GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 4/10/2006

 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  27/9/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 19: Tông Đồ Tôma

?  Các Vị Giám Mục Đức lên tiếng kêu gọi Tín Đồ Hồi Giáo hãy tôn trọng Quyền Tự Do Tôn Giáo

?   Để Khống Chế Chủ Nghĩa Bảo Thủ Cần Phải Giáo Dục Nữ Giới

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  27/9/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 19: Tông Đồ Tôma

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Để tiếp tục việc chúng ta gặp gỡ 12 Tông Đồ được Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi, hôm nay, chúng ta chú ý tới Tông Đồ Tôma. Bao giờ cũng hiện diện trong các danh sách của Tân Ước, ngài được liệt kê trong 3 Phúc Âm cạnh Tông Đồ Mathêu (x Mt 10:3l Mk 3:18; Lk 6:15), trong khi ở Sách Tông Vụ ngài lại được liệt kê gần Tông Đồ Philiphê (Acts 1:13). Tên gọi của ngài có gốc từ tiếng Do Thái, ‘ta’am’, tức là ‘một đôi’. Thật vậy, Phúc Âm Thánh Gioan đôi khi gọi ngài bằng tên hiệu này ‘Didymus’ (x Jn 11:16, 20:24, 21:2), theo tiếng Hy Lạp đúng nghĩa là ‘một cặp’. Không biết lý do tại sao ngài lại có cái biệu danh này.

 

Đặc biệt là Phúc Âm thứ 4 đã cống hiến cho chúng ta một số chi tiết giúp chúng ta biết thêm được một số đặc tính quan trọng về nhân cách của ngài. Chi tiết đầu tiên đó là lời kêu gọi ngài ngỏ cùng các vị tông đồ khác khi Chúa Giêsu, ở vào thời điểm hệ trọng trong đời mình, đã quyết định đi Bethania hồi sinh Lazarô, như thế có nghĩa là đến gần Giêrusalem một cách nguy hiểm (x Mk 10:32). Vào dịp ấy, Tông Đồ Tôma đã nói với các đồng môn của mình rằng: “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Người” (Jn 11:16). Lòng cương quyết này của ngài trong việc theo Thày thực sự là một gương mẫu và cống hiến cho chúng ta một bài học quí giá: Nó cho chúng ta thấy việc hoàn toàn sẵn sàng gắn bó với Chúa Giêsu cho tới độ đồng hóa với định mệnh của Người, và muốn chia sẻ với cuộc thử thách chết chóc tối hậu của Người.

 

Thật vậy, điều quan trọng nhất đó là đừng bao giờ tách mình khỏi Chúa Giêsu. Khi các Phúc Âm sử dụng động từ “theo” là các phúc âm cố ý muốn nói rằng bất cứ Người đi đâu thì các môn đệ của Người cũng phải đi đến đó. Bởi vậy, đời sống của Kitô hữu được định nghĩa như là một cuộc sống với Chúa Giêsu, một cuộc sống cần phải ở với Người. Thánh Phaolô đã viết một điều tương tự như thế khi ngài trấn an các Kitô hữu ở Corintô bằng những lời lẽ sau đây: “Anh chị em ở trong lòng của tôi, sống chết có nhau” (2Cor 7:3). Những gì thật sự xẩy ra giữa vị Tông Đồ này và thành phần Kitô hữu của ngài cũng cần phải thật sự xẩy ra trước hết nơi mối liên hệ giữa Kitô hữu và chính Chúa Giêsu: cùng sống chết với nhau, ở trong lòng của Người như Người ở trong lòng của chúng ta.

 

Chi tiết thứ hai về Tông Đồ Tôma được ghi lại ở trong Bữa Tiệc Ly. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu, khi tiên báo về việc ra đi đến nơi của mình, tuyên bồ rằng Người sẽ đi dọn chỗ cho các môn đệ của mình, nhờ đó họ cũng sẽ ở nơi Người ở; rồi Người xác định rằng: “Và các con biết đường lối mà Thày sẽ tới” (Jn 14:4). Bấy giờ Tông Đồ Tôma xen vào mà rằng: “Lạy Thày, chúng con không biết rằng Thày đi đâu thì làm sao chúng con biết được đường lối?” (Jn 14:5).

 

Đúng vậy, qua những lời ấy, ngài thú nhận mình kém hiểu biết, thế nhưng, các lời của ngài đã cống hiến cho Chúa Giêsu cơ hội để nói lên một câu định nghĩa nổi tiếng: “Thày là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Jn 14:6). Bởi thế, đầu tiên Người tỏ cho Tông Đồ Tôma biết đến mạc khải này, thế nhưng lại là mạc khải có giá trị cho tất cả chúng ta cũng như cho hết mọi thời đại. Mỗi lần chúng ta nghe hay đọc những lời này, chúng ta có thể cảm thấy gần gũi với Tông Đồ Tôma trong tư tưởng, và nghĩ rằng Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta như Người đã nói với ngài vậy.

 

Đồng thời câu chất vấn của ngài, có thể nói, cống hiến cho chúng ta cái quyền được yêu cầu Chúa Giêsu giải thích. Chúng ta thường không hiểu Người. Chúng ta cần phải can đảm lên tiếng nói với Người rằng: Con không hiểu Chúa, lạy Chúa, xin lắng nghe lời con, giúp cho con được hiểu biết. Nhờ vậy, nhờ thẳng thắn như thế, cách thức chân thực để nguyện cầu, để đàm đạo với Chúa Giêsu, chúng ta bày tỏ cái bé nhỏ nơi khả năng hiểu biết của chúng ta, thế nhưng đồng thời chúng ta cũng tỏ thái độ tin tưởng của một con người mong được sáng soi và sức mạnh từ Đấng có thể ban chúng cho chúng ta.

 

Thế rồi đến cảnh rất được biết đến, thậm chí trở thành tục ngữ, đó là cảnh nghi ngờ của Tông Đồ Tôma, một cảnh xẩy ra 8 ngày sau Phục Sinh. Thoạt tiên, ngài không tin rằng Chúa Giêsu đã hiện ra trong lúc ngài vắng mặt và đã nói rằng: “Tôi không thể nào tin được nếu tôi không thấy dấu đinh nơi bàn tay của Người, và xỏ ngón tay tôi vào dấu đanh, và thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người” (Jn 20:25). Sâu xa mà nói, từ những lời này xuất phát niềm xác tín là Chúa Giêsu không còn được nhận ra nơi dung nhan của Người nữa mà nơi các dấu tích của Người. Tông Đồ Tôma tin tưởng rằng những dấu hiệu đặc biệt về căn tính của Chúa Giêsu bấy giờ trước hết là các thương tích của Người, những gì Người tỏ cho chúng ta thấy tình Người yêu thương chúng ta tới đâu. Vị Tông Đồ này đã không sai lầm ở chỗ này.

 

Như chúng ta biết, 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ của Người, và Tông Đồ Tôma cũng có mặt vào dịp ấy. Vậy Chúa Giêsu nói với ngài rằng: “Hãy xỏ ngón tay của con vào đây, và hãy nhìn đôi tay của Thày đây; hãy giơ bàn tay con ra mà thọc vào cạnh sườn của Thày; đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” (Jn 20:27).

 

Tông Đồ Tôma đã phản ứng bằng lời tuyên xưng đức tin lẫy lừng nhất trong Tân Ước, đó là câu: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Jn 20:28). Về lời tuyên xưng này, Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận nhận rằng: Tông Đồ Tôma “đã thấy và đã chạm tới một con người, nhưng lại tuyên xưng đức tin của mình nơi Thiên Chúa, Đấng ngài chẳng thấy hay chạm tới được. Song những gì ngài đã thấy và chạm được đã dẫn ngài tới chỗ tin tưởng những gì đã bị ngài ngờ vực cho tới bấy giờ” ("In Iohann" 121, 5). Vị thánh ký tiếp tục câu nói cuối cùng được Chúa Giêsu ngỏ cùng Tông Đồ Tôma, đó là “Phải chăng con tin tưởng vì con đã xem thấy Thày? Phúc cho những ai không thấy mà vẫn tin” (Jn 20:29).   

 

Câu này cũng có thể được ngỏ cùng thời nay nữa: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Dù sao ở đây Chúa Giêsu cũng nói lên một nguyên tắc căn bản đối với Kitô hữu là thành phần hậu sinh của Tông Đồ Tôma, tức là đối với tất cả chúng ta. Thật là thú vị khi thấy một Tôma khác, một đại thần học gia thời trung cổ ở Aquino, đã liên kết cái phúc này với một cái phúc khác được Thánh Luca nói tới có vẻ ngược nghịch nhau, đó là: “Phúc cho những đôi mắt thấy được những gì các con thấy!” (Lk 10:23).

 

Tuy nhiên, Thánh Tôma Aquina nhận định rằng: “Kẻ tin tưởng mà không thấy thì có công hơn là kẻ thấy mới tin” ("In Iohann. XX lectio" VI paragraph 2566). Thật vậy, Bức Thư gửi Kitô hữu Do Thái, khi nhắc lại tất cả hàng loạt các vị tổ phụ thời thánh kinh cổ xưa, những vị đã tin tưởng vào Thiên Chúa mà không thấy việc hoàn thành những lời hứa hẹn của Ngài, đã định nghĩa đức tin như là “việc bảo đảm những gì hy vọng; là chứng cớ của những thực tại chưa từng thấy” (11:1).

 

Trường hợp của Tông Đồ Tôma là những gì hệ trọng đối với chúng ta ít là vì 3 lý do sau đây: thứ nhất, vì nó an ủi chúng ta trong những lúc bất an; thứ hai, vì nó tỏ cho chúng ta thấy rằng hết mọi thứ ngờ vực đều có được một đích điểm rạng ngời vượt trên bất cứ những gì là không vững chắc; và sau hết, vì những lời đưoơc Chúa Giêsu ngỏ cùng ngài nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa đích thực của một đức tin chín chắn và phấn khích chúng ta hãy tiếp tục con đường trung thành với Người, bất chấp những khó khăn.

 

Phúc Âm thứ bốn còn giành cho chúng ta một ghi nhận cuối cùng về Tông Đồ Tôma, khi cho thấy ngài như là chứng nhân của Đấng Phục Sinh vào thời điểm sau mẻ cá lạ ở Hồ Tibêria (x Jn 21:2). Vào dịp ấy, ngài cũng được nói đến liền ngay sau Tông Đồ Simon Phêrô: một dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng đáng lưu ý ngài được hưởng trong phạm vi của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Thật vậy, cuốn “Tông Vụ” và “Phúc Âm Tôma” sau này được viết lấy tên của ngài, cả hai cuốn này đều là những cuốn ngụy kinh, nhưng dù sao cũng là những gì cần để nghiên cứu về những nguồn gốc Kitô Giáo.


Sau hết, chúng ta hãy nhớ lại rằng, theo một truyền thống cổ xưa, thì Thánh Tôma đã truyền bá phúc âm hóa đầu tiên ở Syria và Persia (giáo phụ Origen đã nói thế, như được đề cập tới bởi sử gia Eusebius thành Caesarea, ‘Hist. Eccl’, 3,1) và sau đó đi xa đến tận miền tây Ấn Độ (cf. "Acts of Thomas" 1-2: 17 and following), từ đó, sau này Kitô Giáo tiến tới miền nam của Ấn Độ. Chúng ta kết thúc bài chia sẻ của chúng ta theo chiều kích truyền giáo này, hy vọng rằng gương sáng của Tông Đồ Tôma sẽ càng ngày càng củng cố niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/9/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Các Vị Giám Mục Đức lên tiếng kêu gọi Tín Đồ Hồi Giáo hãy tôn trọng Quyền Tự Do Tôn Giáo

 

Thứ Năm tuần trước, 28/9/2006, khi kết thúc cuộc họp thường niên của mình, các vị giám mục Đức đã thẳng thắn bài bác thái độ của những ai tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa qua việc giải thích lệch lạc về một trích đoạn trong bài diễn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói ở Đại Học Đường Regensburg hôm Thứ Ba 12/9/2006, đi đến chỗ “cáo giác, đòi hỏi và thậm chí đe dọa”. 

 

“Giáo Hội Công Giáo và tất cả mọi người, ở Đức cũng như trên khắp thế giới, thành phần tôn trọng và bênh vực quyền tự do ngôn luận, sẽ không bao giờ để mình cảm thấy bị đe dọa”.

 

Các vị giám mục Đức đồng loạt bày tỏ niềm hy vọng rằng các vị thẩm quyền Hồi Giáo trên thế giới sẽ biết kiềm chế mình khỏi bất cứ điều gì góp phần vào “việc làm gia tăng trầm trọng tình trạng này một lần nữa”, vì “bất cứ những gì là mờ ám chỉ dẫn tới tình trạng bất hòa và cần phải tránh né”.

 

Về vấn đề này, các vị đã tỏ ra quan tâm tới việc quay nhiễu và tấn công các nhóm thiểu số Kitô hữu ở một số quốc gia Hồi Giáo, nhất là việc sát hại một nữ tu ở Somalia.

 

Các vị Giám Mục Công Giáo này cũng nhìn nhận rằng trong giòng lịch sử các giáo hội Kitô giáo đã bị lôi kéo vào việc sử dụng bạo lực – và nhiều lần đã chiều theo việc này.

 

Vì kính nghiệm ấy mà hơn bao giờ hết mới cần phải có một cuộc đối thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo “để cả đôi bên thanh tẩy ký ức và cống hiến một cách khả tín một chứng từ chung của tôn giáo cho nền hòa bình và chống bạo lực”.

 

Các vị nhắc nhở rằng nhờ Hiến Pháp Đức quốc mà những người Hồi Giáo sống ở xử sở này mới được hưởng quyền tự do tôn giáo, nên các vị cũng mong rằng ở các quốc gia Hồi Giáo quyền tự do tôn giáo cũng được tôn trọng như thế.

 

“Chúng tôi tha thiết van xin các tổ chức Hồi Giáo ở Đức hãy thực lòng quyết tâm tranh đấu cho việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo ở các quốc gia bản xứ của những người Hồi Giáo đang sống giữa chúng ta đây”.

 

Sau khi công nhận rằng “việc làm xỉ nhục hay trần tục hóa niềm tin tôn giáo là việc làm dụng quyền tự do”, các vị giám mục Đức giải thích rằng có một sự quân bình rất ư là mong manh giữa quyền tự do ngôn luận và quyền niềm tin tưởng của con người được tôn trọng”.

 

Để kết luận, các vị giám mục Đức đã đề cập tới một bài diễn văn khác của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 20/8/2005 ngỏ cùng tín đồ Hồi Giáo vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne: “Việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo… thực sự là một nhu cầu sống còn chi phối phần lớn tương lai của chúng ta”. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/10/2006

 

 

TOP

 

 

?  Để Khống Chế Chủ Nghĩa Bảo Thủ Cần Phải Giáo Dục Nữ Giới

 

Một trong những người đã tham dự trong cuộc gặp gỡ thắt kết tình hữu nghị giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo hôm Thứ Hai 25/9/2006 tại tông dinh nghỉ mát của giáo hoàng, là một trong 4 người nữ, đó là bà Souad Sbai, chủ tịch của liên hiệp chư cộng đồng Morocca ở Ý, người đã từng sống tại Ý 25 năm, hiện đang làm giám đốc của tờ nguyệt san Ả Rập Al Maghrebiya là tờ báo giành cho những người Ả Rập sống ở Ý, và đồng thời cũng là thành phần trong Hội Đồng Hồi Giáo là hội đồng được chính phú Ý thiết lập. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, bà đã bày tỏ nhận định của mình về chủ nghĩa bảo thủ Hồi Giáo, nhất là những thách đố liên quan tới nữ giới ở văn hóa Hồi Giáo.

 

Vấn:    Bà cảm thấy thế nào về bài diễn từ được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói ở Đại Học Đường Regensburg hôm 12/9?

 

Đáp:   Vị Giáo Hoàng này đã đáp lại những cuộc tranh cãi bằng cách sang trang, nêu lên một lần nữa đường lối đối thoại liên tôn, nhắc nhở đến quyền sống nhân nhượng nhau.

 

Đó là một cuộc gặp gỡ lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi đã chẳng bao giờ ngờ vực về những lời lẽ của ngài hết. Những rắc rối và những phản ứng bạo động đã chẳng những xuất phát từ sự hiểu lầm, mà còn từ cả hoạt động của thành phần quá khích vẫn chờ cơ hội để tấn công Đức Giáo Hoàng và tạo nên tình trạng bất ổn trong cộng đồng Hồi Giáo ôn hòa.

 

Chúng ta không được rơi vào lầm lỗi của thành phần cực đoan là những kẻ không muốn đối thoại. Cuộc đối thoại giữa Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Kitô Giáo là những gì xa xưa; nó đã hiện hữu qua các thế kỷ và cần phải được tiếp tục. Cần phải cô lập hóa thành phần cực đoan, để các người có tư cách âm thầm xuất hiện, thành phần có thể củng cố một Đạo Hồi ôn hòa và tích cực.

 

Việc hiện diện của Trung Tâm Hồi Giáo ở Rôma trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng là điều hệ trọng và ý nghĩa, vì đền thờ Hồi Giáo ở Vĩnh Cửu Thành này là đền thờ lớn nhất ở Âu Châu và có thành phần tín đồ muốn thực hiện cuộc đối thoại.

  

Vấn:    Đức Thánh Cha đã kêu gọi sống theo lý trí. Bà nghĩa sao?

 

Đáp:   Không có lý trí, người ta chẳng biết đâu mà đi. Tất cả mọi đạo giáo đều chú trọng tới lý trí.

 

Vấn:    Vậy thì người ta bắt đầu từ đâu?

 

Đáp:   Từ quan điểm này, tôi tin rằng người ta cần phải bắt đầu bằng việc giúp đỡ nữ giới là thành phần bị khước từ quyền tự do và quyền được học hành giáo dục. Ở Ý, có 86% nữ giới di dân mù chữ từ các quốc gia Hồi Giáo! Thành phần nữ giới di dân này, thành phần không biết đọc và biết viết này, cần phải được giúp đỡ để họ được giải phóng.

 

Họ là thành phần nữ giới sống tách biệt, bị đọa đầy, là nạn nhân của những tay cực đoan muốn tuân theo những luật lệ không hề hiện hữu. Những con người nữ giới này cần phải được giúp đỡ. Tín hữu Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo cần phải thực hiện sứ vụ giải thoát những con người đang sống trong tình trạng mù chữ và bạo lực này khỏi thảm cảnh của họ.

 

Một người bị mù chữ là người chẳng biết đến quyền lợi và nhiệm vụ của họ. Những người phụ nữ này là thành phần bị cô lập và đọa đầy giữa lòng Tây phương là mảnh đất của nhân quyền. Tôi không lo sợ trước thành phần duy chủng, vì tôi có thể nói chuyện với họ và đấu với họ. Điều tệ hơn thế nữa đó là thái độ dửng dưng của những ai nhắm mắt làm ngơ như chẳng có gì xẩy ra vậy.

 

Vấn:    Thế nhưng nhiều tín đồ Hồi Giáo lại sợ các tục lệ Tây phương, coi những tục lệ ấy là những gì băng hoại.

 

Đáp:   Tôi cảm thấy lo ngại khi thấy rằng có một số nữ giới đến Ý quốc và bắt đầu đội khăn choáng mặt – một điều mà họ không làm ở Morocco. Đôi khi xẩy ra tình trạng pha trộn các thứ tập tục nơi thành phần di dân từ Somalia, Morocco, Afghanistan và Pakistan, thành phần vốn theo chủ nghĩa bảo thủ. Bởi thế chúng ta bắt gặp phải những người phụ nữ nói về infibylation, về khăn che kín, và về vấn đề đa thê, những thực hành chúng tôi đã thắng vượt ở Morocco. Một ít người nữ biết rằng ở Morroco, luật lệ về gia đình đã được đổi thay và có nhiều quyền lợi hơn.

 

Theo quan điểm của tôi thì công việc của chính phủ Ý đó là tập trung vào hoạt động dạy chữ nghĩa cho thành phần nữ giới di dân, mà không quá quan tâm đến vấn đề bị chỉ trích về tiến trình đồng hóa. Tôi sinh ở Morocco; tôi đã sống ở Ý 25 năm; tôi cảm thấy mình là người Ý, nhưng tôi vẫn không bị mất đi một tí truyền thống nào của mình. Tôi chắc chắn là sẽ không tìm kiếm những tập tục tiêu cực nào.

 

Vấn:    Phải chăng việc phát triển về kinh tế là một mối đe dọa cho tín đồ Hồi Giáo?

 

Đáp:   Mối đe dọa thực sự là chủ nghĩa bảo thủ, chứ không là việc phát triển. Nhiều gia đình tín đồ Hồi Giáo sợ rằng nếu con gái của họ được giải phóng thì chúng sẽ trần truồng đi ra phố xá. Thế nhưng, không phải là tất cả mọi người nữ ở Ý đều ăn mặc một cách khêu gợi đâu. Người ta cũng không được căn cứ vào các thứ kiểu mẫu quá trớn xuất hiện trên truyền hình để nghĩ rằng tất cả mọi người đều giống như thế cả. Đại đa số nữ giới Ý quốc ăn mặc và sống một cách đoan trang nết na.

 

Vấn đề nguy hiểm là ở chỗ phản ứng theo những chủ trương bảo thủ. Vấn đề là cần phải tiến tới việc tôn trọng các thứ nhân quyền chung. Cần phải đề cập tới những thứ giá trị của tự do, nhừ Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến hôm 25/9. Việc tôn trọng tự do là một thứ giá trị không thể mang ra điều đình thương thảo được.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/9/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ