GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 12/11/2006

 TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”

?  Văn Kiện của Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh phổ biến ngày 10/10/2006 về chủ đề “Việc Chiến Đấu Chống Tình Trạng Băng Hoại”

?   Ngày của Chúa - Dies Domini / Ngày của mọi ngày – Dies Dierum: Chúa Nhật trong Phụng Niên

 

 

 

? ĐTC Biển Đức XVI: “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”

 

Huấn Từ cho Công Nghị Toàn Ý Quốc Về  Giáo Hội Lần 4 ở Trung Tâm Triển Lãm Verona 19/10/2006

 

Anh chị em thân mến,

 

Hôm nay tôi rất vui được hiện diện với quý vị tại thành phố Verona xinh đẹp và đầy tính lịch sử, để tích cực tham dự vào Hội nghị toàn quốc về Giáo hội tại Ý đại lợi lần thứ tư. Tôi xin gởi đến tất cả quý vị lời chào thân thiết trong Chúa.

 

Tôi xin cám ơn Đức hồng y Camillo Ruini, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, và bác sỹ Giovanna Girlanda, đại diện Giáo phận Verona, đã thay mặt toàn thể quý vị có những lời chào đón nồng nhiệt đến tôi cũng như đã có bài tóm lược về diễn tiến của Hội nghị.

 

Tôi xin cám ơn Đức hồng y Dionigi Tettamanzi, Chủ tịch Ban chuẩn bị, và tất cả những ai đã làm việc để thực hiện chương trình. Tôi xin chân thành cám ơn từng người ở đây, qua sự hài hòa êm đềm, đại diện cho các thành phần của Giáo hội Ý đại lợi: Đức giám mục giáo phận Verona Flavio Roberto Carraro, là người tiếp đón chúng ta; các Đức giám mục, linh mục và phó tế, các tu sĩ nam nữ, và quý vị giáo dân là những người nói lên thực trạng của giáo dân Công giáo tại Ý.

 

Cuộc hội nghị lần thứ 4 là một bước tiến mới trên con đường thực hiện những chỉ đạo của Công đồng Vatican II, mà Giáo hội Ý đã thi hành từ những năm ngay sau khi Công đồng diễn ra.

 

Trước tiên, đây là một con đường hiệp thông với Chúa Cha và với Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và vì thế hiệp thông giữa chúng ta trong sự kết hợp với Thân thể Đức Kitô (x. 1 Jn 1,3; I Cor 12,12-13). Đây là con đường hướng đến sự truyền bá để làm cho đức tin sống động và mạnh mẽ trong Dân tộc Ý. Vì thế đây là một lời chứng trung kiên về tình yêu đối với nước Ý và sự thanh bình năng động để mang lại hữu ích cho những người con của quốc gia này.

 

Cuộc hành trình của Giáo hội Ý đã diễn tiến trong sự kết hợp liên tục và chặt chẻ với vị Thừa tự thánh Phêrô: Tôi hân hạnh được nhắc lại với quý vị về Người Tôi tớ Chúa là ĐTC Phaolô VI, người đã khởi xướng cuộc hội nghị đầu tiên vào năm 1976, và ĐTC Gioan Phaolô II đã trình bày các Điều chia sẻ căn bản của ngài tại Cuộc hội nghị ở Loreto và Palermo; những điều này đã tăng cường lòng tự tin của Giáo hội Ý để phấn đấu hầu đức tin vào Chúa Giêsu Kitô tiếp tục mang lại cho những người thời nay sự giác ngộ và sự định hướng về sự hiện hữu [của con người]; vì thế ngài đã đóng “vai trò dẫn đầu và năng lực thu hút hiệu quả” trong cuộc hành trình của Nước này đi đến tương lai (x. Bài diễn văn tại cuộc hội ngộ với Giáo hội Ý tại Loreto, ngày 11 tháng 4 năm 1985; L’Osservatore Romano, bản tiếng Anh, ngày 6 tháng 5, tr. 5).

 

Chúa Kitô Phục Sinh: Tâm điểm của cuộc sống

 

Cũng trong tinh thần này tôi đến Verona hôm nay để cùng với quý vị cầu nguyện và chia sẻ, tuy hơi ngắn ngủi, công việc của những ngày này, và trình bày với quý vị lời suy niệm của tôi về điều xem như là ưu tiên đối với sự hiện diện của Kitô giáo tại nước Ý.

 

Quý vị đã có một sự lựa chọn thích đáng khi đặt Chúa Kitô Phục Sinh vào tâm điểm của Hội nghị, cũng như vào tất cả đời sống và sự nhân chứng của Giáo hội tại Ý. Sự phục sinh của Đức Kitô là một sự kiện lịch sử, được các Tông đồ chứng kiến chứ không phải chế tạo ra. Đồng thời, đây không đơn thuần là một sự trở lại với đời sống trên trái đất, nhưng là một sự “đột biến” vĩ đại nhất đã xảy ra, một “cú nhảy vọt” quyết liệt hướng tới một chiều kích vô cùng mới mẻ của cuộc sống, đi vào một trật tự hoàn toàn khác biệt mà chú trọng trên hết là Đức Giêsu thành Nazarét, và với Ngài là chúng ta, gia đình nhân loại, lịch sử, và hết thảy vũ trụ.

Đó là lý do tại sao sự Phục Sinh của Đức Kitô là tâm đểm của sự rao giảng và làm chứng của người Kitô giáo từ khởi đầu cho đến tận thế. Đây thực sự là một mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm cứu chuộc được kiện toàn trong sự Phục Sinh của Ngôi Lời Nhập Thể, một cuộc phục sinh báo hiệu và bảo đảm niềm hy vọng của chúng ta. Nhưng dấu ấn của mầu nhiệm này là tình yêu, và chỉ trong lý lẽ của tình yêu mới có thể chạm tới và thấu hiểu được điều này: Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, bởi vì tất cả bản thân Ngài được kết hợp một cách mật thiết và trọn vẹn với Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu mãnh liệt hơn sự chết.

Ngài mang một Sự Sống không thể bị hủy diệt và vì thế, Ngài có thể dâng hiến sự sống mình, để mình bị giết đi, nhưng Ngài không thể hoàn toàn thua sự chết: trong bữa tiệc ly Ngài đã vì tình yêu cụ thể ngưỡng và đón nhận cái chết của Ngài trên thập giá, do đó biến đổi việc hiến ban sự sống của Ngài thành một món quà tặng bản thân mình, để mang lại sự sống, giải thoát, và sự cứu rỗi cho chúng ta.

Vì thế, sự Phục Sinh của Ngài trở nên như một sự bùng nổ rạng ngời, một sự bùng nổ yêu thương làm cho xiềng xích tội lỗi và chết chóc bị chặt đứt. Sự kiện này tạo nên một chiều kích sự sống và thực trạng mới, từ đó xuất hiện một thế giới mới và liên tục thấm nhập thế giới chúng ta, biến đổi nó và thu hút chúng ta vào chính Ngài.

Tất cả những điều này xảy ra một cách cụ thể nơi đời sống và việc làm chứng của Giáo hội; đúng hơn, chính Giáo hội là hoa quả đầu tiên của sự biến đổi này, là công việc của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta. Sự biến đổi ấy đến với chúng ta qua đức tin và Bí tích Thanh tẩy, một biến đổi thực sự là sự chết và sự phục sinh, sự tái sinh, sự biến đổi thành một đời sống mới. Đây là điều mà thánh Phaolô đã bày tỏ trong thư gởi đến cộng đoàn Galata: “Không phải là tôi sống mà là Chúa sống trong tôi” (2,20). Vì thế, căn tính chính yếu của đời sống tôi được thay đổi bởi Bí tích Thanh tẩy, và tôi chỉ tiếp tục hiện hữu trong trạng thái đã thay đổi này.

Con người riêng của tôi đã được lột bỏ và tôi được trở thành tràn đầy với một chủ thể mới và cao cả hơn, trong đó cái ‘Tôi’ của tôi vẫn còn đó những đã được biến đổi, thanh tẩy, và ‘hướng tới’ một cuộc hội nhập với ‘Cái Tôi Khác’, Đấng chiếm một chỗ đứng mới trong đời sống của tôi. Vì thế, chúng ta trở nên “một với Đức Kitô” (Gal 3,28), một chủ thể mới duy nhất, và cái “Tôi” của chúng ta được giải thoát khỏi tình trạng đơn độc của nó.

‘Tôi, nhưng không còn là Tôi’: đây là công thức của đời sống Kitô giáo được cấu tạo nơi bí tích Thanh tẩy, một công thức cho sự phục sinh trong thời gian, công thức cho ‘việc canh tân” Kitô Giáo cần thiết để biển đổi thế giới.

Nỗi vui mừng Phục Sinh của chúng ta là ở chỗ ấy. Ơn gọi và trách nhiệm Kitô giáo của chúng ta là ở chỗ hợp tác để cả hai được kiện toàn một cách hiệu quả trong thực trạng hằng ngày của đời sống chúng ta những gì Chúa Thánh Thần đã hoàn thành trong chúng ta qua bí tích Thanh tẩy. Thực vậy, chúng ta được mời gọi trở nên những con người nam nữ mới, có thể thành những chứng tá đích thực của Đấng Phục Sinh, nhờ đó thành người đem sự vui mừng và niềm hy vọng đến cho thế giới, cụ thể là ở trong cộng đồng của những con người nam nữ chúng ta đang sống.

 

(bài huấn từ dài này còn tiếp 6 lần nữa mới hết)

Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/october/documents/hf_ben-xvi_spe_20061019_convegno-verona_en.html

 

 

TOP

 

 

? Văn Kiện của Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh phổ biến ngày 10/10/2006 về chủ đề “Việc Chiến Đấu Chống Tình Trạng Băng Hoại”

 

Hiện tượng băng hoại: Bản Chất, Nguyên Nhân và Hậu Quả

 

4-         Nếu vấn đề băng hoại gây thiệt hại trầm trọng theo quan điểm vật chất và gây gánh nặng cho việc tăng trưởng về kinh tế thì nó lại càng gây thiệt hại hơn nữa bởi ảnh hưởng của nó nơi những sản vật không phải là vật chất, những gì có liên hệ chặt chẽ với phẩm chất và chiều kích nhân bản của đời sống trong xã hội. Vấn đề băng hoại về chính trị, như Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội dạy, ‘làm tổn hại tới phận vụ đúng đắn của quốc gia, gây ra một ảnh hưởng tiêu cực cho mối liên hệ giữa thành phần cai trị với thành phần bị trị. Nó gây ra tình trạng gia tăng ngờ vực đối với các tổ chức công cộng, mang lại một niềm ác cảm mỗi ngày một hơn nơi thành phần công dân về vấn đề chính trị và thành phần đại diện chính trị, tiến tới chỗ làm suy yếu đi các cơ cấu tổ chức’ (khoản 411).

 

Có những liên hệ rất rõ ràng và được chứng thực bằng kinh nghiệm giữa vấn đề băng hoại và việc thiếu vắng văn hóa, giữa băng hoại và những hạn chế về tác hành nơi các hệ thống tổ chức, giữa băng hoại với chỉ số phát triển của con người, giữa băng hoại với các thứ bất công trong xã hội. Đó không phải chỉ là một tiến trình làm suy yếu đi guồng máy kinh tế: Băng hoại là những gì làm cản trở việc phát động con người và làm cho xã hội trở nên kém chân chính và ít vươn lên.

 

5.         Giáo Hội coi tình trạng băng hoại là một sự kiện rất trầm trọng làm méo mó guồng máy chính trị. Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội cho thấy một nhận định rất tiêu cực như sau: ‘Băng hoại làm méo mó một cách sâu xa vai trò của các cơ cấu đại diện, vì chúng được sử dụng như một đấu trường đổi chác về chính trị giữa những yêu cầu của thân chủ và các dịch vụ của chính quyền. Bởi đó, những quyết định chính trị thiên về những mục tiêu nhỏ hẹp của những ai có được phương tiện ảnh hưởng đến các quyết định ấy, và là một trở ngại trong việc mang lại công ích cho tất cả mọi người công dân’ (khoản 411). Băng hoại được liệt kê ‘trong số những căn nguyên góp phần rất nhiều vào tình trạng chậm phát triển và nghèo khổ’ (khoản 447), và đôi khi nó cũng xẩy ra trong chính guồng máy viện trợ cho các quốc gia nghèo nữa.

 

Tình trạng băng hoại làm cho dân chúng bị hụt hẫng một thứ công ích căn bản, đó là thứ công ích về tính cách hợp pháp, ở chỗ tôn trọng các qui luật, ở chỗ hành sử đúng đắn các cơ cấu kinh tế và chính trị cùng với tính cách minh bạch. Tính cách hợp pháp thực sự là một thứ công ích giành cho hết mọi người. Thật vậy, nó là một yếu tố quan trọng cho việc phát triển, vì tính cách hợp pháp có thể thiết lập mối liên hệ đúng đắn giữa xã hội, kinh tế và chính trị, cũng như vì nó có thể hiện thực môi trường tin tưởng làm nền tảng cho hoạt động kinh tế. Là ‘một thứ công ích’, nó cần phải được tất cả mọi dân tộc cổ võ, thật sự là tất cả mọi dân tộc đều có quyền hưởng cái sự thiện là tính cách hợp pháp này. Tính cách hợp pháp là một trong số những gì con người nam nữ có quyền sở hữu bởi việc làm người của họ. Việc thực hiện và nền văn hóa băng hoại cần phải được thay thế bằng việc thực hành và văn hóa có tính cách hợp pháp. 

 

6.         Theo quan điểm chế ngự nạn băng hoại thì hết mọi diễn tiến tích cực đều được thấy việc chuyển tiếp từ những xã hội độc đoán đến các xã hội dân chủ, từ các xã hội khép kín đến những xã hội cởi mở, từ những xã hội theo hàng dọc đến các xã hội theo hàng ngang, từ các xã hội tập quyền đến những xã hội phân quyền. Thế nhưng, cuộc chuyển giao không phải là một cái gì tích cực tự nhiên xẩy ra. Rất cần phải cẩn thận để việc cởi mở mới không làm suy yếu đi sức mạnh của những niềm xác tín về luân lý và tính cách đa nguyên không trở thành những gì cản trở cho những liên hệ xã hội vững chắc. Việc khủng hoảng về những tiêu chuẩn luân lý nơi nhiều xã hội tiến bộ có thể là những gì che đậy một mối hiểm nguy cả thể của nạn băng hoại, cả thể như mối nguy hiểm xẩy ra nơi cái khắt khe của nhiều xã hội cổ xưa. Có những thứ xã hội được cấu tạo cao, rất khắt nghiệt và khép kín, và thậm chí có những xã hội độc đoán về nội tại hay đối với thế giới bên ngoài. Có những xã hội tỏ ra linh động nhiều hơn và di động nhiều hơn, với những cấu trúc hợp lý cùng với những tổ chức dân chủ cởi mở và tự do.

 

Một mặt chúng ta có thể nhận thấy làm thế nào nạn băng hoại có thể dễ dàng xẩy ra nơi loại đầu tiên của các xã hội, vì nó khó nhận thấy được sự hiện diện của nạn băng hoại nơi những xã hội ấy: Những ai gây ra băng hoại và những ai làm kẻ khác bị băng hoại vẫn có thể là thành phần thầm kín, thậm chí họ còn được bảo vệ khi xẩy ra vấn đề thiếu minh bạch và khi quốc gia không biết căn cứ một cách chính đáng vào qui tắc của luật lệ. Nạn băng hoại có thể tự mình vĩnh tồn vì nó có thể dựa vào tình trạng ổn định. Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy làm cách nào mà, nơi loại thứ hai của các xã hội cũng có cả những thứ nguy hiểm ẩn nấp ở đó nữa. Tính cách đa nguyên thái quá có thể trở thành nguyên nhân gây ra việc làm suy yếu đi việc đồng thuận về đạo lý của thành phần công dân. Cái lộn xộn xuất phát từ những lối sống khác nhau cũng có thể làm yếu kém đi nhận định về luân lý liên quan tới vấn đề băng hoại. Việc biến mất những giới hạn về nội tại cũng như ngoại tại ấy của các xã hội này có thể là những gì dẫn tới chỗ làm dễ dàng hóa việc xuất cảng nạn băng hoại trên thế giới.


(Văn kiện dài này được chia làm 4 đoạn, sẽ được phổ biến vào các ngày kế tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/10/2006 (người dịch tự chia văn kiện này thành hai phần dưới hai tiểu đề cho dễ nhận thức bố cục và  nội dung của vấn đề được trình bày) 

 

 

TOP

 

 

?  Ngày của Chúa - Dies Domini / Ngày của mọi ngày – Dies Dierum: Chúa Nhật trong Phụng Niên

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006) 

 

76.          Qua việc tái diễn hằng tuần, Ngày của Chúa được bắt nguồn từ truyền thống cổ kính nhất của Giáo Hội và là những gì hết sức quan trọng đối với Kitô hữu. Thế nhưng, cũng có một tiến trình nữađã sớm tự hình thành đó là chu kỳ phụng vụ hằng năm. Thật vậy, tâm lý con người muốn cử hành những dịp kỷ niệm, liên quan đến việc trở về của những ngày tháng thuộc các biến cố quá khứ đáng tưởng nhớ. Khi những biến cố ấy là những gì quan trọng nơi đời sống của một người thì chúng thường tạo nên bầu khí vui mừng, khác với tính cách đơn thuần tẻ nhạt của thói quen hằng ngày.

 

Vậy, theo ý định của Thiên Chúa, các đại biến cố cứu độ mà nhờ đó Giáo Hội được hình thành đều có liên quan chặt chẽ với các lễ hằng năm của dân Do Thái là Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần, và được tiên báo trước nơi những lễ ấy. Từ thế kỷ thứ hai, việc cử hành Lễ Phục Sinh hằng năm của Kitô hữu – khi việc cử hành Phục Sinh hằng tuần được thêm vào – đã giúp làm tăng thêm hơn nữa việc suy tưởng mầu nhiệm Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Được mở đầu bằng việc chay tịnh dọn lòng, được cử hành bằng một lễ vọng dài, được kéo dài thành 50 ngày cho tới lễ Hiện Xuống, lễ Phục Sinh – ‘lễ trọng nhất trong các lễ trọng’ – trở thành một ngày tuyệt hảo cho việc thành phần dự tòng gia nhập đạo. Nhờ phép rửa, họ chết đi cho tội và phục hồi một sự sống mới vì Chúa Giêsu ‘đã chết đi cho tội lỗi của chúng ta và đã sống lại cho chúng ta được công chính hóa’ (Rm 4:25, 6:3-11). Liên kết chặt chẽ với Mầu Nhiệm Vượt Qua, Lễ Trọng Hiện Xuống mang một tầm vóc đặc biệt quan trọng, cử hành việc Thánh Linh hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ bấy giờ đang qui tụ bên Mẹ Maria, và mở màn cho sứ vụ truyền giáo cho tất cả mọi dân nước (120).

 

77.          Lý lẽ về việc tưởng nhớ tương tự đã hướng dẫn việc sắp xếp cả Năm Phụng Vụ. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở là Giáo Hội muốn cho cả một năm tràn đầy ‘trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, từ biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày Hiện Xuống và đến cuộc hy vọng đợi trông việc Chúa trở lại. Nhờ việc tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Giáo Hội mở ra cho tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp của Chúa, làm cho những sự này hiện diện một cáchnào đó qua mọi thời đại, để tín hữu có thể tiến tới với những sự này và được những sự ấy làm tràn đầy ơn cứu độ’ (121).

 

Sau Phục Sinh và Hiện Xuống, cuộc cử hành long trọng nhất chắc chắn là Lễ Chúa Giáng Sinh, thời điểm Kitô hữu suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và chiêm ngưỡng Lời Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương mặc lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta được thông phần vào thần tính của Người.

 

78.          Cũng thế, ‘trong việc cử hành chu kỳ hằng năm các mầu nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh đặc biệt mến yêu tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vị muôn đời được liên kết với công cuộc cứu độ của Con Mẹ’ (122). Tương tự như vậy, bằng việc đưa vào chu kỳ hằng năm việc tưởng nhớ các thánh tử đạo và các thánh khác nhân dịp kỷ niệm của các vị, ‘Giáo Hội loan báo mầu nhiệm Phục Sinh của các thánh, những vị đã chịu khổ với Chúa Kitô và giờ đây cùng Người đang được vinh quang’ (123) Khi cử hành theo tinh thần thực sự của phụng vụ, thì việc tưởng niệm các thánh không làm lu mờ đi tính cách trọng yếu của Chúa Kitô, mà trái lại, còn đề cao tính cách này nữa, khi thực sự cho thấy quyền năng cứu chuộc do Người mang lại. Thánh Paulinus Nola xướng lên rằng: ‘Tất cả mọi sự qua đi, thế nhưng vinh quang của các thánh tồn tại trong Chúa Kitô, Đấng canh tân tất cả mọi sự, trong khi chính Người tồn tại không đổi thay’ (124). Mối liên hệ nội tại giữa vinh quang của các thánh với vinh quang của Chúa Kitô làm thành diễn tiến của Năm Phụng Vụ, và được thể hiện sống động nhất nơi tính chất sâu xa chủ yếu của Chúa Nhật là Ngày của Chúa. Việc theo dõi các mùa của Phụng Niên từ đầu đến cuối nơi vấn đề giữ Ngày Chúa Nhật, việc dấn thân về giáo hội và thiêng liêng của người Kitô hữu tiến đến chỗ sâu xa gắn liền với Chúa Kitô, với Đấng tín hữu thấy được lý do để sống và là Đấng nhờ Người họ được đỡ nâng và hứng khởi.

 

79.          Bởi thế, Chúa Nhật hiện lên như là một mẫu mực tự nhiên cho việc hiểu biết và cử hành những ngày lễ ấy của Phụng Niên, những ngày lễ có một giá trị đối với đời sống Kitô hữu ở chỗ Giáo Hội đã muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chúng khi làm cho chúng trở thành những gì buộc tín hữu phải tham dự Thánh Lễ và giữ giờ giấc nghỉ ngơi, cho dù những ngày lễ ấy có rơi vào các ngày khác trong tuần (125). Số những ngày lễ ấy đã được đổi thay tùy thời, vì những điều kiện về xã hội và kinh tế, và chúng đã được truyền thống thiết lập một cách vững chắc cùng được luật lệ dân sự hỗ trợ rất nhiều (126).

 

Các khoản giáo luật và phụng vụ hiện nay cho phép mỗi một Hội Đồng Giám Mục, vì hoàn cảnh riêng biệt nơi xứ sở của mình, có thể giảm bớt danh sách Các Lễ buộc. Bất cứ quyết định nào về vấn đề này cũng cần phải được Tòa Thánh đặc biệt phê chuẩn (127), và trong những trường hợp như thế, việc cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, như Lễ Hiển Linh, Thăng Thiên hay Mình Máu Thánh Chúa, cần phải dời vào Chúa Nhật, theo các qui tắc phụng vụ, nhờ đó tín hữu không mất cơ hội suy niệm về mầu nhiệm ấy (128). Các vị Chủ Chiên cũng cần phải để ý khuyến khích tín hữu tham dự Thánh Lễ vào các ngày lễ khác được cử hành trong tuần (129).

 

80.          Cần phải đặc biệt quan tâm về mục vụ tới nhiều trường hợp có nguy cơ là các truyền thống dân gian và văn hóa của một miền nào đó len lỏi vào việc cử hành các Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ phụng vụ khác, pha trộn tinh thần của đức tin chân thực Kitô giáo với những yếu tố xa lạ với tinh thần này và có thể làm méo mó tinh thần ấy. Trong những trường hợp như vậy, giáo lý và những sáng kiến khôn ngoan về mục vụ cần phải làm sáng tỏ những trường hợp ấy, loại trừ đi tất cả những gì bất xứng hợp với Phúc Âm của Chúa Kitô. Đồng thời cũng không được quên rằng những truyền thống này – và, tương tự như thế, có cả một số những sáng kiến về văn hóa mới đây trong xã hội dân sự – thường hiện thực các thứ giá trị không khó khăn trong việc hội nhập với các đòi hỏi của đức tin. Các Vị Mục Tử cần phải khôn ngoan sáng suốt trong việc bảo trì những thứ giá trị chân thực nơi văn hóa của một môi trường xã hội riêng biệt nào đó, nhất là nơi lòng đạo đức phổ thông, nhờ đó, việc cử hành phụng vụ – nhất là vào Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng – không bị thiệt thòi mà thực sự mang lại lợi ích (130).

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ