GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 11/7/2005

 

1) Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XV 10/7/2005 về Thánh Biển Đức Norcia và về việc nghỉ hè của ngài

2) ĐTC BĐXVI với Hội Đồng Giám Mục Zimbabwe về việc “Làm Chứng Cho Niềm Hy Vọng của Phúc Âm”

3) ĐTC BĐXVI ngỏ lời cùng Tổng Thống Ý về vấn đế “Văn Hóa Ý Thấm Đẫm Các Giá Trị Kitô Giáo”

 

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XV 10/7/2005 về Thánh Biển Đức Norcia và về việc nghỉ hè của ngài

 

Sau đây là nguyên văn huấn từ của ĐTC BĐXVI trước khio nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật XV Thường Niên  ngày 10/7/2005 tại Quảng Trường Phêrô với con số giáo lữ 40 ngàn người hiện diện.

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Ngày mai là lễ kính Thánh Biển Đức Norcia, quan thày của Âu Châu, một vị thánh đặc biệt ưu ái đối với tôi, như anh chị em trực giác thấy nơi việc tôi chọn tên của ngài.

 

Vào đời ở Norcia vào năm 480, việc học vấn ban đầu của ngài ở Rôma, song không thích đời sống thị thành ngài đã lui về Subiaco là nơi ngài ở khoảng 3 năm trong một hang động – nổi tiếng là “sacro speco” – để hoàn toàn chuyên tâm đến Thiên Chúa.

 

Ở Subiaco, lợi dụng những hoang tàn đổ nát của một dinh thự khổng lồ của hoàng đế Nero, ngài đã xây cất một số đan viện, cùng với những người môn đệ tiên khởi, sống đời sống cộng đồng huynh đệ theo căn bản yêu thương của Chúa Kitô, một đời sống luân phiên nguyện cầu và làm việc một cách hòa hợp để chúc tụng Thiên Chúa.

 

Những năm sau, ngài đã hoàn thành dự án này ở Monte Cassino, và viết dự án ấy ra thành Luật, tác phẩm duy nhất của ngài vẫn còn lưu lại cho tới nay. Giữa tro tàn của Đế Quốc Rôma, Biển Đức, trong khi tìm Nước Chúa trước nhất, đã gieo rắc, có lẽ không nhận ra, hạt giống của một nền văn minh sẽ phát triển, hội nhập các giá trị Kitô giáo một đàng với gia sản cổ kính, đàng khác với các nền văn hóa Đức và Slav.

 

Có một chiều kích đặc biệt nơi linh đạo của ngài mà hôm nay tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh tới. Thánh Biển Đức không thành lập một cơ cấu đan viện chỉ để truyền bá phúc âm hóa cho các dân tộc man di mọi rợ, như các đại đan sĩ khác thời đó, thế nhưng đã khẳng định với thành phần môn đệ của ngài là mục tiêu chính yếu, thậm chí là mục tiêu duy nhất của việc hiện hữu đó là tìm kiếm Thiên Chúa: “Quaerere Deum”.

 

Tuy nhiên, ngài biết rằng khi tín hữu đi sâu vào mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa thì không thể thỏa mãn với việc sống một cách tầm thường, với một thứ tính cách đạo đức tối thiểu và sơ sài hời hợt. Có thế người ta mới hiểu rõ lời diễn tả được Thánh Biển Đức lấy từ Thánh Cyprian và là lời được tóm tắt trong Luật của ngài (IV, 21) để làm chương trình sống cho người đan sĩ, đó là “Nihil amori Christi praeponere – Không yêu thích gì hơn tình yêu Chúa Kitô”.

 

Đối với hết mọi Kitô hữu thì sự thánh thiện là ở điều chủ trương vững vàng này, một chủ trương đã trở thành một điều cấp bách thực sự về mục vụ trong thời đại của chúng ta đây, trong một thời đại mà người ta nhận thấy nhu cầu cần phải có một đời sống và lịch sử gắn bó với những cứ điểm linh đạo vững chắc.

 

Gương mẫu cao cả và trọn hảo về thánh đức đó là Mẹ Maria Rất Thánh, vị đã sống hiệp thông liên lỉ và sâu xa với Chúa Kitô. Chúng ta hãy kêu xin Mẹ chuyển cầu, cùng với lời chuyển cầu của Thánh Biển Đức, để Chúa gia tăng trong thời đại của chúng ta đây nhiều con người nam nữ, thành phần làm chứng nhân bằng đời sống sáng tỏ đức tin, trở thành muối đất và ánh sáng thế gian trong tân thiên niên kỷ này.

 

(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)

 

Tất cả chúng ta đều cảm thấy rất buồn vì vụ khủng bố tấn công tàn ác ở Luân Đôn hôm Thứ Năm vừa rồi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị sát hại, cho những người bị thương tích cũng như cho những người thân yêu của họ. Thế nhưng, chúng ta cũng cầu nguyện cho thành phần rat ay khủng bố tấn công nữa, để Chúa đánh động lòng họ. Tôi xin gửi đến những ai gieo rắc những cảm quan hận thù cũng như cho tất cả những ai thi hành những vụ khủng bố tấn công ghê rợn như thế là Thiên Chúa yêu sự sống được Ngài dựng nên chứ không phải sự chết. Nhân danh Thiên Chúa xin hãy ngưng tay.

 

Ngày mai tôi sẽ đi Val d’Aosta để nghỉ ngơi ở đó một thời gian ngắn. Tôi sẽ là một người khách ở căn nhà nhiều lần đã đón tiếp Đức Gioan Phaolô II. Tôi xin cám ơn tất cả những ai hỗ trợ tôi bằng nguyện cầu, và tôi xin thân ái “hẹn gặp lại!” anh chị em.

 

Biệt chú: địa điểm Val d’Aosta nghỉ ngơi được ĐTC nói đến trên đây tọa lạc tại một ngôi làng nhỏ Les Combes. Căn nhà ván này là của dòng Don Bosco, một căn nhà nhỏ hơn nhiều căn nhà khác trong vùng, nhưng đã được Đức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2000.

 

Phòng ngủ và phòng làm việc của ĐTC ở lầu dưới. Cũng có các phòng khác cho phái đoàn tùy viên của ngài, kể cả người anh của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger. Ngài dự tính sẽ ở tới ngày 28/7 để cầu nguyện, đọc sách, truyện trò và du ngoạn.

 

Từ cửa sổ phòng ăn rộng của căn nhà ván này có thể nhìn thấy ngọn Bạch Sơn Mont Blanc, ngọn núi cao nhất Âu Châu. Căn nhà ván này cao hơn mặt biển là 1.700 mét hay 5.600 bộ. Ở đây còn có cả khu vườn có tượng Mẹ Maria bằng gỗ và có con đường băng qua khu rừng bao bọc căn nhà được đặt 14 chặng đàng Thánh Giá.

 

Tại đây, ĐTC chỉ thực hiện hai lần gặp gỡ chung dân chúng đó là hai buổi nguyện kinh Truyền Tin Chúa Nhật 17 và 24/7/2005 mà thôi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 10/7/2005

 

TOP

 

 

ĐTC BĐXVI với Hội Đồng Giám Mục Zimbabwe về việc “Làm Chứng Cho Niềm Hy Vọng của Phúc Âm”

 

Sau đây là nguyên văn huấn từ của ĐTC BĐXVI ngỏ cùng hội đồng giám mục Zimbabwe ngày Thứ Bảy 2/7/2005 nhân dịp các vị viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên.

 

Quí Huynh Giám Mục,

 

“Xin chúc quí huynh ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” (Eph 1:2).

 

Tôi hân hoan chào đón quí huynh, những vị Giám Mục Zimbabwe, nhân dịp viếng thăm ngũ niên “as Limina Apostolorum” của quí huynh. Chớ gì cuộc hành hương viếng thăm Mộ Thánh Phêrô và Phaolô, cùng với cuộc gặp gỡ vị Thừa Kế Thánh Phêrô này, đối với tất cả quí huynh trở thành một niềm phấn khích cho mối hiệp nhất hơn nữa trong việc phục vụ Phúc Âm cũng như việc phục vụ Vương Quốc của Chúa Kitô. Chớ gì những ngày này cũng cống hiến cho quí huynh một cơ hội quí báu để quí huynh khỏi vướng bận các mối quan tâm mục vụ căng thẳng để có giờ ở với Chúa (x Mk 6:31) trong nguyện cầu và ý thức thiêng liêng, nhờ đó, quí huynh có thể tiếp tục thừa tác vụ của mình bằng một lòng nhiệt tình mới như là những kẻ loan truyền lời Chúa và như những mục tử của dân Người nơi bản xứ của quí huynh.

 

Các cuộc tuyển cử mới đầy ở Zimbebwe đã đặt nền móng cho những gì tôi tin rằng sẽ trở thành khởi điểm mới trong tiến trình hòa giải đất nước cũng như cho việc tái thiết về luân lý của xã hội. Tôi cảm nhận được việc đóng góp quan trọng vào tiến trình tuyển cử này được quí huynh cống hiến cho tín hữu Công giáo cũng như cho tất cả mọi người công dân đồng bào của quí huynh qua Bản Văn Mục Vụ Chung được ban hành năm vừa qua.

 

Qua việc phổ biến Bản Văn này cũng như Bức Thư Mục Vụ mới đây nhất “Tiếng Kêu của Người Nghèo”, chính quí huynh đã mang sự khôn ngoan của Phúc Âm cùng với gia sản phong phú nơi tín lý về xã hội của Giáo Hội để nâng đỡ suy tư và phán đoán cụ thể của tín hữu nơi cả cuộc sống thường nhật của họ lẫn nơi những nỗ lực của họ trong việc hoạt động như những phần tử chân chính của cộng đồng này. Trong việc thi hành thừa tác vụ giáo phẩm của quí huynh nơi vấn đề giảng dạy và quản trị, tôi xin quí huynh hãy tiếp tục tỏ thấy vai trò lãnh đạo sáng ngời và đoàn kết, được bắt nguồn từ niềm tin không lay chuyển vào Chúa Giêsu Kitô, và từ sự tuân phục “lời chân lý, Phúc Âm cứu độ” (Eph 1:13). Trong việc loan báo và giảng dạy của quí huynh, tín hữu phải làm sao có thể nghe được chính tiếng nói của Thiên Chúa, một tiếng nói có thẩm quyền về những gì đúng và thật, về hòa bình và công lý, về yêu thương và hòa giải, một tiếng nói có thể an ủi họ giữa cơn rắc rối của họ và tỏ cho họ thấy được con đường tiến lên trong hy vọng.

 

Giữa những khó khăn của giây phút hiện tại này đây, Giáo Hội ở Zimbabwe có thể hoan hưởng sự hiện diện của rất nhiều cộng đồng sôi động đức tin, một con số khả quan về ơn gọi linh mục và tu sĩ, cùng với sự hiện diện của thành phần giáo dân dấn thân thực hiện những việc làm tông đồ khác nhau. Những tặng ân này của ân sủng Chúa cũng là niềm an ủi và là một thách đố cho việc dạy giáo lý sâu xa và trọn vẹn hơn là việc nhắm đến vấn đề huấn luyện tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi Kitô giáo của mình. “Trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội, việc đào luyện có một tầm vóc quan trọng chính yếu” đối với tương lai của Giáo Hội ở Phi Châu (“Giáo Hội Tại Phi Châu”, 75). Đó là lý do, tôi xin quí huynh hãy cùng nhau làm việc để bảo đảm việc sửa soạn về giáo lý một cách tổng quát cho tất cả mọi tín hữu, và hãy thực hiện những gì có thể cần thiết hầu cung cấp cho một thứ giáo dục có phương pháp hơn.  

 

Các linh mục tương lai, về phần họ, cần phải được giúp đỡ để trình bày đầy đủ đức tin Công giáo để làm sao thực sự giải quyết và đáp ứng các thứ khốn khó, những vấn nạn và những vấn đề. Các chủng viện quốc gia cần phải được cụ thể nâng đỡ ở công việc khó khăn của họ trong vấn đề cung cấp cho thành phần chủng sinh việc huấn luyện đầy đủ về nhân bản, tinh thần, tín lý và mục vụ, trong khi đó thành phần giáo sĩ trẻ sẽ được lợi ích rất nhiều, trong những năm đầu tiên của thừa tác vụ linh mục của họ, nơi chương trình hoàn trọn về tu đức, mục vụ và nhân bản do các vị linh mục kinh nghiệm và gương mẫu hướng dẫn. Việc quí huynh quan tâm đến vấn đề dạy giáo lý lành mạnh cũng như vấn đề giáo dục đạo trọn vẹn cũng cần phải được bao gồm cả hệ thống học đường Công giáo, các học đường mang căn tính cần phải được củng cố, vì lợi ích chẳng những cho học sinh của mình mà còn cho toàn thể cộng đồng Công giáo nơi xứ sở của quí huynh nữa.

 

Quí Huynh Giám Mục thân mến, hiệp nhất với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô đây cũng như với Giám Mục Đoàn, quí huynh được sai đi như là những chứng nhân hy vọng được Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô chủ trương (x “Pastores Gregis”, 5). Khi quí huynh trở về đất mẹ của mình, được củng cố niềm tin và mối hiệp thông giáo hội, tôi xin quí huynh hãy quảng đại hợp tác để phục vụ Phúc Âm, nhờ đó ánh sáng lời Chúa sẽ chiếu sáng hơn bao giờ hết nơi tâm trí của người Công giáo Zimbabwe, tác động nơi họ một tình yêu sâu xa hơn đối với Chúa Kitô và một quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc loan truyền Vương quốc thánh thiện, công chính và chân thật của Người.

 

Với lòng cảm mến sâu xa, tôi xin trao phó quí huynh và hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thuộc các Giáo Phận của quí huynh cho lời chuyển cầu ưu ái của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, và thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như bảo chứng niềm vui và an bình trong Chúa.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 3/7/2005

 

 

TOP

 

ĐTC BĐXVI ngỏ lời cùng Tổng Thống Ý về vấn đế “Văn Hóa Ý Thấm Đẫm Các Giá Trị Kitô Giáo”

 

Sau đây là nguyên văn diễn từ của ĐTC BĐXVI nói với Tổng Thống Ý Carlo Ciampi nhân dịp chuyến viếng thăm đáp lễ của ngài ở Dinh Quirinal hôm Thứ Sáu 24/6/2005.

Kính Ông Tổng Thống,

 

Hôm nay tôi hân hoan đáp lễ cuộc viếng thăm thân tình ông đã đóng vai Thủ Lãnh Ý Quốc thực hiện đối với tôi vào hôm 3/5/2005 vừa rồi, nhân dịp nhiệm vụ mục tử mới của tôi theo ơn Chúa gọi. Bởi thế, trước hết, tôi xin cám ơn ông và qua ông, cám ơn Nhân Dân Ý quốc về việc nồng hậu tiếp nhận tôi từ ngày đầu tiên khi tôi thì hành việc mục vụ của mình với tư cách là Giám Mục Rôma và là Mục Tử của Giáo Hội hoàn vũ.

 

Về phần mình, tôi hứa với công dân Rôma rồi với toàn thể Quốc Dân Ý quốc về việc tôi hết sức dấn thân hoạt động cho phúc hạnh về tôn giáo và dân sự của những ai Chúa đã ủy thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi.

 

Việc loan truyền Phúc Âm, một việc mà, hiệp thông với các vị Giám Mục Ý quốc, tôi được kêu gọi đến Rôma và Ý quốc, chẳng những giúp cho nhân dân Ý phát triển về đức tin cũng như về đời sống Kitô giáo mà còn giúp cho sự tiến bộ của nó trên con đường hòa hợp và hòa bình. Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế của toàn thể con người, tinh thần và thể xác, định mệnh thiêng liêng và vĩnh cửu của họ, cùng cuộc sống tạm bợ trần gian của họ. Nhờ đó, khi lắng nghe sứ điệp của Người thì cộng đồng dân sự cũng trở nên hữu trách hơn và chuyên chú hơn tới các n hu cầu của công ích, và tỏ ra gắn bó hơn với thành phần nghèo khổ, thành phần bị bỏ rơi và thành phần sống ngoài lề xã hội.

 

Nhìn lại lịch sử Ý quốc, người ta sửng sốt trước vô vàn công việc bác ái mà Giáo Hội đã hết sức hy sinh trong việc làm giảm bớt đi tất cả mọi thứ khổ đau. Ngày nay, Giáo Hội muốn tiến bước trên cùng một con đường ấy mà không có một tham vọng nào về quyền lực, cũng như không đòi hỏi các thứ đặc ân về xã hội hay tài chính. Gương của Chúa Giêsu, Đấng “đã đi thực hiện các việc lành và chữa lành cho tất cả mọi người” (Acts 10:38) vẫn là qui chuẩn tác hành tối hậu của Giáo Hội nơi các dân tộc.

 

Những liên hệ giữa Giáo Hội và Nước Ý được đặt nền tảng trên nguyên tắc như Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả là ‘Giáo Hội và cộng đồng chính trị tự lập và độc lập theo lãnh vực của mình. Tuy nhiên, cả hai, dưới những danh hiệu khác nhau, đều dấn thân phục vụ cho ơn gọi riêng của con người (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 76).

 

Nguyên tắc này vốn đã có trong Thỏa Ước Lateran và sau đó được xác nhận trong các Hiệp Ước điều chỉnh bản Thỏa Ước đó. Bởi thế, nhờ tính cách trần thế lành mạnh của Quốc Gia mà những thực tại trần thế mới được quản trị theo những qui tắc riêng của chúng, nhưng vẫn không loại bỏ những qui chiếu về luân thường đạo lý có những nền tảng tối hậu của chúng nơi tôn giáo. Tính cách tự lập của lãnh vực trần thế không loại trừ việc hòa hợp hữu lý với những nhu cầu phức tạp hơn xuất phát từ quan điểm nguyên vẹn về con người cũng như về định mệnh vĩnh cửu của họ.

 

Kính Ông Tổng Thống, tôi thật tình hứa cùng ông cùng toàn thể Nhân Dân Ý quốc rằng Giáo Hội muốn bảo tồn và nuôi dưỡng một tinh thần thân ái hợp tác và cảm thông trong việc phục vụ cho vấn đề phát triển về tinh thần cũng như về luân lý của Xứ Sở này; thật là tai hại hết sức, chẳng những cho Giáo Hội mà còn cho Ý quốc nữa trong việc nỗ lực làm suy yếu đi hay làm đổ vỡ những ràng buộc rất đặc biệt thắt kết Giáo Hội với Ý quốc này. Văn hóa của Ý quốc là những gì được thấm đẫm các giá trị Kitô giáo, như có thể thấy được nơi những kỳ công kiệt tác được Quốc Gia này sản xuất ở tất cả mọi lãnh vực về tư tưởng và nghệ thuật.

 

Tôi hy vọng rằng nhân dân Ý quốc sẽ chẳng những không chối bỏ gia sản Kitô giáo là những gì làm nên lịch sử của mình mà còn bảo vệ nó một cách thiết tha và một lần nữa làm cho nó sinh hoa hết trái xứng với quá khứ của nó. Tôi tin tưởng rằng Ý quốc, dưới sự hướng dẫn khôn ngoan và gương mẫu của những ai được kêu gọi quản trị nó, sẽ tiếp tục thực hiện sứ vị văn minh hóa trên một thế giới mà Ý quốc đã nổi bật qua nhiều thế kỷ. Với lịch sử và văn hóa của mình, Ý quốc có thể góp phần một cách sáng giá nhất là cho Âu Châu, giúp cho châu lục này tái nhận thức được những căn gốc của mình để giúp cho châu lục này có thể trở thành cao cả như quá khứ, cũng như để ngày nay châu lục ấy có thể tiến đến chỗ hiệp nhất sâu xa.

 

Kính Ông Tổng Thống, như ông có thể dễ dàng thấy được rằng tôi có nhiều mối quan tâm vào lúc mở màn cho vai trò mục vụ của Ngai Tòa Thánh Phêrô. Tôi xin nêu lên một số trong những quan tâm này, những quan tâm mà, theo tính chất nhân bản phổ quát của chúng, cũng không thể nào không liên quan tới những vị hữu trách về chính quyền. Tôi đang có ý nói tới vấn đề bảo toàn gia đình được đặt trên nền tảng hôn nhân, như Hiến Pháp Ý quốc nhìn nhận (khoản 29), vấn đề bảo vệ sự sống con người từ khi được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi, rồi cuối cùng là vấn đề giáo dục và theo đó là vấn đề trường học, một cơ cấu đào luyện bất khả châm chước cho việc hình thành nên những thế hệ mới.


Giáo Hội, khi thấu triệt ý định của Thiên Chúa được ghi khắc nơi chính bản tính của nhân loại thụ sinh,  thấy nơi gia đình một giá trị rất quan trọng cần phải được bênh vực khỏi tất cả mọi cuộc tấn công nhắm đến chỗ làm suy yếu tính cách liên kết của nó và đặt lại vấn đề hiện hữu của nó.

 

Giáo Hội nhìn nhận sự sống con người như là một sự thiện căn bản chính yếu là nền tảng cho tất cả mọi sự thiện khác. Bởi thế Giáo Hội xin hãy tôn trọng nó ở cả giai đoạn khởi đầu cũng như giai đoạn cuối cùng của nó, và nhấn mạnh đến nhiệm vụ cần phải cung cấp việc chữa dịu một cách thích hợp để làm cho cái chết được nhân bản hơn.


 
Về vấn đề học đường, vai trò của Giáo Hội liên hệ với gia đình coi học đường như một thứ tự nhiên vươn rộng công việc đào luyện nơi vai trò của mình. Đối với vấn đề này, hoàn toàn tôn trọng thẩm quyền của Quốc Gia trong việc ban bố các chỉ thị chung về vấn đề giáo dục, tôi cũng không thể không bày tỏ niềm hy vọng là quyền lợi của cha mẹ trong việc tự do quyết định việc giáo dục con cái là những gì cần phải được tôn trọng, mà không có sự nâng đỡ gánh nặng cho họ. Tôi tin tưởng rằng các vị lập pháp Ý quốc, theo sự khôn ngoan của mình, biết cách tìm kiếm ‘những giải pháp nhân bản’ cho những vấn đề này, tức là những giải pháp tôn trọng các giá trị bất khả vi phạm được hàm chứa ở đó.

 

Sau hết, khi bày tỏ niềm hy vọng của mình là Quốc Gia này sẽ tiếp tục tiến lên trên con đường phúc hạnh về tinh thần và vật chất, tôi xin hợp với ông Tổng Thống trong việc kêu gọi tất cả mọi người công dân cũng như tất cả mọi phần tử của xã hội hãy luôn sống và hoạt động trong một tinh thần hòa hợp thực sự, trong một bầu khí cởi mở đối thoại và tin tưởng lẫn nhau, trong việc dấn thân phục vụ và cổ võ công ích cùng phẩm giá của hết mọi người. Kính Ông Tổng Thống, tôi xin kết lại bằng việc nhắc lại lòng cảm phục và cảm mến Nhân Dân Ý quốc giành cho ông, cũng như niềm tin tưởng trọn vẹn của họ vào việc hoàn toàn hoàn tất những nhiệm vụ nơi vai trò của ông.

 

Tôi hân hoan hợp với niềm cảm mến và tin tưởng này, khi tôi ký thác ông và Phu Nhân của ông là Bà Franca Ciampi, những vị lãnh đạo của đời sống Quốc Gia này cùng toàn thể Nhân Dân Ý quốc cho việc phù hộ của Trinh Nữ Maria, vị được tôn kính hết sức nơi vô vàn các đền thánh được cung hiến cho Người. Với những niềm quí mến ấy, tôi xin Thiên Chúa ban mọi Phúc Lành của Ngài, một bảo chứng cho mọi sự thiện hằng ước mong, xuống trên ông.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 1/7/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ