GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 13/7/2005 |
1) ĐTCBĐXVI Bài Giáo Lý Thứ Tư 6/7/2005: “Từ đời đời chúng ta đã ở trước mắt Thiên Chúa”
2) Tình Trạng Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh
3) Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui (tiếp)
ĐTCBĐXVI Bài Giáo Lý Thứ Tư 6/7/2005: “Từ đời đời chúng ta đã ở trước mắt Thiên Chúa”.
(Ca Vịnh Eph 1:3-14 - Kinh Tối Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
Anh Chị Em thân
mến:
1. Hôm nay chúng ta không nghe một bài Thánh Vịnh mà là một ca vịnh được trích từ Thư gửi giáo đoàn Êphêsô (x 1:3-14), một bài ca vịnh xuất hiện ở Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Tối vào mỗi 4 tuần lễ. Bài ca vịnh này là một bài cầu nguyện chúc tụng dâng lên Thiên Chúa là Cha. Theo diễn tiến, bài ca vịnh ấy diễn tả những giai đoạn khác nhau của dự án cứu độ được hiện thực nơi hành động của Chúa Kitô.
Ở tâm điểm của lời chúc tụng này vang vọng lời “mysterion” theo tiếng Hy Lạp, một từ ngữ thường liên hệ với những mệnh đề về mạc khải (“tỏ ra”, “nhận biết”, “bày tỏ”). Thật vậy, đây là một đại mật án được Cha giữ kín từ đời đời (x câu 9), và Ngài đã quyết định thực hiện dự án này và mạc khải “khi thời gian viên trọn” (x câu 10) nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài.
Những giai đoạn của dự án này được nhắc đến trong bài ca vịnh nơi những hành động cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Kitô trong Thần Linh. Trước hết, Chúa Cha – hành động đầu tiên là – chọn chúng ta từ đời đời để chúng ta nên thánh hảo và vô trách cứ trong yêu thương (câu 4), đoạn Ngài tiền định cho chúng ta trở thành con cái của Ngài (câu 5-6), rồi Ngài cứu chuộc chúng ta và tha thứ tội lỗi cho chúng ta (câu 7-8), Ngài đã hoàn toàn tỏ cho chúng biết mầu nhiệm cứu độ trong Đức Kitô (x câu 9-10), sau hết, Ngài ban cho chúng ta gia sản đời đời (câu 11-12), khi cống hiến cho chúng ta nơi lời hứa ban Thánh Thần liên quan đến cuộc phục sinh sau hết (câu 13-14).
2. Bởi thế, nhiều biến cố cứu độ theo nhau mở ra trong bài ca vịnh này. Chúng bao gồm ba Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh: bắt đầu là Chúa Cha, Đấng là vị khởi nguyên và là tác giả tối cao của dự án cứu độ; hướng mắt về Chúa Con là Đấng hiện thực dự án này trong lịch sử; đến Thánh Linh là Đấng in “dấu ấn” của mình trên toàn thể công cuộc cứu độ. Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ chút xíu đến hai giai đoạn đầu, giai đoạn của sự thánh thiện và giai đoạn của tình con cái (x câu 4-6).
Cử chỉ thần linh đầu tiên, được mạc khải và hành động nơi Chúa Kitô, là việc tuyển chọn tín hữu, hoa trái của sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa. Bởi thế, ngay từ ban đầu, “trước khi tạo thành thế giới” (câu 4), từ cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, ân sủng thần linh đã sẵn sàng hành động. Tôi cảm kích khi suy niệm về chân lý này, đó là từ đời đời chúng ta đã ở trước mắt của Thiên Chúa và Ngài đã quyết định cứu độ chúng ta. Lời kêu gọi này bao gồm “sự thánh hảo” của chúng ta – một từ ngữ cao cả. Thánh hảo là tham dự vào sự tinh tuyền siêu việt của Hữu Thể thần linh. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa là đức ái. Bởi thế, việc tham dự vào suư tinh tuyền thần linh nghĩa là tham dự vào “đức ái” của Thiên Chúa, hòa hợp chúng ta với Thiên Chúa là “đức ái”.
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Đây là một sự thật an ủi là cho chúng ta có thể hiểu được rằng “sự thánh hảo” không phải là một thực tại tách rời khỏi đời sống của chúng ta, trái lại, ở chỗ chúng ta có thể trở thành những con người yêu mến Thiên Chúa, chúng ta tham dự vào mầu nhiệm “thánh đức”. Như thế, đức ái trở thành thực tại thường nhật của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta được dẫn đến chân trời linh thánh và sống động của chính Thiên Chúa.
3. Từ đây chúng ta tiến đến giai đoạn khác, một giai đoạn cũng được biết đến trong dự án thần linh từ đời đời, đó là “việc tiền định” chúng ta làm con cái của Thiên Chúa. Chẳng những là loài người tạo sinh mà thực sự thuộc về Thiên Chúa như thành phần con cái của Ngài.
Thánh Phaolô đã tôn tụng ở những nơi khác (x Gal 4:5; Rm 8:15,23) thân phận cao quí được làm con cái Thiên Chúa là thân phận được bao hàm và xuất phát từ tình huynh đệ với Chúa Kitô, Người Con tuyệt vời, “trưởng tử giữa nhiều anh em” (Rm 8:29), cũng như từ mối thân tình với Cha trên trời, Đấng giờ đây được kêu cầu như Cha, Đấng chúng ta có thể gọi là “Cha yêu dấu”, với taât cả ý nghĩa thân tình với Thiên Chúa, trong một liên hệ hồn nhiên và yêu thương. Bởi thế, chúng ta đứng trước một tặng ân vĩ đại, một tặng ân được thể hiện bởi “sáng kiến” thần linh “tinh tuyền” cũng như bởi “ân sủng”, một biểu hiện rạng ngời của tình yêu cứu độ.
4. Để kết luận, chúng ta hãy theo vị đại giám mục thành Milan là Thánh Ambrose, vị mà ở một trong những bức thư của mình đã nhận định về những lời của Tông Đồ Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, chia sẻ chính xác về nội dung phong phú nơi bài ca vịnh Kitô học của chúng ta đây. Ngài trước hết nhấn mạnh đến ân sủng dồi dào Thiên Chúa đã biến chúng ta làm những người con cái thừa nhận của Ngài tronmg Chúa Giêsu Kitô. “Bởi thế, không cần phải đặt vấn đề là các chi thể đã được liên kết với đầu của mình, nhất là vì từ ban đầu chúng ta đã được tiền định thừa nhận làm con cái Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô” ("Lettera XVI ad Ireneo" [Letter XVI to Irenaeus] 4: SAEMO, XIX, Milan-Rome, 1988, p. 161).
Vị giám mục thánh đức thành Milan này tiếp tục những lời chia sẻ bằng nhận định: “Ai là giầu có, nếu không phải một mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng nên tất cả mọi sự?”. Rồi ngài kết luận: “Thế nhưng, Ngài còn giầu có hơn nhiều nơi tình thương của Ngài, vì Ngài đã cứu chuộc và biến đổi chúng ta, thành phần theo bản tính xác thịt tự nhiên, là con cái của cơn thịnh nộ và đáng bị trừng phạt, nhờ đó chúng ta trở thành con cái của an bình và đức ái” (No. 7: Ibid., p. 163).
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em về bài ca vịnh được trích từ Thư gừi tín hữu Êphêsô, trong đó, Thánh Phaolô nói về ân sủng được tuôn đổ trên chúng ta trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Con của Ngài, và làm cho chúng ta trở thành những đứa con thừa nhận của Ngài, nhờ đó, chúng ta có thể nên thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài.
Về phần mình, chúng ta hãy để ý tới những yếu tố ấy. Thiên Chúa tự ý chọn lựa chúng ta, Ngài đã tiền định chúng ta trước khi tạo dựng nên thế giới. Hành động ân sủng này là một tiếng gọi nên thánh, một tiếng gọi tham dự vào sự sống yêu thương của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, “trưởng tử của nhiều an hem”, chúng ta trở nên anh chị em của Chúa Kitô và là những người con thừa nhận của Cha. Như thế chúng ta được diễm hạnh kêu cầu Cha với danh xưng thân tình Cha Ơi.
Thánh Ambrose đã viết về việc tuôn đổ tuyệt vời ân sủng biến chúng ta thành những đứa con thừa nhận của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài tỏ cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự giầu tình thương, vì Ngài đã biến đổi chúng ta từ thân phận tội lỗi của chúng ta thành con cái của an bình và yêu thương, thành phần đồng thừa tự với Chúa Kitô vinh quang của Vương Quốc thiên đình.
Sau buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC cũng gặp gỡ phái đoàn đồng hương Balan của Cố Giáo Hoàng GPII và xin phái đoàn này cầu nguyện cho tiến trình tôn phong của vị giáo hoàng người Balan này. Ngài đã bày tỏ niềm vui về “việc khai mở tuần vừa rồi tiến trình d0iều tra phong chân phước cho người Đầy Tớ Chúa là Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Tôi xin ủy thác cho việc nguyện cầu của anh chị em tiến trình tôn phong này”.
Mạng điện toán toàn cầu về việc tôn phonmg cho ĐGH GPII là www.JohnPaulIIBeatification.org tuần qua đã có tới 67 ngàn lần viếng thăm. Vị cáo thỉnh viên cũng cho biết ngài đã nhận được hằng trăm điện thư gửi cho ngài qua địa chỉ điện thư Postulazione.GiovanniPaoloII@VicariatusUrbis.org.
Cũng vào cuối buổi triều kiến chung hôm nay ĐTC đón mừng Ngọn Đuốc Hòa Bình Biển Đức ở Quảng Trường Thánh Phêrô và bày tỏ là cuộc hành trình của ngọn lửa này sẽ nhắc nhở Âu Châu về các giá trị Kitô giáo của nó.
Trong chuyến du hành năm thứ 30, cây đuốc này đã từ Moscow đến Rôma đêm Thứ Ba hôm trước. Ngọn đuốc này là biểu hiệu cho sứ điệp của Thánh Biển Đức ở Norcia về tình đoàn kết và tình huynh đệ.
Ngọn đuốc này đã được ĐGM Riccardo Fontana ở Spoleto-Norcia cùng phái đoàn hành hương đưa đến Vatican hôm nay. Chính ĐGH BĐXVI đã nói rằng ngọn đuốc ấy “đã ngừng lại ở Đức, ở đan viện Ottobeuren, cũng như ở Marktl am Inn, nơi tôi đã được sinh ra”.
Ngài đã nói thêm: “Là dấu biểu
hiệu cho hòa bình, hôm nay ngọn đuốc này dừng lại trước các một của các vị tông
đồ, rồi sẽ tiến về Norcia. Chớ gì việc làm gợi tưởng này phấn khởi việc quảng
đại dấn thân hơn bao giờ hết cho việc làm chứng nhân đối với các giá trị Kitô
giáo ở Âu Châu”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày
6/7/2005)
Tình Trạng Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh
Chúng ta vẫn nghe thấy Mỹ Châu Latinh, một vùng đất hầu như toàn tòng Công giáo nhưng nghèo khổ, do đó, cũng là nơi đã xuất phát ra phong trào thần học giải phóng từ thập niên 1970, và đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc truyền giáo của các giáo phái Tin Lành đến từ các xứ sở giầu thịnh ở Bắc Mỹ, đến nỗi vùng đất này đã xẩy ra một hiện tượng bỏ Công giáo theo Tin Lành.
Trong cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông Miguel Ángel Pastorino, giám đốc Dịch Vụ của Uruguay Nghiên Cứu và Tham Vấn về Các Hệ Phái và Các Nhóm Tân Giáo, và là phần tử Ủy Ban Toàn Quốc của các vị Giám Mục về Đại Kết và Đối Thoại Liên Tôn, cho biết về hiện tượng tôn giáo hiện nay ở Châu Mỹ La Tinh như sau.
Vấn: Trong thập niên 1980, các chuyên viên đã nói về một cuộc xuất hành hàng loạt của những người Công Giáo Mỹ Châu Latinh đi theo các giáo phái, nhanh đến nỗi con số đào ngũ lên tới 400 tín hữu mỗi giờ đồng hồ.
Đáp: Dĩ nhiên là cuộc “đào thoát” này của người Công Giáo vẫn tiếp tục cho tới ngày hôm nay đây. Chẳng những là một cuộc xuất hành tiến sang những dự tưởng bất khả thần thức và bí hiểm, những thứ sùng bái Phi Mỹ Châu, những thứ bán hệ phái Kitô giáo, sang khuynh hướng duy linh và sang những hệ phái “platillista” tức tin vào UFO (những vật bay bất định), mà còn là một cuộc xuất hành âm thầm trở về tình trạng lạnh lùng dửng dưng với tôn giáo, một sản phẩm của vấn đề tục hóa cao cấp ở những thành phố lớn.
Phong trào Thánh Linh là một phong trào phát triển nhất, và không có gì cho thấy là nó bị ngừng đọng; trái lại, nó phát triển một cách cuồng loạn.
Người ta đã nói đến con số gần 150 triệu tín đồ theo giáo phái Thánh Linh ở Mỹ Châu Latinh, chưa kể đến những người theo các giáo phái lịch sử khác. Các chuyên gia không ngần ngại nói về vấn đề “Phong Trào Thánh Linh hóa” Mỹ Châu La Tinh. Vào năm 1996, bản kiểm điểm Concilium cho biết là đã có 400 triệu Kitô hữu theo phong trào Thánh Linh, nhưng con số này bao gồm cả thành phần đặc sủng.
Khi Franz Damen nói về con số được quí vị đề cập tới, ông ta đã muốn nói chính yếu tới những nhóm phong trào Thánh Linh, những nhóm có lúc tất cả được coi là “các hệ phái bảo thủ”; ngày nay đang có một cuộc đối thoại đại kết với nhiều nhóm trong họ. Nhưng cuộc thử thách không phải là dễ, vì phạm trù về phong trào Thánh Linh rộng lớn rất ư là phức tạp cùng có nhiều trào lưu, từ các giáo hội được thiết lập dấn thân cho việc đại kết và xã hội, đến những hệ phái nguy hiểm tấn công tính chất tuyền vẹn của con người.
Ngoài ra, còn có một thứ tự lừa đảo về Công Giáo liên quan đến con số, trong một châu lục được tuyên bố là nhiều Công Giáo nhất, một châu lục không nhiều Công giáo như thế.
Nếu Giáo Hội đếm con số người được rửa tội và không chú ý tới vấn đề đa số họ không bảo trì Công giáo tính, thì các nhà phân tính xã hội cho biết là ở Mỹ Châu Latinh đa số là tin lành.
Trong năm 2000 đã có 26% theo phong trào Thánh Linh ở Chí Lợi, 16% ở Ba Tây, 34% ở Guatemala, và tôi nghĩ rằng ngày nay con số đã vượt hẳn những con số được thống kê ấy.
Về lãnh vực tài chính, thị trường tin lành chuyển trên 1 tỉ Mỹ kim hằng năm và tạo ra được khoảng 2 triệu công việc. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây thì từ năm 1960, thành phần tin lành đã gấp đôi tỉ lệ hiện diện ở Paraguay, Venezuela, Panama và Haiti; họ tăng gấp ba ở Argentina, Nicaragua và Cộng Hòa Dominican, cũng như tằng gấp 4 lần ở Brazil và Puerto Rico. Họ tăng gấp 6 lần ở Colombia và Eduador, tăng gấp bảy ở Guatemala.
Ở Uruguay, có nhiều Kitô hữu chỉ mang danh vậy thôi, vì 54% nói rằng họ là người Công giáo, nhưng chỉ có 2.3% tham dự Thánh Lễ; và trong số những người tham dự Thánh Lễ không phải tất cả đều dấn thân sống đức tin của Giáo Hội và cho việc truyền giáo của Giáo Hội.
Trái lại, mỗi một người theo phong trào Thánh Linh là một quân binh trong đức tin và điều này là một thứ thật sự bất lợi cho các Giáo Hội lịch sử. Thành phần Tin Lành ở Uruguay đã tăng lên 11% và những người Ba Tây Phi Châu ở đấy tăng lên 9%.
Tình hình trên xẩy ra nhưng không xẩy ra cho các phong trào giáo hội Công giáo là những phong trào đang phát triển mạnh mẽ ở Mỹ Châu, phản lại tình trạng phát triển của các hệ phái và trở thành niềm hy vọng cho Giáo Hội Công Giáo, thành nguồn mạch ơn gọi và thành phần giáo dân được đào tạo để dấn thân.
Vấn: Đâu là Những nguyên nhân chính yếu về cuộc xuất hành này?
Đáp: Mặc dù có nhiều nguyên do về lãnh vực ngoại tại của các Giáo Hội lịch sử, mà đa số những nguyên do này thuộc về lãnh vực văn hóa xã hội, tôi nghĩ rằng lý do không kém phần quan trọng là những gì được Đức Gioan Phaolô II gọi là “khoảng trống mục vụ” (pastoral vacuum), tức là tình trạng thiếu hăng say chăm sóc về phần thiêng liêng đạo đức và thiếu huấn luyện tín lý vững chắc về phía Giáo Hội Công Giáo, cũng như của các giáo hội Thệ Phản lịch sử khác là những giáo hội cũng đang suy giảm tín hữu cùng một cách như thế.
Sau Công Đồng Chung Vaticanô II, nơi môi trường của chúng ta, hoạt động mục vụ bình thường thiên về các tiến trình cá nhân và khía cạnh xã hội, bỏ bê hai khía cạnh nống cốt của kinh nghiệm tôn giáo, đó là chiều kích tu đức và tín lý, do đó đã để cả một lỗ hổng cho những giải đáp “thay thế khác” thừa thắng xông lên.
Việc lơ là bỏ bê này, cùng với việc truyền bá phúc âm hóa nông nổi sơ sài không nhấn mạnh đến căn tính Kitô giáo nhiều lắm, đã đi đến chỗ làm loãng mất căn tính Công giáo, biến nó thành những thứ dấn thân về luân lý hay những thực hành theo bí tích mà thôi.
Một khi Giáo Hội hòa hợp mình với tính cách tân tiến và đức tin của Giáo Hội hòa hợp với lý trí và với tiến bộ, thì thế giới tân tiến với tất cả những thứ hoang đường của nó cùng với các thần linh trần tục của nó đang bị sụp đổ.
Bởi thế mà con người nam nữ ngày nay, thành phần bị mệt mỏi bởi những cơ cấu tân tiến, bởi cái quan liêu, bởi lý trí, và bởi kiệt lực trước quá nhiều những dự phóng không tưởng, mới đang tìm kiếm cảm nghiệm, thần bí, một thứ tâm linh cảm xúc; họ không còn hào hứng với “những thứ lý lẽ” mà là vào “cái sống động”, họ không quan tâm gì tới “tín lý” nữa mà là tới “thành quả”.
Việc chăm sóc mục vụ được hợp lý hóa cho tới độ kiệt sức; nó quá ư là tân tiến hóa và quan liêu hóa. Mà con người hậu tân tiến, con người mong được gặp gỡ Thiên Chúa, chỉ gặp thấy những thứ ý hệ, những cuộc họp hành, và việc phác họa quá trớn trong các giáo hội của họ – chứ không có cảm nghiệm nội tâm. Nên đã khiến họ tiến đến chỗ tìm kiếm nơi những giếng nước khác thứ “nước hằng sống” không có ở nơi họ cần phải gắn bó.
Về vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II đã nói vào năm 1992 rằng: “Cũng có thể xẩy ra là tín hữu không tìm thấy nơi các tác nhân mục vụ cái cảm quan mạnh mẽ về Thiên Chúa là những gì cần phải được truyền đạt nơi đời sống của thành phần tác nhân ấy”.
Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đức tin và linh đạo nơi nhiều phần của các giáo hội lịch sử là một trong những nguyên do chính cho cuộc xuất hành hàng loạt theo các hệ phái – hay theo khuynh hướng lạnh lùng dửng dưng khô đạo – nhưng không theo những gì phi tôn giáo.
81% ngưồi Uruguayan nói rằng họ tin vào Thiên Chúa; tuy nhiên phần đông họ tin “vào đường lối của mình” và đường lối thông dụng nhất của việc sống đức tin đó là đường lối “a la carte”, hay theo lời của Peter Berger, đó là “tin tưởng nhưng không thuộc về”. Như tôi đã đề cập, chỉ còn một tỷ lệ hết sức nhỏ nhoi nơi các niềm tin tôn giáo truyền thống mà thôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 7/7/2005
Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui
Sau vài tiếng đồng hồ chờ đợi, hãng xe buýt cho một chiếc xe khác tới và chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Tuy nhiên, tai nạn ấy đã làm cho chúng tôi mất thời gian tính.
Khi chúng tôi tới được trạm xe buýt – chuyến đi của tôi vẫn phải tiếp tục bằng xe lửa – thì đã quá trễ và vé xe lửa đã bán hết sạch. Người ta sắp hàng dài trước quay bán vé, và mọi người nói với chúng tôi rằng chỉ còn có những vế cho chuyến xe lửa trong vòng 3 ngày nữa thôi.
Tôi cảm thấy mất tinh thần và chán nản, vì tôi quá trễ việc làm đầu tiên của mình và vào ngày đầu tiên làm việc của mình. Tôi nghĩ đến việc cầu nguyện cùng Đức Bà một lần nữa rằng: “Xin giúp tôi mua được vé xe lửa. Nếu bà giúp tôi lần này nữa, tôi thề sẽ theo bà!”
Trong khi chờ đợi ở một hàng dài, tôi đã mất hết hy vọng. Đùng một cái, một người đàn ông xuất hiện hô to lên rằng: “Đây là vé cho thành phố … Vé cho ngày hôm nay. Ai muốn mua tấm vé này?” Đó là điểm đến của tôi. Tôi liên mua ngay lập tức.
Người này nói rằng ông ta vừa lấy được vé ấy cho một người bạn vừa gọi cho ông ta nói rằng họ không thể đến đúng giờ. Người bạn ấy xin ông ta hãy trả vé lại, thế nhưng, vì chuyến xe lửa sẽ rời trong vòng 40 phút nên quá trễ để được hoàn tiền lại do đó mà ông ta đã hỏi quanh quanh xem để cố gắng bán tấm vé đó cho người nào đó.
Đó là một dấu hiệu nhỏ, nhưng là dấu hiệu ban đầu – bước đầu tiên cho cuộc trở lại của tôi.
Sau khi nhận việc, tôi đã tìm đến một Nhà Thờ Công Giáo để dự Lễ, song bao giờ cũng âm thầm kín đáo. Dần dần, tôi hiểu thêm về đức tin Công giáo, để rồi cuối cùng tôi đã xin rửa tội.
Khi tìm được đức tin Công Giáo, tôi đã tìm thấy một cộng đoàn dân chúng đơn thành và tốt lành, nơi không có gì là gian dối. Tôi đã tìm được một số bạn bè thực sự.
Tôi đã được giải thoát, ở chỗ, tôi không còn cần phải dối trá nữa. Dân chúng thực sự kiểm điểm họ và thậm chí nhận định về vị linh mục nữa. Tôi bắt đầu thấy được ánh sáng và hiểu rằng tôi đã thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Tuy nhiên, để rửa tội, tôi cần phải thắng vượt một trở ngại lớn, đó là việc tôi làm thành viên của Đảng Cộng Sản.
Một đảng viên Cộng Sản là một người vô thần; một Kitô hữu là người tin vào Thiên Chúa: không thể nào vừa là người Công giáo vừa là đảng viên Cộng Sản. Ngay cả vị linh mục dạy đạo cho tôi cũng nói rằng tôi cần phải rời bỏ Đảng Cộng Sản. Thế nhưng, tôi không đủ can đảm để làm điều này, bởi vì, tôi sợ rằng việc rời bỏ Đảng tôi sẽ phải chấp nhận những hậu quả khủng khiếp, ở chỗ có thể bị mất việc làm hay thậm chí có thể bị bách hại nữa.
Đảng Cộng Sản ở Trung Hoa kiểm soát tất cả mọi sự, bởi thế, để dứt tình với nó có nghĩa là một cách nào đó làm mất đi tất cả mọi niềm hy vọng được sống một cuộc đời yên hàn; có nghĩa là cảm thấy như mình trở thành một kẻ xa lạ.
Trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa có một qui luật là mỗi đảng viên đóng góp một số tiền hằng tháng nào đó cho Đảng. Nếu một người không đóng góp trong vòng 6 tháng liền thì bị trừng phạt và đôi khi còn bị đuổi ra khỏi Đảng nữa.
Vì tôi không đủ can đảm để công khai rời bỏ Đảng nên tôi đã nghĩ đến cách ra khỏi đảng bằng cách ấy, bởi thế tôi đã không đóng góp gì trong vòng 6 tháng. Thế nhưng lại chẳng có gì xẩy ra cả, vì không hề cho tôi biết, người tổ trưởng, vì thấy tôi không đóng đã đóng cho tôi!
Tôi không biết tại sao anh ta lại làm thế. Anh ta là một loại người bình thường, không tốt cũng chẳng xấu. Có lẽ anh ta nghĩ rằng tôi đã quên và ứng trước để tôi trả lại cho anh ta sau chăng; có lẽ anh ta không muốn các viên chức cấp trên của anh ta thấy rằng có những “kẻ chểnh mảng” ở tổ của anh ta, khiến anh ta bị phê bình khiển trách hay chăng.
Cuối cùng, tôi chỉ còn một chọn lựa duy nhất đó là đi theo đường lối chính thức, và tôi đã viết một bức thư để xin bỏ Đảng. Tuy nhiên, tôi đã không đủ can đảm để nộp bức thư này. Tôi đã quyết định nhiều lần trình bức thư ấy, để rồi cuối cùng tôi đã không thực hiện nổi. Có lần tôi đã vận dụng tất cả lòng can đảm của mình để đi thẳng tới viên chức Đảng mà trao bức thư của mình cho người này.
Ông ta không nói được một lời nào, vì đó là lần đầu tiên ông ta thấy có một người dám từ chối ở lại trong CCP (Đảng Cộng Sản Trung Hoa). Ông ta hoàn toàn không thể nào hiểu nổi.
Cuối cùng tôi đã được lãnh nhận phép rửa. Và với bí tích này, tôi đã bắt đầu hoan hưởng được niềm an bình sâu xa.
Sau đó ít lâu, tôi đã gặp một người bạn cũ trong tổ của mình. Chúng tôi đã là bạn với nhau ngay cả trước khi gia nhập Đảng nữa. Anh ta nghe rằng tôi đã rời Đảng và trở thành một Kitô hữu. Anh ta bảo tôi rằng tôi rất can đảm và thêm rằng anh ta sẽ không bao giờ có thể can đảm như thế.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 26/6/2005