GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 12/7/2005

 

1) Tổng Kết Ngân Sách của Tòa Thánh Năm 2004

2) Bản Tuyên Ngôn Chung giữa Công Giáo và Tin Lành ở Á Căn Đình về Việc Xin Tha Thứ Cho Nhau

3) Các Vị Giám Mục Đẩy Mạnh Việc Chấm Dứt Đạo Luật Trừng Phạt Lộng Ngôn ở Pakistan

 

 

Tổng Kết Ngân Sách của Tòa Thánh Năm 2004

 

Hôm Thứ Sáu 8/7/2005, ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã chủ tọa cuộc họp thứ 39 của Hội Đồng Hồng Y Đặc Trách Nghiên Cứu Về Những Vấn Đề Tổ Chức Và Kinh Tế Của Tòa Thánh, một hội đồng bao gồm các vị hồng y như Thomas Stafford Williams, Roger Michael Mahony, Camillo Ruini, Jean-Claude Turcotte, Antonio Maria Rouco Varela, Ivan Dias, Claudio Hummes OFM, và Edward Michael Egan cũng như Đức Michel Sabbah. Ngoầ ra còn có một số vị đại diện thuộc các văn phòng tòa thánh tham dự là hồng y Sergio Sebastinani và Attilio Nicora, hồng y Edmund Casimir Szoka, ĐTGM Claudio Maria Celli và ĐGM Franco Croci.

 

ĐHY Sergio Sebastinani, chủ tịch của Văn Phòng Kinh Tế Vụ của Tòa Thánh đã trình bày bản đúc kết tài chính của Tòa Thánh Năm 2004, với thành quả tích cực là ngân quĩ cuối năm 2004 còn dư được 3.081.820,00 tiền Âu, khá hơn năm 2003 là năm bị thiếu hụt mất 9,56 triệu đồng Âu. Tổng số thu khoản trong năm 2004 là 205.663.266,00 và tổng số chi khoản là 202.581.446,00 Âu kim.

 

Theo vị hồng y chủ tịch này thì “phần lớn chi tiêu là những chi tiêu của các phân bộ và các tổ chức của Giáo Triều Rôma trong việc theo phận sự của mình hỗ trợ ĐTC thực hiện việc mục vụ của ngài đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như đối với các Giáo Hội riêng… Có tất cả là 2.663 người làm việc tại Giáo Triều Rôma, trong đó có 759 viên chức giáo hội, 346 tu sĩ và 1.558 giáo dân. Con số được hưởng lương hưu trí là 1,429 người”.

 

Trong cuộc họp này, bản đúc kết tài chính năm 2004 của Quốc Đô Vatican cũng được tường trình, với con số còn dư là 5.371.194,00 Âu kim. Vị hồng y chủ tịch cũng cho biết: “Nhiều việc cần phải thực hiện về kinh tế đã được nhận thấy nơi vấn đề bảo trì, thẩm định và phục hồi gia sản nghệ thuật của Tòa Thánh… cũng như trong việc ủng hộ Đài Phát Thanh Vatican một nửa số tiền chi phí cho đài này. Nhân viên làm việc cho quốc đô Vatican là 1.560 người và có 878 người hưởng lương hưu”.

 

Sau cùng, cuộc họp hướng tới Ngân Quĩ Thánh Phêrô, một ngân quĩ được sử dụng để tài trợ cho các công việc liên kết truyền bá phúc âm hóa của ĐTC, một ngân quĩ năm 2004 kiếm được 43.186.899 Âu kim, giảm 7.4% so với năm 2003. ĐTC sử dụng số tiền này “để an ủi khổ đau của dân chúng bị các tai ương về thiên tai; để hỗ trợ thành phần con em mồ côi của các nạn nhân gặp nạn trong các cuộc đánh nhau hay bị hội chứng liệt kháng; để giúp đỡ các miền bị nhiều căng thẳng; để nâng đỡ các trung tâm huấn luyện Kitô giáo trên thế giới cùng các hoạt động khác”.

 

ĐTC BĐXVI cũng tham dự trong chốc lát cuộc họp này để biết đến các vấn đề được bàn luận, nhân cơ hội để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các thứ sản vật thể chất đối với việc loan báo Phúc Âm và sứ vụ thiêng liêng của Giáo Hội.

 

Tâm Phương, theo VIS ngày 11/7/2005



  

TOP

 

 

Bản Tuyên Ngôn Chung giữa Công Giáo và Tin Lành ở Á Căn Đình về Việc Xin Tha Thứ Cho Nhau

 

Trong thời khoảng 2-4/7/2005, ở Buenos Aires đã diễn ra một cuộc Gặp Gỡ Huynh Đệ lần 2 được gọi là Mối Hiệp Thông Mới Giữa Tin Lành Và Công Giáo Trong Thần Linh CRECES (Renewed Communion of Evangelicals and Catholics in the Spirit). Trong cuộc Gặp Gỡ này, các nhân vật Công giáo và tin lành tìm thấy một lãnh vực mới của việc hiệp ý chung, đó là nhu cầu cần tha thứ cho nhau về những bất đồng của mình.  

 

ĐHY Jorge Mario Bergoglio, TGM Buenos Aires, trong thư gửi cho Cuộc Gặp Gỡ này đã viết: “Tôi thành thật khuyến khích anh chị em hãy bảo trì con đường chúc tụng và tôn thờ, hòa giải và đại kết thiêng liêng này, một con đường anh chị em đã thực hiện năm ngoái”.

 

Niềm hy vọng của các phần tử CRECES được phản ảnh qua Bản Tuyên Ngôn Chung, đề ngày 2/7, một bản tuyên ngôn được trình bày trong cuộc gặp gỡ ấy.

 

“Chúng tôi là những người Công giáo và tin lành, thành phần cảm nghiệm được Chúa Kitô phục sinh, Đấng nhờ Thánh Thần của Người là một tặng ân đã canh tân đời sống thiêng liêng của chúng ta.

 

“Cuộc canh tân thiêng liêng này đã dẫn chúng ta đến chỗ tái dấn thân sống cho Chúa Giêsu Kitô”. Từ kinh nghiệm Thánh Linh ấy, thành phần tham dự viên Công giáo và tin lành nói rằng họ hiểu rằng Giáo Hội là “dân Chúa, là gia đình Chúa”.

 

“Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, dù là tin lành hay Công giáo, đều là con của cùng Cha, và vì thế là anh em của nhau. Chúa Kitô chỉ muốn một Giáo Hội duy nhất, và ngài muốn Giáo Hội của Người bộc lộ trong thế giới mối hiệp nhất và thánh đức là những gì làm nên đặc tính của Thiên Chúa.

 

“Hôm nay đây, những người tin lành và Công giáo, được canh tân bởi Thánh Linh, thống hối về những thứ chia rẽ của mình và những việc xúc phạm lẫn nhau, nên xin nhau tha thứ…. Chúng tôi nhìn nhận rằng tội lỗi lớn nhất của chúng tôi đó là không yêu thương nhau như Chúa Kitô dạy chúng ta”.

 

Những người phát động tổ chức CRECES này đã nói với mạng điện toán toàn cầu Zenit rằng CRECES “được xuất phát từ nỗi khát vọng được Thánh Linh tác động nơi lòng của một số anh chị em Công giáo và tin lành, thành phần không hề biết đến nỗi khát vọng ấy, đã nguyện cầu về phần mình để xin Chúa soi động một đường lối chung nào đó trong việc tiến đến chỗ làm trọn lời Chúa Giêsu cầu cùng Cha vào đêm Người bị bội phản rằng: Lạy Cha ‘xin cho họ tất cả được hiệp nhất… để thế gian nhận biết Cha đã sai Con’”.

 

Mở màn cho một đường lối chung được bắt đầu bằng việc Matteo Calisi viếng thăm Buenos Aires vào Tháng 7/2003. Qua một số năm, Calisi và vị mục sư tin lành Jorge Minitian đã gặp nhau ở Ý, chia sẻ cùng một ước vọng hiệp nhất.

 

Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên ở Buenos Aires, 4 vị mục sự tin lành và 4 giáo dân Công giáo bắt đầu gặp nhau hằng tháng để cầu nguyện và nhận thức ý muốn của Thiên Chúa về nỗ lực hòa giải và hiệp nhất ấy. Cuộc Gặp Gỡ đầu tiên đã diễn ra vào ngày 31/7/2004.

 

Matteo Calisi là chủ tịch của tổ chức Huynh Đệ Thế Giới Chư Hiệp Hội Và Cộng Đồng Đặc Sủng Giao Ước và là vị sáng lập kiêm chủ tịch Cộng Đồng Chúa Giêsu, một nhóm đặc sủng Công giáo bắt nguồn ở Bari Ý quốc.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005

 

 

TOP

 

Các Vị Giám Mục Đẩy Mạnh Việc Chấm Dứt Đạo Luật Trừng Phạt Lộng Ngôn

Theo cơ quan Fides của Tòa Thánh thì các vị giám mục Pakistan, liên kết với một số tổ chức ton giáo và nhân quyền, trong đó có Ủy Ban Hòa Bình và Phát Triển Con Người – một nhóm bao gồm cả Kitô hữu và Hồi hữu – và có cả Liên Minh Tất Cả Thành Phần Thiểu Số Pakistan, đã nêu lên vấn đề tôn trọng qui tắc về luật lệ, bằng việc tường trình những trường hợp mạo tố về vấn đề lộng ngôn và những trường hợp bạo động phạm đến những người Kitô hữu và không phải Kitô hữu.

Chẳng hạn, cảnh sát Karachi gần đây đã bắt nhốt một người phu quét đường Hồi giáo lão thành tên là Yousaf Masih, vì ông bị cáo buộc là đốt những mảnh giấy có các chữ in câu Kinh Koran. Người lao nhân mù chữ này nói là ông chỉ đốt những tờ nhật trình và các giấy tờ khác theo việc làm của mình thôi.

Sau đó, ở thành phố Nowshera, không cách xa Peshawar bao nhiêu, ở vùng biên giới tây bắc nơi này, một đám hỗn dân Hồi giáo đã đốt đền Ấn Giáo Lamba Vera và quăng đuốc lửa đốt các nhà của người Kitô hữu và Ấn giáo. Các gia đình hoảng sợ đã thoát khỏi vùng này và nay trở thành những người vô gia cư.

Gần đây, cảnh sát Pakistan đã ập vô lục soát và tịch thu các sản phẩm được bày bán của một tiệm sách của nữ tu Dòng Nử Tử Thánh Phaolô ở Saddar, gần Karachi.

Trong một bản văn gửi cho cơ quan Fides của Tòa Thánh, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của các vị giám mục Pakistan đã kêu gọi chính quyền hãy có biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực này và tái yêu cầu chính quyền hãy rút lại khoản luật trừng phạt lộng ngôn.

Bản văn này cũng lên án các hành động bạo lực của thành phần quá khích Hồi giáo và kêu gọi thả ngay ông Yousaf Masih. Theo những tu chính được chuẩn nhận vào năm 2004 thì một cuộc điều tra cần phải được thực hiện trước khi ra lệnh giam giữ.

Thật vậy, năm vừa rồi Quốc Hội Pakistan đã chuẩn nhận một đạo luật giảm bớt phạm vi của các khoản luật trừng phạt lộng ngôn. Việc tu chính luật lệ này có nghĩa là các viên chức cảnh sát phải điều tra các lời cáo buộc lộng ngôn, bảo đảm rằng chúng có những lý do vững chắc, trước khi cáo buộc các án hình sự.

Khoản luật trừng phạt lộng ngôn liên quan đến 2 phần của Bộ Luật Pakistan về Phương Thức Hình Sự lên án các thứ xúc phạm đến Kinh Koran hay đến danh tính của vị tiên tri. Án nặng nhất là bị tù chung thân.

Tuy nhiên, khoản luật này cũng được sử dụng để chống lại thành phần thù địch về chính trị hay kẻ thù riêng tư, bởi thành phần bảo thủ Hồi giáo hay bởi việc trả thù riêng.

Theo ủy ban này thì từ năm 1988 có khoảng 650 người đã bị cáo gian và bị giam giữ theo luật trừng phạt lộng ngôn của Pakistan. Hơn nữa, cũng vào thời khoảng này, có khoảng 20 người đã bị giết chết vì bị tố cáo cùng một tội hình này. Hiện nay có khoảng 80 Kitô hữu đang bị ngồi tu vì tội lộng ngôn. Hồi giáo chiếm 97% của xứ sở có 155 triệu dân này.

Bá Vũ Ly, theo Zenit ngày 8/7/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ