GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 8/9/2005

SINHNHẬTĐỨCMẸ

NGÀY THÁNH THỂ

 

Lễ Mẹ Sinh Nhật

1)   ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng đầu tiên về Mẹ Maria: “Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng.

2) Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể

   

 

ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng đầu tiên về Mẹ Maria: “Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng.
 

ĐTC Biển Đức XVI, vào ngày Lễ Trọng Kính Mẹ Maria về trời cả hồn lẫn xác 15/8/2005, đã cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ giáo xứ ở Castel Gandolfo, và sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài.

 

Chư Huynh trong hàng Giáo Phẩm và trong hàng Linh Mục thân mến,

Anh Chị Em thân mến,

 

Trước hết, tôi xin thân ái chào tất cả anh chị em. Tôi hết sức hân hoan cử hành Thánh Lễ tạo ngôi nhà thờ giáo xứ mỹ miều này nhân dịp Lễ Mẹ Mông Triệu.

 

Tôi xin chào ĐHY Sodano, đức giám mục giáo phận Albano, tất cả mọi vị linh mục, ông thị trưởng và tất cả anh chị em. Cám ơn anh chị em đã hiện diện nơi đây.

 

Lễ Mẹ Mông Triệu là một ngay vui. Thiên Chúa đã chiến thắng. Tình yêu đã chiến thắng. Tình yêu đã chiếm được sự sống. Tình yêu đã cho thấy là nó mạnh hơn sự chết, là Thiên Chúa mới có sức mạnh thực sự và sức mạnh của Ngài là sự thiện hảo và yêu thương.

 

Mẹ Maria đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác: nơi Thiên Chúa thậm chí có cả chỗ cho thân xác. Trời không còn là nơi rất xa vời không thể biết được đối với chúng ta nữa.

 

Chúng ta có một Người Mẹ ở trên trời. Và Người Mẹ Thiên Chúa này, Người Mẹ của Con Thiên Chúa này, là Người Mẹ của chúng ta. Chính Người đã nói thế. Người đã làm cho Mẹ thành Mẹ của chúng ta khi Người nói cùng người môn đệ cũng như cùng tất cả chúng ta rằng: “Này là Mẹ Con!”. Chúng ta có một Người Mẹ ở trên trời. Trời mở ra, trời có một trái tim.

 

Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat, một bài thơ cao cả được Thánh Thần linh ứng phát xuất từ môi miệng của Mẹ Maria, thật sự là từ tâm can của Mẹ Maria. Bài ca vịnh tuyệt vời này phản ảnh toàn thể linh hồn, toàn thể con người của Mẹ Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng. Tôi xin nhấn mạnh đến hai điểm trong bài đại ca vịnh này.

 

Bài ca vịnh này được bắt đầu bằng chữ “Magnificat – Ngợi Khen”: Linh hồn tôi “magnifies – ngợi khen” Chúa, tức là “tuyên xưng sự cao cả “ của Chúa. Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta. Mẹ không sợ là Thiên Chúa có thể là “một đối thủ” trong đời sống của chúng ta, là với sự cao cả của mình Ngài xâm lấn tự do của chúng ta, xâm lấn cái khoảng đời để sống động của chúng ta. Mẹ biết rằng Thiên Chúa cao cả, chúng ta cũng cao cả nữa.

 

Đời sống của chúng ta không bị đàn áp mà được nâng cao và vươn rộng: Chính vì thế mà nó trở thành cao cả trước ánh vinh quang của Thiên Chúa.

 

Sự kiện những vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã có những ý nghĩ phản nghịch lại như thế là cốt lõi của nguyên tội. Họ sợ rằng nếu Thiên Chúa quá ư là cao cả thì họ sẽ bị lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể gạt Thiên Chúa ra ngoài để lấy chỗ cho họ.

 

Đây cũng là một chước cám dỗ cả thể của thời tân tiến, của ba hay bốn thế kỷ qua. Càng ngày càng nhiều người nghĩ và nói rằng: “Thế nhưng vị Thiên Chúa này không ban cho chúng ta được tự do; bằng tất cả những mệnh lệnh của mình, Ngài đã hạn chế cái khoảng đời để sống của chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa cần phải biến khuất đi; chúng tôi muốn tự động và tự lập. Không có vị Thiên Chúa này chính chúng tôi mới là các vị thần linh và làm những gì chúng tôi muốn”.

 

Đó cũng là quan điểm của Người Con Hoang Đàng, người con không nhận ra rằng hắn được “tự do” chính là vì hắn được ở trong nhà cha của hắn. Hắn ra đi đến những miền đất xa xôi để phung phí gia tài của mình. Cuối cùng, hắn nhận ra rằng chính vì hắn ra đi quá xa với nhà cha của hắn mà thay vì được tự do hắn lại trở thành nô lệ; hắn đã hiểu rằng chỉ nhờ trở về nhà cha của mình hắn mới thực sự có tự do, sống một cuộc đời hoàn toàn tốt đẹp thôi.

 

Đó là những gì đang xẩy ra cho thời đại tân tiến của chúng ta đây. Trước đây, nó nghĩ và tin rằng, bằng việc loại trừ Thiên Chúa ra rìa và trở nên tự động, chỉ sống theo những ý nghĩ riêng tư và bản năng của chúng ta, chúng ta mới thực sự được tự do làm những gì chúng ta muốn mà không ai có thể truyền khiến chúng ta cả.

 

Thế nhưng, khi Thiên Chúa biến khuất, con người nam nữ không trở nên cao cả hơn; thật vậy, họ đã mất đi phẩm vị thần linh của mình; khuôn mặt của họ đã mất đi vinh quang của Thiên Chúa. Cuối cùng họ trở thành những sản vật thuần túy của một cuộc cách mạng mù quáng, và như thế, họ có thể được sử dụng và bị lạm dụng. Đó chính là những gì kinh nghiệm của thời đại chúng ta đã cho chúng ta thấy rõ như vậy. 

 

Nếu chỉ có Thiên Chúa là cao cả thì nhân loại cũng cao cả nữa. Với Mẹ Maria, chúng ta phải bắt đầu hiểu rằng vấn đề là như thế. Chúng ta không được lìa xa Thiên Chúa nhưng hãy làm cho Thiên Chúa hiện diện; chúng ta phải bảo đảm là Ngài là Đấng cao cả trong đời sống của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành thần linh; tất cả mọi vinh hiển của phẩm vị thần linh bấy giờ mới là của chúng ta. Chúng ta hãy áp dụng điều này vào đời sống riêng của chúng ta.

 

Vấn đề cần thiết là Thiên Chúa phải là Đấng cao cả giữa chúng ta, trong đời sống chung riêng.

 

Trong đời sống công cộng, Thiên Chúa cần phải hiện diện, chẳng hạn, ở các dinh thự công, và Ngài cần phải hiện diện trong đời sống cộng đồng, vì nếu có Thiên Chúa hiện diện, chúng ta mới có đường hướng, một đường hướng chung; bằng không, không thể nào ổn định những cuộc tranh chấp, vì phẩm vị chung của chúng ta không còn được nhìn nhận nữa.

 

Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa cao cả trong đời sống chung riêng. Có nghĩa là giành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta hằng ngày, bắt đầu bằng việc nguyện cầu ban sáng, rồi dâng lên Thiên Chúa thời gian, dâng lên cho Chúa các Ngày Chúa Nhật. Chúng ta không phí phạm thời giờ tự do của mình nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta thì mọi lúc đều trở thành cao cả, rộng chỗ hơn, dồi dào hơn.

 

Nhận định thứ hai đó là bài thi ca của Mẹ Maria – bài Ngợi Khen – hoàn toàn là của Mẹ; song đồng thời nó cũng là một “tấm vải” được thêu dệt bằng những “giây sợi” của Cựu Ước, bằng những lời Chúa.

 

Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria “quen thuộc” với lời Chúa, Mẹ sống bằng những lời của Chúa, Mẹ thấm thía những lời của Chúa. Cho đến độ Mẹ nói bằng những lời của Chúa, Mẹ nghĩ theo lời Chúa, tư tưởng của Mẹ là những tư tưởng của Chúa, những lời nói của Mẹ là những lời nói của Chúa. Mẹ được ánh sáng thần linh thấm nhập và đó là lý do tại sao Mẹ rất rạng ngời, rất thiện hảo, rất sáng chói yêu thương và thiện hảo.

 

Mẹ sống bằng Lời Chúa, Mẹ thấm nhập Lời Chúa. Sự kiện Mẹ chìm ngập trong Lời Chúa và hoàn toàn quen thuộc với Lời Chúa, cũng phú bẩm cho Mẹ sau này cái minh tri khôn ngoan nội tâm.

 

Ai nghĩ tưởng theo Thiên Chúa là nghĩ tưởng đúng, và ai nói cùng Thiên Chúa là nói hay. Họ có những qui tắc chắc chắn để phán đoán tất cả mọi sự trên thế gian này. Họ trở thành khôn ngoan, thông sáng, đồng thời cũng tốt lành nữa; họ trở nên mạnh mẽ và can đảm với sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng chống lại sự dữ và bảo trì sự lành trên trần gian.

 

Bởi vậy, Mẹ Maria nói cùng chúng ta, nói với chúng ta, mời gọi chúng ta nhận biết Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa, nghĩ bằng Lời Chúa. Và chúng ta có thể làm như vậy bằng nhiều cách thức khác nhau: bằng việc đọc Sách Thánh, bằng việc đặc biệt tham dự phụng vụ là nơi mà suốt năm được Hội Thánh mở tất cả Sách Thánh ra cho chúng ta. Giáo Hội mở Sách Thánh cho đời sống của chúng ta và làm cho Sách Thánh sống động trong đời sống của chúng ta.

 

Thế nhưng tôi cũng nghĩ đến cả Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo là cuốn mới được chúng tôi ban hành, trong đó, Lời Chúa được áp dụng vào đời sống của chúng ta, và dẫn giải thực tại đời sống của chúng ta; nó giúp chúng ta đi vào “đền thờ” cao cả của Lời Chúa, để học biết yêu mến Lời Chúa, và như Mẹ Maria, được Lời Chúa thấm nhập.

 

Như thế, đời sống của chúng ta trở nên sáng láng và chúng ta có qui tắc căn bản để phán đoán; đồng thời, chúng ta cũng được thiện hảo và sức mạnh nữa.

 

Mẹ Maria được mang cả hồn lẫn xác về trời hiển vinh, rồi với Chúa và trong Chúa, Mẹ là Nữ Vương trời đất. Phải chăng Mẹ thực sự xa cách chúng ta?

 

Ngược lại là đằng khác. Chính vì Mẹ ở với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa mà Mẹ rất gần với mỗi người chúng ta.

 

Trong khi Mẹ còn sống trên thế gian này, Mẹ chỉ có thể ở gần gũi với ít người. Ở trong Thiên Chúa, Mẹ gần với mỗi người, thực sự là “ở trong” tất cả chúng ta, Mẹ Maria thông phần vào mối gần gũi này của Thiên Chúa. Ở trong Thiên Chúa và ở với Thiên Chúa, Mẹ rất gần với mỗi một người chúng ta, biết được tâm can của chúng ta, có thể nghe lời nguyện cầu của chúng ta, có thể giúp chúng ta bằng sự thiện hảo từ mẫu, và đã được ban cho chúng ta, như Chúa nói, như là một “người mẹ”, vị chúng ta có thể chạy đến lúc nào cũng được.

 

Mẹ luôn nghe lời chúng ta, Mẹ luôn gần gũi chúng ta, và là Mẹ của Người Con, Mẹ dự phần vào quyền năng của Người Con cũng như vào sự thiện hảo của Người. Chúng ta luôn có thể ký thác tất cả cuộc sống của chúng ta cho Người Mẹ này, vị không xa cách với mỗi một người trong chúng ta.

 

Vào ngày lễ này, chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân Thánh Mẫu này, và chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria để giúp chúng ta thấy được con đường ngay thẳng hằng ngày. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/8/2005

 

TOP

 

 

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể

Những chia sẻ trên Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống

hằng tuần trong Năm Thánh Thể theo tâm tưởng của ĐTC GPII

trong Tông Thư Về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”

Mẹ Maria “đầy ơn phúc” toàn mỹ, rất thánh và chí ái của chúng ta có rất nhiều tước hiệu hay danh hiệu. Điều này được thấy rõ ràng nhất trong Kinh Cầu Đức Bà. Về phần mình, Mẹ Maria cũng đã chính thức tự nhận và tự xưng mình bằng hai tước hiệu, đó là tước hiệu “Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”, khi Mẹ hiện ra với chị thánh Bernadette ngày 25/3/1858 ở Lộ Đức Pháp quốc, và tước hiệu “Đức Mẹ Mân Côi”, khi hiện ra với 3 thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta ngày 13/10/1917 tại Fatima nước Bồ Đào Nha. Về phía Giáo Hội, có hai tước hiệu mới nhất được Huấn Quyền Giáo Hội chính thức tuyên nhận và công bố, đó là tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” và tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”. Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” là tước hiệu được Đức Thánh Cha Phaolô VI long trọng tuyên nhận ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964, dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, và tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” là danh hiệu mới nhất của Mẹ Maria và về Mẹ Maria, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xưng tụng trong bức Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể của ngài, ở khoản số 53, chương 6.

Vẫn biết Huấn Quyền chỉ tuyên nhận và công bố tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” chứ không phải tuyên bố tín điều Mẹ Giáo Hội, như đã tuyên tín các tín điều Thánh Mẫu trước đó, như tín điều Mẹ Thiên Chúa (bởi Công Đồng Chung Êphêsô năm 431), tín điều Mẹ Trinh Nguyên (bởi Công Đồng Latêranô năm 649), tín điều Mẹ Vô Nhiễm (bởi Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX ngày 8/12/1854), và tín điều Mẹ Mông Triệu (bởi Đức Piô XII ngày 1/11/1950). Thế nhưng, nếu tước hiệu là những gì nói lên thực tại của mình, thì Mẹ Maria phải thực sự là Mẹ Giáo Hội mới đáng được gọi là Mẹ Giáo Hội. Bằng không tước hiệu này chỉ là một hư danh, nếu không muốn nói là một sai lầm. Như thế, khi công bố tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, ngay vào dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, một văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vatican II (11/10/1962-8/12/1965), Huấn Quyền đã chính thức long trọng công nhận Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội rồi vậy, một thực tại đã được phản ảnh qua những gì Công Đồng nói về Mẹ trong bản văn kiện này, một văn kiện đã giành riêng một chương Thánh Mẫu là chương VIII, trong đó, ở khoản số 53 đã minh định thực tại Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội bằng một ý thức theo Thánh Truyền và lý lẽ thần học như sau:

• “’Mẹ thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì Mẹ đã lấy đức ái để cộng tác vào việc sinh ra các tín hữu trong lòng Giáo Hội là những chi thể của Đầu ấy’ (Thánh Âu Quốc Tinh, De S. Virginitate, 6: PL 40, 399). Bởi thế mà Mẹ cũng được chào kính như là một chi thể siêu việt, một chi thể hết sức đặc biệt của Giáo Hội, và như là một mẫu mực, một mô phạm phi thường của Giáo Hội về lãnh vực đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công Giáo, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng dâng lên Mẹ tình con cái hiếu thảo của mình như dâng lên một người mẹ rất dấu yêu vậy”.

Sở dĩ chúng ta cần phải nhắc lại đặc biệt tước hiệu Mẹ Giáo Hội này của Mẹ Maria, là để thấy được tất cả mọi chiều kích và ý nghĩa của tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”, một tước hiệu được Huấn Quyền, qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tuyên nhận trong một văn kiện về tín lý, (chứ không phải là một văn kiện thương, cho dù là Tông Thư có tính cách mục vụ), đó là Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, ban hành Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 giữa Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003), một thông điệp với nội dung được vị tác giả Giáo Hoàng này cho thấy ở đầu khoản số 10 của Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”: “Vào giữa Năm Mân Côi, Tôi đã ban hành Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, với chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội”. Bởi thế mà tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” có liên hệ mật thiết với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, hay với chính vai trò Mẹ Giáo Hội của Mẹ.

Đó là lý do, trong 14 thông điệp của mình, Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu với khẩu hiệu “totus tuus - tất cả của con là của Mẹ” này chẳng những đã giành cho Mẹ một thông điệp, đó là Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater, ban hành ngày 25/3/1987, mà còn giành trọn một trong 6 chương, chương VI, chương cuối cùng, cho Mẹ trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể nữa. Có thể nói, nếu viết Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, như trên đã trích dẫn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có “chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội”, thì viết Tông Thư về Năm Thánh Thể Xin Chúa Ở Với Chúng Con, Ngài cũng muốn làm sao để giúp cho Giáo Hội, có thể Cảm Nghiệm Thánh Thể hơn, bằng cách, như đã được đề cập đến trong bài “Năm Thánh Thể: Nguyên Do và Mục Đích”, “ý thức hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống Phụng Vụ Thánh Thể”.

Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, không có Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể”, chúng ta khó có thể, nếu không muốn nói là không thể thực sự và trọn vẹn Cảm Nghiệm Thánh Thể, không thể thực sự và trọn vẹn “ý thức hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống Phụng Vụ Thánh Thể”, như Chúa Giêsu mong muốn và như Người đã hoàn toàn mãn nguyện nơi trường hợp của “Người Nữ Thánh Thể”, Mẹ Người. Đó là lý do Đức Thánh Cha đã khẳng định ở ngay đầu khoản số 53, khoản mở đầu cho chương VI, chương mang tựa đề: “Tại Học Đường Maria, ‘Người Nữ Thánh Thể’”, như thế này:

• “Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của mối liên hệ này thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội”; và

• “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy”.

Qua hai câu khẳng định này của Đức Thánh Cha, câu thứ nhất liên quan đến tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, và câu thứ hai liên quan đến tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”, chúng ta đã rõ ràng thấy được mối liên hệ giữa tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” và tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, đến nỗi, chúng ta có thể ghép hai tước hiệu này lại với nhau theo nhan đề của bài viết: “Mẹ Giáo Hội là Người Nữ Thánh Thể”. Thật vậy:

Nếu Thánh Thể là Hiện Diện Thần Linh của một Vị Thiên Chúa Emmanuel ở giữa chúng sinh là Lời Nhập Thể (x Jn 1:14), thì chẳng có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã cưu mang Người để cung lòng trinh nguyên của Mẹ được biến thành Nhà Tạm đầu tiên trên thế gian này, một Nhà Tạm đã phát tỏa “ánh sáng sự sống” (Jn 8:12) thánh hóa thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (x Lk 1:41).

Nếu Thánh Thể là Hiệp Thông Sự Sống thì cũng không có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vì Thánh Thể chính là huyết nhục của Mẹ được tạo thành bởi quyền phép Chúa Thánh Linh, và vì thân xác của Mẹ đã cung cấp chất dưỡng sinh cho Thánh Thể Con Mẹ, chẳng những lúc Người còn là một thai nhi trong lòng dạ của Mẹ, mà còn cả khi Người là một hài nhi cần được bú sữa của Mẹ (x Lk 11:27).

Nếu Thánh Thể là Hy Tế Thập Giá thì lại càng không có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã đứng kề bên thập giá của Người (x Jn 19:25), bằng một trái tim quằn quại đoạn trường như bị gươm nhọn đâm thâu (x Lk 2:35), nhưng vẫn can trường chấp nhận và chịu đựng với tất cả tấm lòng hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào những gì Chúa phán sẽ được thực hiện (x Lk 1:45).

Nếu Thánh Thể là Hiến Tế Tạ Ơn, (đúng như tên gọi bằng tiếng Hy Lạp và Latinh eucharistia của mình), thì cũng chẳng có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã thần hứng xướng lên bài ca vịnh “Magnificat - Ngợi Khen” “Đấng Cứu Chuộc tôi” (Lk 1:47), Vị “Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao trọng” (Lk 1:49).

Nếu Thánh Thể là Bảo Chứng Cánh Chung, bởi “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người” được Thánh Thần biến đổi trên bàn thờ “để trở nên của ăn và của uống thiêng liêng” là chính Mình Thánh và Máu Thánh của Đấng Phục Sinh, thì cũng chẳng có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã chủ động can thiệp vào việc Chúa Kitô biến nước lã thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:3-7).

Nếu Thánh Thể là Bánh Ban Sự Sống cho thế gian (x Jn 6:51), để “ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Jn 6:56), thì lại càng không có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể được như Mẹ và bằng Mẹ, vì hạnh phúc thật sự và trọn vẹn của Mẹ không phải là ở chỗ Mẹ được cưu mang và cho Con Thiên Chúa bú, mà là ở tại chính việc Mẹ “nghe lời Thiên Chúa và giữ lấy lời Ngài” (Lk 11:28).

Tóm lại, thực sự Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể”, đúng như tước hiệu được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên xưng trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể. Chính vì thế, như hai khẳng định của Đức Thánh Cha trong khoản số 53 được trích dẫn trên đây, Mẹ Maria mới “có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này” (khẳng định 2), và Mẹ Maria mới “là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội” trong mối liên hệ giữa Giáo Hội và Thánh Thể (khẳng định 1), như Đức Thánh Cha rõ ràng xác nhận ở cuối khoản số 53: “Giáo Hội, nhìn lên Mẹ như mô phạm của mình, cũng được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”.

Đó là lý do, trong phần thứ VI về “Người Nữ Thánh Thể” của Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã dùng 5 đoạn còn lại để vừa khai triển vừa dẫn giải về tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” nói chung, cũng như về “mối liên hệ sâu xa với bí tích này” nơi Mẹ Maria nói riêng, những khai triển và dẫn giải hết sức cần thiết để Ngài có thể chứng minh, trước hết, cho Giáo Hội thấy được rằng Giáo Hội “được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”, và sau nữa, cho Kitô hữu Công giáo ý thức được rằng: “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này”.

Sự kiện đầu tiên được Đức Thánh Cha viện dẫn cho Giáo Hội thấy Giáo Hội “được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”, cũng như Kitô hữu thấy “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này”, Ngài đã suy đoán và kết luận về việc Mẹ Maria hiện diện giữa cộng đồng Giáo Hội sơ khai trong các cuộc cử hành Thánh Thể, như Ngài đã viết rõ trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, cuối khoản số 53:

• “Thoạt nhìn thì hình như Phúc Âm không nói gì đến vấn đề này. Trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh không hề đề cập đến Mẹ Maria. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Mẹ đã hiện diện giữa các vị Tông Đồ, những vị ‘đồng tâm nhất trí’ (cf Acts 1:14) nguyện cầu nơi một cộng đồng tiên khởi qui tụ lại với nhau sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên để mong chờ Thánh Thần Hiện Xuống. Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng ‘với việc bẻ bánh’ (Acts 2:42)”.

Sau khi dẫn chứng cho thấy vai trò của Mẹ Maria trong cộng đồng Giáo Hội sơ khai khi cử hành Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã đề cập ngay đến một yếu tố chính yếu được Đức Thánh Cha dùng để khai triển và dẫn giải về Người Nữ Thánh Thể trong mối liên hệ sâu xa với Bí Tích Thánh Thể đó là yếu tố “mysterium fidei – mầu nhiệm đức tin”, với câu tiền đề như thế này: “nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin… thì…”. Theo ý hướng của Đức Thánh Cha về ý nghĩa của “mầu nhiệm đức tin” đây được hiểu theo hai khía cạnh, khía cạnh thần học và khía cạnh phụng vụ. Khía cạnh thần học của “mầu nhiệm đức tin” đây liên quan đến lý trí và kiến thức của con người, tức là, như Đức Thánh Cha xác nhận ở đầu khoản số 54 “một mầu nhiệm đức tin hoàn toàn vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, đến nỗi đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa”.

Sau nữa, khía cạnh phụng vụ của “mầu nhiệm đức tin” đây liên quan đến chính Biến Cố Vượt Qua nói chung và Hy Tế Thập Giá nói riêng, đúng như lời tung hô sau khi chủ tế xướng “đây là mầu nhiệm đức tin” tiếp theo phần truyền phép để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô: “chúng tôi loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại…”. Mẹ Maria đã sống “mầu nhiệm đức tin” hay Mầu Nhiệm Thánh Thể này một cách trọn vẹn ở cả hai chiều kích thần học và phụng vụ, một cuộc sống đức tin đã trở thành mô phạm cho chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu, “có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này”.

Căn cứ vào 5 khoản số còn lại trong phần VI về Mẹ Maria của Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Kitô hữu chúng ta có thể Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ: tin tưởng vào việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể (khoản số 54), tin tưởng Chúa Giêsu hiện diện của trong Bí Tích Thánh Thể (khoản số 55.1 và 55.2), thiết tha lãnh nhận và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể (khoản số 55.3), ngưỡng vọng Thánh Thể về một Chúa Kitô Tử Giá như Mẹ (khoản số 56), tiếp nhận Tặng Ân Thánh Mẫu của Chúa Kitô Tử Giá (khoản số 57), và sống Linh Đạo Thánh Mẫu để trở thành bài Ca Vịnh Ngợi Khen Tạ Ơn Chúa như Mẹ (khoản số 58).

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ tin tưởng vào việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể (khoản số 54):

• Nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin hoàn toàn vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, đến nỗi đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa, thì không còn ai như Mẹ Maria đã tác hành để nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong việc dọn mình này. Khi lập lại những gì Chúa Kitô đã làm ở Bữa Tiệc Ly theo lệnh truyền của Người: ‘Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày!’, chúng ta cũng chấp nhận lời mời gọi của Mẹ Maria trong việc mau mắn vâng lời Người: ‘Hãy làm theo những gì Người bảo’ (Jn 2:5). Bằng cùng một mối quan tâm từ mẫu được Mẹ tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria dường như muốn nói với chúng ta rằng: ‘Đừng ngần ngại; hãy tin tưởng vào những lời nói của Con Mẹ. Nếu Người có thể biến nước thành rượu thì Người cũng có thể biến bánh và rượu thành mình và máu của Người, để rồi, qua mầu nhiệm này, Người trao tặng cho các tín hữu việc tưởng niệm sống động về cuộc vượt qua của Người, hầu trở thành ‘bánh sự sống’”. (người viết tự ý cho đậm chữ lên là để nhấn mạnh ý chính).

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ tin tưởng Chúa Giêsu hiện diện của trong Bí Tích Thánh Thể (khoản số 55.1 và 55.2):

• “Ở một nghĩa nào đó, Mẹ Maria đã sống đức tin Thánh Thể của Mẹ thậm chí ngay cả trước việc thiết lập Thánh Thể, ở chính sự kiện là Mẹ đã cống hiến cung long trinh nguyên của Mẹ cho việc Nhập Thể của Lời Thiên Chúa. Thánh Thể, dù là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh, còn tiếp nối cả việc nhập thể nữa. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa về thể lý mình máu của Người, nhờ đó nơi Mẹ mới thể hiện trước những gì, ở một mức độ nào đó, cũng xẩy ra một cách bí tích nơi hết mọi tín hữu khi họ lãnh nhận mình máu Chúa dưới hình bánh rượu. Do đó mới có một cái tương tự sâu xa giữa tiếng Fiat được Mẹ Maria thưa cùng vị thiên thần và tiếng Amen được mọi tín hữu tuyên xưng khi lãnh nhận mình Chúa. Mẹ Maria cần phải tin rằng Đấng Mẹ thụ thai “bởi Thánh Linh” là “Con Thiên Chúa” (Lk 1:30-35). Tiếp nối đức tin của Vị Trinh Nữ này, nơi mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cũng cần phải tin rằng cùng một Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Con Mẹ Maria ấy đã hiện diện nơi hình bánh và rượu với tất cả nhân tính và thần tính của Người. ‘Phúc cho em vì đã tin’ (Lk 1:45)”.

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ thiết tha lãnh nhận và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể (khoản số 55.3):

• Mẹ Maria cũng mong đợi, nơi mầu nhiệm nhập thể, đức tin của Giáo Hội nơi Thánh Thể. Ở biến cố Viếng Thăm, khi cưu mang nơi cung lòng của mình Lời nhập thể, một cách nào đó, Mẹ đã trở thành một ‘nhà tạm’, ‘nhà tạm’ đầu tiên trong lịch sử, ở đó, Con Thiên Chúa, vẫn vô hình trước con mắt trần gian, để cho mình được bà Isave tôn thờ, khi thực sự chiếu tỏa ánh sáng của Người ra qua ánh mắt và giọng nói của Mẹ Maria. Ánh mắt ngất ngây của Mẹ Maria khi Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan của hài nhi Kitô và khi Mẹ ôm ẵm Người trong tay của mình này không phải là một mô thức yêu thương khôn sánh tác động chúng ta mỗi lần chúng ta lãnh nhận Thánh Thể hay sao?”

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ Ngưỡng Vọng Thánh Thể về một Chúa Kitô Tử Giá như Mẹ (khoản số 56):

• “Mẹ Maria, trong suốt cuộc sống của Mẹ ở bên Chúa Kitô chứ không phải chỉ ở trên đồi Canvê, đã sống chiều kích hiến tế của Thánh Thể. Khi Mẹ mang con trẻ Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem ‘để hiến dâng Người cho Chúa’ (Lk 2:22), Mẹ đã nghe vị lão thành Simêon loan báo rằng con trẻ của Mẹ sẽ trở thành ‘một dấu hiệu xung khắc’ và lòng Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu (x Lk 2:34-35). Thảm trạng về cuộc tử giá của Con Mẹ như thế đã được nói trước, và ở một nghĩa nào đó việc Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Mater Stabat đã được tiên báo. Trong cuộc hằng ngày sửa soạn đứng dưới chân thập giá ở đồi Canvê, Mẹ Maria đã cảm nghiệm được một thứ ‘ngưỡng vọng Thánh Thể’, có thể nói là ‘một cuộc hiệp thông thiêng liêng’ của ước muốn cũng như của việc tế thần là những gì sẽ đạt đến tuyệt đỉnh trong việc Mẹ hiệp với Con Mẹ nơi cuộc khổ nạn của Người, và rồi sau khi Con Mẹ Phục Sinh còn được thể hiện qua việc Mẹ tham dự Thánh Thể do các vị Tông Đồ cử hành để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn ấy. Mẹ Maria thật sự cảm thấy ra sao khi Mẹ nghe phát ra từ môi miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê cũng như các vị Tông Đồ khác những lời đã được thốt lên trong Bữa Tiệc Ly: ‘Này là mình Thày sẽ hy hiến vì các con’ (Lk 22:19)? Thân mình được hiến ban cho chúng ta và hiện thực dưới các hình thể bí tích cũng là chính thân mình đã được Mẹ thụ thai trong cung lòng của Mẹ! Đối với Mẹ Maria, việc lãnh nhận Thánh Thể cần phải có một nghĩa nào đó là việc đón nhận một lần nữa vào lòng Mẹ trái tim đã từng đập cùng một nhịp với trái tim của Mẹ và là việc sống lại những gì Mẹ đã cảm thấy dưới chân Thập Tự Giá”.
 

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ tiếp nhận Tặng Ân Thánh Mẫu của Chúa Kitô Tử Giá (khoản số 57):

• “’Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày’ (Lk 22:19). Trong việc ‘tưởng niệm’ biến cố đồi Canvê tất cả những gì Chúa Kitô đã hoàn thành bằng cuộc khổ nạn và tử nạn của Người đều được hiện thực. Bởi thế, tất cả những gì Chúa Kitô đã làm với Mẹ của Người vì chúng ta cũng được hiện thực nữa. Người đã trao phó cho Mẹ người môn đệ yêu dấu, và nơi người môn đệ này, mỗi một người chúng ta: ‘Này là con Bà!’. Người còn nói với mỗi một người chúng ta rằng: ‘Này là Mẹ của con!’ (cf Jn 19:26-27). Vấn đề cảm nghiệm được việc tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Kitô nơi Thánh Thể cũng có nghĩa là tiếp tục lãnh nhận tặng ân này. Nó có nghĩa là, như Thánh Gioan, chấp nhận vị được ban cho chúng ta một lần nữa như Người Mẹ của chúng ta. Nó còn có nghĩa là dấn thân cố gắng trở nên giống Chúa Kitô, nhập trường học của Mẹ Người và để Mẹ hỗ trợ chúng ta. Mẹ Maria hiện diện, cùng với Giáo Hội và như Người Mẹ của Giáo Hội, ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể. Đó là lý do tại sao, từ thời xa xưa, việc tưởng nhớ đến Mẹ Maria vốn được bao gồm trong các cuộc cử hành Thánh Thể của Giáo Hội ở cả Đông lẫn Tây”.

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ sống thái độ Thánh Thể bằng Linh Đạo Thánh Mẫu để trở thành bài Ca Vịnh Ngợi Khen Tạ Ơn Chúa như Mẹ (khoản số 58):

• Nơi Thánh Thể, Giáo Hội hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô cùng hiến tế của Người, và có cùng một tinh thần như Mẹ Maria. Sự thật này có thể hiểu được sâu xa hơn khi đọc lại Ca Vịnh Ngợi Khen theo yếu tố Thánh Thể. Thánh Thể, như bài Ca Vịnh Mẹ Maria, là lời chúc tụng và tạ ơn đệ nhất và trên hết. Khi Mẹ Maria than lên: “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa và thần trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”, là lúc Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng của Mẹ rồi. Mẹ chúc tụng Thiên Chúa “nhờ” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng chúc tụng Ngài “trong” Chúa Giêsu và “với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” thực sự vậy. Mẹ Maria đồng thời cũng nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ để hoàn tất lời Ngài đã hứa với các vị tổ phụ (x Lk 1:55), và loan báo một kỳ công vượt trên tất cả mọi kỳ công đó là việc nhập thể cứu chuộc. Sau hết, Ca Vịnh Ngợi Khen còn phản ảnh cả chiều kích cánh chung của Thánh Thể nữa. Mọi lần Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta nơi “cảnh bần cùng” của các hình thể bí tích là bánh và rượu thì các hạt giống của một giòng lịch sử mới lại được đâm rễ vào thế giới này, một lịch sử mà kẻ quyền năng “bị hạ xuống khỏi ngai tòa của mình” và “những ai thấp hèn được nâng lên” (cf. Lk 1:52). Mẹ Maria hát lên bài ca vịnh về “trời mới” và “đất mới” là những gì thể hiện nơi Thánh Thể việc trông ngóng của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cả chương trình và dự án của chúng nữa. Ca Vịnh Ngợi Khen cho thấy linh đạo của Mẹ Maria, một linh đạo giúp chúng ta hơn hết trong việc cảm nghiệm thấy mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể được hiến ban cho chúng ta để cuộc sống của chúng ta, như cuộc sống của Mẹ Maria, có thể hoàn toàn trở thành một bài Ca Vịnh Ngợi Khen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ