GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 25/10/2006 TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN |
? “Tờ L’Osservatore Romano. Từ Rôma tới Thế Giới, 145 năm lịch sử qua những trang nhật báo của Giáo Hoàng”
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 18/10/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 21 về Tông Đồ Giuđa Ích Ca và Tông Đồ Matthia
? “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”
“Tờ L’Osservatore Romano. Từ Rôma tới Thế Giới, 145 năm lịch sử qua những trang nhật báo của Giáo Hoàng”.
Sáng ngày Thứ Ba 24/10/2006, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, SDB, đã phát biểu một bài nói ngắn để khai mạc cho cuộc triển lãm chủ đề: “Tờ L’Osservatore Romano. Từ Rôma tới Thế Giới, 145 năm lịch sử qua các trang nhật báo của Giáo Hoàng”.
Tham dự buổi triển lãm này có Enrico Gasbarra, chủ tịch của Hạt Rôma, có cả các phần tử của hội đồng quận hạt này, cùng với các v ị thẩm quyền dân sự và tôn giáo khác.
Vị hồng y này đã nhắc lại làm cách nào tờ nhật báo ấy, một tờ báo “đã thực hiện việc bênh vực đạo Công Giáo và Vị Giáo Hoàng Rôma,… sau đó đã trở thành một cơ cấu bán chính thức của Tòa Thánh”. Điều này làm cho nó trở thành một dụng cụ lý tưởng trong việc “lan truyền giáo huấn của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô cùng tín liệu liên quan tới các Giáo Hội vụ”.
“Chúng ta không thể không nhấn mạnh đến vấn đề nhờ một số giáo dân … mới đạt được những bước tiến đầu tiên… Qua 145 năm này…. việc diễn tiến của các biến cố lịch sử đã chứng tỏ rằng, để lan truyền sứ điệp của Phúc Âm, Giáo Hội …. cần đến hoạt động, sáng kiến và đặc sủng của thành phần giáo dân”.
Theo vị hồng ý quốc vụ khanh thì cuộc triển lãm này “làm cho chúng ta quen thuộc với hoạt động mục vụ của 11 vị Giáo Hoàng: Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX là vị đồng ý thành lập tờ Người Quan Sát Viên Rôma ấy; …. Những thay đổi sâu xa về xã hội … trong giáo triều Đức Lêô XIII; … Thánh Giáo Hoàng X, Vị Giáo Hoàng của những việc canh tân lớn lao trong Giáo Hội; Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV… vị trên những trang của tờ báo này đã tha thiết phổ biến ‘Lời Kêu Gọi Thành Phần Lãnh Đạo Các Quốc Gia Tham Chiến’;… Đức Piô XI lên án tất cả mọi thứ chính sách độc tài chính trị, như vị thừa kế của ngài đã làm là Đức Piô XII;… mùa xuân của Giáo Hội dưới thời Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII; …. Những hoạt động khôn ngoan và quan phòng của Đức Phaolô VI; … giáo triều ngắn ngủi của Đức Gioan Phaolô I; và… cuộc đối thoại mới mẻ của Tòa Thánh với thế giới làm nên giáo triều của Đức Gioan Phaolô II”, cho tới “thời điểm của chúng ta là thời điểm Giáo Hội tiến triển theo sự hướng dẫn khôn ngaon của Đức Biển Đức XVI”.
Vị hồng y đã kết thúc bài nói của mình bằng việc bày tỏ niềm hy vọng rằng “nhờ việc hồi niệm rực rỡ về quá khứ” mà hoạt động này “được tái tấu theo tinh thần ngôn sứ như là một phương tiện truyền thông hiệu nghiệm và thu phục cho Giáo Hội”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh,
BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 24/10/2006
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 18/10/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 22 về Tông Đồ Giuđa Ích Ca và Tông Đồ Matthia
Anh Chị Em thân mến:
Hôm nay, để hoàn trọn việc ôn lại 12 Vị Tông Đồ được Chúa Giêsu đích thân kêu gọi trong cuộc sống trần thế của Người, chúng ta không thể không đề cập tới một người bao giờ cũng ở chỗ cuối cùng, đó là Giuđa Ích Ca. Chúng ta muốn liên kết người tông đồ này với con người sau đấy được chọn thay thế tên là Matthia.
Nguyên tên gọi Giuđa là những gì khơi lên nơi Kitô hữu một phản ứng trực giác về tình trạng trầm luân và luận phạt. Ý nghĩa của danh xưng “Ích Ca” là vấn đề tranh cãi: Lời giải thích được nhắc đến nhất đó là “con người ở Queriyyot”, liên quan tới quê quán của người tông đồ này, một miền ở quanh Hebron là nơi được nhắc đến 2 lần trong Sách Thánh (x Joshua 15:25; Amos 2:2).
Có những người lại cắt nghĩa nó như là một danh xưng được gọi trệch đi từ tiếng “hired assassin – kẻ ám sát mướn”, như thể nó báo trước cho thấy một tay du kích thủ con dao găm, được tiếng Latinh gọi là “sica”. Sau hết, một số người còn thấy nơi danh xưng này cái phiên âm thuần túy từ gốc Hebrew-Aramaic có nghĩa là: “Kẻ sẽ nộp Người”. Điều này được đề cập tới hai lần ở Phúc Âm thứ bốn, tức là lần sau khi Tông Đồ Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình (x Jn 6:71) và lần sau đó trong buổi xức dầu ở Bêthania (x Jn 12:4).
Những đoạn Phúc Âm khác cho thấy rằng việc phản bội ấy đang diễn tiến, như “Hắn là kẻ đã phản bội Người”, như đã xẩy ra trong Bữa Tiệc Ly, sau lời loan báo về việc phản bội (x Mt 26:25), và sau đó ở vào lúc Chúa Giêsu bị bắt giam (x Mt 26:46,48; Jn 18:2-5). Tuy nhiên, các bản liệt kê danh sách 12 vị nhắc nhở việc phản bội như là những gì đã xẩy ra: “Giuđa Ích Ca, kẻ phản bội Người”, như Thánh Ký Marcô (3:19); Thánh Ký Mathêu (10:4) và Luca (6:16) cũng sử dụng cùng một kiểu cách tương đương như vậy.
Như thế, việc phản bội đã xẩy ra vào hai thời điểm: trước hết là vào thời điểm âm mưu toan tính, khi Giuđa tỏ ra thỏa thuận với thành phần thù địch của Chúa Giêsu về 30 đồng bạc (x Mt 26:14-16), và sau đó là thời điểm thực hiện âm mưu này bằng cái hôn thày mình ở Diệt-Xi-Ma-Ni (x Mt 26:46-50).
Dầu sao thì các thánh ký cũng nhấn mạnh rằng tình trạng làm tông đồ của nhân vật này là những gì hoàn toàn phù hợp với con người này: khi con người ấy được lập đi lập lại là “một trong số 12 vị” (Mt 26:14,47; Mk 14:20,20; Jn 6:71) hay “thuộc về số 12” (Lk 22:3).
Ngoài ra, có hai trường hợp Chúa Giêsu, khi ngỏ cùng các vị tông đồ và nói thực sự về con người ấy, thì đã nói con người này như là “một người trong các con” (Mt 26:21; Mk 14:18; Jn 6:70, 13:21). Và Tông Đồ Phêrô cũng nói về Giuđa “là người thuộc về số trong chúng ta, và đã góp phần được phân phối của mình vào thừa tác vụ này” (Acts 1:17).
Bởi thế, con người ấy là một nhân vật thuộc về nhóm những ai Chúa Giêsu đã tuyển chọn làm đồng bạn và là những người hợp tác viên thân cận. Điều này gợi lên hai vấn đề khi giải thích những gì đã xẩy ra. Vấn đề thứ nhất khi chúng ta tự hỏi làm sao Chúa Giêsu lại có thể tuyển chọn con người này và tin tưởng con người ấy chứ.
Thật vậy, mặc dù Giuđa là người quản lý của nhóm này (x Jn 12:6b, 13:29a), trong thực tế con người ấy còn được gọi là “kẻ ăn cắp” nữa (Jn 12:6a). Mầu nhiệm của việc chọn lựa này thậm chí còn lớn lao hơn nữa khi Chúa Giêsu thốt lên một lời phán quyết rất nghiêm trọng về con người này là “Khốn cho kẻ phản bội Con Người” (Mt 26:24).
Mầu nhiệm này thậm chí còn sâu kín hơn nữa khi người ta nghĩ tới số phận đời đời của con người ấy, khi thấy rằng Giuđa “đã tỏ ra hối hận mang 30 đồng bạc đến cho các vị trưởng tế và kỳ lão mà nói ‘tôi đã phạm tội gây đổ máu người vô tội’” (Mt 27:3-4). Mặc dù con người này đã đi thắt cổ tự vẫn (x Mt 27:5), chúng ta cũng không được phán đoán cử chỉ này của con người ấy, đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa là Đấng vô cùng xót thương và công chính.
Vấn đề thứ hai liên quan tới động lực nơi hành vi cử chỉ của Giuđa: Tại sao con người này lại phản bội Chúa Giêsu? Vấn đề này có vài giả thiết. Một số thì nói rằng vì hắn tham lam tiền bạc; một số khác cho rằng có tính cách thiên sai, ở chỗ Giuđa cảm thấy thất vọng khi thấy Chúa Giêsu không xứng hợp với chương trình giải phóng về chính trị và quân sự của xứ sở của mình.
Thật thế, các bản Phúc Âm đã nhấn mạnh đến khía cạnh khác, đó là khía cạnh được Thánh Ký Gioan minh nhiên viết rằng “ma quỉ đã gieo vào lòng của Giuđa Ích Ca, con của Simon, việc phản bội Người” (Jn 13:2); cũng thế, Thánh Ký Luca viết: “Satan đã nhập vào Giuđa được gọi là Ích Ca, một trong số 12 vị” (Lk 22:3).
Như thế, người ta vượt ra ngoài những động lực về lịch sử, khi giải thích những gì đã xẩy ra căn cứ vào trách nhiệm riêng tư của Giuđa, con người đã thê thảm chiều theo chước cám dỗ của tên gian ác. Dầu sao thì việc phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm. Chúa Giêsu đã đối xứ với con người này như một người bạn (x Mt 26:50), thế nhưng nơi việc Người kêu mời hãy theo Người trên con đường phúc đức Người đã không ép buộc ý muốn của con người ấy hay ngăn cản con người này khỏi sa ngã theo chước cám dỗ của Satan, tôn trọng tự do của con người.
Thật vậy, các khả thể của việc hư hoại nơi tâm can con người thì thật là nhiều. Một cách duy nhất để tránh lánh chúng là ở chỗ đừng gieo trồng một quan điểm về đời sống chỉ có tính cách cá nhân, biệt lập, mà bao giờ cũng đứng vào bên của Chúa Giêsu, chấp nhận quan điểm của Người.
Hằng ngày chúng ta phải cố gắng để được hoàn toàn hiệp thông với Người. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Tông Đồ Phêrô đã tỏ ra muốn chống lại Người cũng như chống lại những gì đang chờ đợi Người ở Giêrusalem, thế nhưng vị tông đồ này đã bị quở trách hết sức nặng lời là: “Hãy xéo đi, đồ Satan! Vì ngươi chẳng đứng về bên Thiên Chúa mà chiều theo con người thôi” (Mk 8:32-33).
Sauk hi sa ngã, Tông Đồ Phêrô đã tỏ ra hối hận rồi được thứ tha và ân sủng. Giuđa cũng tỏ ra hối hận, nhưng việc hối hận của con người này lại thoái hóa thành tuyệt vọng và vì thế đã đi đến chỗ tự diệt. Đối với chúng ta thì đó là một lời kêu gọi hãy luôn nhớ đến những gì được Thánh Biển Đức viết ở đoạn kết Chương 5 – những gì căn bản – nơi Luật của ngài: “Đừng bao giờ tuyệt vọng trước tình thương của Thiên Chúa”. Thật vậy, Thánh Gioan đã viết “Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn lòng của chúng ta” (1Jn 3:20).
Chúng ta hãy nhớ đến hai điều. Thứ nhất, đó là việc Chúa Giêsu tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Thứ hai, đó là việc Chúa Giêsu đợi chờ chúng ta tỏ ra hối hận và hoán cải; Người là Đấng giầu lòng xót thương và tha thứ. Thật vậy, khi chúng ta nghĩ đến vai trò tiêu cực do Giuđa thực hiện, chúng ta cần phải nghĩ đến nó một cách cao hơn, những cách thức được Thiên Chúa muốn tỏ ra nơi các biến cố.
Việc phản bội của con người này đã dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, Đấng đã biến cái khổ đau kinh hoàng này thành một phương tiện cho tình yêu cứu độ cũng như cho việc tự hiến cho Cha (x Gal 2:20; Eph 5:2,25). Động từ “phản bội” theo bản Hy Ngữ nghĩa là “bỏ cuộc”. Có những lúc vấn đề này cũng xẩy ra nơi đích thân của Thiên Chúa nữa, ở chỗ, vì yêu thương, Ngài “đã không dung tha” cho Chúa Giêsu bởi tất cả chúng ta (x Rm 8:32). Nơi mầu nhiệm cứu độ huyền nhiệm của mình, Thiên Chúa sử dụng cử chỉ bất khả chính đáng của Giuđa như là một động lực cho việc Con hoàn toàn tự hiến vì phần rỗi thế gian.
Để kết lại, chúng ta cũng muốn nhắc lại nhân vật mà sau Phục Sinh đã được chọn thay thế kẻ phản bội ấy. Ở Giáo Hội Giêrusalem, có hai người được nêu lên trong cộng đồng và bốc thăm tên của họ, đó là “Giuse được gọi là Barsabbas, có biệt hiệu là Justus, và Matthia” (Acts 1:23).
Nhân vật sau thực sự đã được chọn, nhờ đó, “ngài được ghi danh vào với số 11 vị tông đồ” (Acts 1:26). Chúng ta không biết gì hơn về ngài, ngoại trừ việc ngài là một trong những nhân chứng về cuộc sống công khai của Chúa Giêsu (x Acts 1:21-22), trung thành với Người cho đến cùng. Việc trung thành của ngài sau đó đã được Thiên Chúa kêo gọi để thay chỗ cho Giuđa, như thể bù đắp lại việc phản bội của Giuđa.
Chúng ta hãy rút tỉa một bài học cuối cùng ở đây là mặc dù không thiếu thành phần Kitô hữu bất xứng và bội phản trong Giáo Hội, chúng ta vẫn cần phải làm cân bằng hóa sự dữ do họ gây ra bằng chứng từ rạng ngời của chúng ta về Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/10/2006
“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”
Để kỷ niệm đầy năm một tâm hồn rất lành thánh đã qua đời ở Giáo Phận Orange California, cũng để hướng về Lễ Các Đẳng 2/11 và Tháng Các Đẳng 11/2006 sắp tới, thoidiemmatia xin phổ biến lại dưới đây bài điếu văn của một người chồng tiếc thương người vợ qua đời của mình trong Thánh Lễ An Táng vào sáng Thứ Bảy 29/10/2005, ngày ở bên nhà xẩy ra hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam. Về người quá cố, chính bản thân chúng tôi rất thân quen, và chứng thực rằng những gì được viết ra ở dưới đây đều rất chính xác. Ông còn không nói đến một số chi tiết đặc biệt khác nữa, đó là lời trăn trối của bà liên quan đến hậu sự cho bà: bà muốn được chôn táng trong một cái hòm rất thường, không sang trọng đắt tiền, và tất cả mọi tiền phúng điếu được sử dụng vào việc bác ái và truyền giáo. Chính tôi là người mang số tiền 1.500 Mỹ kim về Việt Nam vào đầu hè vừa rồi để biếu tặng cho các nơi cần, như Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt (nay thành Đại Chủng Viện Minh Hòa) lo việc huấn luyện chủng sinh, cho Trại Cùi Di Linh lo cho anh chị em bị phong xấu số, cho Dòng Khiết Tâm Bình Cang lo việc bác ái xã hội, cho nhà thờ ở Sapa rất ư là tang thương, cho nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội.
Trong lời phân ưu cuối lễ, đại diện cho hai đoàn thể khác nhau, tôi đã đề cập đến 3 điều: phân ưu, chúc mừng và cảm tạ.
Phân ưu cùng tang gia, cách riêng người chồng, vì ông chẳng những mất đi một người vợ về phần đời, mà còn mất đi một người chị thiêng liêng nữa, bởi chính ông nói với tôi tối hôm Thứ Năm 27/11 khi tôi đến viếng xác vợ ông rằng: “Tôi là một kẻ ngoại đạo. Nhờ bà ấy mà tôi mới có ngày hôm nay, biết mến Chúa yêu người v.v.”
|
Chúc mừng: vì chắc chắn bà đã được rỗi và sẽ được lên hưởng thánh nhan Chúa rất sớm, bởi bà đã đền tội 45 năm bằng bệnh tật của bà, đã không bao giờ buông cỗ tràng hạt, kể cả lúc hôn mê trong bệnh viện UCI ở Orange County hai tuần trước cũng không thể gỡ khỏi tay bà (phải chăng nhờ đó bà đã được chết vào chính ngày Thứ Bảy trong Tháng Mân Côi Mẹ?), đã kêu tên Giêsu Maria Giuse trước khi gục xuống tắt thở vào ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2005 trong phòng cấp cứu ICU (sau được cứu sống), và bà đã chết như Đức Gioan Phaolô II (vào cùng năm 2005, cùng kiểu được đưa vào bệnh viện rồi về chết ở nhà, và chết vào chính ngày kỷ niệm đăng quang 27 năm của ngài 22/10).
Và cuối cùng là cảm tạ bà: vì bà đã hết sức tích cực ủng hộ cả về phần thiêng liêng lẫn vật chất cho hoạt động tông đồ giáo dân của hai nhóm chúng tôi, trong đó, người con gái út của bà, người viết những lời chia sẻ với tôi cuối bài viết này, là hoa trái sống động của gia sản sống đạo bà để lại cho chung gia đình bà là tin yêu phó thác chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa.
Sau đây là nguyên văn bài điếu văn của ông bố về cuộc đời và tinh thần sống đạo gương mẫu của vợ ông, và những lời của người con gái út liên quan tới hiện tượng lạ xẩy ra trong gia đình mà bà đã hết lòng chăm lo. Chúng tôi phổ biến bài điếu văn này vì nó rất thích hợp vớI Tháng Các Đẳng 2005 này và có thể mang lại lợi ích thiêng liêng cho người còn sống, vì có những người nghe xong bài điếu văn này, sau Lễ, đã cho tôi biết họ rất cảm động và cảm phục con người nằm xuống mà họ chưa bao giờ được gặp và chưa hề biết tới.
Kính thưa quý Cha, quý cụ, quý ông bà, quý vị trong các đoàn thể Công Giáo tiến hành, và các bạn hữu rất kính mến,
Hôm nay tôi thay mặt cho người vợ yêu quý nhất của đời tôi mà giờ đây đang nằm đây đã nỡ lìa xa cha con chúng tôi mà đành đoạn ra đi, để lại cho cha con chúng tôi và các cháu biết bao vô cùng nhớ thương thương tiếc. Đành rằng cuộc lữ hành nào cũng có điểm khởi hành và cũng phải có điểm kết thúc, con người ta sinh ly tử biệt là lẽ thường tình của trời đất, kẻ ra đi đã đi vào giấc ngủ ngàn thu, nhưng còn người ở lại làm sao quên đi được biết bao kỷ niệm mà gần nửa cuộc đời đã chung sống với nhau. Một cuộc hôn nhân trải dài 45 năm biết bao thương khó dậm trường, trèo non vượt suối, tù tội, cùng nhau hiệp lời cầu nguyện chống đỡ những trận cuồng phong, bão táp sóng dữ như muốn cuốn phăng trôi đi, thế mà gia đình nhỏ bé này đã được Chúa và Đức Mẹ gìn giữ cho chở dẫn dắt đến bến bờ tự do. Tưởng rằng rồi đây gia đình sẽ được sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi, nhưng hôm nay nửa đường dứt gánh Bà đã nỡ lìa bỏ cha con chúng tôi ở lại để ra đi một mình.
Kính thưa quý Cha,
Kính thưa quý vị,
Hiến thê của tôi là Bà Maria PHẠM THỊ MÙI, nhũ danh là Thanh Gương, sinh ngày 20 tháng 11, năm 1931 tại Nam Định, Bắc Việt. Là một người con trong gia đình có 9 anh chị em, mà vợ của tôi là chị cả trong gia đình. Ông cụ thân sinh là cụ Phạm văn Giậu, sinh trưởng tại Nghệ An, hiện nay vẫn còn sống, thọ 98 tuổi. Mẹ là cụ Ngô thị Ca (đã qua đời năm 1969). Ông cụ là một công chức ngành Quan Thuế làm việc tại Sài Gòn cho đến khi về nghỉ hưu, rất là thanh liêm. Trước ngày lấy tôi, vợ tôi đã có ý định đi tu, nhưng ý Chúa chưa chọn, vì vậy khi còn ở nhà tập, nhà dòng đã cho đi dậy học một thời gian nhưng sức khỏe không được tốt nên đành trở về nhà. Sau khi lập gia đình với tôi, nhà tôi đã đi dạy học ở trường Aurore Rạng Đông một thời gian dài rồi thì vì công vụ tôi phải thuyên chuyển đi nơi xa nên từ đó chỉ lo việc nội trợ trong gia đình. Tuy thường hay đau ốm nhưng Chúa và Đức Mẹ thương vẫn ban cho được 5 người con, 2 trai 3 gái, các cháu nay đã lớn khôn và đã lập gia đình, gia đình có được 11 cháu nội ngoại.
Khi vợ tôi trong cơn hấp hốì, tôi gọi điện thoại về Việt-Nam để báo hung tin thì cậu em cho biết: Cha biết được tin anh báo cho biết Chị đã mất, Cha ngồi lặng thinh một lúc lâu rồi nói: “Tao còn ngồi đây mà nó nỡ bỏ tao đi sao? Thật đúng là: Lá vàng còn ở trên cành, mà lá xanh đã rụng làm Cụ đau lòng biết bao? Cụ hy vọng có một ngày sẽ được gặp lại người con yêu quý thì nay không còn nữa. Tôi thật xúc động thương cảm cho người Cha già khi hay hung tin con mất lại thương đến người vợ thân thương của tôi đang hiện diện trước Thánh Lễ tiển đưa hôm nay.
Từ ngày chúng tôi chung sống với nhau Chúa đã gửi Thánh giá đến cho vợ tôi. Vợ tôi bị một căn bệnh mà khi còn ở Việt-Nam cứ chạy chữa loanh quanh mà không sao dứt khỏi. Hầu như tất cả các bệnh viện từ Saigon, Chơ Lớn, Gia-Định cho đến Cao-nguyên Lâm-viên Đalat, Nha Trang đều đã trải qua, kể cả châm cứu, thuốc nam, thuốc bắc, nghe ai mách bảo có thầy hay thì đều đến để nhờ chưã trị. Cho đến khi vượt biên sang được Mã Lai và lúc chuyển ra bệnh viện ở Kuala Lumpur Bác sĩ mới khám phá ra đó là căn bệnh Myasthenia Gravis, thuộc về Neurology (tạm dịch là hệ thần kinh không xúc tác với các bắp thịt), và Bác sĩ cho biết căn bệnh nầy rất hiếm và cũng rất khó chữa. Trong suốt 45 năm dài nhận lãnh Tháng Giá Chúa trao, nhà tôi quyết một lòng làm của lễ hy sinh để dâng hiến trọn đờì mình cho Chúa, chấp nhận sự đau đớn không một lời oán than và luôn luôn trung thành với lời kêu xin: Xin Chúa cho con đủ sức chịu đựng để đón nhận mọi Thánh Giá Chúa trao hầu làm đẹp lòng Chúa.
Là một người Mẹ, người vợ thật tuyệt vời trong gia đình, thương chồng, thương con, thương cháu, lo lắng cho từng người, vỗ về yên ũi, là gạch nối trong đại gia đình khi có sự bất hòa, luôn luôn kêu gọi các con các cháu yêu thương nhau và đoàn kết, nhắc nhở các cháu cố gắng học hành, đừng bỏ lễ, nhất là các ngày lễ buộc lễ trọng. Mặc dầu ốm đau như vậy nhưng luôn luôn vẫn là tấm gương sáng trong gia đình. Lúc nào cũng có 2 hay 3 phong bì riêng đễ dành tiền tiết kiệm giúp đỡ các cơ sở từ thiện bên quê nhà, một hộp tiền cắc để giúp người phong cùi, luôn luôn nhắc nhở các con các cháu bớt xài phung phí để giúp kẻ khó nghèo, tham gia cầu nguyện trong các hội đoàn mặc dầu lúc sau nầy bịnh trầm trọng không đi ra ngoài được nữa nhưng lúc nào cũng liên lĩ cầu nguyện.
Tôi luôn thấy vợ tôi không bao giờ lìa xa chuỗi lần hạt mân côi, ngày cũng như đêm kể cả những khi sắp lâm chung. Đó là cuả ăn thiêng liêng cuả bà. Vợ tôi thường nói với tôi câu của Thánh Phanxicô Assissi: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Vì vậy sự chết là Phục sinh, vậy một mai khi Chuá gọi em về thì anh và các con các cháu đừng khóc mà hãy hát hoặc mở nhạc Thánh ca để tiển đưa Em về Nhà Cha.
Xin cám ơn quý Cha, quý cụ, quý ông bà, quý đoàn thể và toàn thể quý bạn bè thân hữu đã hiện diện trong Tang Lễ hôm nay để tiễn đưa người yêu quý nhất của đại gia đình chúng tôi sớm về nhà Cha trên trời.
Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn Maria. Amen.
Ngày 29 tháng 10, 2005
|
Sau một tuần, đứa con gái út của người quá cố đã nói với tôi rằng:
Mẹ em mà còn sống mà nghe bài điếu văn của ba chắc phải cười đến đứt ruột.
Anh Nghiêm có kể một đêm khoảng 2 giờ sáng còn đang thức khóc thì nghe tiếng lục đục ở phòng ngoài. Ảnh đi ra xem thì nhìn thấy mẹ đang ngồi trên ghế rocker, và thấy mấy lần. Anh ấy nói lúc đó có thể bị delusional thấy này thấy kia, chứ nằm mơ thì không phải, vì khi trở vào phòng thì chị dâu em còn thức.
Chị Đài thì nằm mơ thấy mẹ về, bay bay ở ngoài cửa sổ, vẻ mặt rất vui và cười rất tươi tắn, vẫn còn đang mặc chiếc áo nhà thương lúc chết. Mẹ đưa tay vào nắm lấy tay chị bóp mạnh. Chị ấy la toáng lên "mẹ về rồi", rồi chạy ra mở cửa thì mẹ đã đâu mất. Chị ấy kể giấc mơ y như thật, và khi tỉnh dậy thì thấy rất bình an.
Còn em thì biết chắc chắn ở đời này chẳng bao giờ được thấy mẹ nữa đâu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL