GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 12/10/2006

 TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi thành phần giáo sĩ Đức quốc: “Hãy cầu xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến làm mùa”: "Chúng ta khuấy động tâm can của Thiên Chúa".

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi thành phần giáo sĩ Đức quốc: "Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta".

?   Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi thành phần giáo sĩ Đức quốc: “Hãy cầu xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến làm mùa”: "Chúng ta khuấy động tâm can của Thiên Chúa".

 

(Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài Huấn Từ (tự phát thay bài đã dọn) Thứ Năm 14 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria và Thánh Corbinian, ở Freising).

 

Quí Huynh thân mến trong thừa tác vụ giáo phẩm và tư tế,

Anh Chị Em thân mến,

 

Giây phút này đây làm cho tôi cảm thấy hân hoan và tri ân cảm tạ – cảm tạ về tất cả những gì tôi đã có thể cảm nghiệm thấh và nhận được trong chuyến tông du mục vụ ở Bavaria này. Tôi đã cảm nhận được rất nhiều nhiệt tình nồng hậu, rất nhiều tin tưởng, rất nhiều vui mừng trong Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy đã sâu xa tác dụng nơi tôi và sẽ theo tôi như nguồn nghị lực mới. Tôi cũng phải cảm tạ vì cuối cùng đã có thể trở về Vương Cung Thánh Đường Freising để thấy ngôi vương cung thánh đường này với cái rực rỡ rạng ngời của nó. Tôi xin cảm tạ Đức Hồng Y Wetter, hai vị Giám Mục Bavaria khác, tất cả mọi người cộng tác vào công việc của ngôi vương cung thánh đường này, và nhất là Đấng Quan Phòng Thần Linh đã hiện thực việc trùng tu đáng ca ngợi này. Giờ đây, trở lại với ngôi Vương Cung Thánh Đường này, ký ức của tôi trở về trong tâm trí của tôi, khi tôi như thấy được trước mắt mình những người bạn học cũ của tôi, cũng như những vị linh mục trẻ đang truyền đạt sứ điệp, trao chuyền ngọn đuốc đức tin. Tôi nhớ đến việc truyền chức của mình là biến cố được Đức Hồng Y Wetter nói tới. Ở nơi đây tôi đã phục xuống, được ngập phủ bằng kinh cầu các thánh, bằng việc chuyển cầu của các thánh. Tôi nhận thức được rằng chúng ta không cô đơn lẻ loi trên con đường ấy, đông đảo các thánh cùng bước với chúng ta, và các v ị thánh đang sống, thành phần tín hữu của ngày hôm nay và mai này, nâng đỡ chúng ta và bước đi với chúng ta. Thế rồi tới việc đặt tay, và sau cùng Đức Hồng Y Faulhaber công bố rằng: “Iam non dico vos servos sed amicos” – “Thày không gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu”; vào lúc ấy, tôi cảm nghiệm thấy việc thụ phong linh mục của tôi như là một thứ gia nhập vào cộng đồng bạn hữu của Chúa Giêsu, thành phần được kêu gọi để ở với Người và loan truyền sứ điệp của Người.

 

Tôi cũng được nhắc nhở bởi các vị linh mục và phó tế rằng chính tôi đã được thụ phong ở nơi đây. Họ giờ đây hiến mình cho việc phục vụ Phúc Âm, và qua nhiều năm, thập chí qua nhiều thập niên, họ vẫn đang truyền đạt sứ điệp ấy, và họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Tự nhiên tôi cũng nhớ đến các cuộc rước kiệu Thánh Corbinia. Đó là một tục lệ bấy giờ để mở hài tích. Ở vào chỗ của vị Giám Mục đằng sau bình hài cốt, tôi đã trực tiếp thấy được cái sọ của vị thánh này. Chính tôi tham dự vào cuộc kiệu rước của hàng bao thế kỷ tiến bước con đường đức tin này. Trong cuộc “tiến bước của thời gian” lớn lao ấy, tôi thấy được rằng cả chúng ta nữa cũng tiến bước theo, khi cùng với cuộc tiến bước của thời gian này tiến tới tương lai. Điều này trở nên rõ ràng khi cuộc rước kiệu băng ngang qua một đan việc gần đó, nơi đã có rất nhiều trẻ em tụ tập, và tôi đã làm dấu thánh giá trên trán của các em. Hôm nay chúng ta vẫn còn sống cùng một cảm nghiệm ấy; chúng ta đang ở trong một cuộc kiệu rước vĩ đại, trong cuộc hành trình của Phúc Âm. Chúng ta có thể vừa là thành phần hành hương vừa là thành phần hướng dẫn hành hương. Bằng việc bước theo những ai đã bước theo bước chân của Chúa Kitô, cả chúng ta nữa cũng đang theo Người, bởi vậy chúng ta đang tiến vào ánh sáng.

 

Giờ đây chúng ta hãy tiến tới bài giảng là bài tôi muốn nêu lên hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất liên hệ tới bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, một đoạn Phúc Âm tất cả chúng ta đã nghe quá quen, một đoạn phúc âm chúng ta đã dẫn giải và suy niệm trong lòng, đó là lời Chúa Giêsu nói “mùa gặt thì bệ bộn”. Khi nói mùa gặt “bề bộn”, Người không ám chỉ tới một thời điểm đặc biệt nào đó, cũng như tới những con đường Palestine Người đã hành trình trong cuộc sống trần thế của Người: những lời lẽ của Người vẫn còn hiệu lực cho cả ngày hôm nay nữa. Những lời ấy có nghĩa là một mùa màng đang gia tăng trong tâm can con người; những lời ấy có nghĩa là, nói cách khác, sâu xa tận bên trong, đó là con người đang đợi chờ Thiên Chúa, đang chờ đợi một thứ ánh sáng hoàn toàn soi dẫn cho thấy con đường tiến lên, đang đợi chờ một sứ điệp không phải thuần ngôn từ, mà là hy vọng, là chờ đợi một tình yêu thương sẽ đón nhận và nâng đỡ chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu vượt  trên giây phút hiện tại. Mùa màng thì bề bộn, và thợ gặt là thành phần cần thiết ở hết mọi thế hệ. Phần còn lại “thợ gặt lại ít oi” của câu được trích dẫn cũng là những gì xác thực nữa đối với mọi thế hệ ở một nghĩa khác. 

 

“Hãy cầu xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến làm mùa”. Điều này có nghĩa là mùa gặt đang sẵn sàng, thế nhưng Thiên Chúa muốn chiêu mộ thành phần hộ mùa để gặt hái cho vào kho lẫm. Thiên Chúa cần đến họ. Ngài cần thành phần nói: vâng, con sẵn sàng trở thành thợ gặt của Chúa; con sẵn sàng góp phần để mùa gặt đang chín trong lòng người này được thực sự cho vào kho lẫm đời đời và trở thành một cuộc hiệp thông thần linh tồn tại của niềm vui và yêu thương. “Hãy xin Chủ ruộng” cũng có nghĩa là chúng ta không thể nào “sản xuất” ra các ơn gọi; các ơn gọi cần phải được Thiên Chúa ban tặng. Đây không phải là những gì giống như những nghề nghiệp khác, chúng ta không thể nào tuyển mộ người ta bằng việc sử dụng một thứ phổ biến đúng kiểu hay một loại sách lược thích đáng. Lời mời gọi được xuất phát từ tâm can của Thiên Chúa ấy lúc nào cũng cần phải tìm cách thấm nhập vào lòng trí của con người. Tuy nhiên, chính vì để nó có thể tiến vào tâm can của con người mới cần đến việc hợp tác của chúng ta. Việc cầu xin cùng Chủ ruộng trước hết có nghĩa là cầu xin Ngài ban cho điều ấy, là khuấy động lòng Ngài mà nói: “Xin hãy làm điều ấy! Xin hãy khơi động thành phần thợ gặt! Xin hãy gợi lên trong họ lòng nhiệt thành và niềm vui sống cho Phúc Âm! Xin hãy làm cho họ hiểu rằng đó là một kho tàng còn cao cả hơn bất cứ kho tàng nào khác, và ai khám phá ra nó cần phải truyền đạt nó!”

 

Chúng ta khuấy động tâm can của Thiên Chúa. Thế nhưng, việc chúng ta nguyện cầu cùng Thiên Chúa không chỉ bao gồm có ngôn từ mà thôi; những lời lẽ ấy cần phải dẫn tới hành động để từ con tim nguyện cầu của chúng ta bừng lên một tia niềm vui trong Thiên Chúa và trong Phúc Âm, khiến lòng của người khác cũng sẵn sàng xin “vâng”. Là con người của nguyện cầu, tràn đầy ánh sáng của Ngài, chúng ta vươn tới người khác và mang họ vào lời nguyện cầu của chúng ta và đến trước nhan Thiên Chúa, Đấng sẽ không ngừng thực hiện phần của Ngài. Theo đó chúng ta cần phải tiếp tục nguyện cầu cùng Chúa ruộng, hãy khuấy động tâm can của Ngài, và cùng với Thiên Chúa chạm tới tâm can của người khác bằng việc nguyện cầu của chúng ta. Và theo dự định của mình, Ngài sẽ làm cho tiếng xin “vâng” của họ được trở nên chín chắn, làm cho họ sẵn sàng đáp ứng; nói cách khác, làm cho họ kiên trì qua tất cả mọi thứ rắc rối trên đời này, qua cái nóng của ban ngày và cái tối của ban đêm, để họ kiên trì một cách trung thành với việc phục vụ của họ. Nhờ đó họ sẽ biết rằng các nỗ lực của họ, dù cực nhọc đến đâu đi nữa, cũng là những gì cao quí và bõ công, vì chúng dẫn tới những gì là thiết yếu, chúng bảo đảm rằng con người lãnh nhận những gì họ hy vọng, đó là ánh sáng của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa.

 

(xem tiếp phần thứ hai của bài huấn từ này dưới đây liên quan tới khía cạnh thứ hai, khía cạnh sống đạo thực tế của đời sống giáo sĩ, đó là "Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta". )

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20060914_clergy-freising_en.html

 

TOP

 

 

 ? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi thành phần giáo sĩ: "Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta".

 

(Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tông Du Đức Quốc 9-14/9/2006 – Bài Huấn Từ (tự phát thay bài đã dọn) Thứ Năm 14 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria và Thánh Corbinian, ở Freising)

 

Điểm thứ hai tôi muốn đề cập tới là một vấn đề cụ thể. Con số linh mục đã bị giảm sút, cho dù vào lúc này đây chúng ta đang có thể đương đầu, vì chúng ta có những vị linh mục trẻ và linh mục già, và có những nam nhân trẻ trung đang trên đường tiến tới thiên chức linh mục. Tuy nhiên, gánh nặng vẫn gia tăng. Việc phải coi sóc hai, ba hoặc bốn giáo xứ một lúc, cộng thêm với những công việc mới xẩy ra, có thể là những gì làm cho mình cảm thấy chán chường. Tôi thường tự hỏi, hay mỗi người chúng ta tự hỏi mình và hỏi anh em mình rằng: chúng ta sẽ làm sao để đương đầu đây? Phải chăng đó không phải là một thứ nghề nghiệp làm tiêu hao chúng ta đi hay sao, một thứ nghề nghiệp không còn mang lại cho chúng ta niềm vui, vì chúng ta thấy rằng bất cứ chúng ta làm gì cũng chẳng bao giờ đủ cả? Chúng ta cảm thấy mình bị đè bẹp!

 

Cần phải đáp ứng như thế nào đây? Hiển nhiên tôi không thể cống hiến những phương dược bất khả sai lầm: tuy nhiên, tôi xin đề nghị mấy hướng dẫn căn bản sau đây. Tôi lấy điều đề nghị thứ nhất từ Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê (x 2:5-8), nơi Thánh Phaolô nói cùng tất cả mọi người, dĩ nhiên là nói riêng với những ai đang làm việc trong cánh đồng của Thiên Chúa, đó là: “anh em hãy mặc lấy tâm trí của Chúa Giêsu”. Tâm trí của Người là tâm trí mà, trước định mệnh của nhân loại, Ngài không thể cứ sống trong vinh quang, trái lại, đã cúi mình xuống và làm những gì không thể nào tin nổi, khoác vào mình tình trạng hoàn toàn bần cùng của đời sống con người cho đến độ khổ đau trên Thập Giá. Đó là tâm trí của Chúa Giêsu Kitô: ở chỗ Người cảm thấy được thôi thúc mang đến cho nhân loại ánh sáng của Cha, cứu giúp chúng ta bằng việc hình thành Vương Quốc của Thiên Chúa với chúng ta và trong chúng ta. Và tâm trí của Chúa Giêsu Kitô đã tiến sâu xa vào mối hiệp thông hoàn toàn thân mật với Cha. Một dấu hiệu bề ngoài cho thấy tình trạng này thực sự ở chỗ được các vị Thánh Ký trình thuật nhiều lần Người đã một mình lên núi nguyện cầu. Hoạt động của Người xuất phát từ mối hiệp nhất sâu xa của Người với Cha, và chính vì điều ấy mà Người phải lên đường, viếng thăm tất cả mọi phố hội và làng quê để loan truyền Vương Quốc Thiên Chúa, loan báo rằng Vương Quốc này đang hiện diện giữa chúng ta. Người đã phải khai mào Vương Quốc này giữa chúng ta, nhờ đó, qua chúng ta, nó có thể biến đổi thế giới; Người cần phải bảo đảm rằng ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trên trần gian cũng như trên Trời và Trời đã đến trên trần gian. Hai khía cạnh này ở trong tâm trí của Chúa Kitô. Đàng khác, chúng ta cần phải nhận biết Thiên Chúa từ bên trong, nhận biết Chúa Kitô từ bên trong, và ở với Người; chỉ có thế chúng ta mới “khám phá” ra chính mình; chúng ta cần phải truyền đạt điều này nữa.

 

Tôi muốn nói rõ hơn về điều hướng dẫn căn bản liên quan tới hai khía cạnh của nó này. Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta. Một đàng cần phải có lòng nhiệt thành, ở chỗ, nếu chúng ta tiếp tục gặp gỡ Chúa Kitô thì chúng ta không thể giữ lấy Người cho bản thân mình. Chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để ra đi đến với thành phần nghèo khổ, yếu kém, trẻ em và giới trẻ, tới với những ai cần thiết nhất. Chúng ta cảm thấy được thôi thúc trở thành “những người loan tin vui”, thành những tông đồ của Chúa Kitô. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của chúng ta, nếu muốn nó không trở thành trống rỗng và bắt đầu làm cho chúng ta kiệt quệ, nó cần phải được liên kết với sự khiêm nhượng nữa, với sự điều độ, với việc chấp nhận những giới hạn của chúng ta nữa. Có rất nhiều điều cần phải thực hiện, nhưng tôi thấy rằng tôi không thể làm được hết những điều ấy. Tôi nghĩ rằng đó là một sự thật đối với nhiều vị mục tử, và cũng đúng với cả vị Giáo Hoàng này nữa, vị cần phải làm rất ư là nhiều thứ! Tôi không đủ sức làm. Có thế, tôi biết làm những gì tôi có thể và tôi phó cho Thiên Chúa phần còn lại cũng như cho các người phụ tá của tôi, mà rằng: “Lạy Chúa, dầu sao thì Chúa cần phải làm việc ấy, vì Giáo Hội là của Chúa. Chúa chỉ ban cho con sức lực con hiện có mà thôi. Con dâng nó cho Chúa, vì nó bởi Chúa mà ra; con phó dâng cho Chúa hết mọi sự khác”. Tôi tin rằng lòng khiêm nhượng này cần phải khiến chúng ta thốt lên rằng: “nghị lực của tôi không thể nào làm hơn được nữa, Chúa ơi, xin Chúa hãy làm phần còn lại cho con”. Bấy giờ cần phải có lòng tin tưởng: Ngài sẽ ban cho tôi những người phụ tá tôi cần, và họ sẽ làm những gì tôi không thể làm. 

 

Hơn thế nữa, việc liên kết giữa lòng nhiệt thành với đức khiêm nhượng cũng có nghĩa là liên kết tất cả mọi khía cạnh phục vụ với đời sống nội tâm của chúng ta. Chúng ta có thể phục vụ kẻ khác và cống hiến cho họ chỉ khi nào bản thân chúng ta được lãnh nhận, chỉ khi nào bản thân chúng ta không bị trống rỗng. Đó là lý do tại sao Giáo Hội cống hiến cho chúng ta những khoảng trống, những khoảng trống, một mặt, giúp cho chúng ta “hít  vào” và “thở ra” một cách mới mẻ, mặt khác, trở thành một nguồn và tâm điểm cho việc chúng ta phục vụ. Trước hết là việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày. Chúng ta không bao giờ được làm điều này chỉ vì thói quen, như “một điều gì đó chúng ta cần phải làm”, trái lại, xuất phát “từ bên trong”! Chúng ta hãy ý thức những ngôn từ và tác động, cùng biến cố thực sự hiện diện bấy giờ! Nếu chúng ta cử hành Thánh Lễ một cách chăm chú nguyện cầu, nếu lời chúng ta đọc “này là mình ta” được xuất phát từ việc chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đặt tay của Người trên chúng ta và ban quyền cho chúng ta được nhân danh “Cái Tôi” của Người mà phán, nếu chúng ta cử hành Thánh Thể bằng việc tham dự sâu xa trong đức tin và cầu nguyện, thì nó không phải chỉ là một nhiệm vụ bề ngoài; thì bấy giờ tự nhiên chúng ta biết được cách thức cử hành ars celebrandi, vì việc cử hành theo quan điểm của Chúa và bằng mối hiệp thông với Người, nhờ đó, nó mang lại lợi ích nhất cho con người. Để rồi chính bản thân chúng ta được liên lỉ trở nên phong phú, đồng thời chúng ta cũng truyền đạt cho người khác một cái gì đó ngoài chính mình chúng ta, tức là việc hiện diện của Chúa Kitô.

 

Một khoảng trống khác, có thể nói, Giáo Hội bắt buộc chúng ta làm, và nhờ làm thế chúng ta được giải thoát, đó là Phụng Vụ Giờ Kinh. Chúng ta hãy đọc giờ kinh phụng vụ này như là một giờ nguyện cầu thực sự, một việc nguyện cầu hiệp thông với thành phần Yến Duyên Cựu Ước lẫn Tân Ước, một việc nguyện cầu xuất phát từ “cái Tôi” sâu xa nhất, từ chủ thể sâu xa nhất của những lời nguyện cầu ấy. Nhờ đó, chúng ta lôi kéo vào lời nguyện cầu của chúng ta những ai thiếu thời giờ hay nghị lực hoặc khả năng nguyện cầu. Như thành phần dân nguyện cầu, chúng ta đại diện cho những người khác khi chúng ta cầu nguyện, và làm thế, chúng ta hoàn thành một thừa tác mục vụ tiên khởi. Đây không phải là việc rút lui vào một lãnh vực tư riêng, nó là một thứ ưu tiên về mục vụ, nó là một hoạt động mục vụ nhờ đó thiên chức linh mục của chính chúng ta được đổi mới, và chúng ta lại được Chúa Kitô làm cho tràn đầy. Chúng ta bao gồm những người khác vào mối hiệp thông của Giáo Hội nguyện cầu, đồng thời chúng ta làm cho quyền năng của việc nguyện cầu, làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, lan tỏa vào thế giới này.

 

Câu tâm niệm chủ đề trong những ngày này là “những ai tin tưởng thì không bao giờ cảm thấy lẻ loi cô quạnh”. Những lời ấy áp dụng và cần phải được áp dụng đặc biệt cho thành phần linh mục, cho mỗi người chúng ta. Chúng được áp dụng theo hai ý nghĩa, đó là một vị linh mục không bao giờ bị lẻ loi vì Chúa Giêsu Kitô luôn ở với họ. Người ở với chúng ta, vậy chúng ta hãy ở với Người! Thế nhưng những lời ấy cũng áp dụng theo một ý nghĩa khác nữa. Ai trở nên một vị linh mục là gia nhập vào thành phần giáo sĩ , vào một cộng đồng linh mục cùng với vị Giám Mục của mình. Ngài là vị linh mục trong mối hiệp thông với anh em linh mục của ngài. Chúng ta hãy quyết tâm sống điều này, chẳng những như là một qui định về thần học và pháp lý, mà còn như một cảm nghiệm thực tiễn đối với mỗi người chúng ta nữa. Chúng ta hãy cống hiến mối hiệp thông này cho nhau, chúng ta hãy cống hiến nó nhất là cho những ai chúng ta biết đang chịu đựng tình trạng lẻ loi cô độc, những ai chúng ta biết đang trăn trở bởi những vấn nạn và rắc rối trục trặc, và có thể bởi những ngờ vực và lung lạc! Chúng ta hãy cống hiến mối hiệp thông này cho nhau, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô mới mẻ hơn bao giờ hết, trọn vẹn hơn và hân hoan hơn, nhờ sống với nhau, nhờ sống với những người khác. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20060914_clergy-freising_en.html

 

 

TOP

 

 

?  Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội

 

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo man5g điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

21.       Công Đồng Chung Vaticanô II dạy rằng việc cử hành Thánh Thể là tâm điểm của tiến trình Giáo Hội phát triển. Sau khi nói rằng “Giáo Hội, với tư cách là Vương Quốc của Chúa Kitô vốn hiện diện một cách mầu nhiệm, phát triển một cách hữu hình trên thể giới bởi quyền năng của Thiên Chúa” (35), thế rồi, như để trả lời cho vấn nạn “Giáo Hội phát triển ra sao?”, Công Đồng thêm: “bao lâu hiến tế Thập Giá do ‘Chúa Kitô là cuộc vượt qua của chúng ta hiến tế’ (1Cor 5:7) được cử hành trên bàn thờ, thì bấy lâu công cuộc cứu chuộc của chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nơi bí tích của tấm bánh Thánh Thể, mối hiệp nhất của tín hữu, thành phần làm nên một thân thể duy nhất nơi Chúa Kitô (x 1Cor10:17), được thể hiện và phát sinh” (36).

Tác dụng nguyên hệ của Thánh Thể vốn hiện hữu ở ngay chính nguồn gốc của Giáo Hội. Các Thánh Ký đã nói rõ là 12 Vị, tức các Tông Đồ, đã qui tụ lại với Chúa Giêsu ở Bữa Tiệc Ly (x Mt 26:20; Mk 14:17; Lk 22:14). Đây là một chi tiết quan trọng đặc biệt, vì các Vị Tông Đồ “vừa là mầm mống của dân Do Thái vừa là khởi nguyên của hàng giáo phẩm linh thánh” (37). Qua việc cống hiến cho các vị mình máu mình làm lương thực, Chúa Kitô đã bao hàm một cách mầu nhiệm các vị vào hiến tế sẽ được hoàn tất sau đó trên Đồi Can vê. So sánh với Giao Ước ở Núi Sanai, một giao ước được niêm ấn bằng hiến tế và việc rẩy máu (38), thì những tác động và lời lẽ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đồng thiên sai mới, tức thành phần Dân Tân Ước. 

Các vị Tông Đồ, bằng việc chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Căn Thượng Lầu Tiệc Ly: “Hãy nhận lấy mà ăn”, “tất cả các con hãy uống” (Mt 26:26-27), lần đầu tiên đã tiến vào mối hiệp thông bí tích với Người. Từ đó trở đi, cho đến tận thế, Giáo Hội được xây dựng qua mối hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến tế vì chúng ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày… Các con hãy làm việc này bao lâu các con uống để nhớ đến Thày” (1Cor 11:24-25; x Lk 22:19).

22.       Việc được tháp nhập vào Chúa Kitô bởi Phép Rửa được liên lỉ lập lại và củng cố bằng việc thông phần vào Thánh Thể, nhất là bằng việc hoàn toàn thông phần xẩy ra qua mối hiệp thông bí tích. Chúng ta chẳng những có thể nói rằng mỗi một người trong chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô mà còn có thể nói rằng Chúa Kitô lãnh lấy tøng người chúng ta nữa. Người tỏ ra thân tình với chúng ta: “Các con là bạn hữu của Thày” (Jn 15:14). Thật vậy, chính bởi Người mà chúng ta được sự sống: “Ai ăn Tôi sẽ sống bởi Tôi” (Jn 6:57). Mối hiệp thông Thánh Thể mang lại “việc tương ngụ” cao quí giữa Chúa Kitô và mỗi một người môn đệ của Người: “Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn 15:4).

Nhờ được nên một với Chúa Kitô, Dân Tân Ước, chẳng những không gắn liền với chính mình, lại còn trở thành một “bí tích” cho nhân loại nữa (39), thành một dấu hiệu và là một dụng cụ cứu độ do Chúa Kitô lập được, thành ánh sáng thế gian và muối đất (x Mt 5:13-16), cho ơn cứu chuộc của tất cả mọi người (40). Sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Từ việc kéo dài của hiến tế Thập Giá và mối hiệp thông của Giáo Hội với mình máu Chúa Kitô nơi Thánh Thể, Giáo Hội kín múc được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để thi hành sứ vụ của Giáo Hội. Như thế Giáo Hội tỏ ra vừa là nguồn gốc vừa là tuyệt đỉnh của tất cả mọi việc truyền bá phúc âm hóa, vì mục tiêu của Giáo Hội là mối hiệp thông giữa nhân loại với Chúa Kitô, rồi trong Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (41).

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)
 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ