GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 24/10/2006 TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN |
? Đức Biển Đức XVI gửi sứ điệp truyền hình cho “Ngày Giáo Hoàng” Gioan Phaolô II ở Balan
? Các Vị Giám Mục Đại Hàn lên tiếng về Việc Thử Nguyên Tử của Bắc Hàn
? "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 1: BỘT VĂN HÓA
Đức Biển Đức XVI gửi sứ điệp truyền hình cho “Ngày Giáo Hoàng” Gioan Phaolô II ở Balan
Nhân dịp “Ngày Giáo Hoàng” ở Balan là một biến cố đã từng được cử hành từ 6 năm trước đây, năm 2001, biến cố kỷ niệm ngày Vị Giáo Hoàng người Balan là Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng 16/10/1978, Vị đương kim Giáo Hoàng Biến Đức XVI đã thực hiện một sứ điệp truyền hình vào chính ngày này, với những ý tưởng chính yếu tiêu biểu như sau:
Trước hết, nhắc lại ngày vị cố Giáo Hoàng được bầu làm Giáo Hoàng, vị Giáo Hoàng đương kim đã cho biết rằng ngài có thể “vẫn còn nghe được cái âm vang” của những lời lẽ Đức Hồng Y Karol Wojtyla tuyên bố khi tỏ ra chấp nhận quyết định của hồng y đoàn bấy giờ, đồng thời cũng nhớ tới “lời kêu gọi tiên tri là: ‘Đừng sợ! Hãy mở các cửa cho Chúa Kitô!’”.
“Tôi tạ ơn Thiên Chúa là, nhờ những hình ảnh này trong tâm can tôi mà tôi đã có thể trải qua hơn hai thập niên ở bên ngài để hoan hưởng lòng nhân ái và tình thân hữu của ngài, và ngày hôm nay đây tôi mới có thể tiếp tục công việc của ngài dưới ánh mắt chở che của ngài từ trên Nhà Cha. Tôi tạ ơn Thiên Chúa về cuộc đời của ngài, một cuộc đời đã sống trong lòng mến yêu Chúa Kitô và con người, một cuộc sống đã làm phong phú … toàn thể nhân loại với ân sủng của Thánh Linh…. Sau hết, tôi tạ ơn Thiên Chúa về chứng từ khổ đau của ngài liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cho đến chết – một chứng từ đã ban cho chúng ta sức mạnh để sống, và bảo đảm nơi chúng ta niềm hy vọng sống vĩnh hằng”.
Vị đương kim Giáo Hoàng của chúng ta còn nhấn mạnh tới lòng mộ mến của Đức Gioan Phaolô II đối với Giáo Hội ở Balan, một Giáo Hội đã được ngài “yêu thương như một bà mẹ”, và “như một cộng đồng bao giờ cũng liên kết chung quanh các vị mục tử”, một cộng đồng “trong quá khứ đã trải qua các cuộc bách hại khác nhau”, nhưng bao giờ cũng “vẫn trung thành với các giá trị phúc âm”. Khi Balan tái phục hồi được quyền tự do của mình thì Đức Gioan Phaolô II đã quan tâm đến việc làm sao để bảo đảm cho “thành phần đồng hương của ngài biết sống trong tự do của kẻ làm con cái Thiên Chúa chứ không phải kiểu của con cái thế gian này, bảo đảm rằng họ sống theo đức tin”.
“Nhận thức được gia sản được ngài để lại cho Giáo Hội ở Balan ấy, tôi đến giữa anh chị em trong năm nay với những lời lẽ của Thánh Phaolô: ‘hãy vững mạnh trong đức tin’… Tôi nguyện xin Thiên Chúa hãy bảo trì đức tin này cho các thế hệ tương lai của mảnh đất cao quí này. Tôi đặc biệt cám ơn anh chị em về tất cả những gì anh chị em bày tỏ mối hiệp nhất yêu mến với vị Giáo Hoàng kế thừa vị đồng hương cao cả của anh chị em, và tôi xin ký thác việc phục vụ của tôi cho Giáo Hội cũng như cho thế giới cho việc hỗ trợ thiêng liêng của anh chị em”.
Đức Biển Đức XVI đã kết thúc sứ điệp truyền hình của mình cho Ngày Giáo Hoàng ở Balan khi bày tỏ niềm hy vọng rằng “việc tưởng nhớ đến Đức Gioan Phaolô II, việc học hỏi những hoạt động và giáo huấn của ngài”, chớ gì mang nhân dân Balan đến gần Chúa Kitô hơn. “Chớ gì điều này trở thành mối giây hiệp nhất trong việc cùng quan tâm tới tương lai của Giáo Hội này và của xứ sở này”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 17/10/2006
? Các Vị Giám Mục Đại Hàn lên tiếng về Việc Thử Nguyên Tử của Bắc Hàn
Trước việc tuyên bố của Bắc Hàn về hành động của họ bất chấp quốc tế trong việc thử nghiệm vũ khí nguyên tử hôm Thứ Hai 9/10/2006, Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn đã gửi một “Sứ Điệp Hòa Bình và Hòa Giải” cho Bắc Hàn vào hôm Thứ Sáu 14/10/2006, một sứ điệp được ký tên bởi vị chủ tịch tiểu ban hòa giải nhân dân Đại Hàn là Giám Mục phụ tá Lucas Woon-hoe TGP Seoul và vị chủ tịch tiểu ban công lý và hòa bình là Giám Mục Boniface Choi Ki-san, với những ý tưởng chính yếu tiêu biểu như sau:
“Chúng ta không thể nào không cảm thấy đau buồn trước việc quyết định của anh em Bắc Hàn là những người cần phải cộng tác với chúng ta trong việc bảo trì hòa bình. Cho dù có vì mục đích để tự vệ đi chăng nữa thì những thứ vũ khí nguyên tử vẫn không thể là những gì có thể biện minh”.
Các vị giám mục nhận định rằng trong những năm gần đây thì miền Nam và miền Bắc có những trao đổi ôn hòa, nhờ đó, cả hai miền đã đi tới chỗ nhìn nhận nhau không phải như là thù địch mà là một dân tộc duy nhất, “cùng là anh chị em với nhau”.
“Bởi thế, không ai được làm ngăn trở con đường hòa giải này, một con đường đã được mở ra bởi hai miền Nam Bắc bằng tất cả mọi nỗ lực hay đừng quay ngược lại những giòng nước hòa bình và hiệp nhất đang tuôn chảy qua bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, không ai được lợi dụng tình hình này để gây nên hận thù và đối chọi nhau”.
Các vị giám mục còn vạch ra rằng, để hòa bình có thể đâm rễ vào mảnh đất Đại Hàn thì Bản Tuyên Ngôn Chung về Việc Giải Thể Vũ Khí Nguyên Tử ở Bán Đảo Triều Tiên đã được chấp thuận năm 1991 cần phải được áp dụng một cách có hiệu nghiệm, một vấn đề có thể đạt được bằng “việc đối thoại và thương thảo”.
“Xã hội quốc tế cần phải tiến bước một cách khó khăn hướng về vấn đề hòa giải và hòa bình một cách nhẫn nại, chứ không phải bằng những cách chế tài về quân sự hay ngăn cản việc đối thoại và thương thảo”.
Trong khi bán đảo Triều Tiên cảm thấy rúng động trước việc thử nghiệm nguyên tử của Bắc Hàn, “chúng ta tin tưởng nơi ‘Chúa Kitô, hòa bình của chúng ta’ (Eph 2:14) mà không bị bấn loạn tâm trí, và thiết tha mong muốn rằng chúng ta có thể mang lại hòa bình thực sự nơi xứ sở này cùng với tất cả mọi người hoạt động cho hòa bình”.
Bắc Hàn có 22 triệu dân, sống trong cảnh thiếu thốn quyền tự do tôn giáo. Nam Hàn có 48 triệu dân, trong đó có 4 triệu Công Giáo. Hai miền nam bắc Triều Tiên này đã bị phân chia từ năm 1953, như Việt Nam từ năm 1954.
Đaminh
Maria Cao Tấn
Tĩnh,
BVL, chuyển
dịch
theo tín liệu
được
Zenit phổ
biến
ngày 19/10/2006
"Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 1: BỘT VĂN HÓA
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dẫn nhập
“Nói đến Đạo thường là nói đến Đức Tin. Bởi thế, tử vì Đạo mới là chết vì Đức Tin, bỏ Đạo tức là bỏ Đức Tin và truyền Đạo là truyền bá Đức Tin. Như vậy, theo ý nghĩa, Đức Tin đồng nghĩa với Đạo, là mầu nhiệm của Đạo và là biểu hiệu cho Đạo, và trên thực tế, Đức Tin chẳng những là việc chấp nhận Đạo mà còn là việc phản ảnh Đạo nữa.
“Nếu Đức Tin là biểu hiệu cho Đạo thì văn hóa là biểu hiệu cho đời. Đức Tin phản ảnh Đạo ra sao, thì văn hóa cũng phản ảnh đời như vậy. Nếu Đạo thuộc về trời thế nào, thì đời cũng thuộc về con người như vậy, vì Đạo liên quan đến mạc khải và đời liên quan đến nhân tạo. Mà nói đến mạc khải là nói đến những gì thần linh, chân thật nhất và trọn hảo nhất. Trong khi đó, nói đến nhân tạo là nói đến những gì phàm tục, tạm bợ và tương đối. Do đó, văn hóa của con người và làm nên con người phải được thần linh hóa bởi mạc khải mới trọn hảo và bền vững.
“Như thế, Đạo hiện hữu là vì đời và cho đời. Và đã là Đạo thì phải là Đạo nhập thể (incarnation) và cứu thế (salvation). Đạo nào không có tính cách hội nhập văn hóa (inculturation) và biến đổi văn hóa (transculturation) thì không thực sự là và hoàn toàn là Đạo.
“Theo bản chất được mạc khải của mình, Kitô giáo thực sự là một Thiên Đạo. Thế nhưng, Kitô giáo còn là một Đạo nhập thể nữa, qua các công trình về giáo dục và bác ái khắp thế giới, được thực hiện bởi việc Truyền Bá Đức Tin”. (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Giòng Sông Chảy Nước Ban Sự Sống Đời Đời, Cao-Bùi, 1998, trang 208)
Thật vậy, nếu không có Đức Tin thì chỉ có văn hóa sự chết chứ không thể nào có văn hóa sự sống, một thứ văn hóa xứng với nhân phẩm của con người là loài được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa. Bởi vì, "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa" (Mt.4:4).
Xét về yếu tố làm nên hữu thể, con người khác với con vật ở tại linh hồn của mình. Bởi linh hồn và nhờ linh hồn này, con người có thể nhận biết mình và biết sống sao cho xứng hợp với thân phận của mình trong việc "làm chủ trái đất" (Gen.1:28). Như thế, xét về yếu tố sinh hoạt, con người tỏ ra trổi vượt hơn con vật ở tại văn hóa của mình. Văn hóa chính là bộ mặt của con người và là chân tướng của con người. Đến nỗi, nếu không có văn hóa con người cũng không còn là con người nữa, hay có là con người cũng không hơn gì một con vật.
Vậy nói đến con người là nói đến văn hóa. Mà văn hóa là gì, nếu không phải, về phẩm chất, là tinh hoa của con người, và về tính chất, là nhân cách của con người, hay là chính chủ trương sống của con người, được thể hiện qua luật pháp và tục lệ của họ, qua tín ngưỡng và giáo dục của họ, qua văn học và nghệ thuật của họ, qua khoa học và kỹ thuật của họ v.v. Tuy nhiên, vì văn hóa là "những gì thế gian", những gì phát xuất từ con người và thuộc về con người, mà con người lại "nhân vô thập toàn". Do đó, thực tế cho thấy, văn hóa hoàn toàn có tính cách tương đối, tức có thể sai lầm và bất toàn, có thể thay đổi và nghịch nhau.
Văn hóa của con người không sai lầm và bất toàn là gì, khi mà, trong chính thời điểm hầu như văn minh tuyệt đỉnh ngày nay, con người lại chủ trương làm những việc phạm đến chính nhân phẩm linh thiêng bất khả xâm phạm của con người, như đã từng xẩy ra trong chế độ cộng sản chuyên chế độc tài hay đang xẩy ra nơi các ống nghiệm tạo nhân, cũng như những việc phạm đến chính sự sống hết sức cao qúi của con người, như luật cho phép phá thai, hay luật cho phép giết êm dịu thành phần yếu bệnh vô phương cứu chữa, sống chỉ thêm gánh nặng và tốn phí cho xã hội.
Ngoài ra, văn hóa của con người cũng không tương đối ở chỗ nó có thể thay đổi và tỏ ra đối nghịch nhau là gì, giữa văn hóa của dân tộc này với dân tộc kia, giữa văn hóa của thời này với thời khác. Không phải hay sao, trong khi văn hóa của dân tộc Ấn Độ theo đạo Bà-La-Môn coi trọng con bò như một vị thần linh bất khả xúc phạm và đáng tôn kính, thì đối với văn hóa Việt Nam con bò chỉ là một con vật kéo cầy và là biểu tượng cho ngu si đần độn: "Ngu như con bò!"
Cũng không phải hay sao, văn hóa còn thay đổi theo thời thế, theo thị hiếu của con người, điển hình nhất là trong vấn đề thời trang, được thể hiện qua nhiều kiểu cách ăn mặc cũng như trang điểm đầu tóc nơi cả hai phái nam nữ, đến nỗi có những lúc nhìn đằng sau không còn phân biệt là nam hay nữ. Về phương diện văn hóa thay đổi theo thời thế liên quan đến phái tính này không thể không kể đến luật pháp cho phép hôn nhân đồng tính luyến ái tại Hoa Kỳ cũng như tại Âu Châu.
Một sự kiện hiển nhiên hơn nữa có thể chứng minh văn hóa của con người hoàn toàn có tính cách tương đối, vì nó thay đổi theo thời gian và không gian (địa phương), đó là các thể chế chính trị. Trước cách mạng Pháp 1789, các nước trên thế giới đều theo chế độ quân chủ. Sau đó, chế độ dân chủ bắt đầu hình thành cho tới nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước, chưa hoàn toàn dứt bỏ chế độ quân chủ này, ở chỗ có cả vua lẫn quốc hội, như Anh Quốc, Nhật Bản, Thái Lan v.v. Thế rồi, sau cách mạng Nga 1917, chế độ cộng sản đã ra đời và, cho đến năm 1989 là năm cộng sản Đông Âu sụp đổ và năm 1991 là năm Liên Bang Sô Viết từ bỏ cả chủ nghĩa lẫn chế độ cộng sản, chế độ này đã tràn lan đến cả nửa phần địa dư của thế giới. Ngoài ra, còn có một thể chế chính trị có tính cách trung dung giữa cộng sản và dân chủ, đó là chế độ xã hội vẫn được các nước Bắc Âu theo đuổi, như Đan Mạch, Thụy Điển, Na-Uy v.v.
Nếu văn hóa của con người có tính cách tương đối, bất toàn, bất nhất và đổi thay như thế, thì cho dù về khoa học và kỹ thuật con người có tiến hóa đến đâu đi nữa, văn hóa cũng không thể nào làm cho con người thăng tiến và hoàn toàn đạt đến tầm vóc nhân bản cao qúi của mình. Cũng chính vì không có một nền văn hóa hết sức kiện toàn mà, trong thời điểm văn minh vật chất vượt bậc này, văn hóa của con người đã trở thành một thứ "văn hóa tử vong", một thứ văn hóa tác hại đến chính nhân phẩm làm nên con người cũng như sát hại đến cả sự sống còn của con người, một thứ văn hóa làm cho con người sống trong thù hằn ghen ghét cũng như trong lo âu sợ hãi bị diệt vong.
Đó là lý do tại sao văn hóa của con người cần đến Đức Tin Kitô Giáo hơn bao giờ hết, nhất là kể từ thập niên 1960 đến nay, một thập niên đánh dấu một nền văn minh vật chất càng ngày càng lên đến tuyệt đỉnh của con người, qua việc con người bắt đầu thám hiểm không gian, và qua những phát minh tân kỳ cả về kỹ thuật điện tử lẫn điện toán, ngoài ra, thập niên này cũng đánh dấu một cuộc cách mạng nhân bản hầu như muốn lật đổ đến tận gốc rễ tất cả những gì làm nên xã hội loài người, qua việc bắt đầu ban bố những luật pháp cho phép ly dị và phá thai.
(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)