GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 7/10/2006

 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Mẹ Mân Côi Thắng Trận với Cuộc Hải Chiến Lepanto Ngày 7/10/1571

?  Các Bác Sĩ Kitô Giáo từ chối “trở thành những tay hành quyết”

?   “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort): ‘Ad Jesum per Mariam’ nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu

 

 

Lễ/Tháng Mẹ Mân Côi 7/10
 

 

? Đức Mẹ Mân Côi Thắng Trận với Cuộc Hải Chiến Lepanto Ngày 7/10/1571

 

Thánh Đaminh đã lãnh nhận kinh mân côi từ Đức Trinh Nữ Maria trong một thị kiến đang khi ngài cố gắng để hoán cải thành phần bè rối Albigensê năm 1208. Mẹ Maria đã nói với vị đại thánh này rằng kinh mân côi là “một thứ vũ khí được Thiên Chúa Ba Ngôi có ý sử dụng để canh tân thế giới”. Trong Trận Chiến ở Muret ngày 12/9/1213, kinh nguyện Thánh Mẫu này đã đánh bại bè rối Albegensê và sau đó một đền thờ đầu tiên được xây cất kính Đức Mẹ Thắng Trận.

 

Qua các thế kỷ, kinh mân côi đã được lần đặc biệt trong những lúc nguy hiểm để van nài việc trợ giúp của Đức Nữ Trinh này. Ngày 7/10/2006 này là năm thứ 435 kỷ niệm Trận Hải Chiến Lepantô, một biến cố đã mang lại cho thế giới một thánh lễ mân côi.

 

Khắp thế kỷ 16, những cuộc đụng độ về hải quân với hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng gia tăng. Sauk hi chiếm được thành Constantinople của đế quốc Byzantine năm 1453, Quân D8ến Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một hạm đội với mục đích chiến thắng toàn thể Âu Châu,, trước hết bằng đường biển sau bằng đường bộ.

 

Hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ là một hạm đội hầu như bất khả thắng. Họ đã chiếm Cyprus, Rhodes và chỉ gần như bị đẩy lui ở Malta mà thôi.

 

Thánh Giáo Hoàng Piô V, một nhà cải cách dòng Đaminh và là bạn của Thánh Charles Borromeo, đã hy vọng ngăn chặn được một cuộc tấn công không thể tránh sắp tới trước khi nó xẩy ra, và tìm cách qui tụ vua của nước Tây Ban Nha cùng các nước cộng hòa Venice và Genoa hợp với hạm đội của đức giáo hoàng trong việc chặn đứng hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ rời vùng biển riêng của nó.

 

Lực lượng liên minh quan đáng kể này bao gồm nhiều kẻ thù truyền kiếp, thành phần đã quyết định gạt bỏ những khác biệt của mình ra ngoài để hỗ trợ việc chung. Họ đã hạ thủy 200 chiếc tầu hùng mạnh để giao chiến với 220 tầu của hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Thánh Giáo Hoàng Piô V, ngoài việc thống hối cá nhân, đã kêu gọi toàn thế giới Kitô hữu hãy cầu kinh mân côi và tổ chức những cuộc cung nghinh Đức Mẹ khắp thành phố để cầu cùng Mẹ Maria. Vào ngày 7/10/1571, trong khi đang làm việc với các vị hồng y của mình, vị giáo hoàng này đã ngước mắt lên mà nói: “Cuộc ngừng bắn đã xẩy ra, công việc lớn lao của chúng ta vào lúc này là tạ ơn Thiên Chúa về chiến thắng Ngài vừa ban cho quân đội Kitô Giáo”.

 

Thật vậy, một ít giờ đồng hồ sau đó, Don John của Áo quốc, vị tổng chỉ huy của Liên Minh Thánh, đã chiến thắng vào ngày hôm ấy, chẳng những đánh bại hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ mà còn giải phóng cho gần 20 ngàn nô lệ Kitô hữu khỏi các tầu bè của người Thổ.

 

Bởi thế ban đầu đã có Lễ Đức Bà Thắng Trận, sau được Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi, và đã phổ biến cho toàn thế giới bởi Đức Clêmentê vào năm 1716.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ đã nhắc nhở người Công Giáo rằng, trong thời đại tân tiến của chúng ta đây, chúng ta hơn bao giờ hết cần đến kinh mân côi. Sau biến cố 11/9/2001, ngài đã tuyên bố rằng: “trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tôi kêu mời tất cả mọi người – cá nhân, gia đình, cộng đồng – hãy cầu kinh nguyện Thánh Mẫu này, hằng ngày có thể, cho hòa bình, nhờ đó, thế giới được giữ cho khỏi nạn khủng bố gian ác”. Năm sau đó, ngài đã mở Năm Mân Côi (2003-1004) và thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng vào tràng kinh mân côi 150.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/10/2006 

 

TOP

 

 

 ? Các Bác Sĩ Kitô Giáo từ chối “trở thành những tay hành quyết”

 

Để đáp ứng bản tường trình mới nhất của Tiểu Ban Tham Vấn Đạo Lý Sinh Học ở Catalonia Tây Ban Nha về vấn đề triệt sinh an tử, một hiệp hội các bác sĩ Kitô Giáo đã phổ biến một bản tuyên cáo nói rằng: “Thành phần bác sĩ chúng tôi không muốn trở thành những tay hành quyết”.

 

Bản tuyên cáo này được viết bởi vị chủ tịch của Hiệp Hội Các Bác Sĩ Kitô Giáo ở Catalonia là Ferran García-Fària đã coi việc triệt sinh an tử “ở ngoài phạm vi cung cấp của thành phần chuyên nghiệp”, và khẳng định rằng mục đích của các vị bác sĩ là để chữa trị và cải tiến thành phần bệnh nhân.

 

Bản tuyên cáo này cũng đồng thời cảnh báo là việc chấp nhận thực hiện trường hợp triệt sinh an tử đầu tiên “sẽ gây ra cả một làn sóng triệt sinh an tử bao gồm cả thành phần tật nguyền, thành phần loạn óc và thành phần già lão nữa”.

 

“Khi những gì vốn bị cấm đoán được ban phép thi hành thì nó càng được coi là bình thường, nhất là nếu được nhiều thuận lợi về tài chính chung riêng và được bênh vực bởi một số luồng trào lưu ý hệ”.

 

Đối với hiệp hội này thì việc hợp pháp hóa vấn đề triệt sinh an tử bao hàm một “thứ sa đọa về đạo lý”, một thứ sa đọa đi từ chỗ trình bày vấn đề triệt sinh an tử như là những gì có thể áp dụng được trong những trường hợp thái quá theo việc kiểm soát chặt chẽ của luật lệ, đến chỗ tổng quát hóa vấn đề áp dụng của nó cho những thành phần bệnh nhân phù hợp với luật lệ, trong đó vấn đề triệt sinh an tử ngoài ý muốn sẽ trở thành một trách nhiệm đối với những ai chấp nhận việc tự nguyện.

 

Bản tuyên cáo nhấn mạnh đến vấn đề phẩm giá của con người bao giờ cũng có “một giá trị nội tại tuyệt đối”, cũng như đến trách nhiệm cần phải bênh vực nhân phẩm này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/10/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort): ‘Ad Jesum per Mariam’ nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:

Thư Gửi Chư Gia Đình Hội Dòng Montfort

Nhân Dịp Kỷ Niệm 160 Năm (1843-2003)

Xuất Bản Tác Phẩm “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”

 

Gửi Tu Sĩ Nam Nữ Chư Gia Đình Montfort

 

‘Ad Jesum per Mariam’ nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu

 

2.         Thánh Louis Marie đã đề ra một việc ưu ái chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể một cách hiệu nghiệm ngoại thường. Việc tôn sùng Thánh Mẫu chân thực là việc tôn sùng lấy Chúa Kitô là tâm điểm. Thật thế, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở, ‘khi thiết tha suy niệm về Người (Mẹ Maria) và chiêm ngắm Người theo chiều hướng Lời nhập thể là Giáo Hội cung kính tiến vào sâu hơn mầu nhiệm Nhập Thể trọng đại’ (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 65).

 

Lòng mến yêu Thiên Chúa bằng việc hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu Kitô là mục đích của hết mọi việc tôn sùng, vì Chúa Kitô, như Thánh Louis Marie viết: ‘là Vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, Đấng dạy dỗ chúng ta; là Vị Chúa duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải lệ thuộc; là Thủ Lãnh duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải liên kết; là Mô Phạm duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải nên giống; là Y Sĩ duy nhất của chúng ta, Đấng có thể chữa lành chúng ta; là Mục Tử duy nhất của chúng ta, Đấng có thể dưỡng nuôi chúng ta; và là Tất Cả duy nhất của chúng ta trong mọi sự, Đấng có thể làm chúng ta mãn nguyện’ (Treatise on True Devotion, n. 61). (Biệt chú của người dịch: đoạn trích dẫn này cũng đã được Đức Thánh Cha dùng để kết thúc bài giáo lý về việc ‘Chúa Giêsu hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người’, trong buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 4/2/1998).

 

3.         Việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria là một phương tiện đặc biệt ‘để tìm gặp Chúa Giêsu Kitô một cách trọn vẹn, để yêu mến Người một cách thiết tha, để phục vụ Người một cách trung thành’ (Treatise on True Devotion, n. 62). Thánh Louis liền nới rộng ước muốn ‘yêu mến cách thiết tha’ chính yếu này thành một lời nguyện cầu tha thiết cùng Chúa Giêsu, van xin Người ban cho ân huệ được tham dự vào mối hiệp thông yêu thương khôn tả giữa Người và Mẹ của Người. 

 

Tính cách hoàn toàn tương đối của Mẹ Maria đối với Chúa Kitô, và qua Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi, là những gì được cảm nghiệm đầu tiên qua nhận định: ‘Bạn không bao giờ nghĩ về Mẹ Maria mà Mẹ Maria lại không chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho bạn. Bạn không bao giờ ca ngợi hay tôn vinh Mẹ Maria mà Mẹ Maria không ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa với bạn. Mẹ Maria hoàn toàn tương đối với Thiên Chúa; thật vậy, tôi có thể thực sự gọi Mẹ là mối liên hệ với Thiên Chúa. Mẹ chỉ hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa. Mẹ là âm vang của Thiên Chúa, Mẹ không nói gì, lập lại gì, ngoài Thiên Chúa. Nếu bạn nói ‘Maria’ thì Mẹ nói ‘Thiên Chúa’. Thánh Isave ca ngợi Mẹ Maria và khen Mẹ diễm phúc vì Mẹ đã tin. Mẹ Maria, tiếng âm vang trung thực của Thiên Chúa, liền cất tiếng: ‘Magnificat anima mea Dominum’, ‘Linh hồn tôi chúc tụng Chúa’ (Lk 1:46). Mẹ Maria đã làm những gì hồi ấy thì giờ đây Mẹ vẫn làm hằng ngày. Khi chúc ta ca ngợi Mẹ, mến yêu Mẹ, tôn vinh Mẹ hay dâng bất cứ sự gì cho Mẹ, thì chính Thiên Chúa là Đấng được ngợi khen, chính Thiên Chúa được yêu mến, chính Thiên Chúa được tôn vinh, và chính Thiên Chúa là Đấng chúng ta hiến dâng nhờ Mẹ Maria và trong Mẹ Maria’ (cf. Treatise on True Devotion, n. 225).

 

Cũng thế, trong việc nguyện cầu cùng Mẹ Chúa Kitô, Thánh Louis Montfort đã cho thấy chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mối liên hệ của ngài với Thiên Chúa như sau: ‘Kính mừng Maria, Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha Hằng Hữu! Kính mừng Maria, Người Mẹ đáng ca ngợi của Chúa Con! Kính mừng Maria, Bạn Tình trung thành của Thánh Thần!’ (The Secret of Mary, p. 71). Mặc dù lời chào truyền thống này trước đây đã được Thánh Phanxicô Assisi sử dụng (cf. Fonti Francescane, 281) chất chứa những mức độ khác nhau về tính cách tương tự, vẫn không sợ sai lầm khi cho rằng nó thực sự diễn tả việc Đức Mẹ đặc biệt tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

4.         Thánh Louis Montfort chiêm ngưỡng tất cả mọi mầu nhiệm, bắt đầu từ mầu nhiệm Nhập Thể được diễn ra vào giây phút Truyền Tin. Bởi thế, trong cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ, Mẹ Maria xuất hiện như là ‘một địa đường trần thế thực sự của Tân Adong’, và như là ‘trái đất trinh nguyên và vô nhiễm’ Người được hình thành (số 261). Mẹ cũng là Tân Evà, liên kết với Tân Adong trong việc tuân phục dể đền bù việc bất tuân phục ban đầu của người nam và người nữ (cf. ibid., n. 53; St Irenaeus, Adversus Haereses, III, 21, 10-22, 4). Bằng việc tuân phục này, Con Thiên Chúa đã vào trần gian. Chính Thập Giá đã nhiệm mầu hiện diện ở giây phút Nhập Thể, ở chính giây phút Chúa Giêsu được thụ thai trong cung lòng Mẹ Maria. Thật thế, câu ecce venio - này Con xin đến trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái (x 10:5-9) là tác động nguyên khởi của việc Con tuân phục Cha, việc Người chấp nhận hy hiến cứu chuộc đã có ngay từ lúc ‘Chúa Kitô vào trần gian’.

 

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort viết ‘Tất cả sự trọn lành của chúng ta đều ở tại việc nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô; và vì thế, việc tôn sùng trọn hảo nhất trong tất cả mọi việc tôn sùng chắc chắn phải là việc tôn sùng làm cho chúng ta được nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô nhất. Bởi vậy, nếu Mẹ Maria giống Chúa Giêsu Kitô nhất trong tất cả mọi tạo vật thì, trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn sùng làm cho linh hồn chúng ta tận hiến và nên giống Chúa chúng ta nhất đó là việc tôn sùng Mẹ thánh của Người, và một linh hồn càng tận hiến cho Mẹ Maria họ càng tận hiến cho Chúa Giêsu’ (Treatise on True Devotion, n. 120). Nói với Chúa Giêsu, Thánh Louis Marie bày tỏ cái kỳ diệu của mối hiệp nhất giữa Người Con và Người Mẹ như sau: ‘Nhờ ân sủng Mẹ được biến đổi thành Chúa đến nỗi Mẹ không còn sống nữa, như thể Mẹ không còn là Mẹ nữa. Chính một mình Chúa, ôi Chúa Giêsu, là Đấng sống trong Mẹ và ngự trị trong Mẹ… A! Giá chúng con biết được vinh hiển và tình yêu Chúa nhận được từ tạo vật đáng ca ngợi này… Mẹ rất hiệp nhất thân mật với Chúa… Mẹ yêu mến Chúa một cách tha thiết hơn và tôn vinh Chúa trọn hảo hơn tất cả mọi tạo vật khác hợp lại’ (ibid, đoạn 63).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

(còn tiếp vào các ngày Thứ Bảy)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ