GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 14/9/2005 |
2) HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: BẢN ĐÚC KẾT HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 26
3) THƯ MỤC VỤ NĂM 2005 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: SỐNG LỜI CHÚA
1. Trong quá khứ chúng ta đã suy niệm về hình ảnh cao cả của Chúa Kitô, Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử, vị đóng vai chủ chốt trong bài thánh ca này từ ngay đầu Bức Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê. Thật vậy, bài ca vịnh ấy có mặt ở cả 4 tuần lễ của Phụng Vụ Giờ Kinh chiều.
Tâm điểm của bài thánh ca này bao gồm các câu từ 15 đến 20, đoạn mà Chúa Kitô, Đấng được diễn tả là “hình ảnh” của Vị “Thiên Chúa vô hình”, hiện lên một cách trực tiếp và long trọng (câu 15). Tiếng Hy Lạp “eikon”, icon, là tiếng được Vị Tông Đồ này yêu chuộng: Ngài sử dụng nó 9 lần trong Thư Từ của ngài, áp dụng nó cho Chúa Kitô, hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa (xem 2Cor 4:4), hay cho con người là hình ảnh và là vinh quang của Thiên Chúa (x 1Cor 11:7). Tuy nhiên, con người, bởi tội lỗi, “đã biến vinh quang của Thiên Chúa bất tử lấy những hình ảnh giống con người hữu tử” (Rm 1:23), chọn việc tôn thờ các ngẫu tượng và trở nên giống như các ngẫu tượng ấy.
Bởi thế, chúng ta cần phải liên lỉ làm cho hình ảnh của mình theo mẫu mực hình ảnh của Con Thiên Chúa (x 2Cor 3:18), vì chúng ta đã được “giải thoát khỏi việc thống trị của tối tăm và được mang vào vương quốc của Người Con yêu dấu của Ngài” (Col 1:13).
2. Bởi thế Chúa Kitô được công bố là “trưởng tử của tất cả mọi tạo vật” (câu 15). Chúa Kitô có trước toàn thể tạo vật (x câu 17), đã được hạ sinh từ đời đời: vì thế mà “tất cả đã được dựng nên nhờ Người và cho Người” (câu 16). Trong truyền thống Do Thái cổ thời vấn đề được khẳng định là “toàn thể thế giới được dựng nên đều liên quan tới Đấng Thiên Sai” (Sanhedrin 98b).
Đối với vị tông đồ ấy, Chúa Kitô là nguyên lý của mối hiệp kết (“tất cả mọi sự cấu kết lại với nhau trong Người”), là vị trung gian (“nhờ Người”), và là đích điểm của toàn thể tạo sinh qui tụ lại. Người là “trưởng tử của nhiều anh em” (Rm 8:29), tức là, là Người Con đệ nhất trong đại gia đình con cái Thiên Chúa là nơi nhờ Phép Rửa chúng ta được thuộc về.
3. Đến đây,
ánh mắt chúng ta hướng từ thế giới tạo sinh về thế giới của lịch sử: Chúa Kitô
là “đầu của thân thể là Giáo Hội” (Col 1:18) và Người đã là như thế qua việc
Nhập Thể của Người. Thật vậy, Người đã gia nhập cộng đồng nhân loại, để cai trị
nó và thiết lập nó thành nên một “thân thể” duy nhất, tức là thành một mối hiệp
nhất hòa hợp và tốt đẹp. Việc liên lỉ phát triển của nhân loại đã được cắm sâu
trong Chúa Kitô, là cái đòn bẩy, là “nguyên lý”.
Chính vì
tính cách chính yếu này mà Chúa Kitô trở nên nguyên lý phục sinh cho tất cả mọi
người, “nên “trưởng tử của kẻ chết”, vì “trong Chúa Kitô tất cả được làm cho
sống… Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa, rồi tới những ai thuộc về Người khi Người
đến” (1Col 15:22-23).
4.
Bài thánh ca tiến đến kết luận bằng việc ca tụng “tầm vóc viên trọn”, theo tiếng
Hy Lạp là “pleroma”, một tầm vóc Chúa Kitô đã có nơi bản thân Người như tặng ân
yêu thương của Chúa Cha. Đó là sự viên trọn của thần tính chiếu tỏa nơi vũ trụ
hay nơi nhân loại, trở thành một nguồn an bình, hiệp nhất và hoàn toàn hòa hợp
(Col 1:19-20).
“Việc hòa
giải” này và “việc an bình” này được thực hiện bởi “máu từ cây thập giá” là
những gì nhờ đó chúng ta được công chính hóa và được thánh hóa. Bằng việc đổ máu
mình ra và hiến bản thân mình, Chúa Kitô đã làm tràn lan an bình, thứ an bình
theo ngôn ngữ thánh kinh, là tổng hợp của những sự thiện hảo thiên sai và sự
viên trọn cứu độ bao gồm tất cả thực tại tạo sinh.
Thế nên, bài thánh ca này kết thúc với một chân trời sáng tỏ của sự hòa giải, hiệp nhất, hòa hợp và an bình, một chân trời hiện lên một cách uy nghi hình ảnh tác giả của nó là Chúa Kitô, “Người Con yêu dấu” của Cha.
5. Các cây bút thuộc truyền thống Kitô giáo xưa đã suy niệm về bài thánh ca sâu sắc này. Trong cuộc đối thoại của mình, Thánh Cyrilô Giêrusalem đã trích bài ca vịnh của Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê để đáp lại vấn đề của một đàm nhân vô danh hỏi ngài rằng: “Vậy thì chúng ta nói rằng Lời được hạ sinh bởi Thiên Chúa Cha đã chịu khổ vì chúng ta nơi xáx thịt của Người hay sao?”
Câu trả lời là một câu khẳng định theo chiều hướng của bài ca vịnh này. Thật vậy, Thánh Cyrilô xác nhận là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của tất cả mọi tạo vật, hữu hình và vô hình, bởi Người và trong Người mà mọi sự hiện hữu, đã được cho làm đầu Giáo Hội: Người còn hơn là trưởng tử của kẻ chết nữa”, tức là, người đầu tiên trong số kẻ chết sống lại. Thánh Cyrilô tiếp: “Người nhận làm của Người tất cả những gì xứng hợp với xác thịt loài người và ‘chấp nhận khổ giá, cho dù ô nhục’ (Heb 12:2). Chúng tôi không nói rằng một con người tầm thường, đầy những vinh dự, tôi không biết làm thế nào, nhờ việc hiệp nhất với Người, là người đối với chúng ta đã được thánh hóa, thế nhưng chính vị Chúa vinh quang này là Đấng đã bị đóng đanh” ("Perché Cristo è uno: Collana di testi Patristici" [Why Christ is One: Collection of Patristic Texts], XXXVII, Rome, 1983, p. 101).
Trước vị Chúa hiển vinh này, dấu hiệu của tình yêu tối cao của Cha, chúng ta cũng dâng bài ca chúc tụng của chúng ta và phục xuống tôn thờ Người cùng tạ ơn Người.
Anh Chị Em thân mến,
Bài giáo lý hôm nay tập trung vào bài ca vịnh ở chương một thuộc Bức Thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Côlôsê. Trong bài ca vịnh này, Chúa Kitô được trình bày như là “icon”, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của mọi tạo vật”. Người là Đấng tất cả chúng ta cần phải sống đời noi gương bắt chước.
Thánh Phaolô cũng nói về Chúa Giêsu như là một Đấng “có trước tất cả mọi sự”, Đấng mà nhờ Người và cho Người “tất cả mọi sự đã được tạo thành”, và là Đấng trong Người “tất cả mọi sự liên kết với nhau”. Bởi thế, Chúa Kitô là nguyên lý của mối hiệp kết, là Đấng Trung Gian của chúng ta và là cùng đích của tất cả mọi tạo vật. Trong đại gia đình của Thiên Chúa, Chúa Kitô là Người Con đệ nhất.
Bài ca vịnh này cũng nhắc nhở chúng ta rằng nhờ việc Nhập Thể của Người, Chúa Kitô là đầu của thân thể là Giáo Hội. Người là “khởi nguyên, là trưởng tử của kẻ chết”, và trong Người “tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa hân hoan ngự trị”. “Tầm vóc viên trọn” này của thần tính chiếu tỏa nơi tất cả mọi tạo vật cũng như nơi tất cả nhân loại, bởi thế, là mạch mọi an bình, hiệp nhất và hoàn toàn hòa hợp.
Hôm nay chúng ta
hân hoan hy vọng suy niệm về bài ca vịnh tuyệt vời này của Thánh Phaolô, một
việc suy niệm đối với chúng ta là cơ hội để tạ ơn Chúa Giêsu Kitô vì đã giải
thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi. Chớ gì đối với chúng ta nó cũng là một
phấn khích trong việc phấn đấu trở nên các môn đệ thực sự của Chúa Kitô “là
trưởng tử củ atất cả mọi tạo vật”.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 7/9/2005
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: BẢN ĐÚC KẾT HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 26 CỦA
Từ ngày 5 đến 9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu,Vũng Tàu, Giáo phận Xuân Lộc
Hội nghị Thường niên của Hội đồng Giám mục năm 2005 tổ chức tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là lần thứ hai, các Giám mục được quy tụ dưới sự chúc phúc của Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ Bãi Dâu. Đây cũng là Hội nghị thường niên lần thứ 26 kể từ khoá họp đầu tiên vào năm 1980.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ toạ của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tham dự Hội nghị lần này có Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, hai Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế và Hà Nội và 24 Giám mục đến từ 24 Giáo phận trên toàn quốc. Tất cả là 27 thành viên.
Năm nay thiếu vắng Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, đang chữa bệnh ở nơi xa, và Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Giáo phận Hà Nội cũng không về dự Hội nghị vì lý do tuổi tác. Đức Hồng y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng và 11 Đức cha hưu mặc dầu đã được mời tham dự Hội nghị, nhưng đã không đến đuợc vì tuổi già và đau yếu, chỉ trừ Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giáo phận Vĩnh Long, có ghé thăm Quý Đức cha tại Vũng Tàu vào sáng ngày 6 tháng 9. Đức cha Chủ tịch thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư thăm các Đấng vắng mặt để tỏ tình hiệp thông huynh đệ và xin các Đấng dâng những hy sinh do chịu đựng đau yếu của mình để cầu nguyện cho Hội nghị và cho Giáo Hội Việt Nam.
Trước khi Hội nghị diễn ra, Ban Thường Vụ đã gửi thư cho Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trước là mừng Ngài trong triều đại mới, sau là để tỏ tình liên đới vâng phục vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian, đồng thời báo tin cho Ngài hay về Hội nghị thường niên để xin Ngài cầu nguyện và chúc lành.
Ban Thường Vụ cũng gửi thư cho Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh bộ Truyền giảng Phúc Âm, để tin cho Ngài biết về Hội nghị và để tỏ tình hiệp thông liên đới với Toà Thánh.
Vào lúc 16g00 ngày 5 tháng 9 năm 2005, Ban Thường Vụ mở rộng nhóm họp để thông qua chương trình nghị sự và thời khoá biểu của Hội nghị. Lúc 18g00, toàn thể các thành viên vào nhà nguyện đọc Kinh Chiều, Chầu Thánh Thể và hát kinh Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban ơn cho Hội nghị thành công tốt đẹp.
Lúc 20g00 cùng ngày, các tham dự viên bắt đầu họp phiên đầu tiên, sau khi Đức cha Tổng Thư ký giới thiệu chương trình, Đức cha Chủ tịch ngỏ lời khai mạc Hội nghị. Năm nay Hội nghị vui mừng đón tiếp hai thành viên mới là Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, tân Giám mục Giáo phận Xuân Lộc và Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Giáo phận Huế.
Ngày 6 tháng 9, ông Ngô Yên Thi, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ cùng với đoàn từ Trung ương và đoàn đại biểu gồm các vị lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Vũng Tàu đến thăm và chúc Hội nghị thành công. Nhân dịp này Đức cha Chủ tịch đã cám ơn chính quyền Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Giám mục họp lần thứ 2 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, một thành phố giàu đẹp vào hạng nhất nước. Thay mặt cho đoàn, Ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ có lời chào mừng các thành viên trong Hội đồng Giám mục và chúc Hội nghị đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Sau khi tiếp đoàn, Hội đồng Giám mục lắng nghe báo cáo của Ban Thường Vụ. Đức cha Chủ tịch nói về lễ An táng của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II mà ngài đã tham dự. Sau đó ngài đề cập đến tai ương sóng thần ở Đông Nam Á, đến trận bão Katrina vừa xẩy ra ở Hoa Kỳ làm thiệt hại rất nhiều về người và của, trong đó một số đông người Việt là nạn nhân. Sau cùng ngài đưa tin Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh bộ Truyền giảng Phúc Âm sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 11 năm nay. Tiếp đến Đức Hồng y Gioan Baotixita đề cập đến vấn đề di dân: một số rất đông tụ họp sinh sống ở vùng Sài Gòn, Xuân Lộc, không có cư trú hợp pháp và ít ai săn sóc. Ngài cũng đề cập đến di dân ở ngoại quốc và nhất là nhắc đến lợi ích thiêng liêng người di dân mang đến quê hương mới của mình do đức tin và truyền thống dân tộc. Đức cha Tổng Thư ký trình bày diễn tiến việc thành lập hồ sơ về vụ án phong chân phước cho Đức cha Phêrô Lambert de la Motte, Giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Phó Tổng Thư ký trình bày việc làm của ngài trong năm qua và chuyến đi thăm Ba Lan mới đây.
Sau đó các giám mục thay phiên nhau chia sẻ cuộc sống của Giáo phận mình bằng cách nêu lên những điểm tiêu cực và tích cực. Những điểm tiêu cực cần phải khắc phục, sửa chữa, những điểm tích cực cần được phát huy và nêu gương sáng cho mọi người.
Tình hình trong ba giáo tỉnh tương đối ổn định. Có một số nhu cầu chưa được đáp ứng nhưng hy vọng trong tương lai sẽ được giải quyết. Những điểm tích cực thì nhiều, như phong chức, thuyên chuyển các linh mục đã tăng hơn trước. Việc xây cất cũng khá thông thoáng. Sinh hoạt tôn giáo cũng trở nên bình thường, trang nghiêm, sốt sắng hơn.
Nhất là có nhiều sinh hoạt tích cực diễn ra trong Năm Thánh Thể : học hỏi về Bí tích Thánh Thể, tổ chức Thánh lễ, Chầu Mình Thánh Chúa, rước kiệu….mang lại lòng sốt sắng cho giáo dân và cũng đem lại sự mộ mến cho bao người thiện chí. Theo gương tấm bánh được chia sẻ, người Công giáo quyết tâm cao trong việc thực thi bác ái : chia sẻ cơm áo, gạo tiền, tình thương, cảm thông, thăm viếng, ủi an, khích lệ làm cho những người khốn khổ cảm thấy bớt bất hạnh hơn.
Qua báo cáo tổng kết tình hình 25 Giáo phận trong năm qua, mọi người cảm nhận sức sống trào dâng của Giáo hội Việt Nam, đặc biệt trong Năm Thánh Thể. Đúng như Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Phúc Âm đã nhận xét: “Giáo hội Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng là một Giáo hội năng động và chủ động.”
Sau đó các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục nối tiếp nhau báo cáo những sinh hoạt trong năm qua và những dự kiến trong năm tới. Sau phần trình bày của mỗi Ủy ban, các Đức cha đã góp rất nhiều ý kiến xây dựng.
Ủy ban Phụng tự và Nghệ thuật thánh cho biết bản dịch tiếng Việt phần nghi thức thánh lễ đã được Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn. Ủy ban cũng đã soạn thảo và mong sớm hoàn chỉnh tập tài liệu hướng dẫn về nghệ thuật thánh dựa trên các quy định của Giáo luật và phụng vụ.
Ủy ban Thánh nhạc cho thấy tiềm năng phong phú của nền thánh nhạc Việt Nam với rất nhiều bài thánh ca do các nhạc sĩ Công giáo sáng tác.
Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã biên dịch tài liệu họp Liên Hội đồng Giám mục Á Châu về truyền giáo năm 2006, cuốn “Từ điển Truyền giáo”, cuốn “NhữngVạch Mốc cho sứ vụ Kitô giáo”.
Ủy ban Bác ái Xã hội nói về công tác cứu trợ thiên tai bão lụt hạn hán nhất là nạn nhân động đất, sóng thần ở Đông Nam Á vừa qua. Ủy ban lưu ý việc đào tạo nhân sự cho các Giáo phận.
Ủy ban Giáo lý và Đức tin đã hiệu đính xong quyển Giáo lý Hội Thánh Toàn cầu sau ba năm làm việc chung. Ủy ban sẽ dịch sớm nhất cuốn Toát Yếu Giáo lý dưới hình thức hỏi thưa để làm nền tảng quy chiếu cho việc soạn các sách giáo lý trong các giáo phận.
Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh đã thống kê số chủng sinh niên khoá 2004-2005 trong 6 Đại Chủng Viện là 928 thầy.
Ủy ban Văn hoá cho biết trong tháng 10 sẽ thực hiện một chuyến đi tìm di tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và xin các Giáo phận cho biết địa chỉ và sinh hoạt liên quan đến đức tin và văn hoá để có thể giới thiệu trong một tập sách của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá.
Ủy ban Tu sĩ trình bày về Đại hội Ủy ban Tu sĩ thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức lần đầu tiên ở Thái Lan với đề tài vai trò của người tu sĩ trong việc xây dựng Giáo hội địa phương tại Á Châu.
Ủy ban Giáo dân tường trình về việc phái đoàn Việt nam tham dự Đại hội Quốc tế Giới trẻ tháng 8 tại Đức vừa qua với ước mong sẽ tổ chức được một đại hội toàn quốc cho giới trẻ Việt Nam.
Hội Thừa Sai Việt Nam được phục hồi sinh hoạt nội bộ từ năm 1999 vẫn tiếp tục cổ vũ ơn gọi, đào tạo nhân sự, hình thành những cơ chế tổ chức và sinh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống. Hội đồng Giám mục sẽ chính thức đăng ký theo thể thức hiện hành để Hội Thừa Sai sinh hoạt bình thường.
Sau phần báo cáo sống động và phong phú của 9 Ủy ban và của Giám mục đặc trách Hội Thừa Sai là phần báo cáo về các hội nghị và công tác ở nước ngoài trong năm qua.
Đức Giám mục chủ tịch Ủy ban Giáo lý và Đức Tin trình bày về Đại hội Kinh Thánh Châu Á và Châu Đại Dương (14 -18/02/2005) và khoá làm việc của Liên hiệp Kinh Thánh Đông Nam Á (19 - 21/02/2005) do Liên Hiệp Kinh Thánh Thế Giới (CBF) phối hợp với liên hiệp các Hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC) tổ chức tại Philippines với chủ đề : “Lời Thiên Chúa: Niềm Hy vọng sống động và nền Hoà bình bền vững”.
Đức Giám mục Chủ tịch HĐGM nói về Hội nghị do Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tổ chức tại Pattaya, Thái Lan từ 1 - 6/8/2005 về đề tài : “Những thách đố cho sự hợp nhất Kitô Giáo”. Nội dung của Hội nghị tập trung vào những tương quan với những giáo hội và cộng đoàn tín hữu bấy lâu nay chưa tham gia vào những hoạt động Đại kết. Hội nghị kết thúc bằng việc nhắc lại một gợi ý của ĐTC Gioan Phaolô II: sự hoán cải nội tâm là cần thiết nếu chúng ta muốn đi ra để đến với người khác.
Đức Giám mục Hải Phòng trình bày về Khoá họp Đại Kết nhân dịp kỷ niệm 40 năm công bố sắc lệnh Unitatis Redintegratio, từ 11 - 13/11/2004 do Hội đồng Toà Thánh cổ vũ sự hợp nhất các tín hữu Kitô tổ chức tại Rôma.
Hội nghị cũng nghe báo cáo về việc Văn phòng Truyền thông xã hội trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Châu Á đã tổ chức Hội nghị Giám mục về Các Tổ chức Truyền thông xã hội lần thứ 5, từ 22 - 27/11/2004 tại Bali, Indonesia với chủ đề “Đối thoại Liên tôn như một sự truyền thông”.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để cùng đọc lại và hoàn chỉnh Thư Mục vụ “Sống Lời Chúa” nhân kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín lý của Công đồng Vatican II về Mặc Khải. Với thư Mục vụ này, HĐGM muốn ôn lại giáo huấn của Công đồng về Lời Chúa và cùng suy nghĩ về những phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội Việt Nam hôm nay.
Hội nghị cũng chọn đề tài cho Thư Mục vụ năm tới là : “Sống đạo trong xã hội hôm nay”. Giáo tỉnh Huế chịu trách nhiệm soạn thảo thư này với sự cộng tác của các Giáo phận khác. Địa điểm họp Hội nghị năm 2006 dự kiến tại Huế.
Năm nay kỷ niệm 45 năm thành lập HĐGM VN, Hội nghị đã dâng lễ tạ ơn vào sáng 9/9/2005 để cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam luôn vững tin vào ơn phù trợ của Chúa và Mẹ Maria trong mọi hoàn cảnh.
Như mọi năm, Văn phòng Thư ký báo cáo về cuốn Niên Giám, về bản tin Hiệp Thông.
Trong bữa ăn trưa cuối cùng, ĐHY TGM giáo phận TP. HCM đã thay mặt HĐGM nói lời cám ơn sâu xa đối với Đức cha Chính và Đức cha Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc, cha Giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu cùng các thầy và các nữ tu dòng Thánh Phaolô đã vui vẻ phục vụ suốt tuần lễ vừa qua.
Lúc 16g00 ngày 9/9/2005, các thành viên của Hội nghị đã vào Nhà Nguyện để cùng nhau tạ ơn Chúa qua giờ Chầu Thánh Thể. Các thành viên Hội nghị hết lòng cám ơn mọi thành phần Dân Chúa đã cầu nguyện cho Hội nghị được tốt đẹp như lòng Chúa mong ước.
Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho mọi người và ban ơn soi sáng để mọi người biến những nghị quyết của Hội nghị thành những biểu hiện đức tin và lòng mến trong cuộc sống chứng nhân của mình.
Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu
Ngày 9/9/2005
+ Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn
Tổng Thư ký HĐGM VN
(Tài Liệu được cung cấp từ Văn Phòng Thư Ký của HĐGMVN,
qua điện thư Công Giáo Việt Nam conggiaovietnam@gmail.com)
THƯ MỤC VỤ NĂM 2005 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM:
SỐNG LỜI CHÚA
Kính gửi: Các linh mục,
Các tu sĩ, chủng sinh,
và anh chị em giáo dân
1- Lời mở đầu
Anh chị em thân mến,
Được quy tụ bên Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã đích thân giải thích lời Thánh Kinh và bẻ bánh để chia sẻ Sự Sống của Người cho các môn đệ, đồng thời dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng ngỏ lời với các Hội Thánh (Kh 2-3), chúng tôi các Hồng Y, Giám Mục tham dự hội nghị thường niên tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 9 năm 2005, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an của Thiên Chúa.
Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi vui mừng nhìn lại những hoạt động phong phú trong Năm Thánh Thể. Mỗi người chúng ta đã và đang cảm nghiệm dồi dào tình yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng phó mình làm lương thực thiêng liêng và hiện diện giữa chúng ta trong Bí Tích kỳ diệu. Xin cám ơn anh chị em đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của chúng tôi qua việc siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể và đã có những cố gắng thiết thực nhằm “thắp sáng lên niềm tin Thánh Thể, hâm nóng thêm lòng yêu mến Thánh Thể, khơi dậy niềm hy vọng hồng phúc nơi mỗi người” (Thư Chung năm 2004, số 13).
Ngoài bàn tiệc Thánh Thể, người Kitô còn được mời gọi tham dự bàn tiệc thứ hai là bàn tiệc Lời Chúa. Thật ra cả hai bàn tiệc đều diễn tả cùng một mầu nhiệm, mầu nhiệm Sự Sống. Chính vì thế, sau khi đã cùng với anh chị em sống mầu nhiệm Thánh Thể trong năm vừa qua, năm nay chúng tôi mời gọi anh chị em đào sâu ý nghĩa và vai trò của LỜI CHÚA. Hơn nữa, năm nay kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín Lý của Công Đồng Vatican II về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng về giáo lý cũng như về mục vụ. Về giáo lý, Hiến Chế nhắc nhở chúng ta nội dung đức tin hết sức phong phú và sống động của Giáo Hội về Mạc Khải của Thiên Chúa hoàn tất trong Đức Kitô. Về mục vụ, Hiến Chế đã khẳng định chỉ có Lời đến từ Thiên Chúa, được thông truyền và diễn tả qua chính đời sống Giáo Hội cũng như qua chứng tá của mỗi Kitô hữu mới có thể đem lại ánh sáng và niềm vui cho một thế giới đang khắc khoải tìm kiếm con đường về với Sự Thật và Sự Sống (x. MK 21).
Vì thế, với Thư mục vụ này, trước tiên chúng tôi muốn cùng với anh chị em ôn lại giáo huấn của Công Đồng về Lời Chúa, sau đó cùng suy nghĩ về phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội Việt Nam hôm nay.
I. THIÊN CHÚA NGỎ LỜI VỚI NHÂN LOẠI
2- Lời yêu thương từ Chúa Cha
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ngỏ lời với chúng ta để chúng ta được thông phần hạnh phúc viên mãn của Ngài. Ngài cũng mạc khải chính mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Thiên Chúa còn ngỏ lời với con người qua lịch sử Israel, dân riêng của Ngài, đồng thời cũng là lịch sử cứu độ. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy. Ngài đã hạ mình, mang lấy những bất toàn và giới hạn của ngôn ngữ nhân loại, để nói với chúng ta. Nhờ đó, “chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào” (MK 13).
3- Lời hiện thân nơi Chúa Giêsu Kitô
Sau khi đã ngỏ lời với nhân loại bằng nhiều thể nhiều cách, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Dt 1,2a). Đức Giêsu Kitô chính là Lời của Thiên Chúa (MK 1), Đấng “vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng ta” (1 Ga 1,2). Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu đã đến hoàn tất Mạc Khải bằng chính sự hiện diện của Người, đồng thời Người tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang. Lời Chúa không chỉ là Lời Đức Kitô rao giảng, hay lời các tông đồ rao giảng về Đức Kitô, mà còn là trọn vẹn con người và cuộc sống tại thế của Người. Như thế, không điều gì nơi Đức Kitô mà lại không phải là Lời đích thực của Thiên Chúa muốn ngỏ với chúng ta và không một chi tiết nào trong cuộc đời Đức Kitô mà không mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa cũng như về tình yêu cứu độ của Ngài. Thánh sử Gioan đã quả quyết với chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Là Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta, “vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội” (PV 7).
4- Lời sống động trong Chúa Thánh Thần
Trong cuộc đối thoại kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng. Bởi lẽ Thánh Kinh được viết ra dưới sự linh hứng của Ngài. Như vậy, một đàng Ngài soi sáng việc soạn thảo Thánh Kinh, đàng khác Ngài “đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý. Và để người ta hiểu biết Mạc Khải sâu xa thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng ban các ơn huệ mà kiện toàn đức tin” (MK 5). Nhờ Chúa Thánh Thần mà kho tàng Mạc Khải được lưu truyền cách nguyên vẹn cho mọi thời đại. Chính Ngài đã và đang “làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ” (MK 8). Nhờ sự soi sáng hướng dẫn của Ngài, chúng ta có thể mạnh dạn thân thưa cùng Chúa Cha trong tâm tình con thảo : “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15).
II- CON NGƯỜI ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA
5- Lời Chúa là Lời Cứu độ
Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để sáng tạo và cứu độ. Ngài ngỏ lời với con người vì yêu thương và muốn cho con người được hạnh phúc. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta qua Thánh Kinh, đều nhằm mục đích cứu độ chúng ta cùng với tất cả mọi loài thụ tạo. Công Đồng Vatican II lưu ý khi nghiên cứu Thánh Kinh, ngoài những yếu tố nhân loại như cá tính và văn phong của tác giả, không bao giờ được quên rằng Thánh Kinh chủ yếu chứa đựng những chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người (MK 12). Vì thế, bầu khí thuận lợi và lý tưởng để đọc Lời Chúa vẫn là bầu khí cầu nguyện, nghĩa là đọc “trong Chúa Thánh Thần” và trong sự hiệp thông với truyền thống sống động của Giáo Hội (MK 12), vì “nhiệm vụ này đã được ủy thác cho một mình Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, quyền này được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (MK 10). Khi con người thực sự đến với Lời Chúa, tâm hồn và cuộc sống của họ được nâng lên cao, được nuôi dưỡng bằng chính Lời Hằng Sống. Bởi lẽ “tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).
6- Lời Chúa là nguồn sống của Giáo Hội
Tất cả những giáo huấn trên về Lời Thiên Chúa trong Hiến Chế của Công Đồng đều quy về một mục đích chính, đó là làm sao để Lời Chúa thực sự trở nên lương thực thiêng liêng của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu (MK 21-26 ; x. Ga 10,10), vì Lời Chúa là “quy luật tối cao hướng dẫn đức tin”, “là lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” của tất cả chúng ta (MK 21). Chính vì thế, Lời Chúa phải được “tôn kính như chính Thân Thể Chúa” (MK 21) và phải có một vị trí quan trọng trong đời sống thiêng liêng của Kitô hữu, nếu chúng ta thực sự muốn “khởi đầu lại từ Đức Kitô”. “Cũng như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, cũng thế, ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng nhận được một sự thúc đẩy mới nhờ việc tăng thêm lòng sùng kính Lời Thiên Chúa, là Lời “tồn tại muôn đời” (Is 40,8 ; 1 Pr 1,23-25)” (MK 26).
III. LỜI CHÚA VỚI CUỘC SỐNG HÔM NAY
Anh chị em thân mến,
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Chúng ta không chỉ loan báo Lời Chúa mà còn phải thể hiện Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Sau khi đã cùng với anh chị em tìm hiểu giáo huấn của Công Đồng, chúng tôi muốn nêu lên một vài gợi ý thực tiễn, với mong muốn cho mọi thành phần Dân Chúa có thể kín múc nơi Lời Chúa sức mạnh thiêng liêng cho đời sống đức tin và luân lý trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.
7- “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (MK 22)
Thánh Giêrônimô đã viết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (được trích trong MK 25). Do đó, bận tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao cho mọi tín hữu có thể tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày. Cụ thể là:
- Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước.
- Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn.
- Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức.
- Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
8- Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh
Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.
Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.
Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta.
9- Canh tân đời sống trong ánh sáng Lời Chúa
a- Với các linh mục và phó tế: chúng tôi xin mượn lời Công Đồng Vatican II để nhắc nhở anh em, hãy lo “gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng”
(x. T. Augustinô, được trích dẫn trong MK 25). Ước gì lời nhắn nhủ của Đức Giám mục trong Nghi lễ phong chức linh mục luôn vang mãi trong tâm trí anh em: “Chúng con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, chúng con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Lời Chúa, chúng con hãy chú tâm tin điều chúng con đọc, dạy điều chúng con tin và thi hành điều chúng con dạy” (Nghi lễ phong chức linh mục). Loan báo Lời Chúa là sứ mạng chính yếu và là lẽ sống của chúng ta. Chính vì sứ mạng này mà chúng ta được chọn và sai đi (x. Mt 10,4; Mc 3,13-14). Đó cũng là di chúc của Thầy Chí Thánh trước khi về trời (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15-18).
b- Với các tu sĩ: ước mong việc sống Lời Chúa trong năm nay sẽ là thời gian thuận lợi cho việc canh tân đoàn sủng mà anh chị em đã lãnh nhận và cam kết dấn thân. Như lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong “Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến” (94), Lời Chúa là “nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo”. Trong Tông Thư “Khởi Đầu Ngàn Năm Mới” (39), ngài viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”. Anh chị em hãy đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng về Lời Chúa một cách đặc biệt, nhờ đó anh chị em có thể trở lại với trọng tâm ơn gọi của mình, và giúp cho cộng đoàn tín hữu thăng tiến trên con đường thánh đức (x. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, 13).
c- Với anh chị em giáo dân: chúng tôi mời gọi anh chị em trở lại với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Thánh Luca để ý thức rằng mỗi Kitô hữu vừa là người gieo giống vừa là thửa đất để đón nhận Lời Chúa (x. Lc 8,5-15). Đối với Lời Chúa, anh chị em hãy sửa soạn tâm hồn để trở thành mảnh đất màu mỡ. Đối với tha nhân, anh chị em hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá.
Đây là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng để khắc phục mọi nghịch cảnh. Cuộc sống hôm nay đặt ra những thách đố lớn lao, nhiều lúc khiến anh chị em chao đảo, thất vọng. Trong những hoàn cảnh như thế, anh chị em hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Khi đồng hành với hai môn đệ đang bi quan chán nản, Người đã đem lại cho các ông niềm vui và sức mạnh qua việc diễn giải Thánh Kinh. Người cũng sẵn sàng hiện diện để nâng đỡ anh chị em, nếu anh chị em biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe Lời Người.
d- Cách riêng với các bạn trẻ: chúng tôi muốn nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong bài giảng bế mạc Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Cologne, ngày 21-8-2005: “Các bạn hãy giúp nhân loại khám phá ánh sao dẫn đường đích thực là Đức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng cần tìm hiểu về Người mỗi ngày một hơn để có thể dẫn đưa tha nhân tin tưởng đến với Người. Vì thế, nếu yêu mến Thánh Kinh là điều hệ trọng, thì am hiểu đức tin của Giáo Hội cũng hệ trọng không kém, bởi vì nhờ Giáo Hội, ta mới hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh”. Các bạn sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Ánh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định này.
10- Để Lời Chúa đi vào cuộc sống
Ý chính của những gì vừa nêu ra trên đây là mỗi giới cần phải phát huy lòng yêu mến Lời Chúa sao cho phù hợp với điều kiện riêng của mình, nhưng tất cả đều phải biểu lộ lòng yêu mến ấy bằng hành động như Chúa đã dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Lòng yêu mến không phải chỉ là chuyện lý thuyết, nhưng phải minh chứng bằng việc làm: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Việc thực hành Lời Chúa chính là nền tảng cho cuộc sống Kitô hữu như Lời Chúa phán: “Ai nghe Lời Ta nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Chính Đức Giêsu đã thực hành những lời Người rao giảng: Người đã tha thứ cho những kẻ giết mình, quan tâm đến những người bé mọn, hy sinh mạng sống cho nhân loại mà Người yêu mến. Trong bữa tiệc ly, sau khi giải thích sứ mạng Người Tôi Tớ, Đức Giêsu đã nêu gương cụ thể trong cử chỉ rửa chân cho các môn đệ, như để thực hiện chính điều Người đã truyền dạy. Đến ngày phán xét, Chúa không chất vấn chúng ta về sự uyên bác lý thuyết, nhưng về những việc chúng ta đã làm cho tha nhân.
Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, Kitô hữu phải tập và nêu gương sống ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự sống con người, Kitô hữu quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người nghèo sang bên lề cuộc sống… Kitô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.
LỜI KẾT
11- Sống Lời Chúa theo gương Đức Maria
Anh chị em thân mến,
Để kết luận, chúng tôi mời gọi tất cả anh chị em hướng về Thập Giá, nơi có Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu, để lắng nghe lời trăn trối: “Này là Mẹ con” (Ga 19,26-27). Tưởng không có gì sâu xa và thấm thía hơn khi Đức Giêsu chỉ công bố “mọi sự đã hoàn tất”
(Ga 19,30) sau khi thốt ra lời trao gửi đó, như thể trong việc đón nhận Mạc Khải Thiên Chúa không thể thiếu sự hiện diện của Đức Maria.
Hành trình đức tin của Đức Maria là hành trình của người môn đệ. Mẹ là người môn đệ hoàn hảo luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến. Trước những biến cố cứu độ được thực hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, Mẹ đã ghi nhớ và suy niệm trong lòng
(x. Lc 2,51). Ngày hôm nay Mẹ đang nói với chúng ta điều Mẹ đã nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
Mẹ Maria, người đã đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngôi Lời trong lòng dạ, xin Mẹ dạy chúng ta biết sống Lời Chúa bằng tất cả tấm lòng, để chính cuộc sống chúng ta cũng trở thành Tin Mừng cho mọi người anh em, trên quê hương Việt Nam thân yêu này.
Làm tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu ngày 9 - 9 - 2005
Thay Mặt. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
+ Gm. Phaolô Nguyễn văn Hoà
Chủ Tịch
+ Gm. Phêrô Nguyễn Soạn
Tổng Thư Ký
(Tài Liệu được cung cấp từ Văn Phòng Thư Ký của HĐGMVN,
qua điện thư Công Giáo Việt Nam conggiaovietnam@gmail.com)