GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 19/10/2006 TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN |
? Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội
? CHUYỆN VUI MÙA THU
? Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội
(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)
23. Mối hiệp thông Thánh Thể cũng củng cố sự hiệp nhất Giáo Hội như thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đề cập đến quyền năng hiệp nhất liên quan tới việc tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể này khi thánh nhân viết cho các Kitô hữu Corintô: “Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc hiệp thông vào thân thể Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều song cũng chỉ là một thân thể duy nhất, bởi tất cả chúng ta đều thông phần vào cùng một tấm bánh” (1Cor 10:16-17). Thánh John Chrysostom dẫn giải về những lời này một cách sâu xa và nhận thức như sau: “Tấm bánh này là gì? Đó là thân thể Chúa Kitô. Và những ai lãnh nhận tấm bánh ấy sẽ trở nên những gì? Thân thể Chúa Kitô – không phải là nhiều thân thể mà là một thân thể duy nhất. Vì như bánh hoàn toàn chỉ là một, cho dù được làm nên bởi nhiều hạt lúa miến, và những hạt lúa miến ấy, mặc dù không thấy, song vẫn hiện diện, ở chỗ cái khác biệt của chúng không hiện lộ vì chúng được trở thành một toàn khối trọn vẹn, chúng ta cũng thế, cũng hiệp lại với nhau và cùng nhau hiệp nhất với Chúa Kitô” (42). Lập luận này thật là mãnh liệt, ở chỗ, việc chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô, một tặng ân và là ân huệ cho mỗi một người trong chúng ta, có thể thực hiện trong Người để chúng ta được thông phần vào mối hiệp nhất của thân thể Giáo Hội của Người. Thánh Thể củng cố việc tháp nhập vào Chúa Kitô được thực hiện nơi Phép Rửa nhờ tặng ân Thần Linh (x 1Cor 12:13,27).
Hoạt động liên kết bất khả phân ly của Chúa Con và Thánh Linh ở ngay khởi nguyên của Giáo Hội, liên quan đến việc gắn bó vững chắc của Giáo Hội cũng như đến sự sống liên tục của Giáo Hội, là hoạt động vẫn đang diễn tiến nơi Thánh Thể. Điều này thật rõ ràng đối với vị tác giả của Phụng Vụ của Thánh Giacôbê: ở lời nguyện xin Thánh Thần của Kinh Nguyện Thánh Thể, Thiên Chúa Ngôi Cha được nguyện xin sai Thánh Thần xuống trên tín hữu cũng như trên các lễ vật, để mình và máu Chúa Kitô “trở nên một thứ trợ giúp cho tất cả những ai tham hưởng… nhờ đó hồn xác họ được thánh hóa” (43). Giáo Hội được kiên cường bởi Đấng An Ủi thần linh qua việc Ngài thánh hóa tín hữu nơi Thánh Thể.
24. Tặng ân Chúa Kitô và Thần Linh của Người chúng ta lãnh nhận được nơi mối hiệp thông Thánh Thể làm tràn đầy muôn vàn niềm ước vọng vốn được đâm rễ sâu trong tâm can con người về việc hiệp nhất huynh đệ; tặng ân ấy cũng đồng thời thăng hoa cả cảm nghiệm về tình yêu huynh đệ vốn đã hiện hữu nơi việc chúng ta cùng nhau chia sẻ cùng một bàn tiệc Thánh Thể, tới độ vượt quá cảm nghiệm thuần nhân loại trong việc chia sẻ một bữa ăn. Bằng việc được hiệp thông với thân mình Chúa Kitô, Giáo Hội càng tiến đến chỗ sâu xa hơn nữa “ở trong Chúa Kitô theo bản tính của một bí tích, tức là, của một dấu hiệu và là một dụng cụ cho mối hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho mối hiệp nhất toàn thể nhân loại” (44).
Những mầm mống chia rẽ, những mầm mống mà kinh nghiệm hằng ngày cho thấy đã đâm rễ rất sâu xa nơi nhân loại như là hậu quả của tội lỗi, bị quyền năng hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô đối kháng. Thánh Thể, chính nhờ việc xây dựng Giáo Hội, kiến tạo nên cộng đồng nhân loại vậy.
25. Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ có một lợi ích khôn lường cho đời sống của Giáo Hội. Việc tôn thờ này hết sức gắn liền với việc cử hành Hiến Tế Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Kitô dưới các dạng thức linh thánh sau Thánh Lễ, một sự hiện diện kéo dài bao lâu hình bánh và rượu còn (45), phát xuất từ việc cử hành hiến tế ấy và hướng về mối hiệp thông cả về phương diện bí tích lẫn thiêng liêng (46). Các Vị Chủ Chiên có trách nhiệm phải khuyến khích, bằng chứng từ bản thân các vị, việc tôn thờ Thánh Thể, nhất là việc đặt chầu Bí Tích Thánh, cũng như việc cầu nguyện tôn thờ trước Chúa Kitô hiện diện dưới các dạng thức Thánh Thể (47).
Thật là sung sướng khi bỏ giờ ra ở với Người, để ngả mình vào ngực của Người như Người Môn Đệ Yêu Dấu (x Jn 13:25), cũng như để cảm thấy tình yêu vô biên đang hiện diện trong trái tim Người. Nếu trong thời đại của chúng ta đây, Kitô hữu cần phải được phân biệt trên hết bằng “nghệ thuật cầu nguyện” (48), thì làm sao chúng ta lại không cảm thấy một nhu cầu mới trong việc bỏ giờ truyện vãn thiêng liêng, im lặng tôn thờ, yêu thương cảm mến trước Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh? Anh chị em thân mến, Tôi thường cảm nghiệm được điều này và kín múc được sức mạnh, nguồn ủi an và nâng đỡ từ những giây phút ấy biết bao!
Việc thực hành này, một việc Huấn Quyền không ngớt khen ngợi và khuyến dụ, được thực hiện bởi gương của nhiều vị thánh. Nổi bật nhất về vấn đề này là Thánh Alphonsus Ligouri, vị đã viết: “Trong tất cả mọi việc tôn sùng thì việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh là việc tôn sùng cao cả nhất trong các phép bí tích, một việc tôn sùng Thiên Chúa yêu thích nhất và là việc hữu ích nhất đối với chúng ta” (50). Thánh Thể là một kho tàng vô giá: không phải chỉ ở việc cử hành mà còn ở việc cầu nguyện trước Thánh Thể ngoài Thánh Lễ là những gì chúng ta có thể thực hiện việc giao tiếp với chính mạch suối ân sủng. Một cộng đồng Kitô hữu thao thức chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô theo tinh thần Tôi nêu lên trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ cũng như trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria không thể không khai triển khía cạnh tôn thờ Thánh Thể này, một việc tôn thờ kéo dài và tăng thêm các hoa trái của mối hiệp thông vào mình máu Chúa.
“Trong ngày sống, tín hữu không được thiếu vắng việc viếng Bí Tích Thánh, một Bí Tích mà theo luật phụng vụ cần phải hết sức cung kính để trong các nhà thờ ở một nơi hết sức trang trọng. Những việc viếng thăm ấy là dấu hiệu chứng tỏ lòng biết ơn, biểu lộ lòng yêu mến và nhận biết sự hiện diện của Chúa” (Paul VI, Encyclical Letter Mysterium Fidei [3 September 1965]: AAS 57 [1965], 771).
(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)
? CHUYỆN VUI MÙA THU
(Lm. Anphong Trần Ðức Phương)
(“Chuyện Vui Mùa Hè” trước đây bàn về đời sống và những giao tế hàng ngày trong xã hội chúng ta hôm nay gồm nhiều chủng tộc và ngôn ngữ chung sống gần gũi với nhau như trong một ngôi làng! “Chuyện Vui Mùa Thu...” là những câu chuyện về tình yêu Nam - Nữ và đời sống gia đình với bao biến chuyển trong xã hội ngày nay và ngày mai...)
Khác với ngày Lễ Lao Ðộng Quốc Tế được mừng vào ngày 01 tháng 05 hàng năm (cũng là ngày Lễ Thánh Giuse Lao Công), ngày lễ “Lao Ðộng (Labor Day) ở Hoa Kỳ và Canada vào ngày Thứ Hai đầu tháng Chín hàng năm. Với ngày này, mùa nghỉ hè kể như chấm dứt và các học sinh bắt đầu vào một niên học mới.
Chấm dứt mùa nghỉ hè kể như cũng tạm chấm dứt mùa “Cưới Hỏi” tại Hoa Kỳ, vì hầu hết các bạn trẻ, kể cả các bạn trẻ Việt Nam, thường chọn ngày cưới vào mùa hè để tiện thu xếp các công việc sau khi đã nghỉ học và thường là đã “ra trường”... Thế là cũng chấm dứt “Mùa Trăng Mật” để trở về với cuộc sống thực tế hàng ngày.
Người ta thường nói cuộc tình nam nữ trải qua những giai đoạn của “bí nấu với mật”... Khi hai bạn trẻ yêu nhau, cuộc tình lúc đầu rất “bí mật”, chỉ hai người biết với nhau. Nhưng rồi bí mật mấy cũng phải “bật mí” để gia đình và bà con biết mà tổ chức đám hỏi, đám cưới... Sau đám cưới là tuần “trăng mật” và sau tuần trăng mật và “vỡ mật” vì đời sống thực tế…Đôi “tân hôn” phải lo bao nhiêu thứ cho cuộc sống mới, lo công ăn việc làm, lo trả “nợ nần” sau ngày đám cưới... Thực tế trong cuộc sống chung hàng ngày cũng làm cho đôi bạn đã thành vợ chồng thấy rõ con người thật của nhau hơn và mỗi bên đều nhận ra những khuyết điểm của nhau. Chàng và nàng không còn là “người yêu lý tưởng” như lúc ban đầu... và dần dần như chúng ta thường nghe nói : lúc mới yêu nhau thì “anh nói, em nghe!” và “em nói, anh nghe!”, rồi dần dần “anh nói, anh nghe!” và “em nói, em nghe!”... cuối cùng thì “cả hai cùng nói để hàng xóm nghe!”… và rồi các hệ lụy của đời sống gia đình và các khó khăn cứ tiếp diễn... hết mùa xuân sang mùa hè, hết mùa hè sang mùa thu, hết mùa thu sang đông v.v...
Mỗi lần được hân hạnh dâng Thánh Lễ Hôn Phối cho các bạn trẻ, tôi rất thích được nghe các bản thánh ca thật hay và ý nghĩa, như bài “Chung kết trầu cau: Ngày xưa khi Chúa dựng nên đất trời...” hay bài “Lời thề: Một lần con thề hứa...” Mới đây nhất, tôi được nghe bản “Nỗi lòng Adam...” cũng rất hay và ý nghĩa; nhất là các bạn trong ca đoàn hôm đó hát thật “có hồn... và tâm tình”... làm tôi cảm động và suy nghĩ nhiều về cuộc sống hôn nhân của các bạn trẻ trong thế giới hôm nay... và viết bài này để đặc biệt gửi đến các bạn với lời chúc rằng : “Các bạn đã được Thiên Chúa kết hiệp nên một qua Bí tích Hôn Phối Thánh Thiện, các bạn đã âu yếm cầm tay và trao nhẫn cho nhau, đã cùng nhau đốt lên “Cây nến Hiệp Nhất” (Unity Candle)... thì các bạn hãy năng tâm niệm bài Lời Thề (thường hát vào lúc đốt cây nến hiệp nhất): “Một lần Anh thề hứa...Một lần Em thề hứa ... là trọn đời tình ta trao nhau... để chúng mình luôn bên nhau...
“Như chim liền cánh, và như cây liền cành...”
Câu chuyện đầu tiên về tình yêu nam nữ đã được kể lại ngay ở những trang đầu trong Kinh thánh Cựu Ước (Sách Khởi Nguyên). Thiên Chúa đã dựng nên người nam (Adong) và cho ông làm chủ mọi loài vật mà ông đặt tên cho chúng; nhưng ông không thấy con vật nào có thể thông cảm với ông như một “người vợ”... Ông đã tỏ bày nỗi lòng với Chúa và Chúa đã để ông ngủ say, và lấy một chiếc xương sườn cụt của ông để dựng nên người có tên là “người nữ” (Eva) và đem đến cho ông... và ông đã mừng rỡ hô lên: “Ðây chính là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi... và nàng sẽ được gọi là “người nữ” (Eva) vì nàng đã được tạo nên từ người “đàn ông của bà” (người chồng)...” (Sách Khởi Nguyên 2, 20-25).
Thế là đám cưới đầu tiên đã được Thiên Chúa cho cử hành một cách long trọng ngay tại vườn địa đàng... mà chàng rể có tên là Adong và cô dâu là Eva...
Cũng từ ngày đó, khi lớn lên đến tuổi “cặp kê” thì người thanh niên cảm thấy có một sức mạnh thúc đẩy lạ thường phải đi tìm “cái xương cụt của mình” và người nữ cũng cảm thấy một sức mạnh không kém để đi tìm người đã cho mình ‘mượn tạm cái xương sườn’ để dựng nên mình... Không một người nào, không một khó khăn nào, dù phải ‘trèo đèo, vượt suối’ có thể cản trở cuộc đi tìm kiếm này... Khi đã gặp được rồi thì “Người nam sẽ bỏ cả cha mẹ mình mà gắn bó với người nữ (người vợ)... và cũng từ đó hai người trở nên một thân thể... (Khởi Nguyên 2,24) và từ đó “Ðiều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, con người không được phân ly!...” (Matthêu 19, 6; Matcô 10, 9)... Cũng vì thế, hôn phối đúng nghĩa chỉ có thể là sự “kết hiệp” giữa một người nam và một người nữ... Hơn nữa, sự “kết hiệp” giữa người nam và người nữ ngoài mục đích chính là để chia sẻ “tình yêu nam nữ với nhau” còn để đưa đến mục đích quan trọng khác là “sinh thêm con cái cho đầy mặt đất...” và duy trì sự tồn tại của loài người trên mặt đất này... Cũng từ đó mà thế giới văn minh ngày nay đã không còn chấp nhận “chế độ đa thê”... và con người có lương tri đúng đắn không thể chấp nhận “hôn phối đồng tính” (same sex marriage).
Nhưng dù “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” nam và nữ vẫn khác biệt nhau về thể xác, về tính tình và cảm xúc... Chính những cái khác biệt này lại là cái để hai người thu hút và bổ túc cho nhau... Ðúng là “mình với ta tuy hai mà một... Ta với mình tuy một mà hai!... (Dựa theo thơ Tản Ðà). Cũng từ đó mà mãi mãi “ngọt ngào pha trộn với khổ đau” trong tình yêu nam nữ và trong cuộc sống hôn nhân! (Yêu thì đau khổ, mà không yêu thì lỗ!).
Ðể diễn tả sự “ngọt ngào và đau khổ trong tình yêu nam nữ và cuộc sống gia đình, có một câu chuyện cổ Ảrập sau đây (câu chuyện cũng dựa vào đoạn Kinh Thánh nói trên)...
Khi thượng Ðế đã dựng nên Ông Adong và cho ông được làm chủ mọi sinh vật mà Ngài đã dựng nên. Sau đó Ngài về trời và tin rằng ông Adong sẽ được hạnh phúc vui vẻ trong cuộc sống. Mãi lâu sau, khi chợt nhớ đến Adong, Ngài lại hiện ra xem ông như thế nào, thì Ngài rất đỗi ngạc nhiên là ông rất chán nản. Ngài liền hỏi: “Tại sao con đã được làm chủ mọi loài, mọi vật mà Ta đã dựng nên, mà sao con lại buồn chán như vậy?” Ông Adong trả lời: Lạy Chúa con , các loài vật này chúng nghe lời con hết thảy, nhưng không con nào có thể cảm thông với con, chia sẻ tình thương và tâm tư của con được... Con cảm thấy cần một người giống như con, cũng có cảm nghĩ, tình yêu và cảm xúc như con để con có thể chia sẻ cuộc sống thì con mới hạnh phúc”… Bấy giờ Thượng Ðế trả lời: Tiếc rằng Ta đã lấy hết mọi vật liệu để tạo dựng trời đất và muôn vật trong đó, nên không còn vật liệu gì để làm nên một loại giống như con...” Rồi suy nghĩ giây lát, Thượng Ðế liền nói: “Ðược rồi, Ta đã có cách... Ta sẽ lấy tất cả những gì Ta đã dựng nên , mỗi thứ một chút, để dựng nên một kẻ giống như ngươi”... Thế là Thiên Chúa lấy một chút cát nóng của sa mạc, một chút tuyết lạnh của Bắc cực, cái nóng của mùa hè và cái băng giá của mùa đông, cái âm thầm lặng lẽ của con chim bồ câu và cái hay nói của con vẹt, cái hiền lành của con chiên và qủy quyệt của con cáo v.v... để dựng nên “người nữ” mà Ngài đặt tên cho là Eva và dẫn nàng đến cho Adong... và ông Adong đã vui mừng tạ ơn Thượng Ðế và nhận nàng làm “vợ”. Sau đó, Thượng Ðế lại trở về trời... Thật lâu sau, Ngài lại xuống trần gian để xem Adong bây giờ thế nào, đinh ninh rằng ông đang sống thật hạnh phúc bên người vợ của mình... Nhưng khi gặp thì Chúa thấy ông Adong lúc này lại tỏ ra thật khổ sở... Thiên Chúa liền hỏi ông Adong: “Tại sao bây giờ ngươi vẫn còn đau khổ, có khi cả hơn trước nữa?...” Adong thưa rằng: “Lạy Chúa con, “người vợ” mà Chúa ban cho con, chẳng đem lại hạnh phúc cho con được bao lâu, thì đã làm con khổ sở quá... Tính tình nàng thật là trái ngựơc, nàng đúng là con người trái khoáy... lúc thì nàng nói như vẹt không sao bảo nàng im đi được, lúc nàng lại câm nín không thèm nói một lời... Nàng chợt vui lại chợt buồn; chẳng bao giờ nàng muốn làm theo ý con cả... Khi con muốn ở nhà thì nàng lại đòi đi ra ngoài, khi con muốn đi ra ngoài chơi một chút thì nàng lại nhất định không cho đi... Ôi, nàng làm khổ con quá... Thôi con xin trả lại nàng cho Chúa...” Thiên Chúa liền vui vẻ cất Eva đi khỏi nơi Adong và chúc ông sống ‘độc thân’ hạnh phúc. Lâu sau, Thượng Ðế lại hiện ra để xem Adong bây giờ ra sao... và Ngài vẫn thấy ông có vẻ rất khổ sở... Ngài lại hỏi nguyên nhân tại sao. Ông Adong liền thưa lại: “Lạy Chúa con, xin Chúa trả lại nàng cho con, vì dù có nàng thì con khổ sở lắm, nhưng không có nàng sống bên cạnh, thì con lại không chịu nổi!...”
“Ngọt ngào và đau khổ” trong đời sống vợ chồng là như vậy...
Xa nhau thì nhớ nhau, gần nhau thì luôn cãi vã với nhau.
Tôi có quen một ông, gia đình cũng khá giả, nhưng dù đã lớn tuổi, ông vẫn đi làm. Có lần ông tuyên bố với bạn bè: Tôi sẽ đi làm cho đến chết thì thôi!... Hỏi tại sao không nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng tuổi già, ông trả lời: Ở nhà thì vợ chồng suốt ngày chẳng còn chuyện gì nói, chỉ cãi nhau... nhiều khi đối đáp những lời thật chua cay...
Có lần hai vợ chồng cãi nhau, ông quay ra bảo: “Bà phải biết lấy được tôi là bở lắm đó!”... Bà trả lời ngay lập tức: “Bở chứ sao không bở... Bở như vôi vậy mà!...” Có lần bà lái xe, ông ngồi sau; thấy bà lái xe suýt gây tai nạn, ông liền nói gắt: “Lái xe gì mà ngu như vậy!...” Bà phản pháo ngay: “Ðúng rồi, ngu chứ sao... Có ngu thì mới lấy người chồng như ông!...” Có lần hai ông bà bàn chuyện lấy vợ cho con trai, bàn luận với nhau mãi, ông bực mình nói lớn: “Thôi, nó muốn lấy ai thì lấy, miễn là không lấy phải người như bà là được rồi!... Bà liền nổi nóng: “Ừ, thế mà ngày xưa cũng có kẻ cứ cố mà nhào vô đấy!...” Đêm khuya, ông cảm thấy mệt mỏi và đi vào phòng ngủ…bà vẫn chưa tha, chạy vào la : ông ra ngoài này để tôi nói, chứ bộ tôi nói cho cài cột nghe sao?...
Thế nhưng khi ông bệnh hoạn nằm một chỗ, thì bà lại tỏ ra thương hại và chăm lo thuốc men rất chu đáo cho đến khi ông qua đời. Lúc đó, dù bà không khóc, nhưng thật buồn!... Lo đám tang cho chồng xong, bà sống như đã chết đi với chồng... Lúc nào cũng khóc thương kể lể về những điều hay điều tốt về chồng cho con cháu nghe, và cuối tuần nào cũng bắt con cháu cùng ra thăm mộ chồng... Lâu lâu, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, lần nào cũng khóc thương ông... Cả năm sau gọi thăm, bà vẫn xụt xùi và nói: “Chúa ơi, sao mà không sao quên đi được!...”
Chúa đã kết hiệp hai người nên một để cùng bổ túc cho nhau, chia sẻ tình yêu nam nữ, và sinh con cái nối tiếp dòng họ... Suốt cả cuộc đời, cùng dìu nhau đi và chăm sóc gia đình... Cả một cuộc đời chung sống thật dài, có khi 60, 70 năm... Trong cuộc hành trình trần gian đó, có những ngày vui, mà cũng có những ngày buồn!... Có mùa xuân mà cũng có mùa đông!... Có bình minh đẹp buổi sáng, mà cũng có đêm tối mịt mù!... Có biết bao những cám dỗ... Có biết bao những “khủng hoảng”... Vượt qua được những chặng đường đó, mà vợ chồng vẫn chung thủy bên nhau thì tình yêu đã được tôi luyện thắm thiết mà chẳng bao giờ quên nhau được. Ðúng như một cụ ông tôi quen biết, dù bà đã qua đời khá lâu, nhưng khi thăm hỏi, ông cụ vẫn nói: “Lúc nào cũng như bà ấy đang ở bên cạnh vậy!”...
Viết đến đây, tôi nhớ lại hồi đã lâu có xem một số cuốn phim có tính cách giáo dục gia đình; trong đó có hai cuốn mà tôi còn nhớ nhiều; đó là cuốn có tựa đề là “Duy Nhất...” và một cuốn là “Khi Mùa Thu Tới...” Hình như đều là phim của Ba Lan.
“Duy Nhất” kể về hai bạn trẻ cùng sinh hoạt chung trong cộng đồng. Họ đều là những bạn trẻ con nhà gia giáo và đều ham thích hoạt động xã hội... Rồi lớn lên họ thành thực yêu thương nhau và kết hôn với nhau trong hạnh phúc chan hòa... Ít lâu sau, chàng phải đi làm xa, lâu lâu mới có dịp về thăm nhà. Người vợ tiếp tục làm việc tại một “hợp tác xã”. Chừng vài năm sau, có lần về thăm nhà, anh rất ngạc nhiên là người nhà nói xấu nhiều về nàng và dèm pha đủ thứ chuyện; nhưng anh vẫn không tin... Tuy nhiên, nhiều lần nghe nói đi nói lại, anh bị tiêm nhiễm, và riết rồi anh cũng đâm hoài nghi cho người vợ chung thủy của mình. Mỗi khi về thăm nhà và đến thẳng thăm vợ ở hợp tác xã, anh cảm thấy ghen tương kỳ lạ khi vợ anh vui vẻ xã giao với khách hàng và những chàng trai cùng làm trong đó...
Thế là chàng đã thực sự nghi ngờ vợ... Rồi, vợ chồng cãi nhau... Rồi khủng hoảng đến... mà không nhờ ai giúp được để vượt qua. Ngược lại, những người nhà là những người cần giúp đỡ hai người trong cuộc khủng hoảng, thì lại hay ‘nói ra nói vào’ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng... Sau cùng, hai người phải chia tay... không còn “duy nhất” nữa... Chàng rất buồn, và sau đó anh đã lập gia đình với một người khác. Nhưng cuộc sống cũng chẳng kéo dài được bao lâu, vì tâm trí anh không bao giờ quên được ‘tình yêu thuở ban đầu!’... Còn nàng cũng buồn không kém. Sau cuộc chia tay, nàng cũng trải qua nhiều cuộc tình khác nhau, nhưng đều thất bại... Sau một thời gian dài, lúc đó họ đã lớn tuổi, có một lần anh lưu lạc đến một thành phố kỹ nghệ; vì bịnh, anh phải vào nhà thương... Ở nhà thủỏng, anh đã vô tình đọc trong danh sách bệnh nhân của bệnh viện và thấy tên người vợ xưa của mình... Anh đã quyết định đến thăm... Khi người y tá dẫn anh vào phòng, người vợ năm xưa của anh đã rất tàn tạ vì bịnh lao phổi... Anh nhìn nhìn người yêu năm xưa của anh... và chợt nhận ra nàng cũng đã nhận ra anh... và rồi những giọt nước mắt chảy ra từ mắt hai người như những lời vĩnh biệt …
Chuyện phim “Khi Mùa Thu Tới” diễn tả một ông đã khá lớn tuổi, nhưng rất vui tính và thích xã giao. Bà cụ đã mất khá lâu. Ông có một người con gái mà ông rất thương yêu. Năm nào cũng vậy, “khi mùa thu tới” là lúc ông đi thăm người con gái và con rể đang sinh sống tại một thành phố kỹ nghệ miền nam. Trên chuyến xe hỏa, ông vui vẻ nói chuyện và pha trò với mọi người, làm cho ai cũng vui thích. Có mấy người thích đọc sách trên chuyến xe, lúc đầu hơi bực mình với ông, nhưng thấy ông vui tính, cũng ngừng đọc để nói chuyện và hỏi thăm ông và gia đình con gái ông. Ông nói ông hay có thói quen thăm con gái và con rể vào mùa thu, mùa khí hậu êm dịu ở miền nam... Nhưng không bao giờ ông báo cho biết trước... Ông muốn tạo một sự bất ngờ thích thú cho con ông...
Khi xuống xe hỏa, lúc đó đã buổi chiều, ông biết các con ông đã đi làm về. Ông vào nhà ga để nghỉ ngơi và gọi điện thoại cho con để ra đón... Chính lúc đó hai vợ chồng đang tranh luận và đi đến cãi nhau khá gay go... Nhưng khi nghe điện thoại báo tin cha đến thăm, hai người đành phải chấm dứt cuộc gây lộn và cùng nhau lái xe ra nhà ga đón cha... Trong thời gian ở với các con, ông luôn nói chuyện vui đùa làm cho gia đình tràn ngập niềm vui. Nhưng rồi hai vợ chồng cũng thành thực tỏ bầy với ông những bất đồng và khó chịu với nhau trong cuộc sống, kể cả cuộc gây lộn trước khi ông đến... Ông đã đem cả tấm lòng của người cha và kinh nghiệm cuộc sống hôn phối lâu dài của ông để khuyên bảo các con... Ngày ông từ giã các con để ra về, khi hai người đưa ông ra nhà ga, trước khi bước lên xe hỏa, ông vẫn còn vui vẻ hài hước và nói với người con rể: “Nhớ lời ba dặn nhé! Cứ đánh, cứ đánh đau vào con nhé!...” Thế là hai người con cùng cưới vui vẻ tiễn chân cha rồi lên xe trở về trong niềm vui hạnh phúc...
Chắc qúy vị cũng nhận ra hai cuốn phim trên đây muốn nói gì, muốn nhắn nhủ gì với các bậc vợ chồng, nhất là các bạn trẻ mới lập gia đình... và chắc quý vị cũng nhận ra , cha mẹ hai bên và các người thân trong gia đình cũng đóng một vai trò khá quan trọng để giúp con cái mình biết kiên nhẫn tìm hiểu, thông cảm và tha thứ để bảo vệ sự “duy nhất” và hạnh phúc gia đình... Nhiều bậc cha mẹ đã hy sinh tất cả cho con cái và chỉ lo bảo vệ “điều mà Thiên Chúa đã liên kết không bao giờ phân ly...”
Ðã lâu, tôi có nghe kể câu chuyện cảm động về một bà mẹ, vào năm di cư 1954, khi ra khỏi làng để chạy di cư vào Miền Nam, người con gái của bà mới lấy chồng, cố chạy theo mẹ để đi theo mẹ và gia đình, nhưng bà nhất định đuổi con về không cho đi theo, và nói với con: “Mẹ cũng thương con lắm... Mẹ cũng đau đớn khi phải xa con mà không biết bao giờ có thể gặp lại... Nhưng con đã lấy chồng, Chúa đã kết hiệp chúng con nên một... Nhà chồng và chồng con không đi, con cũng phải ở lại với chồng con...”
Có thể nào có thể xảy ra những trường hợp, chỉ vì ghét con dâu, hoặc con rể, mà cha mẹ hay anh chị em trong gia đình lại tìm cách dèm pha và “chia loan rẽ thúy” trái hẳn lề luật Chúa... Tôi cũng thấy có những trường hợp hai vợ chồng và con cái đang sống vui vẻ hoà thuận với nhau, thế mà khi bảo lãnh cha mẹ sang một thời gian lại xảy ra những “xáo trộn” trong gia đình chỉ vì những “đòi hỏi quá đáng” cuả cha mẹ (chồng hoặc vợ) mới được con cái bảo lãnh sang... Bên “Tình”, bên “Hiếu” đàng nào cũng trọng cả, nhưng các bậc cha mẹ thương con thực sự, luôn hy sinh tất cả cho hạnh phúc con cái được toàn vẹn... Đó là điều đáng phục... Cuộc sống gia đình trong xã hội ngày nay, nhất là những vợ chồng trẻ mới lập gia đình, dù ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ, đều gặp nhiều khó khăn. Sự nâng đỡ của các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình rất cần thiết để giúp họ vượt qua mọi thử thách, khó khăn để luôn trung tín với nhau.
“Chuyện Vui Mùa Thu” có thể còn dài, còn rất dài, nhưng nơi đây xin kể hai chuyện vui kết thúc để chúng ta cùng vui vẻ trong hạnh phúc êm đềm, thơ mộng của mùa thu năm nay.
Khi còn đang là tình nhân, anh bạn trẻ tên N. luôn gọi “người yêu lý tưởng” của mình là “con nai tơ của anh!” và cũng giới thiệu với bạn bè là “con nai tơ của tôi!” Nhưng vài năm sau ngày cưới, nhân vào ngày kỷ niệm hôn phối, có anh bạn tên T. từ xa gọi điện thoại đến thăm anh và chúc mừng... rồi vui miệng anh hỏi: “Con nai tơ của bạn thế nào rồi?”... Im lặng một chút, anh N. trả lời: “Ồ, bây giờ nàng không còn là “con nai tơ nữa đâu!...Bây giờ nàng đã biến thành con hổ cái rồi!”...Ngay lập tức, người vợ dành lấy điện thoại của chồng và nói lớn cho người bạn kia nghe... “Anh T. ơi, nếu mà em không dữ như con hổ cái, thì bây giờ đã có bao nhiêu con nai tơ vào cái nhà này rồi!...”
Vợ chồng dù yêu nhau thắm thiết, nhưng hàng ngày, trong sinh hoạt xã hội, nơi sở làm, dù chồng hay vợ cũng đều có bao nhiêu những “cám dỗ”, những lôi cuốn... Chính vợ chồng có bổn phận gìn giữ cho nhau... Nhưng điều quan trọng là chính sự thông cảm khéo léo và tình yêu chân thành sẽ giúp vợ chồng biết giúp nhau vượt qua tất cả những cám dỗ nguy hiểm đó... Ghen tương là hương vị của tình yêu, và thường làm cho tình yêu thêm mặn nồng... “Ớt nào là ớt chẳng cay”, nhưng chính vị “cay” của ớt lại làm cho người ta thích ăn trong bữa tiệc “tình yêu”... Tuy nhiên, những “ghen tương mù quáng” chẳng những đã gây ra bao thảm kịch gia đình, những tan vỡ... làm khổ cho cả vợ chồng và con cái, mà rất nhiều khi còn gây ra những án mạng khủng khiếp hơn cả những chuyện tả trong tiểu thuyết.
Chuyện cuối cùng được một người bạn kể trong một bữa tiệc vui. Ông bạn này là người có khiếu kể chuyện vui và khéo thêm “mắm muối” để câu chuyện thêm hương vị... Chuyện kể căn cứ vào bản kịch của Túy Hồng...
Có một chàng thanh niên sắp lập gia đình. Anh đi thăm bà con để gây cảm tình và chuẩn bị cho đám cưới của anh... Một hôm anh đến nhà người cậu (em của mẹ) để thăm cậu mợ H... Sau bữa ăn gia đình, anh mới bày tỏ là cha mẹ anh đã cho phép anh kết hôn với cô H., và anh muốn xin cậu mợ cho những lời khuyên để cuộc thành hôn được tốt đẹp. Ông cậu nói với bà vợ: “Vậy bà khuyên cháu nó đi...” Bà mợ trả lời: “Ý ông này... Nó cưới vợ chứ có lấy chồng đâu mà bảo tôi khuyên... Ông đã lấy vợ là tôi đây nè, bao nhiêu năm rồi, bây giờ ông khuyên cháu đi...” Ông cậu vui vẻ chấp nhận và lên tiếng khuyên cháu... Nói vòng vo một lúc, ông kết luận: “Cậu đã lấy mợ mày và đã sống chung với nhau cả hơn bốn chục năm nay rồi... nhưng cậu thú thực rằng: Vợ mà không có thì thiếu... mà có thì lại thừa...” Bà mợ nghe vậy liền lên tiếng: “Vậy ra bây giờ tôi là thừa, hả?... Vậy, tôi đi!” và bà gỉa như bỏ ra đi... Nhưng ông nắm lấy tay bà và nói: “Này, bà đừng đi... Bà mà đi thì tôi lại thiếu!...” Thế là hai ông bà lại cười vui vẻ với nhau thân tình... Bấy giờ ông cậu mới nói: “Cháu thấy không... Cậu mợ đã sống bao nhiêu năm với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” cả đâu. Nhiều lúc cũng muốn như “bỏ nhau” đấy... nhưng rồi “chồng giận thì vợ làm lành..., và nếu vợ giận thì chồng làm lành”... rồi lại cười vui vẻ với nhau... và cứ như thế từ hồi nào mà bây giờ cậu mợ vẫn sống bên nhau hỏn bốn mươi năm rồi….. Lúc này con cái đã lớn, đã lập gia đình và ở riêng, chỉ còn cậu mợ chung sống và an ủi nhau trong tuổi già... Tình yêu cậu mợ đã vượt qua bao “khủng hoảng”, đã được tôi luyện... và bây giờ kể như càng ngày càng mặn nồng và khăng khít với nhau hơn...
Đến ngày đám cưới của người cháu, hai ông bà đều đi tham dự tiệc cưới... Mọi người đều mừng cho đôi tân hôn “trăm năm hạnh phúc” như thói quen... Nhưng ông cậu vui vẻ nói: “Cậu mợ mừng và chúc hai cháu:
Năm nào cũng là năm hạnh phúc,
Tháng nào cũng là tháng tình yêu,
Tuần nào cũng là tuần trăng mật,
Ngày nào cũng là ngày tân hôn…
Mong rằng những hình ảnh vui tươi hạnh phúc trong ngày thành hôn sẽ luôn tươi thắm trong lòng các bạn suốt dọc cuộc sống gia đình, dù khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, thử thách. hãy vui lên với nhau, hãy đùa vui với nhau! Ðừng quên rằng tính “hài hước” (sense of humor... Good sense of humor) cũng rất ích lợi để làm giảm những căng thẳng trong cuộc sống chung hàng ngày... Như cha ông chúng ta đã khám phá ra điều đó, nên mới có câu pha trò vui vẻ mà chúng ta đều thuộc lòng:
Chồng giận thì vợ làm lành
Mặt cười hớn hở rằng anh giận gì,
Anh ơi, anh giận làm chi,
Muốn cưới vợ bé, em thì cưới cho!...
Chúc các bạn luôn sống vui tươi hạnh phúc bên nhau “như chim liền cánh” và “như cây liền cành!...” trong “túp lều lý tưởng... có anh và em...” và rồi có một bầy “tí nhau” làm vui cửa, vui nhà!
(Ðặc biệt tặng các đôi bạn trẻ mà tôi đã được hân hạnh thay mặt Chúa và Giáo hội chứng hôn trong những năm tháng vừa qua!)
Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Hướng về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với 2 chuyến tông du lịch sử - Đức Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ
(tiếp 13 Thứ Sáu, 14 Thứ Bảy và
15 Chúa Nhật về Bối Cảnh và Vấn Nạn Lịch Sử; 16 Thứ Hai, 17 Thứ Ba và 18 Thứ Tư về Giáo Hoàng và Tông Du Mục Vụ)
Giáo Hoàng và Tông Du Mục Vụ
Bí Mật Fatima phần thứ ba, liên quan đến cái chết thực sự của vị giám mục mặc áo trắng là Giáo Hoàng Rôma, (chứ không phải cái chết hụt của Đức Gioan Phaolô II ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô bởi công dân Thổ Nhĩ Kỳ là Ali Agca), có thể đang treo lơ lửng trên đầu vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI?
Trong bài “Al Qaeda threat over pope speech”, mạng điện toán toàn cầu CNN ngày 18/9/2006, có trích lại lời của nhóm Al Qaeda như sau:
· “Tụi chúng mình sẽ bẻ gây cây thập tự giá và đổ tràn rượu ra…. Thiên Chúa sẽ giúp tín đồ Hồi Giáo chiến thắng Rôma…. Thiên Chúa để cho tụi chúng mình chặt cổ chúng, và làm cho tiền bạc của chúng cùng giòng dõi của chúng thành những gì tưởng thưởng cho thánh chiến quân”.
Trong cuộc bấn loạn của thế giới Hồi Giáo xẩy ra ngay sau chuyến tông du của vị lãnh đạo thế giới Công Giáo về thăm quê hương đất nước Bavaria Đức quốc của mình, Báo chí ở Thủ Đô Ankara Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải bức thư của Ali Agca là tay ám sát Đức Gioan Phaolô II trước đây, vẫn đang ngồi tù tại bản quốc của y sau khi được chính quyền Ý thả ra vào năm 2000 theo lời xin ân xá của vị giáo hoàng nạn nhân. Anh ta viết thư gửi vị giáo đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI để cảnh giác ngài rằng:
· “Ông nhất định đừng có mà đến Thổ Nhĩ Kỳ nghe. Ông có thể gặp nguy hiểm cho sinh mạng của ông đó. Thư này tôi viết cho ông là vì tôi đã nắm được hết đầu đuôi câu truyện này mà”.
Về phía truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo bài “Muslim fury at pope jihad comments” được tác giả Syed Mohsin Naqvi viết và được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến ngày Thứ Sáu 15/9/2006, cơ quan thông tin Anatolian quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã trích lại lời của vị lãnh đạo văn phòng Hướng Dẫn Chung Về Tôn Giáo Vụ ở Ankara là Ali Bardakoglu như thế này:
· “Những lời lẽ của vị giáo hoàng này hết sức là đáng tiếc, đáng quan ngại và bất hạnh liên quan tới thế giới Kitô Giáo và nền hòa bình chung của nhân loại. Tôi không thấy có ích lợi gì nơi một người đến viếng thăm thế giới Hồi Giáo lại nghĩ tưởng như thế về vị thánh tiên tri của Hồi Giáo”.
Theo bài “Muslim anger over papal comments grows” của Benjamin Harvey ngày Thứ Sáu 15/9 trên mạng điện toán toàn cầu CNN, thì nhân vật tên Salih Kapusuz, phó thủ lãnh đảng Hồi Giáo của Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói trên truyền hình quốc gia rằng những phát ngôn của giáo hoàng Biển Đức XVI một là ‘thành quả của sự thiếu hiểu biết đáng thương’ về Hồi Giáo và về vị tiên tri của đạo này, hay tệ hơn nữa, là một việc cố tình bóp méo sự thật. Nhân vật này nói:
· “Ông (giáo hoàng này) có một tâm thức đen tối được bắt nguồn từ Thời Trung Cổ tối tăm. Ông là một thứ sơ đẳng chưa học được tinh thần canh tân của thế giới Kitô Giáo. Dường như đây là một nỗ lực muốn làm sống lại tâm thức của các cuộc Đạo Binh Thánh Giá. Biển Đức, tác giả của những phát ngôn khốn nạn và xấc láo ấy, đang bị thụt lùi vào lịch sử bởi những lời lẽ của mình. Ông đang bị thụt lùi vào lịch sử cũng một kiểu như các nhà lãnh đạo Hitler và Mussolini”.
Cũng tại Thổ Nhĩ Kỳ, giáo hoàng Biển Đức XVI còn bị yêu cầu là phải xin lỗi trước cuộc viếng thăm của ngài tới đây. Một đảng phái khác đã tổ chức một một xuống đường ở bên ngoài đến thờ lớn nhất Ankara, với một nhóm khoảng 50 người đã đến đặt một vòng hoa đen bên ngoài cơ quan sứ vụ ngoại giao của tòa thánh Vatican.
Theo mạng điện toàn cầu CNN cùng ngày Chúa Nhật 17/9/2006, qua bài “Muslims demand apology from pope” của Flavia Taggiasco, Hada Messia và Delia Gallagher, thì giáo hoàng Biển Đức XVI đã đích thân lên tiếng thanh minh về những gì ngài nói gây chấn động bất lợi nơi thế giới Hồi Giáo từ Thứ Năm 14/9 vừa rồi, song các vị lãnh đạo Hồi Giáo vẫn cho rằng chưa đủ và khăng khăng đòi vị giáo hoàng này phải đích thân lên tiếng xin lỗi mới được.
Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng thông tấn AP, thì ông Bộ Trưởng Nội Vụ Mehmet Aydin đã nói với thành phần phóng viên báo chí ở Istabul rằng vị giáo hoàng này có vẻ tỏ ra xin lỗi về việc phản ứng giận dữ chứ không phải về chính những điều ông đã nhận định về Hồi Giáo:
· “Quí vị một là nói lời ‘tôi xin lỗi’ này một cách thích đáng hai là chẳng nói gì hết. Quí vị xin lỗi về việc nói một điều như vậy hay về những hậu quả của điều ấy đây?”
Tuy nhiên, theo ông Bộ Trưởng Ngoại Giao của nước Thổ Nhĩ Kỳ này thì chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng này đến đất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có gì thay đổi. Các vị giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, vào hôm Thứ Hai 18/9/2006, vẫn tiếp tục bàn đến các chi tiết cho việc cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha tại Thủ Đô Ankara.
Trong bài “Can pope's Turkey trip calm anger?” được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến ngày 19/9/2006, đã phổ biến những nhận định của hai tờ báo. Trước hết là lời của vị chủ nhiệm tờ nhật báo Thỗ Nhĩ Kỳ The New Anotolian là IInur Cevik nhận định về chuyến viếng thăm của vị thủ lãnh thế giới Công Giáo tới đây như sau:
· “Cả chúng tôi nữa cũng muốn chuyến viếng thăm này được hiện thực, nhưng sẽ xẩy ra thế nào đây? Làm sao vị giáo hoàng này có thể sửa đổi và thuyết phục được đám đông quần chúng sống theo cảm thức đạo giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông không phải là kẻ thù của Hồi Giáo và ông muốn hình thành một bầu khí chung sống với nhau? Đó là một công việc khó khăn cần vị giáo hoàng này thực hiện. Nếu ngài không làm nổi điều này thì nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ rất khó mà tỏ ra nồng hậu tiếp đón ông. Những gì ông giáo hoàng này làm là sai lầm. Tối thiểu là ông đã làm tổn thương tới những cảm quan đạo giáo của quần chúng Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đúng thế, theo bài viết này thì lời trích dẫn của vị giáo hoàng chẳng những đã làm cho thành phần lãnh đạo Hồi Giáo hận tức, bao gồm cả giới chính quyền theo Hồi Giáo, mà còn gây ấn tượng cho thành phần không theo tôn giáo nào rằng ngài không tỏ ra thân thiện và vẫn còn tỏ ra chống lại việc nước này muốn xin gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu.
Đó là lý do, vị chủ nhiệm trên hy vọng rằng chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng này là cơ hội để “chỉ cần đánh tan thành kiến của cả hai thành phần này” ở Thổ Nhĩ Kỳ:
· “Ông giáo hoàng cần phải thấy được sự kiện là một nước Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa trần thế có cả một khối dân Hồi Giáo khổng lồ có thể là những gì trở thành vốn liếng cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Ông có thể đích thân thấy được rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một chiếc cầu nối tốt giữa các nền văn minh và tôn giáo … rằng đó là một xứ sở Hồi Giáo đặc thù theo cái nhìn của Tây phương”.
Tờ Turkish Daily News cũng đăng tải bài viết của Cengiz Aktar, đồng ý rằng vị giáo hoàng này có thể ban bố:
· “Một sứ điệp quan trọng nhất là làm thế nào nền hòa bình quí giá được tất cả chúng ta đang tìm kiếm sẽ là: Một nước Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo trở thành hội viên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo chủ nghĩa trần thế”.
Tình hình căng thẳng và giận dữ nơi thế giới Hồi Giáo, sau hai lần thanh minh và dẫn giải của chính Đức Thánh Cha, một vào buổi nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17/9 và một vào buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 20/9/2006, nhất là từ sau cuộc gặp gỡ giữa ngài với thành phần đại diện thế giới Hồi Giáo hôm Thứ Hai 25/9/2006, đã dường như thực sự lắng đọng, nhưng phải chăng đây cũng có thể là bầu khí thuận lợi cho việc âm thầm mưu toan thực hiện những gì bất lợi cho vị giáo hoàng vào chuyến tông du tới đây của ngài hay chăng?
Phân tích kỹ Bí Mật Fatima phần thứ ba, thì biến cố Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn chưa hoàn toàn xẩy ra đúng hệt như những gì được thị kiến thấy ở đây. Trước hết là việc ngài chết hụt chứ không chết thật như đã được xác định rõ: “Ngài đã bị ám sát chết”. Thứ hai là ngài chỉ bị một tay sát thủ thường dân (Ali Agca) bắn mà thôi, chứ không phải nhiều người lính như được nói tới: “bởi một nhóm lính”. Thứ ba, ngài bị ám sát bằng đạn thôi, chứ không phải “bằng các viên đạn và mũi tên” như phần Bí Mật Fatima thứ ba viết rõ. Và thứ bốn, “cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhau”, nhưng trong biến cố 13/5/1981 thì chỉ có một mình ngài bị sát hại mà thôi.
Căn cứ vào những suy diễn theo biến cố 13/5/1981, thì lần này, nếu thực sự xẩy ra, vị giáo hoàng đương kim của chúng ta, vị hằng nói tới thập giá chế ngự sự dữ cũng như tới đức tin và thúc giục sống đức tin, nhất là trong chuyến tông du về Đức 6 ngày 9-14/9/2006, một đức tin gay go trong thế giới ngày nay, mà muốn sống trọn thì chẳng khác gì như “đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn”, biết đâu có thể bị sát hại chết thực sự, bởi một nhóm dân quân khủng bố nào đó (như nhóm Al Qaeda đã đe dọa và tay sát thủ Ali Agca cảnh báo trên đây), bằng đủ loại vũ khí có thể, chẳng hạn bằng cả phi đạn tầm xa (giống như của nhóm Herbollah ở Libăng bắn sang phần đất của Do Thái trong Tháng 8/2006, là những gì được bí mật nói tới như “mũi tên”), và vì thế có thể sát hại cả phái đoàn tùy tùng, bao gồm đủ mọi thành phần từ giám mục trở xuống cùng giáo dân tại hiện trường với ngài vào một thời điểm thiên định nào đó trong chuyến tông du thứ 5 đầy mạo hiểm này.
(còn tiếp)