GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 5/9/2005

 

1)   Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIII 4/9/2005 về Giai Đoạn Cuối Cùng của Năm Thánh Thể

2) Bão Lụt Katrina: Diễn Tiến, Lịch Sử, Thảm Trạng và Cứu Trợ

3)  Một Iraq: đầy Biến Loạn và Chết Chóc

   

 

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIII 4/9/2005 về Giai Đoạn Cuối Cùng của Năm Thánh Thể

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Năm Thánh Thể giờ đây đang tiến đến giai đoạn cuối cùng. Năm này sẽ kết thúc vào tháng 10 tới đây, bằng việc tổ chức cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ về chủ đề: “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ Giáo Hội”.

 

Năm đặc biệt giành cho mầu nhiệm Thánh Thể này được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi để khơi lên nơi dân Kitô hữu niềm tin tưởng, nỗi bàng hoàng và lòng mến yêu đối với bí tích cao cả là kho tàng đích thực này của Giáo Hội. Ngài đã sốt sắng biết bao khi cử hành Thánh Lễ là tâm điểm từng ngày sống của ngài! Ngài bỏ biết bao thời gian để tôn thờ và thinh lặng nguyện cầu trước nhà tạm!

 

Vào những tháng cuối cùng, bệnh nạn của ngài đã làm cho ngài càng nên giống Chúa Kitô khổ đau. Thật là cảm động khi biết rằng vào giờ lâm chung của mình, ngài đã trao phó sự sống của ngài với sự sống của Chúa Kitô trong Thánh Lễ bấy giờ đang được cử hành bên giường của ngài. Cuộc sống trần gian của ngài được kết thúc trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, ngay giữa Năm Thánh Thể, một năm chuyển từ đại giáo triều của ngài sang giáo triều của tôi. Bởi thế, ngay từ lúc bắt đầu việc phục vụ do Chúa muốn tôi đảm nhận, tôi đã hân hoan tái khẳng định đặc tính chính yếu của bí tích Chúa Giêsu hiện diện thực sự nơi đời sống của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu.

 

Hướng tới thượng nghị Tháng Mười này, các vị giám mục sẽ tham dự đang nghiên cứu “bản văn kiện hoạt động” được soạn dọn cho biến cố ấy. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu là toàn thể cộng đồng giáo hội đều làm sao để có thể tham dự vào giai đoạn sửa soạn trực tiếp này, và cộng đồng đây tham dự vào đó bằng lời nguyện cầu và suy tư, lợi dụng mọi cơ hội, mọi biến cố và mọi buổi gặp gỡ. Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới mới đây, cũng có nhiều điều qui hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng hạn, tôi nhớ đến đêm canh thức Thứ Bảy, 20/8, đầy cảm kích, ở Marienfeld, một biến cố lên đến tuyệt đỉnh của mình nơi việc tôn thờ Thánh Thể: một quyết định can đảm làm cho giới trẻ hướng mắt và con tim về Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh. Ngoài ra, tôi nhớ rằng trong những ngày đáng ghi nhớ này, tại một số nhà thờ ở Cologne, Bonn và Duesseldorf diễn ra việc liên tục tôn thờ Thánh Thể ngày đêm, với sự tham dự của nhiều giới trẻ, nhờ đó họ có thể cùng nhau khám phá ra vẻ đẹp của việc nguyện cầu chiêm niệm.

 

Tôi tin tưởng rằng, nhờ việc dấn thân của các vị chủ chiên và tín hữu, mà vấn đề tham dự vào Thánh Thể sẽ càng trở nên siêng năng và sốt sắng hơn ở hết mọi cộng đồng. Đặc biệt hôm nay đây tôi xin hãy hân hoan hy sinh cho Ngày Của Chúa”, Ngày Chúa Nhật, một ngày linh thánh đối với Kitô hữu. Bởi thế, tôi vui mừng nhắc lại hình ảnh của Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả được chúng ta cử hành lễ hôm qua. Vị đại Giáo Hoàng này đã đóng góp phần lịch sử quan trọng vào việc cổ võ phụng vụ ở các khía cạnh khác nhau, cách riêng là việc cử hành xứng đáng Thánh Thể. Chớ gì lời chuyển cầu của ngài, cùng với lời chuyển cầu của Rất Thánh Maria, giúp chúng ta sống trọn vẹn mỗi Ngày Chúa Nhật với niềm vui Phục Sinh và việc gặp gỡ Vị Chúa phục sinh.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC tiếp)

 

Trong những ngày này, tất cả chúng ta đều cảm thấy đau buồn vì tai ương do trận bão lụt gây ra ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhất là ở New Orleans. Tôi hứa nguyện cầu cho thành phần qua đời cùng thân quyến của họ, cho những ai bị thương tích và những người mất nhà mất cửa, cho thành phần đau yếu, trẻ em, và già lão. Tôi chúc lành cho tất cả những ai tham gia vào các hoạt động khó khăn để giải cứu và tái thiết. Tôi đã xin ĐTGM Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh “Đồng Tâm” bày tỏ lòng liên kết của tôi với những người gặp hoạn nạn ấy.

 

Tôi cũng nghĩ đến nhân dân Iraq, những người mà vào Thứ Tư tuần trước đã chứng kiến thấy cả hằng trăm anh chị em đồng bào của mình bỏ mạng, nạn nhân của cuộc hoảng hồn bất khả kiềm chế, hầu hết là thành phần già nua tuổi tác, phụ nữ và trẻ em, qui tụ lại ở Baghdad để tưởng lễ. Xin Đấng Toàn Năng chạm đến tâm hồn của tất cả mọi người, để cuối cùng bầu khí hòa giải và tin tưởng nhau được thiết lập nơi xứ sở tang thương này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 4/9/2005

 

 

TOP

 

 

Bão Lụt Katrina: Diễn Tiến, Lịch Sử, Thảm Trạng và Cứu Trợ

 

 

Trận Bão Lụt Katrina xẩy ra vào ngày Thứ Năm 25/8/2005 từ miền nam Tiểu Bang Florida ở cấp 1, sát hại 11 người. Bốn ngày sau đó, kéo tới tiểu bang Louisiana ở cấp độ 4, biến 80% thành phố New Orleans thành lầy lội và tàn phá các cộng đồng Duyên Hải phía bắc.

 

Theo tin tức cho biết con số thiệt mạng là 202 người (Alabama có 2, Florida 11, Louisiana 4, Mississippi 185); 60 ngàn người đang tìm nơi trú ẩn ở New Orleans như Superdome, convention center, các bệnh viện và các cao ốc; trên 2 triệu người bị mất năng lực (điện, ga v.v.): 457.857 ở Alabama, 80.705 ở Florida, 676.813 ở Louisiana, 820.000 ở Mississippi.

 

Tuy nhiên, trận bão lụt Katrina này vẫn chưa được kể vào 10 trận bão lụt lớn nhất ở Hoa Kỳ sau đây (thứ tự trầm trọng nhất được tính theo con số tử vong, chứ không phải ngày tháng):

 

Ngày 8/9/1900 tại Galveston Houston Texas, ở mức độ 4, với con số tử vong từ 8 ngàn đến 12 ngàn.

 

9/1928 tại Lake Okeechobee (gần Palm Beach), Florida, ở mức độ 4, với con số tử vong là 1.836 người.

 

9/1919 tại Florida Keys và Corpus Christi, Texas, ở mức độ 4, với con số tử vong từ 600 tới 900 người.

 

21/9/1938 tại Tân Anh Quốc, ở mức độ 3, xuất phát từ Long Island, với con số tử vong ít là 600 mạng.

 

9/1935 tại Florida Keys, được gọi là trận bão “Great Labor Day” ở mức độ 5, với con số tử vong là 423 người; gió mạnh đến độ có thể làm trệch đường rầy chiếc xe lửa được gửi đi giải cứu các cựu chiến binh thời Thế Chiến I.

 

26/6/1957 Hurricane Audrey, ở mức độ 4, gây tử vong cho 390 mạng người.

 

14/9/1944 tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ, ở mức độ 3, được gọi là “Great Atlantic Hurricane”, tấn công Cape Hatteras, North Carolina và lòng thành phố Norfolk Virginia; con số tử vong là 394 mạng.

 

20/9/1909 The Grand Isle Hurricane, ở mức độ 4, từ Berwick trước khi băng qua giữa Baton Rouge và New Orleans, gây thiệt hại 6 triệu Mỹ kim và gây thiệt mạng ít là 350 người.

 

9/1915 tại New Orleans, Louisiana, ở mức độ 4, gây lụt lội tràn bờ Lake Pontchartrain, sát hại 275 người.

 

1915 tại Galveston Houston Texas, ở mức độ 4, tấn công duyên hải Vịnh Mexico: Galveston đã xây một bức tường biển sau trận bão lụt 1900 thế mà lần này, sau 15 năm, vẫn còn bị thiệt mạng 275 người.

 

Trong trận bão lụt cuối tháng 8/2005 này, nơi bị nặng nhất, ở mức độ 4, là New Orleans. Thảm nhất là những nạn nhân kiệt quệ được cứu và được chuyên chở bằng các xe buýt trên 300 dặm đến Astrodome ở Houston hôm Thứ Năm 1/9/2005, đã bị từ chối vì con số bên trong tòa nhà vĩ đại này đã quá con số dung chứa. Thành phố San Antonia, cách Houston 200 dặm, đã đồng ý nhận giúp thành phần tị nạn.

 

Ở thủ đô Washington, Thượng Viện đã họp đặc biệt vào đêm Thứ Năm 1/9 và đã phê chuẩn 10.5 tỉ Mỹ kim cứu trợ tai ương theo lời yêu cầu của chính phủ Bush. Hạ viện cũng làm như thế khi tiếp tục vấn đề này vào hôm sau Thứ Sáu, 2/9.

 

Vị giám đốc của cơ quan điều hành việc báo động Liên Bang FEMA (Federal Emergency Management Agency) là Michael Brown, hôm Thứ Năm 1/9/2005, đã đồng ý với các viên chức khác là số tử vong có thể lên tới cả ngàn người, nhưng vấn đề là ở chỗ dân chúng ở New Orleans không chịu đáp ứng ngay khi được chính quyền báo động:

 

“Tiếc thay, vấn đề có thể qui cho nhiều người không đáp ứng những lời được báo động trước. Tôi không phán xét về lý do tại sao người ta quyết định không bỏ chạy, thế nhưng, quí vị biết rằng vấn đề ở đây là buộc phải rút khỏi New Orleans. Và khi thấy dân chúng vẫn còn ở đó thì tôi cảm thấy quặn thắt tâm can, vì, quí vị biết, thị trưởng thành phố đã làm hết cách để làm cho họ ra đi. Bởi thế mà chúng tôi đã tìm cách nào đó để chinh phục dân chúng rằng bất cứ khi nào nghe thấy báo động ra đi thì đó là vì lợi ích của họ mà thôi. Giờ đây tôi không muốn tái xét lý do tại sao họ lại làm như thế. Việc của tôi hiện giờ là rat ay cứu trợ họ… Hiện nay không phải là lúc trách móc. Bây giờ là lúc nhìn nhận rằng dù họ có muốn rút lui hay không thì chúng ta cũng phai giúp đỡ họ”.

 

Trong điện tín qua văn phòng Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh gửi ngày Thứ Tư 31/8/2005 cho các vị thẩm quyền dân sự và giáo hội ở Hoa Kỳ, ĐTC Biển Đức XVI đã chẳng những bày tỏ lời phân ưu của ngài đối với các nạn nhân của trận bão lụt Katrina, mà còn hứa nguyện cầu cho thành phần giải cứu cùng tất cả mọi người tham gia vào việc trợ giúp các nạn nhân nữa.

 

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, các cơ quan bác ái của Giáo Hội Công Giáo toàn quốc đang cố gắng đáp ứng nhu cầu dài hạn và ngắn hạn của thành phần nạn nhân. Các cơ quan bác ái thuộc TGP New Orleans đã phải rút lui vì biến cố này, nhưng nhân viên của các cơ quan ấy vẫn hoạt động từ các văn phòng Dịch Vụ Công Đồng Công Giáo ở Baton Rouge để điều hợp những nỗ lực đáp ứng. 

 

Giáo Phận Shreveport, Lousiana, nơi đã có một số tị nạn được ổn định, đã thông báo rằng sẽ nhận bất cứ trẻ em nào bị ảnh hưởng của trận bão lụt này vào các trường học của giáo phận một cách miễn phí.

 

Giáo Phận Alexandria, Louisiana, 190 dặm bắc New Orleans, đã có một số cơ sở được sử dụng làm nơi di tản. Trường trung học của giáo phận này đã là nơi cư trú của những người di tản đến từ Our Lady of Wisdom House, một cơ sở hưu dưỡng ở New Orleans, nơi đầu tiên đã di tản 103 dưỡng viện nhân đến một vận động trường ở Alexandria. Trung tâm tĩnh tâm Giáo Phận Alexandria là nơi cư ngụ cho một nhóm Nữ Tu về hưu Dòng Thánh Gia cũng như cho các nhân viên cứu trợ Hồng Thập Tự. St. Mary's Residential Treatment Center phục vụ thành phần Chậm Phát Triển đã cung cấp chỗ ở cho 26 thân chủ được nuôi bằng ống, và nhiều người lớn bị chậm phát triển khác.

 

Giáo Phận Jackson, Mississippi, đã cung cấp các thứ đồ vệ sinh và giường chiếu cho các người tị nạn bão lụt ở Coliseum địa phương, nhà cho 1.100 người tị nạn. Giáo Phận này cũng đang soạn thảo một chương trình cho các học sinh bị mắc nạn trong giáo phận của mình.

 

Các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo thuộc TGP Miami đã phân phối nhiều thứ đồ dùng trẻ em, lương thực và các thứ cung cấp khác cho những nạn nhân. Giáo phận cũng hy vọng cung cấp nơi ở, thuốc men, tiện nghi và tham vấn tâm thần.

 

Giáo Phận St Petersburg, Florida, đang chấp nhận các bệnh nhân vào hệ thống bệnh viện của mình, và các cơ quan Bác Ái Công Giáo ở đó đã từng hoạt đô

 

Giáo Phận St Petersburg, Florida, đang chấp nhận các bệnh nhân vào hệ thống bệnh viện của mình, và các cơ quan Bác Ái Công Giáo ở đó đã từng hoạt động để cung cấp nơi ở tạm thời cho các nạn nhân.

 

TGP Galveston-Houston Texas, nơi trên 30 ngàn người tị nạn bão lụt được tài định cư từ New Orleans và các giáo phhận Vùng Vịnh Duyên Hải khác, đang cấp tốc cứu trợ về tiền bạc và nhà cửa.

 

Bệnh viện Công Giáo địa phương, Christus St. Joseph, đã vận dụng cả những đơn vị sức khoẻ lưu động của mình để giúp đỡ ở những nơi cư trú. Các trường Công giáo trong TGP đang chấp nhyận những học sinh di tản và cho phép các em ghi danh họ mà không cần giấy tờ cần thiết thường lệ.

 

Giáo Phận Tyler, Texax, bắt đầu rat ay giúp đỡ thành phần tị nạn đến giáo phận này vào cuối tuần trước cơn bão lụt xẩy ra. Ở Giáo Xứ Thánh Giuse tại Marshall Texas, một nữ tu viện cũ đã biến thành nơi cho những ai cần tắm rửa. Các người trong xứ đạo mở cửa đón tiếp, cung cấp thực phẩm, xănh dầu, điện thoại cho những người tị nạn bão lụt.

 

Ở Giáo Phận Beaumont Texas, một trung tâm tĩnh tâm của giáo phận trở thành nơi cư trú cho 35 người từ trước khi xẩy ra trận bão lụt. Trung Tâm Tiếp Đón, nơi phân phát thực phẩm của giáo phận, đã cung cấp các bữa ăn cho dân chúng khi họ hết tiền ăn.

 

Các Giáo Phận xa xôi như Albany Nữu Ước đã sửa soạn để gửi thiện nguyện viên tới trợ giúp ở những giáo phận bị ảnh hưởng và hứa sẽ tái tạm cư dân chúng nếu cần thiết.

 

Mọi liên lạc xin vào mạng điện toán toàn cầu Catholic Charities

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tin tức của Zenit và tài liệu cùng hình ảnh lẫn tin tức của CNN

 

 

TOP

 

 

Một Iraq: đầy Biến Loạn và Chết Chóc

 

Chết Chóc

 

Đoàn người hành hương cả triệu người đến đền thờ Kadhimiya trong thủ đô Baghdad là nơi họ tưởng niệm cuộc tử đạo của Moussa al-Khadem, một nhân vật lừng danh trong lịch sử Hồi giáo phái Shiite. Khi đoàn người hành hương đang chen chúc nhau ở cây cầu al-A'imma trên Sông Tigris River thì vang lên một tiếng kêu báo động có kẻ ôm bom tự sát trong số những người đang tham dự cuộc tưởng niệm ấy, làm cho mọi người hốt hoảng xô nhau bỏ chạy đè dẵm cả lên nhau.

Theo cảnh sát cho biết thì có 965 người bị chết chìm và bị dẵm chết và 810 người khác bị thương trong cuộc xô lấn trên cây cầu ở phía bắc thủ đô Baghdad này.

 

Gia đình các nạn nhân đã thực hiện một cuộc diễn hành tang chế hôm Thứ Tư 31/8/2005 qua các đường phố của thủ đô Baghdad cũng như ở thánh đô giáo phái Shiite thuộc tỉnh Najaf.

 

Thủ Tướng Ibrahim al-Jaafari đã đến viếng thăm thành phần nạn nhân thương tích tại các nhà thương. Chính quyền công bố toàn quốc để tang thương tiếc ba ngày và cho biết gia đình nạn nhân tử vong sẽ được bồi thường 2 ngàn Mỹ kim mỗi người.

 

Thật vậy, người ta không thể nào không hốt hoảng khi nghe thấy tiếng báo động đột xuất như thế. Bởi vì, sự kiện ôm bom tự sát ở Iraq là những gì quá quen thuộc và nhất định có thể xẩy ra, nhất là ở những nơi đông đảo. Ngoài ra, trước khi xẩy ra biến nạn vô cùng đáng tiếc này, cách đó 3 tiếng đồ hồ, một cuộc tấn công bằng đạn cối của thành phần phiến quân cũng đã xẩy ra gần ngôi đền thờ này, gây thiệt mạng cho 7 người và làm thương tích 36 người.

 

Sau cuộc tán loạn tử vong thê thảm hôm Thứ Tư 31/8/2005 trên đây tại Iraq, ĐTC Biển Đức XVI đã gửi một điện văn qua văn phòng Quốc Vụ Khanh đến ĐTGM Fernando Filoni, khâm sứ tòa thánh ở Iraq, để, ngoài việc tỏ lòng phân ưu cùng gia đình các nạn nhân tử vong và nguyện cầu cho họ, ngài còn kêu gọi “tất cả mọi tín hữu tin tưởng vào một Vị Thiên Chúa duy nhất hãy tỏ ra xót xa về tất cả mọi thứ bạo lực và hãy cộng tác trong việc mang lại hòa hợp cho một mảnh đất Iraq đau thương”.

Tổng số thiệt mạng bên lực lượng liên minh tại Iraq, kể từ ngày khai chiến với Iraq là ngày 19/3/2003, sau hai năm rưỡi, đã lên đến trên 2000 quân nhân, trong đó có trên 1.800 là quân nhân Hoa Kỳ, chưa kể cả hằng ngàn ngàn thương binh khác.

 

Tính đến ngày 1/9/2005, tổng số quân nhân thiệt mạng bên lực lượng liên minh là 2.074 người, trong đó có 1.882 là Hoa Kỳ, 93 Hiệp Vương Quốc, 13 Bulgaria, 1 Dane, 2 Hòa Lan, 2 Estonia, 1 Hungaria, 26 Ý, 1 Kazakh, 1 Latvia, 17 Balan, 1 Salvador, 3 Slovak, 11 Tây Ban Nha, 2 Thái Lan, và 18 Ukrainia. Riêng Hoa Kỳ, theo Ngũ Giác Đài, có 14.120 quân nhân Mỹ bị thương.

 

Hôm Thứ Năm 1/9/2005, chính quyền Iraq đã treo cổ 3 người bị án sát nhân và hiếp dâm. Đây là lần đầu tiên xẩy ra một cuộc hành xử tử hình như thế kể từ sau chế độ Saddam Hussein sụp đổ hai năm rưỡi trước đây. Việc hành sử tử hình này là để ngăn chặn tội ác đang nổi lên dữ dội giữa những cuộc ôm bom tự sát và bắt cóc cùng nổi loạn làm lũng đoạn xã hội Iraq từ cuộc xâm chiếm của Hoa Kỳ năm 2003.

 

Biến loạn

 

Vị giáo sĩ Shiite là Muqtada al-Sadr kêu gọi thành phần ủng hộ mình hôm Thứ Năm 1/9/2005 hãy chấm dứt các cuộc đụng độ với thành phần phản loạn cùng giáo phái để những cuộc đàm đạo bị ngăn trở về bản hiến pháp mới được tiến hành.

 

Thật vậy, Thứ Năm 1/9/2005 là ngày cuối cùng được quốc hội cho gia hạn thêm 72 tiếng đồng hồ từ đêm Thứ Hai 29/8/2005 để quyết định về bản hiến pháp mới của quốc gia này. Sở dĩ biến cố này bị gián đoạn là vì thành phần Ả Rập giáo phái Sunni đã chặn mất 1 phiếu về bản hiến pháp này, bản hiến pháp đã được các nhà thương thảo thuộc dân Kurdish và giáo phái Shiite chấp nhận.

 

Mặc dù kêu gọi trấn an giáo phái của mình, vị giáo sĩ này vẫn không quên được vụ thành phần phản loạn trong giáo phái của ông ra tay đốt phá văn phòng của ông ở Najaf và vụ 4 ủng hộ nhân của ông bị sát hại cùng hôm Thứ Tư 31/8/2005. Tuy nhiên, vì ích chung, ông cần phải làm như thế vào “giai đoạn quan trọng và khó khăn này”. Ông đã nói với các phóng viên báo chí tại nhà của ông ở Najaf như thế này:

 

“Tôi kêu gọi tất cả mọi tín đồ hãy ngưng đổ máu những người Hồi giáo và hãy trở về nhà của mình… Tôi xin các tín đồ đừng tấn công thành phần dân chúng vô tội cũng như đừng bị mắc mưu của người Mỹ đang muốn chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang băng qua một giai đoạn quan trọng và một tiến trình chính trị”.

 

Trong cuộc họp báo Thứ Năm 1/9, ông al-Sadr đã chỉ trích chính phủ do giáo phái Shiite của ông lãnh đạo:

 

“Những gì chúng tôi muốn đó là tiếng nói của dân chúng cần phải được vang to hơn là tiếng của chính phủ”

 

Ông cũng phê bình những phần trong bản hiến pháp, cho rằng nó không đủ mạnh mẽ để chống lại đảng Baath của Saddam Hussein. Ông cũng tấn công cả chính sách liên bang là chính sách cũng bị thành phần Ả Rập Sunni bác bỏ: “Chúng tôi bác bỏ chính sách liên bang và nếu Người Mỹ có mưu đồ thì không được cố gắng áp dụng những mưu đồ ấy”.

 

Vị giáo sĩ trẻ này là con trai thứ 30 của một giáo sĩ nổi tiếng được cho là chế độ Saddam Hussein đã sát hại. Vị giáo sĩ trẻ này là một trong thành phần giáo phái Shiite mạnh miệng nhất chống lại việc Hoa Kỳ hiện diện tại Iraq. Từ tháng 4/2004, ông đã dẫn đầu hai cuộc nổi dậy chống lại các lực lượng Hoa Kỳ sau khi các thẩm quyền xâm chiếm đóng cửa tờ nhật báo của ông, giam nhốt các trợ tá chính của ông và gán tội ám sát cho ông về một giáo sĩ phản loạn ở Najaf.

 

Về phần Kitô giáo, Vị Thượng Phụ lễ nghi Chaldean là Emmanual III Delly ở thủ đô Baghdad đã kêu gọi các quốc gia ngoại bang hãy làm áp lực để thay đổi bản hiến pháp được soạn thảo, nhất là vì nó nhắm đến chỗ đề cao vai trò chủ chốt của luật Hồi giáo. Vị giáo chủ đại diện cho 70% trong số 800 ngàn Kitô hữu ở xứ sở này đã nói với cơ quan tín vụ SIR của các vị giám mục Ý hôm Thứ Năm 1/9/2005 rằng:

 

“Chúng tôi không hài lòng cho lắm, cho dù nó có nói lên một bước tiến đối với xứ sở này. Chúng tôi sẽ gặp phải khó khăn vì có một số điều khoản trong bản thảo được chấp thuận ấy”, nhất là bản thảo viết rằng Shariah, luật Hồi giáo, là ‘nguồn duy nhất’ của luật lệ ở Iraq, và không có thứ luật lệ nào có thể phản lại với các qui luật của Hồi giáo”.

 

Có thể xẩy ra trường hợp là “ai muốn mở một tiệm rượu bị bác bỏ đơn cho phép vì nó ngược lại với luật Hồi giáo. Và ai là người sẽ quyết định là điều ấy ngược lại với Hồi giáo đây? Chỉ có vị quan tòa người Hồi giáo mà thôi”.

 

“Tôi kêu gọi các vị lãnh đạo thẩm quyền ngoại quốc và Tòa Thánh hãy làm áp lực để tu chính những khoản luật ấy và để bảo đảm quyền lợi cho tất cả mọi người”.

 

ĐTGM Baghdad, Jean Benjamin Sleiman, trong buổi nói chuyện với Đài Phát Thanh Vatican hôm Thứ Sáu 2/9/2005, đã cảnh giác “rất có nguy cơ” xẩy ra nội chiến, bởi vì, tình hình hiện nay cho thấy hai giáo phái Hồi giáo là Shiite và Sunni đang chiến đấu về bản hiến pháp sau này:

 

“Chúng tôi đang bị biến loạn rất nhiều. Chúng tôi thực sự là sống trong một xứ sở vô pháp luật. Nhiều thực thể tưởng rằng đã bị triệt tiêu ai ngờ lại tái xuất hiện một cách mãnh liệt, chẳng hạn như chủ nghĩa bộ tộc và chủ nghĩa cuồng tín.

 

“Ngày nay chúng là những thực thể thật sự là mạnh mẽ. Chúng tôi vẫn còn ở trong tình trạng biến động rất nhiều, nhưng có lẽ lời này chưa diễn tả thảm trạng diễn ra hằng ngày về tình hình ấy.

 

“Những thứ xao động được bừng lên thực sự bởi bạo động là những gì tôi không dám nói là ‘mù quáng’, vì nó dường như được tính toán rất kỹ lưỡng, và vì thế, mới là những gì quái ác”.

 

Theo ngài, rất có nguy cơ xẩy ra nội chiến, “thế nhưng, tôi nghĩ rằng nhiều vị lãnh đạo chính trị đã biết được điều này và đang làm mọi sự có thể để tránh lánh.

 

“Cần phải có một nỗ lực mới để giúp cho nhân dân này hòa giải với chính mình, với quá khứ của nó, với những vấn đề của nó, và cần phải phấn khích một nền văn hóa mới và một tâm thức mới”.

 

Vị giáo chủ này còn nhận định là vấn đề dân chủ “có thể sẽ sớm xẩy ra, nhưng nó cũng có thể chẳng bao giờ có. Tôi nghĩ rằng vấn đề dân chủ là một vấn đề ở ngoài bản hiến pháp, ngoài chính những việc tuyển cử. Dân chủ là một thể hiện chính trị của một thứ triết lý, một thứ nhân loại học, một thứ văn hóa, và tôi nghĩ cần phải tiến tục thực hiện thêm nhiều nỗ lực hơn nữa.

 

“Có những người không muốn dân chủ, không phải là vì họ chống lại nó như thế, mà là vì họ chống lại những ai đang thiết lập nó.

 

“Bởi thế, có những vấn đề chính trị quốc nội và quốc tế, thế nhưng cái bối cảnh về xã hội và nhân chủng học thực sự là những gì cần phải tái cứu xét vậy”.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo CNN và Zenit

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ