GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 23/8/2005

 

1) ĐTC Biển Đức XVI – Huấn Từ Truyền Tin Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX Chúa Nhật 21/8/2005: “Tôi hân hoan thông báo là Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây sẽ diễn ra tại Sydney, Úc Đại Lợi, vào năm 2008

2) ĐTC Biển Đức XVI tạ từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX 21/8/2005: “Tôi hy vọng rằng biến cố này sẽ vẫn cón sâu đậm nơi đời sống của người Công Giáo Đức Quốc

3) Diễn Văn Chào Mừng ĐTC Biển Đức XVI của Vị Chủ Tịch Khối Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ Thứ Bảy 20/8/2005: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa có một tầm quan trọng ghê gớm cho một thế giới an bình

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI – Huấn Từ Truyền Tin Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX Chúa Nhật 21/8/2005: “Tôi hân hoan thông báo là Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây sẽ diễn ra tại Sydney, Úc Đại Lợi, vào năm 2008

 

Các bạn thân mến,

 

Chúng ta đã đến lúc kết thúc việc cử hành tuyệt vời này và thực sự là việc cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20. Trong tâm hồn mình, tôi cảm thấy nổi lên nơi mình tư tưởng duy nhất, đó là “Cám ơn các bạn!”. Tôi tin rằng tư tưởng này cũng vang vọng nơi mỗi một người trong các bạn. Chính Thiên Chúa đã gieo nó vào lòng chúng ta và Ngài đã đóng ấn nó bằng Thánh Thể được hiểu theo chữ nghĩa là “tạ ơn”. Phải, giới trẻ thân mến, việc tri ân cảm tạ của chúng ta, xuất phát từ đức tin, được diễn đạt nơi bài ca chúng ta dâng lên chúc tụng Ngài là Cha và Con và Thánh Thần, Đấng đã còn ban cho chúng ta một dấu hiệu khác của tình Ngài yêu thương bao la.

 

Những lời tạ ơn của chúng ta dâng lên Thiên Chúa nơi tặng ân gặp gỡ không thể nào quên được này, và giờ đây lời tạ ơn ấy được gửi tới tất cả những ai tham gia vào việc sửa soạn và tổ chức nó. Tôi muốn lập lại lời tri ân cảm tạ của tôi với Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, dưới sự lãnh đạo của ĐTGM Stanislaw Rylko, được hỗ trợ bởi vị thư ký là Giám Mục Josef Clemens, cũng như với an hem thuộc Hội Đồng Giám Mục Đức, nhất là ĐTGM Cologne là Hồng Y Joachim Meisner. Tôi cảm tạ các vị thẩm quyền về chính trị và hành chánh đã giúp cho biến cố này được diễn tiến êm đẹp; tôi cám ơn nhiều thiện nguyện viên thuộc các giáo phận Đức quốc cũng như từ các quốc gia khác nhau. Tôi cũng xin ngỏ lời cám ơn thân ái đến nhiều cộng đồng chiêm niệm đã nâng đỡ chúng tôi bằng lời cầu nguyện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này.

 

Và giờ đây, vì sự hiện diện sống động của Chúa Kitô phục sinh giữa chúng ta nuôi dưỡng đức tin và đức cậy của chúng ta, tôi hân hoan thông báo là Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây sẽ diễn ra tại Sydney, Úc Đại Lợi, vào năm 2008. Chúng ta ký thác cho việc hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria rất thánh tương lai của giới trẻ thế giới.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/8/2005

 

 

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI tạ từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX 21/8/2005: “Tôi hy vọng rằng biến cố này sẽ vẫn cón sâu đậm nơi đời sống của người Công Giáo Đức Quốc

 

Vào lúc kết thúc của chuyến viếng thăm đầu tiên Đức quốc này của tôi với tư cách là Giám Mục Rôma và là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi cần phải bày tỏ một lần nữa lòng biết ơn chân thành của tôi đối với việc tiếp đón tôi, tiếp đón các vị cộng tác của tôi và nhất là tiếp đón nhiều giới trẻ đến Cologne từ hết mọi châu lục vì Ngày Giới TRẻ Thế Giới này. Chúa đã kêu gọi tôi tiếp tục Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta, vị được soi động khởi xướng lên một loạt Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tôi đã hân hoan tiếp tục di sản này, và tôi tạ ơn Chúa đã ban cho tôi cơ hội để cảm nghiệm thấy trong cuộc đồng hành với rất nhiều giới trẻ bước tiến thêm nữa này trong cuộc hành trình thiêng liêng của họ từ châu lục này đến châu lục kia, để bước theo Thập Tự Giá của Chúa Kitô.

 

Tôi cám ơn tất cả những ai đã hết sức hiệu nghiệm trong việc bảo đảm rằng hết mọi giai đoạn của cuộc tụ hợp ngoại thường này được diễn tiến một cách thứ tự và yên ổn. Những ngày cùng nhau sống này đã cống hiến cho nhiều con người nam nữ trẻ trung đến từ khắp nơi trên thế giới cơ hội để trở nên quen thuộc hơn với Đức quốc. Tất cả chúng ta đã quá rõ về sự dữ xuất phát từ quê hương của chúng ta trong thế kỷ 20, và chúng tôi hổ thẹn đớn đau nhìn nhận sự kiện này. Trong những ngày này, nhờ Chúa, vấn đề trở nên rất rõ ràng là đã có và đang có một Đức quốc khác, một mảnh đất của những nguồn mạch về nhân bản, văn hóa và thiêng liêng đặc thù. Tôi hy vọng và nguyện cầu để những nguồn mạch ấy, nhờ không ít các biến cố của những ngày mới đây, một lần nữa có thể được quảng bá hơn nữa trên khắp thế giới!

 

Giờ đây giới trẻ từ các nơi trên thế giới có thể trở về với những gì thăng hoa bởi các cuộc giao tiếp và cảm nghiệm của họ về cuộc đối thoại và mối hiệp thông ở các miền khác nhau nơi quê hương của chúng ta. Tôi tin rằng việc họ lưu ngụ, được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành trẻ trung của họ, sẽ tồn tại như là một ký ức đẹp đẽ với thành phần cống hiến cho họ tấm lòng nồng nhiệt hiếu khách ấy, và cũng sẽ là một dấu hiệu hy vọng cho Đức quốc. Thật thế, người ta có thể nói rằng trong những ngày này Đức quốc đã là tâm điểm của thế giới Công giáo. Giới trẻ từ hết mọi châu lục và văn hóa, qui tụ lại trong đức tin chung quanh các vị chủ chiên của chúng cũng như vị Thừa Kế Thánh Phêrô đã cho chúng ta thấy một Giáo Hội trẻ trung, một Giáo Hội tìm cách mướng tượng và can đảm hình thành dung nhan của một nhân loại chân chính và quảng đại hơn. Theo gương của các Nhà Đại Sĩ, những con người nam nữ trẻ trung ấy lên đường để gặp gỡ Chúa Kitô, theo như đề tài của Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Giờ đây họ đang trở về các vùng đất và phố xá của họ để làm chứng cho ánh sáng, sự mỹ và quyền năng của Phúc Âm mà họ vẫn cảm thấy mới mẻ.

 

Tôi cũng cần phải bày tỏ lòng biết ơn với tất cả những ai mở lòng và nhà mình ra cho vô số khách hành hương trẻ trung. Tôi cảm tạ các vị thẩm quyền trong chính phủ, cảm tạ những vị lãnh đạo chính trị và các phân bộ dân sự và quân sự khác nhau, cũng như dịch vụ an ninh và nhiều tổ chức thiện nguyện đã dồn nỗ lực vào việc sửa soạn và hiện thực mỗi một khởi động và biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Tôi cũng đặc biệt cám ơn tất cả những ai phác họa ra những giây phút nguyện cầu và suy niệm, cũng như các cuộc cử hành phụng vụ, những gương mẫu sống động của tính cách sinh động hân hoan của niềm tin làm phấn khởi thế hệ này nơi thời đại của chúng ta. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn với các vị lãnh đạo thuộc các giáo hội cùng các cộng đồng giáo hội khác, và cho cả các vị đại diện thuộc các tôn giáo khác muốn hiện diện trong cuộc gặp gỡ quan trọng này. Tôi bày tỏ niềm hy vọng là chúng ta có thể củng cố việc dấn thân chung của chúng ta trong vấn đề huấn luyện thế hệ trẻ theo các giá trị về nhân bản và thiêng liêng là những gì bất khả châm chước để xây dựng một tương lai thực sự tự do và an bình.

 

Tôi hết sức cảm tạ ĐHY Joachim Meisner, TGM Cologne, giáo phận đã chủ sự cuộc họp quốc tế này, cảm tạ các vị giám mục Đức, có vị chủ tịch hội đồng giám mục là ĐHY Karl Lehmann, cám tạ các vị linh mục, tu sĩ nam nữ, các cộng đồng giáo xứ, các hiệp hội và phong trào giáo dân đã vận dụng nghị lực để giúp giới trẻ hiện diện gặt hái được những hoa trái thiêng liêng nơi việc lưu ngụ của họ. Tôi cám ơn đặc biệt giới trẻ ở Đức, thành phần đã giúp đỡ bằng nhiều cách thức khác nhau, giới trẻ khác, và chia sẻ với họ những giây phút đức tin thực sự đáng ghi nhớ. Tôi hy vọng rằng biến cố này sẽ còn đậm nét nơi đời sống của người Công giáo Đức và sẽ là một động lực thúc đẩy việc vươn rộng mới về lãnh vực thiêng liêng và tông đồ! Chớ gì Phúc Âm được tất cả các môn đệ của Chúa Kitô lãnh nhận một cách nguyên vẹn và chứng kiến một cách sâu xa ý thức, nhờ đó nó trở thành một nguồn mạch canh tân chân thực đối với toàn xã hội Đức quốc, cũng nhờ việc đối thoại với các cộng đồng Kitô hữu khác nhau và với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác.

 

Sau hết, tôi xin trân trọng và thân ái chào các vị thẩm quyền về chính trị, dân sự và ngoại giao hiện diện ở nghi thức lên đường này. Tôi đặc biệt cám ơn ông Thủ Tướng, và tôi xin ông làm ơn chuyển lòng biết ơn sâu xa của tôi tới ông tổng thống cộng hòa, tới các phần tử trong chính quyền, cũng như tới toàn thể nhân dân Đức quốc. Đầy lòng cảm mến và ký ức về những ngày này, giờ đây tôi trở về Rôma. Tôi xin muôn vàn phép lành của Chúa cho một tương lai yên hạn thịnh vượng, hòa hợp và an bình.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/8/2005

 

 

TOP

 

 

Diễn Văn Chào Mừng ĐTC Biển Đức XVI của Vị Chủ Tịch Khối Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ Thứ Bảy 20/8/2005: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa có một tầm quan trọng ghê gớm cho một thế giới an bình

 

Trọng Kính Đức Giáo Hoàng, thay mặt phái đoàn đại biểu, tôi xin chào mừng ngài, và cám ơn ngài về cơ hội được gặp gỡ ngài đây.

 

Mục tiêu của các tôn giáo thuộc tổ phụ Abraham đó là để cho tất cả mọi dân tộc cùng nhau chung sống trong tình thân hữu và thứ tha.

 

Hôm nay đây, những ký ức về hận thù và chiến tranh đang là mạch nguồn đau thương cho tất cả loài người. Nếu chúng ta muốn tránh cứ phải trải qua nỗi đớn đau này thì chúng ta, thành phần thuộc các tôn giáo thuộc tổ phụ Abraham – nhất là Kitô hữu và Hồi hữu – có những trách nhiệm quan trọng cần phải hoàn tất.

 

Trong thế hệ truyền thông này, những khái niệm về trạng thái gần xa đã mất đi ý nghĩa của mình. Ngày nay, tất cả mọi dân tộc là những người láng giềng gần gũi nhau. Điều này lại càng trở nên quan trọng đối với chúng ta trong việc hiểu biết nhau hơn, cũng như trong việc làm bạn với nhau. Như Sách Thánh Koran viết: “Chúng tôi… làm cho các người thành những quốc gia và bộ tộc, để các người biết nhau”. Con người tốt đẹp hiểu biết nhau, và họ càng biết về nhau, mối thân hữu của họ mới có thể càng trở nên sâu xa hơn.

 

Hết mọi tôn giáo, và hết mọi phần tử của một cộng đồng tôn giáo, đều có những cảm thức đặc biệt, những cảm thức chúng ta buộc phải tôn trọng.

 

Theo Kinh Koran Thánh thì không ai có thể bị gièm phê chê trách bởi việc sát nhập tôn giáo, hay bị bắt buộc từ bỏ niềm tin của mình. Kinh Koran viết: “Các người có tôn giáo của mình và tôi có tôn giáo của tôi”.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa có một tầm quan trọng ghê gớm cho một thế giới an bình. Nếu chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau đối thoại, nó sẽ cho thấy rằng lý thuyết về một “cuộc đụng độ về các nền văn hóa” là những gì không có cơ sở vững chắc. Các cộng đồng tôn giáo và văn hóa càng có thể biết về nhau, họ sẽ càng nhận thấy rằng không có lý do nào để thù hận cả, và thực sự có nhiều lý do để thân tình và thân ái sống chung. Kinh nghiệm của người Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một thí dụ điển hình đáng kể về cách các tôn giáo và văn hóa khác nhau có thể cùng nhau chung sống trong thân tình. Tiến trình của việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu cũng là một cơ hội quan trọng, một cơ hội cần phải được cứu xét theo khía cạnh này.

 

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tiến trình đối thoại được Vatican khởi xướng và theo đuổi. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta có thể tiếp tục theo đuổi tiến trình này.

 

Chúng tôi nhìn nhận rằng tiến trình này sẽ góp phần một cách quan trọng cho mối thân hữu, cho nền hòa bình thế giới và cho nhân loại.

 

Một lần nữa tôi xin cám ơn ngài đã bỏ giờ cho cuộc gặp gỡ này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho ngài luôn mãi.

 

Ridvan Cakir,

Chủ Tịch Khối Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/8/2005

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ