nhưng hóa thân làm người và thật sự là một người trong chúng ta, Người thực sự là ‘Thiên Chúa ở với chúng ta’, không chỉ thỏa mãn với việc từ ái nhìn xuống chúng ta từ ngai tòa vinh hiển của Người, mà là đích thân đi vào lịch sử loài người, hóa thành ‘nhục thể’, tức là, trở thành một thực tại mỏng dòn, bị hạn chế bởi thời không (x Jn 1:14).
3. Việc chia sẻ thực sự với thân phận loài người này, ngoại trừ tội lỗi (x Heb 4:15), là những gì đã đưa Chúa Giêsu đến cái giới tuyến cho thấy tính chất hạn hẹp và mỏng dòn, chết chóc của chúng ta. Tuy nhiên, cái chết chóc này không phải là hoa trái của một thứ cơ chế tối tăn hay một thứ định mệnh mù quáng: nó được phát xuất từ việc quyết định vâng phục dự án cứu độ của Cha (x Phil 2:8).
Vị Tông Đồ này đã thêm là cái chết Chúa Giêsu chấp nhận là cái chết trên thập tự giá, tức là một cái chết ô nhục nhất, bởi Người thực sự muốn trở thành một người anh em của hết mọi con người nam nữ, bao gồm cả những ai bị cưỡng ép phải chấp nhận một định mệnh tàn ác và tủi nhục.
Thế nhưng, chính nơi cuộc khổ nạn và tử nạn của mình mà Chúa Kitô chứng thực việc Người tự do và ý thuưc gắn bó với ý muốn của Cha, như người ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Do Thái: ‘Mặc dù là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu’ (Heb 5:8).
Chúng ta hãy ngưng bài suy niệm của chúng ta lại nơi đây ở phần thứ nhất của bài thánh ca Kitô học này, bài thánh ca chú trọng tới Việc Nhập Thể và Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc. Chúng ta sẽ có dịp sau này để suy niệm một cách sâu xa hơn về phần sau đó, về cuộc vượt qua, là cuộc vượt qua từ thập giá tới vinh quang. Yếu tố cốt yếu này của phần thứ nhất của bài thánh ca, đối với tôi, là lời mời gọi đi sâu vào những cảm thức của Chúa Giêsu.
Việc đi sâu vào những cảm thức của Chúa Giêsu tức là không coi quyền năng, giầu có và thế giá như là những giá trị cao cả nhất trong đời sống, mà cuối cùng chúng cũng không đáp ứng được nỗi khát vọng sâu xa nhất của tinh thần chúng ta, nhưng là mở lòng mình ra Người Khác, mang với Người Khác gánh nặng của cuộc đời và hướng mình về Cha Trên Trời bằng một cảm thức tuân phục và tin tưởng, chính vì biết rằng nếu chúng ta vâng lời Chúa Cha chúng ta sẽ được tự do. Để đi sâu vào những cảm thức của Chúa Giêsu – điều này cần phải thi hành hằng ngày trong cuộc sống là Kitô hữu của chúng ta.
4. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta với vị đại nhân chứng Theodoret của truyền thống Đông phương, vị giám mục ở Cyprus, nước Syria, sống vào thế kỷ thứ 5: “Việc Nhập Thể của Đấng Cứu Thế chúng ta tiêu biểu cho việc hoàn trọn nhất mối quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thật vậy, dù trời, đất, biển khơi, khí khuyển, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình được dựng nên bởi nguyên Lời của Ngài hay nói cách khác được hiện hữu bởi Lời của Ngài, theo ý muốn của Ngài, có thể cho thấy sự thiện hảo khôn lường của Ngài như nơi Người Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng hiện hữu theo bản tính của Thiên Chúa (x Phil 2:6), Đấng phản ánh vinh hiển của Ngài, là hiện thân bản thể Ngài (x Heb 1:3), sau khi đã mặc lấy bản tính của một người tôi tớ, xuất hiện dưới hình dạng loài người, được coi là một con người nơi hình ảnh nhân loại của mình, được thấy trên mặt đất, có liên hệ với con người, mang lấy những yếu bệnh của chúng ta và nhận lãnh các thứ bệnh nạn của chúng ta”. ("Discorsi sulla Provvidenza Divina" [Discourses on Divine Providence], 10: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], LXXV, Rome, 1988, pp. 250-251).
Giám mục
Theodoret ở Cyrus tiếp tục bài suy niệm của mình, khi làm sáng tỏ về chính mối
liên hệ rất chặt chẽ được bài thánh ca trong Bức Thư gửi Kitô hữu Philiphê này
giữa việc nhập thể của Chúa Giêsu với việc cứu độ loài người. ‘Đấng Hóa Công đã
khôn ngoan và chính trực thực hiện ơn cứu độ cho chúng ta. Vì Ngài không muốn
chỉ sử dụng quyền năng của mình để quảng đại ban cho chúng ta tặng ân tự do,
cũng không muốn chỉ sử dụng tình thương đối với kẻ thống trị loài người, có thế
Ngài mới không kết án tình thương về những gì bất chính, Ngài đã nghĩ ra được
một cách thức đầy yêu thương đối với con người, đồng thời cũng công bằng nữa.
Thật vậy, sau khi liên kết bản thân mình với bản tính bại hoại của loài người,
Người đã khiến cho bản tính này phải chạm trán với một cuộc đối chọi, cùng sửa
lại cái thua bại của nó, đánh bại tên trước kia đã chiến thắng một cách bất hợp
pháp, giải thoát con người khỏi tình trạng chuyên chế là những gì bắt họ làm nô
lệ một cách dữ dội, và lấy lại được sự tự do nguyên thủy của họ” (ibid., pp.
251-252).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh hôm nay được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi Kitô hữu Philiphê trình bày Chúa Kitô, Lời thần linh, từ bỏ vinh hiển của Người và mặc lấy hình dáng nhân loại của một người tôi tớ. Việc Người ngang hàng với Thiên Chúa, còn hơn là một quyền năng tối thượng, được thể hiện như là một thứ hủy mình ngược đời. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dìm mình vào lịch sử của loài người, cảm nghiệm được khổ đau, bần cùng, và trong việc tuân phục ý muốn của Cha, cho dù chết trên thập tự giá.
Đức khiêm tốn của Chúa Kitô là những gì làm nên yếu tố của hết mọi cuộc hành trình Kitô giáo. Bằng sự vô vị kỷ, thoát ly và quảng đại, chúng ta bắt chước đường lối của Chúa và trong việc vác lấy thập giá của Người và nhờ việc vác thập giá của Người chúng ta thực sự trở thành anh chị em đích thực của những ai chịu đựng khổ đau và lkhẩn thiết nhất.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 1/6/2005
Tòa Thánh đề nghị các linh mục hãy tái nhận thức tình thân hữu với Chúa Kitô là những gì giúp cho họ biết trân quí ơn gọi của mình trên hết.
Văn kiện được Thánh Bộ Giáo Sĩ ban
hành liên quan đến Ngày Cầu Nguyện cho Việc Thánh Hóa Các Linh Mục khẳng định
rằng: "Bí quyết hay chìa khóa của đời sống linh mục đó là say mến Chúa Kitô, một
lòng say yêu đi đến chỗ hăng say loan truyền Chúa Kitô".
Ngày cầu nguyện đây, một ngày sẽ được tổ chức vào Thứ Sáu tuần này, dịp Lễ Trọng
kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được thực hiện trong Giáo Hội từ Đức cố ĐTC Gioan
Phaolô II.
Bản văn kiện này được phân bộ trên
đây của Tòa Thánh Vatican phổ biến bao gồm cả Bức Thư ĐTC Gioan Phaolô II gởi
cho các linh mục do vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2005, lẫn những dự thảo đầu tiên
của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Vị Tân Giám Mục Rôma "đã kêu gọi chúng ta hãy sống Năm Thánh Thể này để tái nhận
thức tình thân hữu với Chúa Kitô", biến tình thân hữu ấy thành "chiếc chìa khóa
cho đời sống linh mục của chúng ta".
Bản văn giải thích rằng: "Chúng ta
được mời gọi ‘hằng phải trở về với căn gốc của thiên chức linh mục. Căn gốc này,
như chúng ta quá rõ, là điều duy nhất, đó chính là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta".
Trích dẫn từ bài giảng của ĐTC Biển Đức XVI trong thánh lễ đăng quang cho giáo
triều của ngài, bản văn kiện viết: "Những ai đón nhận Chúa Kitô sẽ không bị mất
đi một sự gì hết, không gì có thể làm cho đời sống được tự do, tươi đẹp và cao
cả. Không gì hết! Chỉ có ở nơi tình thân hữu này mà khả năng lớn lao của thân
phận con người mới thăng hoa. Chỉ có ở nơi tình thân hữu này chúng ta mới cảm
nghiệm được những gì là thiện hảo và tự do thoải mái”.
Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được bắt đầu sau những lần Chúa Kitô hiện ra với
thánh Maria Margarita Alacoque (1647-1690), một tu sĩ Dòng Thăm Viếng ở tỉnh
Paray-le-Monial bên Pháp.
Khi Chúa Kitô hiện ra với thánh nữ, Người đã tỏ ra buồn đau vì các thứ tội lỗi
và phạm thánh của nhân loại, nhất là những sự bội tín của những ai tận hiến mình
cho Người, cách riêng là các vị linh mục của Người.
Trần Đại (dịch theo Zenit ngày 31/5/2005)