GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 5/10/2006

 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Trẻ Em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi hay chăng?

?  Một Tổ Chức Mới nhưng lại Cử Hành Lễ theo Nghi Thức Cũ

?  Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin

 

 

? Trẻ Em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi hay chăng?

 

Đây là một trong những vấn đề cần được bàn luận và được nêu lên trong văn kiện soạn thảo cho cuộc họp thường niên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế do chính Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin làm đầu là William Levada. Cuộc họp thường niên của ủy ban này năm 2006 được bắt đầu hôm Thứ Hai 2/10, và các văn kiện của ủy ban này không thuộc về huấn quyền của Giáo Hội, mà chỉ là gợi ý mà thôi.

 

Ngoài vấn đề phần rỗi của trẻ em tiền phép rửa ra, bản thông báo của văn phòng báo chí của tòa thánh về cuộc họp thường niên này còn cho biết hai vấn đề khác cũng được bàn tới, đó là vấn đề nhận định bản chất và phương pháp của thần học như là một khoa học đức tin “scientia fidei”, và vấn đề về nền tảng của luật luân lý tự nhiên theo chiều hướng hai thông điệp của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “Rạng Ngời Chân Lý – Veritatis Splendor” và “Đức Tin và Lý Trí – Fides et Ratio”.

 

Riêng về vấn đề hiện hữu của lâm bô cho trẻ em chết trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội, vào tháng 12/2005, vị tổng thư ký của ủy ban này là linh mục dòng Tên Luis Ladaria đã nói về bản văn này trên Đài Phát Thanh Vatican rằng “không có vấn đề định tín” và “vấn đề đấu giá tín lý Công Giáo” về lâm bô.

 

“Chúng ta biết rằng qua nhiều thế kỷ vẫn được tin tưởng rằng thành phần trẻ em này đi vào lâm bô, nơi họ hoan hưởng một hạnh phúc tự nhiên, nhưng không được Phúc Kiến. Căn cứ vào những diễn tiến mới đây, chẳng những về thần học mà còn về cả ghuấn quyền nữa, niềm tin này ngày nay đang bị chao đảo.

 

“Chúng ta cần phải bắt đầu bằng sự kiện là Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi và không muốn loại trừ bất cứ một ai; chúng ta cần phải dựa vào dữ kiện là Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, và Giáo Hội là một bí tích cứu độ phổ quát, như giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II. 

 

“Bởi thế, nếu chúng ta bắt đầu từ những giả thiết ấy, vấn đề cần phải được lãnh nhận phép rửa là những gì có tính cách bao rộng hơn nữa”.

 

(xin xem tiếp ngày mai: "Lâm Bô có thực sự hiện hữu hay chăng? – Cảm nghĩ của nguyên Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger")

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/10/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Một Tổ Chức Mới nhưng lại Cử Hành Lễ theo Nghi Thức Cũ

 

Có 5 vị linh mục và chủng sinh, bao gồm những phần tử thuộc Hội Thánh Piô X do ĐTGM Marcel Lefebvre thành lập, đã hoàn toàn trở về hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

 

Họ đã thành lập Viện Mục Tử Nhân Lành, một hội mới sống đời tông đồ thuộc quyền giáo hoàng, được thiết lập hôm Thứ Sáu 8/9/2006. Các phần tử của tổ chức mới này là những ai muốn cử hành phụng vụ hoàn toàn theo Giáo Hội Latinh có hiệu lực cho tới năm 1962.

 

Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, TGM Bordeaux, trong một bản thông báo đã cho biết là tổ chức này qui tụ các vị linh mục muốn “thực thi vai trò linh mục của mình theo Truyền Thống về tín lý và phụng vụ của Hội Thánh Công Giáo Rôma”.

 

Trong tông thư “Ecclesia Dei”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng việc tấn phong “bất hợp pháp” cho 4 giám mục thuộc Hội của ĐTGM Lefebvre hôm 30/6/1988 là một hành động ly giáo.

 

Việc tấn phong ấy đã làm đổ vỡ nỗ lực thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Hội Thánh Piô X, việc thỏa thuận được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin bấy giờ nhân danh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực hiện.

 

ĐTGM Fefebvre đã qua đời vào tháng 3/1991 và được kế vị bởi 1 trong 4 giám mục được ngài tấn phong ấy, đó là giám mục Bernard Fellay, trong vai trò lãnh đạo hội này.

 

Trong bản thông báo của mình, ĐHY Ricard đã viết: “Từ ban đầu giáo triều của mình, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã bày tỏ mối quan tâm của ngài đối với việc trở về hoàn toàn hiệp thông nơi những ai đã theo ĐTGM Lefebvre và muốn tỏ ra những cử chỉ đón nhận”.

 

Vị hồng y 61 tuổi đương kim chủ tịch hội đồng giám mục Pháp quốc này đã giải thích rằng “chính Đức Giáo Hoàng đã quyết định cho thiết lập tổ chức này. Quyết định này chất chứa một ước muốn bày tỏ cảm nghiệm về việc hòa giải và hiệp thông là những gì cần phải được củng cố và sâu xa bằng những việc làm. Đó là lý do hiến pháp của tổ chức này đã được phê chuẩn ‘ad experimentum – cho thí nghiệm’ trong một thời hạn 5 năm.

 

“Chúng tôi sâu xa liên kết với mối quan tâm về việc hòa giải và hiệp thông này của Đức Giáo Hoàng, và chúng tôi đón nhận quyết định của ngài bằng tình con thảo”.

 

Vị hồng y này cũng là phần tử của Ủy Ban Giáo Hoàng “Ecclesia Dei”, một ủy ban đã được Đức Gioan Phaolô II thiết lập để làm cho dễ dàng hóa mối hiệp thông trọn vẹn với giáo hội của những vị linh mục, chủng sinh, cộng đồng và những thành phần tu sĩ nam nữ liên quan một cách nào đó với nhóm của ĐTGM Lefebvre, thành phần muốn hiệp nhất với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô trong Giáo Hội Công Giáo, bằng cách giữ những truyền thống tu đức và phụng vụ của họ.  

 

ĐTGM Bordeaux nói rằng sẽ có một bản “thỏa ước “ được chấp thuận giữa tổ chức này với TGP của ngài về cách thức tổ chức này hoạt động.

 

Vị hồng y TGM này nhìn nhận rằng điều cần thiết đó là “hết sức cố gắng lắng dịu, hòa giải và hiệp thông, vìi bạo động đã xẩy ra cho mối liên hệ trong những tháng vừa qua nơi một số phần tử thuộc tổ chức ấy với Giáo Hội địa phương. Mỗi bên sẽ phải đóng góp phần của mình”.

 

Giám Mục Fellay, vị lãnh đạo của Hội Thánh Piô X, đã phổ biến một tuyên cáo cũng vào hôm Thứ Sáu, bày tỏ thái độ phản đối về thỏa ước đạt được bởi tổ chức này, vì ngài tin rằng tổ chức này là “một giải quyết chung làm cho Lễ Triđentinô bị giới hạn lại vào một thứ qui chế riêng”.

 

Những thành phần khác theo ĐTGM Lefebvre cũng đã hòa giải với Rôma, như trường hợp của một nhóm ở Campos Ba Tây được lãnh đạo bởi Giám Mục Licinio Rangel, vị được tấn phong bởi 3 giám mục do ĐTGM Lefebvre tấn phong bất hợp pháp. Nhóm này trở lại với Giáo Hội Công Giáo ngày 18/2/2002, trong một nghi thức trọng thể được chủ tọa bởi ĐHY Darío Castrillón Hoyos, chủ tịch Ủy Ban “Ecclesia Dei”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/9/2006

 

 

TOP

 

 

?  Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin

 

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo man5g điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

17.       Qua việc chúng ta được hiệp thông với mình máu của Người, Chúa Kitô cũng ban cho chúng ta Thần Linh của Người nữa. Thánh Ephrem viết: “Người đã gọi thứ bánh này là thân mình của Người và Người đã làm cho bánh ấy tràn đầy Người cùng với Thần Linh của Người…

Ai lấy đức tin mà ăn bánh ấy là ăn Lửa và Thần Linh… Hãy nhận lấy mà ăn, tất cả anh chị em, và hãy ăn Thánh Linh nơi bánh này. Vì đó thật là mình của Tôi nên ai ăn bánh ấy sẽ được sự sống đời đời” (27). Giáo Hội kêu xin Tặng Ân thần linh này, nguồn mạch của hết mọi tặng ân khác, nơi việc nguyện cầu Thánh Thần xuống để biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong Giờ Thần Vụ của Thánh John Chrysostom chẳng hạn, chúng ta thấy có lời nguyện rằng: “Chúng tôi cầu khẩn, kêu xinvà van nài Chúa hãy sai Thánh Thần của Chúa xuống trên tất cả chúng con cũng như trên những lễ vật này… để những ai lãnh nhận những lễ vật ấy được tinh sạch trong tâm hồn, được ơn tha thứ lỗi lầm, và được thông phần Thánh Thần” (28). Trong Sách Lễ Rôma, vị chủ tế nguyện rằng: “Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi mình máu Người được tràn đầy Thánh Thần của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô” (29). Như thế, nhờ tặng ân mình máu của Người, Chúa Kitô làm tăng lên trong chúng ta tặng ân Thàn Linh của Người đã được tuonân đå xuống trên chúng ta qua Phép Rửa cũng như đã được ban xuống cho chúng ta như “dấu ấn” qua bí tích Thêm Sức.

18.       Lời tung hô của cộng đồng sau phần truyền phép được chấm dứt một cách rất thích đáng với câu diễn tả cái trục cánh chung là yếu tố làm nên đặc tính của việc cử hành Thánh Thể (x 1Cor 11:26), đó là câu “cho đến khi Chúa lại đến”. Thánh Thể là một vươn rộng kéo dài tới đích điểm, là một tiên hưởng niềm vui trọn vẹn như Chúa Kitô hứa hẹn (x Jn 15:11); Thánh Thể là tiên vọng được thừa hưởng nước trời một cách nào đó, là “một bảo chứng cho vinh quang mai hậu” (30). Thánh Thể chất chứa tất cả những gì là tin tưởng đợi trông “với một niềm hân hoan hy vọng về việc tái giáng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta” (31). Những ai được Chúa Kitô dưỡng nuôi bằng Thánh Thể không cần phải đời chờ cho đến đời sau mới thừa hưởng sự sống trường sinh, vì họ đã chiếm hữu được sự sống này ngay trên trần gian, như là những hoa trái đầu mùa của một tình trạng toàn mãn mai hậu, một tình trạng sẽ làm cho con người nên thành toàn trọn vẹn. Vì nơi Thánh Thể, chúng ta cũng có cả bảo chứng về việc phục sinh của thân xác vào ngày tận thế: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:54). Lời bảo chứng cho việc sống lại sau này ấy phát xuất từ sự kiện là xác thịt của Con Người được ban hiến như lương thực, là thân thể của Người ở trong tình trạng vinh hiển sau cuộc phục sinh. Lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta thực sự tiêu hóa “cái bí mật” của việc phục sinh vậy. Đó là lý do Thánh Ignatiô Antiôkia đã có lý cho Bánh Thánh Thể là “một phương dược bất tử, là một kháng tố chống tử vong” (32).

19.       Chiều kích cánh chung được Thánh Thể thắp lên đã thể hiện và củng cố mối hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội thiên đình. Không phải là ngẫu nhiên mà các bài Kinh Nguyện Thánh Thể Đông Phương và Latinh đã tôn kính Mẹ Maria, người Mẹ trọn đời Trinh Nguyên của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, tôn kính các thiên thần, các thánh tông đồ, các vị tử đạo hiển vinh cùng tất cả mọi vị thánh nam nữ. Đây là một khía cạnh của Thánh Thể cần phải chú trọng hơn nữa, ở chỗ, khi cử hành hiến tế của Con Chiên là chúng ta được hiệp nhất với “phụng vụ” thiên đình, và trở thành một phần trong trong đám đông vô số người kêu lên rằng: “Ơn cứu độ là của Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai, và của Con Chiên!” (Rev 7:10). Thánh Thể thực sự là một thoáng nhìn về trời xuất hiện trên thế gian này. Thánh Thể là một tia sáng hiển vinh của Thành Giêrusalem thiên quốc xuyên thấu các tầng mây lịch sử của chúng ta để soi đường dẫn lối cho cuộc lữ hành của chúng ta.

20.       Thành quả đáng kể của chiều kích cánh chung chất chứa nơi Thánh Thể còn ở sự kiện là Thánh Thể thúc đẩy chúng ta tiến bước lữ hành qua giòng lịch sử và gieo một mầm mống hy vọng sống động nơi việc dấn thân hằng ngày của chúng ta đối với công việc trước mắt. Nhãn quan Kitô giáo bao giờ cũng dẫn đến niềm trông đợi “trời mới” và “đất mới” (Rev 21:1), thế nhưng nhãn quan này thay vì làm suy yếu lại làm tăng thêm cảm quan trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay (33). Tôi muốn tái xác nhận điều này một cách mạnh mẽ vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ đây, để Kitô hữu cảm nhận được hơn bao giờ hết trách nhiệm không được lơ là với nhiệm vụ là công dân trần thế của mình. Nhiệm vụ của họ đó là việc họ theo tinh thần Phúc Âm đóng góp vào vấn đề xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hoàn toàn hòa hợp với dự án của Thiên Chúa.

Nhiều vấn đề đã làm tăm tối cả chân trời thời đại của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến nhu cầu khẩn trương trong việc hoạt động cho hòa bình, trong việc đặt các mối liên hệ giữa các dân tộc trên những nền tảng công lý và đoàn kết vững vàng, cũng như trong việc bênh vực sự sống con người từ khi được hoài thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Và chúng ta phải nói làm sao về cả hàng ngàn thứ bất nhất ở một thế giới “được toàn cầu hóa”, nơi mà thành phần yếu kém nhất, thành phần bất lực nhất và thành phần bần cùng nhất là những thành phần dường như chẳng có hy vọng là bao! Chính trong một thế giới như vậy mà niềm hy vọng Kitô giáo cần phải sáng tỏ! Cũng chính vì lý do này nữa mà Chúa Kitô muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, bằng cách biến việc hiện diện của Người qua hình thức bữa ăn và hiến tế thành một niềm hứa hẹn cho một thứ nhân loại được canh tân bởi tình yêu của Người. Thật vậy, qua trình thuật về Bữa Tiệc Ly của mình, trong khi các Phúc Âm Nhất Lãm đã kể lại việc thiết lập Thánh Thể, thì Phúc Âm Thánh Gioan, như để mang lại ý nghĩa sâu xa của việc thiết lập này, lại kể đến đoạn “rửa chân”, đoạn cho thấy Chúa Giêsu tỏ mình ra như một vị tôn sư về mối hiệp thông và phục vụ (x Jn 13:1-20). Về phần mình, Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói rằng thật là “bất xứng” cho một cộng đồng Kitô hữu tham phần vào Bữa Tối của Chúa mà lại ở trong tình trạng chia rẽ và dửng dưng với thành phần nghèo khổ (x 1Cor 11:17-22,27-34) (34).

Lời công bố việc Chúa chịu chết “cho đến khi Chúa lại đến” (1Cor 11:26) đòi tất cả những ai tham dự vào Thánh Thể phải quyết tâm thay đổi cuộc đời của mình và làm cho nó hoàn toàn là “Thánh Thể” một cách nào đó. Chính hoa trái của một cuộc sống được biến đổi cũng như của một cuộc dấn thân biến đổi thế giới theo tinh thần Phúc Âm này là những gì làm sáng tỏ rạng ngời chiều kích cánh chung được chất chứa nơi cả việc cử hành Thánh Thể cũng như nơi đời sống Kitô hữu: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Rev 22:20).

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)
 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ