GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 26/9/2005

 

1)   ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV 18/9/2005 về Thánh Thiện và Bí Tích Thánh Thể

2)   ĐTC Biển Đức XVI: Bức Thư gửi Dịp Kỷ Niệm 25 Năm Công Đoàn Balan

3)   ĐTC Biển Đức XVI với Các Tôn Sư Trưởng Do Thái Giêrusalem: “Tôn giáo và hòa bình là những gì đi đôi với nhau

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 26 Thường Niên 25/9/2005 về Thánh Thể và Tình Yêu

Anh Chị Em thân mến,

Trong ngày Chúa Nhật cuối cùng tôi sống ở Castel Gandolfo này, tôi muốn gửi lời chào tới tất cả mọi người trong tỉnh đây, lập lại tất cả tấm lòng tri ân chân thành của tôi về việc họ tiếp đón tôi.

Tiếp tục suy niệm về mầu nhiệm Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô giáo, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh đến mối liên kết giữa Thánh Thể và đức ái. Tình yêu, “theo tiếng Hy Lạp là “agape”, theo tiếng Latinh là “caritas”, trước hết không có nghĩa là một tác động hay cảm tình bác ái, mà là tặng ân linh thiêng, là tình yêu Thiên Chúa được Thánh Thần tuôn đổ vào lòng con người, để rồi dẫn con người hiến mình cho chính Thiên Chúa và tha nhân của mình.
Cả cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu, từ khi được hoài thai cho đến khi chết trên thập tự giá, là một tác động yêu thương, cho đến độ chúng ta có thể tóm đức tin của chúng ta bằng những lời này: “Chúa Giêsu là đức ái” – Giêsu là yêu thương. Trong Bữa Tiệc Ly, biết rằng đã đến giờ của mình, vị Tôn Sư thần linh này đã ban cho các môn đệ của mình một tấm gương yêu thương cao cả, rửa chân cho các vị, và phó cho các vị di sản quí giá là Thánh Thể, một bí tích gồm tóm tất cả mầu nhiệm vượt qua, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính đã viết trong thông điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”. Tất cả các con hãy lãnh nhận mà ăn, vì “này là Mình Thày”, “tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén Máu Thày”.

Những lời của Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly đã tiên dự cuộc tử nạn của Người và bộc lộ việc Người ý thức về cuộc tử nạn ấy, biến nó thành việc Người tự ban tặng bản thân mình, bằng tác động yêu thương hoàn toàn hiến ban. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu hình mình cho chúng ta bằng thân thể của Người, bằng linh hồn của Người và bằng thần tính của Người, và chúng ta trở nên một với Người và giữa chúng ta.

Bởi thế, việc chúng ta đáp ứng tình yêu cần phải là những gì cụ thể, và cần phải được thể hiện bằng một cuộc hoán cải chân thực cho tình yêu, bằng việc thứ tha, bằng việc chấp nhận nhau và bằng việc lưu tâm tới các nhu cầu của tất cả mọi người. Những hình thức phục vụ, nếu chúng ta chú ý một chút, thì nhiều và khác nhau chúng ta có thể cống hiến cho tha nhân của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Thánh Thể nhờ đó trở thành một nguồn lực linh thiêng canh tân đời sống của chúng ta hằng ngày, và nhờ đó, canh tân tình yêu của Chúa Kitô giành cho thế giới.

Những chứng nhân gương mẫu về tình yêu này là các vị thánh, những vị kín múc từ Thánh Thể sức mạnh của một đức ái sinh động và thường là anh hùng. Giờ đây tôi đặc biệt nghĩ đến Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô chúng ta sẽ cử hành lễ nhớ vào ngày kia, vị đã nói: “Hân hoan biết bao được phục vụ con người Chúa Giêsu nơi các phần tử nghèo khổ của Người!” và Người đã làm vậy bằng cả cuộc sống của Người. Tôi cũng đang nghĩ tới Chân Phước Mẹ Têrêsa, vị sáng lập dòng Chư Thừa Sai Bác Ái, vị mà nơi các người nghèo nhất trong các người nghèo đã yêu mến Chúa Giêsu là Đấng được lãnh nhận và chiêm ngưỡng hằng ngày nơi Bánh Thánh Hiến.

Đức ái thần linh biến đổi tấm lòng của Trinh Nữ Maria trước và hơn con tim của tất cả mọi vị thành. Sau biến cố Truyền Tin, được tác động bởi Đấng Mẹ đang được cưu mang trong lòng, Mẹ của Lời nhập thể đi thăm và giúp đỡ người chị em họ của Mẹ. Chúng ta hãy nguyện cầu để hết mọi Kitô hữu, được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa, càng ngày càng lớn hơn trong tình yêu Chúa và quảng đại giúp đỡ anh chị em mình.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 25/9/2005

 

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI: Bức Thư gửi Dịp Kỷ Niệm 25 Năm Công Đoàn Balan

 

Gửi Huynh Khả Kính,

TGM Stanislaw Dziwisz,

TGP Krakow

 

Hai mươi năm qua đi từ những ngày đáng ghi nhớ của những người lao động ở xưởng đóng tầu Gdansk và sau đó ở những cơ sở kỹ nghệ khác, đã khai sinh phong trào liên hiệp công đoàn mang danh xưng Hợp Kết “Solidarnosc”.

 

Đối với ngày này, qua Đặc Sứ của tôi đến tham dự cuộc Mừng long trọng này, tôi gửi đến huynh lời chào hỏi của tôi đến những người đã chủ động tham dự vào các biến cố ấy cũng như những ai ngày nay còn quan tâm tới gia sản này của phong trào lao nhân Balan.

 

Tất cả chúng ta đều biết được tấm vóc rất quan trọng của cuộc xuất phát khối công đoàn này có được nơi các biến chuyển ở Balan cũng như ở lịch sử của toàn thể Âu Châu. Nó chẳng những mang lại một cách êm thắm những đổi thay không ngờ về chính trị ở Balan, đưa nhân dân Ba Lan vào con đường tự do và dân chủ, mà còn vạch ra cho các dân tộc khác thuộc Khối Đông Âu trước đó cơ hội phân giải tình trạng bất chính về lịch sử khiến họ phải sống bên kia “Bức Màn Sắt”.

 

Tôi biết rằng việc xẩy ra biến động về công lý lịch sử này và việc Âu Châu được thở bằng hai buồng phổi cả Đông lẫn Tây này là những gì vị đại Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II, người Tôi Tớ Chúa, hết sức thiết tha. Tôi biết ngài đã tỏ ra hết sức nâng đỡ “Khối Công Đoàn” này bằng thẩm quyền của ngài, và khi cần, bằng cả việc ngoan giao khéo léo của ngài nữa.

 

Tôi cũng biết rằng chính vì công lý mới thấy được chứng cớ của nó ở nơi việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh và việc các quốc gia ở bên kia bức tường này sau Thế Chiến Thứ Hai được tham dự vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu.

 

Tôi chúc mừng người Balan đã can đảm, với sự nâng đỡ của Giáo Hội, liên kết tinh thần, tư tưởng và lực lượng, và cuộc hiệp nhất của họ đã sinh hoa kết trái khắp Âu Châu cho tới ngày nay. Tôi thành thật hy vọng rằng mọi người, cả các gia đình lẫn mỗi một người công dân, đều được hoan hưởng chẳng những tự do mà còn cả phúc hạnh về tài chính ở Xứ Sở này nữa.

 

Xin chuyển lời chào hỏi của tôi đến qúi vị Thẩm Quyền của Nước Cộng Hòa này, đến những nhân vật hoạt động trước đây và hiện nay của Khôi Công Đoàn Độc Lập, cũng như đến các tham dự viên cuộc cử hành Mừng Kỷ Niệm này.

 

Tôi ban Phép Lành của tôi cho tất cả mọi người: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

 

Tại Castel Gandolfo, ngày 23/8/2005.

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của Zenit ngày 19/9/2005

 

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI với Các Tôn Sư Trưởng Do Thái Giêrusalem: “Tôn giáo và hòa bình là những gì đi đôi với nhau”

 

Hôm Thứ Năm 15/9/2005, tại tông dinh nghỉ hè của mình ở Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức đã gặp hai vị tôn sư trưởng là Shlomo Moshe và Yona Metzger từ Giêrusalem, và ngài đã chia sẻ với nhị vị này như sau:

 

Quí Tôn Vị,

 

Tôi hân hoan chào mừng quí vị đến đây hôm nay, và bày tỏ niềm cảm mến của tôi về sự kiện là việc quí vị viếng thăm là những gì cho thấy các hoa trái tốt đẹp xuất phát từ bản tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Công Đồng Chung Vaticanô II, một bản tuyên ngôn năm nay chúng ta đang tưởng niệm 40 năm ban hành. Tôi thấy việc viếng thăm của quí vị như là một bước tiến xa hơn nữa trong tiến trình kiến tạo những mối liên hệ sâu xa về tôn giáo giữa những người Công giáo và người Do Thái, một tiến trình đã có được một động lực mới và nghị lực mới từ “Nostra Aetate” cũng như từ nhiều hình thức giao tiếp, đối thoại và hợp tác khác theo các nguyên tắc và tinh thần của bản văn kiện này. Giáo Hội tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để áp dụng nhãn quan của Công Đồng này về một tân kỷ nguyên của việc tương kiến, tương kính và kết đoàn hơn nữa giữa chúng ta.

 

“Nostra Aetate” đã cho thấy mình là một mốc điểm trên con đường tiến đến việc hòa giải giữa Kitô hữu với nhân. Nó làm sáng tỏ vấn đề là “Thiên Chúa hết sức ưu ái dân Do Thái vì Cha Ông của họ; Ngài không hối hận về những tặng ân Ngài đã ban phát hay về những lời mời gọi Ngài đã ban truyền” (khoản số 4).

 

Hôm nay đây chúng ta cần phải tiếp tục tìm những đường lối để làm trọn trách nhiệm tôi đã nói tới vào dịp viếng thăm Hội Đường ở Cologne, đó là “truyền sang cho giới trẻ ngọn đuốc hy vọng Thiên Chúa đã trao cho người Do Thái và Kitô hữu, nhờ đó không bao giờ còn xẩy ra nữa tình trạng lộng hành của những quyền lực sự dữ, và nhờ đó, các thế hệ mai hậu, với ơn Chúa giúp, có thể dựng xây một thế giới chân chính và an bình hơn, nơi tất cả mọi người đều bình quyền và đều cảm thấy sống thoải mái như nhau”.

 

Thế giới liên lỉ nhìn về Thánh Địa, mảnh đất được coi là thánh với người Do Thái, Kitô hữu và Hồi hữu. Tiếc thay việc chúng ta chú ý tới đây rất thường được thu hút bởi các hành động bạo lực và khủng bố, một nguyên do gây vô vàn sầu thương cho hết mọi người sống ở đó. Chúng ta cần phải tiếp tục nhấn mạnh rằng tôn giáo và hòa bình là những gì đi đôi với nhau.

 

Nhân dịp này, tôi cũng nghĩ tới các cộng đồng Kitô hữu ở Thánh Địa, một hiện diện sống động và là chứng từ ở đó từ thuở ban đầu của Kitô giáo qua tất cả mọi cuộc thăng trầm của lịch sử. Ngày nay, những người anh chị em trong đức tin này đang phải đương đầu với những thách đố mới mỗi ngày một gia tăng. Trong khi chúng ta cảm thấy vui khi thấy những liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Quốc Gia Do Thái đã đưa đến những hình thức hợp tác vững chắc hơn và bền chặt hơn, chúng ta thiết tha mong đợi việc hoàn thành Bản Hợp Ước Căn Bản về những vẫn đề còn tồn đọng.

 

Quí Tôn Sư Trưởng thân mến, là thành phần lãnh đạo tôn giáo, chúng ta phải chịu trách nhiệm lớn lao trước nhan Thiên Chúa về giáo huấn chúng ta truyền giảng cũng như về các quyết định chúng ta thực hiện. Chớ gì Chúa nâng đỡ chúng ta trong việc phụng sự lý tưởng cao cả để cổ võ tính cách linh thánh của sự sống con người và để bênh vực nhân quyền của hết mọi người, hầu công lý và hòa bình được triển nở trên thế giới này.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 16/9/2005

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ