GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 20/9/2005

 

1)   Hãy Cầu Nguyện Cho THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC 2005

2)   Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Phi và Tchad: “LÀ NGƯỜI VIỆT NAM, TÔI NHỚ QUÊ HƯƠNG…”

3)   NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ (tiếp và hết)    

   

 

 

Hãy Cầu Nguyện Cho THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC 2005

 

Từ đầu thượng tuần Tháng 10 tới đây, Giáo Hội Công Giáo sẽ tổ chức tại Rô-ma cuộc họp của các Giám Mục được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới theo thể thức Hội Nghị Chung Thường Lệ thứ 11 gọi là Thượng Hội Đồng Giám Mục 2005.

 

Trước tiên, có hai câu hỏi cần được giải đáp:

 

Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) là gì?

 

Tại sao gọi THĐGM 2005 là Hội Nghị Chung Thường Lệ thứ 11 (HNCTL XI)?

 

Thượng Hội Đồng Giám Mục là thể chế định kỳ được Đức GH. Phaolô VI thiết lập vào tháng 9-1965 hầu đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ tham dự Công Đồng Vaticanô II (1962-65) muốn duy trì tinh thần liên kết phát xuất từ Công Đồng. Thượng Hội Đồng Giám Mục thường gọi là Synode hay Synod từ gốc tiếng Hy lap sunodos gồm có “sun tức syn” có nghĩa “cùng nhau” và “odos hay hodos” có nghĩa “con đường”, gộp chung thành “cùng nhau trên con đường tiến tới”.

 

Theo nghiên cứu của LM Ant. Nguyễn Ngọc Sơn, “Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) là hội nghị các Giám mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, theo định kỳ họp mặt, để cổ vũ sự liên kết chặt chẽ giữa Giáo hoàng là giám mục thành Rô ma và các giám mục trên thế giới, nhằm góp sức giúp Đức Giáo hoàng trong việc điều hành Giáo Hội, bảo toàn và phát triển Đức tin, cũng như duy trì và củng cố kỷ luật trong Giáo Hội. THĐGM có thể họp thành Hội nghị chung thường lệ hay ngoại lệ, hoặc Hội nghị chung đặc biệt liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, hoặc liên quan đến một hay nhiều miền nhất định trên hoàn vũ.”

 

Từ 1967 đến nay có 20 hội nghị chung, gồm 10 Hội Nghị Chung Thường Lệ (ghi theo thứ tự HNCTL I đến X) và 10 Hội Nghị Chung Ngoại Lệ, trong số đó, dưới thời Đức GH. Gioan Phaolô II có 15 Hội Nghị gồm 6 Hội Nghị Chung Thường Lệ thứ 5 đến thứ 10 (HNCTL V – X) và 9 Hội Nghị Chung ngoại lệ hoặc đặc biệt. Tiêu biểu nhất là Hội Nghị Chung Ngoại Lệ II từ 24-11 đến 8-12-1985 với chủ đề “Kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng Vaticanô II” và HNC Thường Lệ X (thứ 10) được tổ chức tại Rô ma, từ 30-9 đến 27-10-2001 với chủ đề “Giám mục Thừa tác viên của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, phục vụ niềm hy vọng thế giới”.

 

Trong mỗi hội nghị của THĐGM, số tham dự viên không giới hạn, nhưng chỉ có các nghị phụ được tuyển chọn mới có quyền bỏ phiếu.

 

Ví dụ: Vào HNCTL X (Th. 9, 10-2001) có 286 vị tham dự, nhưng chỉ có 247 nghị phụ có quyền bỏ phiếu trong số có 161 nghị phụ là giám mục được tuyển chọn từ tất cả 112 Hội Đồng Giám Mục trên thế giới. (Xin xem thêm: LM. Ant. Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam - Niên Giám 2005, tr. 98-99)

 

Ngoài ra, đối với người viết, có ba lý do chính yếu thúc đẩy việc mạnh dạn kêu gọi “Hăy cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục 2005”:

 

1. Vì Hội Nghị Chung nầy là biến cố quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo

 

2. Vì có nhiều tín hữu giáo dân khắp nơi, nhất là từ Âu Châu và Mỹ Châu, nhiệt thành tham gia góp ý trong quá trình chuẩn bị Thượng Hội Đồng GM

 

3. Vì sự cần thiết của người Kitô-hữu phải cùng suy tư và đồng hành với Giáo Hội.

 

Tầm quan trọng của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2005

 

1. Ngày 12-2-2004, Tòa Thánh Vatican loan tin về cuộc họp của “Thượng Hội Đồng Giám Mục 2005” được tổ chức tại Rô ma, từ ngày 2 đến 29-10-2005. Việc triệu tập THĐGM 2005 được Đức Gioan Phaolô II nói rõ vào Th. 6-2004, sau tuần bát nhật Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chiều Thứ Năm 10-6-04, khi kết thúc Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu do chính Đức Thánh Cha chủ tế tại nhà thờ chính tòa Rôma, tức Vương cung thánh đừờng Gioan La-tê-ra-nô.

 

Thực ra, lời loan báo nằm trong công bố chính thức về việc Đức Thánh Cha ban hành “Năm Thánh Thể” khởi sự từ Tháng 10-2004 với Đại Hội Thánh Thể từ 10 đến 17-10-2004 tại VCTĐ Guadalajara, Mễ tây cơ, và kết thúc vào Tháng 10-2005, với Hội Nghị Chung Thường Lệ XI của các Giám mục từ 2 đến 29-10-2005.

 

2. THĐGM 2005 rất quan trọng vì không những đánh dấu kỷ niệm Tự Sắc Apostolica Sollicitudo (xin dịch là Niềm Ưu tư Tông truyền) do Đức GH. Phaolô VI ban hành để thiết lập THĐGM cách đây 40 năm (15-9-1965/2005), mà còn là biến cố về sự sống của Giáo Hội vào ngàn năm thứ ba hay những năm của Thế Kỷ 21.

 

3. Chủ đề của HNCTL XI là “Thánh Thể: Nguồn mạch và Đỉnh cao của Sự Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội” – The Eucharist: Source and Summit of the Life and Mission of the Church”, nói lên sự chú trọng đặt Bí tích Thánh Thể vào trung tâm ưu tư mục vụ của triều đại Gioan Phaolô II như từng nhắc đến “Giáo Hội sống bởi Phép Thánh Thể”. Cũng chính Phép Thánh Thể là chủ đề Thông điệp mang tên “Ecclesia de Eucaristia”, có nghĩa “Giáo Hội từ Phép Thánh Thể”, được Đức cố GH. Gioan Phaolô II ban hành ngày 17-4-2003, lúc khởi sự ngàn năm mới thứ ba. Trong triều đại ngài (1978-2005), Đức cố GH Gioan Phaolô II đă ban hành 13 Thông điệp trước năm 2000 và Thông điệp thứ 14 (Ecclesia de Eucaristia) vào 2003, năm thứ ba của thế kỷ mới 21. Trong bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, vào chiều ngày 10-6-2004, Đức Thánh Cha ban huấn từ nói đến:

 

“Đức Kitô, bánh hằng sống bởi trời mà xuống, là lương thực duy nhất khả dĩ làm thỏa mãn sự đói khát của con người trong mọi thời đại và mọi nơi trên thế giới... Qua Phép Thánh Thể, Đức Kitô ban mình và máu Người vì sự sống của nhân loại. Những ai được nuôi sống cách xứng đáng tại bàn của Người thì trở nên những khí cụ sống động về sự hiện diện của Người trong yêu thương, nhân hậu và hoà bình.”

 

Để khai triển ý nghĩa chủ đề “Thánh Thể: Nguồn mạch và Đỉnh cao của Sự Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”, Đức Gioan Phaolô II còn ban hành Tông Thư “Mane nobiscum Domine” (Xin Chúa ở lại với chúng con) (Lc 24: 29)

 

4. THĐGM 2005 là bằng chứng sự tiếp nối hài hoà của hai triều đại giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bê-nê-đic-tô XVI. Khi lên ngai tòa kế vị Thánh Phêrô từ trung tuần tháng Tư 2005, Đức GH. Bênêđíctô XVI đã theo đúng những gì Đức GH tiền nhiệm chuẩn bị về THĐGM 2005, theo đó, ngày 12-2-04, Đức TGM Nikola Eterovic được bổ nhiệm làm Tổng Thư Ký HNCTL XI và 12-3-05, bổ nhiệm các vị chủ tịch hội nghị như Đức Hồng y Francis Arinze, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích; Đức Hồng y Juan Sandoval Iniquez, Tổng GM Guadalajara, Mễ tây cơ; Đức Hồng y Telesphore Plcidus Toppo, Tổng GM Ranchi, Ấn Độ, là những vị sẽ luân phiên chủ tọa các buổi họp của HNCTL XI vào tháng 10-2005.

 

Ngày 4-7-05, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: Đức GH. Bênêđíctô XVI tiến hành Hội Nghị Chung TL XI như Đức GH tiền nhiệm vạch ra, cả về “Chủ Đề” và lãnh đạo. Thông tin cho biết thêm Đức Hồng y Angelo Scola, giáo chủ Tổng GP Venise, là điều hợp viên tổng quát có trách nhiệm giới thiệu, nêu trọng tâm và tổng hợp các cuộc thảo luận; Đúc Tổng GM Roland Minnerath, TGP Dijon, Pháp, được bổ nhiệm làm thư ký đặc biệt của THĐGM, là phần hành đáp ứng những công việc của các vị chủ tịch THĐGM, của Hội Nghị và của Tổng thư ký để chuẩn bị tài liệu và phúc trình; đưa ra các giải thích, cũng như thông tin cho những ai muốn có, và, sau cùng, viết lại các kết luận của THĐGM.

 

Theo văn kiện Instrumentum laboris – tài liệu công tác, ngày 12-5-05, Đức GH. Bênêđíctô XVI minh định có khoảng 250 nghị phụ tham dự Hội nghị. Ngoài các Giám mục đại diện các Hội Đồng GM trên thế giới, các giáo phẩm trách nhiệm các Phủ, Bộ, Tòa án và Hội Đồng Giáo hoàng của Giáo triều Rô ma đều được mời tham gia Hội Nghị. Ngoài ra, Đức Thánh Cha còn  cử một số các nhân vật nam, nữ, giáo dân và tu sĩ, có khả năng đóng góp vào các thảo luận của Hội Nghị.

 

Chỉ có thay đổi nhỏ là Hội Nghị, thay vì kéo dài đến 29-10 thì chỉ diễn ra từ ngày 2 đến 23-10-2005, giảm bớt 6 ngày để các Nghị phụ sớm trở về công việc của nhiệm sở mình, và các Giám mục sớm có thời giờ với dân Chúa trong địa phận.

 

Sự tham gia nhiệt thành của Giáo Dân

 

Đặc điểm của Hội Nghị Chung Thường Lệ XI là có nhiều tín hữu giáo dân nhiệt thành tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình chuẩn bị Hội Nghị từ hơn một năm qua. Cụ thể như ở Âu Châu, tại Pháp, có phong trào NSAE, gồm các chữ viết tắt của khẩu hiệu Nous sommes aussi l’Eglise (Chúng tôi, (chúng ta) cũng là Giáo Hội); hoặc tại Áo, Đức có tổ chức “WSK - Wir sind Kirche” (Chúng tôi (chúng ta) là Giáo Hội); tại Canada có Nhóm Phát biểu – Groupe du Manifest, Ottawa; tại Hoa Kỳ có Catholic World News (Tin tức Công Giáo Hoàn vũ). Khuynh hướng chung là nhắc bảo người giáo hữu phải quan tâm đến HNCTL XI hay THĐGM 2005 vì Thánh Lễ, Thánh Thể không chỉ là công việc riêng của các giám muc, linh mục mà còn liên quan đến toàn thể Cộng đồng Dân Chúa. Người tín hữu giáo dân nam, nữ phải trưởng thành; mạnh dạn góp ý với các Giám mục để hướng vào Thánh Thể, đem lại lợi ích cho Sư Sống và Sứ Mệnh Giáo Hội.

 

Nhưng, tham gia không những có đáp ứng mà có cả phản ứng, nhất là đối với tài liệu của Tòa Thánh mang tên “Redemptionis Sacramentum” (Bí tích của Sự Cứu Rỗi), ngoài những đề cao vào sự cao cả, yêu thương, nhân ái, hy sinh của Thánh Thể, góp ý còn đề cập đến những sai trái, tội lỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa cách không xứng đáng, gây nên phản ứng “chống lại có hệ thống” – Réseau Résistances tại Bỉ, hay “Sáng kiến cho một Giáo Hội sống động hơn” (Initiative pour une Église plus vivante) tại Ý, hoặc những nhóm như “Groupes Jonas” tại Pháp, yêu cầu xét lại những điều vô bổ hay vô ích trong tài liệu của Tòa Thánh.

 

Đối với người tín hữu giáo dân Việt Nam

 

Người tín hữu Công Giáo Việt Nam thường được tiếng ngoan đạo: vững tin và phụng sự Thiên Chúa, cũng như trung thành với Giáo Hội, nhưng có thể nói giữ đạo theo thói quen, Cha nói sao con nghe vậy (Pater dixit) là lề lối phổ biến.

 

Hoạt động của Chúa Thánh Thần, hay tác động của Thánh Linh “Canh Tân Bộ Mặt Thế Gian – Et renovabis faciem terrae - đă được mạc khải qua Công Đồng Vaticanô II trên dưới 40 năm (từ 11-10-1962 đến 8-12-1965). Nhưng phải chăng khắp nơi trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, mọi sự đều như cũ (nói theo ngôn từ khôi hài là Vũ Như Cẩn hay Vẫn Như Cũ!)

 

Trong khi Giáo Hội, cụ thể qua hơn 26 năm (1978-2005) triều đại Gioan Phaolô II, đă có biết bao nhiêu huấn từ, sứ điệp, tông thư, tông huấn, thông điệp về canh tân Đời Sống đạo đức hầu người tín hữu giáo dân Sống Đạo trong Thế Giới Ngày Nay.

 

Một ít ví dụ: Năm nay là Năm Thánh Thể (từ tháng 10-2004 đến cuối tháng 10-2005) mà chỉ còn một tháng  nữa là kết thúc, thế nhưng chúng ta đă và đang sống Năm Thánh Thể như thế nào? Có theo giáo huấn của Hội Thánh chăng?

 

“Thánh Thể: Nguồn mạch và Đỉnh cao của Sự Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội” là chân lý mà mọi tín hữu đều khâm phục; nhưng, còn thiếu sự đào sâu học hỏi về Thánh Thể qua các tài liệu giáo huấn của Đức cố GH. Gioan Phaolô II.

 

Phải chi Mầu Nhiệm Thánh Thể được tìm hiểu, học hỏi, thì số người tham dự Dại Hội Thánh Thể ngày 24 tháng 7-2005 vừa qua tại Anaheim Convention Center do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange tổ chức đă được đông đúc nhiệt tình hơn nhiều!

 

Trên đây chỉ là đôi điều tự vấn lương tâm để Dân Chúa cùng suy tư và đồng hành với Hội Thánh! Trước mắt, vào ngày 15 tháng 9, kỷ niệm ban hành Tự Sắc Apostolica Sollicitudo của Đức GH, Phaolô VI thiết lập THĐGM cách đây 40 năm (15-9-1965/ 2005), xin hăy hiệp thông cầu nguyện cho “Thượng Hội Đồng Giám Mục 2005” hay “Hội Nghị Chung Thường Lệ XI” tiến hành từ 2 đến 23-10-2005 được thành công tốt đẹp!

 

Gs. Trần Văn Trí (Th. 9-2005)

 

 

TOP

 

Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Phi và Tchad: “LÀ NGƯỜI VIỆT NAM, TÔI NHỚ QUÊ HƯƠNG…”

 

 Trong những ngày lưu trú tại quê nhà, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Phi và Tchad (nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Tôgô và Bênin) có dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi ngắn. Xin gởi đến quý bạn đọc những suy nghĩ của ngài qua cuộc trò chuyện này.

 

Cộng tác viên: Kính chào Đức Tổng. Đức Tổng có thể nói rõ hơn để chúng con được hiểu về công việc của một Sứ thần Tòa Thánh không, thưa Đức Tổng?

 

ĐTGM. Nguyễn Văn Tốt: Chào anh. Công việc của một Sứ thần Tòa Thánh thì nhiều và bận rộn. Chẳng hạn tại Tôgô và Bênin, nhiều lần tôi thay mặt Tòa Thánh tiến hành chọn và giới thiệu danh sách các ứng viên giám mục khi có một đức Giám mục nào đó qua đời. Tuy nhiên, dù bận rộn, tôi vẫn dành thời gian, cùng người quản lý đi ra phố chợ mua thức ăn, quà bánh cho trẻ em người da màu và đùa với chúng nó một chút để sau đó tiếp tục làm việc tỉnh táo hơn.

 

CTV: Chúng con được biết, cách đây 11 năm, tức vào mùa hè năm 1994, Đức Tổng đã về thăm quê hương. Lần viếng thăm quê hương này, Đức Tổng có nhận xét gì, so với cách đây 11 năm?

 

ĐTGM. NVT: Về con người, tôi thấy vẫn y như vậy, vẫn đón nhận tôi và dành cho tôi rất nhiều quý mến và thiện cảm. Tôi đặc biệt cám ơn anh chị em linh mục, tu sĩ, giáo dân ở hai giáo xứ Lái Thiêu và Búng đã chân thành tiếp rước và xem tôi như một người anh em từ lâu xa xứ trở về.

 

Về đời sống, sinh hoạt của mọi người, tôi thấy hình như mức sống của họ tiến triển khá nhanh. Tôi nhận thấy nhiều nhà cửa sạch đẹp hơn, hàng quán hình như nhiều hơn trước đây, tấp nập hơn. Tôi cũng nhận thấy nhiều đường xá mới mẽ và rộng rãi. Nhiều cây cầu mới rất đẹp… Nếu tôi nhớ không lầm, cách đây 11 năm, hình như tôi không tìm thấy siêu thị, nhưng bây giờ, chỉ cần hỏi thăm là người dân đã có thể cung cấp cho tôi cả một danh sách các siêu thị. Có những món hàng mà cách đây 11 năm, tôi tìm không thấy, nhưng bây giờ, tôi thấy họ bán thật nhiều.

 

CTV: Đức Tổng có so sánh gì giữa quê hương Việt Nam và những nơi mà Đức Tổng được gởi đến truyền giáo?

 

ĐTGM. NVT: Tôi không sống lâu trên quê hương thân yêu này, chỉ có thể theo dõi qua phương tiện truyền thông đại chúng. Hơn nữa lần này về quê hương cũng chỉ có một tháng. Vì thế, để có một nhận định xác đáng, từ đó rút ra sự so sánh, tôi nghĩ rằng, tôi khó có thể làm được. Hơn nữa, mỗi nơi là một hoàn cảnh, mỗi đất nước, mỗi dân tộc có những tập quán và nếp sống riêng của mình, vì thế lại càng khó so sánh. Nhưng tôi có thể nói một cách khái quát thế này: Chẳng hạn như so với châu Phi, dân Việt Chúng ta có mức sống cao hơn. Chúng ta còn có đủ lương thực để có thể xuất khẩu, còn hai xứ mà tôi vừa hoàn thành công tác Sứ thần Tòa Thánh, lương thực của họ chủ yếu là bắp ngô, củ sắn (khoai mì), và khoai mỡ. Nhưng có lẽ, Chúa cũng bù đắp cho họ, vì thế đất đai của họ rất phì nhiêu, một củ khoai mỡ nặng 5kg là chuyện bình thường. Còn gạo thì rất đắt, thường phải nhập từ Việt Nam và Thái Lan. Là người Việt xa quê, như bao nhiêu người Việt khác, tôi cũng nhớ quê hương. Vì nhớ quê hương, nhớ những người thân ở quê hương, tôi thường xin họ những bao đựng gạo có viết hai chữ Việt Nam sau khi họ đã sử dụng hết gạo, để cất giữ.

 

Một điểm khác nữa, đó là quê hương chúng ta khá an bình. Ngược lại, hiện nay tại Tôgô vẫn còn rất nhiều bất ổn. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho họ.

 

CTV: Hiện nay có tin đồn, nếu Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, thì chính Đức Tổng sẽ trở về quê hương làm Sứ thần Tòa Thánh. Thật tình chúng con không biết tin đồn này xuất phát từ đâu? Mức độ chính xác bao nhiêu? Nhưng với riêng bản thân Đức Tổng, Đức Tổng nghĩ gì về tin đồn này?

 

ĐTGM. NVT: Chẳng có bao giờ có ai muốn thù hận. Vì thế, nếu có mối bang giao với bất cứ quốc gia nào là tạo thêm tình yêu, thêm bạn bè. Đối với vấn đề của chúng ta, nếu việc Tòa Thánh và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao là sự thật, thì đây là niềm vui mừng lớn cho cả Tòa Thánh, cho Việt Nam và người giáo dân Việt Nam. Bởi khi hai bên đều có thêm một tình bạn, cả hai bên sẽ có thêm sự hiểu biết lẫn nhau.

 

Riêng bản thân tôi, nếu có vấn đề bang giao, và nếu cá nhân tôi được tín nhiệm, cũng như đối với bất kỳ quốc gia nào tôi đã từng đến, hay sẽ đến, tôi đều chấp nhận trong vâng lời và vui mừng. Nhưng thực tế, tôi chưa được biết gì về mối quan hệ này, cũng chưa bao giờ thấy có ai đặt vấn đề này với tôi. Đàng khác, hiện nay tôi lại đang được cử đến Tòa Sứ thần mới để làm tân Sứ thần tại nhiệm sở mới.

 

GIOAN BAOTIXITA - MARIA.

 

TOP

 

NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ (tiếp và hết)    

 

Những gương về người thị kiến bị luận xét là lầm lạc

 

Đối với những lời minh xác gán cho Đức Giáo Hoàng (chẳng hạn như: tôi nghe thấy rằng Đức Giáo Hoàng có nói với bà Smith sau thánh lễ tại Nguyện Đường riêng của ngài rằng ngài tin có mặc khải tại Garabandal và Bayside;” hoặc: “Đức Giáo Hoàng bảo Jack rằng ông ta cứ việc xúc tiến ấn hành cuốn sách bị cấm đó”) - không ai được quyền hành động theo chuyện tầm phào như thế. Giáo Hội được điều hành bằng những minh định và được ban bố một cách công khai - chứ không nhờ đến những tin đồn hay thông tin cá nhân như vậy.

 

Các Đức Giáo Hoàng có thể tự chọn việc bầy tỏ sự chuẩn nhận của các ngài đối với một vài mặc khải nào đó theo sau quyết định của Giám Mục địa phương, hay Hội Đồng Giám Mục bằng cách ngài đề cập đến mặc khải, hoặc bằng cách đặt thêm ngày lễ kính trong niên lịch phụng vụ, hoặc bằng cách hành hương đến nơi có liên hệ mật thiết với mặc khải (v.d: Guadalupe, Paray-le-Monial, Rue de Bac, Lourdes, Knock, Fatima, Beauraing, Banneux).

 

Vào một lần kia, Thánh Tâm Chúa Giêsu bảo Thánh Nữ Margaret Mary làm điều gì đó, nhưng bề trên của Thánh Nữ không chấp thuận. Lần Ngài hiện ra sau đó, Thánh Nữ hỏi Ngài về việc này Ngài nói: “... không những Cha mong muốn con nên làm những gì Bề Trên của con khuyên làm, nhưng Cha còn muốn con không được làm bất cứ điều gì khi không có sự chấp thuận của Bề Trên dù đó là điều Cha bảo con làm. Cha hài lòng về sự vâng lời của con. Cha không hài lòng với bất cứ ai không có đức vâng lời” [Bút Ký của Thánh Nữ Margaret Mary].

 

Các tác giả tu đức thường có câu châm ngôn: Bề Trên có hoặc không được linh ứng về những điều mà họ khuyên bảo, nhưng chính con luôn được linh ứng là phải vâng lời. (Dĩ nhiên ở đây chúng ta không nói đến việc Bề Trên khuyên đi vào đường tội, và như tôi đã nhấn mạnh trước rằng nếu bỏ qua điều mặc khải cũng không bị coi là phạm tội gì cả).

 

Satan có khả năng lừa dối bằng cách cổ võ việc tốt trong một thời gian để cuối cùng chúng chiếm phần thắng lợi trong tương lai. Những cuộc mặc khải của Necedah, của Wisconsin xem ra có hiệu quả tốt, nhưng lại là sai lầm. Chuỗi tràng hạt được nói là biến thành vàng. Mặc khải tại Bayside cũng tương tự như thế. Và rồi chính sự không vâng lời đã minh chứng họ sai lầm. Chúa nói với Thánh Nữ Margaret Mary rằng: “Con gái của Cha ơi! Hãy lắng nghe! Đừng bao giờ con nhẹ dạ tin vào thần linh nào cả, vì Satan sẽ căm hờn và tìm nhiều cách để lừa dối con. Con đừng làm điều gì khi không có sự chấp thuận của người linh hướng cho con. Như thế dưới danh nghĩa đức vâng lời, những cố gắng của Satan chống lại con sẽ thành vô vọng, bởi vì chúng chẳng có quyền lực gì trên người biết vâng lời” [Bút Ký]. 

 

Ngoài yếu tố sai lầm đã bàn tới, một dấu chứng quan trọng khác của điều bí nhiệm giả mạo phải lưu tâm tới đó là tính cố chấp và bất tuân. Tôi rất thích lời trích dẫn của Thánh Faustina Kowalska: “Satan có thể khoác vào mình chiếc áo khiêm nhường, nhưng chúng không biết cách mặc chiếc áo vâng lời” (Nhật Ký đoạn 939). Những người được thị kiến trung thực, như Thánh Piô Thành Pietrelcina (thường gọi là Cha Piô), là những gương mẫu mực thước về đức vâng lời. Họ chẳng bao giờ dựng nên chuyện Đức Kitô chống lại Giáo Hội cùa Ngài.

 

Nếu một tín điệp không được chuẩn nhận là xác thực vì lý do tín lý, bạn không được tự do bào chữa cho các loại tín điệp ấy, bởi vì bạn sẽ bào chữa cho sự sai lầm. Trường hợp Vassula Ryden là một ví dụ về khía cạnh này: Mặc dù Thánh Bộ Tín Lý Ðức tin đã phán quyết các bài viết của Ryden sai lầm về tín lý. Một số người đạo đức vẫn còn nêu nghi vấn để biện minh và thắc mắc nhằm bào chữa cho Ryden là điều tôi không hiểu nổi vì điều đó vượt quá khả năng. Trường hợp của Vassula rõ ràng như trắng với đen. Ngoài yếu tố không phù hợp giáo điều, điều mà nàng tự cho là mặc khải đã được chính Chúa tự tay viết ra lại có chứa nhiều lỗi chính tả và văn phạm Tiếng Anh!

 

Bạn có quyền nói công khai rằng một mặc khải đã được chuẩn nhận là không xác thực chăng? Được, bạn có thể nói như thế nếu muốn. Giáo Hội chẳng bao giờ buộc bạn phải nhìn nhận mặc khải cá nhân nào cả. Tuy nhiên thái độ bất đồng ý kiến như thế nên phát biểu với lòng kính trọng.

 

Cẩn trọng chẳng khi nào gây hại

 

Một sự kiện đơn giản cần nhớ là hầu hết các cuộc mặc khải cá nhân đều là giả mạo. Do đó thật là khờ dại nếu lại đi dấn thân vào việc truyền bá một tín điệp sai lầm hay còn đang trong nghi ngờ là có thể xuất phát từ Cha của Dối Trá. Nếu một ngày nào đó bạn tự nhận ra được đó là điều sai lầm, bạn sẽ hối tiếc không biết bao nhiêu mà kể, và lúc đó bạn sẽ không có cách nào hàn gắn lại được những thiệt hại bạn đã gây ra cho người khác. Mặt khác, nếu bạn muốn truyền bá thì thiếu gì những tín điệp đã được chuẩn nhận để truyền bá. Tốt nhất là hãy gắn bó với những điều đã được Giáo Hội phê chuẩn hơn là làm theo ý riêng để rồi dễ sa vào bẫy lừa đảo của thần dữ.

 

Cha Peter Joseph ở Wagga Wagga, Úc Châu. Ngài có bằng tiến sĩ về Tín Lý Thần Học của Đại Học Giáo Hoàng Gregorian, Roma. Ngài là người hiệu đính trong việc duyệt lại bộ "Apologetics and Catholic Doctrine" của Đức Tổng Giám Mục Sheelan (nhà xuất bản Saint Austin Press năm 2001). Hiện nay ngài là chưởng ấn của Tỉnh Dòng Maronite Úc Châu.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 14/9/2005

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ