GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 11/9/2005, TUẦN 24 QUANH NĂM |
1) 11 THÁNG 9 NĂM 2001, NỖI KINH HOÀNG CỦA THẾ GIỚI
2) ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 7/8/2005 về Mô Phạm của Ba Nhà Đạo Sĩ Đông Phương
3) ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 14/8/2005 về Gương Mẫu của người đàn bà xứ Canaan
11 THÁNG 9 NĂM 2001, NỖI KINH HOÀNG CỦA THẾ
GIỚI
Thấm thoát mà bốn năm qua mau. Mới đó mà biến cố kinh hoàng xẩy ra tại Trung Tâm
Thương Mại Thế Giới tại New York đã được 4 năm. Nhưng hình như bóng ma kinh dị
ấy vẫn quanh quẩn đâu đây, và ảnh hưởng của nó vẫn đang chi phối không riêng
cuộc sống người Hoa Kỳ, mà còn cho toàn thể nhân loại trên thế giới. Biến cố này
không những chỉ ảnh hưởng đến vấn đề chính trị, mà còn liên quan đến những vấn
đề khác như kinh tế, xã hội, và tâm lý người nữa.
Nhìn thấy hai toà nhà cao ốc sụp đổ với những luồng khói bốc cao và lửa cháy,
thảy đều thấy kinh hoàng. Đối với một số người thì tưởng chừng như tận thế vậy.
Nỗi kinh hoàng lại càng tăng thêm cùng lúc khi nhìn thấy một góc của Ngũ Giác
Đài bị sụp đổ, và hình ảnh của một máy bay rơi xuống miền rừng núi của
Pensynvania. Cùng một ngày, hơn 4000 người chết và mất tích. Nhờ vào sự nhanh
chóng và tinh vi của truyền thông, mọi người hầu như khắp thế giới đều có dịp
chứng kiến tận mắt những kinh hoàng và đổ vỡ ấy.
Thật ra thì các nhà tâm lý và xã hội đã có những phân tích và trình bày về hậu
quả của biến cố này dưới nhiều góc cạnh như tâm lý giáo dục, tâm lý cộng đồng,
và tâm lý trị liệu. Nhưng riêng với tôi, tôi muốn nhìn biến cố này dưới khía
cạnh tâm lý tâm linh, theo đó, động lực chính xui đẩy những con người làm nên
biến cố này là lòng thù ghét và cuồng tín.
Lửa thù hận cũng như lửa dục tình có một sức mạnh kinh khủng. Nó có thể làm
thiêu rụi cả một dân tộc, cả một giống nòi. Đại chiến thứ hai bùng nổ vì lửa thù
hận và niềm tin mù quáng vào chủ nghĩa dân tộc mà Hitler khởi xướng tại Đức và
của Nhật Bản chủ trương thời đó. Trước đó, cũng có từng loạt và từng loạt người
chết vì sự mù quáng của niềm tin tôn giáo, mà hậu quả của các cuộc thánh chiến,
viễn chinh thời trung cổ vẫn kéo dài tạo nên những hố chia cách cho đến nay vẫn
chưa hàn gắn nổi. Người ta có thể hiểu rằng do lòng căm thù và ghen ghét, do lý
tưởng cuồng nhiệt mà một số người đó đã tạo nên sự chết chóc gây kinh hoàng cho
cả thế giới trong biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Thật vậy, không hiểu sao nước Hoa
Kỳ là một quốc gia từng viện trợ nhân đạo nhiều nhất, từng ra tay cưú giúp nhiều
dân tộc trên thế giới nhất, nhưng ngược lại, cũng là một quốc gia bị nhiều sự
ghen ghét và thù hận nhất hiện nay. Cả một khối người Hồi Giáo quá khích, và cả
một số đông theo chủ nghĩa Cộng Sản còn rơi rớt hiện nay vẫn ra mặt kình chồng
và thù ghét Hoa Kỳ. Cũng có thể vì họ ghen tương với sự tiến bộ và thành đạt của
đất nước này. Nhưng đó là những vấn nạn thuộc lãnh vực chính trị, kinh tế, và xã
hội. Ở đây, người viết chỉ muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý tạo nên sự thù
hận, đó là lửa thù hận cộng thêm cơn gió cuồng tín hay những quan niệm sai lầm
về tôn giáo.
Thật ra, những gì ta thấy chỉ là những dấu chỉ bên ngoài, vì qua những hành động
ấy, ta nhận ra nét độc hại của thù hận và cuồng tín mà thôi. Nhưng trong cuộc
sống thường ngày, chính ta cũng là nạn nhân của sự thù hận và cuồng tín ấy; hoặc
ngược lại, chính ta lại gây đau khổ cho những người chung quanh mình cũng vì sự
thù hận và cố chấp, một hình thức cuồng tín nơi bản thân mình. Sự kiện này cho
thấy, chúng ta cần phải nhìn vào biến cố này như một bài học để làm tăng triển
mối tương quan giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, và ngay
cả với chính mình.
Thông thường, ta hay có tâm lý bao che và dễ dãi với mình, nhưng lại khe khắt và
hẹp hòi với người. Tâm lý ấy làm nẩy sinh sự đố kỵ và lòng thù ghét khi ta thấy
ai hơn mình, hoặc may mắn hơn mình. Ngoài ra, lòng thù ghét mà được thổi phồng
do cơn gió cuồng tín hay tính cố chấp thì nó sẽ trở thành một cơn cuồng phong
với sức phá hủy ghê gớm. Điều này cũng giải thích tại sao có những người giận
dỗi nhau hằng năm, hàng tháng. Và cũng giải thích tại sao có những sự thù hận
đưa tới hành động thanh toán và trả thù. Nhưng câu hỏi ở đây là liệu chúng ta và
thế giới cần phải rút tỉa gì qua bài học 11 tháng 9 năm 2001?
Có nhiều bài học lắm, nhưng bài học truớc tiên và duy nhất mà tôi cho là rất
quan trọng là ta phải làm sao tạo được hòa khí với chính mình, với những người
chung quanh mình. Bằng cách nào? Bằng sự thông cảm, bằng thái độ hòa hoãn, bằng
những tâm tình và phán đoán khách quan. Nhiều khi mình thiếu thông cảm mà lại
nghĩ người khác khó khăn hoặc không ưa thích mình. Nhiều khi mình nóng nẩy và
đòi hỏi trong khi cho rằng người khác đang nóng giận với mình. Nhất là nhiều khi
mình cứ nghĩ rằng mình hơn tất cả và phải làm thủ lãnh tất cả, để rồi hành xử
như một kẻ cả. Hoặc ngược lại, mình quá tự ty mặc cảm để rồi cho người khác là
những người thiếu trọng kính hay không thân thiện với mình.
Thế giới rồi cũng quên dần biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Nhân loại rồi cũng trở
lại những sinh hoạt bình thường, mặc dầu gần đây sự thanh toán và truy lùng mạng
lưới khủng bố đang lên cao. Hoặc như truyền thông đang loan tải có những dấu
hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ thực hiện cuộc chiến chống Iraq vì những đe dọa khủng bố
của nước này, và vì nước này đã chế tạo những vũ khí có khả năng giết người từng
loạt. Nhưng rồi sao? Nếu cứ thế, thù hận sẽ tiếp nối thù hận, và nhân loại sẽ đi
từ những hoang tàn đổ nát này đến những hoang tàn đổ nát khác mà không bao giờ
hàn gắn. Bởi vì lửa thù hận đang thiêu đốt tâm tư những con người trong xã hội,
và bởi vì sự tin tưởng mù quáng vào những giá trị do chính mình tạo ra. Không
nói gì đâu xa, ngay trong cuộc sống gia đình, trong những tương giao với những
người cùng hãng xưởng, và lối xóm, nếu cứ để những ngọn lửa thù hận, và niềm tin
mù quáng thúc đẩy, ta vô tình cũng trở thành những kẻ khủng bố trong tâm lý và
cũng là những nạn nhân của những cuộc khủng bố tâm lý vậy. Một điều hết sức rõ
rệt là con người ngày nay và thế giới hôm nay đang phải vật lộn, phải trực diện
với sự thù hận ngút ngàn. Chiến tranh, thù hận ở đây, ở đó, và hầu như khắp mọi
nơi.
Hãy để cho lửa tình thương, thông cảm và hòa bình sưởi ấm tâm hồn mình, thay cho
lửa hận thù và cuồng tín, và thế giới sẽ hưởng thái bình. “Tâm bình, thế giới
bình” đó là nhận xét của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo chủ của những tín đồ Phật Giáo.
Và lời chúc của Đức Kitô khi Ngài giáng trần qua tiếng hát của thần trời tại
đồng quê Bêlêm 2000 năm trước, là: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Trần Mỹ Duyệt
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 7/8/2005 về Mô Phạm của Ba Nhà Đạo Sĩ Đông Phương
Anh Chị Em thân mến,
Hằng ngàn giới trẻ sắp ra đi hay đã lên đường đến Cologne tham dự Ngày Giới Trẻ XX là ngày lấy chủ đề như anh chị em biết: “Chúng tôi đã đến bái thờ Người” (Mt 2:2).
Người ta có thể nói rằng toàn thể Giáo Hội, về tinh thần, đã được động viên để sống biến cố đặc biệt này, hướng đến các Nhà Đạo Sĩ như những mô phạm đặc thù của thành phần tìm kiếm Chúa Kitô, Đấng họ đã quì gối xuống tôn thờ. Thế nhưng “tôn thờ” đây là gì? Nó có thể là việc thể hiện của thời quá khứ hay chăng, một thể hiện chẳng có nghĩa lý gì đối với những người đương thời của chúng ta? Không! Lời nguyện cầu đã từng được biết đến đó là lời nguyện ban sáng và ban tối thực sự mở đầu bằng những lời: “Lạy Chúa Trời tôi, tôi thờ lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng…”
Hằng ngày, vào lúc bình minh lên và hoàng hôn xuống, thành phần tín hữu lập lại việc “tôn thờ” của mình hay nhìn nhận việc hiện diện của Thiên Chúa là Đấng Hóa Công và là Chúa Tể Vũ Hoàn. Việc nhìn nhận này là những gì tràn đầy lòng biết ơn xuất phát từ thẳm cung của cõi lòng và ngập tràn cả hữu thể, vì chỉ có sự tôn thờ và mến yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự con người mới có thể hoàn toàn nên trọn bản thân mình.
Các Nhà Đạo Sĩ đã tôn thờ Con Trẻ Bêlem, nhìn nhận Người là Vị Thiên Sai được hứa hẹn, Người Con Duy Nhất của Cha, Vị Thiên Sai được Thánh Phaolô tuyên xưng, “tầm vóc viên trọn của thần tính hiện diện một cách thể lý” (Col 2:9). Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, những vị được Chúa Giêsu tỏ vinh hiển thần linh của mình cho – như Lễ Biến Hình hôm qua cử hành đã nhắc nhở chúng ta – cho biết trước cuộc chiến thắng tối hậu của Người trên sự chết, một chiến thắng có một cái gì đó tương tự như ở trên Núi Tabor.
Sau đó, vào Ngày Phục Sinh, Chúa Kitô tử giá và phục sinh đã hoàn toàn tỏ thần tính của Người ra và cống hiến cho tất cả mọi con người nam nữ tặng ân của tình Người yêu thương cứu chuộc. Các vị thánh là những người đã chấp nhận tặng ân ấy và trở thành những người tôn thờ chân thực của Thiên Chúa hằng sống, mến yêu Ngài một cách quảng đại trong mọi lúc của cuộc sống các ngài. Qua cuộc gặp gỡ tới đây ở Cologne, Giáo Hội một lần nữa muốn nêu lên sự thánh thiện ấy, tột đỉnh của yêu thương, cho tất cả giới trẻ của ngàn năm thứ ba.
Ai có thể hộ tống chúng ta trong cuộc hành trình thánh thiện gay go này hơn Mẹ Maria? Ai có thể dạy chúng ta tôn thờ Chúa Kitô hơn là Mẹ chứ? Xin Mẹ đặc biệt giúp cho các thế hệ mới nhận biết dung nhan chân thực của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô và biết hoàn toàn dấn thân tôn thờ, mến yêu và phụng sự Ngài.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 6/9/2005
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 14/8/2005 về Gương Mẫu của người đàn bà xứ Canaan
Anh Chị Em thân mến,
Vào Chúa Nhật 20 Thường Niên này, phụng vụ cho chúng ta thấy một mẫu gương đức tin hiếm có, đó là mẫu gương của một phụ nữ Canaan, người đã xin Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái của bà bấy giờ đang “bị qủi quấy phá dữ dội”. Chúa Giêsu đã hất hủi những lời khẩn cầu thiết tha của bà và tỏ ra trơ trơ trước những lời ấy, ngay cả khi các môn đệ can thiệp giùm bà, như Thánh Ký Mathêu trình thuật.
Tuy nhiên, cuối cùng, trước sự kiên trì và khiêm nhượng của người đàn bà không quen biết này, Chúa Giêsu đã thuận theo ý của bà: “Này bà, bà có đức tin mạnh lắm! Điều bà muốn sẽ được thực hiện” (x Mt 15:21-28).
“Này bà, bà có đức tin mạnh lắm!” Chúa Giêsu đã chọn người đàn bà này làm mẫu gương đức tin bất khuất. Việc bà kiên trì nài xin việc Chúa Kitô can thiệp là điều phấn khích chúng ta đừng bao giờ nản lòng và đừng thất vọng, cho dù trong những cơn thử thách dữ dội nhất của cuộc sống. Chúa không nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của con cái mình đâu, và nếu Ngài có những lúc dường như dửng dưng vô cảm trước những điều yêu cầu của họ, chỉ là để thử thách họ và làm cho đức tin của họ vững mạnh thôi.
Đó là chứng từ của các thánh nhân, đó đặc biệt là chứng từ của các vị tử đạo, một chứng từ liên kết chặt chẽ với hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Trong những ngày gần đây chúng ta đã tưởng niệm đến một số trong các vị ấy, đó là các Vị Giáo Hoàng, Pontianus và Sixtus II, linh mục Hippolytus, Phó Tế Lawrence cùng đồng bạn, những vị bị sát hại ở Rôma vào thời bình minh của Kitô giáo.
Chúng ta cũng tưởng nhớ đến một vị tử đạo thuộc thời đại của chúng ta, đó là Thánh Nữ Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, Edith Stein, đồng quan thày của Âu Châu, vị đã chết trong một trại tập trung; và vào chính ngày này, phụng vụ cho chúng ta thấy một vị tử đạo vì bác ái, vị đã niêm ấn chứng từ yêu thương của mình vì Chúa Kitô tại lò than chết đói ở Auschwitz, đó là Thánh Maximilian Maria Kolbe, vị đã tình nguyện hy sinh mạng sống mình thay cho một người làm cha trong gia đình.
Tôi mời hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa, nhất là giới trẻ sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới hãy đến tấm gương sáng chói của đức anh hùng Phúc Âm ấy. Tôi kêu cầu các vị bảo vệ họ tất cả, nhất là Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, vị đã sống một số năm trong đời mình tại Đan Viện Carmêlô ở Cologne.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, vị chúng ta sẽ chiêm ngưỡng ngày mai việc Mẹ hiển vinh mông triệu về trời, xin canh chừng mỗi một người.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 6/9/2005