GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 3/10/2006 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN |
? Phân Tích Lời Đức Thánh Cha Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi
? Phân Tích Lời Đức Thánh Cha Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Việc Truyền Giáo
? Các Vị Giám Mục Anh Quốc và Wales Bênh Vực Đức Giáo Hoàng và Phản Đối Đài Truyền Hình BBC Luân Đôn
Phân Tích Lời Đức Thánh Cha Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi
“Hôm nay là ngày đầu Tháng Mười, tôi xin chia sẻ về hai khía cạnh nổi bật trong tháng này nơi cộng đồng giáo hội, đó là khía cạnh cầu kinh mân côi và việc dấn thân cho các vấn đề truyền giáo.
“Thứ Bảy tới đây, ngày 7/10, chúng ta cử hành lễ Trinh Nữ Mân Côi; nó như thể hằng năm Đức Mẹ mời gọi chúng ta hãy khám phá ra vẻ đẹp của kinh nguyện này, một kinh nguyện rất đơn sơ mà lại sâu xa.
“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta là một vị đại tông đồ của kinh mân côi: Chúng ta nhớ đến việc ngài quí với chuỗi hạt trong tay, chìm ngập vào việc chiêm ngắm Chúa Kitô, như chính ngài muốn mời gọi chúng ta hãy thực hiện Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”.
“Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, một kinh nguyện gắn liền với việc suy niệm Thánh Kinh. Nó là kinh nguyện của Kitô hữu đang tiến bước trong cuộc hành trình đức tin theo bước chân của Chúa Giêsu, được Mẹ Maria đi trước dẫn dường mở lối. Anh chị em thân mến, tôi muốn mời anh chị em hãy cầu kinh mân côi chung với gia đình trong tháng này, cũng như trong cộng đồng và trong giáo xứ, theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho việc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho Hòa Bình thế giới”.
Trong bài huấn từ truyền tin cho Chúa Nhật đầu tháng 10/2006 này, riêng về khía cạnh Kinh Mân Côi, ĐTC đã đề cập tới 6 điểm quan trọng sau đây chúng ta cần lưu ý:
Thứ 1, ngài kêu gọi chúng ta là “hãy cầu kinh mân côi”, chứ không phải đọc kinh mân côi hay lần hạt mân côi. Bởi vì, cầu kinh mân côi là vừa đọc kinh mân côi vừa suy niệm mầu nhiệm mân côi, tức là đọc kinh mân côi bằng cả tấm lòng, chứ không phải chỉ thuần túy đọc kinh mân côi ngoài môi miệng, còn lòng trí thì xa cách Đấng chúng ta nguyện cầu. Đó là lý do ở Fatima, cả 6 lần hiện ra, Mẹ Maria cũng kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima là “hãy cầu kinh mân côi hằng ngày”, chứ Mẹ không kêu gọi “đọc kinh mân côi”.
Thứ 2, ngài cảm nhận rằng kinh Mân Côi là “một kinh nguyện rất đơn sơ mà lại sâu xa”. Thật vậy, kinh Mân Côi đơn sơ là ở chỗ dễ đọc và dễ thuộc, thành phần trẻ em hay quê mùa cũng thuộc, nhưng lại hết sức sâu xa, chẳng những vì ý nghĩa chất chứa ngay trong Kinh Kính Mừng là kinh chính trong kinh mân côi, một ý nghĩa phản ảnh tất cả Mầu Nhiệm Thánh Mẫu Đồng Công, mà còn vì mầu nhiệm Mân Côi gồm tóm tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô Cứu Chuộc.
Thứ 3, ngài truyền dạy rằng: “Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm lấy Chúa Kitô làm tâm điểm”. Thật vậy, kinh mân côi gồm có hai phần, khẩu nguyện và tâm nguyện. Khẩu nguyện là tác động đọc các chục kinh Kính Mừng, và tâm nguyện là tác động suy ngắm Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Nếu chỉ đọc kinh mân côi mà không suy niệm, tức không chiêm ngắm Chúa Kitô, thì như Đức Thánh Cha Phaolô VI ví thì như thể xác không hồn. Bởi thế, Đức Gioan Phaolô II mới định nghĩa cầu kinh mân côi là cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.
Thứ 4, ngài cảm nghiệm rằng: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện của Kitô hữu đang tiến bước trong cuộc hành trình đức tin theo bước chân của Chúa Giêsu, được Mẹ Maria đi trước dẫn đường mở lối”. Thật thế, bởi vì, nếu Mầu Nhiệm Mân Côi bao gồm tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Đấng là tột đỉnh Mạc Khải Thần Linh và là tất cả Mạc Khải Thần Linh, tức Người là tột đỉnh và là tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, thì kinh Kính Mừng, kinh gồm tóm tất cả Mầu Nhiệm Thánh Mẫu, là biểu hiệu cho đức tin thuận phục của Mẹ Maria, cho việc loài người hoàn toàn “xin vâng” chấp nhận Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể và Vượt Qua. Cầu kinh Mân Côi là Kitô hữu cùng với và nhờ Mẹ Maria tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần vậy.
Thứ 5, ngài mời gọi chúng ta hãy thực hành việc “cầu kinh mân côi chung với gia đình trong tháng này, cũng như trong cộng đồng và trong giáo xứ”. Bởi vì, nếu chính Mẹ Maria đã tiên báo trong ca vịnh Ngợi Khen Magnificat của Mẹ rằng “từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”, thì một mình ca ngợi Mẹ không đủ, phải cả gia đình, cả cộng đoàn và cả giáo xứ, cả giáo hội và thế giới nữa, không phải là một thế hệ mà là muôn thế hệ mới có thể phần nào cùng Mẹ tri ân cảm tạ “Chúa là Đấng toàn năng đã làm những sự trọng đại” không phải chỉ cho riêng cá nhân Mẹ, mà cho chung con cái loài người của Mẹ.
Thứ 6, ngài dặn chúng ta hãy cầu kinh Mân Côi “theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho việc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho Hòa Bình thế giới”. Riêng về ý chỉ của Đức Giáo Hoàng trong Tháng 10/2006 như sau: Ý Chung - “Xin cho tất cả những ai lãnh nhận phép rửa được trưởng thành trong đức tin của mình, và biết bộc lộ đức tin ấy ra nơi những quyết định minh nhiên, thiết tha và can đảm trong cuộc đời”; Ý Truyền Giáo - “Xin cho việc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo làm gia tăng ở khắp mọi nơi tinh thần của lòng nhiệt thành truyền giáo và việc hợp tác truyền giáo”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Phân Tích Lời Đức Thánh Cha Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Việc Truyền Giáo
“Tháng mười cũng là tháng truyền giáo, và ngày Chúa Nhật 22/10 chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly rằng: ‘Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy’ (Jn 20:21).
“Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô: đó là sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể. Trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi đã trình bày cho thấy đức ái thực sự là “hồn sống của việc truyền giáo”.
“Thánh Phaolô, vị tông đồ của thành phần Dân Ngoại, đã viết rằng:’Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2 Cor 5:14). Chớ gì hết mọi Kitô hữu lấy những lời đó làm của mình, hân hoan cảm nghiệm được việc mình là một thừa sai của tình yêu ở những nơi được Đấng Quan Phòng sai đến, bằng tấm lòng khiêm nhượng và can đảm, phục vụ tha nhân một cách bất vụ lợi, và cầu nguyện cho mình được mãnh lực của một đức ái hân hoan và tận tụy (Thiên Chúa là Tình Yêu, 32-39).
“Vị quan thày thế giới cho việc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một trinh nữ tu Carmêlô và là một tiến sĩ của Giáo Hội, vị chúng ta thực sự tưởng kính vào ngày hôm nay đây. Chớ gì chị, người đã nhận thấy con đường ‘đơn sơ’ nên thánh là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân uy tín của Phúc Âm bác ái. Xin Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ của kinh mân côi và là nữ vương của việc truyền giáo, dẫn tất cả chúng ta tới Chúa Kitô là Đấng cứu độ của chúng ta.
Trong bài huấn từ truyền tin cho Chúa Nhật đầu tháng 10/2006 này, riêng về khía cạnh Kinh Mân Côi, ĐTC đã đề cập tới 5 điểm quan trọng sau đây chúng ta cần lưu ý:
Thứ nhất, Đức Thánh Cha đã xác nhận niềm tin của Giáo Hội về bản chất của Giáo Hội là truyền giáo: “Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo”.
Thứ hai, Đức Thánh Cha dẫn giải tính cách thực sự của việc truyền giáo, theo ngài, “Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”.
Thứ ba, cũng theo ngài, nếu “Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”, thì “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”.
Thứ bốn, ngài dẫn giải thêm, nếu “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”, thì “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”, như ngài đã diễn giải “trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo” 22/10/2006.
Thứ năm, ngài còn dẫn chứng niềm xác tín “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo” bằng gương truyền giáo của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, của nhị vị Thánh Quan Thày của việc truyền giáo là Phanxicô Xavier và nhất là gương của Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu bằng đường lối sống “bé nhỏ”, vị Thánh được Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 là tháng truyền giáo của Giáo Hội.
Trong Tháng Mười và kể từ Tháng Mười 2006 này, Thời Điểm Maria sẽ tiếp tục phổ biến giáo huấn của Giáo Hội về việc truyền giáo, nhất là hai văn kiện truyền giáo của hai Đức Thánh Cha: một của Đức Phaolô VI là Tông Huấn Evangelii Nuntiandi và một của Đức Gioan Phaolô II là Thông Điệp Redemptoris Missio.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Các Vị Giám Mục Anh Quốc và Wales Bênh Vực Đức Giáo Hoàng và Phản Đối Đài Truyền Hình BBC Luân Đôn
Các vị giám mục ở Anh quốc và Wales đã tố giác đài truyền hình BBC về việc trình bày sai lầm về 2 văn kiện của Vatican được cơ quan ngôn luận này nói rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đứcv XVI đã sử dụng để che nay việc lạm dụng tình dục vị thành niên.
Theo các vị giám mục này thì chương trình “Các Tội Ác Tình Dục và Vatican”, được truyền hình vào hôm Chúa Nhật 1/10/2006 bởi Panorama, một màn điều tra tin tức của Đài Truyền Hình BBC, là những gì không chính xác và lừa đảo.
Chương trình này cho rằng họ có những văn kiện mật của Vatican chưa từng được tiết lộ cho thấy đã áp đặt việc câm nín liên quan tới tất cả những điều trách cứ về việc lạm dụng trẻ em, và tố cáo Đức Hồng Y Joseph Ratzinger bấy giờ – hiện nay là Giáo Hoàng Biển Đức XVI – đã ra tay che chở những vị linh mục cho khỏi bị điều tra trong vai trò làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin.
Một văn kiện được đề cập đến trên đây là “Crimen sollicitationis” (Tội Ác Dụ Dỗ, 1962), được phổ biến bởi Congregation of the Holy Office – sau này là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin – một văn kiện được công bố vào năm 2003.
Đức Hồng Y Cormac Murphy-O’Connor, tổng giám mục Westminster, hôm Thứ Hai 2/10/2006, đã gửi một bức thư cho Mark Thompson, tổng giám đốc của đài truyền hình BBC “để bày tỏ nỗi phiền muộn hết sức và báo động cho cộng đồng Công Giáo” liên quan tới chương trình ấy.
“Không ai có thể chối cãi được những hậu quả tàn hại của việc lạm dụng trẻ em trong xã hội của chúng ta và sự thiệt hại gây cho thành phần nạn nhân cùng gia đình của họ. Đó là những gì thật là hổ thẹn nếu việ claim dụng ấy lại được vấp phạm bởi một vị linh mục và dĩ nhiên hợp lý để nói lên những yếu tố xé nát tâm can của thứ sự dữ này.
“Tuy nhiên, chương trình của ông lại bắt đầu gây ra cái thiệt hại nặng nề cho Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị lãnh đạo của một tỉ người Công Giáo trên khắp thế giới. Đối với tôi rõ ràng mục đích chính của chương trình này là tìm cách móc nối Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với việc bao che cho vấn đề lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo. Đây là những gì hiểm độc và không thật, căn cứ vào việc trình bày sai lầm các văn kiện của Giáo Hội”.
Vị hồng y đương kim chủ tịch hội đồng giám mục Anh quốc và Wales nói rằng ngài “không thể hiểu được tại sao không một ai trong tổ hợp của ông thực hiện việc liên lạc với Giáo Hội Công Giáo ở đất nước này để được giúp đỡ về việc tìm kiếm tín liệu chính xác nơi vấn đề này”.
“Tôi cần phải đặt vấn đề là phải chăng trong nội bộ của đài truyền hình BBC luôn liên lỉ có khuynh hướng chống lại Giáo Hội Công Giáo. Sẽ có nhiều người, không chỉ là người Công Giáo mà thôi, sẽ nghĩ rằng phải chăng BBC không còn muốn thật sự khách quan nơi một số vấn đề trình bày của họ”.
Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols ở Birmingham, và là chủ tịch của Văn Phòng Công Giáo Bảo Vệ Trẻ Em và Người Lớn Dễ Bị Tổn Hại, cũng phổ biến một công văn cùng ngày, viết rằng: “là một đài phát thanh phục vụ công ích, BBC cần phải cảm thấy hổ ngươi về tiêu chuẩn phóng viên ký giả được sử dụng để tạo nên việc tấn công phi lý vào Đức Thánh Cha Biển Đức XVI”.
“Thành phần khán giả sẽ nhận ra rất rõ những mưu mẹo giật gân và sự diễn giải lừa đảo của chương trình ấy, một chương trình sử dụng cảnh sắc cũ và những cuộc phỏng vấn không có ngày tháng. Họ sẽ biết rằng các khía cạnh của chương trình này chung qui là một cuộc tấn công có tính cách sâu đậm về thành kiến đối với một vị lãnh đạo tôn giáo đáng kính trên thế giới. Nó sẽ làm suy yếu đi hơn nữa niềm tin tưởng của quần chúng nơi ‘Panorama’”.
Theo vị TGM này thì các việ ctấn công của chương trình chống lại Giáo Hoàng Biển Đức XVI ấy là những gì “sai lầm và hoàn toàn lừa đảo”:
“Nó sai lầm vì nó trình bày lệch lạc về hai văn kiện của Tòa Thánh Vatican và sử dụng hai văn kiện này hoàn toàn theo chiều hướng lừa đảo để móc nối những thứ ghê tởm của việc lạm dụng trẻ em với con người của Đức Giáo Hoàng.
“Văn kiện thứ nhất, được phổ biến năm 1962, không trực tiếp liên quan tới vấn đề lạm dụng trẻ em một chút nào, nhưng với việc mạo dụng tòa giải tội. Điều này luôn là một tội ác hết sức trầm trọng theo luật lệ của Giáo Hội. Chương trình này lẫn lộn việc mạo dụng tòa giải tội với những nỗ lực vô luân của một vị linh mục muốn làm nạn nhân câm nín.
“Văn kiện thứ hai, được ban hành năm 2001, đã làm sáng tỏ luật lệ của Giáo Hội, bảo đảm rằng Tòa Thánh Vatican cần phải được báo cáo cho biết hết các vụ lạm dụng trẻ em và một một trường hợp cần phải được đối xử một cách thích đáng.
“Văn kiện này không gây ngăn trở cho việc điều tra của thành phần thẩm quyền về dân sự đối với các tố cáo liên quan tới việc lạm dụng trẻ em, cũng không phải là một phương pháp để che đậy, như chương trình này nhất quyết chủ trương. Thật vậy, nó là một biện pháp nghiêm trọng được Tòa Thánh Vatican quan niệm về những thứ vi phạm ấy.
“Từ năm 2001, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bấy giờ làm đầu Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đã thực hiện nhiều việc để áp dụng luật lệ này của Giáo Hội đối với những cáo giác và vi phạm trong việc lạm dụng trẻ em một cách hoàn toàn và cân nhắc”.
Một phát ngôn viên của BBC thông báo cùng ngày rằng ban điều hành công ty sẽ hồi âm thư của Đức Hồng Y Murphy-O’Connor.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/10/2006