GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 16/7/2005

 

1) ĐTC BĐXVI trong thời gian nghỉ hè đang viết một thông điệp hay một tác phẩm?

2) ĐTC GPII - “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”: lý do và ý nghĩa

3) Tòa Thánh tại LHQ về Vấn Đề Các Loại Võ Trang Nhỏ và Các Thứ Vũ Khí Nhẹ

 

ĐTC BĐXVI trong thời gian nghỉ hè đang viết một thông điệp hay một tác phẩm?

Theo ĐHY Tarcisio Bertone, TGM Genoa, vị đã từng là bí thư của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin dưới thời ĐHY Joseph Ratzinger và là vị đã dùng bữa trưa với ĐTC hôm Thứ Ba 12/7/2005 ở căn nhà gỗ ngài đang nghỉ hè ở Les Combes thuộc miền Val d’Aosta vùng Núi Alps, cho biết tờ nhật báo Avvenire biết rằng: ĐTC “mạnh khỏe, nghỉ ngơi và thanh thản. Khí hậu miền núi và phong cảnh uy hùng rất hợp với ngài”.

Vị TGM HY này cho biết “Ngài cử hành Thánh Lễ vào lúc 7 giờ 30 sáng, và ở lại tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, nguyện Kinh Thần Vụ, rồi sau đó dùng điểm tâm sáng. Sau đó ngài bắt đầu đọc sách, viết lách và nghiên cứu. Bữa trưa vào khoảng 1 giờ chiều. Rồi vào buổi chiều, ngài nghỉ ngơi, sau đó đi bách bộ ở vùng núi gần đó, cao khoảng 1.800 thước (hay 5.900 bộ), vừa đi vừa cầu Kinh Mân Côi. Vào cuối ngày ngài dùng bữa tối, nguyện cầu rồi đi nghỉ”.

Trong thời gian làm việc, ĐGH “xem xét những văn kiện, nghiên cứu và tiếp tục viết một cuốn sách”. Được hỏi cuốn sách này phải chăng là bức thông điệp đầu tiên cho giáo triều của ngài, vị hồng y cho biết “Tạm thời chúng ta cứ nói là một cuốn sách đi”.

Vị hồng y còn cho biết ĐGH xả hơi khi chơi dương cầm, nhưng thú nhận rằng ngài không chơi đàn này vào dịp vị hồng y đến thăm. Vị tổng giám mục nói thêm là đức giáo hoàng này “không phải là loại người thể thao, như vị tiền nhiệm, thế nhưng ngài là một tay bách bộ giỏi. Có lẽ ngài ít đi đâu ra ngoài mà chỉ bách bộ nhiều thôi”.

Tâm Phương, theo Zenit 15/7/2005

 

TOP


 

ĐTC GPII - “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”: lý do và ý nghĩa

 

(tiếp ngày 15 Thứ Sáu)

 

“Tại sao chúng ta đừng sợ? Vì con người đã được Thiên Chúa cứu chuộc. Khi nói lên những lời này ở Quảng Trường Thánh Phêrô, tôi đã biết được bức thông điệp đầu tiên của tôi và tất cả vai trò làm giáo hoàng của tôi sẽ gắn liền với sự thật Cứu Chuộc. Nơi Ơn Cứu Chuộc chúng ta thấy được nền tảng sâu xa nhất của những lời ‘Đừng sợ!’: ‘Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài’ (x Jn 3:16). Người Con này luôn hiện diện như Đấng Cứu Chuộc nơi lịch sử của loài người. Ơn Cứu Chuộc thấm nhập tất cả lịch sử của con người, ngay cả trước khi Đức Kitô sinh ra, và sửa soạn cho tương lai cánh chung của mình. Ơn Cứu Chuộc như là một thứ ánh sáng ‘chiếu trong tăm tối nhưng tăm tối không át được ánh sáng’ (x Jn 1:5). Quyền năng nơi Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô là những gì mãnh liệt hơn bất cứ sự dữ nào khiến con người có thể hay cần phải sợ hãi”. (trang 219)

 

“Ở vào cuối thiên kỷ thứ hai đây, có lẽ chúng ta cần hơn bao giờ hết những lời của Chúa Kitô Phục Sinh: ‘Đừng sợ!’. Con người, thành phần mà ngay cả sau cuộc sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không thôi sợ hãi và thực sự có nhiều lý do để cảm thấy như vậy, cần phải nghe thấy những lời ấy. Các quốc gia cần nghe thấy những lời ấy, nhất là những quốc gia được tái sinh sau cuộc sụp đổ của đế quốc Cộng sản, cũng như những quốc gia chứng kiến thấy biến cố này từ bên ngoài. Các dân tộc và các quốc gia trên toàn thế giới cần nghe những lời ấy. Lương tâm của họ cần phải tin tưởng hơn nữa là Đấng hiện hữu, Vị nắm trong tay vận mệnh của thế giới đang qua đi này; Đấng giữ chìa khóa tử thần và âm phủ (x Rev 1:18); Đấng là Nguyên Thủy và là Cùng Đích của lịch sử loài người (x Rev 22:13) – một lịch sử chung cũng như riêng. Và Đấng ấy là Tình Yêu (x 1Jn 4:8,16) – một Tình Yêu làm người, một Tình Yêu tử giá và phục sinh, một Tình Yêu không thôi hiện diện nơi loài người. Đó là Tình Yêu Thánh Thể. Tình Yêu Thánh Thể này là nguồn mạch vô tận của hiệp thông. Chỉ có một mình Người mới có thể tuyệt đối bảo đảm bằng lời tuyên phán: ‘Đừng sợ!’ mà thôi” (trang 222)

 

“Con người hiện đại khó lòng mà trở về với đức tin được lắm, bởi vì họ sợ những đòi hỏi về luân lý như đức tin buộc họ phải thi hành. Ở một mức độ nào đó thì đây là một thực tại. Phúc Âm thực sự là những gì đòi hỏi. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô không bao giờ cho phép thành phần môn đệ của Người cũng như những ai nghe Người bị ảo tưởng về vấn đề này. Trái lại, Người hết sức sửa soạn cho họ trong việc họ cần phải đương đầu với hết mọi thứ khó khăn nội ngoại, luôn ý thức rằng họ có thể quyết định bỏ Người. Bởi thế, khi nói ‘Đừng sợ’ là Người, một cách nào đó, không có ý muốn xí xóa đi tất cả những gì Người đòi hỏi. Trái lại, với những lời ấy, Người muốn khẳng định tất cả sự thật của Phúc Âm cùng với tất cả mọi đòi hỏi được chất chứa nơi sự thật này. Tuy nhiên, đồng thời Người cũng cho thấy rằng những gì Người đòi hỏi không bao giờ vượt quá khả năng của con người hết. Nếu con người chấp nhận những đòi hỏi này bằng một thái độ tin tưởng, họ sẽ thấy, nhờ ân sủng, Thiên Chúa không bao giờ thôi ban cho họ sức mạnh cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi ấy. Thế giới này đầy những dấu chứng cho thấy rằng quyền năng cứu độ và cứu chuộc được các Phúc Âm loan báo thường xuyên hơn là những đòi hỏi về luân lý được các Phúc Âm này nhắc nhở. Có biết bao nhiêu là người ở trên thế giới này sống cuộc sống thường nhật đã chứng thực rằng họ có thể sống trọn luân lý của Phúc Âm! Kinh nghiệm cho thấy rằng cuộc sống của nhân loại thành đạt không thể nào khác hơn cuộc sống giống như những người ấy”. (trang 222-223).

 

“Việc chấp nhận những đòi hỏi của Phúc Âm nghĩa là chấp nhận tất cả nhân tính của chúng ta,  là thấy nơi nhân tính này vẻ đẹp theo như Thiên Chúa muốn, đồng thời, trong ánh sáng quyền năng của chính Thiên Chúa, nhìn nhận nỗi yếu hèn của mình: ‘Những gì con người bất khả thì đều khả thi đối với Thiên Chúa’ (Lk 18:27).

 

“Hai chiều kích này bất khả tách biệt: một đàng, Thiên Chúa muốn con người phải đáp ứng các đòi hỏi về luân lý của Người; đàng khác, Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, bị ràng buộc với những đòi hỏi yêu thương cứu độ của Người – với tặng ân Người ban phát. Ơn Cứu Chuộc được hoàn thành nơi Chúa Kitô còn là gì khác nữa, nếu không phải  chính là điều này hay sao? Thiên Chúa muốn con người được cứu độ, Người muốn rằng nhân loại tìm thấy tầm vóc viên trọn của họ như chính Người mong muốn nơi họ, và Đức Kitô có quyền để nói rằng ách của Người thì êm ái và gánh của Người thực thì nhẹ nhàng (x Mt 11:30)”. (trang 223)

 

“Rất cần phải vượt qua ngưỡng cửa hy vọng, chứ không phải dừng lại trước ngưỡng cửa này, thế nhưng hãy để mình được dẫn qua. Tôi tin rằng đại thi hào Balan là Cyprian Norwid đã nghĩ đến điều ấy khi diễn tả ý nghĩa tối hậu của đời sống Kitô hữu qua những lời là ‘Đừng kéo lê Thập Giá của Đức Kitô, nhưng hãy vác thập giá của mình theo Chúa Cứu Thế’

 

“Người ta có đủ lý do để gọi sự thật về Thập Giá là Tin Mừng” (trang 223-224).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


 

TOP

 

Tòa Thánh tại LHQ về Vấn Đề Các Loại Võ Trang Nhỏ và Các Thứ Vũ Khí Nhẹ

Sau đây là bản diễn văn của ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở trụ sở trung ương Nữu Ước của LHQ, tại Cuộc Họp Nhị Niên Lần Thứ Hai của Chư Quốc Cứu Xét đến Vấn Đề Áp Dụng Chương Trình Hành Động Để Ngăn Ngừa, Chiến Đấu và Nhổ Tận Gốc Việc Buôn Bán Bất Hợp Pháp Các Loại Võ Trang Nhỏ và Các Thứ Vũ Khí Nhẹ, hôm Thứ Hai 11/7/2005.

Thưa Ông Chủ Hội,

Chương Trình Hành Động được chấp thuận vào năm 2001 này, trong việc ngăn ngừa, chiến đấu và nhổ tận gốc việc buôn bán bất hợp pháp các loại võ trang nhỏ và các thứ vũ khí nhẹ ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp toàn cầu là bản văn kiện đầu tiên thuộc cấp LHQ nhắm đến việc hoạch định những bước đường chư quốc cần phải thực hiện để đối đầu với vấn đề này. Cuộc họp này là một cơ hội để kiểm điểm việc hiện thực Dự Án Hành Động cũng như để xem nó có vẫn còn là nền tảng hay chăng cho nội dung pháp lý quốc tế mới đối với việc kiểm soát các thứ võ trang nhỏ và các loại vũ khí nhẹ. Những nỗ lực này được Nhóm Hành Động đúc kết cởi mở trong việc thương thảo một thứ dụng cụ quốc tế để giúp cho chư quốc có thể nhận định và theo dõi, một cách hợp thời và khả tín, những thứ vũ trang nhỏ cùng các loại vũ khí nhẹ bất hợp pháp hiện nay đã xuất hiện theo chiều hướng ấy.

Một chế độ như thế vẫn chưa phải là một bước tiến khác hướng tới việc cổ võ hiệu nghiệm cả nhân quyền lẫn luật nhân đạo, thứ luật có thể “làm tăng bổ vấn đề tôn trọng sự sống và phẩm giá con người qua việc cổ võ một nền văn hóa bình an”, như được chính bản Dự Án Hành Động nhấn mạnh. Cũng nhờ tiến trình do LHQ phát động đã thấy xuất hiện việc nhận thức hơn nữa trên thế giới về vấn đề phức tạp này.

Từ năm 2001, đã có thêm nhiều hiểu biết, kinh nghiệm và những việc làm hay nhất trong lãnh vực ấy; ngoài ra, xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ cũng đã đóng một vai trò quan trọng về khía cạnh này và vẫn đang tiếp tục làm như thế. Tuy nhiên, trước nhu cầu cần phải có một giải pháp vừa đa chiều kích và đa lãnh vực thì cần phải thực hiện hơn nữa việc hợp tác quốc tế để ngăn chặn một cách hiệu nghiệm tình trạng lan tràn và dễ dàng của những loại võ trang đang được bàn đến nơi đây.

Những nỗ lực này cần phải được thực hiện theo chiều hướng của những gì đã được đề cập tới trong bản tường trình “Được Quyền Tự Do Hơn” của vị tổng thư ký, một bản tường trình có lý để thôi thúc việc chấp nhận một quan niệm tổng quan hơn về vấn đề an ninh chung, một vấn đề sẽ ngăn cản những mối đe dọa mới cũ và sẽ giải quyết những mối quan tâm về an ninh của tất cả mọi quốc gia, vì các mối đe dọa chúng ta đang đối diện hiển nhiên là có liên hệ với nhau. Những mối đe dọa đối với thành phần nghèo chắc chắn sẽ gây tổn thương cho thành phần giầu thịnh nữa.

Việc áp dụng một thứ thẩm định như thế cho vấn đề đang bàn đến đây không phải là vấn đề khó khăn. Các nỗ lực quốc tế trong việc kiểm soát vấn đề giao thương bất hợp pháp các loại vũ trang nhỏ hoàn toàn hợp với nhận định của vị tổng thư ký là sẽ “không thế nào có phát triển nếu thiếu an ninh và cũng không thể nào có an ninh nếu thiếu phát triển”.

Việc giao thương bất hợp pháp về những thứ võ trang nhỏ và những loại khí giới nhẹ là một mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình, phát triển và an ninh. Đó là lý do tại sao Tòa Thánh góp tiếng nói với lời kêu gọi thực hiện một đường lối chung, không những đối với vấn đề giao thương bất hợp pháp về các loại võ trang nhỏ mà còn liên quan đến những hoạt động, như nạn khủng bố, một tội ác có tổ chức, và như việc buôn người, đó là chưa kể đến vấn đề giao thương thuốc phiện hay các hàng hóa có lợi khác. 

Hơn nữa, như trong việc lưu ý tới vấn đề cung cấp bất hợp pháp các thứ võ trang, chúng ta cũng cần phải để ý tới các động lực của nhu cầu cần võ trang nữa. Cũng cần phải thực hiện việc nghiên cứu hơn nữa về khía cạnh này, và cần cộng đồng quốc tế thực hiện một nỗ lực chung và nghiêm chỉnh trong vấn đề cổ võ một thứ văn hóa hòa bình giữa tất cả mọi phần tử thuộc các xã hội đương đại.

Tuy nhiên, vẫn còn một khía cạnh khác được Tòa Thánh cho là quan trọng đó là những nhu cầu đặc biệt của trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột võ trang, như được diễn tả trong Dự Án Hành Động. Trẻ em cần phải được lưu ý tới trong các chương trình về vấn đề giải giới, giải ngũ và tái hội nhập (DDR: disarmament, demobilization and reintegration), trong các trường hợp hậu chiến, trong việc bảo vệ hòa bình và xây dựng hòa bình, cũng như trong các chương trình phát triển, nhờ những đường lối thuộc cộng đồng.

Theo chiều hướng ấy thì Tòa Thánh ủng hộ những nhận định của vị tổng thư ký trong bản tường trình Tháng Hai về các loại võ trang nhỏ và các thứ vũ khí nhẹ, bản tường trình mà ông đề nghị rằng DDR cũng cần phải giải quyết những nhu cầu của thành phần chiến đấu trước đây, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, cùng những cộng đồng nhận lãnh.

Cũng cần phải phát triển những biện pháp dài hạn, những biện pháp có mục đích ngăn chặn tai họa của việc leo thang các loại võ trang nhỏ và các thứ vũ khí nhẹ, để cổ võ hòa bình và an ninh, cả trong lẫn ngoài. Tòa Thánh tin rằng việc đầu tư vào vấn đề ngăn ngừa, thực hiện hòa bình, gìn giữ hòa bình, và kiến thiết hòa bình có khả năng cứu được hằng triệu triệu mạng sống con người.

Sau hết, cộng đồng quố ctế sẽ thực hiện một cách tốt đẹp khi lưu tâm một cách nghiêm chỉnh đến cuộc bàn cãi về việc thực hiện một bản thỏa ước giao thương các thứ võ trang, căn cứ vào những nguyên tắc đẹp nhất về luật quốc tế liên quan tới nhân quyền và luật nhân đạo. Một phương tiện như thế có thể góp phần vào việc nhổ tận gốc rễ việc giao thương bất hợp pháp các loại võ trang, trong khi đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia trong việc củng cố bản Dự Án Hành Động được bàn đến hôm nay đây.

Cám ơn Ông Chủ Hội

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 12/7/2005

  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ