GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 24/8/2005 |
2) Bài Giảng Khai Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX 16/8/2005 của ĐHY Joachim Meisner, TGM Cologne: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 ở Cologne không phải thuần túy là biến cố Công giáo … Chúng ta sẽ tìm kiếm Chúa Kitô không phải cho lợi ích riêng mình, mà đặc biệt cho lợi ích của anh chị em khác”
1. Khi nghe những lời của bài Thánh Vịnh 125 (126), người ta có ấn tượng như thấy trước mắt cái biến cố đã được hát lên ở phần hai của Sách Tiên Tri Isaia, bài ca “tân xuất hành”. Đó là cuộc trở lại của dân Do Thái từ chốn lưu đầy Babylon về mảnh đất Cha Ông, theo sắc chỉ của Vua Ba Tư Cyrus năm 538 BC. Bấy giờ cảm nghiệm hân hoan được lập lại từ cuộc xuất hành đầu tiên, khi dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập.
Bài Thánh Vịnh này có một ý nghĩa đặc biệt khi nó được hát lên vào những ngày dân Do Thái cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi vì họ lại bị thử thách. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này bao gồm một lời nguyện cầu cho thành phần tù nhân trở về vào thời bấy giờ (x câu 4). Bởi thế bài Thánh Vịnh này trở thành một lời nguyện cầu của Dân Chúa trong hành trình lịch sử của họ, một hành trình đầy hiểm nguy và thử thách, nhưng bao giờ cũng hướng đến việc tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ và là Đấng Giải Phóng, Đấng nâng đỡ thành phần hèn yếu và bị đàn áp.
2. Bài
Thánh Vịnh này đem con người ta vào một bầu không khí hoan hỉ: Có tiếng cười,
vui mừng vì được giải phóng, có những bài ca hân hoan vang trên môi miệng (x câu
1-2).
Có một
phản ứng kép đối với quyền tự do được phục hồi này. Một đàng là các quốc gia dân
ngoại nhìn nhận sự cao cả của Vị Thiên Chúa của dân Do Thái: “Chúa đã thực hiện
những điều vĩ đại cho họ” (câu 2). Việc cứu độ của Dân Tuyển Chọn trở thành một
minh chứng sáng tỏ cho sự hiện diện hiệu năng và toàn năng của Thiên Chúa, Đấng
hiện diện và hoạt động trong lịch sử. Đàng khác, mục đích là để cho Dân Chúa
tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa là Đấng cứu độ: “Chúa đã thực hiện những điều
cao cả cho chúng tôi” (câu 3).
3. Bấy giờ quá khứ mới hiện về, một quá khứ được sống lại bằng một sự
rùng mình sợ hãi và đắng cay. Chúng ta muốn chú ý tới hình ảnh nông nghiệp được
Thánh Vịnh gia sử dụng, đó là: “Những ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân
hoan!” (câu 5). Dưới sức nặng nề của công việc, có những lúc khuôn mặt của người
ta có hằn vệt nước mắt: Con người gieo vãi cách cực nhọc những gì có thể kết
thúc cách vô hiệu và thua bại. Thế nhưng khi có một mùa gặt phong phú và hân
hoan thì con người khám phá ra rằng sầu thương đã kết trái.
Trong câu
này của bài Thánh Vịnh chất chứa một bài học cao cả về mầu nhiệm sinh hoa kết
trái và sự sống nơi khổ đau. Đúng như Chúa Giêsu đã nói khi gần tới cuộc khổ nạn
và tử nạn của Người là: “Trừ khi hạt lúa miến rơi xuống đất chết đi, bằng không
nó vẫn là một hạt lúa miến; thế nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái”
(Jn 12:24).
4. Chân
trời của bài Thánh Vịnh này như thế hướng về một mùa gặt hân hoan, tiêu biểu cho
niềm vui xuất phát từ tự do, an bình và thịnh vượng, là hoa trái của phúc lành
thần linh. Bởi thế, lời nguyện cầu này là một bài ca hy vọng, là những gì phải
sử dụng vào những lúc thử thách, sợ hãi, bị đe dọa bề ngoài và bị đàn áp bề
trong.
Thế nhưng
nó cũng
trở thành một lời kêu gọi chung chung nữa trong việc sống những tháng ngày của
con người và làm trọn những quyết định của họ bằng một bầu khí trung thành. Việc
kiên trì nơi điều thiện, cho dù bị hiểu lầm và chống đối, cuối cùng thì bao giờ
cũng dẫn tới ánh sáng, thành quả và an bình.
Đó là những gì Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Galata rằng: “Kẻ nào gieo rắc cho thần trí sẽ gặt hái sự sống trường sinh bởi thần trí. Chúng ta đừng mệt mỏi hành thiện, vì đến thời của nó chúng ta sẽ được thu hoạch” (Gal 6:8-9).
5. Chúng
ta hãy kết thúc bằng suy tư của Thánh Bede the Venerable (672/3-735) về Bài
Thánh Vịnh 125(126), khi dẫn giải những lời được Chúa Giêsu loan báo cho các môn
đệ nỗi buồn thảm đang đợi chờ các vị, đồng thời niềm vui sẽ xuất phát từ nỗi
buồn thương của các vị (x Jn 16:20).
Thánh
Bede nhắc lại rằng “những ai yêu mến Chúa Kitô thì khóc lóc và than van khi họ
thấy Người bị kẻ thù nắm bắt, cầm buộc, phân xử, lên án, hành hình, chế diễu,
sau hết đóng đanh, bị lưỡi đòng đâm thâu và bị chôn táng. Trái lại, những ai hân
hoan, thành phần yêu chuộng thế gian…, khi họ lên án cho chết nhục nhã Đấng làm
họ bị rầy rà chỉ vì thấy Người. Nếu các môn đệ buồn đau trước cái chết của Chúa,
thì khi họ biết được Người phục sinh thì nỗi buồn của họ trở thành niềm vui, để
rồi khi thấy phép lạ thăng thiên họ chúc tụng và ngợi khen Chúa bằng niềm vui
lớn lao hơn thế nữa, như thánh ký Luca chứng thực (x Lk 24:53). Thế nhưng, những
lời này của Chúa cũng được áp dụng cho tất cả mọi tín hữu là thành phần, bằng
nước mắt và đau thương của thế giới, đang tìm chiếm lấy những niềm vui vĩnh cửu,
và là thành phần bấy giờ có lý do khóc lóc và buồn thương, vì họ vẫn không thể
nào nhìn thấy Đấng họ mến yêu, và vì, bao lâu họ còn ở trong xác thể thì họ biết
rằng họ còn xa quê hương và Nước Trời, cho dù họ có tin tưởng chiếm được phần
thưởng nhờ những vất vả và đấu tranh đi nữa. Nỗi buồn đau của họ sẽ thành niềm
vui khi cuộc tranh đấu ở đời này chấm dứt, họ sẽ lãnh nhận phần thưởng sự sống
trường sinh theo những gì được bài thánh vịnh này nói: ‘Ai ra đi trong nước mắt,
mang hạt giống đi gieo, sẽ trở về reo vui, mang theo những bó lúa’” ("Omelie sul
Vangelo" [Homilies on the Gospel] 2,13: Collection of Patristic Texts, XC, Rome,
1990, pp. 379-380).
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 17/8/2005
Anh Chị Em thân mến!
1. Chào mừng anh chị em đến với TGP Cologne! Chúng tôi hân hoan thấy tất cả anh chị đến đây. Chúng ta đang cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên với hai vị Giáo Hoàng: với Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở trên trời cao, và với Giáo Hoàng Biển Đức XVI ở trên thế gian này. Đây là một việc cử hành đức tin lạ lùng biết bao! Ba tuần lễ trước khi qua đời, Đức Thánh Cha đã gọi tôi vào phòng của ngài ở bệnh viện Gemelli mà hỏi tôi rằng: “Họ đang đợi tôi ở Cologne phải không?” Tôi đáp lại rằng: “Tâu Đức Thánh Cha, chúng con vẫn chờ đợi ĐTC”. Giờ đây chúng ta kêu lên trời rằng: “Hỡi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng con đang đợi chờ ĐTC đây!” Và chúng ta kêu sang Rôma là: “Hỡi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, chúng con đang đợi chờ ĐTC đây!” Với Phêrô của ngày hôm qua là Đức Gioan Phaolô II, và với Phêrô của ngày hôm nay là Đức Biển Đức XVI, ở giữa chúng ta, chúng ta kiên cường tiến bước trong cuộc hành hương của chúng ta, vì Chúa đã nói với Phêrô rằng: “Hãy làm cho anh em (chị em) con vững mạnh” (Lk 22:32).
Giới trẻ
gần gũi rất nhiều với thuở ban đầu của cuộc sống mình hơn là thành phần lớn tuổi.
Đó là lý do tại sao nguồn gốc của đời sống họ ở trong tay Chúa thì mãnh liệt hơn
và có một chiều kích hăng say hơn trong việc tìm kiếm sự sống thực sự hơn là
những người khác. Những ai cống hiến cho thành phần trẻ trung tìm kiếm Thiên
Chúa ít hơn Thiên Chúa là không cống hiến đủ cho họ. Việc anh chị em tìm kiếm
một đời sống trọn vẹn đã khiến anh chị em thực hiện cuộc hành trình tới Cologne
là nơi chúng ta sẽ theo bước chân của những người tìm kiếm Thiên Chúa đầu tiên
là Ba Vua. Hai năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lấy những lời
được Thánh Ký Mathêu viết làm châm ngôn của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne:
“Chúa tôi đã đến để triều bái Người” (Mt 2:2).
2. Tất cả
chúng ta chỉ có một đời sống duy nhất. Chúng ta không được ban cho một giai đoạn
tập sự, phi trách nhiệm, như chúng ta ở vào trường hợp chúng ta lấy được bằng
lái xe. Tất cả chúng ta bắt đầu lộ trình cuộc sống với một loạt đầy những trách
nhiệm. Không có vấn đề giấy phép tạm thời để sống động, yêu thương, tin tưởng
hay chết chóc. Đó là điều thực sự. Tất cả chúng ta đều thi hành đầy đủ trách
nhiệm ngay từ ban đầu. Tôi thực sự không cần phải nói với anh chị em điều này,
vì anh chị em là những tạo vật được Thiên Chúa dựng nên đều theo bản năng sẽ
biết được nó
Đó là những
gì anh chị em đều có với tất cả giới trẻ trên khắp thế giới. Anh chị em gặp gỡ
nhau tuần lễ này không phải như những kẻ xa lạ mà là những người thân thuộc và
đồng bạn. Chúng ta là “thân thuộc” vì tất cả chúng ta đều được đựng nên bởi cùng
một Vị Thiên Chúa, và là “đồng bạn” vì chúng ta cùng nhau tìm kiếm một đời sống
trọn vẹn đáng sống, một đời sống với Thiên Chúa. Việc tôn thờ không còn nghĩa
nào hơn hay kém là giao tiếp với Thiên Chúa và quì xuống trước nhan Người _ quì
gối xuống trước con trẻ trong máng cỏ, như Chư Vị Khôn Ngoan.
Thiên Chúa đã biến mình thành quá bé bỏng đến nỗi Người thích hợp với cuộc sống và truyện đời của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng phớt qua Người nếu chúng ta nghểnh mũi tiến bước trên đời. Người đã trở nên hữu hình ở mức độ thấp hèn khi Người rửa chân cho các môn đệ của Người. Thiên Chúa hạ mình xuống thấp. Việc quì xuống tôn thờ Người không làm cho chúng ta trở thành bé mọn mà là cao cả, vì nó khiến chúng ta giao tiếp với Thiên Chúa.
3. Tất cả chúng ta cùng có một ước vọng tìm kiếm những gì là thiện hảo, những gì là tinh tuyền, những gì là cao cả, và những gì là mỹ lệ. Tại sao thế? Bởi vì tất cả chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng được nhân cách hóa là sự thiện tối cao và là sự tuyền vẹn đệ nhất. Đó là lý do tại sao không ai có thể muốn trở thành xấu xa, ô uế và ghê tởm. Cái đói yêu thương ở trong tất cả mọi người chúng ta.
Khi tôi hỏi
một người vô tín ngưỡng là “Bạn có muốn không được yêu thương hay chăng?”, người
ấy đáp rằng “Như thế sẽ là hỏa ngục”. Làm sao người này biết được điều ấy nếu
không được dạy dỗ về đức tin? Vì tất cả chúng ta đều bắt nguồn từ bàn tay Thiên
Chúa và đều có một kiến thức trực giác về Thiên Chúa cũng như về sự kiện chúng
ta được dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Và vì Thiên Chúa không bao giờ rời bỏ
chúng ta, cho dù chúng ta có lìa bỏ Ngài, chúng ta bao giờ cũng tự nhiên ý thức
về nguồn cội và đích điểm của mình. Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận thấy điều này
1600 năm trước đây. Ngài đã tóm lại minh thức này bằng những lời đáng ghi nhớ là:
“Lòng chúng tôi khắc khoải cho tới khi được nghỉ an trong Chúa”.
4. Hai ngàn năm trước đây, cái năng lực thúc đẩy nội tâm phát xuất từ Thiên Chúa đã khiến cho Ba Vua bắt đầu hành trình đến với Chúa Kitô. Nó cũng đã mang anh chị em tới Cologne này để tìm kiếm và tìm thấy Thiên Chúa. Ngài bảo đảm với anh chị em một tương lai cao cả và một đời sống hoàn toàn. Đối với Chúa Kitô không còn chọn lựa nào khác. Khi một số môn đệ bất đồng với giáo huấn của Người, họ đã quyết định bỏ Người mà đi.
Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ còn lại rằng: “Các con cũng muốn bỏ đi hay chăng?” Chính Phêrô là người đầu tiên đã thưa cùng Chúa lời tuyên xưng vừa đầu tiên vừa ngắn nhất trong Thánh Kinh: “Lạy Thày, chúng con còn biết theo ai? Thày có những lời sự sống đời đời” (Jn 6:68). Lời truyên xưng của Phêrô cũng là của chúng ta. “Lạy Thày, chúng con còn biết theo ai? Thày có những lời sự sống đời đời”.
Chúa Giêsu đã minh
nhiên nói với chúng ta rằng: “Không ai có thể đến được với Tôi nếu Cha là Đấng
đã sai Tôi lôi kéo” (Jn 6:44). Anh chị em thân mến, anh chị em đã được Cha lôi
kéo. Đó là lý do tối hậu cho thấy tại sao anh chị em đang ở Cologne đây. Việc
hiện diện của anh chị em ở nơi đây là hoa trái của tác động xót thương của Thiên
Chúa. Và tôi chân thành hứa cùng anh chị em rằng: Bởi thế, Ngài sẽ mãi là vị
lãnh đạo của anh chị em. Ngài sẽ biến anh chị em thành phúc lành cho môi trường
của anh chị em, cho quê cha đất mẹ của anh chị em, cho toàn thế giới, và hướng
dẫn anh chị em trong việc làm cho thế giới gần lại hơn với Thiên Chúa. Đó là
cách thế giới sẽ vẫn là một nơi đáng cư ngụ cho nhân loại chúng ta là con cái
Thiên Chúa.
Và đó là lý
do tại sao, hỡi thành phần hành hương trẻ trung từ khắp nơi trên thế giới, anh
chị em mới là tương lai của Giáo Hội và là tương lai của Thế Giới, vì anh chị em
là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em của Chúa Kitô và là đền thờ sống động
của Chúa Thánh Thần. Thế giới không tồn tại trước hết và trên hết bởi những con
số sản xuất, bởi các thứ tủ lạnh, bởi các phi đạn và những thứ đồ tương tự như
thế. Nó được bảo trì thực sự nhờ liên hệ với Vị Thiên Chúa hằng sống và từ đó
với nguồn mạch của sự sống của nó.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 ở Cologne không phải thuần túy là biến cố Công giáo. Nó liên quan tới toàn thế giới. Chúa Kitô không phải là một tác nhân tư hữu của Kitô giáo – Người là Chúa của thế giới. Nên tuần lễ này, chúng ta sẽ tìm kiếm Chúa Kitô không phải cho lợi ích riêng mình, mà đặc biệt cho lợi ích của anh chị em khác, để họ được cảm nghiệm niềm vui đức tin trong Chúa Kitô. Amen.
Hồng Y Joachim Meisner
TGM Cologne
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 16/8/2005
TOP
Anh Chị Em thân mến,
Tôi hân hoan được ở với anh chị em vào buổi tối hôm nay ở Cologne, một thành phố tôi yêu thích với nhiều kỷ niệm sống lại trong tôi. Vì qua một số năm tôi đã sống ở thành phố lân cận là Bonn như là một giáo sư, và từ đó tôi thường đến Cologne là nơi tôi có nhiều bạn bè. Thật vậy, tôi tin rằng, theo sự Quan Phòng đặc biệt chẳng bao lâu tôi được làm bạn với vị tổng giám mục bấy giờ là ĐHY Joseph Frings, vị đã hoàn toàn tin tưởng vào tôi và mời tôi làm thần học gia của ngài để tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II, một vai trò làm cho tôi có thể chủ động tham dự vào biến cố lịch sử đó.
Tôi cũng quen biết cả vị thừa kế của ngài là ĐHY Joseph Hoffner là vị tôi có những liên hệ trong nhiều năm, đầu tiên như là đồng bạn trong Hội Đồng Giám Mục Đức, sau đó qua việc làm việc với nhau cho các văn phòng khác nhau ở Tòa Thánh Rôma. Vị TGM hiện nay của anh chị em là ĐHY Joachim Meisner, là người bạn thân của tôi, và tôi cám ơn ngài về những lời chào đón nồng hậu cũng như về công việc vất vả ngài làm trong những tháng vừa qua để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Tôi cùng bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi với ĐHY Karl Lehmann, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, về mọi hy sinh dấn thân của ngài, và qua ngài tôi cám ơn các vị giám mục cũng như tất cả những ai tham phần vào việc sắp xếp những lãnh vực khác nhau của Giáo Hội ở xứ sở này cho đại biến cố của giáo hội hôm nay đây.
Tôi cám ơn tất cả những ai, qua nhiều ngày tháng, đã sửa soạn cho giây phút quan trọng đây, một giây phút hết lòng mong đợi: đặc biệt là Tiểu Ban Hoạch Định ở Cologne, và cả các giáo phận cùng những cộng đồng địa phương đã đón tiếp giới trẻ trong những ngày gần đây. Tôi có thể tưởng tưởng thấy rõ ràng tất cả những gì bao gồm trong việc làm này liên quan tới nghị lực bỏ ra và hy sinh cần phải chấp nhận, nên tôi nguyện ước nó sẽ sinh muôn vàn hoa trái nơi việc thành đạt thiêng liêng cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Sau hết, tôi không quên bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với các vị thẩm quyền về dân sự và quân sự, các vị lãnh đạo của thành phố và vùng đất này, những lực lượng cảnh sát và an ninh Đức quốc và North Rhine-Westphalia. Qua vị thị trưởng, tôi xin cám ơn dân chúng Cologne về việc cảm thông với nạn “xâm chiếm” của quá nhiều giới trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thành phố Cologne sẽ không thực sự là mình nếu không có các Nhà Đạo Sĩ, những vị đã có một ảnh hưởng rất lớn nơi lịch sử của nó, văn hóa của nó và đức tin của nó. Ở nơi đây, theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội cử hành lễ Hiển Linh hằng ngày trong năm! Thế nên, trước khi ngỏ lời cùng anh chị em ở trước ngôi vương cung thánh đường nguy nga này, tôi đã thinh lặng nguyện cầu trong giây lát trước hòm đựng hài tích của ba Nhà Đạo Sĩ và tạ ơn Chúa về chứng tá đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Những hài tích của các Nhà Đạo Sĩ được mang đến đây từ Milan vào năm 1164 bởi ĐTGM Cologne là Reinald von Dassel; sau khi băng qua rặng núi Alps, các hài tích này đã được hân hoan hớn hở đón nhận ở Cologne.
Trong cuộc hành trình của mình băng qua Âu Châu, các hài tích của các Nhà Đạo Sĩ đã để lại các dấu vết vẫn còn rõ ràng cho tới ngày nay, cả về những danh xưng địa thế cũng như về những việc sùng kính của dân gian. Để tôn kính các Nhà Đạo Sĩ ấy, dân cư ở Cologne đã làm một hòm đựng hài tích trang nhã nhất trong toàn thế giới Kitô giáo, và nếu vẫn chưa đủ, họ còn dựng lên trên nó một hòm hài tích còn cao cả hơn nữa, đó là ngôi vương cung thánh đường kiểu Gothic đồ sộ này, ngôi vương cung thánh đường mà, sau khi bị chiến tranh tàn phá, lại sừng sững diễm kiều hiện lên trước khách viếng thăm. Cùng với Giêrusalem là “Thành Thánh”, Rôma là “Thành Vĩnh Hằng” và Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha, Cologne, nhờ các Nhà Đạo Sĩ, qua các thế kỷ đã trở thành một trong những địa điểm hành hương của Kitô hữu Tây Phương.
Tuy nhiên, Cologne không phải chỉ là thành phố của các Nhà Đạo Sĩ. Nó được ghi dấu sâu đậm bởi sự hiện diện của nhiều vị thánh nhân; những con người nam nữ thánh thiện này, qua chứng từ đời sống của các vị cùng với dấu vết các vị còn lưu lại cho lịch sử của nhân dân Đức quốc, đã giúp cho Âu Châu tăng trưởng từ các căn gốc của Kitô giáo. Trước hết, tôi nghĩ đến tất cả các vị tử đạo vào những thế kỷ đầu, như Thánh Ursula cùng đồng bạn của ngài, những vị, theo truyền thống, chịu tử đạo dưới thời Diocletian. Làm sao người ta có thể quên được Thánh Bônifaciô, vị tông đồ Đức quốc, vị được bầu làm giám mục Cologne vào năm 745 và được Giáo Hoàng Zachary công nhận? Tên tuổi của Thánh Albêtô Cả cũng dính liền với thành phố này; thân xác của ngài đang yên nghỉ gần hầm mộ của Nhà Thờ Thánh Anrê.
Ở Cologne, Thánh Tôma Aquinas là môn sinh của Thánh Albêtô và sau đó là giáo sư. Chúng ta cũng không quên Chân Phước Adolph Kolping, vị chết ở Cologne năm 1865; từ một người thợ đóng giầy ngài đã trở thành linh mục và thành lập nhiều thứ khởi công, nhất là trong lãnh vực huấn luyện chuyên nghiệp.
Gần với thời đại của chúng ta đây, chúng ta nghĩ đến Edith Stein, một triết gia người Do Thái nổi tiếng của thế kỷ 20, vị đã nhập dòng Camêlô ở Cologne, lấy tên là Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, và sau đó đã chết trong trại tập trung ở Auschwitz. ĐGH Gioan Phaolô II đã phong thánh cho chị và đã công bố chị là một vị đồng quan thày của Âu Châu cùng với Thánh Bridgita người Thụy Điển và Thánh Catarina thành Siena.
Nơi những vị thánh này và tất cả các vị thánh khác, được biết tới hay không, chúng ta khám phá ra khuôn mặt sâu xa nhất và đích thực nhất của thành phố này, và chúng ta biết được di sản về các thứ giá trị được truyền lại cho chúng ta từ các thế hệ Kitô hữu đã ra đi trước chúng ta. Nó là một di sản rất ư phong phú. Chúng ta cần sống xứng đáng với nó. Đó là một trách nhiệm được chính những tảng đá của các dinh thự cổ kính này nhắc nhở cho chúng ta thấy. Thật vậy, chính những thứ giá trị thiêng liêng này làm hiện thực việc hiểu biết nhau giữa các cá nhân và dân chúng, giữa các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Trong bối cảnh này, tôi xin gửi lời chào thân ái đến các vị đại diện thuộc các Kitô giáo phái khác nhau cũng như những vị thuộc các tôn giáo khác. Tôi cám ơn tất cả anh chị em về sự hiện diện của anh chị em ở Cologne vào cuộc đại hội này, hy vọng là nó sẽ đánh dấu một bước tiến trên con đường hòa giải và hiệp nhất.
Vì Cologne không nói với chúng ta về Âu Châu mà thôi; nó hướng chúng ta về phổ quát tính của Giáo Hội và của thế giới. Nơi đây, một trong ba Nhà Đạo Sĩ được coi như là một vị Vua xứ Moorish, và bởi thế, đại diện cho đại lục Phi Châu. Nơi đây, theo truyền thống, Thánh Gereon cùng đồng bạn của ngài thuộc Đạo Quân Theban đã chết đi như những vị tử đạo. Bất luận tính cách khả tín thật sự về lịch sử của những truyền thống ấy, việc tôn sùng lâu đời đối với các thánh nhân chứng thực cho cái quan điểm hoàn vũ và cởi mở của tín hữu ở Cologne, và theo một nghĩa rộng hơn, của Giáo Hội được xuất phát ở Đức quốc nhờ hoạt động tông đồ của Thánh Bônifaciô.
Cái cởi mở này đã được xác nhận trong những năm gần đây bởi những sáng kiến cao cả về bác ái, như Misereor, Adveniat, Missio và Renovabis. Xuất phát từ Cologne, những hội này đã mang tình yêu của Chúa Kitô đến cho tất cả mọi châu lục.
Giới trẻ thân từ khắp nơi trên thế giới mến, giờ đây các bạn đang ở nơi đây. Các bạn đại diện cho những người ở xa là thành phần đã nhận biết Chúa Kitô nhờ các Nhà Đạo Sĩ và là những người được qui tụ lại với nhau như tân Dân Tộc của Thiên Chúa, đó là Giáo Hội, một giáo hội qui tụ con người nam nữ thuộc mọi văn hóa. Hôm nay đây việc của các bạn là sống động và hít thở tính cách phổ quát của Giáo Hội. Các bạn hãy bừng lên ngọn lửa Thần Linh, để Lễ Hiện Xuống mới canh tân tâm can của các bạn. Qua các bạn, chớ gì giới trẻ khác ở các nơi nhận thấy nơi Chúa Kitô câu giải đáp thực sự cho những khát vọng sâu xa nhất của họ, và chớ gì họ mở lòng ra lãnh nhận Lời của Vị Thiên Chúa Nhập Thể, Đấng đã chết đi và sống lại từ trong kẻ chết cho phần rỗi của thế giới.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 18/8/2005