GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 15/9/2005

MẸ ĐAU THƯƠNG

NGÀY THÁNH THỂ

 

Lễ Mẹ Đau Thương

 

1)   NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

2) Thánh Thể là Hiện Diện Thực Sự nơi việc Cử Hành Thánh Lễ

3) Thánh Địa – Do Thái: Cuộc Triệt Thoái Lịch Sử; Palestine: “Một Thời Điểm Trọng Đại”

   

 

 

NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

 

LM Peter Joseph

 

 

Tôi muốn mở đầu câu chuyện với lời xác nhận là tôi có sở thích riêng về những cuộc mặc khải cá nhân. Tôi đã thăm viếng Paray-Le-Monial (nơi Chúa Giêsu đã tỏ bầy Thánh Tâm Ngài cho Thánh Nữ Magaret Mary vào thế kỷ XVII). Tôi đã thăm viếng Rue de Bac (nơi Mẫu Ảnh Phép Lạ được ban tặng cho Thánh Nữ Catherine Labouré năm 1830). Tôi đã thăm viếng Lourdes, Knock, và Fatima, cũng như thăm viếng cả hai thị trấn nước Bỉ nơi Đức Mẹ đã hiện ra: thị trấn Beauraing (1932-33) và Banneux (1933). Tôi cũng đã được đeo Giây Áo Đức Bà Mầu Nâu và Mẫu Ảnh Phép Lạ đó nữa. Tôi từng hướng dẫn những giờ Chầu Thánh Thể vào dịp mừng Lễ Mừng Kính Chúa Nhân Lành từ năm 1993 đến nay.

 

Với những sự kiện trên, tôi thiết tưởng quí bạn có thể nhận ra rằng tôi không phải là người chống đối các cuộc mặc khải. Thế nhưng tôi là người chống đối những cuộc mặc khải giả tạo. Tôi là người chống đối những cuộc mặc khải mơ hồ. Tôi là người chống đối những cuộc mặc khải không được Giáo Quyền chuẩn nhận. Tôi là người chống đối những cuộc mặc khải cá nhân do ám ảnh mà ra. Tôi chống đối những sự việc này một cách dứt khoát bởi vì tôi chỉ tin vào những cuộc mặc khải cá nhân xác thực, và tin vào vai trò của mặc khải tác động vào đời sống đức tin của Giáo Hội.

 

Số mặc khải và tín điệp bất chính lên tới mức quá nhiều trong hơn 40 năm qua khiến phải cần đến sự phân định về thần linh và khuyến cáo theo truyền thống hơn mức bình thường. Trong thời điểm tranh tối tranh sáng giữa sự hỗn độn của thế giới ngày nay và mảnh đất siêu nhiên trống trải, nhiều người Công Giáo đang đi tìm cách liên lạc với siêu nhiên qua ngả mặc khải cá nhân, bất kể được Giáo Quyền chuẩn nhận hay không, cũng như bất kể những loại mặc khải đó có phù hợp với đức tin hay không.

 

Những mặc khải cá nhân vẫn xẩy ra

 

Thiên Chúa có thể và thực sự trong các thời điểm khác nhau đã mặc khải riêng cho nhiều cá nhân. Những người đón nhận mặc khải luôn biết chắc rằng các mặc khải xuất phát từ Thiên Chúa, nên đều tin vào đó. Thế nhưng Giáo Hội không bao giờ bắt buộc người Công Giáo phải tin vào mặc khải riêng của bất cứ ai, ngay cả những mặc khải của các thánh nhân nổi tiếng. Giáo Hội chỉ chuẩn nhận sau khi có cuộc xét nghiệm chính xác và lợi ích siêu nhiên cũng như các yếu tố tạo nên mặc khải phải được coi là thỏa đáng.

 

Giáo lý

 

Câu 67 trong sách giáo lý có dạy rằng: “Qua các thời đại đã từng có những cuộc mặc khải được coi là “cá nhân” mà một số đã được Thẩm Quyền Giáo Hội chuẩn nhận. Tuy nhiên những mặc khải này không thuộc về nền móng Đức Tin. Vai trò của các mặc khải ấy cũng không “cải tiến” hoặc “hoàn chỉnh” cuộc mặc khải minh nhiên của Đức Kitô, nhưng chỉ giúp người ta nhờ vào đó mà sống đạo một cách hoàn hảo hơn trong một giai đoạn lịch sử nào đó mà thôi. ... Đức tin Kitô giáo không chấp nhận “các cuộc mặc khải” tự cho là có khả năng trổi vượt hay sửa đổi chính Mặc Khải mà Đức Kitô đã hoàn chỉnh, như trong trường hợp một số tôn giáo ngoài Kitô Giáo cũng như một số hệ phái gần đây dựa vào các loại mặc khải này để làm nền móng cho niềm tin của họ (Xin đọc St Thomas, Summa II-II, q.174, art.6, ad 3).

 

Như vậy, Sách Giáo Lý nhắm vào thành phần nào? Trong số người này, phải kể đến Hồi giáo và Mormon. Ông Mohammed (Hồi Giáo) cho rằng Bộ Sách Phúc Âm diễn đạt sai về Đức Kitô, riêng phái Mormon thì tin rằng phải có Giao Ước Thứ Ba.

 

Những nguồn của mặc khải

 

Chung cuộc có ba nguồn chính đem lại mặc khải, thị kiến và sự lạ hay những sự kiện tương tự. Đó là: Thiên Chúa, Người Trần, và Thần Dữ.

 

Từ Thiên Chúa, phải kể đến cả các tạo vật thánh thiện của Thiên Chúa nữa, như Đức Mẹ, một vị Thánh hay thiên thần nào đó.

 

Từ Người Trần, tôi muốn nhắm đến bất cứ kiến thức hay kỹ năng hay xảo thuật nào đó của con người, nhắm đến lừa bịp, óc tưởng tượng hay bất cứ hoạt động nào của người trần, nhắm tới bất cứ loại máy móc hay vật dụng nào đó dùng để đưa đẩy cho sự việc gì xẩy ra.

 

Từ Thần Dữ, tôi muốn nhắm đến chính thần dữ cũng như cộng tác viên của ma quỷ.

 

Quyền năng của thần dữ

 

Có rất ít người biết rõ và biết đầy đủ về các quyền năng của thần dữ cũng như khả năng của chúng trong việc lừa bịp. Nhiều người Công Giáo nghĩ rằng mỗi khi có sự lạ nào xẩy ra đều nhất thiết phải đến từ Thiên Chúa. Thế nhưng như tôi đã nói, các tín điệp hay sự lạ cuối cùng đều có thể phát nguồn từ Thiên Chúa, Người Trần, và Thần Dữ. Cần phải có nhận định sáng xuốt để phân định ai là tác nhân trong một trường hợp lạ lùng nào đó.

 

Chính sự nhận thức về trò lừa bịp của ma quỉ khiến Giáo Hội phải thận trọng trong việc phân định này. Phần trình bầy kế tiếp của tôi bàn về quyền năng của ma quỉ sẽ dựa vào quan điểm của Cha Jordan Aumann, một linh mục dòng Đa Minh, đã từng là giảng sư nhiều năm tại Đại Học Angelicum University ở Roma.

 

Các thần dữ có thể và không có thể làm được những gì?

 

Các thần dữ không có thể làm được những sự việc sau đây:

 

(1)   Không thể tạo ra được bất cứ hiện tượng nào mang sắc thái thuần túy siêu nhiên.

(2)   Không thể tạo ra được bất cứ một loài thực thể nào cả. Do đó chỉ có Thiên Chúa mới tạo dựng được mà thôi

(3)   Không thể cho người chết sống lại được, mặc dầu chúng có thể tạo ra ảo giác là có thể làm được như vậy.

(4)   Không thể đưa ra những lời tiên tri đích thực, chỉ duy mình Thiên Chúa mới biết một cách tuyệt đối về tương lai và một số người trần được Ngài tuyển chọn để thực hiện một phần nào đó thôi. Tuy nhiên sự phỏng đoán khéo léo của ma quỉ về tương lai khiến cho người phàm coi đó là lời tiên tri.

(5)   Không thể biết được tư tưởng thầm kín trong tâm trí con người. Tuy nhiên trí khôn và óc quan sát sắc sảo của chúng có thể giúp chúng suy luận nhiều thứ về con người.

Đồng thời các thần dữ có thể làm được những điều sau đây:

(1)   Chúng có thể tạo ra những thị kiến hữu hình hay trong tưởng tượng

(2)   Chúng có thể giả mạo ra những trạng thái xuất thần.

(3)   Chúng có thể chữa lành tức khắc những bệnh tình gây nên do sự ảnh hưởng quỉ quái của chính chúng.

(4)   Chúng có thể tạo ra năm dấu thánh.

(5)   Chúng có thể giả mạo phép lạ và hiện tượng bay bổng hoặc xuất hiện cùng lúc hai nơi.

(6)   Chúng có thể làm cho người hay vật nào đó biến mất bằng cách gây trở ngại cho thị giác của con người.

(7)   Chúng có thể tạo cho một người nghe thấy những âm thanh hoặc tiếng nói lạ.

(8)   Chúng có thể xui khiến một người nói được các ngôn ngữ khác nhau.

(9)   Chúng có thể tiết lộ một sự kiện được che dấu hay ở ngoài xa.

Bất cứ điều gì trong thiên nhiên hay khoa học có thể thực hiện thì chúng cũng có thể thực hiện được trong phạm vi quyền năng Thiên Chúa cho phép. Xin đọc Sách Xuất Hành trong Cựu Ước sẽ thấy một số phù thủy và pháp sư dưới thời vua Pharaon có thể thực hiện được một số việc lạ lùng mà Mai Sen và Aron đã từng làm (Ex 7:11-12; 7:22; 8:7; 8:18-19; 9:11). Đến gần năm 200 trước Công Nguyên, Ông Tertullian viết: “trước hết chúng (ma quỉ) làm cho bạn bị đau yếu bệnh tật, rồi cũng chính chúng nó chữa bệnh cho bạn. Chúng dùng những cách thức chữa trị có khi hoàn toàn khác thường có khi trái nghịch với những phương cách thông thường để nhờ đó chúng cất đi sự ảnh hưởng của đau đớn. Qua đó chúng đươc coi là kẻ kẻ tài giỏi về việc chữa trị (Apology of the Christian religion, 22).

 

Khi đối phó với khả năng lừa bịp của loài thiên thần sa ngã, một điều không mấy ngạc nhiên là Giáo Hội luôn tỏ thái độ rất chậm trễ trong việc tuyên bố sự xác thực của một mặc khải hay một tín điệp.

 

Thần dữ có sự thông minh siêu phàm và rất khéo léo, vì vậy bạn sẽ quá tự tin nếu bạn tự cho là mình tự có thể phán đoán về sự xác thực của một điều mà không cần đến sự giúp đỡ từ nơi nào khác.

 

Để nhận ra được một điều sai lầm, chỉ cần biết là điều ấy đang nói lên một điều nghịch lại với giáo huấn của Hội Thánh. Nhờ vậy bạn sẽ thấy dễ chống lại những người được thị kiến hơn là nghe theo họ. Thế nhưng chỉ xét đến khía cạnh thiếu vắng sự sai lầm về tín điều mà thôi thì chưa đủ. Còn cần đến các yếu tố tích cực khác nữa.

 

Sau đây là một số điều trích dẫn từ chương cuối của cuốn Spiritual Theology (Sheed & Ward 1980), một sách chỉ nam vững vàng của linh mục Dòng Đa Minh là cha Jordan Aumann.

 

(còn tiếp)

 

Bản dịch của Thảo Nguyên

 

TOP

 

 

Thánh Thể là Hiện Diện Thực Sự nơi việc Cử Hành Thánh Lễ

Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín Thánh Thể là một Hiện Diện Thực Sự ở khoản số 15 như sau:

• “Việc tái hiện thực một cách bí tích hiến tế của Chúa Kitô, một hiến tế được hiển vinh bởi cuộc phục sinh, nơi Thánh Lễ chất chứa một thứ hiện diện đặc biệt nhất như lời Đức Phaolô VI nói ‘được gọi là ‘có thực’, không phải kiểu loại trừ tất cả mọi kiểu hiện diện khác như những kiểu hiện diện ấy ‘không có thực’, song bởi đây là kiểu hiện diện trọn nghĩa nhất, một hiện diện chính yếu nhờ đó Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa Làm Người, hiện diện một cách trọn vẹn và hoàn toàn’ (Encyclical Letter Mysterium Fidei [3 September 1965]: AAS 57 [1965], 764). Điều này là điều lập lại giáo huấn bền vững của Công Đồng Chung Triđentinô, đó là ‘việc thánh hiến bánh và rượu làm biến đổi tất cả bản thể bánh thành bản thể thân mình của Đức Kitô Chúa chúng ta, và tất cả bản thể rượu thành bản thể máu của Người. Giáo Hội Công Giáo thánh thiện đã gọi việc biến đổi này một cách xác đáng và xứng hợp là việc biến thể’ (Session XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chapter 4: DS 1642)”.

Đúng thế, trong Thánh Lễ, ngay sau lời truyền phép của vị chủ tế trên bánh và rượu, thì việc biến thể xẩy ra, biến bản thể bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và biến bản thể rượu trở nên Máu Thánh Chúa Giêsu. Bởi vì, nếu bản thể của tất cả mọi sự ở cái “là” của nó thì sau lời truyền phép của chủ tế, cái “là” bánh thực sự không còn “là” bánh nữa (ngoài hình thức bánh), mà “là Mình Thày” và cái “là” rượu không còn “là” rượu nữa (ngoài hình thức rượu), mà “là Máu Thày”.

Sở dĩ việc biến thể này có thể xẩy ra một cách mầu nhiệm trước con mắt đức tin Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng là vì quyền năng của chính lời truyền phép, một lời truyền phép lập lại nguyên văn lời Chúa Kitô lập phép Thánh Thể xưa trong Bữa Tiệc Ly, “những lời là thần linh và là sự sống” (Jn 6:63), “những lời sự sống trường sinh” (Jn 6:68). Đúng thế, sở dĩ lời của Chúa Giêsu có thần lực toàn năng biến thể được bánh và rượu thành Mình Thánh và Máu Thánh của Người là vì lời của Người đầy Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng được vị chủ tế, trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV, ngay trước khi truyền phép kêu cầu ngự đến “thánh hóa những lễ vật này, để trở nên cho chúng tôi Mình vá Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi”.

Thật vậy, Thánh Thần Thiên Chúa là Tác Nhân trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của “Lời hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) thế nào (x Lk 1:35; Mt 1:20), đồng thời cũng là Tác Nhân trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đấng Tử Giá ra sao (x Rm 8:11), những mầu nhiệm đã thực sự xẩy ra trên thế giới này hơn 2000 năm trước đây, những mầu nhiệm đã trở thành hiện thực với một Nhân Vật Lịch Sử mang tên Giêsu Nazarét được sinh ra ở Bêlem và tử nạn ở Giêrusalem, thì Ngài cũng là Tác Nhân trong Mầu Nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm kéo dài Biến Cố Nhập Thể và Phục Sinh này.

Thế nhưng, để việc Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu Thánh Thể cực linh có thể xẩy ra, phụng vụ của Giáo Hội cần phải thực hiện những gì thiết yếu, như được Giáo Hội, qua Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích tái xác nhận trong Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh” (ban hành ngày 23/4/2004), ở Chương 3 sau đây, liên quan đến chất liệu của bánh và rượu, đến kinh nguyện cũng như đến tác động của vị chủ tế trong phần cực trọng nhất của Thánh Lễ này.

• “Bánh được dùng để cử hành Hiến Tế Thánh Thể Cực Linh phải là thứ bánh không men, thuần túy lúa miến, và mới được làm để tránh bị hư hoại (Cf. Code of Canon Law, can. 924.2; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 320). Bởi thế, thứ bánh được làm bởi chất khác, cho dù là bằng hạt giống, hay bị pha trộn với thứ chất khác với lúa miến cho đến độ vốn không được coi là bánh lúa miến, thì không làm nên chất thể hiệu thành cho Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể (Cf. S. Congregation for the Discipline of the Sacraments, Instruction, Dominus Salvator noster, 26 March 1929, n. 1: AAS 21 [1929] pp. 631-642, here p. 632). Thật là một lạm dụng trầm trọng trong việc trộn những chất khác, như trái cây, đường hoặc mật ong với bánh để làm thành Thánh Thể. Bánh Thánh cần phải được tỏ tường làm bởi những người chẳng những nổi bật về tính chất liêm chính của họ mà còn tài khéo làm việc này với những dụng cụ thích hợp nữa (Cf. ibidem, n. II: AAS 21 (1929) p. 635)” (khoản số 48).

• “Rượu được sử dụng trong việc cử hành cực linh Hiến Tế Thánh Thể phải là chất tự nhiên, từ trái nho, tinh khiết và nguyên tuyền, không bị pha trộn với các chất khác (Cf. Lk 22,18; Code of Canon Law, can. 924.1, 3; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 322). Trong khi cử hành cần pha một chút nước lã. Hết sức cẩn thận bảo trì rượu được dùng cho việc cử hành Thánh Thể, đừng để bị chua (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 323). Cấm không được sử dụng loại rượu không rõ về tính chất trung thực hay nguyên tuyền của nó, vì Giáo Hội cần bảo đảm những điều kiện cần thiết đối với tính cách hiệu thành của các bí tích. Bất cứ vì lý do nào cũng không được sử dụng những thức uống nào khác, vì chúng không phải là chất thể hiệu thành”. (khoản số 50).

• “Chỉ được sử dụng những Kinh Nguyện Thánh Thể trong Sách Lễ Rôma hay được Tòa Thánh có thẩm quyền chuẩn nhận, theo cách thức và từ ngữ đã được dọn sẵn. ‘Không thể chấp nhận việc có một số Linh Mục cho rằng mình có quyền sáng chế ra những Kinh Nguyện Thánh Thể riêng’ (Pope John Paul II, Apostolic Letter, Vicesimus quintus annus, n. 13, AAS 81 (1989), hay thay đổi bản văn đã được Giáo Hội công nhận, hoặc xen vào những bản văn khác được những cá nhân riêng tư nào đó sáng tác (S. Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Instruction, Inaestimabile donum, n. 5: AAS 72 (1980) pp. 335)”. (khoản số 51).

• “Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản chất là tột đỉnh của tất cả cuộc cử hành Thánh Thể, xứng hợp cho Linh Mục theo Chức Thánh của ngài. Bởi thế việc lạm dụng xẩy ra khi để cho một Phó Tế, một thừa tác viên giáo dân, hay bởi một phần tử cá nhân tín hữu, hoặc bởi chung tất cả mọi thành phần tín hữu đọc một số phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Vậy chỉ có Linh Mục mới được toàn quyền đọc Kinh Nguyện Thánh Thể mà thôi (Cf. Pope John Paul II, Encyclical Letter, Ecclesia de Eucharistia, n. 28: AAS 95 [2003] p. 452; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 147; S. Congregation for Divine Worship, Instruction, Liturgicae instaurationes, n. 4: AAS 62 [1970] p. 698; S. Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Instruction, Inaestimabile donum, n. 4: AAS 72 [1980] p. 334)”. (khoản số 52).

• “Trong khi vị Linh Mục công bố Kinh Nguyện Thánh Thể thì ‘không đọc một kinh nguyện nào khác hay ca hát, và dương cầm hoặc các nhạc cụ khác đều phải lặng yên’ (Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 32), trừ những lời than của cộng đồng đã được xứng hợp cho phép, như đề cập dưới đây”. (khoản số 53).

• “Ở một số nơi xẩy ra việc lạm dụng là vị Linh Mục bẻ bánh thánh vào lúc truyền phép trong Thánh Lễ. Việc lạm dụng này phản với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần phải bị bác bỏ và sữa lại liền”. (khoản số 55).
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

Thánh Địa – Do Thái: Cuộc Triệt Thoái Lịch Sử; Palestine: “Một Thời Điểm Trọng Đại”

 

Đúng như qui ước giữa hai bên, Do Thái đã thực hiện việc triệt thoái những người lính cuối cùng của mình ở Gaza hôm Thứ Hai 12/9/2005, sau 38 năm chiếm đóng, tức từ sau Trận Chiến 7 Ngày năm 1967, một trận chiến Do Thái đã bị khối Ả Rập Hồi Giáo (trong đó có cả Ai Cập) bất ngờ tấn công nhưng họ đã chẳng những nhanh chóng phản công lại còn thừa thắng xông lên chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine cho tới nay.

 

Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là ông Mahmoud Abbas đã đi tham quan khu cư trú Eli Sinai của người Do Thái được trao trả cho Palestine, và nói rằng việc triệt thoái của Do Thái là “một thời điểm trọng đại” nhưng họ vẫn cần phải làm nhiều điều khác nữa mới có thể làm cho nhân dân Palestine được thực sự cảm thất “hạnh phúc và tự do”.

 

Trong khi đó, nhân dân Palestine ùa vào những khu cư trú bị bỏ trống, bắn súng, hát hò và trong một số trường hợp còn bắn vào các hội đường bỏ trống của người Do Thái nữa.

 

Tổng Thống Abbas nói về những hành vi cử chỉ hớn hở hân hoan của nhân dân của mình là “Họ phải bày tỏ cảm giác của họ. Đây là một ngày lịch sử”, và thêm rằng người Palestine vẫn cần làm sao để có thể dễ dàng ra vào Gaza, tức là có thể vượt qua ranh giới đang được Do Thái kiểm soát. “Chúng tôi cần nhìn thấy được cả ở vùng Tây Ngạn nữa và chấm dứt cuộc xâm chiếm ở đó”.

 

Đúng vào lúc 7 giờ sáng Thứ Hai, 12/9/2005, cuộc triệt thoái chính thức bắt đầu. Để rồi, sau khi lực lượng Do Thái đóng cổng Kissufim lại, một phát ngôn viên của Lực Lượng Bênh Vực Do Thái IDF (Israel Defense Forces) đã lên tiếng thách thức các viên chức Palestine rằng:

 

“Từ nay trở đi, trọn trách nhiệm về những diễn biến xẩy ra ở Giải Gaza cũng như về các cuộc khủng bố tấn công phá hoại nhắm vào người Do Thái là ở trong tay Thẩm Quyền Palestine và những thiết bị của họ”.

 

Riêng về các hội đường Do Thái, hôm Chúa Nhật 11/9, hội đồng nội các Do Thái đã bỏ phiếu không hủy hoại 25 hội đường Do Thái bị bỏ lại ở Gaza, thay vào đó, xin Thẩm Quyền Palestine bảo vệ. Thế nhưng Abbas nói rằng những dinh thự ấy không phải là các hội đường nữa và sẽ bị hủy hoại “để sử dụng đất đai để thực hiện những dự án cho lợi ích hơn của nhân dân Palestine”.

 

Do Thái đã hạ cờ của mình ở Gaza xuống vào hôm Chúa Nhật 11/9/2005, dấu hiệu chấm dứt cuộc chiếm đóng sau 38 năm trường.

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ