GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 27/8/2005

NGÀY THÁNH MẪU

 

1) ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15/8/2005: “Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta

2) ĐTC Biển Đức XVI trong Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 24/8/2005: “Hôm nay đây, tôi cũng muốn cùng anh chị em ôn lại những ngày tôi ở Cologne vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới”.

3) Giáo Hội Hoa Kỳ: Tòa Thánh Viếng Thăm Các Chủng Viện để thanh tra kiểm điểm

   

   

ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15/8/2005: “Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta
 

ĐTC Biển Đức XVI, vào ngày Lễ Trọng Kính Mẹ Maria về trời cả hồn lẫn xác, đã cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ giáo xứ ở Castel Gandolfo, và sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài.

 

Chư Huynh trong hàng Giáo Phẩm và trong hàng Linh Mục thân mến,

Anh Chị Em thân mến,

 

Trước hết, tôi xin thân ái chào tất cả anh chị em. Tôi hết sức hân hoan cử hành Thánh Lễ tạo ngôi nhà thờ giáo xứ mỹ miều này nhân dịp Lễ Mẹ Mông Triệu.

 

Tôi xin chào ĐHY Sodano, đức giám mục giáo phận Albano, tất cả mọi vị linh mục, ông thị trưởng và tất cả anh chị em. Cám ơn anh chị em đã hiện diện nơi đây.

 

Lễ Mẹ Mông Triệu là một ngay vui. Thiên Chúa đã chiến thắng. Tình yêu đã chiến thắng. Tình yêu đã chiếm được sự sống. Tình yêu đã cho thấy là nó mạnh hơn sự chết, là Thiên Chúa mới có sức mạnh thực sự và sức mạnh của Ngài là sự thiện hảo và yêu thương.

 

Mẹ Maria đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác: nơi Thiên Chúa thậm chí có cả chỗ cho thân xác. Trời không còn là nơi rất xa vời không thể biết được đối với chúng ta nữa.

 

Chúng ta có một Người Mẹ ở trên trời. Và Người Mẹ Thiên Chúa này, Người Mẹ của Con Thiên Chúa này, là Người Mẹ của chúng ta. Chính Người đã nói thế. Người đã làm cho Mẹ thành Mẹ của chúng ta khi Người nói cùng người môn đệ cũng như cùng tất cả chúng ta rằng: “Này là Mẹ Con!”. Chúng ta có một Người Mẹ ở trên trời. Trời mở ra, trời có một trái tim.

 

Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat, một bài thơ cao cả được Thánh Thần linh ứng phát xuất từ môi miệng của Mẹ Maria, thật sự là từ tâm can của Mẹ Maria. Bài ca vịnh tuyệt vời này phản ảnh toàn thể linh hồn, toàn thể con người của Mẹ Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng. Tôi xin nhấn mạnh đến hai điểm trong bài đại ca vịnh này.

 

Bài ca vịnh này được bắt đầu bằng chữ “Magnificat – Ngợi Khen”: Linh hồn tôi “magnifies – ngợi khen” Chúa, tức là “tuyên xưng sự cao cả “ của Chúa. Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta. Mẹ không sợ là Thiên Chúa có thể là “một đối thủ” trong đời sống của chúng ta, là với sự cao cả của mình Ngài xâm lấn tự do của chúng ta, xâm lấn cái khoảng đời để sống động của chúng ta. Mẹ biết rằng Thiên Chúa cao cả, chúng ta cũng cao cả nữa.

 

Đời sống của chúng ta không bị đàn áp mà được nâng cao và vươn rộng: Chính vì thế mà nó trở thành cao cả trước ánh vinh quang của Thiên Chúa.

 

Sự kiện những vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã có những ý nghĩ phản nghịch lại như thế là cốt lõi của nguyên tội. Họ sợ rằng nếu Thiên Chúa quá ư là cao cả thì họ sẽ bị lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể gạt Thiên Chúa ra ngoài để lấy chỗ cho họ.

 

Đây cũng là một chước cám dỗ cả thể của thời tân tiến, của ba hay bốn thế kỷ qua. Càng ngày càng nhiều người nghĩ và nói rằng: “Thế nhưng vị Thiên Chúa này không ban cho chúng ta được tự do; bằng tất cả những mệnh lệnh của mình, Ngài đã hạn chế cái khoảng đời để sống của chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa cần phải biến khuất đi; chúng tôi muốn tự động và tự lập. Không có vị Thiên Chúa này chính chúng tôi mới là các vị thần linh và làm những gì chúng tôi muốn”.

 

Đó cũng là quan điểm của Người Con Hoang Đàng, người con không nhận ra rằng hắn được “tự do” chính là vì hắn được ở trong nhà cha của hắn. Hắn ra đi đến những miền đất xa xôi để phung phí gia tài của mình. Cuối cùng, hắn nhận ra rằng chính vì hắn ra đi quá xa với nhà cha của hắn mà thay vì được tự do hắn lại trở thành nô lệ; hắn đã hiểu rằng chỉ nhờ trở về nhà cha của mình hắn mới thực sự có tự do, sống một cuộc đời hoàn toàn tốt đẹp thôi.

 

Đó là những gì đang xẩy ra cho thời đại tân tiến của chúng ta đây. Trước đây, nó nghĩ và tin rằng, bằng việc loại trừ Thiên Chúa ra rìa và trở nên tự động, chỉ sống theo những ý nghĩ riêng tư và bản năng của chúng ta, chúng ta mới thực sự được tự do làm những gì chúng ta muốn mà không ai có thể truyền khiến chúng ta cả.

 

Thế nhưng, khi Thiên Chúa biến khuất, con người nam nữ không trở nên cao cả hơn; thật vậy, họ đã mất đi phẩm vị thần linh của mình; khuôn mặt của họ đã mất đi vinh quang của Thiên Chúa. Cuối cùng họ trở thành những sản vật thuần túy của một cuộc cách mạng mù quáng, và như thế, họ có thể được sử dụng và bị lạm dụng. Đó chính là những gì kinh nghiệm của thời đại chúng ta đã cho chúng ta thấy rõ như vậy. 

 

Nếu chỉ có Thiên Chúa là cao cả thì nhân loại cũng cao cả nữa. Với Mẹ Maria, chúng ta phải bắt đầu hiểu rằng vấn đề là như thế. Chúng ta không được lìa xa Thiên Chúa nhưng hãy làm cho Thiên Chúa hiện diện; chúng ta phải bảo đảm là Ngài là Đấng cao cả trong đời sống của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành thần linh; tất cả mọi vinh hiển của phẩm vị thần linh bấy giờ mới là của chúng ta. Chúng ta hãy áp dụng điều này vào đời sống riêng của chúng ta.

 

Vấn đề cần thiết là Thiên Chúa phải là Đấng cao cả giữa chúng ta, trong đời sống chung riêng.

 

Trong đời sống công cộng, Thiên Chúa cần phải hiện diện, chẳng hạn, ở các dinh thự công, và Ngài cần phải hiện diện trong đời sống cộng đồng, vì nếu có Thiên Chúa hiện diện, chúng ta mới có đường hướng, một đường hướng chung; bằng không, không thể nào ổn định những cuộc tranh chấp, vì phẩm vị chung của chúng ta không còn được nhìn nhận nữa.

 

Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa cao cả trong đời sống chung riêng. Có nghĩa là giành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta hằng ngày, bắt đầu bằng việc nguyện cầu ban sáng, rồi dâng lên Thiên Chúa thời gian, dâng lên cho Chúa các Ngày Chúa Nhật. Chúng ta không phí phạm thời giờ tự do của mình nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta thì mọi lúc đều trở thành cao cả, rộng chỗ hơn, dồi dào hơn.

 

Nhận định thứ hai đó là bài thi ca của Mẹ Maria – bài Ngợi Khen – hoàn toàn là của Mẹ; song đồng thời nó cũng là một “tấm vải” được thêu dệt bằng những “giây sợi” của Cựu Ước, bằng những lời Chúa.

 

Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria “quen thuộc” với lời Chúa, Mẹ sống bằng những lời của Chúa, Mẹ thấm thía những lời của Chúa. Cho đến độ Mẹ nói bằng những lời của Chúa, Mẹ nghĩ theo lời Chúa, tư tưởng của Mẹ là những tư tưởng của Chúa, những lời nói của Mẹ là những lời nói của Chúa. Mẹ được ánh sáng thần linh thấm nhập và đó là lý do tại sao Mẹ rất rạng ngời, rất thiện hảo, rất sáng chói yêu thương và thiện hảo.

 

Mẹ sống bằng Lời Chúa, Mẹ thấm nhập Lời Chúa. Sự kiện Mẹ chìm ngập trong Lời Chúa và hoàn toàn quen thuộc với Lời Chúa, cũng phú bẩm cho Mẹ sau này cái minh tri khôn ngoan nội tâm.

 

Ai nghĩ tưởng theo Thiên Chúa là nghĩ tưởng đúng, và ai nói cùng Thiên Chúa là nói hay. Họ có những qui tắc chắc chắn để phán đoán tất cả mọi sự trên thế gian này. Họ trở thành khôn ngoan, thông sáng, đồng thời cũng tốt lành nữa; họ trở nên mạnh mẽ và can đảm với sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng chống lại sự dữ và bảo trì sự lành trên trần gian.

 

Bởi vậy, Mẹ Maria nói cùng chúng ta, nói với chúng ta, mời gọi chúng ta nhận biết Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa, nghĩ bằng Lời Chúa. Và chúng ta có thể làm như vậy bằng nhiều cách thức khác nhau: bằng việc đọc Sách Thánh, bằng việc đặc biệt tham dự phụng vụ là nơi mà suốt năm được Hội Thánh mở tất cả Sách Thánh ra cho chúng ta. Giáo Hội mở Sách Thánh cho đời sống của chúng ta và làm cho Sách Thánh sống động trong đời sống của chúng ta.

 

Thế nhưng tôi cũng nghĩ đến cả Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo là cuốn mới được chúng tôi ban hành, trong đó, Lời Chúa được áp dụng vào đời sống của chúng ta, và dẫn giải thực tại đời sống của chúng ta; nó giúp chúng ta đi vào “đền thờ” cao cả của Lời Chúa, để học biết yêu mến Lời Chúa, và như Mẹ Maria, được Lời Chúa thấm nhập.

 

Như thế, đời sống của chúng ta trở nên sáng láng và chúng ta có qui tắc căn bản để phán đoán; đồng thời, chúng ta cũng được thiện hảo và sức mạnh nữa.

 

Mẹ Maria được mang cả hồn lẫn xác về trời hiển vinh, rồi với Chúa và trong Chúa, Mẹ là Nữ Vương trời đất. Phải chăng Mẹ thực sự xa cách chúng ta?

 

Ngược lại là đằng khác. Chính vì Mẹ ở với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa mà Mẹ rất gần với mỗi người chúng ta.

 

Trong khi Mẹ còn sống trên thế gian này, Mẹ chỉ có thể ở gần gũi với ít người. Ở trong Thiên Chúa, Mẹ gần với mỗi người, thực sự là “ở trong” tất cả chúng ta, Mẹ Maria thông phần vào mối gần gũi này của Thiên Chúa. Ở trong Thiên Chúa và ở với Thiên Chúa, Mẹ rất gần với mỗi một người chúng ta, biết được tâm can của chúng ta, có thể nghe lời nguyện cầu của chúng ta, có thể giúp chúng ta bằng sự thiện hảo từ mẫu, và đã được ban cho chúng ta, như Chúa nói, như là một “người mẹ”, vị chúng ta có thể chạy đến lúc nào cũng được.

 

Mẹ luôn nghe lời chúng ta, Mẹ luôn gần gũi chúng ta, và là Mẹ của Người Con, Mẹ dự phần vào quyền năng của Người Con cũng như vào sự thiện hảo của Người. Chúng ta luôn có thể ký thác tất cả cuộc sống của chúng ta cho Người Mẹ này, vị không xa cách với mỗi một người trong chúng ta.

 

Vào ngày lễ này, chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân Thánh Mẫu này, và chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria để giúp chúng ta thấy được con đường ngay thẳng hằng ngày. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/8/2005

 

 

TOP


 

ĐTC Biển Đức XVI trong Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 24/8/2005: “Hôm nay đây, tôi cũng muốn cùng anh chị em ôn lại những ngày tôi ở Cologne vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới”.

 

Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ liên quan đến cảm nhận của ngài về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX của ĐTC Biển Đức XVI tại Sảnh Đường Phaolô VI vào buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 24/8/2005, tạm thay cho loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh đang được ngài tiếp tục những gì còn dang dở của ĐTC Gioan Phaolô II.

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Như Đức Gioan Phaolô II thường làm sau mỗi cuộc tông du của ngài, hôm nay đây, tôi cũng muốn cùng anh chị em ôn lại những ngày tôi ở Cologne vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Đấng Quan Phòng Thần Linh đã muốn rằng chuyến tông du đầu tiên của tôi ngoài Ý quốc cần phải về quê hương sinh quán của tôi như mục tiêu của chuyến đi ấy, và chuyến đi này phải vào dịp đại hội của giới trẻ thế giới, 20 năm sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới hình thành bởi trực giác khôn ngoan của Vị Tiền Nhiệm đáng nhớ của tôi.

 

Sau khi trở về, tôi hết lòng tạ ơn Chúa vệ tặng ân chuyến hành hương này, một chuyến hành hương đầy những kỷ niệm lưu luyến. Tất cả chúng ta đều cảm thấy đó là một tặng ân Thiên Chúa ban. Dĩ nhiên là có nhiều người cộng tác vào để thực hiện, nhưng cuối cùng ân sủng về cuộc gặp gỡ này vẫn là tặng ân của Trời Cao, của Chúa. Tôi đồng thời cũng cám ơn tất cả những ai dấn thân và thiết tha sửa soạn và tổ chức cuộc gặp gỡ này ở tất cả mọi giai đoạn của nó: trước hết là ĐHY Joachim Meisner, TGM Cologne; ĐHY Karl Lehmann, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, và các vị giám mục Đức là những vị tôi thật sự đã được gặp gỡ vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm của tôi.

 

Tôi cám ơn các vị có thẩm quyền, thành phần tổ chức và thiện nguyện viên góp phần vào việc tổ chức này. Tôi cũng biết ơn những con người và những cộng đồng trên khắp thế giới đã hỗ trợ cuộc gặp gỡ này bằng lời nguyện cầu, và biết ơn thành phần bệnh nhân đã dâng khổ đau của mình cho sự thành đạt thiêng liêng của cuộc gặp gỡ quan trọng ấy.

 

Mối quyến luyến tuyệt vời với giới trẻ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này được bắt đầu từ lúc tôi đến phi trường Cologne-Bonn và trở nên cảm kích hơn khi tôi đi tầu trên sông Rhine từ bến Rodenkirchenbruecke tới Cologne được hộ tống bởi 5 con tầu tiêu biểu cho 5 châu. Tôi cũng cảm kích nữa là lúc dừng chân trước đầu cầu Poller Rheinwiesen là nơi có cả hằng ngàn ngàn giới trẻ đang đợi chờ tôi, thành phần tôi chính thức gặp gỡ họ lần đầu tiên, một cuộc gặp gỡ đáng gọi là “một cuộc hội lễ hân hoan” và là một cuộc gặp gỡ lấy làm tâm niệm những lời của các Nhà Đạo Sĩ: “Vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu?” (Mt 2:2a).

 

Chính các Nhà Đạo Sĩ là những người “hướng đạo” của thành phần hành hương trẻ trung đến với Chúa Kitô. Thật là ý nghĩa biết bao khi tất cả những điều này xẩy ra vào lúc chúng ta đang sửa soạn kết thúc Năm Thánh Thể được Đức Gioan Phaolô II mở ra! “Chúng tôi đã đến tôn thờ Người”: Đề tài này của cuộc gặp gỡ đây, về lý thuyết, kêu gọi hết mọi người hãy theo gương các Nhà Đạo Sĩ, và hãy cùng nhau thực hiện với họ một hành trình nội tâm hoán cải về với Đấng Emmanuel, Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để nhận biết Người, gặp gỡ Người, tôn thờ Người, và sau cuộc gặp gỡ và tôn thờ Người ấy, lên đường mang trong tinh thần, trong thẳm cung của con người mình, ánh sáng và niềm vui của Người.

 

Ở Cologne, giới trẻ đã có nhiều dịp suy nghĩ sâu xa về những đề tài thiêng liêng này vả cảm thấy được Thánh Thần thôi thúc trở thành những nhân chứng của Chúa Kitô, Đấng trong Thánh Thể, đã hứa thực sự ở lại giữa chúng ta cho đến tận thế. Tôi nhớ lại những giây phút khác nhau Tôi được chia sẻ với họ, nhất là vào đêm tối Canh Thức Thứ Bảy và cuộc cử hành bế mạc Chúa Nhật. Nhiều triệu giới trẻ khác trên khắp thế giới đã tham dự vào những cuộc biểu lộ đức tin khơi dạy tâm can này, nhờ những gắn nối khéo léo của truyền thanh và truyền hình.

 

Thế nhưng, tôi muốn nhắc lại ở đây một cuộc gặp gỡ đặc biệt, cuộc gặp gỡ với thành phần chủng sinh, những con người trẻ được kêu gọi theo Chúa Kitô là Tôn Sư và là Mục Tử khít khao hơn. Tôi muốn có giờ riêng giành cho họ, để nhấn mạnh tới khía cạnh ơn gọi tiêu biểu của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Không phải là ít ơn gọi làm linh mục và sống đời tận hiến tu trì đã phát triển trong 20 năm qua đâu, những cơ hội thuận lợi để Thánh Thần lên tiếng kêu gọi.

 

Rất hợp với môi trường phong phú hy vọng của Ngày Cologne ấy là cuộc gặp gỡ đại kết với thành phần đại diện các Giáo Hội cùng các cộng đồng giáo hội khác. Vai trò của Đức quốc trong vấn đề đối thoại đại kết là vai trò quan trọng, hoặc là vì lịch sử của những cuộc phân rẽ buồn thảm hay là vì đã góp phần đáng kể trên con đường hòa giải. Ngoài ra, tôi hy vọng rằng việc đối thoại, như là một cuộc trao đổi những tặng ân chứ không phải trao đổi ngôn từ, sẽ góp phần vào việc làm cho cái “dạo khúc mở đầu” êm đềm và hòa hợp ấy là mối hiệp nhất Công giáo được tăng triển. Theo viễn quan ấy thì Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiêu biểu cho một “phòng thí nghiệm” đại kết đáng kể vậy.

 

Và làm sao tôi không  bồi hồi sống lại cuộc viếng thăm Hội Đường Do Thái ở Cologne là địa điểm Trung Ương của cộng đồng Do Thái cổ nhất chứ? Cùng với an hem Do Thái của chúng ta, tôi đã nhớ đến biến cố Shoah và 60 năm kỷ niệm việc giải tỏa các trại tập trung Nazi. Ngoài ra, năm nay còn là năm đánh dấu 40 năm bản tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Công Đồng Chung Vaticanô II, một tuyên ngôn mở ra một thời điểm mới của việc đối thoại cũng như của tình đoàn kết thiêng liêng giữa người Do Thái và Kitô hữu, của việc quí trọng những truyền thống của các cao cả khác. Trong số đó Hồi giáo giữ một vị thế đặc biệt, một tôn giáo có thành phần tín đồ tôn thờ một vị Thiên Chúa duy nhất và thích nói đến Tổ Phụ Abraham. Vì lý do ấy tôi muốn gặp gỡ thành phần đại diện một số cộng đồng Hồi giáo, những người tôi bày tỏ niềm hy vọng và quan tâm về thời điểm lịch sử khó khăn đang xẩy ra, hy vọng rằng vấn đề cuồng tín và bạo động sẽ bị triệt tiêu để chúng ta có thể hợp tác với nhau trong việc luôn luôn bênh vực phẩm vị con người cũng như trong việc bảo vệ các quyền lợi căn bản của họ.

 

Anh chị em thân mến, từ lòng của Âu Châu “cổ”, một châu lục trong thế kỷ vừa qua thật là đáng tiếc đã chứng kiến thấy những cuộc xung đột kinh hoàng và những chế độ phi nhân, giới trẻ đã tung ra cho nhân loại thuộc thời điểm của chúng ta đây một sứ điệp hy vọng không làm thất vọng, vì nó được căn cứ vào Lời Chúa làm người nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của chúng ta. Ở Cologne, giới trẻ đã gặp gỡ và tôn thờ Emmanuel, vị Thiên Chúa ở với chúng ta, nơi mầu nhiệm Thánh Thể, và hiểu hơn rằng Giáo Hội là đại gia đình là nơi Thiên Chúa làm thành nơi hiệp thông và hiệp nhất giữa mọi châu lục, văn hóa và chủng tộc, có thể nói là “một nhóm hành hường lớn” được Chúa Kitô dẫn dắt, ngôi sao sáng lạnh đang tỏa chiếu lịch sử.

 

Chúa Giêsu biến mình thành người đồng hành nơi Thánh Thể, và nơi Thánh Thể, như tôi nói trong bài giảng lễ bế mạc, khi sử dụng hình ảnh vốn quen biết của vật lý học, Người làm thực hiện “việc phân tâm nguyên tử” trong thâm tâm con người. Chỉ có cái bùng nổ sâu xa này của sự thiện thắng vượt sự dữ này mới ban sự sống cho các cuộc biến đổi khác cần cho việc thay đổi thế giới. Bởi thế chúng ta hãy cầu nguyện để giới trẻ ở Cologne ấy mang theo mình ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng là sự thật và là tình yêu, và sẽ chiếu tỏa nó ra khắp mọi nơi. Nhờ đó chúng ta mới có thể chứng kiến thấy một mùa xuân hy vọng ở Đức quốc, ở Âu Châu và trên toàn thế giới.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 24/8/2005

 

TOP

 

 

Giáo Hội Hoa Kỳ: Tòa Thánh Viếng Thăm Các Chủng Viện để thanh tra kiểm điểm

Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã cho biết là vào cuối tháng 9/2005, Tòa Thánh sẽ có người đến thăm các chủng viện và các nhà đạo luyện.

 

Xin lưu ý là, theo người dịch Việt ngữ này hiểu thì “nhà đào luyện” được tiếng Mỹ gọi là house of formation này, như ở TGP/LA chẳng hạn, giành cho chủng sinh triết học, để ở và sinh hoạt hằng ngày, nhưng vẫn ra ngoài học như các sinh viên khác, bởi trong Đại Chủng Viện không còn ngành triết học, vì vấn đề tài chính và không đủ chủng sinh. Tuy nhiên, các nhà đào luyện này còn được hiểu là các “chủng viện” do các dòng tu mở ra để dạy làm linh mục v.v. Đó là lý do, chủng viện đây không phải chỉ áp dụng cho các giáo phận và ở các giáo phận, vì thường các giáo phận mới có chủng viện, nơi đào tạo linh mục cho giáo phận mình hay các giáo phận chưa có chủng viện, như trường hợp ở Việt Nam. Ở Hoa Kỳ, chủng viện đây được hiểu là những nơi huấn luyện làm linh mục, kể cả các dòng tu cũng có, nhưng thay vì gọi là “chủng viện” thì được gọi là nhà đào luyện. Vì tình trạng ơn gọi thiếu hụt, các dòng tu tại Hoa Kỳ giữ một vai trò huấn luyện linh mục khá quan trọng, như dòng Biển Đức chẳng hạn, nơi các giáo phận, thậm chí cả các dòng khác, gửi chủng sinh đến học; trái lại, cũng có giáo phận mở chủng viện, các dòng cũng đến học, như Đại Chủng Viện Thánh Gioan của TGP/LA. Tòa Thánh sẽ đến thăm các chủng viện tại Hoa Kỳ, tức là đến thăm các nơi huấn luyện làm linh mục, kể cả bởi các dòng tu hay bởi giáo phận nào đó.

 

Theo Bản Hiến Chương của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Việc Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ, được phê chuẩn vào tháng 6/2002, năm xẩy ra tai biến linh mục lạm dụng tình dục vị thành niên xuất phát từ TGP Boston, Massachusset, và từ đầu năm ấy, các vị giám mục nước này đã hứa quyết là “hoàn toàn cộng tác với việc tòa thánh viếng thăm những chủng viện giáo phận và các nhà huấn luyện dòng tu được đề nghị trong cuộc họp liên bộ với các vị hồng ý Hiệp Chủng Quốc với các viên chức của hội đồng vào Tháng 4/2002”.

 

Trước đây, vào thập niên 1980, đã có một cuốc viếng thăm này của Tòa Thánh ở các chủng viện và nhà đào luyện trong xứ sở Hoa Kỳ đây. Cuộc viếng thăm sắp tới đây sẽ bao gồm thời gian trọn niên khóa 2005-2006. Cuộc viếng thăm này gồm có các viên chức của Tòa Thánh thuộc thánh bộ về Giáo Dục Công Giáo, và thánh bộ về Các Tổ Chức Sống Đời Tận Hiến và Hội Sống Đời Tông Đồ. ĐTGM Edwin O’Brien phục vụ quân đội sẽ làm phối hợp viên cho cuộc viếng thăm này. Tất cả có 299 nơi đào luyện linh mục ở Mỹ quốc.

 

Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo sẽ xem xét những qui tắc nhận chủng sinh và các chương trình huấn luyện về nhân bản cũng như về tu đức, để bảo đảm là thành phần chủng sinh có thể trung thành với đời sống độc thân. Ngoài ra, thánh bộ này cũng chú trọng cả đến vấn đề huấn luyện tri thức, xem có trung thành với huấn quyền của Giáo Hội hay chăng, nhất là trong lãnh vực luân lý thần học.


 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ