GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 8/10/2006 TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biễn Đức XVI với Hội Nghị của Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống ngày 16/9/2006 về Chủ Đề “Các Thứ Thân Bào: Tương Lai Ra Sao Đối Với Việc Trị Liệu?”
? "Tôn Giáo không thể là nguồn gốc của vấn đề Xung Đột, chiến tranh hay bất cứ một thứ bạo động nào khác”.
? Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Con Người / Dies Hominis: Chúa Nhật: Ngày của Niềm Vui, Nghỉ Ngơi và Kết Đoàn
Đức Thánh Cha Biễn Đức XVI với Hội Nghị của Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống ngày 16/9/2006 về Chủ Đề “Các Thứ Thân Bào: Tương Lai Ra Sao Đối Với Việc Trị Liệu?”
Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,
Quí Tôn Bà Tôn Ông,
Tôi xin gửi lời chào thân ái đến cùng tất cả quí vị. Cuộc gặp gỡ với quí vị, thành phần khoa học gia và học giả dấn thân cho việc nghiên cứu về vấn đề trị liệu những chứng bệnh đang trầm trọng cho phối nhân loại, là một điều làm tôi cảm thấy đặc biệt an ủi.
Tôi xin cám ơn những vị tổ chức đã phát động Hội Nghị này về một đề tài càng ngày càng trở nên hệ trọng trong những năm gần đây. Đề tài đặc biệt của cuộc Hội Luận được cấu trúc một cách thích hợp bằng một vấn nạn hướng về tương lai, đó là: “Các thứ thân bào: tương lai của việc trị liệu ra sao?”
Tôi xin cám ơn Đức Giám Mục Elio Sgreccia, Chủ Tịch của Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống, về những lời lẽ tốt đẹp của ngài, cũng thay mặt cho cả Liên Hiệp Thế Giới Chư Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo (FIAMC: International Federation of Catholic Medical Associations), một hiệp hội đã cộng tác vào việc tổ chức Hội Nghị này và có vị đại diện ở đây là Giáo Sư Gianluigi Gigli, Vị Chủ Tịch sắp mãn nhiệm, và Giáo Sư Simon de Castellvi, Vị Chủ Tịch vừa được tuyển bầu.
Khi khoa học được áp dụng cho việc làm giảm bớt sự đớn đau và khi nó khám phá rằng theo cách thức riêng của nó những phương phát mới, thì nó tỏ ra hai bộ mặt phong phú về nhân loại: ở tính cách khéo léo khả thủ được đầu tư vào việc nghiên cứu, và ở cái lợi ích được loan báo đến cho tất cả những ai bị bệnh nạn hành hạ.
Những ai cung cấp phương tiện tài chính và khuyến khích những cơ cấu cần thiết cho việc nghiên cứu học hỏi là thành phần cũng có công trong việc tiến bộ trên con đường văn minh ấy.
Nhân dịp này, tôi muốn lập lại những gì tôi đã nói ở Buổi Triều Kiến Chung gần đây: “Việc tiến bộ trở thành tiến bộ thực sự chỉ khi nào nó phục vụ con người, và chỉ khi nào con người phát triển, chẳng những về quyền lực kỹ thuật của họ, mà còn về ý thức luân lý của họ nữa” (16/8/2006).
Theo chiều hướng ấy thì việc nghiên cứu thân bào cũng đáng được chấp nhận và khuyến khích khi nó khéo léo hòa hợp lại với nhau kiến thức khoa học, kỹ thuật tân tiến nhất nơi ngành sinh học và lãnh vực đạo lý liên quan tới việc tôn trọng con người ở mọi giai đoạn cuộc đời họ sống.
Những viễn tượng được mở ra bởi khúc quanh mới này là những gì tự chúng lđang lôi cuốn, vì chúng cống hiến một thoáng nhìn thấy việc khả trị những chứng bệnh mô sợi bị suy thoái đi đến chỗ gây nguy hiểm tật nguyền và chết chóc cho những ai bị nhiễm mắc.
Làm sao lại không cảm thấy có nhiệm vụ trong việc ca ngợi tất cả những ai dấn thân cho việc nghiên cứu này cũng như tất cả những ai nâng đỡ tổ chức ấy cùng gánh chịu các thứ tốn kém của nó?
Tôi đặc biệt thiết tha xin các cơ cấu khoa học đã lôi kéo hứng khởi của họ cũng như tổ chức của Giáo Hội Công Giáo hãy gia tăng thứ nghiên cứu này, và hãy thiết lập việc liên hệ chặt chẽ khả dĩ nhất với nhau cũng như với những ai tìm cách làm giảm bớt đi sự đớn đau của con người bằng những đường lối thích đáng.
Trước những cáo buộc phi cảm ứng thường xuyên xẩy ra một cách bất công nhắm đến Giáo Hội, xin cho tôi cũng được nói lên ở đây việc Giáo Hội liên lỉ ủng hộ việc nghiên cứu nhắm đến chỗ chữa lành các thứ bệnh tật để đem lại thiệc ích cho nhân loại qua 2000 năm lịch sử của Giáo Hội.
Nếu đã từng xẩy ra việc chống cự nào – và nếu vẫn đang còn xẩy ra việc chống cự ấy – thì đó đã là và đang là những thứ chống đối những hình thức nghiên cứu nhắm đến việc cố tình làm triệt tiêu con người đang hiện hữu, cho dù họ chưa được sinh ra. Trong các trường hợp như thế thì việc nghiên cứu, bất kể có những thành quả trị liệu hiệu năng, thực sự không phải là những gì phục vụ nhân loại.
Thật thế, việc nghiên cứu này đạt được tiến bộ bằng việc triệt tiêu sự sống con người, một sự sống có giá trị tương đương với các sự sống của những cá nhân khác cũng như sự sống của chính thành phần nghiên cứu.
Chính lịch sử đã lên án một thứ khoa học như thế trong quá khứ và sẽ lean án nó trong tương lai, chẳng những vì nó thiếu ánh sáng của Thiên Chúa mà còn vì nó thiếu cả nhân tính nữa.
Tôi xin lập lại ở đây những gì tôi đã viết cách đây ít lâu: Vấn đề ở đây là chúng ta không thể nào cứ chạy loanh quanh; không ai được quyền triệt hạ sự sống con người. Cần phải thiết lập một giới hạn bất khả vượt qua đối với khả năng thực hiện và thí nghiệm của chúng ta. Nhân loại không phải là một đối tượng khả triệt, trái lại, hết mọi cá thể đều cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới này (cf. J. Ratzinger, God and the World, Ignatius Press, 2002).
Không thể nào có vấn đề dung hòa hay lảng tránh trước việc thực sự triệt hạ con người. Người ta không thể nghĩ rằng một xã hội có thể chiến đấu với tội ác một cách hiệu nghiệm khi chính xã hội lại hợp pháp hóa tội ác trong lãnh vực của sự sống được thụ thai.
Vào dịp của các Cuộc Hội Nghị gần đây của Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống, tôi đã có cơ hội để tái thẩm định giáo huấn của Giáo Hội, một giáo huấn được ngỏ cùng tất cả mọi con người thành tâm thiện chí, về giá trị nhân bản của một con trẻ vừa mới được thụ thai, cũng như vào thời điểm được coi là tiền cấy vào tử cung.
Sự kiện quí vị ở Hội Nghị này đã bày tỏ việc quí vị quyết tâm và hy vọng chiếm đạt được những thánh quả trị liệu mới từ việc sử dụng các thứ tế bào nơi thân thể người lớn mà không cần đến đường lối triệt tiêu những con người mới được thụ thai, và sự kiện hoạt động của quí vị đang được tưởng thưởng bằng những thành quả, là những gì khẳng định tính cách hiệu năng của lời Giáo Hội liên lỉ mời gọi hết sức tôn trọng con người từ khi được thụ thai. Thiện ích của con người chẳng những cần phải tìm kiếm theo những mục đích hiệu năng phổ quát mà còn bằng những phương pháp được sử dụng để đạt tới những mục đích ấy nữa.
Một thành quả tốt đẹp không bao giờ có thể biện minh cho những phương tiện tự bản chất bất hợp pháp. Vấn đề không phải chỉ là vấn đề của một thứ qui chuẩn về sức khỏe liên quan tới việc sử dụng những nguồn tài chính giới hạn, mà còn, trên hết, là vấn đề tôn trọng các thứ nhân quyền căn bản của con người nơi chính việc nghiên cứu khoa học nữa.
Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ làm cho các nỗ lực của quí vị – những nỗ lực chắc chắn được nâng đỡ bởi Thiên Chúa là Đấng tác hành nơi hết mọi con người thành tâm thiện chí và cho thiện ích của tất cả mọi người – niềm vui trong việc khám phá chân lý, khôn ngoan trong việc quan tâm và tôn trọng hết mọi con người, và thành đạt trong việc nghiên cứu những phương dược hiệu nghiệm cho nỗi đớn đau của con người.
Để niêm ấn niềm hy vọng này, cùng với lời hứa nguyện cầu của mình, tôi thân ái ban Phép Lành cảm mến cho tất cả quí vị, cho những người hợp tác với quí vị và cho thân quyến của quí vị, cũng như cho các bệnh nhân là thành phần sẽ được lợi ích bởi sự khéo léo và tài xoay sở của quí vị cùng với các thành quả nơi hoạt động của quí vị,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
? "Tôn Giáo không thể là nguồn gốc của vấn đề Xung Đột, chiến tranh hay bất cứ một thứ bạo động nào khác”.
Sau đây là nguyên văn bài nhận định của Đức Giám Mục Thomas Wenski giáo phận Orlando về sự liên hệ giữa tín đồ Hồi Giáo và tín đồ Công Giáo, một bài nhận định được phổ biến trên tờ Orlando Sentinel hôm 26/9/2006.
“Những phản ứng bạo động của một số trong thế giới Hồi Giáo, sau bài diễn văn về hàn lâm của Đức Giáo Hoàng ở một đại học đường ngài đã từng giảng dạy, đã bừng lên không phải vì các lời lẽ của ngài cho bằng bởi những kẻ tìm cách mạo dụng các nhiệt tình tôn giáo để phục vụ một thứ ý hệ hân thù. Những ai lạm dụng đức tin tôn giáo như thế là tác hại các giáo huấn của Hồi Giáo còn trầm trọng hơn là cái va chạm nhẹ nhàng xẩy ra (một cách vô tình) từ Vị Giám Mục Rôma.
“Những gì ngài thực sự nói, nếu được trích dẫn theo đúng bố cục của nó, không thể nào lại biện minh cho việc bạo động được dính dáng tới những cuộc phản đối được tổ chức thực hiện khoảng 3 ngày sau bài diễn văn. Có đọc kỹ bài nói của ngài mới thấy được lập luận rất hợp lý chống lại vấn đề bạo lực nhân danh tôn giáo và một tấm lòng thiết tha kêu gọi thực hiện “một cuộc đối thoại chân thực các nền văn hóa và tôn giáo rất ư là khẩn trương ngày nay”. Những gì ngài đã trích dẫn từ nguồn liệu lịch sử chỉ làm sáng tỏ một lịch sử dài cùng với cái cảm thức sâu đậm chất chứa nơi những chia rẽ giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo – và cho thấy khẩn trương biết bao cần phải thực hiện việc đối thoại như vậy.
“Năm ngoái, vị Giáo Hoàng này đã gặp thành phần lãnh đạo tín đồ Hồi Giáo ở Cologne, và cũng ở tại đó, ngài đã diễn tả việc đối thoại với Hồi Giáo “là một nhu cầu sống còn chi phối một phần lớn tương lai của chúng ta”. Cái nhu cầu sống còn đã được Giáo Hội nhận thấy lâu đời này là những gì cũng đã được các vị lãnh đạo Công Giáo lập lại cách đây 40 năm trước ở Công Đồng Chung Vaticanô II.
“Các vị giám mục, thành phần có Cha Ratzinger trẻ trung làm cố vấn thần học, bấy giờ viết trong tuyên ngôn ‘Nostra Aetate’ rằng: ‘Giáo Hội tỏ ra trân trọng tín đồ Hồi Giáo. Họ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và tự hữu, nhân hậu và toàn năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất, Đấng đã nói với con người; họ tỏ ra hết lòng thuận phục những chỉ thị khôn thấu của Ngài, như Abraham, vị được niềm tin Hồi Giáo thiết tha gắn bó, thuận phục Thiên Chúa. Mặc dù họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, họ cũng tôn kính Người như là một vị tiên tri.
“‘Họ cũng tôn kính Đức Maria, vị trinh mẫu của Người; có những lúc họ còn tha thiết kêu cầu Mẹ. Ngoài ra, họ còn trông đợi ngày thẩm phán là lúc Thiên Chúa sẽ trả công cho tất cản những ai được sống lại từ trong kẻ chết. Sau hết, họ trân trọng đời sống luân lý và việc tôn thờ Thiên Chúa, nhất là bằng việc nguyện cầu, bố thí và chay tịnh’.
“Qua các thế kỷ, không ít vụ cải vã và hận thù xẩy ra giữa tín hữu Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo. Phải công nhận rằng mối liên hệ giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo bao giờ cũng là những gì monh manh mỏng dòn. Bởi vậy vấn đề vẫn chưa sáng tỏ là cơn bão tố căm phẫn hiện nay có đe dọa tới việc liên hệ khả dĩ sau này hay chăng giữa tín đồ Hồi Giáo và tín đồ Kitô Giáo, hay những bộ óc hạ nhiệt sẽ xẩy ra , nhờ đó việc thẳng thắn tôn trọng toàn bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng sẽ cống hiến những cơ hội mớicho một cuộc đối thoại vô tư và thực sự hơn giữa các phần tử của hai tôn giáo toàn cầu.
“Trong quá khứ, thường những tiếng nói của thành phần tín đồ Hồi Giáo ôn hòa, hoặc vì sợ hay vì một cảm quan sai lầm về tình đoàn kết phái nhóm, đã chưa từng được nghe thấy. Thế nhưng, may mắn thay, ở đây đó đang có những dấu hiệu phấn khởi cho thấy điều này đang đổi thay – và nếu vậy sẽ có một số thành phần thiện chí xuất hiện vào giai đoạn này.
“Và trong khi thế giới Hồi Giáo và tín đồ Hồi Giáo rất nhậy cảm với những ai nói về Hồi Giáo, nhất là khi những người nói ấy không thuộc về niềm tin Hồi Giáo, khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI lên án động lực tôn giáo biện minh cho bạo lực, ngài thật sự là thể hiện được cảm thức và ước mong của hằng triệu tín đồ Hồi Giáo khắp thế giới đồng ý rằng tôn giáo không thể nào là nguồn gốc của một cuộc xung khắc, một cuộc chiến tranh hay bất cứ một thứ bạo động nào.
“Vấn đề có thể là và thực sự là nhiều điều chung nơi ba tôn giáo lớn của Thánh Kinh, như Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo đôi khi được diễn tả. Thành phần tín đồ của từng đạo trong 3 tôn giáo này công nhận Abraham là cha của mình trong đức tin. Thế nhưng, cái căn gốc chung này chỉ có thể tìm thấy, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhấn mạnh, bằng một thái độ tương kính và chân tình đối thoại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/10/2006
Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Con Người / Dies Hominis: Chúa Nhật: Ngày của Niềm Vui, Nghỉ Ngơi và Kết Đoàn
Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006)
“Niềm vui trọn vẹn” của Chúa Kitô
55. “Phúc thay cho ai nâng ngày Chúa Nhật trọng đại lên trên tất cả mọi ngày khác. Các tầng trời và trái đất, các thiên thần và loài người đều cảm thấy hân hoan vui thú” (99). Tiếng kêu này của phụng vụ lễ nghi Maronite nắm bắt được thật sự những tiếng reo vang mạnh mẽ của niềm vui bao giờ cũng làm nên đặc tính của Chúa Nhật nơi phụng vụ của cả Đông lẫn Tây. Ngoài ra, theo lịch sử, ngay cả trước khi nó được coi như là một ngày nghỉ ngơi - một ngày dù sao theo lịch dân sự cũng không phải là ngày nghỉ – thì Kitô hữu đã cử hành ngày trong tuần về Chúa Phục Sinh này chính yếu như là một ngày hân hoan. “Vào ngày thứ nhất trong tuần, tất cả anh chị em đều phải hân hoan”, cuốn Didascalia đã khuyến giục như thế (100). Điều này cũng được chú trọng qua việc thực hành phụng vụ, ở việc chọn lựa những cử chỉ thích đáng (101). Khi làm vang lên nhận thức được lan truyền rộng rãi trong Giáo Hội, Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả niềm vui của Ngày Lễ Phục Sinh hằng tuần như sau: “Việc chay tịnh, được để sang một bên, và những lời nguyện cầu được đứng đọc, như một dấu hiệu của cuộc Phục Sinh, một cuộc Phục Sinh cũng là lý do tại sao Alleluia được hát lên vào mỗi Chúa Nhật” (102).
56. Ngoài những hình thức về lễ nghi riêng biệt, những hình thức có thể thay đổi theo thời gian tùy theo qui định của Giáo Hội, vấn đề vẫn là Chúa Nhật, như âm vang hằng tuần về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ không ngừng được đánh dấu bằng niềm hân hoan khi các môn đệ chào Thày của các vị: “Các môn đệ hân hoan khi trông thấy Chúa” (Jn 20:20). Điều này củng cố những lời được Chúa Giêsu nói trước Cuộc Khổ Nạn và là những lời được vang vọng nơi mọi thế hệ Kitô hữu: “Các con sẽ sầu khổ, nhưng nỗi sầu khổ của các con sẽ trở thành niềm vui” (Jn 16:20). Người lại đã chẳng nguyện cầu cho điều này hay sao, để các môn đệ được hoan hưởng “trọn vẹn niềm vui của Người” (x Jn 17:13)? Tính chất vui mừng của Thánh Thể Chúa Nhật thể hiện niềm vui Chúa Kitô thông đạt cho Giáo Hội của Người qua tặng ân Thần Linh. Niềm vui thực sự là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần (x Rm 14:17; Gal 5:22).
57. Bởi thế, nếu chúng ta muốn tái nhận thức trọn vẹn ý nghĩa của Chúa Nhật, chúng ta cần phải tái nhận thức khía cạnh này của cuộc sống đức tin. Thật sự là niềm vui Kitô giáo cần phải làm sao đánh dấu tất cả đời sống, chứ không phải chỉ một ngày duy nhất trong tuần. Thế nhưng, vì tính cách quan trọng của nó như là ngày của Chúa Phục Sinh, ngày cử hành việc Thiên Chúa tạo dựng và “tân tạo”, Chúa Nhật là ngày của niềm vui một cách rất đặc biệt, thật sự là một ngày xứng hợp nhất để biết làm sao hân hoan và tái nhận thức bản chất đích thực và căn nguyên sâu xa của niềm vui. Niềm vui này không bao giờ được lẫn lộn với những cảm tình hời hợt của thỏa mãn và khoái thú là những gì làm mê mẩn các giác quan và cảm xúc trong chốc lát, nhưng để lại cho tâm can những hụt hẫng, thậm chí có lẽ còn đắng cay nữa là đàng khác. Theo quan điểm Kitô giáo thì niềm vui là những gì lâu bền và thỏa nguyện; như các thánh nhân chứng thực, nó có thể tồn tại ngay cả trong đêm tối tăm đau khổ (103). Ở một nghĩa nào đó, nó là một “nhân đức” cần phải được duy dưỡng.
58. Tuy nhiên, không có gì là xung khắc giữa niềm vui Kitô giáo và những niềm vui nhân bản đích thực, những niềm vui thực sự được thăng hóa và có một nền tảng sâu xa nơi niềm vui của Chúa Kitô hiển vinh, Đấng là hình ảnh trọn hảo về con người và là mạc khải về con người theo ý định của Thiên Chúa. Như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI viết trong Tông Huấn về niềm vui Kitô giáo: “Tự bản chất, niềm vui Kitô giáo là một thứ tham dự vào niềm vui khôn thấu, vừa thần linh vừa nhân loại, nơi tâm can của Chúa Kitô vinh hiển” (104) Đức Giáo Hoàng Phaolô đã kết bức Tông Huấn của mình bằng việc yêu cầu là, vào Ngày Của Chúa, Giáo Hội cần phải mãnh liện làm chứng cho niềm vui được các Tông Đồ cảm nghiệm khi các vị thấy Chúa vào tối Phục Sinh. Để đạt được mục đích ấy, ngài đã thôi thúc các vị chủ chăn hãy nhấn mạnh “tới nhu cầu đối với thành phần lãnh nhận phép rửa trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật một cách hân hoan. Làm sao họ có thể coi thường cuộc gặp gỡ này, bữa tiệc được Chúa Kitô vì yêu dọn ra cho chúng ta được chứ? Chớ gì việc chúng ta tham dự vào bữa tiệc gặp gỡ này là việc làm xứng đáng nhất và vui sướng nhất! Chúnh Chúa Kitô, Đấng tử giá và hiển vinh, Đấng đến giữa các môn đệ của mình, dẫn tất cả họ cùng tiến vào cái mới mẻ của Việc Người Phục Sinh. Đó là tột đỉnh, trên thế gian này, của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Ngài: là dấu hiệu và là nguồn hân hoan Kitô giáo, là chặng đường tiến về bữa tiện trường sinh” (105). Cái nhãn quan đức tin này cho thấy Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cần phải thực sự là “thời gian cử hành”, một ngày được Thiên Chúa ban cho con người nam nữ để họ được hoàn toàn tăng trưởng về nhân bản cũng như về thiêng liêng.
(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)