GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 23/9/2005

 

 

1)   CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

2) DI SẢN VĂN HÓA CỦA MỘT NGƯỜI CHA “TRỞ  NÊN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

   

 

 

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

 

(Bài phát biểu của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại buổi Toạ đàm Khoa học của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, ngày 20-9-2005)


Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa quý vị khách quý và các bạn thân mến,


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm bế mạc Công đồng Chung Vatican II và 25 năm thực hiện Thư Chung (1980) của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), xin cho phép tôi được chia sẻ đôi điều trong buổi Toạ đàm Khoa học của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam về Con đường đi tới của Giáo hội Việt Nam hôm nay.

 
Vâng, Giáo hội Việt Nam đang tiến tới cùng với cộng đồng dân tộc thân thương trong ánh sáng của Công đồng và của Lời Chúa như tựa đề thư mục vụ mới nhất của HĐGMVN ngày 9-9-2005. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi Giáo hội Việt Nam đang tiến bước ra sao, tiến nhanh hay chậm và chúng ta phải vận hành như thế nào để cùng tiến với Giáo Hội, với dân tộc trong ánh sáng siêu nhiên này.


1. KHỞI ĐI TỪ HIỆN TÌNH GIÁO HỘI VIỆT NAM


Trong tư cách là Thư ký Thường trực của HĐGMVN, chúng tôi vừa thực hiện bản báo cáo tổng kết tình hình 25 giáo phận cho các vị giám mục trong Hội nghị Thường niên tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu. Những dữ liệu trong bản báo cáo như phản ánh phần nào hiện tình của Giáo hội Việt Nam. Chúng ta sẽ căn cứ vào những dữ liệu ấy để xác định bước tiến của Giáo hội Việt Nam trong thời điểm vừa qua.

 
1.1. DÂN SỐ CÔNG GIÁO


Tính đến ngày 31-12-2004, số người Công giáo trên toàn quốc là 5.776.972 người trên tổng số dân cả nước là 82.032.300 người, chiếm tỷ lệ khoảng 7,04% dân số. So với 45 năm trước (1960), lúc đó dân số cả nước là 29.200.000 người, số giáo dân là 2.094.540 người, chiếm tỷ lệ khoảng 7,17%. Như thế, trong 45 năm qua dân số Công giáo Việt Nam không tăng triển.


1.2. TÌNH TRẠNG NHÂN SỰ


Số linh mục là 3.126 người, so với 1.914 người vào năm 1960.

 

Số chủng sinh là 1.249 người.

 

Tổng số tu sĩ là 14.413 người, trong đó có 2.072 nam và 12.341 nữ, so với 5.789 người vào năm 1960. Đây là dấu hiệu tốt, biểu lộ ơn gọi đời thánh hiến khá dồi dào trong Giáo hội Việt Nam, khiến nhiều dòng tu nước ngoài tìm đến để tuyển chọn.


Số giáo lý viên là 53.887 người.


Vấn đề nhân sự: Nếu tổng cộng số linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên là 75.353 người trong tổng số 5.776.972 tín hữu, chúng ta tự hỏi số nhân sự này đã được đào tạo ra sao, đã sống Tin Mừng thế nào để thu hút người khác tin theo Đức Kitô? Một vấn đề khác là những người ấy có biết liên đới và cộng tác với nhau để hình thành nên một sức mạnh tổng hợp hay bị chia rẽ bởi sự khác biệt về giáo phận, giáo xứ, dòng tu, linh đạo và đủ loại quan niệm cá nhân.


Chúng ta thử so sánh Giáo hội Việt Nam với một vài Giáo hội trong khu vực, như Giáo hội Hàn Quốc vào năm 2004 có 3.042 linh mục, 4.325.000 giáo dân trong tổng số 47.640.000 dân, chiếm 8,8% dân số, mà vào năm 1949 dân số Công giáo lúc đó mới chỉ chiếm 1% dân số toàn quốc. Có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách đào tạo nhân sự cho Giáo hội Việt Nam hiện nay.


1.3. TÌNH TRẠNG TRUYỀN GIÁO


- Số người rửa tội là 147.127 người, trong đó có 31.519 người lớn, 11.090 trẻ em (từ 1-7 tuổi) và 104.511 trẻ sơ sinh.

 
- Qua số người được rửa tội, chúng ta có thể suy đoán phần nào về kết quả của Năm Truyền Giáo vừa qua. Nếu số người rửa tội trong năm là 147.127 người, nhưng thực tế số người Công giáo tăng thêm cả năm so với năm trước là 109.544 người, ta có thể thấy số hao hụt là 37.583 người. Chúng ta phải giải thích thế nào về số người hao hụt này? Có thể họ là những người chết chưa được tính vào hay trừ ra trong tổng số dân Công giáo? Có thể họ là những người bỏ đạo?


- Nếu chỉ căn cứ vào số nhân sự tích cực cho công cuộc truyền giáo, dựa vào các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên là 75.353 người, trong khi tổng số người lớn và trẻ em từ 1-7 tuổi được rửa tội là 42.609 người, thì trung bình mỗi người ưu tuyển đó chưa cuốn hút được 2 người theo đạo một năm. Vậy thì gần 6 triệu tín hữu khác truyền giáo như thế nào? Điều này cho thấy kết quả truyền giáo năm nay không cao hơn bao nhiêu so với năm trước (34.469 người) cũng như so với nhiều năm liên tiếp gần đây. Chúng ta đừng quên rằng rất nhiều người lớn theo đạo cũng chỉ để lập gia đình với người có đạo. Vậy đời sống đạo của chúng ta có thực sự thu hút được nhiều người khác tin theo Đức Kitô không? Tỷ lệ phát triển dân số Công giáo trong 45 năm qua hình như không xác định điều đó.


Như thế, xét về mặt truyền giáo, Giáo hội Việt Nam hình như chưa có bước tiến đáng kể.


1.4. CÁC CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI


* Giáo hội Việt Nam có 1.552 giáo xứ và giáo họ có linh mục đảm nhận mục vụ và còn 890 giáo xứ, giáo họ chưa có linh mục phụ trách.

 

Như vậy, dù số linh mục là 3.126 người, nhưng chỉ có hơn một nửa đảm nhận chức vụ trong các xứ đạo. Số còn lại vì tuổi cao sức yếu nên không thể quản trị xứ đạo. Trong vòng 10 năm nữa, số linh mục vẫn còn thiếu tại nhiều giáo phận.

 
* Có tất cả 698 nhà trẻ mẫu giáo, 94 trường cấp I và 5 trung tâm văn hoá.

 
Trong tình hình mới của đất nước, chính quyền chủ trương xã hội hoá ngành giáo dục. Nhưng các xứ đạo cũng như các tổ chức dòng tu chỉ tập trung cho nhà trẻ mẫu giáo và ít quan tâm đến trường học các cấp, một phần do không còn quản lý các cơ sở giáo dục đã có từ trước năm 1975, một phần không còn đủ nhân sự để quản lý các cơ sở ấy. Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy công cuộc Tin Mừng hoá xã hội, Giáo hội Việt Nam và cụ thể là các dòng tu, các tổ chức giáo dân nên quan tâm hơn cho công tác giáo dục các cấp, ngay cả cấp đại học bằng cách chuẩn bị đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ.

 
* Người Công giáo, nhất là các tu sĩ, đang làm việc hoặc điều hành tại 99 trạm xá, bệnh viện, 8 trại phong, trung tâm dành cho người tâm thần, người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, 82 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện và nhà dưỡng lão. Trong chủ trương xã hội hoá hoạt động y tế, người tín hữu Công giáo có nhiều điều kiện dễ dàng hơn để trực tiếp thành lập và quản lý các cơ sở từ thiện xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vẫn là tình trạng thiếu hụt trầm trọng những người có khả năng chuyên môn để làm việc trong các cơ sở đó.

 
Ở Việt Nam, nhu cầu về công tác từ thiện xã hội rất cao, với hàng chục triệu người nghèo khổ, khuyết tật, mồ côi, goá bụa, nghiện ngập (rượu, ma tuý, thuốc lá)… nhưng nhiều tín hữu Công giáo dường như chỉ nghĩ đến việc bố thí, giúp đỡ chút ít về vật chất, mà không hiểu được rằng công tác xã hội, gồm thăng tiến con người toàn diện và phát triển cộng đồng, đòi hỏi phải được đào tạo kỹ lưỡng và tổ chức chặt chẽ hơn nhiều.

 
Những số liệu trên đây tuy không nói hết được tình trạng của Giáo hội Việt Nam nhưng có thể gợi ý cho ta suy nghĩ về bước phát triển và hướng tiến trong tương lai của Giáo Hội này. Chúng ta tự hỏi Giáo hội Việt Nam có thật sự bước đi dưới ánh sáng của Công đồng và Thư chung năm 1980 không?


2. CÔNG ĐỒNG VATICAN II VÀ CUỘC CANH TÂN GIÁO HỘI VIỆT NAM


2.1. ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG ĐỒNG


40 năm qua như mời gọi chúng ta nhìn lại đoạn đường Giáo hội Việt Nam dưới ánh sáng Công đồng Vatican II để lượng định xem mình đã đi được bao nhiêu, căn cứ vào những tiêu chuẩn và sự thay đổi từ khi mới có Công đồng.


Chúng ta nhận thấy rằng, trong khoảng thời gian 1965 đến 1975, Giáo hội Việt Nam ở miền Nam đã tích cực đổi mới theo chiều hướng Công đồng trong nhiều lĩnh vực như phụng vụ, đào tạo linh mục, đời sống tu sĩ, giáo dục Kitô giáo, tông đồ giáo dân, và các phương tiện truyền thông xã hội, dù tình trạng chiến tranh có làm chậm bước tiến đôi chút so với các giáo hội khác. Bước tiến này tương đối đồng đều và trải rộng trên toàn khu vực, khác với nhiều giáo hội ở châu Âu và châu Mỹ, đã bị những áp lực nặng nề của các khuynh hướng đối nghịch sau Công đồng.


Thật vậy, Công đồng như thổi một luồng gió mới trên các giáo hội địa phương. Đi đến đâu người ta cũng nhắc đến: cải cách, cải thiện, thích nghi, đối thoại, hoà đồng, dấn thân, cập nhật hoá, cởi mở và đón nhận, làm việc tập thể và cộng đồng... Nhưng do hiểu theo ý riêng mình, thay vì theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nên những ý niệm trên dẫn tới những thái độ, hành động thái quá, hay bất cập mà không tìm được sự quân bình. Từ đó, ta thấy có nhiều khuynh hướng khác nhau: thụ động, cấp tiến, thủ cựu và trung dung…

 

Nhóm thụ động, chiếm đa số, tỏ ra lãnh đạm trước những thay đổi của Công đồng. "Họ ngờ vực những nghị quyết của Công đồng và chỉ chấp nhận cái mà họ cho là giá trị" (Đức Thánh Cha Phaolô VI, Diễn văn ngày 28-9-1965). Nhóm cấp tiến muốn đảo lộn và phá bỏ tất cả quá khứ, gây hoang mang, chia rẽ trong Giáo Hội với những đòi hỏi như cho phép linh mục được lập gia đình, phụ nữ được làm linh mục, được tự do ngừa thai bằng mọi phương tiện... khiến Đức Thánh Cha Phaolô VI phải báo động: "Giáo Hội đang phải trải qua một thời kỳ lo âu, tự chỉ trích, có thể nói là tự phá hoại. Gần như đó là một cuộc khuynh đảo bên trong, trầm trọng và phức tạp, không ai ngờ xảy ra sau Công đồng" (Diễn văn ngày 7-12-1968). Nhóm thủ cựu đã phản ứng ngược lại tất cả những đổi mới của Công đồng khi thấy số linh mục, tu sĩ sút giảm kinh khủng và các xáo trộn tiếp theo, nên muốn tìm về quá khứ như các cộng đoàn theo Đức cha Lefèbre dâng lễ bằng tiếng Latinh... May mắn thay vẫn còn có những người thiện chí, biết canh tân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dựa trên những truyền thống thánh thiện và kinh nghiệm quý báu ngàn đời của Giáo Hội.


Tuy nhiên, dường như cuộc canh tân tốt đẹp của Giáo hội Việt Nam đã bị ngừng lại từ năm 1975 cho đến một vài năm gần đây. Người ta hầu như quên hẳn Công đồng sau những xáo trộn trầm trọng từ năm 1975. Thậm chí nhiều bản văn Công đồng đã bị đốt bỏ vì nỗi sợ hãi nào đó, nhất là ở các xứ đạo miền quê. Nhiều linh mục, tu sĩ, do công tác mục vụ bận rộn hoặc do đời sống kinh tế khó khăn, nên không có thời giờ đọc những văn kiện Công đồng. Đôi khi trong bài giảng hay giờ học, người ta nhắc đến Công đồng như một thứ gia vị thêm thắt vào cho vui hơn là một sự học hỏi nghiêm túc. Còn giáo dân thì hầu như không cần để ý đến Công đồng vì chẳng có tài liệu học hỏi, và dù có muốn cũng không biết học hỏi ở đâu.


Kết quả là đời sống đạo không mấy thay đổi hay tiến triển đối với nhiều thành phần Dân Chúa. Người ta vẫn giữ đạo theo kiểu sáng lễ, chiều kinh trong khuôn viên của nhà thờ, xứ đạo, chứ chưa đem đạo vào đời để đưa Tin Mừng thấm nhập vào mọi lĩnh vực xã hội như Công đồng đã khuyến khích và định hướng qua 16 văn kiện của mình. Dấu hiệu cụ thể nhất là số người trở lại đạo rất ít so với dân số Công giáo. Tỷ lệ người có đạo càng ngày càng giảm so với dân số cả nước. Tỷ lệ dân số Công giáo của Việt Nam trước Công đồng Vatican II được xếp vào hàng thứ 2 ở châu Á, chỉ thua Philippines. Bây giờ tụt xuống hàng thứ 4 sau cả Hàn Quốc và Đông Timor.


Từ cột mốc so sánh này, chúng ta có thể nói ánh sáng Công đồng còn khá mờ nhạt nơi tâm trí người tín hữu Việt Nam, nhất là ở miền Bắc. Hy vọng những buổi hội thảo về Công đồng nhân dịp kỷ niệm 40 năm sẽ giúp chúng ta thích thú đọc và học hỏi các văn kiện Công đồng, đồng thời tìm ra câu trả lời cho việc đổi mới Giáo hội và dân tộc Việt Nam theo đường hướng Công đồng Vatican II.


2.2. TÌM LẠI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG


Công đồng Chung Vatican II là tác động kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn cộng đồng Dân Chúa trong cuộc lữ hành đức tin và những văn kiện Công đồng có giá trị tuyệt đối trong lĩnh vực đức tin và phong hoá. Vì thế, việc học hỏi các văn kiện Công đồng rất đáng cho chúng ta quan tâm để ta có thể đi đúng con đường canh tân Giáo hội và xã hội Việt Nam. Thật vậy, Công đồng "không chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu cầu danh Chúa Kitô, mà còn không ngần ngại nói với tất cả mọi người. Công đồng ao ước trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay" (HC Mục vụ Gaudium et Spes, số 2).


Việc học hỏi này nên bắt đầu ngay trong các chủng viện, dòng tu để đào tạo nhân sự cho tương lai, rồi tiếp tục với những khoá thường huấn cho các linh mục, tu sĩ đã tốt nghiệp hay đang hoạt động mục vụ. Việc học hỏi về Công đồng nên mở rộng cho giáo dân, nhất là các giáo dân ưu tuyển là những người đang giữ vai trò lãnh đạo trong các cộng đoàn như các thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, các huynh trưởng của các đoàn thể Công giáo Tiến hành... Nếu được, chúng ta cũng nên tổ chức các khoá hội thảo để trình bày cho cả những người ngoài Kitô giáo về các đề tài họ quan tâm.


Cần phải đánh tan quan niệm sai lầm nơi một số người cho rằng học hỏi về Công đồng là hoài cổ, là học một thứ gì đã lỗi thời, trong khi hiện nay có nhiều văn kiện của Toà Thánh cập nhật hơn, mới mẻ hơn và thực tế hơn. Văn kiện Công đồng thật ra chính là nền tảng cho tất cả những văn kiện sau này để xây dựng nên toà nhà giáo thuyết của Giáo Hội. Nếu không có nền tảng này, những gì xây dựng sau đó có thể dễ dàng sụp đổ.

 
Trong việc học hỏi và trình bày về Công đồng, chúng ta cần nhấn mạnh đến trục chính là Giáo hội học mà tất cả các văn kiện Công đồng nối kết vào đó để Giáo Hội nhìn lại mình và nhìn ra thế giới. Vì thế, 2 văn kiện nền tảng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các văn kiện khác đó là Hiến chế Tín lý Lumen Gentium và Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes.


Để trợ giúp và thúc đẩy việc học hỏi cũng như nghiên cứu, HĐGM VN cần sớm hoàn thành bản dịch chính thức và yểm trợ tài chính để in các tài liệu, tổ chức các khoá hội thảo, các buổi thi đố vui cho các em thiếu nhi, thi tìm hiểu về Công đồng cho các bạn thanh niên…


Tuy nhiên, trong công cuộc tìm lại ánh sáng của Công đồng Vatican II để soi dọi cho bước tiến của mình, Giáo hội Việt Nam xác tín rằng ánh sáng thật sự soi chiếu cho mọi người chỉ phát ra từ Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Ga 1,9.3-5).

 
3. TIẾN BƯỚC TRONG ÁNH SÁNG CỦA LỜI CHÚA


3.1. TỪ THƯ CHUNG 1980


Có thể nói rằng Thư Chung năm 1980 của HĐGMVN gửi toàn thể dân Chúa ngày 1-5-1980 trong Hội nghị Thường niên đầu tiên của các giám mục hai miền Nam-Bắc kể từ ngày nước nhà được thống nhất, được xem là kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ của HĐGM trong một số năm vừa qua. Phần thứ nhất của thư chung này giới thiệu một Hội Thánh vì loài người như một nguyên tắc nền tảng của Công đồng Vatican II (số 5-7). Phần thứ hai giới thiệu Hội Thánh trong lòng dân tộc như một sự áp dụng nguyên tắc trên đây vào hoàn cảnh đặc biệt của Giáo hội Việt Nam lúc đó để mời gọi người tín hữu gắn bó với Đức Giêsu Kitô (số 8), gắn bó với dân tộc và đất nước (số 9), cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc (số 10), xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc (số 11).


Khẩu hiệu hay phương châm rất ý nghĩa của thư chung này thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào (số 14). Phương châm ấy cũng gợi hứng cho các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài Giáo hội Việt Nam có những hoạt động hữu ích để phục vụ đồng bào trong thời gian qua.

 
3.2. ĐẾN ÁNH SÁNG LỜI CHÚA


Trong Hội nghị Thường niên của HĐGMVN vừa qua, các vị lãnh đạo trong Giáo hội đã công bố thư mục vụ với chủ đề Sống Lời Chúa mà không nhắc đến Thư Chung 1980 và phương châm sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc trên đây. Không phải là các thành viên của hội nghị không nhớ đến năm kỷ niệm này hay muốn phân biệt sống Phúc Âm khác với sống Lời Chúa, nhưng muốn mời gọi toàn thể cộng đồng dân Chúa tiến bước nhanh hơn, xa hơn để phục vụ hữu hiệu hơn, không phải chỉ mang lại hạnh phúc cho đồng bào mà còn cho cả gia đình nhân loại và toàn thể vũ trụ. Điều này chúng ta thấy được trình bày sống động trong ba phần chính của lá thư mục vụ năm nay.

 
Khi dùng từ Sống Lời Chúa thay cho Sống Phúc Âm, HĐGMVN như muốn nhắc nhở Lời Chúa không phải chỉ là những âm thanh, những câu Kinh Thánh, đặc biệt là các lời Tin Mừng trong bốn Phúc Âm, nhưng là một ngôi vị sống động của Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta không chỉ tìm hiểu, học hỏi, giải thích lời yêu thương này của Chúa Cha (số 2) mà còn phải tiếp xúc, gặp gỡ, yêu thương và cuối cùng hoà nhập trọn vẹn để trở thành một với Ngôi Lời Thiên Chúa (số 3) nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (số 4).

 
Trong một thế giới đang bị tác động bởi của toàn cầu hoá, bị lôi kéo chạy theo nền văn minh hưởng thụ vật chất, bị xâu xé bởi sự phân hoá giữa người giàu và người nghèo, bị xáo trộn khắp nơi vì chủ nghĩa khủng bố… thì việc sống Tin Mừng không chỉ giới hạn giữa lòng dân tộc mà người tín hữu còn được mời gọi để loan báo Tin Mừng cho đại gia đình Thiên Chúa hầu xây dựng một nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương.

 
Trong một đất nước mà dân số có đến 60% thuộc về giới trẻ đang khao khát sống đúng, sống tốt, sống đẹp, sống hào hùng nhưng lại không biết nguồn của chân thiện mỹ là ai. Một đất nước gần 51% dân số là phụ nữ nhưng nhiều người còn bị bạo hành trong gia đình, chưa được hưởng sự bình đẳng về giới. Một đất nước với 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi phung phí. Một đất nước có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu, hơn 5 triệu người khuyết tật với nhiều dạng khác nhau, trong đó có 1,2 triệu là trẻ em, hơn 3 triệu người goá bụa, đa sống là phụ nữ sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, 263.000 người nhiễm HIV/AIDS và dịch bệnh càng ngày càng lan rộng, 160.000 người nghiện ma tuý hầu như chưa tìm được cách phục hồi cho khỏi tái nghiện…

 

Trong một đất nước như thế thì việc sống Lời Chúa không đơn giản chỉ là sáng lễ chiều kinh với những câu Tin Mừng chú giải cách này hay cách khác. Sống Lời Chúa trên con đường đi tới của Giáo hội Việt Nam chính là gặp gỡ được Đức Kitô, gắn bó với Ngài và trở thành hình ảnh sống động của Ngài để có sức mạnh và tình yêu chữa lành những người bệnh tật, giúp đỡ những người đói khát và giải thoát cho những con người đang bị trói buộc bởi đủ loại xích xiềng (số 9-11). Sống Lời Chúa hôm nay còn là tìm đủ mọi phương cách, nhất là sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, để chia sẻ cho người khác những gì ta đón nhận được từ Đức Giêsu, giúp họ sống trọn vẹn giá trị của con người và của con Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa sự cứu độ mà Đức Giêsu muốn thể hiện qua chúng ta.


KẾT LUẬN

 

Kính thưa quý vị, con đường đi tới của Giáo hội Việt Nam cũng như của mỗi người chúng ta dưới ánh sáng của Lời Chúa như đang mở ra cho chúng ta những chân trời mới, chân trời của hy vọng, hoà bình và yêu thương cho con người, đồng thời cũng mang lại sự phồn vinh, tiến bộ và hạnh phúc cho đất nước.


Chúng tôi cầu chúc cho từng người trong Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô và hoàn thành nhiệm vụ cao cả được Người giao phó khi chúng ta cùng đi với nhau trên con đường sự thật và sự sống của Người.


Cầu chúc buổi toạ đàm thành công tốt đẹp.

Kính chúc quý vị luôn an mạnh và đầy ơn Chúa.

 

LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

TOP

 

DI SẢN VĂN HÓA CỦA MỘT NGƯỜI CHA “TRỞ  NÊN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám Mục:

Những Người Lữ Khách Trên Đường Hy Vọng.

Spes-Divine Compassion Publications

(A Collaboration Ministry of Spes & The Sisters of The Divine Compassion)

(22 Crane Ave, White Plains, N.Y. 10603. ISBN: 0-9629104-0-6), 1990, 15x26cm.]

 

Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm sắp đặt, tổng hợp, giới thiệu

 

Đó đây trong quá trình lữ thứ trần gian ở ngay trên đất nước Việt Nam, hoa thơm cỏ lạ không thiếu. Tất cả những hy sinh, khôn ngoan, thánh thiện mà người ta chứng kiến trên thế giới đều có thể tìm thấy những mẫu mực tuyệt vời trong cuộc sống hằng ngày ở ngay trên quê hương thân yêu Việt Nam. Trên đất mẹ hiền, không thiếu những bóng hình người mẹ gầy gò, tần tảo, một nắng hai sương, vô danh, âm thầm, không cần ai ca tụng, không màng lợi danh như những con thoi tham vọng, chỉ với chiếc nón lá, với chiếc áo nâu xồng đầy mùi đất lem luốc, cùng con trâu, cây cuốc trên đồng ruộng. Người mẹ ấy là tất cả Tình Yêu Vị Tha! Ôi, Mẹ Việt Nam!

Trước khi chết vị Hồng Y Việt Nam thân yêu của chúng ta, Phanxicô Xaviê, đã ghi lưu nhiều tấm gương cho chúng ta soi chung, không phải của chính ngài, mà của những bậc thánh hiền tiền bối, tổ tiên thân xác hay tinh thần của chúng ta. Ngày nay chúng ta nói nhiều về “hội nhập văn hóa” như một phong trào. Danh từ thì mới, nhưng thực ra không có gì mới mẻ khác lạ dưới gầm trời của ánh sáng màu nhiệm Nhập Thể.

Thực thể hội nhập văn hóa ấy đã và đang diễn ra và được nối tiếp thầm lặng nhưng mãnh liệt như một vết dầu loang không sức nào ngăn cản nổi, trong các thế hệ Kitôgiáo, từ nguyên thủy cho tới nay, dưới muôn vàn màu sắc phong phú đa dạng, trong lịch sử thế giới lan tỏa bắt nguồn từ cộng đồng Kitô. Tinh thần ấy đã được kết tóm gọn gàng qua Tin Mừng của Đức Chúa Trời thể hiện trong ngôn ngữ loài người của Phaolô: “Trở Nên Tất Cả Cho Tất Cả” [“Omnia Omnibus Factus Sum”] mà cộng đồng Công giáo tuyên xưng: “Và Ngôi Lời đã Nhập Thể” [Et Verbum Caro Factum Est].

Hãy tìm trong kho tàng văn hóa Việt Nam trong cuộc lữ hành cùng với vị thánh hiền chung của dân tộc chúng ta, những gương sáng đáng kính yêu, nhân kỷ niệm đệ tam chu niên ngày sinh của ngài vào Cõi Chúa (16/9/2002-2005).

Nương theo tinh thần và phương pháp của sứ đồ Phaolô khi bị giam cầm xưa kia, trong nhà tù, Đức Cha P.X. Nguyễn Văn Thuận nhắn nhủ để chia sẻ, nâng đỡ và hướng dẫn giáo dân của ngài sống Tin Mừng trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Ôn lại những tâm tình thánh thiện để áp dụng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống Kitôhữu là một cách kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực nhất, tập trung vào chủ đề Lòng Mến Chúa Yêu Người bằng trái tim Dân Tộc Việt Nam.

 

 

1. RA ĐI KHỞI ĐẦU CUỘC LỮ HÀNH

 

(1) Bước Qua Mình Song Thân.

 Chân Phước Charles Cornay đã từ bỏ gia đình theo tiếng Chúa gọi. Một hôm trên đường truyền giáo, lúc xe lửa dừng lại ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay can đảm bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngày 22.9.1837, ngài đã chịu Tử Đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt (t.10)

(2) Cha Benoît Lên Núi Phước Sơn.

Ra đi là một sự lột xác, hy sinh cả nếp sống cũ. Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15.8.1918, cha Benoît (Cố Thuận) cùng với một số anh em linh mục mở một bữa tiệc gia đình cuối cùng, có đầy đủ thịt, cá, rượu. Sau bữa ăn đó, ngài từ biệt nếp sống cũ ra đi cùng với một người bạn, tiến lên thẳng núi Phước Sơn, Quảng Trị, khai phá một đám rừng đang có cọp ăn mồi ở trong. Đêm ấy, hai người che lều ngủ tạm, và sáng mai bắt đầu một nếp sống mới: không ăn thịt, không uống rượu, hút thuốc, chỉ biết lấy hy sinh hãm mình, cầu nguyện và xay lúa, giã gạo, tự lực cánh sinh. Ngài đã thu hút nhiều kẻ đến sống, cầu nguyện và hy sinh như ngài. (t.11).

(3) Quyết Không Giả Vờ.

Thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857) quê ở Nhu Lâm, Thừa Thiên, là một giáo dân đạo đức, bác ái, một vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm, trông coi mọi việc trong đền vua.

Cuối năm 1856, một số quan triều bị ngài ngăn chặn trong việc làm bất chính, đã tố cáo ngài với vua Tự Đức. Ngài bị bắt với một lý do duy nhất: Theo Đạo Giatô, trái lệnh triều đình. Trong chốn ngục tù, ngài bị hành hạ tra tấn quá sức, khiến nhiều vị quan đồng nghiệp vốn đã quí mến đức độ của ngài giả vờ chối đạo để được tha, rồi sau đó lại tiếp tục sống đạo…

Hồ Đình Hy cương quyết không giả vờ. Ngày 22.5.1857, ngài đã đổ máu đào chết vì đạo Chúa tại An Hòa, Huế (t. 13)

2. BỔN PHẬN LÀM NGƯỜI KITÔ

(1) Đức Cha Seitz Và Bổn Phận.

Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) luôn hiện diện giữa giáo dân. Vào năm 1972, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẫn lái xe đi cứu thương dưới làn bom đạn. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn:

Đức Cha không sợ sao?

Tôi không sợ”, ngài trả lời.

Nhưng ngẫm nghĩ một lát, ngài nói tiếp:

Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi”. (t.15).

(2) Bác Sĩ Longet

 Bác sĩ Longet là một bác sĩ người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm (ông thánh hóa bổn phận). (t. 17)

Được hỏi:

Vì sao ông quý bệnh nhân đến thế?”Vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết?

Ông đáp:

Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh.” (ông thánh hóa mình trong bổn phận)

Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều Chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng Danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch (ông thánh hóa người khác nhờ bổn phận).

Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào Chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước. (t.18)

3. BỀN CHÍ TIẾN TỚI

(1) Đức Cha François Pallu

Vào thế kỷ XVII, Tòa Thánh đã phong hai vị Giám mục là Đại diện Tông tòa đầu tiên; Đức Cha Lambert de la Motte, phụ trách Đàng Trong kiêm Campuchia, Lào Thái Lan, và Đức Cha François Pallu, phụ trách Đàng Ngoài, kiêm Trung Quốc, Triều Tiên. Thật là một khu vực rộng lớn không thể tưởng tượng: Dưới quyền Đức Cha F. Pallu, chỉ có một ít vị thừa sai, không có một vị linh mục Việt Nam nào, xứ sở lại đang ở trong tình trạng cấm cách khốc liệt. Từ Pháp, Đức Cha từ giã gia đình ngày 3.1.1662, dùng tàu buồm vượt qua Trung Hải, rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến Bắc Việt, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị đánh giạt vào Philippin, ngài bị người Tây Ban Nha bắt. Sau ba tháng, lại bị đày vòng qua Thái Bình Dương, vượt cả Đại Tây Dương, đến Tây Ban Nha. Tuy gian khổ ê chể, nhưng tim ngài vẫn chói sáng một niềm hy vọng:

 “Tôi phải (t.26) mang Phúc Âm đến tận Trung quốc.”

Vừa được trả tự do, ngài tìm mọi cách để đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như người tôi trung của Chúa hằng mơ ước. Một câu hỏi của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ:

Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một cầu tới Bắc Việt và tới Trung quốc!” (t. 27)

4. SIÊU NHIÊN THEO ÁNH SÁNG LƯƠNG TRI

 (1) Dàn Xếp Lương Tâm.

 Trước kia, Giáo hội Việt Nam có luật buộc ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Ông nọ vào quán, biết quán có cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc chắn chẳng bao giờ có:

Cho tôi đĩa cá sấu! Cho tôi đĩa cá voi!

Chủ quán luôn miện đáp:

Không có! Không có!

Thế rồi ông tự nhủ:

Lạy Chúa, Chúa biết cho con. Con đã làm hết sức, để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi! Con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy!

Cầu nguyện xong, ông ta thi hành liền “theo đúng sự dàn xếp của lương tâm” (t. 47)

5. HY SINH ĐẾN TẬN CÙNG

(1) Hy Sinh Để Cám Ơn Chúa.

Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục mới đi dự Công đồng Vatican II về, (t. 63), có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Sau chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là của ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa:

Cô đẹp lắm! Cô hãy cảm ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!

Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng của Đức Cha Fulton Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền:

Câu nói của Đức Cha làm con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào?

Cô biết Trại Cùi Di Linh ở Việt Nam chứ?

Vâng! Con đọc báo có nghe đến!

Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.

Chỉ từng ấy! Cô chiêu đải viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp. (t.64)

5. ĐỨC TIN ANH DŨNG CỦA TỔ TIÊN

(1) Đức Tin Tiên Tổ.

Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1533, Phúc Âm của Chúa đến Việt Nam cùng với Thánh giá Chúa. Biết bao tín hữu Chúa bị lưu đầy, bị chiếm đoạt tài sản, lẩn lút trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ để trung thành với đức tin. Cho đến cuối thế kỷ XIX, ta có thể tính được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần đã được diễm phúc Tử Đạo. Trong số đó có 117 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Đức Piô XII phong lên bậc Chân phước. Và ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gion-Phaolô II đẽ tôn phong các ngài lên bậc Hiển thánh. Chúng ta có thể chia ra như sau:

Đời Trịnh Doanh: 02 vị

Đời Trịnh Sâm:     02 vị

Đời Cảnh Thịnh:   02 vị

Đời Minh Mạng:   57 vị

Đời Thiệu Trị:       03 vị

Đời Tự Đức:          51 vị.

Thành phần các Thánh ấy:

08 Giám muc

50 Linh mục

16 Thầy giảng

01 Chủng Sinh

42 Giáo dân. (t.111)

Giáo Hội Việt Nam ta nghèo nàn không sánh được với các Giáo hội Âu Mỹ, nhưng chúng ta cũng hãnh diện về lòng trung thành sắt son với Đạo Chúa của Tổ tiên ta: Ba thế kỷ bắt bớ, tù đày và trên 130.000 Đấng Tử Đạo.(t. 112)

(2) Gương Sống Đạo Của Tiền Nhân Chúng Ta.

Trên đây cha đã nhắc sơ đến sự hy sinh vỉ đức tin của ông bà tổ tiên chúng ta, nói đến số lượng và thành phần của các thánh Tử Đạo. Nay mô tả chi tiết các hình khổ đã dành cho các ngài. Như nào là có những giáo xứ (ở Quảng Trị) bị lính lùa vào nhà thờ, rồi chất rơm chung quanh đốt cháy tất cả. Nào là cả Nhà Dòng Mến Thánh Giá Phan Rang bị vứt xuống giếng và lấp đất chôn sống đi. Nào là có những thiếu nữ Công giáo non yếu bị đưa về Huế phạt gia hiệu, phơi nắng ngày này sang ngày khác, rồi chặt một ngón tay trước khi đánh đập và tha về. Nào là gương 12 vị Chánh trương, Trùm trưởng khắp nơi bị (t.116) đưa về Huế, giam trên Thành Lồi (bức thành người Chàm xưa đắp lên để đánh với người Việt Nam, xa thị xã độ 10 cây số). Các ông phải bứt cỏ nuôi voi cho nhà vua cho đến khi chết dần chết mòn tất cả; nay 12 ngôi mộ của các ông vẫn còn nguyên vẹn dưới chân thành ấy.

Và sau đây, cha xin ghi lại vắn tắt gương sống của một vài vị để soi chiếu cho chúng ta:

Thánh Micae Hồ Đình Hy, ngài làm quan Thái Bộc tới hàm tam phẩm và đã chịu trảm quyết thời Tự Đức tại Huế ngày 22.5.1857.

Thánh Phaolô Tống Viết Bường, chức Thị vệ. Đã chịu trảm quyết ngay trước cổng nhà người con gái ngài, ngày 23.10.1833, tại Huế, triều vua Minh Mạng.

Thánh Phanxicô Trần Văn Trung, Cai Đội. Đã chịu trảm quyết tại Huế ngày 6.10.1858, dưới triều vua Tự Đức.

Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Cũng là Cai đội. Chịu xử giảo tại Huế ngày 24.10.1860, dưới triều vua Tự Đức.

Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, một lý trưởng gương mấu liêm khiết. Ngài bị xử trảm tại Nam Định, ngày 12.8.1838.

Các vị này là những công dân tận tụy với chức vụ, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, nhưng chỉ vì không bỏ đạo mà phải chịu án tử hình. (t. 117)

Những người giáo dân lãnh trách nhiệm tông đồ trong hội đồng giáo xứ như:

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu trùm họ Mặc Bắc. Ngài đã giúp đỡ giấu ẩn cha Thánh Philipphê Minh trong nhà, nêm bị bắt, giải về Vĩnh Long. Vì già yếu và với lại chịu lám khổ hình, ngài đã chết rũ tù ngày 2.5.1854.

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, trùm xứ và thầy thuốc. Ngài đã bị giam cùng với Đức Cha Cao, cha Điểm, cha Khoa, thầy Phêrô Từ và đã chịu tử hình ngày 10.7.1840, tại Đồng Hới.

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả Bình Định, một trợ tá Đắc Lực của Đức Cha và hàng giáo sĩ. Ngài đã bị bắt và phát lưu vào Mỹ Tho, nhưng vì quá gian khổ nên đã từ trần lúc vừa đến Mỹ Tho ngày 15.7.1855.

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Câu Phủ Họ Đầu Nước, tỉnh An Giang, rất nhiệt thành và quí mến hàng linh mục. Ngài đã bị bắt cùng với cha Đoàn Công Quý và hy sinh vì Chúa tại Châu Đốc, ngày 31.7.1859.

Thánh Antôn Nguyễn Đích, thường gọi là ông trùm Đích. Ngài rất đạo đức, yêu người nghèo và tận tụy giúp đỡ hàng giáo sĩ. Ngài đã bị bắt cùng với con rể là Thánh Micae Lê Mỹ, vì cho linh mục Thánh Giacôbê Mai Năm trú ngụ tại nhà. Cả ba đã trung kiên đến củng và đã bị xử trảm tại Nam Định ngày 12.8.1938.

Thánh Mathêu Nguyễn Văn Phượng, một người nổi tiếng đạo đức thông minh, được bầu làm trùm họ Sáo (t. 118) Bùn, Quảng Bình. Ngài bị bắt vì tội chứa chấp cha Thánh Gioan Hoan và oa trữ đồ lễ cùng sách vở Công giáo. Ngài đã bị xử trảm ngày 26.3.1861, tại Đồng Hới cùng với cha Hoan.

Những phụ nữ Công giáo Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng đức tin, như:

Thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ Công giáo gương mẫu. Vì sốt sắng giúp đỡ các linh mục trong buổi cấm đạo, nên bà đã bị bắt và chịu quá nhiều cực hình, thân thể đầy thương tích, lại không ăn uống được, nên kiệt sức và chết rũ tù ngày 12.7.1841.

Những anh hùng vô danh mà từ Nam chí Bắc, ai đã sống trong những tháng năm đầu thế kỷ 20 này đều có thể gặp. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, rồi bị người ta rạch mặt lấy mực tàu xâm lên má hai chữ “Tả Đạo” để dù đi đến đâu, nhân dân ai cũng nhận ra đây là những người ttheo đạo tả; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của đức tin kiên cường sáng chói.

Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng ta” (Giảng viên 44, 3) (t. 119)

6. TÔNG ĐỒ TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

(1) Tông Đồ Hớt Tóc Dạo.

Lắm kẻ ở thành phố HCM quen biết một cụ già hớt tóc dạo theo đạo Tin Lành, người rất vui vẻ, dù vợ đã chết, con cái ở xa, có đứa đi nghĩa vụ. Cụ sống trong một căn nhà lụp xụp nhưng cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi khởi sự hớt tóc là cụ nói ngay đến Phúc Âm, đến Chúa Jésus-Christ. Nhiều người khó quên được câu nói của cụ: “Tôi không ham giàu gì; kiếm được đủ ăn và lo “hầu Chúa”hằng ngày là tôi sung sướng thỏa mãn!

Cụ hân hoan về sứ mạng Chúa Kitô trao cho cụ và đã lợi dụng nghề hớt tóc của mình để triệt để thi hành sứ mạng ấy. (t. 124)

(2) Cha Gánh Nước Thuê.

Thời Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia Hội. Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, giải tội cho các tín hữu bị giam ở khám đường, nhất lá cho (t. 124) nhưng ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử Đạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình.

Lúc linh mục Đặng Đức Tuấn bị bắt đưa ra Huế để xử, ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy, thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia Hội. Trong nhà bà có tên đầy tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau đôi ba lần thăm viếng, cha Đặng Đức Tuấn để ý suy nghĩ:

Anh này sao thấy có vẻ quen quen”.

Một hôm đang nồi ở bàn ăn, cha Tuấn đam đăm nhìn vào mắt tên đầy tớ ớ gốc phòng, rồi bạo dạn hỏi:

Phải mày không Thanh?

Thưa phải!

Trời đất! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra!

Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh, nước mắt chảy ròng ròng… Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp nhau lại!

Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ … Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đính ban bố, Đức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi có Tòa Giám Mục. Giáo dân khắp nơi tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Cha Bình mà là … Cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo:

 “Ngỡ là ai, hóa (t.125) ra cụ Thanh gán nước tuê ở chơ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca La tinh thật hay mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…

Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sánh soi dẫn của Chúa Thánh Linh. (t.126)

(3) Tre Tàn, Măng Mọc.

Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại Kim Long, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là một linh mục thánh thiện gương mẫu, đã can đảm hy sinh vì Chúa tại Đồng Hới ngày 26.5.1861. Mặc dù thời buổi cấm cách ngặt (t.130) nghèo, ngài không quên nhiệm vụ to lớm và quan trọng cho tương lai là lo chuyển bó đuốc tông đồ sang tay các thế hệ trẻ. Ngài đã huấn luyện được 12 người con làm linh mục. Vì thế, tuy máu ngài đã đổ ra vì Chúa, 12 người con ấy vẫn tiếp tục sứ mạng anh dũng của ngài cho đến ngày tàn của cuộc đời. Và họ cụ thể, “tre tàn măng mọc”, lớp này ngã xuống, lớp khác đứng lên! (t.131)

(4) Cha Của Người Cùi. (t. 133)

Sau 15 năm làm Giám mục địa phận Sàigòn, Đức Cha Gioan Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân cùi thân yêu ở Di Linh, trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một chứng nhân tình yêu Thiên Chúa, một con người của bác ái vị tha. Mười tám năm trời ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm u, với những bệnh nhân quê mùa chất phác, không mấy ai biết rõ, nhưng khi quả tim của vị anh hùng ấy ngừng đập, thì quả tim của của dân Việt cũng như của toàn thể thế giới đều rung cảm lên. Ai nấy đều cảm phục tấm gương chứng nhân anh dũng của ngài. (t.134)

7. THANH BẦN, MỘT MỐI PHÚC THẬT

(1) Linh Mục “Ba Xu”.

Cách đây 40 năm, có một cha Việt Nam sống rất nghèo khó và đạo đức. Đặc biệt với số tiền tiết kiệm từng xu năm này sang năm khác, ngài đã cùng hai người thợ dần dân xây xong một ngôi nhà trang an, sáng sủa.

Mỗi ngày ngài ăn hai bữa, mỗi bữa ba xu va tự nấu ăn lấy: một xu gạo, một xu mắm tôm và một xu tráng miệng bằng một mẩu bánh hình ông Phật mà dân địa phương vẫn gọi là bánh “Tam ích”. Lúc nào cũng có người dâng cúng dư tiền mua vật liệu thì công việc tiến hành mạnh hơn, đến lúc sạch túi thì tạm đình chỉ. Tiền bổng lễ mỗi ngày mấy hào ngài cũng dành để trả công thợ.

Lúc mới khởi công ai cũng nói:

Biết bao giờ mới xong được!”.

Đến ngày khánh thành, mọi người đều hoan hỉ, cảm phục và tặng cho vị linh mục một biệt hiệu đơn sơ nhưng nói lên tất cả lòng thương mến biết ơn: “Cha Ba Xu”. Vì quá lao lực và cam khổ, chỉ vài năm sau, “Cha Ba (169) Xu” qua đời giữa sự thương tiếc của mọi người. Trước lúc nhắm mắt lìa trần, ngài nói:

Tôi sung sướng vì đã hy sinh tất cả để làm việc Chúa, tử lao bất tử lao”.

Ngày, ngôi thánh đường vẫn còn sừng sững trước mặt mọi người như tấm gương phản chiếu đức thanh bần và hồn tông đồ sáng chói của vị linh mục. (t. 170)

8. TRONG TRẮNG ĐỂ XỨNG ĐÁNG GẦN CHÚA

(1) Lời Cầu Nguyện Của Một Linh Mục

Cha Michel Quoist là một linh mục thánh thiện đã viết rất nhiều sách báo giúp các linh hồn, trong số đó có cuốn “Prières” mà lắm người quen thuộc. Riêng trong bản Pháp ngữ, tác phẩm ấy đã in tới 350.000 cuốn. Gần đây, nó đã được dịch sang Việt ngữ dưới một nhan đề rất thi vị “Lời Kinh Thắp Sáng Cuộc Đời”:

Bài “Lời Cầu Nguyện Của Một Linh Mục Chiều Chúa Nhật” trong tác phẩm ấy nói lên tất cả tâm hồn ngài, tâm hồn nhiều anh em linh mục, với sự yếu đuối lẫn sự cao cả của một cuốc đời hiến dâng. Có thể nói đây là lời kinh diễn tả một cuộc đấu tranh, một đời quyết chiến:

“Lạy Chúa, chiều nay một mình trơ trụi. Những tiếng đồng hồ trong nhà thờ lịm tắt dần. Những ngưòi đi chấu đi lễ đã ra hết cả rồi. Và con cũng lủi thủi trở về nhà xứ, một thân một bóng.

“Con đã gặp những kẻ đi dạo chơi về. Con đã đi ngang qua rạp hát vùa lúc đám đông đổ xô ra. Con đi dọc thềm các quán càphê ở đó có nhiều người đi dạo, dáng vẻ đã mệt mỏi, đang ngượng ngạo kéo dài cuộc vui của ngày Chúa Nhật. Con đụng phải những đứa trẻ đang (t. 181) đi chơi trên vỉa hè. Những đứa trẻ, lạy Chúa, những đứa trẻ của người khác, chứ không bao giờ là của con.

“Lạy Chúa, này con đây. Một bóng một thân. Yên lặng làm con ngạt thở. Cô đơn làm con bực nhọc. Lạy Chúa, năm nay con được 35 tuổi… với một thân thể như bao người khác, với những bàn tay chắc chắn để làm việc, với một quả tim được dành để yêu đương. Nhưng con đã hiến dâng tất cả cho Chúa, vì thật ra Chúa đang cần những cái đó. Con đã hiến dâng tất cả cho Chúa. Nhưng Chúa ơi, dâng như vậy thật là đau khổ.

“Thật là đau khổ, khi con phải dâng thân xác cho Chúa: vì thân xác đó cũng tận hiến cho một người khác.

Thật là đau khổ, khi con phải yêu mọi người mà không được giữ lại riêng ai.

Thật là đau khổ, khi con bắt một bàn tay mà không được muốn cầm giữ lại.

Thật là đau khổ, khi con vừa gây được một tình cảm, đã phải vội dâng cho Chúa.

 Thật là đau khổ, khi con không cho mình chút nào, mà phải hoàn toàn sống cho tha nhân.

Thật là đau khổ, khi con phải sống như những người khác, giữa những người khác, mà phải là một người khác.

Thật là đau khổ, khi con phải luôn luôn ban phát mà không được tìm cách nhận lãnh.

Thật là đau khổ, khi con phải đến với những người khác mà chẳng hề có một kẻ tìm đến với con.

 Thật là đau khổ, khi con phải đớn đau vì tội lỗi của tha nhân, nhưng lại không có quyền từ chối nhận lãnh và gang chịu chung.

Thật là đau khổ, khi con biết những kín nhiệm mà không được thổ lộ chi ai.

Thật là đau khổ, khi suốt đời con phải luôn luôn lôi kéo tha nhân mà không để một ai kéo lôi, dù chỉ trong chốc lát.

Thật (t.182) là đau khổ, khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối, còn chính mình lại không thể nương tựa một kẻ mạnh hơn.

Thật là đau khổ, vì phải cô đơn, cô đơn trước mọi người, trước cái chết, trước tội lỗi.

“Này con, con không cô đơn. Ta đang ở với con. Vì ta cần một nhân tình thứ hai để tiếp tục màu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Từ muôn thuở, ta đã chọn con. Ta cần đến con.

“Ta cần đến con, đề tiếp tục chúc phúc. Ta cần đến môi con, để tiếp tục rao giảng. Ta cần đến thân con, để tiếp tục đau khổ. Ta cần đến tim con, để tiếp tục yêu thươg. Ta cần đển con, để tiếp tục cứu độ. Con ơi, hãy ở lại với Ta.

Lạy Chúa, này con đây. Này thân xác con đây. Này trái tim con đây. Này linh hồn con đây.

Xin cho con được cao thượng đủ, để vượt lên khỏi thế gian.

 Xin cho con được mạnh mẽ đủ, để nâng đỡ thế gian.

Xin cho con trong sạch đủ, để ôm ấp thế gian vào lòng mà không hề muốn giữ lại nó.

Xin cho con trở nên một nơi gặp gỡ tạm thời thôi.

Xin cho con trở nên một con đường không dừng lại ở bản thân, bởi vì nó có thể tiếp nhận một ai, chỉ là để dẫn đưa họ về cùng Chúa.”

“Lạy Chúa, chiều nay, khi vạn vật đều im tiếng và khi trái tim con cảm thấy đau nhói vì cô quạnh. Khi ai nấy đang ngấu nghiến tâm hồn con, mà con lại bất lực  không thể làm họ thỏa mãn. Khi bao nhiêu khốn nạn về (t. 183) tội lỗi của thế gian là cả một khối nặng đang đè trên vai con. Thì con nói lại với Chúa tiếng “Xin Vâng”, không phải một trong tiếng cười vang, như là chầm chậm khiêm tốn, sáng suốt, một mình trước mặt Chúa, giữa cảnh chiều tà êm ả”.

(2) Vấn Đề Độc Thân Của Các Linh Mục.

Nhiều lần chúng tôi đã nghe đề cập đến vấn đề sống độc thân của các linh mục. Đối với giáo dân Việt Nam và đại đa số giáo dân trên thế giới, thì đó là điều được mọi người tự nhiên chấp nhận và đòi hỏi: Người tận hiến cho Chúa, thì phải dâng tất cả cuộc đời để làm chứng tình yêu vô hạn của Chúa, và để đủ điều kiện phục vụ dân Chúa cách tích cực, hữu hiệu hơn.

Trước tiên cần xác định như sau: Sống độc thân không chỉ là một giá trị thuần siêu nhiên, mà cả trong địa hạt nhân bản nữa. Người sống độc thân không trực tiếp nhằm đến việc từ chối hôn nhân, nhưng coi độc thân là điều kiện để qui hướng con tim về một đích điểm khác hẳn một thiếu nữ, tức là Nước Thiên Chúa. Họ tìm thực (t. 185) hiện bản ngã, và điều ấy làm họ sung sướng, thỏaq mãn con tim trong Chúa Kitô. Một thái độ rất “người” với một nguyên do siêu việt! Khi nói rằng đời độc thân thánh hiến là dấu chỉ cuộc sống vĩnh cửu, điều ấy không ám chỉ một sự trốn thoát cuộc sống hiện tại. Vì cuộc sống vĩnh cửu, chính là Nước Thiên Chúa, là sự hiện diện của hồng ân Thiên Chúa ngay trong đời sống hiện tại, một sự hiện diện thúc đẩy con người mong ước hiến trọn tính yêu.

Độc thân và hôn nhân là hai tiếng gọi, hai ngả đường khác nahu để thực hiện lời mời gọi của Chúa Kitô:

Hãy nên hoàn hảo như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn hảo.”

Nhưng sở dĩ truyền thống vẫn cho bậc độc thân thánh hiến là cao trổi hơn bậc sống đôi bạn, vì là truyền thống không xét đến phương diện cá nhân: mỗi người đều hoàn hảo nếu thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Kitô, nhưng xét đến bỉnh diện thực hiện cuộc sống vĩnh cửu giá trị hơn cuộc sống trần gian rất mực. Do đó sứ mạng của đời sống độc thân là ôm trọn đời sống vĩnh cửu và đem tỏ lộ cho trần gian.

Đời sống độc thân có ý nghĩa là sứ mệnh tuyệt vời như thế, nhưng không thiếu những tranh luận, chống đối xảy ra trong lòng Hội Thánh, nhất là trong thời đại hậu Công đồng Vatican II và sau ngày Thông điệp “Sacerdotalis Coelibatus” của Đức Phaolô VI (24.6.1967) ra mắt. Nhiều linh mục đã bỏ ra đi. Nhiều giáo dân lên tiếng đề nghị:

Cứ làm như bên giáo hội Tin Lành và giáo hội Chính Thống: chấp nhận cho Mục sư và (t.186) linh mục của họ được tự do sống độc thân hay lập gia đình. Như thế có phải là đơn giản hơn không!”

Thay vì tranh luận với kiểu luận lý sơ sài như trên, ta hãy nghe đôi lời tâm sự của các bậc có uy tín trong vấn đề độc thân nói lên kinh nghiệm của họ.

Mục sư Jungmann nói:

Quí vị đừng có chỉ nghĩ Giáo hội Công giáo của quí vị gặp khủng hoảng. Bên Tin lành chúng tôi còn gặp khủng hoảng hơn bên quí vị rất nhiều!

Trong một cuộc họp mặt giữa các linh mục Công giáo và các Mục sư Tin lành, một Mục sư đã nói cảm tưởng của mình về đời sống độc thân như sau:

Tôi bắt đầu hiểu giá trị đời sống độc thân trong Giáo hội Công giáo. Tôi cảm thấy các cha là anh em với nhau và tạo nên một gia đình thực sự. Chúng tôi không thể nói như thế đối với chúng tôi… Nếu một mục sư nào đó thành công, tôi không sung sướng gì; nếu một Mục sư nào đó đau khổ, tôi không đau khổ với họ… Giữa chúng tôi không có bàu không khí gia đình, họa chăng chỉ có giữa vợ chồng chúng tôi thôi!

Dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971, trong đó hai vấn đề chính là thừa tác vụ của linh mục và công bình trên thế giới, Đức Tổng Giám Mục Công giáo ở Beyrouth (Liban) đã tâm sự những lời sau đây:

Các Đức Cha hãy cố giữ lấy kho tàng quí báu của Giáo hội La Mã, từc là luật độc thân linh mục. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, vì giáo phận tôi, giáo phận theo nghi thức Đông phương, có những linh mục độc thân và những linh mục lập gia đình. Lắm vấn đề phức tạp mà quí vị không thể tưởng tượng được!” (t. 187)

Các giáo phận Công giáo chúng tôi, cũng như bên Chính thống, luôn luôn ở Toà Giám mục mấy cha độc thân để dự phòng sau này làm Giám mục kế vị chúng tôi, vì Giáo luật đòi buộc các Giám mục phải độc thân, không có gia đình.

Lại còn phức tạp do luật buộc linh mục chỉ được kết hôn một lần trước khi chịu chức thánh, có những trường hợp linh mục mới 30 tuổi, 35 tuổi mà đã góa vợ, tay bồng tay bế, lũ con nheo nhóc, không ai nuôi dưỡng. Thực là nan giải!

Đối với các giáo phận có một linh mục qua đời để lại một gia đình neo đơn, con thơ vợ dại thì thực là một gánh nặng tài chánh rắc rối. Bên Giáo hội Latinh, một linh mục chết rồi chẳng phải giải quyết gì cho gia đình cả!

Trong lãnh vực mục vụ càng phức tạp hơn: mặc dù tập quán linh mục đã có từ xưa truyền lại, giáo dân vẫn quí mến linh mục độc thân hơn: các ngài có thể ở xa hoặc đi đến đâu, họ cũng tìm cách gặp gở để xin lễ, xưng tội.

Linh mục có gia đình chỉ phục vụ trọn vẹn trong ngày Chúa nhật, còn những ngày khác thì đi làm ăn để chu cấp cho gia đình. Như thế làm sao mà tiếp xúc được với đồng đạo giáo dân? Thuyên chuyển một linh mục có gia đình thật là một vấn đề khó khăn. Được lệnh ông sẽ bảo:

Con sẵn sàng đi, nhưng nhà con đang mắc làm việc ở công sở kia, các cháu lại còn đang theo học ở trường nọ, gia đình con không nhất trí đến địa phương ấy!

Lắm lúc vị linh mục ấy thì tốt, nhưng bà vợ hoặc con cái chưa nói là xấu, chỉ nói là (t.188) giáo dân không có thiện cảm, thì cũng đủ để họ ghét luôn ông linh mục, rồi dần xa việc đạo; trường hợp xảy ra sự thù hằn thì họ mất đức tin luôn! Mà nếu thuyên chuyển vị linh mục ấy không được, thí cha truyền con nối, tiếp tục giữ nhà xứ phải chịu sự áp bức của một gia đình, nên đời sống đạo hạnh sa sút không thể tưởng. (t. 189).

9. GIA ĐÌNH CHUNG THỦY, MÔI TRƯỜNG SỐNG THÁNH

(1) Bà Mẹ Can Trường

Ngày 17.9.1798, thời vua Cảnh Thịnh, Tây Sơn, một người anh hùng xứ Huế gục ngã: Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu. Pháp trưởng in vết máu đỏ của ngài. Trước đó, trên quãng đường từ khám đường đến nơi hành quyết, người ta thấy một bà cụ già đi bên cạnh (t. 192) phạm nhân để an ủi, động viên, khích lệ con can trường chết vì đạo Chúa.

Khi lý hình vừa hoàn tất phận sự: đầu của Emmanuel Triệu vừa rụng xuống, thì giáo dân nhất loạt ùa ra lấy bông và vải thấm máu của ngài. Bà mẹ của ngài tiến thẳng đến trước mặt quan:

Bẩm quan, khi con tôi còn sống thì thuộc quyền của quan, nay con tôi đã chết, xin quan cho tôi được lĩnh xác mang về chôn cất, hay ít nữa được chiếc đầu.”

Quan truyền binh lính mang ngay chiếc đầu phạm nhân cho bà. Bà mẹ già bình tĩnh lấy vạt áo trước bọc đầu con lại, ôm siết vào ngực, giữa đôi bàn tay xương xẩu và đi bộ trên 10 cây số để trở về nhà. (t.193)

10. HỌC MÃI, HỌC SUỐT ĐỜI LÀ KHIÊM TỐN

(1) Cha Đẻ Tiếng Việt.

Không người Việt Nam chính hiệu nào mà lại không biết đến tên cha Đắc Lộ, một giáo sĩ người Pháp mà danh tính gắn liền với chữ quốc ngữ của dân tộc (t.277) ta; nhưng thật rất ít người biết trong hoàn cảnh nào ngài đã làm nên một công trình vĩ đại như thế.

Ở đây, thiết tưởng ta nên nhắc lại những lời nói đầu tiên ngài ngỏ với dân bản xứ khi tàu vừa cập bến Cửa Bạng ngày 19.3.1627:

Đây là tàu của người Bồ Đào Nha, những người danh tiếng lừng lẫy khắp phương Đông… Hiện giờ tàu của họ có chở một thứ hạt trai tuyệt đẹp và quí giá, ai muốn mua thí cả đời được giàu có hạnh phúc muôn thuở. Không nên sợ giá cao, vì chẳng ai nghèo đến nổi không đủ tiền để mua trai ấy.

Tổ tiên chúng ta mới khấp khởi vui mừng, xin ngài ít là cho xem qua đôi ba hạt. Ngài trả lời:

Hạt trai ấy mắt xác thịt không thể xem thấy được, chỉ có trí khôn hiểu được mà thôi. Hạt trai ấy chính là lề luật Thiên Chúa, một cái gì quí trọng hơn trân châu và hàng hóa Ấn Độ. Chúng tôi sẵn sàng giảng luật đó cho anh chị em, nên không ngại vượt biển băng ngàn đến đây.”

Lúc đó vào thời hai chúa Trịnh Nguyễn, một thời vừa có chiến tranh vừa có cấm cách, bắt đạo Chúa. Sự đi lại vô cùng khó khăn, nhất là đối với một ông Tây “da hồng mũi lõ”! Vì thế thường cha Đắc Lộ phải giảng dậy, làm lễ, cử hành các bí tích ban đêm. Còn ban ngày, ngài di chuyển bằng cáng: hai người gánh một chiếc võng, ngài nằm trong đó, lấy chiếu che lại. Dạo ấy, từ sông Gianh đến Phan Thiết chỉ có lưa thưa một vài giáo sĩ. Lắm lúc cả địa hạt rộng lớn ấy chỉ có một mình cha Đắc Lộ tung hoành. Ngài phải lẩn trốn nhiều vùng, phải âm thầm đi đi lại lại để củng cố giáo đoàn Đàng Trong. Mỗi lần ra đến Huế, ngài lại còn lo cho cả giáo dân thuộc (t.278) địa phận Đàng Ngoài nữa. Các đại diện của giáo dân bên kia sống Gianh vào gặp ngài, chịu các phép bí tích, nhận chỉ thị để rồi trở về củng cố cuộc sống đức tin của các giáo hữu vắng bóng chủ chăn.

Khắp Đàng Trong, không chỗ nào mà không in dấu cha Đắc Lộ. Ba lần ngài bị phát giác phải đuổi về Macao, và mỗi lần như thế, đợi bàu khí hơi hơi lắng dịu ngài lại sắm sửa lễ vật sang dâng cho Chúa Nguyễn, đi theo ghe thuyền nhà buôn trở lại Việt Nam.

Không có văn phòng, quạt điện, máy điều hòa, thư viện, thiếu hẳn mọi tiện nghi tói thiểu, thế mà cha Đắc Lộ soạn thảo thành công cuốn “Phép giảng 8 ngày cho những người muốn chịu phép Rửa Tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời” và cuốn tự điển: “Ba Thứ Tiếng Việt-Bồ-La” gồm cả văn phạm tiếng Việt, cách dùng chữ Latinh thay cho chữ Nôm, lối phát âm… Ngài đã mang về ấn loát tại nhà in Vatican vào khoảng năm 1651, làm nền tảng cho tiếng Việt ngày nay.

Dĩ nhiên, ngài đã căn cứ vào công trình của nhửng người tiền phong như cha Buzomi chẳng hạn. Nhưng ngài đã có công lớn trong việc tổng hợp, phân tách từ ngữ, xác định văn phạm, phát âm và đưa tất cả đến tình trạng hoàn chỉnh để phục vụ Hội Thánh. Ngài đã thâm tín rằng: ngôn ngữ là khí cụ thiết yếu để đưa Tin Mừng đến cho mọi dân tộc, không phải chỉ trong chốc lát mà còn cho muôn vàn thế hệ mai sau. Chắc chắn phải có một tâm hồn hiếu học, một tinh thần tông đồ nồng cháy mới có thể kiên trì nghiên cứu, bảo quản và hoàn thành (t.279) một công trình khó khăn như thế, giữa bao thử thách gian nan. (t.280)

 

11. PHÁT TRIỂN MUÔN MẶT, PHỤC VỤ ĐÍCH THỰC

 

(1) Kinh Tế Phục Vụ Con Người

Cha Louis-Joseph Lebret (1897-1966), cựu sĩ quan Hải Quân, là một tu sĩ dòng Đaminh, đã có công khởi xướng và cùng với nhà chuyên môn giàu thiện chí khác (như cha: Th.Suavet, H.Quoist) lập nên một học thuyết, đồng thời cũng là một nhóm mang tên “Kinh (t.291) Tế và Nhân Bản” (Économie et Humanisme) nhằm mục đích phát động một nền kinh tế phục vụ con người!

Sau khi nghiên cứu và đúc kết thành một học thuyết, một hệ thống thực sự, ngài đã cùng với các đồng chí cho xuất bản nhiều sách báo, vạch ra một đường hướng phục vụ thế giới mới mẻ, ai muốn hưởng ứng thì cứ vận dụng cách sáng tạo vào hoàn cảnh của địa phương mình.

Cha Lebret được mời du hành khắp thể giới (từ nhiều làng bên nước Pháp tới những xứ kém mở mang, từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tới Hội Trường Công Đồng Vatican II) để trình bày đường lối của ngài về “Kinh Tế và Nhân Bản”. [ Chú của người tổng hợp: NGÀI ĐÃ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH NÀY TẠI VIỆT NAM HAI NĂM 1958-1959, THỜI CHẾ ĐỘ VNCH I].

Ngài nhấn mạnh rằng:

Phải làm sao để vừa phát triển nền kinh tế, vừa phát triển con người toàn diện, vật chất cũng như tâm linh, và phát triển đồng đều trên mọi miền khắp thế giới.

Ngài đã để lại lời cầu nguyện sau đây thật đáng cho chúng ta suy niệm:

“Lạy Chúa, lỗi tại con,

Tại con không chân thành yêu anh chị em con,

Tại con không cảm thấy đau khổ trước những khốn cùng của anh chị em con,

Tại con hay thờ ơ lãnh đạm bên cạnh người xấu số,

Tại con đã khinh dể nhiếu người, nhất là những người nghèo hèn, những người có địa vị kiến thức kém hơn con,

Tại con không giữ đúng như lời cam kết, (t.292)

Tại con không ăn ở d6ẽ dãi với kẻ khác, không sẵn sàng với kẻ khác,

Tại con không biết tìm hiểu hoàn cảnh của người ta,

Tại con đã từ chối một sự giúp đỡ, theo tính ích kỷ của con,

Tại con không ra tay xoa dịu một vết thương mà lẽ ra con phải làm,

Tại con chỉ tới lui kết nghĩa với những người mà con mong sẽ đem lại lợi ích cho con,

Tại con đã làm tổn thương người ta nhiều vì lời ăn tiếng nói của con,

Tại con đã hạ bệ những kẻ đối nghịch với con,

Tại con đã láo xược và ăn ở bất công,

Tại con đã làm gương xấu quá nhiều …,

Nên anh chị em con đã bị tổn thương nhiều vừa hồn vừa xác.

Lạy Chúa, lỗi tại con!!! Xin Chúa tha thứ cho con.

Và con cũng xin Chúa tha thứ cho những anh chị em vì lỗi con mà đã sống bất xứng” (t.293)

 

12. DẤN THÂN QUÊN MÌNH VÌ NGHĨA CẢ

(1) Thí Mạng Cho Người Hủi Việt Nam.

Trong nước Việt Nam cũng như trên thế giới, ngườì ta nghe nói niều đến nhà phung Quy Hòa, ở ngoại ô thị xã Qui Nhơn, nhưng thử hỏi mấy ai biết đến vị sáng lập nhà phung ấy! Vị đó là cha Paul Maheu, một linh mục người Pháp đã từ giã quê hương thân yêu với cuộc sống tiện nghi, để chôn đời mình giữa đám người xa lạ, mắc phải thứ bệnh khủng khiếp nhất trong loài người.

Thật thế, bệnh phung cùi là một thứ bệnh khủng khiếp nhất. Ai mắc nó phải chịu một cơn hấp hối trường kỳ, dai dẳng. Thân thể họ luôn luôn nhức nhối, lở loét, xông mùi thối tha nồng nặc. Dung nhan thì dần dần bị tàn phá, đặc biệt là khuôn mặt và chân tay, ai trông cũng xa lánh và nhờm tởm. Xã hội quá khiếp sợ họ nên thường tìm cách xua họ vào một nơi khuất mặt và như muốn lãng quên đi kẻo mất vui cuộc sống. (t.296)

Paul Maheu thì lại khác. Là một linh mục Công giáo, ngài đã dấn thân vào nếp sống của người cùi, chọn họ làm con cái quý yêu cật ruột, sống trong một ngôi nhà bé nhỏ ngay giữa làng phung để đêm ngày săn sóc họ, lo cho họ đầy đủ vật chất cũng như tinh thần.

Phía sau nhà có một cái kẻng. Mỗi lần nghe tiếng kẻng đánh, cha vội đi ra và dịu dàng hỏi:

Có việc gì vậy con? Vào đây!”

 Ngày nào cũng thế. Điệp khúc ấy cứ ang lên đều đặn, và con tim của những người phung hủi hân hoan đón lấy. Rồi đến lượt họ, họ cũng cất lên những lời tâm sự, vì trong cảnh cô đơn buồn tủi ấy, chỉ mình cha Maheu là người thân tín duy nhất của họ thôi.

Thưa cha, con đau buồn quá! Đêm nay con mới rụng thêm một đốt ngón tay nữa. Con đã lượm được, nè đây cha xem!

Cha Maheu cầm lấy đốt lóng tay, thương tiếc như chính một phần thân thểcủa mình. Ngài ôm choàng lấy bệnh nhân, ngẹn ngào thốt lên những lời an ủi động viên tinh thần họ:

Tội nghiệp con quá! Ta hãy cứ chiến đấu với bệnh tật, cứ dùng thêm thuốc để chặn đứng cơn bệnh đi…

Đối với cha Maheu, không gì quí bằng các người phong hủi. Ngài không thể rời họ một ngày, không thể không tìm cách khen lao họ khi có dịp. Mỗi khi khách từ xa tới thăm, ngài thường mời ở lại dùng bữa. Trong lúc ăn, miệng ngài liên tiếp giới thiệu: (t.297)

Mời dùng trứng này, do gà của người phung nuối đấy! Mời dùng cá này cũng của người phung mới câu hồi sáng; còn đây là xà-lách cũng do tay người phung trồng đấy! Tốt lắm!

Vừa mời, ngài vừa ăn một cách ngon lành trong lúc khách thì quá khiếp sợ, chẳng dám dùng một tí gì, chứ đừng nói chuyện ăn với uống.

Không mấy năm sau, cha Maheu đã trở thành người phung thực sự. Càng đau đớn càng có dịp để chia sẻ cuộc đời của họ, họ càng yêu mến trọng kính ngài. Và rồi một hôm, người hùng dấn thân đã nằm xuống, xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người con thân yêu nhất. (t.298)

(2) Hóa Nên Người Trung Hoa Để Chinh Phục Người Trung Hoa.

Tuy là người Bỉ, cha Vincent Lebbe (1877-1940) đã tình nguyện dấn thân sang truyền giáo ở Trung quốc. Suốt bao năm ngày, ngài luôn miệt mài thao thức, suy tư và cầu nguyện trước vấn đề khó khăn: Làm sao để dấn thân truyền giáo và phục vụ xã hội Trung Hoa cho đắc lực. Thế rồi, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa, câu trả lời đã đến với cha:

Muốn đến với người Trung Hoa phải trở nên người Trung Hoa thực sự.”

Cha Vincent Lebbe đã triệt để dấn thân theo đường hướng ấy, từ lối cắt tóc, để râu, ăn mặc cho đến cách suy tư, cử hành phụng vụ, giảng dậy giáo lý (ngài xin nhập tịch Trung Hoa và lấy tên Lôi Minh Viễn), tất cả đều nhắm một mục đích là làm sao để vừa phù hợp với tâm hồn người Trung Hoa, vừa bảo tồn căn nguyên bản chất Kitôgiáo. Và trong tinh thần ấy, ngài đã thành lập một hội dòng lấy tên “Anh em hèn mọn của Thánh Gioan Tẩy Giả” để vận dụng cách sáng tạo nếp sống khổ tu vào (t.300) hoàn cảnh cụ thể của xã hội và tâm hồn người Trung Hoa và áp dụng nguyên tắc truyền giáo của ngài.

Tại nước Bỉ, quê hương ngài cũng có rất nhiều người sung mộ tinh thần ấy. Họ đã lập nên một Tu hội truyền giáo cho các linh mục viết tắt là S.H.H. tạm gọi là “Hội Trợ Tá của các xứ truyền giáo”. Họ cũng lập một Tu Hội cho nữ giới viết tắt là A.F.I. (Nữ Trợ Tá Quốc Tế)

Tinh thần cốt yếu của cha Lebbe là gì?

Đó là không đi theo phương pháp bấy lâu: đến một quốc gia, nhận trách nhiệm coi sóc một giáo phận hoặc một giáo xứ, đứng đầu hàng giáo sĩ địa phương… mà là theo một phương pháp mới: đến một quốc gia, một giáo phận do hàng giáo phẩm bản xứ quản trị v àlàm những trợ tá phục vụ dưới quyền họ, cho dù họ kém khả năng hơn mình. Đối với những năm đầu của thể kỷ XX này, chủ trương trên thật là mới mẻ, độc đáo có tình chất cách mạng. Vì trước đây, tại các xứ truyền giáo, hầu như chẳng có một vị Giám mục bản xứ nào, huống nữa là sự kiện các linh mục thừa sai đi làm trợ tá cho hàng giáo sĩ bản xứ. Quả là táo bạo!

Và còn táo bạo hơn nữa là sự việc sau đây: Trong một chuyến trở về công tác ở châu Âu, cha Lebbe đã sang Roma xin yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI, vị Giáo Hoàng được mệnh danh là “Giáo Hoàng của Công Giáo Tiến Hành” và “Giáo Hoàng của Truyền Giáo”.

Trong buổi triều yết, ngài đã trình bày với Đức Piô XI: (t.301)

Xin Đức Thánh Cha đặt các Giám mục bản xứ cho người Trung quốc.”

Đức Thánh Cha vui vẻ trả lời:

Đó là điều cha mong muốn. Con thấy hàng giáo phẩm Trung quốc hiện nay có đủ khả năng nhận trách nhiệm lãnh đạo nhận các giáo phận không?

Thưa Đức Thánh Cha, con tin chắc là có. Với ơn Chúa họ sẽ chu toàn tốt trách nhiệm… Con thấy Tòa Thánh cần giao trách nhiệm cho hàng giáo sĩ bản xứ càng sớm càng tốt.

Đức Thánh Cha hỏi ngay:

Con có biết rõ linh mục Trung quốc nào xứng đáng được tấn phong làm Giám mục không?

Thưa Đức Thánh Cha có!”

Biên tên cho cha ngay đi!

Cha Lebbe liền lấy giấy bút ra, viết ngay liền một danh sách gồm tên 10 linh mục Trung quốc và đệ trình lên Đức Thánh Cha.

Tốt lắm! Cha sẽ xúc tiến ngay việc này!”

Thật là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Cha Lebbe ra về, tâm hồn cảm động hân hoan. Đức Piô XI quả là một vị Giáo Hoàng đây nhiệt tình và sáng suốt!

Ngày lễ Chúa Kitô Vua, 28.10.1926, chính Đức Piô XI chủ sự phong chức cho 6 Giám mục Trung quốc đâu tiên tại đền thờ Thánh Phêrô, trong số đó hầu hết đều nằm trong danh sách của cha Lebbe đề nghị. Lúc ấy tại một góc đền thờ, người ta thấy ngài quì gối âm thầm cảm tạ Chúa, vì đã cho ngài chứng kiến tận mắt điều ngài mong ước từ lâu. Sau Thánh Lễ, Đức Piô XI tiếp các Tân Giám mục Trung quốc tại phòng khác, (t.302) tặng cho mỗi vị một chiếc dồng hồ quả lắc và truyền các ngài trước khi về nước, hãy đi khắp Âu châu để cho mọi người thấy được hang Giám mục bản xứ. Thề rồi, tiếp sau các Giàm mục Trung Quốc ngày 30.10.1928, Đức Piô XI cũng tự tay phong chức cho các Giám mục Nhật Bản tiên khởi địa phận Nagasaki, rồi các Giám mục Ấn Độ, Indonêsia…

Ngày 11.6.1933Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cũng được chính tay Đức Piô XI tấn phong làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi.

Sau những tháng năm dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã nằm xuống (1940). Dân tộc Trung quốc coi ngài như một vị anh hùng quốc gia. Hội Thánh coi ngài như vị tiên phong của những công cuộc truyền giáo hiện đại. Thân xác ngài được chôn vùi ngay tại lòng đất Trung Hoa, để lại tấm gương sáng cho Kitôhữu thuộc đủ mọi thời. (303)

13. CANH TÂN CHÍNH MÌNH VÀ QUANH MÌNH

Hoạt Động Canh Tân Của Đức Phaolô VI.

… Riêng đối với Việt Nam, Đức Phaolô VI đã gọi là một “ngày đáng ghi nhớ” lúc ông Xuân Thủy, đại diện chính phủ của Việt Nam đến Vatican ngày 14.2.1973. Ba tháng sau, Đức Phaolô tiếp kiến ông (t.329) Nguyễn Văn Hiếu, trưởng phái đoàn của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Chủ Nghĩa Xã Hội Việt Nam ở Hội nghị La Celle-Saint-Cloud. Trước đó vào tháng 2.1971, Vatican đã tiếp bà Nguyễn Thị Bình, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời và à Trưởng phái đoàn của Chính Phủ này tại Hội Nghị Paris. Đức Phalô VI chỉ nói cách khiêm tốn về “một cuộc dấn thân theo sức chúng ta” để vãn hồi hòa bình chính đáng và lâu dài, bảo đảm cho con người được sống trong tự do hạnh phúc xứng với mọi dân tộc. (t. 331)

14. CUộC SốNG MớI MUÔN ĐỜI TRONG CHÚA

(1) Bức Thư Trước Giờ Hành Quyết.

Linh mục Trochu đã viết một cuốn sách rất công phu về Chân Phước Ven (Thánh Théophane Vénard). Trong sách đó có ghi lại rằng: đang lúc bị án tử hình vì đức tin và bị giam tại Hà Nội chờ ngày trảm quyết, thánh Ven đã viết nhiều bức thư nhờ giáo dân chuyển về cho gia đình. Trong số các thơ ấy, có máy dòng sau đây, được thánh nữ Têrêxa Hài Đồng (là người bảo trợ tinh thần cho thánh nhân) chọn làm như của chính mình vậy:

Thế gian chẳng còn gì làm vui sướng đời con nữa. Tâm hồn con đã được cởi mở rộng rãi. Những cái được người ta kêu là hạnh phúc ở trên đời, con cho là rơm rác hết. Lòng trí con đang bay về cõi thiên thai. Thời gian sắp mãn cuộc. Hồn con bình lặng như mặt hồ lặng lẽ hay như vòm trời xanh dịu. Con chẳng còn tiếc xót gì ở kiếp phù trần, chỉ khát khao mong mỏi về uống nước trường sinh cõi phúc…

Không lâu đâu! Linh hồn con sắp được từ giã thế gian rồi. Cuộc đầy đọa sắp qua, những ngày giao chinh sắp hết. Con lên Thiên Đàng! Con đi đến chốn an nghỉ đời đời của các thánh, nghe những nhạc điệu du dương tai chưa từng nghe, ngắm những sự tốt đẹp nhất chưa từng ngắm, vui hưởng hoan lạc trái tim chưa từng hưởng… Nay con sắp đến giây phút ai ai cũng thiết tha mong đợi. Quả thật Chúa đã chọn kẻ bé mọn để mỉa mai những kẻ quyền hành thế gian. Con không dám cậy sức riêng con, một chỉ cậy sức Đấng đã đứng trên thánh giá mà chiến thắng mọiquyền hành hỏa ngục.

Con là hoa xuân, nay chủ vườn muốn hái đem về làm cảnh. Chúng ta hết thảy là hao Chúa vun trồng trong vườn thế gian, sẽ có ngày Chúa hái về hết, nay hoa này, mai hoa khác, chày kíp gì cũng xong cả. Thân con là đóa hoa phù dung, dám xin mạn phép hồi hương trước. (t. 359)

Hẹn một ngày kia chúng ta sẽ cùng gặp nhau, tay bắt mặt mừng trên Thiên đàng, hân hoan trong vinh phúc trường cửu.”

Ngày 2.2.1861, thánh Ven gục ngã dưới lưỡi gươm của đao phủ tại pháp trường Cầu Giấy (Hà Nội) lúc vừa 34 tổi. Dầu ngài bị ném xuống sông mãi hai tuàn sau ngư phủ mới tìm thấy. Ai tin được trên đây là bức thơ tạm biệt gia đình của một tử tội! (t. 360)

15. GIAN KHỔ GẮN LIỀN VỚI VINH QUANG

(1) Nghệ Thuật Sống An Bình Trong Gian Khổ

Một tâm hồn thánh thiện nọ, sau khi trải qua bao ngày tháng gian khổ cũng như những giây phút thành công, đã để lại những lời nhắn nhủ, đồng thời cũng là những kinh nghiệm sống rất đơn sơ và hữu ích sau đây.

Nghệ thuật điều khiển lưỡi.

Thánh kinh có nói:

Miệng lưỡi người khôn ngoan cất trong con tim. Trái tim kẻ dại bày ra ngoài miệng (Huấn đạo 21, 26)

Hãy thường nghe hơn là nói, vì im lặng quí hơn nói. Nói ít thì khôn hơn nói nhiều. Nói ít mà nói đúng thì hay hơn nói nhiều nhưng nói bậy. Hãy chú ý: Nóí đúng vấn đề thì hay hơn nói luôn miệng.

Những luật sau đây giúp điều khiển lưỡi chúng ta:

Suy nghĩ trước khi nói.

Biết nói bằng sự im lặng.

Cầm giữ miệng lưỡi khi trái tim đang xao xuyến.

Im lặng khi mình quá ưa nói.

Nói sau kẻ khác.

Đừng bao giờ nói chống đối kẻ khác.

Bao giờ cũng nói tốt kẻ khác.

Đừng bao giờ tìm cách tự bào chữa.

Lúc nào cũng nói năng khiêm tốn.

Không bao giờ nói trái sự thật.

Luôn luôn thận trọng trong lời nói. (t.367)

Đừng bao giờ nói theo hứng.

Im lặng đừng nói những lời chua cay, khi trái tim bối rối và bị kích thích.

Trong câu chuyện, “khi gió thổi bốc lên thuận chiều”,

Hãy cầm hãm khuynh hướng “trút hết gan ruột ra”.

Cầm mình đừng nói những sai sót của bản thân.

Biết giới hạn như vậy sẽ tạo được một nguồn hạnh phúc mới mẻ.

Hãy kiểm soát giọng nói của bạn.

Đừng tìm biết tin tức vì tò mò.

Hãy nhớ lấy điều này là đừng phàn nàn về chuyện gì,

Đừng chỉ trích ai,

Đừng than trách hoàn cảnh nào,

Cũng đừng phê bình sự vật gì hết.

Dừng nói về mình, cũng đừng nói về những việc riêng của mình.

Nếu muốn nói về mình, thì chỉ tâm sự với một số rất ít người thôi.

 

Im lặng là bài học hay nhất.

Im lặng khi tức bực.

Im lặng khi bị chỉ trích.

Im lặng lúc bị từ chối.

Im lặng lúc thất vọng.

Im lặng lúc gặp cảnh vô ơn.

Im lặng khi cảm thấy lòng ghen ghét.

Im lặng lúc bị phản bội.

Im lặng khi được thỏa mãn.

Im lặng lúc đau khổ mọi nỗi. (t.368)

 

Hình như không có thực hành nào giá trị bằng sự im lặng.

Im lặng cho ta thấy một sức mạnh tiềm tang.

Im lặng thu hút được sự tín nhiệm.

Im lặng bảo đảm cho ta được sự kính trọng.

Người dè dặt đúng múc là người có dáng huyền bí, biểu lộ một vẻ tuyệt đẹp của tâm hồn.

Im lặng còn có một tính cách tích cực nữa.

Nhiều khi im lặng không nói lại là câu trả lời hữu hiệu nhất, thuyết phục lòng người hơn trăm bài hùng biện.

Cố gắng hơn tí chút.

Nhẫn nại hơn tí chút, để chấp nhận một người không hợp với tôi chút nào, nhưng tôi lại bó buộc sống với.

Kiên quyết hơn tí chút, để tiếp tục công việc này mà bổn phận đời tôi làm tôi cảm thấy chán ngấy.

Khiêm nhường hơn tí chút, để ở lại nơi Chúa dẫn dắt tôi tới, nhưng không mảy mai phù hợp với ước vọng và chương trình của tôi.

Biết lẽ phải hơn tí chút, để chấp nhận người khác cùng với bản tính họ, thay vì đòi hỏi họ rập theo khuôn khổ tôi thích.

Khôn ngoan hơn tí chút, để đừng làm phiền lòng người khác và ít nhúng tay vào công việc của họ.

Can đảm hơn tí chút, để chịu đựng một biến cố đột ngột làm tôi mất bình an cách thâm sâu.

Tươi tỉnh hơn tí chút, để không tỏ ra tôi bị trái ý.

Bỏ mình hơn tí chút, để cồ gắng tìm hiểu tư tưởng và cảm nghĩ của người khác. Trên hết mọi sự, cầu nguyện hơn tí chút, để kết hợp với Chúa trong trái tim tôi và bàn hỏi với Ngài. (t.369)

 

16. LÃNH ĐẠO LÀ PHỤC VỤ CAO CẢ NHẤT

(1) Lãnh Đạo Là Phục Vụ Công Lý Tạo Tác Hòa Bình.

Năm 1965, giữa lúc Johnson cho chiến tranh leo thang tại Việt Nam, thì Đức Phaolô VI được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, qua vị Chủ Tịch Amintore Fanfani và vị Tổng Thư Ký U Thant, mời sang Nữu Ước (4.10.1965). Trước sự hiện diện của Tổng Thống Johnson, Đức Phaolô VI không ngần ngại nói thẳng đến vấn đề hòa bình, nhắc lại lời của một vị Tổng Thống mà ông Johnson đang kế nghiệp:

Từ nay đừng còn cảnh người này chống lại người kia, vâng, đừng ba giờ nữa! Chẳng phải vỉ chính mục đích này mà Liên Hiệp Quốc được thành lập sao? Xin hãy lắng nghe lời nói sáng suốt của một vĩ nhân quá cố, ông John Kennedy, đã nói cách đây bốn năm:

Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh, bằng không, chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại…

Xin quí vi nhớ cho rằng máu của hằng triệu con người, những nỗi thương đau chưa từng thấy, những cuộc tàn sát dã man và những tàn phá kinh khủng đang phê chuẩn cái hiệp ước đã liên kết quí vị lại trong một lời thề khiến lịch sử thế giới mai hậu phải đổi thay:

Đừng chiến tranh, đừng bao giờ còn chiến tranh (t.449) nữa. Mà chính là hòa bình. Hòa bình phải hướng dẫn các dân tộc và toàn thể nhân loại.’”

Ngài luôn có những hoạt động nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Với các Giám mục Việt Nam đến Rôma, ngài thường nói:

Tôi đã làm tất cả những gì có thể được để vãn hồi hòa bình ở Việt Nam. Việt Nam có một chỗ đặc biệt trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi. Mỗi tối trước khi ngủ, tôi mở cửa sổ hướng về Việt Nam, cầu nguyện và chúc phúc lành cho Việt Nam.”

Các đoàn hành hương biết chỗ “ngứa”của ngài, nên trong các buổi triều yết chung, mỗi khi ngài nhắc đến “Việt Nam” thì họ vỗ tay vang dội cả đền Thánh Phêrô. Họ biết làm thế ngài rất vui thỏa. Không danh xưng một quốc gia, dân tộc nào được Đức Phaolô nhắc đến bằng hai chữ Việt Nam. Ngài đã có 92 diễn từ về Việt Nam.

Mặc cho thế lực nào phản đối, mặc cho chế độ nào phiền trách, Đức Phaolô VI vẫn ý thức sáng suốt sứ mệnh rao truyền chân lý, hòa bình, công chính của ngài và đã can đảm thực hiện sứ mệnh ấy. Lịch sử tôn vinh ngài, bao nhiêu quả tim trên thế giới yêu mến ngài. Ngài đã kiên cường lãnh đạo Hội Thánh đi theo con đường Công lý Hòa bình vậy. (t. 450).

(2) Thập Đại Bại Và Thập Đại Thắng.

Một thanh niên nọ có dịp học hỏi nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trong các anh hùng người Việt, vị mà ông khoái nhất là ông Nguyễn Trãi, vì tinh thần ông rất dũng cảm, khí thế ông rất kiêu hùng. Anh ta tuộc lòng cả bài “Bình Ngô Đại Cáo” của ông.

Khi đọc xong bức thư của ông gởi cho Tướng lãnh Trung quốc, khuyên bảo họ nên rút quân xâm lược về, nếu không sẽ thảm bại nhục nhã; anh ta khoái nhất là chỗ vị quân sư của vua Lê Lợi đã phân tích sự việc dưới tiêu đề: “Lục Đại Bại Và Lục Đại Thắng”, nghĩa là sáu nguyên do bất lợi khiến cho Trung quốc xâm lược phải thua và sáu nguyên do về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chính nghĩa, ái quốc khiến quân ta sẽ thắng.

Chàng thanh niên ấy đêm ngày cứ trầm ngâm suy nghĩ về “Lục đại bại và lục đại thằng” mãi cho đến một hôm anh nảy ra một sáng kiến về thuật lãnh đạo, mà rồi, vì thấy hay hay, anh bèn bắt chước Nguyễn Trãi đặt tên cho là: “Thập Đại Bại Và Thập Đại Thắng.” Anh lấy làm thích chí và vui vẻ đem ra giải thích cho các bàn mười lý (t.469) do khiến người lãnh đạo thất bại và ngược lại mười lý do khiến người lãnh đạo thành công. Các bạn anh nghe qua cũng tạm được bèn tặng cho anh một biệt hiệu khiêm tốn nhưng cũng rất oai “ Nguyễn Trãi Tí Hon.” Tuy là sáng kiến của một “cậu bé tí hon”, nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Thập Đại Bại (của lãnh đạo):

1.Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoàn, chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến.

2.Băn khoăn, bi quan, khiến cho người khác cũng hoang mang.

3.Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện, không hòa mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc địa phương.

4. Đa nghi đối với mọi người, mang bệnh “do dự mãn tính”, sợ mất lòng, thay đổi ý kến như chong chóng.

5.Tự mình ôm đồm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, phiền toái không phân biệt đâu là chính yếu đâu là phụ thuộc.

6.Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng, Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công, vô ơn đối với kẻ thành tâm giúp mình.

7.Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời, “xông pha cứu trợ người thắng trận” trước ai hết; suy thì rút lui nhẹ nhàng không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho kẻ khác.

8.Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.

9. Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.

10.Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế.

Thập Đại Thắng:

1.Khiêm tốn, trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, uyển chuyển, linh động, lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ lượng giá.

2.Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố.

3.Có thuật dùng người, chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của kẻ khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, mà nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích.

4.Tín nhiệm cộng sự viên: xem, xét, làm. Quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được.

5.Chia sẻ trách nhiệm với các cố vấn, chuyên viên, cộng sự viên, luôn học hỏi, trau giồi thêm khả năng.

6.Nói ít, làm nhiều, luôn luôn trọng kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc thành công, (t. 472) chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì và nhẫn nại, không bao giờ thất vọng.

7.Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mệnh, can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện nhận điều khó cho mình, để cái dễ cho cộng sự viên.

8.Trước mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch; sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê, sợ tâng bốc thích nghe nói thẳng nói thật.

9.Chỉ tìm phục vụ, quên mình đi vì đại cuộc, xác tín rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm thánh ý Chúa, giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng, chuẩn bị cho tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.

10.Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, biết cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa, bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai có Chúa lo.

Chắc các bạn cũng cảm nghiệm cái lý thú của “Thập Đại Bại và Thập Đại Thắng” rồi chứ gì? Hoan hô “Nguyễn Trãi Tí Hon”! (t. 473)

17. MẸ MARIA, TRUNG GIAN MUÔN HỒNG ÂN

(1) Tận Hiến Cho Mẹ

Theo Thánh Montfort, lòng thành thực sung kính Mẹ phải đi đến tột đỉnh là tận hiến cho Mẹ.

Ngài viết:

Tôi đã n:Điểm chính của đời tận hiến là làm mọi việc với Mẹ, trong Mẹ, nhờ Mẹ và vì Mẹ. Vào hội tận hiến, mỗi ngày đọc đôi kinh, việc đó không có chi là khó cả; đi sâu vào tinh thần tận hiến mới là khó. Ta phải thực tâm tùy thuộc, làm nô lệ của Mẹ và nhờ Mẹ làm nô lệ Chúa Giêsu. Tôi đã gặp nhiều người nhiệt thành tận hiến nhưng chỉ bề ngoài: Người có tinh thần tận hiến thật ít có, người bền đỗ sống đời tận hiến lại càng hiếm hơn”.

Ngài giải thích:

1.Với Mẹ: Nghĩa là khi làm bất cứ việc gì, người tận hiến phải lấy Đức Maria làm mẫu gương trọn hảo nhất để theo.

2.Trong Mẹ: Khi làm việc gì, ta tạo trong trí khôn hình ảnh Mẹ Maria như nhà nguyện nhỏ ta vào trong đó cầu xin, Chúa Cha sẽ không bao giờ từ chối… Ta hoạt động là hoạt động trong Mẹ, không bao giờ theo ý mình trong bất cứ việc gì.

3.Nhờ Mẹ: Bao giờ đến với Chúa Giêsu cũng phải đều nhờ Mẹ, nhờ Mẹ can thiệp với Chúa. Không xin gặp riêng Chúa để thưa một việc gì.

4.Vì Mẹ: Đã làm nô lệ của Mẹ, thì việc gì cũng làm vì Mẹ, trước là làm vinh danh Mẹ, sau là nhờ Mẹ mà làm cho danh Chúa cả sáng. Trong mọi hoạt động của con, hãy loại trừ con người của con, bởi vì tình tự cao, tự đại, tự mãn, vị kỷ… nó xâm nhập lúc nào cũng không thấy được.

Tâm hồn tận hiến, theo thánh Montfort, phải phục vụ Chúa như người nô lệ của tình thương. Ngài giải thích đơn sơ rõ ràng:

Tôi xin nói ra là chúng ta phải lệ thuộc và phục vụ Chúa Giêsu không như người làm thuê có tiền, nhưng như nô lệ của tình thương, mà vì hết lòng quí mến Chúa nên hién mình làm nô lệ để phục vụ Chúa, coi việc được nô lệ Chúa là một vinh dự rất cao cả…

Xưng mình là nô lệ Maria, có nghĩa là nhờ Mẹ mà làm nô lệ của Chúa một cách hoàn hảo hơn. Maria là (t. 523) phương tiện Chúa dùng để đến với ta, ta cũngphải nhờ Maria mà đến với Chúa (Thánh Augustinô)”. (t.524)

18. HY VỌNG, ĐỈNH ĐIỂM CUỘC SỐNG

Ơn Chúa Và Ý Chí Con.

Cậu Phaolô Bột, tiểu chủng sinh làng Sơn miêng, phủ Ứng Hòe, tình Hà Đông, bị bắt cầm tù vị theo đạo Giatô. Cậu bị tra tấn dữ dằn, và vì còn trẻ, non gan yếu dạ nên cậu đã bước qua thập tự giá theo lệnh quan. Người ta thả cậu về. Mẹ cậu đuổi cậu ra khỏi nhà vì không muốn một đứa con chối Chúa. Phaolô bèn đi tìm một linh mục để xưng tội rồi lại trở về xin lỗi mẹ. Mẹ cậu tha lỗi và khuyên cậu:

Hãy vững vàng tuyên xưng lại đức tin, cò Chúa giúp con.”

Nhờ ơn Chúa soi sáng, cậu Bột lấy lại ý chí, và với một tâm hồn can trường quả cảm, cậu chạy thẳng đến dinh Thương Nam Định và lớn tiếng:

Tôi đã dại dột bước qua thập giá, giờ đây tôi đến xưng đạo, tôi sẵn sàng chết vì Chúa”.

Lính đuổi cậu ra và quát bảo:

Đồ ngu dại, đi đi, về nhà ngay kẻo chết! Bèn mảng đên đây (t.378) làm gì!

Nhưng cậu Bột vẫn can đảm đứng lì tại đấy, miệng không ngớt tuyên xưng đức tin.

Sau khi lãnh bản án của quan phê chuẩn, cậu bị voi chà nát bét cả thân mình. Linh hồn cậu bay thẳng về nơi Vinh hiển (1858) (t. 579)

19. CON CÓ MỘT TỔ QUỐC ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ

(1) Hai Nhà Ái Quốc Công Giáo Việt Nam.

Tiếng chuông ngân trầm,

Việt Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông não nùng, Việt Nam buồn thảm.

Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khải hoàn

Tiếng chuông thanh thoát,

Việt Nam hy vọng (t.582)

Là người Công giáo Việt Nam chúng ta luôn luôn hãnh diện đã góp phần xây dựng đất nước từ khi đạo Công giáo đến Việt Nam. Chúng ta đặc biệt hãnh diện vì có lắm khuôn mặt yêu nước chân chính đã được ghi công trong liỊh sử: Hai khuôn mặt nổi bật nhất, trong số đó là ông Nguyễn Trường Tộ và Linh Mục Đặng Đức Tuấn.

Nguyễn Trường Tộ (1827-1871)

Ông người thôn Bùi Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, theo học chữ Nho từ thuở nhỏ, tuy có tài về thơ văn, nhưng vì chán lối học từ chương và có khuynh hướng về lối học thực dụng, nên ông không theo đường cử nghiệp. Nhờ có đạo, nên một nhà dòng ở Tân Ấp mời ông làm thầy dậy chữ Hán, do đó ông gặp được một giáo sĩ thừa sai là Đức Giám mục Gaulthier (Ngô Gia Hậu). Vị Giám mục này dạy ông học tiếng Pháp và các khoa học phổ thông, rồi sau đó đưa ông qua Ý, qua Pháp một thời gian để ông quan sát học tập thêm nữa.

Khi về nước, giữa lúc người Pháp đang đánh Gia Định (1859), ông có giúp việc cho Soái Phủ Nam Kỳ trong ít lâu, chủ tâm vào viêc giảng hòa hai chính phủ Pháp và Việt. Rồi ông về quê, đem các điều đã sở đắc giúp người đồng hương khẩn đất, lập ấp và kiến trúc, đồng thời viết nhiều bản điều trần để xin Triều đình canh cải mọi việc.

Năm 1866 (Năm Tự Đức thứ 19), ông được cử đi tìm mỏ ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Tháng Sáu năm ấy ông được Quan Tổng Đốc Hoàng Tố Viêm giao cho việc cắm lối để đào sông thiết cảng, một công trình thủy lợi quan (t.583) trọng thời bấy giờ. Đến tháng 9, ông lại cùng với Đức Giám mục Gaulthier sang Pháp để mướn chuyên viên kỹ thuật và mua máy móc. Nhưng vì việc giao dịch giữa Triều đình Việt Nam với Soái Phủ Nam Kỳ trở nên gay go, nên khi ông đang lo các việc ở Pháp thì nhận được lệnh đình chỉ việc mước chuyên viên và mua máy móc mà về.

Đến năm 1868, vua Tự Đức lại phái ông sang công tác bên Pháp, nhưng ông đau không đi được. Năm 1871, vua lại triệu tập ông vào Kinh (Huế) để đem học sinh sang du học Pháp, nhưng ông cũng đau nên phải từ chối. Giữa năm ấy thì ông mất, thọ 44 tuổi. Trước khi mất, ông còn viết nhiều bản điều trần nữa.

Nội dung của các bản điều trần đó (viết từ năm 1863-1971) là trình bày những điều ông đã xem thấy, hiểu biết, về thế giới văn minh khoa học, kỹ thuật cho Triều đình hay và thảo ra một chương trình cải cách để giúp cho việc phát triển Quốc gia và đối phó với hoàn cảnh đương thời. Những bản quan trọng nhất là về chính sách Tôn giáo (1863), về việc phái học sinh du học ngoại quốc (1866), về việc giao thiệp với nước ngoài (1868), về cải cách nông nhiệp, về việc tu chính võ bị (1871), đào tạo nhân tài (1871), vế việc phát triển kỹ nghệ, về việc Quốc văn (1867)…

Lời lẽ các bản điều trần cho thấy ông là một người học thức rộng, kiến văn nhiều, lại có lòng nhiệt thành yêu nước, muốn đem những điều sở đắc mà giúp vào việc canh tân đất nước cho giàu mạnh phú cường. Lúc đầu, nhà vua thấy kế hoạch của ông có nhiều điều hay, cũng (t. 585) có ý muốn đem ra thực hành, nên có lần giao cho việc đi tìm mỏ và phái ông sang Pháp mua máy móc và tuyển chuyên viên (1866) Nhưng tiếc thay Triều thần bấy giờ phần nhiều không hiểu thời cuộc, chỉ một mực thủ cựu, không tán thành các việc ông xin, lại tìm cách bài bác công kích, nên chương trình hay ho của ông đành phải bỏ dở.

Cha Đặng Đức Tuấn.

Cha Đặng Đức Tuấn cũng là người đồng thời với ông Nguyễn Trường Tộ. Thời ấy, vua Tự Đức và Triều đình Huế, như hai triều vua trước, đều xem đạo Công giáo là một dị đoan, là tà thuyết mê hoặc nhân tâm, xúi dân phản quốc và chạy theo giặc Pháp, nên đã ra sắc chỉ cấm đạo (từ năm 1848).

Để sửa đổi những quan niệm sai lầm ấy, cha Đặng Đức Tuấn, một linh mục địa phận Qui Nhơn, đã làm một bản điều trần bày tỏ mọi căn nguyên rồì định ra Huế, để trình cho vua ngự lãm (khoảng 1860-1861). Đang khi đi đường, thì ngài bị bắt và bị giải lên huyện Mộ Đức, tình Bình Định. Quan huyện cho điệu ngài lên tỉnh. Ở đây nhân vua có hai vị quan ở Kinh vào kinh lý, nên bản điều trần của cha Đặng Đức Tuấn được xem qua và rồi bị giải ra Huế để trực tiếp cung khai với Triều đình đúng như lòng ngài sở nguyện.

Đến Huế, ngài được gặp đại thần Phan Thanh Giản và Thượng Thư Lâm Duy Tiếp. Hai ông hỏi đạo Công giáo dạy những gì và vì sao “Tây Dương” đến gây hán quấy rối. Cha Tuấn lien phân giải hai vấn đề quan trọng (t.585) đã gây bào tai hại lớn lao trong thời kỳ ấy bằng những lơi lẽ như sau:

Đạo Công giáo dạy phụng sự Thiên Chúa linh thiêng, tạo thành thiên địa, cầm quyền sinh tử; phàm người thế có tinh linh vâng theo đường chính tất hưởng trường sinh cõi thọ.

“Đạo cũng dậy phục quyền vua thay mặt Thiên Chúa trị dân; đạo dậy hiếu kính phụ mẫu, đền ơn sinh thành.

“Các lý thật lẽ ngay bên đạo do ở pho sách Kinh Thánh rút ra, thành thử xưa nay vẫn một mực, và tuy truyền giáo tứ phương nhưng tựu trung đâu đó vẫn dưới quyền Đức Giáo Hoàng ngay tại Rôma.

“Nếu việc (gây hấn) do ở Roma, thì xin chịu Đạo phá rây, nhưng không phải; chiến tranh mà có là do bởi ở nước ngoài vì đường danh lợi mà tạo nên. Nếu truyền giáo mà hoành hành như thế, thì xin Triều đình xét năm tàu kia lại, như đạo nội ứng cho giặc tất nhiên sẽ rủ nhau bỏ xứ chạy ùa theo giặc. Nhưng bởi không có cái nhị tâm đó nên đâu đó vẫn ở yên giữ luật Nước Nhà…”

Sau đó, cha Đặng Đức Tuấn còn làm thêm vài bản điều trần nũa và được chính vua Tự Đức đọc. Xem xong, nhà vua truyền mở gong giải xiềng và ban thưởng cho ngài, rồi cha được tự do thăm viếng các giáo hữu đang bị giam cầm vì đức tin trong ngục thất.

Đến thàng 3 năm 1862, cha Tuấn lại dầng thêm hai bản điều trần nữa. Lần này vua Tự Đức thuận theo những lời yêu cầu của ngài nên hạ lệnh cho tha các giáo hữu đang bị bách hại và bị tống ngục. (t.586).

Lúc đó miền Nam đã bị Pháp chiếm, miền Bắc lâm cảnh nổi loạn và tàu Pháp đánh ra Huế, đợi ký kết hòa ước với Việt Nam. Triều đình bàn tán xôn xao, không biết phái ai đi Đại sứ. Thương Thư Bộ Binh Lâm Duy Tiếp bèn mời cha Tuấn đến dò ý kiến. Ngài đề nghị cụ Phan Thanh Giản cùng ông ta đi, và ngài cũng xin tháp tùng làm cố vấn. Vua Tự Đức y theo lời xin. Từ ngày ấy cha Tuấn được ra vào Tả Viện và Hoành Thành để bàn bạc chuyện thương thuyết với hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp. Đến tháng 5 thì cả ba cùng phái bộ vào Sàigòn ký hòa ước Nhâm Tuất.

Sau cha Đặng Đức Tuấn được về Bình Định và mỗi lần phải tra hỏi, Vua Tự Đức lại ra chỉ triệu ngài về Huế. Nhờ ngài mà Triều đình bớt ác cảm với Đạo và biết rõ quan niệm yêu nước chân chính của người Công giáo. Phần ngài thì cũng được dịp góp phần vào việc chính sự quốc gia.

“Nếu là Hoa, tôi sẽ là đóa hướng dương,

Nếu là Chim, tôi sẽ là bồ câu trắng,

Nếu là Dân, tôi sẽ chọn làm người Việt Nam,

Nếu là Tin, tôi sẽ nguyện theo Chúa hết lòng.”

Dayton, OH, ngày 16/9/2005.

Gs. Đỗ Hữu Nghiêm

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ