GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 4/9/2005,

TUẦN 23 QUANH NĂM

 

1)   SỬA LỖI CHO NHAU

2) Bức Thư của các Giám Mục Balan và Ukraine về Việc Hòa Giải: “Chúng ta cần phải Vượt Lên Trên Di Sản Lịch Sử, chúng Ta cần phải tha thứ cho nhau

3)  Một Iraq: đầy Biến Loạn và Chết Chóc

   

 

 

SỬA LỖI CHO NHAU

 

Chúa Giêsu khi nói về việc sửa lỗi cho nhau, Ngài đã nhấn mạnh đến tư cách và thái độ từ phía người sửa lỗi hơn là người có lỗi. Vì người sửa lỗi chỉ làm được việc này thành công, nếu thật sự họ khiêm nhường và có lòng nhân ái. Nếu không, việc sửa lỗi chỉ mang tính cách chỉ trích, chê bai, phê phán, và kết án. Ngài nói: “Nếu anh em ngươi có làm chi lỗi phạm đến ngươi, hãy chỉ cho họ biết điều lỗi ấy giữa hai người với nhau. Nếu nó nghe ngươi, là ngươi đã thắng nó. Nếu nó không nghe, hãy tìm vài ba người để làm chứng. Nếu nó cũng không nghe họ, hãy trình với giáo hội. Nếu nó cũng không nghe giáo hội, thì hãy kể nó như người thu thuế và dân ngoại” (Mt 18:15-17).

 

Theo tinh thần trên, người sửa lỗi phải đóng vai chủ động, với sự nhẫn nại, và giầu tình thương. Vì Chúa Giêsu không đưa ra điều kiện nào về phía người có lỗi, nhưng Ngài đã hướng dẫn cho người sửa lỗi biết cách thế nào để chinh phục được một người anh em. Chúa không gọi kẻ phạm lỗi bằng những danh từ nào khác, nhưng đã gọi họ là “anh em”.

 

Từ ngữ anh em trong trường hợp này, do đó, đã nói lên tính cách ràng buộc, gắn bó, và thân thiết. Và vì thế, sự sửa sai này là một hành động có tính cách bác ái, xây dựng, vì được thực hiện với mục đích làm tốt cho một người anh em của chúng ta. Tuy vậy, dù là anh em đi nữa, thì sự sửa sai vẫn phải tế nhị, kín đáo, nhẫn nại, và phải được làm trong sự yêu thương. Trong 3 tiến trình sửa lỗi, mà Thánh ký ghi nhận, tiến trình nào cũng mang nặng tính cách yêu thương và thông cảm:

 

-          Giữa mình và anh em mình.

-            Giữa mình và vài ba người thân thiết.  

-          Giữa mình với người anh em và giáo hội.  

 

Ở cả ba trường hợp trên, người có lỗi không tìm đâu thấy sự ganh tỵ, phê bình, hoặc luận tội. Nhưng chỉ có sự hiểu biết, thông cảm, và yêu thương.

 

Nhưng tại sao Chúa lại bảo chúng ta phải qua ít nhất ba tiến trình sửa lỗi trước khi buông xuôi, hoặc để mặc người anh em với những yếu đuối và tội lỗi của họ. Thưa vì một người khi đã có lỗi mà được người khác chỉ cho cái lỗi của mình, thì dù người đó là thân thích, anh chị em trong nhà đi nữa, phản ứng tự nhiên bao giờ cũng là khó chịu, vì không muốn nghe biết sự thật. Tùy theo trình độ trưởng thành tâm linh và đạo đức, phản ứng đó có thể là găy gắt, hoặc có thể là âm thầm khó chịu. Tóm lại, nhiều hay ít, cách này hay cách khác, ta thường phản ứng tiêu cực, và không mấy niềm nở với những lời sửa dậy của người khác. Trong nhiều trường hợp, phản ứng tự vệ này còn làm cho ta nghĩ xấu về người sửa lỗi cho mình. Thí dụ, cho rằng người đó nghi oan, ác ý, không thông cảm, và thiếu hiểu biết. Và đó là những lý do khiến chúng ta phải mang tâm tình yêu thương, và thật lòng muốn nâng đỡ một người anh em trước khi nghĩ đến việc sửa lỗi cho họ, mặc dù lỗi ấy là phạm đến chính ta.

 

Chúng ta có thể tìm được cái ý nghĩa của phản ứng tự vệ này nơi cuộc sa ngã của Nguyên Tổ. Thánh Kinh ghi nhận, sau khi ăn trái cấm, Adong không nhận mình có lỗi, nhưng đã đổ lỗi cho Evà. Evà đã không nhận mình có lỗi, nhưng lại đổ lỗi cho con rắn. Nguyên việc ông bà thấy mình trần truồng và xấu hổ sau khi lỗi luật Chúa ăn trái cấm đủ để ta hiểu rằng, dù ở trong hoàn cảnh có lỗi, con người cũng chưa muốn nhận mình có lỗi. Cũng trong Thánh Kinh, Phêrô chối thầy, Giuđa bán thầy. Phêrô được Chúa nhìn, còn Giuđa được Chúa nhắc nhở liền sau cái hôn phản bội của ông trong vườn Cây Dầu: “Giuđa, con nộp Con Người với cái hôn này sao? (Luca 22:48). Thế nhưng chỉ có Phêrô đã vượt qua được bức tường ngăn cách ông với sự thật trần truồng của ông, là tội chối thầy. Còn Giuđa đã phản ứng tự vệ bằng cách đổ lỗi cho mấy thầy thượng tế và kỳ lão., trốn chạy cái yếu đuối của mình bằng cách thắt cổ mà chết.

 

Ngoài ra, khi Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ về việc sửa lỗi, Ngài đã lấy mỗi người chúng ta làm thí dụ: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm đến ngươi”. Lỗi phạm đến mình, thì mình biết rõ, thế mà nói lại với anh chị em mình cái cảm tưởng, cái mà mình suy nghĩ đã là khó, đã đòi hỏi nhiều tiến trình, nói chi đến việc sửa lỗi một người khác, mà cái lỗi ấy mình không biết rõ.

 

Trở lại thái độ của chúng ta khi sửa sai một người anh em, như vừa trình bày đòi phải có một tâm hồn khiêm tốn để không lên án anh chị em mình. Lại phải có sự tế nhị và tinh tế để đừng đụng chạm đến tự ái của nhau. Vì người được chúng ta sửa chỉ chấp nhận sửa sai khi họ vượt qua được bức tường phản ứng tự vệ. Một bức tường vô hình không những không làm cho người được sửa lỗi nhận ra cái lỗi của mình, mà còn phản ứng ngược chiều, khiến gây tổn thương tình bạn hữu.

 

Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu của việc sửa lỗi về phía người có lỗi. Vì để sửa được một lỗi lầm dù là to hay nhỏ, ngoài việc vượt qua được phản ứng tiêu cực và tự vệ, người có lỗi còn phải nhận ra lỗi của mình, và phải sửa lỗi nữa. Tiến trình biết lỗi, nhận lỗi, và sửa lỗi nơi một người có lỗi như vậy cũng không phải là một tiến trình và con đường dễ dãi. Do đó, mà thử thách cho người sửa lỗi chính là sự khiêm tốn và tình thương của họ. Không khiêm tốn, không thể sửa sai một cách vô tư và thông cảm. Không yêu thương, không thể có động lực để sửa sai.

 

Tóm lại, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải sửa chữa lẫn cho nhau. Nhưng không phải bằng những chỉ trích, phê bình, hoặc lên án, mà bằng thái độ khiêm tốn, tế nhị, và giầu tình thương mến. Để đến được với những người anh em mà mình không hợp, không ưa, và nhất là người xúc phạm đến mình, cần thiết phải có thái độ hiểu biết, lắng nghe, nhẫn nại, và đặc biệt, là tình thương mến. Con người với tự ái cố hữu chỉ chịu thua khi đứng trước sự khiêm tốn của người khác, và nhất là khi nhận ra người ấy đang thật sự yêu thương mình. Và đó cũng là cung cách sửa chữa cho nhau theo đúng với tinh thần Chúa Giêsu đã dậy: Sửa một mình. Sửa với hai ba anh em khác. Và sửa với Giáo Hội. Chỉ khi nào chúng ta đã trải qua 3 tiến trình sửa lỗi ấy và với một tình thương đầy đặn, lúc đó chúng ta mới có thể yên tâm nói với lòng mình rằng: Tôi đã làm tất cả khi cần sửa sai một người anh em tôi. Và tôi không còn biết làm gì hơn ngoài việc phó thác người anh em đang làm cho tôi đau khổ ấy trong bàn tay tình thương và quan phòng của Thiên Chúa.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

TOP

 

Bức Thư của các Giám Mục Balan và Ukraine về Việc Hòa Giải: “Chúng ta cần phải Vượt Lên Trên Di Sản Lịch Sử, chúng Ta cần phải tha thứ cho nhau

 

Sau đây là nguyên bản bức thư được phổ biến vào lúc kết thúc cuộc đại hội của hội đồng giám mục Balan đọc tại Quảng Trường Pilsudski thành phố Warsaw ngày 19/6/2005. Biến cố này xẩy ra lúc bế mạc Hội Nghị Thánh Thể Toàn Quốc. Bức thư này được đọc lên một lần nữa hôm 26/6 ở Lviv, nước Ukraine và tại đền thánh Zarvanytsia của Công Giáo Hy Lạp gần Ternopil.

 

Bình an giữa các dân tộc là điều khả dĩ.

 

Trong Năm Thánh Thể chúng tôi xin tán thành lời kêu gọi của Thánh Phaolô: “Lời chúng tôi kêu gọi nhân danh Đức Kitô đó là an hem hãy hòa giải với Thiên Chúa!” (2Cor 5:21). Chúng tôi đang tham dự vào một giây phút lịch sử và mục đích của nó là để hiệp nhất các quốc gia lại với nhau bằng việc nguyện cầu và tha thứ. Chúng tôi mong muốn – theo lời khuyên của Thánh Phaolô – tiến đến chỗ hòa giải giữa tín hữu thuộc các Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp và Công Giáo Rôma.

 

Trong việc hoàn tất tác động thứ tha cho nhau – nhân danh công lý, tình thương và phúc hạnh của hai quốc gia chúng tôi – chúng tôi muốn tiếp tục gia sản của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II của Chúng Ta – Vị Giáo Hoàng của hòa bình và hòa giải. Chúng tôi làm điều này với ý thức trách nhiệm về “việc nuôi dưỡng các thế hệ tương lai trong tinh thần hòa giải và xây dựng một tương lai không bị hạn chế bởi lịch sử” (John Paul's II Message on the 60th anniversary of the tragic events in Wolyn; Vatican, 7 July 2003).

 

Khi ngỏ lời cùng nhân dân Ukrainian và Balan, ngài đã viết rằng: “Vì Thiên Chúa đã thứ tha cho chúng ta trong Chúa Kitô các tín hữu cũng cần phải tha thứ những đớn đau của nhau và xin thứ tha về những việc làm sai trái riêng của chúng ta, nhờ đó tham dự vào việc xây dựng một thế giới tôn trọng sự sống, công lý, an bình và hòa hợp” (cùng nguồn vừa được trích dẫn).

 

Hôm nay chúng tôi gửi lời chào huynh đệ đến tín hữu ở Ukraine và Balan cũng như chư huynh thuộc lễ nghi Đông Phương của chúng tôi cùng tất cả mọi người thành tâm thiện chí. Lịch sử của chúng ta đầu những khó khăn và đôi khi có những biến cố thê thảm. Chúng ta đã bị phân chia bởi các cuộc xung đột về quân sự, chính trị và tôn giáo, cho dù chúng ta có cùng một gia sản và cùng một đức tin và là một cộng đồng phép rửa là những gì bất chấp căn tính quốc gia chúng ta vẫn đã được bắt nguồn sâu xa từ cái chết và cuộc thăng thiên vinh hiển của Chúa chúng ta.

 

1.         Vì trên 1 ngàn năm trước đây, hai quốc gia của chúng ta đã mở cửa cho Chúa Kitô cũng như cho Phúc Âm của Người, và ngay từ ban đầu, Kitô giáo là tâm điểm của văn hóa và của căn tính quốc gia chúng ta. Đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh đã giúp chúng ta chịu đựng những lúc khốn khó của chiến tranh và làm tôi mọi. Đức tin này cũng mang đến niềm hy vọng là hai quốc gia chúng ta sẽ hồi sinh trong tự do.

 

Kitô giáo đến Balan từ Âu Châu Latinh, trong khi đó trên mảnh đất Ukraine nó lại xuất phát từ truyền thống Byzantine. Đó là cái khác biệt mà đôi khi trở thành ngãng trở cho mối liên hệ hỗ tương của chúng ta, nhất là ở vào những lúc các nỗ lực chung trong việc tái lập liên hệ bị coi thường. Những điều khác biệt giữa chúng ta cũng thường trở thành thái quá theo nhân tạo bởi thành phần láng giềng hận thù của chúng ta muốn gieo rắc sự xung khắc giữa chúng ta, hay chúng gây ra bởi những xung khắc nội bộ về chính trị. Tuy nhiên, có những lần trong lịch sử của mình, khi chúng ta trải qua cùng một số phận, tiến bước theo trên cùng một con đường, chĩu đựng nhiều thử thách với nhau, chúng ta đã cùng nhau lợi dụng gia sản thiêng liêng chung của chúng ta và lấy được niềm hy vọng và sức mạnh để sống còn từ cộng đồng Kitô hữu của chúng ta.

 

Thế kỷ 20 đã mang lại cho thế giới những cảm nghiệm thê lương của nhiều cuộc chiến tranh, của cái khiếp đảm về chính trị và của việc những chế độ độc tài hủy hoại các Giáo Hội. Nó cũng nổi bật với cả những biến cố hân hoan nữa, đó là việc sụp đổ của các thể chế độc tài (Nazi và Cộng Sản), là Công Đồng Chung Vaticanô II, là việc phục hồi quyền tự do tôn giáo, là việc phục hưng các nhà thờ Công Giáo Hy Lạp ở Ukraine và cuộc thống nhất Âu Châu.

 

Giờ đây đứng ở ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba sau khi Chúa Kitô giáng sinh, chúng ta nhận thấy rằng, để xây dựng mối hiệp nhất giữa các quốc gia và phát triển những mối liên hệ hỗ tương trong tinh thần tin tưởng, chúng ta cần phải vượt lên trên cái di sản lịch sử, thứ tha cho nhau cái quá khứ đau thương và hiểu lầm, lau chùi viên đá cho sạch và xây dựng một nền văn minh yêu thương.

 

2.         Lịch sử đã kéo dài trong việc chúng ta đã nổ lực tiến đến chỗ đạt tới sự thỏa ước chung giữa các vị giám mục Công Giáo Rôma Balan và các vị giám mục Công Giáo Hy Lạp Ukraine cũng như tiến tới chỗ hiệp nmhất giữa hai quốc gia của chúng ta. Sáu mươi năm trước đây, vào ngày 22/5/1945, tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Giuse ở Rôma, đã có một cuộc họp giữa Vị Giáo Chủ Balan là Hồng Y August Hlond và Giám Mục Ivan Bucko. Vào ngày 8 và 17/10/1987, cũng tại Rôma, các vị giám mục Balan và Ukraine lại gặp nhau. Những cuộc gặp gỡ này được diễn ra trong tinh thần yêu thương và hiểu biết như được xác nhận bởi các phần tử Balan và Ukraine thuộc hàng giáo phẩm tham dự.

 

Đó là lúc các vị lãnh đạo tinh thần của hai giáo hội chúng ta là ĐHY Myroslav Ivan Libachivskyj và Josef Glemp thực hiện một lời tuyên ngôn chung: “Chúng tôi mắc nợ lẫn nhau vì chúng tôi đã không làm sinh động giáo huấn xuất phát từ mối hiệp nhất của chúng ta trong phép thánh tẩy!”

 

Những nỗ lực chung ấy được thực hiện vào dịp ấy đã sinh nhiều hoa trái. Biến cố ngàn năm trở thành Kitô giáo của Rus’-Ukraine đã được cử hành bằng một nghi thức cả thể ở Balan tại Jasna Gora năm 1988 với sự tham dự của cả hàng giám mục Balan và Ukraine. Là người Công giáo thuộc hai giáo phái, chúng ta đã cùng nhau tới tham dự các cuộc cử hành Đại Năm Thánh 2000. Vào năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II, vị thừa kế Tông Đồ Phêrô, đã đến thăm Ukraine.

 

Cuộc hành hương của Đức Thánh Cha này có một ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình xây dựng việc hiểu biết và thắng vượt tình trạng ngờ vực cũng như những gánh nặng lịch sử là những gì không được trở thành một chướng ngại vật cho thế hệ mới của người Ukraine và Balan, những người muốn sống ở một Châu Âu hiệp nhất trong bầu khí thân tình của sự bình đẳng và tương kính. Nhờ ảnh hưởng của cuộc viếng thăm này của ĐTC Gioan Phaolô II chúng ta mới có thể cùng nhau tỏ lòng tôn kính thành phần nạn nhân của những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn. Tình đoàn kết của hai quốc gia chúng ta đã hiện lên một cách đặc biệt vào mùa thu năm 2004 ở Kyiv.

 

3.         Vào ngày 2/4/2005, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã về nhà Cha Trên Trời của chúng ta, thế giới đã bị mất đi một vị lãnh đạo tinh thần chính yếu của nó. Những ngày đáng nhớ này giúp chúng ta có thể thậm chí nhận thấy mãnh liệt hơn nữa cái giá trị của việc phục vụ của vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian – một người con của các quốc gia sắc tộc Slav. Một trong những vấn đề quan trọng nhất nơi vai trò làm giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đó là mối quan tâm về hòa bình giữa các dân nước. Chúng ta hãy nhớ những lời ngài đã nói: “Không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nếu không biết thứ tha” (đầu đề Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới XXXV 1/1/2002). Đức Thánh Cha này đã cống hiến cho chúng ta, thành phần môn dệ của Chúa Kitô, một gương mẫu tuyệt vời về việc xưng thú các thiếu sót về lịch sử của Giáo Hội và xin tha thứ, vì nơi tâm can của một Kitô hữu không được có chỗ cho giận dữ, bất công hay gian dối.

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô! Việc cử hành Thánh Thể trong Đại Hội Thánh Thể ở Warsaw (19/6) cũng như ở Lviv (26/6) chúng ta sẽ hướng lời nguyện cầu của chúng ta về Thiên Chúa Toàn Năng. Trước khi việc này xẩy ra, chúng ta hãy hoàn tất nhiệm vụ thánh hảo của mình theo lời Chúa Kitô dạy: “Nếu các con mang của lễ của mình đến bàn thờ, và ở đó nhớ rằng anh em của các con có điều gì phạm đến các con, các con hãy bỏ của lễ của mình ở đó trước bàn thờ, hãy đi làm hòa với đối phương của mình trước rồi hãy trở lại mà dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-24).

 

Của lễ chúng ta đang mang đến đây là niềm mong ước làm trọn ý của Chúa Kitô muốn “họ trở thành. Vì tất cả chúng ta là những người hành hương trên trái đất này. Chúng ta bước đi trên con đường Đức Tin về cùng Người Cha trên trời duy nhất của chúng ta, về nhà thiên quốc của chúng ta, nơi mà – như chúng ta hy vọng – chúng ta sẽ được hoan hưởng trọn vẹn vinh quang của Thiên Chúa. Cũng từ quan điểm vĩnh hằng này của định mệnh con người mới có nhiệm vụ làm hòa với nhau. Cha ông của chúng ta đã từng chọn con đường chung này, mở lòng mình và biên cương bờ cõi xứ sở mình cho Chúa Kitô. Những thứ khác biệt về giáo phái và tính cách đa diện về văn hóa chỉ là một dấu hiệu cho thấy sự phong phú hơn nữa, một sự phong phú được mang lại nhờ đức tin vào vị Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần.

 

Năm Thánh Thể chúng ta đang hiện sống đây giúp chúng ta một hiểu biết sâu xa hơn về yếu tính của bí tích thánh này. Làm thế nào để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn về Tặng Ân Bánh Sự Sống này, một tặng ân là nguồn mạch hy vọng cho hòa bình và yêu thương giữa các dân nước? “Hy sinh của tôi đó là tấm lòng tan nát. Một tấm long tan nát khiêm cung Chúa sẽ không chê chối” (Ps 51:19). Trong thế kỷ qua, hai quốc gia của chúng ta đã làm chứng cho sự trung thành của mình cho đến chết! Máu các vị tử đạo đổ ra kêu gọi chúng ta hãy yêu thương bạn hữu và kẻ thù của chúng ta, và kêu gọi “Hãy làm hòa với nhau!”.

 

Chúng ta hãy vượt lên trên các quan điểm về chính trị và các biến cố lịch sử, trên các lễ nghi giáo hội, thậm chí trên cả căn tính quốc gia của mình nữa – căn tính Ukraine và Balan. Chúng ta trước hết và trên hết hãy nhớ rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta hãy trở về cùng Cha của chúng ta: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Để làm cho lời nguyện cầu này của chúng ta sinh hoa kết nhất nhất, chúng ta hãy nói cùng nhau những lời này: “Chúng tôi thứ tha và chúng tôi xin được tha thứ” – những lời vốn có tính cách quan trọng về lịch sử trong việc hòa giải giữa các quốc gia (xem Thư của Chư Giám Mục Balan và Đức Quốc, Tôma 1965). Chớ gì tác động thứ tha và hòa giải này được nên trọn trước nhan của Vị Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi và nhan của Đức Mẹ ở những nơi thánh đối với thành phần tín hữu chúng ta: “ở Jas na Gora và ở Zarvanytsia, ở Warsaw và ở Lviv”. Chớ gì lời nguyện cầu chung của chúng ta là lời nguyện cầu xuất phát từ những tấm lòng tinh tuyền, lời nguyện cầu của những con người thiện tâm.

 

Trong tinh thần ấy, chúng tôi gửi đến anh chị em phép lành mục vụ của chúng tôi.

Warsaw-Lviv, 19-26/6/2005

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 29/8/2005

 

 

TOP

 

 

Một Iraq: đầy Biến Loạn và Chết Chóc

 

Chết Chóc

 

Đoàn người hành hương cả triệu người đến đền thờ Kadhimiya trong thủ đô Baghdad là nơi họ tưởng niệm cuộc tử đạo của Moussa al-Khadem, một nhân vật lừng danh trong lịch sử Hồi giáo phái Shiite. Khi đoàn người hành hương đang chen chúc nhau ở cây cầu al-A'imma trên Sông Tigris River thì vang lên một tiếng kêu báo động có kẻ ôm bom tự sát trong số những người đang tham dự cuộc tưởng niệm ấy, làm cho mọi người hốt hoảng xô nhau bỏ chạy đè dẵm cả lên nhau.

Theo cảnh sát cho biết thì có 965 người bị chết chìm và bị dẵm chết và 810 người khác bị thương trong cuộc xô lấn trên cây cầu ở phía bắc thủ đô Baghdad này.

 

Gia đình các nạn nhân đã thực hiện một cuộc diễn hành tang chế hôm Thứ Tư 31/8/2005 qua các đường phố của thủ đô Baghdad cũng như ở thánh đô giáo phái Shiite thuộc tỉnh Najaf.

 

Thủ Tướng Ibrahim al-Jaafari đã đến viếng thăm thành phần nạn nhân thương tích tại các nhà thương. Chính quyền công bố toàn quốc để tang thương tiếc ba ngày và cho biết gia đình nạn nhân tử vong sẽ được bồi thường 2 ngàn Mỹ kim mỗi người.

 

Thật vậy, người ta không thể nào không hốt hoảng khi nghe thấy tiếng báo động đột xuất như thế. Bởi vì, sự kiện ôm bom tự sát ở Iraq là những gì quá quen thuộc và nhất định có thể xẩy ra, nhất là ở những nơi đông đảo. Ngoài ra, trước khi xẩy ra biến nạn vô cùng đáng tiếc này, cách đó 3 tiếng đồ hồ, một cuộc tấn công bằng đạn cối của thành phần phiến quân cũng đã xẩy ra gần ngôi đền thờ này, gây thiệt mạng cho 7 người và làm thương tích 36 người.

 

Sau cuộc tán loạn tử vong thê thảm hôm Thứ Tư 31/8/2005 trên đây tại Iraq, ĐTC Biển Đức XVI đã gửi một điện văn qua văn phòng Quốc Vụ Khanh đến ĐTGM Fernando Filoni, khâm sứ tòa thánh ở Iraq, để, ngoài việc tỏ lòng phân ưu cùng gia đình các nạn nhân tử vong và nguyện cầu cho họ, ngài còn kêu gọi “tất cả mọi tín hữu tin tưởng vào một Vị Thiên Chúa duy nhất hãy tỏ ra xót xa về tất cả mọi thứ bạo lực và hãy cộng tác trong việc mang lại hòa hợp cho một mảnh đất Iraq đau thương”.

Tổng số thiệt mạng bên lực lượng liên minh tại Iraq, kể từ ngày khai chiến với Iraq là ngày 19/3/2003, sau hai năm rưỡi, đã lên đến trên 2000 quân nhân, trong đó có trên 1.800 là quân nhân Hoa Kỳ, chưa kể cả hằng ngàn ngàn thương binh khác.

 

Tính đến ngày 1/9/2005, tổng số quân nhân thiệt mạng bên lực lượng liên minh là 2.074 người, trong đó có 1.882 là Hoa Kỳ, 93 Hiệp Vương Quốc, 13 Bulgaria, 1 Dane, 2 Hòa Lan, 2 Estonia, 1 Hungaria, 26 Ý, 1 Kazakh, 1 Latvia, 17 Balan, 1 Salvador, 3 Slovak, 11 Tây Ban Nha, 2 Thái Lan, và 18 Ukrainia. Riêng Hoa Kỳ, theo Ngũ Giác Đài, có 14.120 quân nhân Mỹ bị thương.

 

Hôm Thứ Năm 1/9/2005, chính quyền Iraq đã treo cổ 3 người bị án sát nhân và hiếp dâm. Đây là lần đầu tiên xẩy ra một cuộc hành xử tử hình như thế kể từ sau chế độ Saddam Hussein sụp đổ hai năm rưỡi trước đây. Việc hành sử tử hình này là để ngăn chặn tội ác đang nổi lên dữ dội giữa những cuộc ôm bom tự sát và bắt cóc cùng nổi loạn làm lũng đoạn xã hội Iraq từ cuộc xâm chiếm của Hoa Kỳ năm 2003.

 

Biến loạn

 

Vị giáo sĩ Shiite là Muqtada al-Sadr kêu gọi thành phần ủng hộ mình hôm Thứ Năm 1/9/2005 hãy chấm dứt các cuộc đụng độ với thành phần phản loạn cùng giáo phái để những cuộc đàm đạo bị ngăn trở về bản hiến pháp mới được tiến hành.

 

Thật vậy, Thứ Năm 1/9/2005 là ngày cuối cùng được quốc hội cho gia hạn thêm 72 tiếng đồng hồ từ đêm Thứ Hai 29/8/2005 để quyết định về bản hiến pháp mới của quốc gia này. Sở dĩ biến cố này bị gián đoạn là vì thành phần Ả Rập giáo phái Sunni đã chặn mất 1 phiếu về bản hiến pháp này, bản hiến pháp đã được các nhà thương thảo thuộc dân Kurdish và giáo phái Shiite chấp nhận.

 

Mặc dù kêu gọi trấn an giáo phái của mình, vị giáo sĩ này vẫn không quên được vụ thành phần phản loạn trong giáo phái của ông ra tay đốt phá văn phòng của ông ở Najaf và vụ 4 ủng hộ nhân của ông bị sát hại cùng hôm Thứ Tư 31/8/2005. Tuy nhiên, vì ích chung, ông cần phải làm như thế vào “giai đoạn quan trọng và khó khăn này”. Ông đã nói với các phóng viên báo chí tại nhà của ông ở Najaf như thế này:

 

“Tôi kêu gọi tất cả mọi tín đồ hãy ngưng đổ máu những người Hồi giáo và hãy trở về nhà của mình… Tôi xin các tín đồ đừng tấn công thành phần dân chúng vô tội cũng như đừng bị mắc mưu của người Mỹ đang muốn chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang băng qua một giai đoạn quan trọng và một tiến trình chính trị”.

 

Trong cuộc họp báo Thứ Năm 1/9, ông al-Sadr đã chỉ trích chính phủ do giáo phái Shiite của ông lãnh đạo:

 

“Những gì chúng tôi muốn đó là tiếng nói của dân chúng cần phải được vang to hơn là tiếng của chính phủ”

 

Ông cũng phê bình những phần trong bản hiến pháp, cho rằng nó không đủ mạnh mẽ để chống lại đảng Baath của Saddam Hussein. Ông cũng tấn công cả chính sách liên bang là chính sách cũng bị thành phần Ả Rập Sunni bác bỏ: “Chúng tôi bác bỏ chính sách liên bang và nếu Người Mỹ có mưu đồ thì không được cố gắng áp dụng những mưu đồ ấy”.

 

Vị giáo sĩ trẻ này là con trai thứ 30 của một giáo sĩ nổi tiếng được cho là chế độ Saddam Hussein đã sát hại. Vị giáo sĩ trẻ này là một trong thành phần giáo phái Shiite mạnh miệng nhất chống lại việc Hoa Kỳ hiện diện tại Iraq. Từ tháng 4/2004, ông đã dẫn đầu hai cuộc nổi dậy chống lại các lực lượng Hoa Kỳ sau khi các thẩm quyền xâm chiếm đóng cửa tờ nhật báo của ông, giam nhốt các trợ tá chính của ông và gán tội ám sát cho ông về một giáo sĩ phản loạn ở Najaf.

 

Về phần Kitô giáo, Vị Thượng Phụ lễ nghi Chaldean là Emmanual III Delly ở thủ đô Baghdad đã kêu gọi các quốc gia ngoại bang hãy làm áp lực để thay đổi bản hiến pháp được soạn thảo, nhất là vì nó nhắm đến chỗ đề cao vai trò chủ chốt của luật Hồi giáo. Vị giáo chủ đại diện cho 70% trong số 800 ngàn Kitô hữu ở xứ sở này đã nói với cơ quan tín vụ SIR của các vị giám mục Ý hôm Thứ Năm 1/9/2005 rằng:

 

“Chúng tôi không hài lòng cho lắm, cho dù nó có nói lên một bước tiến đối với xứ sở này. Chúng tôi sẽ gặp phải khó khăn vì có một số điều khoản trong bản thảo được chấp thuận ấy”, nhất là bản thảo viết rằng Shariah, luật Hồi giáo, là ‘nguồn duy nhất’ của luật lệ ở Iraq, và không có thứ luật lệ nào có thể phản lại với các qui luật của Hồi giáo”.

 

Có thể xẩy ra trường hợp là “ai muốn mở một tiệm rượu bị bác bỏ đơn cho phép vì nó ngược lại với luật Hồi giáo. Và ai là người sẽ quyết định là điều ấy ngược lại với Hồi giáo đây? Chỉ có vị quan tòa người Hồi giáo mà thôi”.

 

“Tôi kêu gọi các vị lãnh đạo thẩm quyền ngoại quốc và Tòa Thánh hãy làm áp lực để tu chính những khoản luật ấy và để bảo đảm quyền lợi cho tất cả mọi người”.

 

ĐTGM Baghdad, Jean Benjamin Sleiman, trong buổi nói chuyện với Đài Phát Thanh Vatican hôm Thứ Sáu 2/9/2005, đã cảnh giác “rất có nguy cơ” xẩy ra nội chiến, bởi vì, tình hình hiện nay cho thấy hai giáo phái Hồi giáo là Shiite và Sunni đang chiến đấu về bản hiến pháp sau này:

 

“Chúng tôi đang bị biến loạn rất nhiều. Chúng tôi thực sự là sống trong một xứ sở vô pháp luật. Nhiều thực thể tưởng rằng đã bị triệt tiêu ai ngờ lại tái xuất hiện một cách mãnh liệt, chẳng hạn như chủ nghĩa bộ tộc và chủ nghĩa cuồng tín.

 

“Ngày nay chúng là những thực thể thật sự là mạnh mẽ. Chúng tôi vẫn còn ở trong tình trạng biến động rất nhiều, nhưng có lẽ lời này chưa diễn tả thảm trạng diễn ra hằng ngày về tình hình ấy.

 

“Những thứ xao động được bừng lên thực sự bởi bạo động là những gì tôi không dám nói là ‘mù quáng’, vì nó dường như được tính toán rất kỹ lưỡng, và vì thế, mới là những gì quái ác”.

 

Theo ngài, rất có nguy cơ xẩy ra nội chiến, “thế nhưng, tôi nghĩ rằng nhiều vị lãnh đạo chính trị đã biết được điều này và đang làm mọi sự có thể để tránh lánh.

 

“Cần phải có một nỗ lực mới để giúp cho nhân dân này hòa giải với chính mình, với quá khứ của nó, với những vấn đề của nó, và cần phải phấn khích một nền văn hóa mới và một tâm thức mới”.

 

Vị giáo chủ này còn nhận định là vấn đề dân chủ “có thể sẽ sớm xẩy ra, nhưng nó cũng có thể chẳng bao giờ có. Tôi nghĩ rằng vấn đề dân chủ là một vấn đề ở ngoài bản hiến pháp, ngoài chính những việc tuyển cử. Dân chủ là một thể hiện chính trị của một thứ triết lý, một thứ nhân loại học, một thứ văn hóa, và tôi nghĩ cần phải tiến tục thực hiện thêm nhiều nỗ lực hơn nữa.

 

“Có những người không muốn dân chủ, không phải là vì họ chống lại nó như thế, mà là vì họ chống lại những ai đang thiết lập nó.

 

“Bởi thế, có những vấn đề chính trị quốc nội và quốc tế, thế nhưng cái bối cảnh về xã hội và nhân chủng học thực sự là những gì cần phải tái cứu xét vậy”.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo CNN và Zenit

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ