GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 1/7/2005 |
1) ĐTC/BĐXVI: Bài Giảng Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô về Công Giáo Tính của Giáo Hội Chúa Kitô
3) Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với ĐTC GPII
ĐTC/BĐXVI: Bài Giảng Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô về Công Giáo Tính của Giáo Hội Chúa Kitô
ĐTC BĐXVI đã chủ tế Thánh Lễ Trọng Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô tại Đền Thờ Thánh Phêrô, và trong Thánh Lễ, ngài đã ban giây choàng tông phẩm cho ĐHY Angelo Sodano, trưởng hồng y đoàn và 32 vị tân Tổng Giám Mục thuộc 21 quốc gia mới được bổ nhiệm năm vừa qua. Theo truyền thống, Thánh Lễ này cũng có sự hiện diện của phái đoàn đại biểu thuộc Giáo Hội Chính Thống hoàn vũ ở Contantinople, năm nay với 3 vị dẫn đầu là Loannis (Zizioulas), TGP Pergamo, và hai vị nữa là Gennadios (Limouris), TGP Sassima, và đan viện trưởng Bartolome, phó bí thư Hội Đồng Thượng Phụ Hoàn Vũ. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC trong Thánh Lễ về công giáo tính của Giáo Hội Chúa Kitô.
Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vừa là một tưởng nhớ tri ân về những vị chứng nhân cao cả của Chúa Giêsu Kitô, vừa là một cuộc long trọng tuyên xưng về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Trước hết, lễ này là một lễ của công giáo tính. Dấu hiệu của Ngày Lễ Hiện Xuống – một cộng đồng mới nói đủ mọi ngôn ngữ và hiệp nhất tất cả mọi dân tộc lại thành một dân duy nhất, thành một gia đình duy nhất của Thiên Chúa – đã trở thành thực tại.
Cộng đồng phụng vụ của chúng ta, một cộng đồng qui tụ các vị giám mục từ khắp nơi trên thế giới, qui tụ dân chúng thuộc nhiều văn hóa và quốc gia, là hình ảnh gia đình Giáo Hội lan tràn khắp thế giới. Kẻ xa lạ thành bạn hữu; chúng ta nhìn nhận nhau là anh em vượt mọi biên giới. Như thế, sứ vụ của Thánh Phaolô được hoàn thành, vị đã biết cách để “trở thành mộït thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô đối với Dân Ngoại…. Nhờ đó việc hiến dâng của Dân Ngoại được chấp nhận, được Thánh Thần thánh hóa” (Rm 15:16).
Mục đích của sứ vụ này là một nhân loại được trở thành vinh hiển sống động của Thiên Chúa, một cuộc tôn thờ chân thực Thiên Chúa mong muốn: Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của công giáo tính – một công giáo tính đã được ban cho chúng ta và bởi thế chúng ta phải tiếp tục hướng mình đến chỗ đó. Công giáo tính không tỏ hiện theo chiều hoành kích mà thôi, chiều kích nhiều dân tộc qui tụ lại với nhau; nó còn thể hiện theo chiều tung kích nữa: chỉ cần hướng ánh mắt về Thiên Chúa, chỉ cần mở lòng ra cho Ngài chúng ta mới thực sự trở nên duy nhất.
Như Thánh Phaolô, Thánh Phêrô cũng đến Rôma, một thành phố đã trở thành nơi hội tụ của tất cả mọi dân tộc, và chính vì điều này đã trở thành một thể hiện hơn hết cái phổ quát tính của Phúc Âm. Khi thực hiện chuyến đi từ Giêrusalem đến Rôma, Thánh Phêrô chắc chắn cảm thấy mình được soi dẫn bởi tiếng nói của các vị tiên tri, bởi đức tin và bởi lời cầu nguyện của dân Do Thái.
Sứ vụ truyền giáo cho toàn thế giới thực sự cùng là một phần của việc loan báo Cựu Ước nữa: Dân Do Thái được ấn định trở thành ánh sáng cho các Dân Ngoại. Bài đại Thánh Vịnh Thương Khó, bài Thánh Vịnh 21, với câu đầu tiên là “Lạy Chúa Trời con, Lạy Thiên Chúa của con, nhân sao Chúa bỏ rơi con?” được Chúa Giêsu đã thốt lên trên cây thập tự giá, được chấm dứt bằng nhãn quan là “Tận cùng trái đất sẽ nhớ tới Chúa và trở về cùng Chúa; và tất cả mọi gia đình chư quốc sẽ tôn thờ trước tôn nhan Ngài” (Ps 21:28). Khi tông đồ Phêrô và Phaolô đến Rôma thì Chúa, Đấng đã sử dụng bài thánh vịnh này trên thập tự giá, đã sống lại; việc chiến thắng này của Thiên Chúa bấy giờ cần phải được loan báo cho tất cả mọi dân nước, nhờ đó hoàn tất lời hứa kết thúc bài thánh vịnh ấy.
Công giáo tính tức là phổ quát tính – thứ đa dạng tính trở nên hiệp nhất; một thứ hiệp nhất vẫn có tính cách đa dạng. Từ lời lẽ của Thánh Phaolô về phổ quát tính của Giáo Hội chúng ta thấy rằng một phần của mối hiệp nhất này là khả năng của các dân tộc trong việc thắng vượt bản thân mình, trong việc hướng về một Vị Thiên Chúa duy nhất.
Vị sáng lập thực sự thần học Công giáo là Thánh Irenaeus thành Lyon đã diễn tả mối liên hệ giữa công giáo tính và mối hiệp nhất này một cách thật là tuyệt vời: “Tín lý này và đức tin này được Giáo Hội, một Giáo Hội được truyền bá khắp thế giới, chuyên chăm gìn giữ, làm nên hầu như một gia đình duy nhất: cùng một đức tin với một linh hồn và một con tim duy nhất, với cùng một việc rao giảng, cùng một việc giảng dạy, cùng một truyền thống như thể chỉ có một tiếng nói duy nhất. Các Giáo Hội ở Đức quốc không có một đức tin hay truyền thống khác, những Giáo Hội ở Tây Ban Nha, ở Gaul, ở Ai Cập, ở Libya, ở Hướng Đông, ở trung tâm trái đất, như mặt trời thụ tạo của Thiên Chúa chỉ là một và đồng nhất trên khắp thế giới, để ánh sáng của việc rao giảng thực sự chiếu sáng mọi nơi và soi sáng tất cả mọi người muốn nhận biết chân lý” ("Adversus Haereses" I, 10,2).
(còn tiếp)
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 29/6/2005
Tác phẩm “Joseph Ratzinger. Una biografía – Joseph Ratzinger: Tiểu Sử” được Eunsa xuất bản là của soạn giả Pablo Blanco, tiến sĩ triết học và là người đã nghiên cứu về đời sống và các bút tích của ĐTC BĐXVI nhiều năm. Qua cuộc phỏng vấn với Zenit, ông đã cho biết về vị giáo hoàng này như sau:
Vấn: Khi ông viết cuốn sách này ông có nghĩ rằng ĐHY Ratzinger một ngày kia trở thành Giáo Hoàng hay chăng?
Đáp: Dĩ nhiên là không. Tôi chú ý tới hồng y Joseph Ratzinger như là một thần học gia và là một con người của Giáo Hội, chứ không phải như một vị Giáo Hoàng. Dù sao, giờ đây, qua thời gian, tôi đã nhận thấy rằng các vị hồng y, nhờ sự trợ giúp khôn lường của Thánh Linh, đã biết phải chọn lựa ra sao.
Vị Giáo Hoàng này xứng đáng nhất ở một số điều trổi vượt, và theo tôi, chỉ cần đề cập tới 3 điều chính yếu là việc ngài hoàn toàn có thể giải bày những thứ thách lớn lao của thời đại hiện tại, như việc giải bày vấn đề tục hóa, việc cổ võ vấn đề đại kết, cũng như việc phấn khích vấn đề cương quyết và chân thành truyền bá phúc âm hóa.
Vấn:
Ông đã viết rằng ĐHY Ratzinger và ĐGH GPII đã hợp tác với nhau rất chặt chẽ,
chẳng những vào các chiều Thứ Sáu và riêng tư, mà còn cả vào các ngày Thứ Ba,
ngày trước các buổi triều kiến chung hằng tuần. Từ những cuộc gặp gỡ này đã xuất
phát ra một số bài giáo lý cho ngày Thứ Tư và những bản văn kiện. Giờ đây đức
Ratzinger là Giáo Hoàng, ông có nghĩ rằng sẽ có một ai đó giúp ngài về các bài
giáo lý hay chăng?
Đáp: Thẳng thắn mà nói thì tôi không biết. Đức Ratzinger đã nổi tiếng về việc viết ra hết những gì (Đức GPII) đọc. Tôi nghĩ rằng ngài sẽ có các cộng sự viên đáng kể nhưng ngài sẽ chịu trách nhiệm một cách rất riêng tư về tất cả những gì ngài nói hay viết.
Vấn:
Có những khía cạnh nào của Đức Biển Đức XVI, theo ông, chưa được truyền thông
nhấn mạnh đến hay chăng?
Đáp: Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng nơi đời sống của ngài là những gì ngài đã nói trong bài giảng khai triều của mình: chương trình duy nhất của ngài đó là thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
Suốt cuộc sống của mình, người ta có thể thấy cách thức ngài để mình được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình của Thiên Chúa, Đấng đưa ngài đến những nơi ngài không muốn tới: chẳng hạn ngài thôi làm giáo sư để trở thành TGM Munich, ngài đi Rôma để đảm nhiệm một vai trò khó khăn nhất trong Giáo Hội là vai trò làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, và đã chấp nhận việc được bầu làm Giáo Hoàng… với danh hiệu Biển Đức XVI.
Đối với tôi, tất cả những điều ấy ngài chẳng những tỏ ra can đảm ngài còn cho thấy ngài có một khả năng cao cả trong việc để cho Thiên Chúa hành động nữa.
Vấn:
Ông đã viết rằng ĐHY Ratzinger là một trong những kiến trúc sư chính yếu của
Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như của giai đoạn hậu công đồng trong toàn thể
Giáo Hội. Ngài đã tỏ ra bênh vực Công Đồng ở những lãnh vực nào nhất?
Đáp: Tôi nghĩ rằng ngài có một nhãn quan đặc biệt về toàn diện tất cả mọi thứ trục trặc về đức tin hiện nay.
Trong số nhiều vấn đề khác nhau, người ta có thể thấy được vai trò chính yếu của Chúa Giêsu Kitô và tầm quan trọng của phụng vụ, của luân lý, của nữ giới trong Giáo Hội, của vai trò linh mục là để phục vụ, của vấn đề đại kết như công việc chính yếu của ngài, và sau hết của tính chất quyết liệt nơi Việc Tuyên Xưng Đức Tin trong đời sống Kitô hữu.
Chứng cớ của việc này chẳng hạn như Cuốn Giáo Lý của Công Đồng Chung Vaticanô II, một cuốn sách chính ngài chịu trách nhiệm và điều hợp.
Dù sao đi nữa vấn đề rõ ràng là, với tư cách chủ yếu ngài đã đóng trong Công Đồng ấy, ngài biết Giáo Hội cần phải đi về đâu; tất cả những gì cần đó là tiếp tục lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong Lễ Hiện Xuống liên tục này.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 28/6/2005
Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với ĐTC GPII
Chưa bao giờ Lời Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV tuần này ứng nghiệm một cách chí lý và xác thực cho bằng lúc này. Thành phần “hiền triết và khôn ngoan” được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm, thành phần nói chung được gọi là trí thức đây không hiểu gì về những điều Thiên Chúa tỏ ra cho loài người biết qua Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Phải chăng đó là lý do, thành phần trí thức này, mang danh là các khoa học gia, hay những nhà lập pháp ở các quốc hội, hoặc các vị thẩm phán thuộc ngành tư pháp v.v., đã có những thí nghiệm phi nhân bản, như tạo sinh ống nghiệm và tạo sinh sao bản, đã ban bố những đạo luật phi đạo lý, như cho phép phá thai và đồng tính hôn nhân, đã thực hiện những án quyết phản công lý, như cho đốt cờ quốc gia, cho ly dị đơn phương, hay cho triệt sinh bức tử con người, như vụ Terry Schiavo ở Florida cuối tháng 3/2005 vừa rồi. Tại sao con người thời đại càng văn minh lại càng bị phá sản về luân lý như thế, chẳng khác gì như một anh hề “đóng khố đi giầy tây” trên khấu trường lịch sử như thế? Chúng ta chỉ tìm thấy câu trả lời đích đáng cho hiện tượng khủng hoảng về tâm linh và đạo lý của con người ngày nay nơi tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” của ĐTC GPII, tác phẩm cuối cùng ngài để lại cho nhân loại trước khi ngài vĩnh viễn ra đi 2 tháng, với những nhận định của ngài về lịch sử con người và phương thể để lấy lại căn tính con người.
Qua những nhận định của Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên đây, kể cả trong Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” ngày 4/3/1979, lẫn trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” vào thời điểm tháng 3/2005, thì thế giới đã sống trong “một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức… của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý”. Cũng chính vì “những tàn phá vĩ đại … trên hết là về mặt luân lý” như thế mà thế giới hiện nay (hơn bao giờ hết) đã tiến đến một cuộc “diệt chủng về pháp lý”, được thực hiện bởi “một thứ chủ nghĩa độc tài chuyên chế được che đậy một cách tinh khéo dưới những dạng thức dân chủ”.
Tại sao lại xẩy ra một hiện tượng ngược đời như thế, ở chỗ, chính lúc con người văn minh không còn ăn lông ở lỗ, lại là lúc con người sống theo luật rừng “jungle law” mạnh được yếu thua hơn bao giờ hết: nhân danh tự do để phạm đến nhân quyền và luân lý (như phá thai và hôn nhân đồng tính), nhân danh tiến bộ khoa học hay nhân đạo để tàn sát sự sống (như tạo sinh sao bản phôi bào con người và triệt sinh an tử), thậm chí nhân danh Thiên Chúa để khủng bố tấn công tiệu diệt đồng loại v.v.?
Lịch sử đã hiển nhiên cho thấy, cuộc khủng hoảng này cùng với những ý hệ sự dữ của nó đều xuất phát từ chung Tây Phương (kể cả Bắc Mỹ) và riêng Âu Châu (cách riêng Tây Âu), một châu lục chẳng những mở màn cho ý thức triết học (từ Hy Lạp trước Công Nguyên) mà còn cho cả văn minh vật chất (khoa học và kỹ thuật) lẫn văn minh nhân bản (nhân phẩm và nhân quyền), một châu lục có thể gọi là thế giới Kitô giáo và theo văn minh Kitô giáo, một châu lục chẳng những đã truyền bá văn minh vật chất và nhân bản khắp thế giới mà cả Kitô giáo nữa. Thế mà, trong thế kỷ 20 cũng là thế kỷ kết thúc hai ngàn năm Kitô giáo của họ, hai Thế Chiến chính yếu đã xẩy ra ở châu lục này, và hai chủ nghĩa độc tài sắt máu Nazi và Cộng sản cũng bắt nguồn từ châu lục này, để rồi, cho đến nay, châu lục này, trong nội bộ, đang bị phá sản văn hóa và đức tin hơn bao giờ hết, và đang cần phải được cấp thời tái truyền bá phúc âm hóa.
Tại sao thế? Phải chăng vì Kitô giáo là căn gốc chung của châu lục này không có khả năng cứu độ, không có tác dụng gì vào thời điểm con người văn minh? Hay vì châu lục văn mình này đã hoàn toàn chối bỏ căn tính Kitô giáo của mình, (như bản dự thảo của Khối Hiệp Nhất Âu Châu cho thấy), mà nó đã chẳng những đi đến chỗ mất gốc mà còn đang bị bật gốc nữa? (xin xem cùng một tác giả, “Giới Trẻ Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, Cao-Bùi 1996, trang 10-11; “Ý Thức Kitô Giáo”, Cao-Bùi 1998, trang 3-5; “Ánh Sáng Thế Gian”, Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam Tại Hoa Kỳ, 2000, trang 7-8):
· “Như thế, hiện tượng thụt lùi của đạo (về luân thường tín lý) trước đà lấn át của đời (về tiện nghi vật chất) không phải là một bằng cớ phủ nhận chính đáng và hiển nhiên nhất bản chất chân thật và thiện hảo đích thực của Kitô Giáo sao??
“Ngược lại, cũng có thể đặt vấn đề như thế này, sở dĩ lịch sử, ở vào thế kỷ 20 nói chung và hậu bán thế kỷ này nói riêng, đang thoi thóp như hấp hối chết trong mùa đông ‘văn hóa tử vong’ (‘culture of death’ - thành ngữ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) như thế, chính là vì con người đã lìa bỏ văn hóa Kitô Giáo, một văn hóa đã làm nên ‘văn minh yêu thương’ (‘civilization of love’ - thành ngữ của Đức Thánh Cha Phaolô VI) cho cả 20 thế kỷ qua”.
Theo Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sở dĩ Âu Châu (và từ Âu Châu lan đến toàn thế giới) đã đi đến thảm trạng này là vì châu lục này đã phủ nhận căn tính Kitô giáo của mình, phủ nhận Ơn Cứu Chuộc, bằng việc chấp nhận và sống theo ý hệ duy nhân bản sai lầm về con người, một ý hệ phát xuất từ Thời Minh Tri hay Chủ Nghĩa Minh Tri (Enlightenment) chủ trương duy lý, một thời đã bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng triết học trước đó của một triết gia người Pháp là Descartes.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu biết nhậy cảm với các nhu cầu của hết mọi người, theo tuân theo những đòi hỏi thiết yếu của sứ điệp Phúc Âm”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa biết dấn thân
theo bậc sống của mình trong việc biến đổi xã hội bằng việc làm thấm nhập ánh
sáng Phúc Âm vào tâm thức và cơ cấu thế giới”.