GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 9/6/2005

NGÀY THÁNH THỂ

 

1) ĐTC Biển Đức XVI với buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 8/6/2005, về Thánh Vịnh 110 (111): “Hãy kính sợ chiêm ngưỡng Thánh Danh Thiên Chúa”

2) Thành Lập Trung Tâm Mẹ Têrêsa Calcutta

3) Nhà Thờ Thứ Hai được dâng kính Mẹ Têrêsa Calcutta ở Tamil Nadu

4) Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể: Phần Thống Hối Đầu Lễ

 

   

ĐTC Biển Đức XVI với buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 8/6/2005, về Thánh Vịnh 110 (111): “Hãy kính sợ chiêm ngưỡng Thánh Danh Thiên Chúa”

 

1.         Hôm nay chúng ta cảm thấy gió mạnh thổi. Gió theo Thánh Kinh là biểu hiệu cho Thánh Linh. Chúng ta hy vọng rằng Thánh Linh sẽ soi động cho chúng ta lúc này đây để suy niệm về bài Thánh Vịnh 110 (111) chúng ta vừa nghe. Nơi bài Thánh Vịnh này chúng ta thấy được một bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn Chúa về nhiều ân phúc của Ngài, những ân phúc liên quan tới các ưu phẩm và hoạt động cứu độ của Ngài. Những ưu phẩm được đề cập tới ở đây là “xót thương”, “khoan dung”, “chính trực”, “quyền uy”, “chân thực”, “thanh liêm”, “trung thành”, “ước thệ”, “hoạt động”, “kỳ công”, kể cả “lương thực” Ngài ban, và sau hết là “danh hiệu” vinh hiển của Ngài, tức là bản thân của Ngài. Bởi thế, cầu nguyện là chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa và các kỳ công Ngài thực hiện trong lịch sử cứu độ.

 

2.         Bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng lời tạ ơn được dâng lên chẳng những từ tâm hồn của Thánh Vịnh gia mà còn từ toàn thể cộng đồng phụng vụ nữa (câu 1). Đối tượng của lời cầu nguyện này, một lời nguyện cầu bao gồm cả lễ nghi tạ ơn, được bày tỏ bằng lời “các công cuộc’ (câu 2,3,6,7). Các công cuộc đây nói lên cho thấy những việc can thiệp cứu độ của Chúa, việc biểu lộ “đức công chính” của Ngài (câu 3), từ ngữ theo ngôn từ Thánh Kinh trước hết có nghĩa là tình yêu phát sinh ơn cứu độ.

 

Bởi thế, tâm điểm của bài Thánh Vịnh này được biến thành một bài thánh ca về giao ước (câu 4-9), về mối liên hệ thân tình nối kết Thiên Chúa với dân của Ngài và bao gồm một loạt những thái độ cùng cử chỉ. Được kể đến là “xót thương và bao dung” (câu 4), hợp với cuộc đại công bố ở Núi Sinai: “Chúa là Chúa, một Thiên Chúa xót thương và bao dung, chậm bất bình và giầu yêu thương và trung tín” (Ex 34:6).

 

“Xót thương” là ân sủng thần linh bao trùm và biến đổi tín hữu, trong khi “bao dung”, theo nguyên ngữ Do Thái, được diễn tả bằng một từ ngữ đặc biệt ám chỉ “nội tạng” mẫu tử của Chúa, thậm chí còn xót thương hơn cả tình mẫu tử của một người mẹ nữa (x Is 49:15).

 

3.         Mối liên hệ yêu thương này bao gồm việc ban phát lương thực căn bản, và bởi đó ban phát sự sống (câu 5), một sự sống mà, theo ý nghĩa Kitô giáo, được đồng hóa với Thánh Thể, như Thánh Giêrônimô nói: “Người đã ban bánh từ trời làm lương thực: nếu chúng ta xứng đáng, hãy ăn bánh này!” ("Breviarium in Psalmos," 110: PL XXVI, 1238-1239).

 

Bởi vậy có một tặng ân bởi đất, đó là “lãnh thổ của các quốc gia” (câu 6), một mảnh đất gợi lên đại biến cố Xuất Hành, khi Chúa tỏ mình ra như là Vị Thiên Chúa giải phóng. Thế nên, tổng luận của bài ca này được thể hiện nơi đề tài về giáo ước đặc biệt giữa Chúa và dân Ngài, như câu 9 nói một cách súc tích như sau: “(Ngài) giữ giao ước của Ngài đến muôn đời”.

 

4.         Bài Thánh Vịnh 110 (111) được kết thúc ở đoạn cuối bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan thần linh, chiêm ngưỡng bản thân Chúa, một bản thân được thể hiện qua thánh danh siêu việt của Ngài. Thế rồi, trích một câu nói khôn ngoan (xem Cách Ngôn 1:7; 9:10; 15:33), Thánh Vịnh gia kêu mời tín hữu hãy vun trồng “đức kính sợ Chúa” (Ps 110[111]: 10) là khởi đầu của sự khôn ngoan. Kính sợ và kinh sợ là những gì không được che đậy bởi từ ngữ ấy, song là việc thiết tha chân thành tôn kính, hoa trái của yêu thương, của việc thực sự chủ động gắn bó với Vị Thiên Chúa giải thoát. Và, nếu lời đầu tiên của bài ca này là tạ ơn thì lời cuối cùng là chúc tụng: Vì đức công minh cứu độ của Chúa “bền vững đến muôn đời” (câu 3) mà lòng tri ân của Thánh Vịnh gia bất tận, nó được vang vọng ở lời nguyện cầu “muôn đời” (câu 10).

 

Tóm lại, Bài Thánh Vịnh này mời gọi chúng ta cuối cùng hãy khám phá ra những điều tốt lành Chúa ban cho chúng ta hằng ngày. Chúng ta thấy được một cách dễ dàng hơn những khía cạnh tiêu cực nơi cuộc sống của chúng ta. Bài Thánh Vịnh này kêu gọi hãy nhìn thấy những khía cạnh tích cực nữa, những tặng ân chúng ta nhận được, nhờ đó tỏ lòng tri ân cảm tạ, vì chỉ có con tim biết ơn mới có thể xứng đáng cử hành phụng vụ tạ ơn là Thánh Thể mà thôi.

 

5.         Phần kết thúc bài chia sẻ của chúng ta đây, chúng ta muốn suy niệm, theo truyền thống của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu, về câu cuối cùng với lời công bố nổi tiếng được lập lại ở nơi khác tgrong Thánh Kinh (x Cách Ngôn 1:7): “Lòng kính sợ Chúa là bắt đầu đức khôn ngoan” (Ps 110[111]:10).


Nhà văn Kitô giáo Barsanuphius ở Gaza (hoạt động ở tiền bán thế kỷ thứ 6) đã dẫn giải câu này như sau: “Bắt đầu đức khôn ngoan là gì nếu không phải là xa tránh tất cả những gì Thiên Chúa không ưa thích? Và người ta làm thế nào để xa lánh nếu không phải bằng cách không làm gì mà trước hết không bàn hỏi, hay không nói điều gì mà không nên nói, hay coi mình là điên khùng, khờ dại, đáng khinh và bất xứng?” ("Epistolario," 234: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], XCIII, Rome, 1991, pp. 265-266).

 

John Cassian (vị sống giữa thế kỷ thứ 4 và 5) lại thích đặc biệt nói rằng “có một sự khác biệt cả thể giữa tình yêu, một tình yêu không thiếu gì và một tình yêu là kho tàng của đức khôn ngoan và kiến thức, với tình yêu bất toàn, được gọi là “khởi đầu của đức khôn ngoan”; tình yêu bất toàn, chất chứa ý nghĩ trừng phạt, được loại trừ khỏi tâm can của thành phần trọn lành trong việc tiến đến tình yêu trọn vẹn” ("Conferenze ai Monaci" [Conferences to Monks], 2,11,13: "Collana di Testi Patristici," CLVI, Rome, 2000, p. 29). Như thế, trong cuộc hành trình của đời sống chúng ta tiến đến với Chúa Kitô, nỗi sợ hãi của thành phần tôi tớ từ thuở ban đầu được thay thế bởi đức kính sợ toàn hảo là yêu thương, tặng ân của Thánh Linh.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài suy niệm của chúng ta hôm nay tập trung vào bài Thánh Vịnh 110, một bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa cùng với các kỳ công cứu độ của Ngài. Những tác động cứu độ này của Chúa bộc lộ đức công chính, lòng xót thương và tình yêu thương là những gì làm nên giao ước thân tình và trường vĩnh Ngài đã thiết lập với dân của Ngài.

 

Thánh Vịnh gia kêu gọi chúng ta hãy đáp lại giao ước này bằng việc chiêm ngưỡng thánh danh của Thiên Chúa bằng lòng kính sợ là khởi đầu của đức khôn ngoan. Chữ kính sợ không có nghĩa là kinh sợ, mà là chân thành kính trọng Chúa và thành thực tuân theo đường lối của Thiên Chúa. Cả chúng ta nữa, hãy hướng lòng chúng ta về Chúa trong tạ ơn và chúc tụng!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày
8/6/2005

 

 

TOP

 

 

Thành Lập Trung Tâm Mẹ Têrêsa Calcutta

 

Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái đã thông báo về việc thiết lập Trung Tâm Mẹ Têrêsa Calcutta. Trung Tâm này sẽ được đặt tại Nữu Ước, (như Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II ở Washington DC trước đây). Một khi được bắt đầu hoạt động, trung tâm được lập nên để cổ võ việc chân thực mến mộ Mẹ Têrêsa cũng như hiểu biết đời sống, hoạt động, thánh đức, linh đạo và sứ điệp của Mẹ, này sẽ bảo trì cả các cơ sở khác ở Calcutta Ấn Độ; Tijuana Mễ Tây Cơ; Rôma Ý quốc, và Hiệp Chủng Quốc.

 

Trung tâm này là một cơ quan Công giáo bất vụ lợi, được thành lập để trở thành một nơi có thẩm quyền về những bản viết chân thực của Mẹ Têrêsa và những chi tiết chính xác về đời sống và hoạt động của Mẹ. Nó cũng có nhiệm vụ đóng vai phát hành và phổ biến các sách vở và tài liệu bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Nó cũng thu góp, bảo trì và trưng bày những di tích thực sự của Mẹ Têrêsa cùng với những vật lịch sử quan trọng.

 

Cha Brian Kolodiejchuk, vị linh mục dòng của Mẹ sẽ làm giám đốc của trung tâm này và là cáo thỉnh viên của tiến trình hồ sơ phong thánh cho Mẹ cho biết “Rất cần phải có một trung tâm như thế này. Ngoài phận sự làm nơi cho việc tìm hiểu, mến mộ và khởi hứng, trung tâm này cũng bảo toàn những lời nói và hình ảnh của Mẹ cho khỏi việc mạo dụng hay lạm dụng”, bởi vì, theo vị linh mục này thì đã xẩy ra những trường hợp như thế rồi.

 

Tư tưởng muốn thành lập một trung tâm như thế này đã bắt đầu từ Văn Phòng Cáo Thỉnh về Mẹ Têrêsa năm 2002. Văn phòng này đã thực hiện một tập hồ sơ dầy 35 ngàn trang giấy về chứng từ và văn kiện cần cho việc điều tra phong thánh cho Mẹ để nộp cho Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh.

 

Mẹ đã được ĐTC GPII phong chân phước vào Chúa Nhật 19/10/2003, Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo cũng là Ngày Bế Mạc Năm Mân Côi và Mừng 25 Năm Ngân Khánh Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Mẹ cần 1 phép lạ nữa để được phong hiển thánh.

 

Mẹ Bề Trên Tổng Quyền, vị thay thế Mẹ Sáng Lập viên, là Sợ M. Nirmala, và là chủ tịch của ban giám đốc trung tâm này, đã cho biết:

 

“Bằng những hoạt động của mình, trung tâm này có mục đích tạo nên nơi lòng người nỗi đói khát thánh đức, nhờ đó họ có thể hoàn toàn phó mình một cách tin tưởng và hân hoan cho Vị Thiên Chúa của tình yêu, cũng như để cho Ngài có thể thực hiện những kỳ công yêu thương của Ngài nơi họ và qua họ cũng như nơi đời sống của những ai họ giao tiếp, như Ngài đã làm nơi và qua Chân Phước Têrêsa Calcutta, Người Mẹ của chúng tôi”.

 

ĐTGM Harry Flynn TGP St. Paul-Minneapolis, vị đã từng giúp vào việc thành lập trung tâm này cho biết: “Đây là thời điểm đặc biệt để loan báo việc thành lập Trung Tâm Mẹ Têrêsa, trong Năm Thánh Thể của Giáo Hội. ĐGH Biển Đức XVI đã nói vừa mới đây một cách hết sức tuyệt vời khi lập lại những lời của ĐGH Gioan Phaolô II là ‘Thánh Lễ là tâm điểm trên hết nơi cuộc sống của tôi cũng như nơi ngày sống của tôi’. Điều này cũng đúng với Mẹ Têrêsa nữa”.

 

Một trong những mục tiêu đầu tiên của trung tâm này đó là việc xuất bản một tác phẩm tiểu sử về Mẹ Têrêsa.

 

Trung tâm này sẽ bắt đầu ngay việc phổ biến các tài liệu về Mẹ nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Hiệp Sĩ Columbus, một tổ chức huynh đệ quốc tế cho nam giới. Tổ chức này đã in ấn gần 2 triệu tờ tài liệu về việc truyền bà Mẹ Chân Phước Têrêsa bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Cả triệu bản khác đang được soạn thảo bằng 5 thứ tiếng khác nhau để phân phát trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX vào tháng 8/2005 tới đây.

 

ĐGM William Lori giáo phận Bridgeport ở Quận Hạt Fairfield, tiểu bang Connecticut, nơi có trụ sở về quản trị và pháp lý của trung tâm này đã cho biết là “Ngày 3 tháng 6 đặc biệt được chọn để chính thức thông báo về việc thành lập trung tâm này, bởi vì nó là Lễ Thánh Tâm Chúa. Đây là ngày có một tầm quan trọng đặc biệt đối với Mẹ, vì Mẹ hết sức mến yêu Chúa Giêsu, một tình yêu đã tác động tất cả chúng ta dấn thân hơn nữa cho thành phần nghèo khổ cũng như cho việc xây dựng một nền văn hóa sự sống cho tất cả mọi anh chị em chúng ta trên thế giới”.

 

Mẹ Têrêsa là Gonxha Agnes Bojaxhiu, vào đời ngày 26/8/1910 ở Slopje xứ Macedonia ngày nay, và đã qua đời ngày 5/9/19976 tại Calcutta Ấn Độ.

 

Trung tâm Mẹ Têrêsa Calcutta đã bắt đầu phổ biến một mạng điện toán toàn cầu www.motherteresa.org  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 6/6/2005

 

TOP

 

Nhà Thờ Thứ Hai được dâng kính Mẹ Têrêsa Calcutta ở Tamil Nadu

 

Theo tin của Zenit ngày 8/6/2005, thì giáo phận Sivagangai đã cho biết ngôi nhà thờ thứ hai trên thế giới được mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta.

 

Ngôi nhà thờ này được xây cất nhờ những đóng góp của tín hữu của một số tôn giáo và được mong trở thành một trung tâm hành hương chính của Công giáo ở đất nước này.

 

Nhà Thờ Mẹ Têrêsa này đã được khánh thành ngày 29/5/2005, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, ở làng Malvalayanvayal, tiểu bang Tamil Nadu miền nam Ấn Độ.

 

Các vị linh mục, nữ tu, và những người thuộc các niềm tin khác cũng đến tham dự lễ khánh thành này, do ĐGM Edward Francis chủ tế.

 

Các viên chức của Giáo Hội ghi nhận là ngôi nhà thờ mới này là ngôi nhà thờ thứ hai được dâng kính Mẹ Têrêsa thứ hai ở Ấn Độ. Nhà thờ đầu tiên được khánh thành tại Venniyode ở Kerala, ngày Chúa Nhật 19/10/2003, ngày Mẹ được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước ở Rôma.

 

Cha Arul Singarayar, vị linh mục giáo xứ Nhà Thờ Đức Bà Thương Xót ở Andavoorani, vị đã điều khiển việc xây cất Nhà Thờ Mẹ Têrêsa tại làng Tamil Nadu ở Malvalayanvayal đã nói rằng đây là một giấc mơ đã thành hiện thực cho ngôi làng này.

 

Vị linh mục này cho biết rằng dân làng nghèo túng ấy, hầu hết làm việc như những lao động chung, hai năm trước đã đến với cha, trao cho cha tiền để xây nhà thờ cho họ.

 

Vị linh mục đã xin giáo phận đóng góp 40 ngàn tiến Ấn rupees cho chi phí xây cất để dân làng sớm bắt đầu xây cất một nguyện đường. Tuy nhiên, họ không thể hoàn thành vì thiếu hụt ngân quĩ.

 

Bởi vậy vị linh mục này nẩy ra ý tưởng cung hiến nhà thờ này cho Mẹ Chân Phước Têrêsa. Theo ngài, “Nó đã có công hiệu như chớp. Khi nghe thấy ngôi nhà thờ này được lấy tên Mẹ Têrêsa thì dân chúng thuộc các tôn giáo mang đến đóng góp cho việc xây cất”.

 

Ngôi nhà thờ mới cung hiến này tọa lạc khoảng 6 cây số cách giáo xứ Andavoorani, một giáo xứ có khoảng 4 ngàn người Công giáo, sống trong 22 hậu khu vực.

 

Dân làng hân hoan vì giờ đây họ có nhà thờ riêng: “Chúng tôi hoan hỉ vì chúng tôi có nhà thờ riêng. Chúng tôi còn may mắn là nhà thờ của chúng tôi mang tên Mẹ Têrêsa. Chúng tôi vinh dự là thành phần của giáo xứ của Nhà Thờ Mẹ Têrêsa”, một người trong xứ là K. Arulswamy cho biết như thế.

 

Trần Đại (dịch theo Zenit 8/6/2005)

 

TOP

 

Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể: Phần Thống Hối Đầu Lễ

“Chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh”. Đó là lời kêu gọi thống hối đầu lễ của vị chủ tế. Thật vậy, vì cử hành Thánh Lễ là cử hành Mầu Nhiệm Thánh mà con người tội nhân Kitô hữu, dù đã được thánh hóa trong Phép Rửa, cũng cần phải tự thanh tẩy bản thân bằng việc thống hối.

Đúng thế, bản thân tội lỗi của chúng ta, ngoại trừ trường hợp mắc trọng tội cần phải lãnh nhận bí tích hòa giải mới được hiệp lễ, sẽ được thanh tẩy bằng việc thống hối ăn năn của chúng ta. Bởi vì, chúng ta, từ vị mang danh xưng Đức Thánh Cha hay Đức Cha đi nữa, được chân lý giải phóng (x Jn 8:32) khi chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta “đã phạm tội nhiều”, cả “trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”, những tội nhiều ấy hoàn toàn do chính mình, “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, chứ không do ai hay bởi bất cứ một lý do nào khác.

Tuy nhiên, trong tất cả những thứ “tội nhiều” ấy, chúng ta cần phải để ý đến một tội mà chúng ta thường hay coi thường, đúng hơn cho rằng không phải tội nên không cần phải ăn năn thống hối, thế nhưng lại là một tội mà nếu không thực lòng thống hối chúng ta sẽ hết sức bất xứng trong việc cử hành Mầu Nhiệm Thánh, vì tội này là tội phạm đến chính cốt lõi của Mầu Nhiệm Thánh chúng ta sắp cử hành. Tội ấy là gì, nếu không phải tội không chịu tha thứ cho nhau, đúng như lời Chúa Giêsu nhắc nhở và kêu gọi: “Khi các con đem của lễ đến bàn thờ mà ở đó các con nhớ lại rằng anh em của mình có điều gì phạm đến các con, thì các con hãy để của lễ đó mà về làm hòa cùng an hem trước đã, rồi hãy trở lại dâng lễ vật” (Mt 5:23-24).

Sở dĩ chúng ta không cho đây là điều cần phải thống hối trước khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh là vì chúng ta thấy chúng ta đâu có lỗi, người khác phạm đến chúng ta thì phải đến xin lỗi chúng ta, chứ chúng ta sao lại phải đến xin lỗi họ, phải về làm hòa với họ. Thế nhưng, nếu chúng ta hiểu được thế nào là Mầu Nhiệm Thánh của Thánh Lễ, hay Mầu Nhiệm Thánh của Thánh Lễ chính yếu ở chỗ nào, chúng ta mới thấy được thật sự chúng ta cần phải thống hối cả về “những điều thiếu sót” này.

Mầu Nhiệm Thánh trong Thánh Lễ đây là mầu nhiệm yêu thương, mầu nhiệm của Hy Tế Thập Giá và Sự Sống Hiệp Thông. Thiên Chúa đã không yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là những tội nhân (chứ không phải là thánh nhân) hay sao (x Rm 5:8)? Nghĩa là Thiên Chúa đã tự động đến làm hòa với loài người tội lỗi chúng ta nơi Con của Ngài (x 2Cor 5:18), chứ không phải chúng ta đến xin lỗi Ngài trước hay sao? Thiên Chúa đã không yêu thương chúng ta đến nỗi đã không dung tha cho Con Một của Ngài một đã phó nạp Người vì chúng ta hay sao? (x Rm 8:32)? Và Chúa Kitô đã không yêu thương chúng ta là thành phần thuộc về Người cho đến cùng (x Jn 13:1) hay sao, tức cho đến tận cùng khốn nạn của mỗi một người chúng ta, đến nỗi, Người đã không ngần ngại quì xuống rửa chân của chúng ta là phần thể thấp hèn nhất trong thân thể con người? Hy Tế Thập Giá của Người, một Hy Tế được hiện thực và tái diễn một cách bí tích trên bàn thờ trong mỗi Thánh Lễ, không phải là tất cả những gì chứng tỏ tình Người yêu thương chúng ta đến cùng hay sao, một tình yêu tận tuyệt (x Jn 15:13) trong thân phận làm người của Người đối với chúng ta hay sao?

Đó là lý do chúng ta cần phải tự động đi làm hòa với những ai, dù vô tình hay cố ý, phạm đến chúng ta. Không phải bằng cách trực tiếp đến gặp mặt những người phạm đến chúng ta để nói lời xin lỗi họ, mà chỉ cần chúng ta sẵn sàng tha thứ cho họ tận đáy lòng và thật lòng của chúng ta ngay lúc thống hối đầu lễ là chúng ta chẳng những “xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh” mà còn xứng đáng rước lấy vị “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16) vào tâm hồn của chúng ta nữa. Có chân nhận lỗi lầm của mình bằng một tấm lòng thống hối trọn vẹn như thế, chúng ta cũng mới có thể nghe được Lời Chúa và Lời Chúa mới như hạt giống gieo vào mảnh đất tốt tâm hồn của chúng ta.

Ở đây còn một điểm nữa cần lưu ý, đó là trường hợp của những ai không thể rước lễ vì ngăn trở về giờ giấc kiêng cữ ăn uống trước khi rước lễ, nhất là vì ngăn trở tâm linh đang vướng mắc trọng tội. Nếu cử hành Thánh Lễ là cử hành Mầu Nhiệm Thánh thì thành phần tội nhân đang mắc trọng tội bất xứng rước Thánh Thể làm sao xứng đáng cử hành mầu Nhiệm này. Vả lại, đang ở trong tình trạng mất ơn nghĩa Chúa, tức đang ở trong sự chết, theo giáo lý, họ có dự trăm ngàn Thánh Lễ là Hy Tế Thập Giá hiện thực tự bản chất vô cùng cao trọng đi nữa cũng chẳng có công lênh gì. Vậy thì họ có nên dự lễ hay chăng, hay cần phải đi xưng tội đã rồi hãy đến dự lễ và rước lễ?

Về vấn đề này, Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”, ở khoản số 80 và 81 sau đây cho biết thế này:

• “Một trong những lý do Thánh Thể được cống hiến cho tín hữu đó là để ‘làm như một chất giải độc giúp chúng ta thoát khỏi lầm lỗi hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi vấp phạm những trọng tội’ (Ecumenical Council of Trent, Session XIII, 11 October 1551, Decree on the Most Holy Eucharist, Chapter 2: DS 1638; cf. Session XXII, 17 September 1562, On the Most Holy Sacrifice of the Mass, Chapters 1-2: DS 1740, 1743; S. Congregation of Rites, Instruction, Eucharisticum mysterium, n. 35: AAS 59 [1967] p. 560), như được sáng tỏ nơi một số phần khác nhau trong Thánh Lễ. Như ở phần Thống Hối đầu Lễ là phần có mục đích sửa soạn cho tất cả mọi người dọn lòng cử hành các mầu nhiệm thánh (Cf. Missale Romanum, Ordo Missae, n. 4, p. 505); dầu sao ‘phần này vẫn thiếu hiệu năng của Bí Tích Thống Hối’ (Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 51), và không thể coi như thay thế cho Bí Tích Thống Hối trong việc xá giải các trọng tội. Các vị Chủ Chiên chăn dắt linh hồn tín hữu phải lưu tâm siêng năng hướng dẫn giáo lý để dạy tín lý Kitô Giáo về vấn đề này cho tín hữu Chúa Kitô”.

• “Theo thông lệ của Giáo Hội thì mỗi người cần phải xét mình kỹ lưỡng và ai ý thức được trọng tội của mình thì không được cử hành hay lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô trước khi lãnh nhận bí tích giải tội, trừ khi có lý do quan trọng như trường hợp không có cha giải tội; trong trường hợp ấy họ phải nhớ rằng họ buộc phải ăn năn tội cách trọn, và phải có ý hướng đi xưng tội sớm bao nhiêu có thể”.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ